Vì sao phản kháng xã hội bùng nổ khắp thế giới những tháng gần đây?

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20013
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Vì sao phản kháng xã hội bùng nổ khắp thế giới những tháng gần đây?

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           



    Vì sao phản kháng xã hội
    bùng nổ khắp thế giới
    những tháng gần đây?

    ____________________________________
    Trọng Thành _ 12-11-2019



              

    Một người biểu tình phản kháng tại Santiago, Chilê, 25/10/2019.
    REUTERS/Pablo Sanhueza

              



    Trong những tháng gần đây, trên khắp thế giới, từ Đông sang Tây, từ Nam chí Bắc, hàng loạt phong trào xã hội bùng lên. Dường như có những nguyên nhân chung sâu xa đằng sau các cuộc phản kháng này. Nhật báo Le Monde số ra ngày 09/11/2019, đúng 30 năm sau ngày Bức tường Berlin sụp đổ, có hồ sơ đặc biệt mang tựa đề ''Tìm về cội rễ những phẫn nộ mang tính toàn cầu''. RFI xin giới thiệu một số nét chính.




    Một số đặc điểm sơ bộ của các cuộc phản kháng xã hội gần đây

    Từ Beyrouth, Bagdad, Cairo (Trung Cận Đông), đến Alger, Khartoum (châu Phi), Santiago, Haiti (châu Mỹ), Hồng Kông (châu Á) … các phong trào phản kháng nổi lên với các lý do trực tiếp rất khác nhau.
    • Gần đây nhất là tại Chilê, tia lửa bùng lên vào giữa tháng 10/2019 với việc chính quyền tăng giá xe điện ngầm ở thủ đô.
    • Tại Liban, khoản thuế mới đánh vào các dịch vụ điện thoại WhatsApp gây phẫn nộ.
    • Trong nửa đầu tháng 10 vừa qua, phong trào bùng phát tại Ecuador, do giá xăng tăng cao,
      cùng một nguyên nhân với cuộc phản kháng ''Áo Vàng'' tại Pháp cách nay một năm.


    Trong bài trả lời phỏng vấn Le Monde, nhà chính trị học Bertrand Badie (1) tổng hợp ba nhóm nguyên nhân trực tiếp.
    1. Thứ nhất là các lý do được ví như ''giọt nước tràn ly'' trên cái nền bất mãn xã hội và kinh tế sâu sắc, như một số trường hợp nêu trên.
    2. Nhóm nguyên nhân trực tiếp thứ hai là sự phẫn nộ của dân chúng chống lại các lãnh đạo bấu víu quyền lực,
      • như phong trào tại Algéri từ hơn nửa năm nay
      • và tại Bolivia mới đây.
    3. Nhà chính trị học Bertrand Badie xếp trường hợp đặc biệt Hồng Kông thành một nhóm riêng,
      ông nhấn mạnh đây là cuộc phản kháng của dân chúng chống lại các đàn áp của chính quyền, được Bắc Kinh hậu thuẫn.


    Các cuộc phản kháng hiện nay làm nhớ lại một số phong trào xã hội bùng lên vào giai đoạn 2011, 2012, đặc biệt với phong trào Mùa Xuân Ả Rập. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, tần suất các cuộc phản kháng hiện nay gia tăng gấp bội. Nhà chính trị học Maria J. Stephan, Viện U.S. Institute of Peace (Mỹ), nhận xét:
    • ''Các cuộc phản kháng - với sự tham gia của đông đảo dân chúng diễn ra khắp nơi, trong các nền dân chủ, cũng như trong các xã hội phi dân chủ, với các yêu sách rộng lớn – đã trở thành một đặc điểm quan trọng của đời sống chính trị quốc tế hiện nay''.






    Những nguyên nhân sâu xa chung nào đằng sau các cuộc phản kháng đa dạng này ?

    Nhà phân tích Maria Fantappie, của International Crisis Group, đưa ra một nhận xét đáng chú ý:
    • ''Không nên tìm cách lý giải các phong trào này chỉ qua bối cảnh cụ thể của một quốc gia,
      mà cần phải tìm hiểu về chúng như là sự biểu hiện cho một tình trạng thất vọng chung về toàn bộ một hệ thống, về một thể chế kinh tế tân tự do, đang gây ra những bất mãn ghê gớm, đặc biệt trong giới những người trẻ tuổi nhất.
      Tất cả những điều này liên hệ mật thiết với nhau''.


    Theo Le Monde, đối với nhiều chuyên gia, các phong trào phản kháng đang diễn ra có một số điểm chung :
    • mức độ phản kháng chống lại giới tinh hoa mạnh hơn bình thường,
    • lên án mạnh mẽ hơn nạn tham nhũng,
    • các định chế chính trị đang ngày càng mất tính chính đáng,
      đặc biệt là niềm thất vọng phổ biển trước một giai tầng chính trị ăn trên ngồi trốc (đặc biệt với liên minh quyền – tiền của chủ nghĩa tư bản thân hữu), trong lúc giới trẻ không thấy đường ra.


    Nhà xã hội học Eric Fassin, giáo sư Đại học Paris-VIII, nhấn mạnh đến tâm thế mất niềm tin vào tương lai. Theo ông,
    • ''họ biết là tương lai của họ đang là vấn đề, hay đúng hơn là sự thiếu vắng tương lai''.
    ''No future'' không còn là tiếng kêu tuyệt vọng của giới hâm mộ nhạc punk, mà đã trở thành tiếng gọi đoàn kết, với thông điệp ngầm ẩn :
    ''Chúng tôi không còn gì để mất. Nhưng thay vì khuất phục,
    chúng tôi hiểu rằng cần phải tranh đấu''.

              
    Eric Fassin dẫn lại một khẩu hiệu của giới trẻ Chilê:
    ''Tranh đấu
    cho đến khi cuộc sống trở nên đáng sống''.

              




    Chống lại ''toàn cầu hóa'' phải chăng là điểm chung của các phong trào xã hội này ?

    Trong bài trả lời phỏng vấn Le Monde, mang tựa đề ''Hồi II công cuộc toàn cầu hóa đã bắt đầu'', nhà chính trị học Bertrand Badie chia các phong trào xã hội theo khu vực. Nhà chính trị học Pháp nhấn mạnh đến cảm nhận tiêu cực khác nhau về toàn cầu hóa theo hai nhóm nước.


    1. Khu vực thứ nhất là tại các nước phía Bắc (đặc biệt là Mỹ và châu Âu), vốn là trung tâm của hệ thống quốc tế truyền thống. Đây là nơi mà rất nhiều người dân cảm nhận toàn cầu hóa là tiến trình khiến họ thiệt đơn, thiệt kép. Vị thế trung tâm thế giới vốn có đang mất đi, cùng lúc đó là nỗi lo sợ bị các khu vực ngoại vi ''xâm chiếm'', với nỗi lo mất việc làm, sợ tự do hóa thương mại, người di cư…

                
    2. Đối với khu vực các nước phía Nam, toàn cầu hóa là một cơ hội mang lại thịnh vượng, nhưng ngay lập tức có một khoảng cách to lớn, giữa hy vọng mà toàn cầu hóa dấy lên và sự trơ lì của các chế độ chính trị, nơi tầng lớp cầm quyền là thế lực duy nhất - hoặc gần như là thế - được hưởng lợi nhờ tăng trưởng kinh tế. Toàn cầu hóa, với hàng tỉ người sở hữu điện thoại di động, cho phép trao đổi thông tin tăng vọt, hình ảnh về thế giới trở nên hoàn toàn khác trước. Khoảng cách vô cùng lớn giữa giàu sang và bần cùng đập vào mắt công chúng hàng ngày. Hy vọng rất lớn đi liền với thất vọng khủng khiếp. Tham gia vào hàng ngũ những người phản kháng có những người trung lưu chống lại sự ì trệ của hệ thống, cũng như những người nghèo khó nhất, giờ đây ý thức rõ về việc họ bị loại trừ.


    Toàn cầu hóa tự thân không phải là kẻ thù của các xã hội, vấn đề là toàn cầu hóa như thế nào.
    Bản thân các phong trào phản kháng hiện nay dựa rất nhiều vào phương tiện công nghệ, kỹ thuật truyền thông có được nhờ toàn cầu hóa. Nhà chính trị học Bertrand Badie lưu ý đến mối liên hệ mật thiết giữa các xã hội trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay, vượt qua khuôn khổ biên giới quốc gia, mức độ phụ thuộc lẫn nhau giữa các xã hội tăng vọt, thách thức quyền lực truyền thống của các chính quyền, các quốc gia. Ông nhấn mạnh :
    • ''sự hội tụ giữa các xã hội (dân sự) đang viết nên lịch sử'',
      và có xu hướng trở nên quan trọng hơn cả những quan hệ hợp tác và đối kháng giữa các quốc gia trên trường quốc tế, vốn được coi là chủ đạo lâu nay.






    Làm thế nào để các phong trào phản kháng tham gia xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn,
    thay vì khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn ?


    Bài xã luận của Le Monde, mang tựa đề ''Một đòi hỏi mang tính toàn cầu: Tái chinh phục nền dân chủ'' (2), tỏ ra lạc quan.
    • Với niềm tin là các phong trào xã hội, nếu được hỗ trợ thích đáng, sẽ góp phần giúp cho thế giới hiện nay ''tái cân bằng''.

      Không nên lo sợ trước các phong trào xã hội, thậm chí cần vui mừng vì thời thế đang thay đổi.

      30 năm sau biến cố Bức tường Berlin sụp đổ, thường được coi như biểu tượng cho sự mở ra một kỉ nguyên thống trị của thị trường (3), các đòi hỏi về công bằng thuế khóa, an sinh xã hội, môi trường – sinh thái nay đang được đặt trở lại vị trí hàng đầu. Điều cần đặc biệt chú ý là phải làm sao để các phong trào xã hội không bị rơi vào ''các cạm bẫy dân tộc chủ nghĩa''.

      Các phong trào phản kháng phải được hỗ trợ để hướng đến các mục tiêu xã hội, môi trường, đổi mới các cơ chế đoàn kết trong xã hội, tăng cường sức mạnh của xã hội dân sự, xã hội dân sự tham gia vào thực thi quyền lực Nhà nước, để sao cho chính quyền quan tâm và hành động nhiều hơn cho hạnh phúc của người dân.

      Tóm lại,
                
      ''sáng tạo lại nền dân chủ''
      là điều nhân loại cần làm để vượt qua chặng đường gian khó này.
              
    Theo Le Monde, đây cũng chính là điều mà ''các cuộc nổi dậy hiện nay'' hướng tới.




    Ghi chú

    1. Bài phỏng vấn Bertrand Badie:
    "L’acte II de la mondialisation a commencé", Le Monde, 09/11/2019.

    2. Bài "Une exigence planétaire: reconquérir la démocratie'', Le Monde, 09/11/2019.

    3. ''Trong thập niên 1980, tại Hoa Kỳ đã ra đời một cương lĩnh kinh tế rõ ràng : việc giảm thuế cho tầng lớp giàu có nhất, ít đầu tư cho Nhà nước, ít dịch vụ công hơn sẽ đi liền với thịnh vượng kinh tế chưa từng có. Nguyên tắc này sau đó đã được phổ biến ra toàn thế giới, thông qua các khóa học về kinh tế của giới tinh hoa chính trị hay các chương trình của Ngân Hàng Thế Giới và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế dành cho các quốc gia đang trỗi dậy.

    Nguyên tắc này dường như đang bị thách thức… Nếu các lãnh đạo trên hành tinh không xem xét lại một cách sâu sắc dự án kinh tế của họ, trên phương diện các dịch vụ xã hội căn bản và, hệ quả là, phải mở rộng việc đánh thuế, thì điều rất chắc chắn là không khí xã hội toàn cầu không thể lắng dịu'', theo kinh tế gia Lucas Chancel, Viện Nghiên cứu Phát triển Bền vững và các Quan hệ Quốc tế (IDDRI), trong bài :
    '' Lucas Chancel: ‘Au cœur des crises, l’exigence de plus de justice sociale et d’accès aux services essentiels’ '', Le Monde, 09/11/2019.





    http://vi.rfi.fr/chau-a/20191112-vi-sao ... p-the-gioi
              
Trả lời

Quay về “Quốc Tế”