Hồng Kông

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20038
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Công luận Hồng Kông phẫn nộ vì côn đồ phá hoại phong trào dân chủ

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




    Công luận Hồng Kông phẫn nộ
    vì côn đồ phá hoại
    phong trào dân chủ

    ___________________________________
    Thanh Hà - 22-07-2019



              

    Cảnh côn đồ mặc áo trắng, bịt mặt,
    tấn công người phản đối luật dẫn độ và nhà báo
    ngay tại một ga xe lửa Hồng Kông, ngày 21/07/2019.

              

    Cuộc tuần hành vì dân chủ tại Hồng Kông ngày 21/07/2019 đã kết thúc trong bạo động. Hình ảnh một nhóm côn đồ mặc áo trắng tấn công người biểu tình ôn hòa, mà cảnh sát không can thiệp, làm hàng chục người bị thương, khiến công luận Hồng Kông phẫn nộ.

    Nhiều nhóm côn đồ thuộc xã hội đen dùng gậy, gậy bóng chày, thanh sắt tấn công người biểu tình vào cuối cuộc tuần hành hôm qua. Báo chí Hồng Kông đăng tải trực tuyến trên mạng xã hội Facebook những đoạn video cho thấy các nhóm côn đồ ra tay tại quận Nguyên Lãng (Yuan Long) ở phía bắc Hồng Kông. Số này nhắm vào người biểu tình và cả các phóng viên tác nghiệp trong một trạm xe điện ngầm và trong những toa metro.

    Bệnh viện Hồng Kông cho biết 45 người bị thương, trong đó có 6 người bị thương nặng, do bị tấn công trong cuộc xuống đường lần thứ 7 liên tiếp vào mỗi ngày Chủ Nhật.

    Điều khiến công luận Hồng Kông bất bình hơn cả là cảnh sát đã để yên cho những nhóm người áo trắng nói trên ra tay.

    Từ Hồng Kông, thông tín viên Florence de Changy tường trình:

    "Lãnh đạo Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga gửi lời thăm hỏi đến gia đình những người bị đánh hôm qua, kể cả các nhà báo và hứa là sẽ trừng trị những kẻ phạm tội. Thế nhưng lãnh đạo họ Lâm không lên án thái độ của cảnh sát và cũng không đưa ra một thông báo nào, trong lúc công luận còn bàng hoàng vì những đòn dã man của các tay anh chị đeo mặt nạ trong chiếc áo trắng tấn công vô tội vạ vào tất cả những người có mặt tại trạm metro ở Nguyên Lãng, một quận khá xa trung tâm Hồng Kông.

    Vài chục người đã bị thương, trong đó có một trường hợp thập tử nhất sinh, một phụ nữ bị sẩy thai. Vai trò của cảnh sát Hồng Kông gây tranh cãi. Cảnh sát đã can thiệp rất chậm trễ khi người bị thương cầu cứu, thậm chí còn đóng cửa một số văn phòng khi có những người đến kiện. Thêm một điều đáng quan ngại khác là người ta đã trông thấy và thu được hình một dân biểu Hồng Kông thân Bắc Kinh niềm nở chào hỏi, bắt tay các đám côn đồ sau đợt ẩu đả ngày hôm qua. Đó dường như là dấu hiệu cho thấy một số người thân Bắc Kinh đứng đằng sau vụ xung đột lần này".

    Đụng độ ngày hôm 21/07/2019 đang làm dấy lên lo ngại các băng đảng xã hội đen hoạt động tại cả Hồng Kông lẫn Hoa Lục xen vào cuộc khủng hoảng chính trị tại đặc khu hành chính này. AFP nhắc lại kịch bản này từng xảy ra hồi năm 2014 khi diễn ra phong trào phản kháng Dù Vàng ở Hồng Kông.

    Cũng hôm qua, tại một khu vực ở trung tâm Hồng Kông, cảnh sát đã dùng vòi rồng và lựu đạn cay giải tán người biểu tình chiếm đóng trụ sở Văn Phòng Liên Lạc của Trung Quốc. Người biểu tình đã ném trứng và viết graffiti lên mặt tiền của tòa nhà. Lãnh đạo Văn Phòng Liên Lạc Trung Quốc tại Hồng Kông, Vương Chí Dân (Wang Zhimin) ngày 22/07/2019 lên án hành động nói trên, cho rằng mọi tấn công nhắm vào cơ quan đại diện của Bắc Kinh là một sự "xúc phạm đến toàn thể nhân dân Trung Quốc".




    http://vi.rfi.fr/chau-a/20190722-cong-l ... ao-dan-chu
              
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20038
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Hồng Kông: Đại diện Bắc Kinh bị phát hiện xúi dân đuổi biểu tình

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




    Hồng Kông:
    Đại diện Bắc Kinh bị phát hiện
    xúi dân đuổi biểu tình

    ___________________________
    Trọng Nghĩa - 27-07-2019



              

    Một số người mặc áo trắng, đeo khẩu trang
    tấn công người biểu tình ở một nhà ga Hồng Kông, ngày 21/07/2019.

              

    Người biểu tình Hồng Kông lại tập hợp về quận Nguyên Lãng vào hôm nay 27/07/2019 để phản đối điều được coi là sự thông đồng giữa cảnh sát và các nhóm côn đồ đã tấn công dã man vào những người xuống đường tại ga Nguyên Lãng hôm Chủ Nhật 21/07 vừa qua.

    Về vụ tấn công này, hãng tin Anh Reuters vào hôm nay tiết lộ một sự kiện đáng ngờ: Một tuần lễ trước vụ tấn công của các nhóm côn đồ áo trắng, một quan chức đại diện Bắc Kinh tại Hồng Kông đã thúc giục cư dân xua đuổi người biểu tình ra khỏi địa phương của họ.

    Hãng tin Anh đã có được một đoạn video thu vào ngày 11/07 nhưng cho đến nay chưa công bố, cho thấy ông Lí Kế Di (Li Jiyi) một quan chức cao cấp của Văn Phòng Liên Lạc tại Hồng Kông của chính quyền Bắc Kinh đã đưa ra lời kêu gọi nhân một buổi liên hoan với hàng trăm người dân thuộc vùng Tân Giới (New Territories), miền nông thôn Hồng Kông, nơi có quận Nguyên Lãng.

    Khi đề cập đến phong trào biểu tình ngày càng dâng cao, ông Lí Kế Di đã cực lực đả kích những người xuống đường và kêu gọi cư dân tại chỗ là phải bảo vệ các thị trấn của họ ở quận Nguyên Lãng và xua đuổi những người đấu tranh chống chính quyền ra khỏi địa phương.

    Câu nói của quan chức đại diện Bắc Kinh này “Chúng ta sẽ không cho phép họ đến Nguyên Lãng để gây rối” đã được cử tọa vỗ tay tán thưởng.

    Nhân vật này còn nói thêm “Cho dù có một nhóm biểu tình đã thuần thục việc ném gạch đá và thanh sắt (vào người khác), chúng ta vẫn có một nhóm cư dân Nguyên Lãng kiên trì và dung cảm duy trì hòa bình xã hội và bảo vệ nhà cửa của mình”.

    Bữa tiệc liên hoan còn có sự tham gia của ông Viên Gia Nặc (Enoch Yuan), quan chức chính quyền Hồng Kông phụ trách Nguyên Lãng và nhiều lãnh đạo quận huyện nông thôn khác ở Hồng Kông.

    Một tuần lễ sau lời kêu gọi này, thành phần côn đồ đã tấn công dữ dội vào nhiều người đến biểu tình ở Nguyên Lãng.




    http://vi.rfi.fr/chau-a/20190727-hong-k ... -bieu-tinh
              
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20038
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Hồng Kông nổi sóng và ba giải pháp "tồi" cho Tập Cận Bình

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




    Hồng Kông nổi sóng
    và ba giải pháp "tồi"
    cho Tập Cận Bình

    _________________________________
    Minh Anh - 06-08-2019



              

    Người biểu tình dưới khói mù hơi cay của cảnh sát, Hồng Kông ngày 05/08/2019.
    REUTERS/Kim Kyung-Hoon

              


    Làn sóng đòi dân chủ tại Hồng Kông vượt qua một ngưỡng mới. Cả đặc khu kinh tế hầu như bị tê liệt do cuộc tổng đình công ngày hôm qua 05/08 : Dân chúng xuống đường, công chức đình công, hoạt động tầu điện ngầm và hàng không tê liệt… Sinh hoạt của khu tài chính lớn nhất châu Á bị xáo trộn.

    « Hồng Kông tổng đình công, lần đầu tiên kể từ năm 1967 » Le Monde ghi nhận. « Hồng Kông bị tê liệt bởi cuộc tổng đình công », tựa một bài viết trên Le Figaro. Với Les Echos, « Tại Hồng Kông, những người biểu tình gia tăng hơn nữa áp lực ». Phóng sự của Libération cho thấy « Đối với rất nhiều người Hồng Kông, đây là cuộc đình công đầu tiên trong đời ».

    Sự kiện cho thấy phong trào đấu tranh vẫn còn đầy « sức bật », như lời bình của giáo sư Edmund Cheng, trường đại học Baptist Hồng Kông trên báo Le Monde. Đối mặt trước sự kiên trì của làn sóng đòi dân chủ tại đặc khu hành chính này, nhà báo Renaud Girard trong mục Ý Kiến của Le Figaro đặt câu hỏi : « Liệu chế độ chuyên chế Trung Quốc còn có tương lai hay không ? »





    Ba giải pháp tồi

    Nếu như giáo sư Jean-Pierre Cabestan, trường đại học Baptist Hồng Kông, trên Le Figaro ngày hôm qua có cho rằng « Tập Cận Bình hẹp đường xử lý khủng hoảng », thì nhà báo Girard khẳng định lãnh đạo Trung Quốc chỉ có ba đường để đi, nhưng đường nào cũng tồi cả.

    1. Đường thứ nhất là trấn áp quân sự như vụ Thiên An Môn năm 1989. Hành động quân sự này sẽ không gặp khó khăn gì về mặt kỹ thuật, nhưng hàm chứa nhiều rủi ro địa chính trị quan trọng. Nhà báo R. Girard nhắc lại sau vụ trấn áp đẫm máu phong trào đòi dân chủ ôn hòa của sinh viên, phương Tây đã áp đặt lệnh cấm vận quân sự hiện vẫn còn có giá trị. Chỉ có điều phương Tây, vì hám lợi, bị lóa mắt trước tốc độ tăng trưởng thần kỳ của Trung Quốc, nên đã vội vàng quên ngay vụ thảm sát, háo hức mở nhà xưởng, ngân hàng hay công ty bảo hiểm và thậm chí còn cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO.

      Và phương Tây cũng không dự đoán trước rằng Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng các lợi thế của tự do mậu dịch, nhưng lại không « nhả » cho phương Tây một món lợi nào, cũng như là không cải thiện Nhà nước pháp quyền ở trong nước. Tiếng nói của phương Tây cũng mất dần trọng lượng vào đầu những năm 2000. Mãi đến khi ông Donald Trump « rắn giọng » với Trung Quốc năm 2018 tại Davos, phương Tây mới vội vàng không dung thứ việc Trung Quốc đánh cắp công nghệ.

      Về mặt địa chính trị, phương Tây không chấp nhận việc Trung Quốc chiếm hữu các vùng lãnh hải ở Biển Đông, bất chấp các luật lệ quốc tế. Phương Tây sẵn sàng bán vũ khí cho những nước châu Á nào dám đứng lên chống Trung Quốc mà trước đây không lâu họ chưa từng nghĩ đến, như Việt Nam chẳng hạn, kẻ thù « không đội trời chung ».

      Vì những lý do này, việc chọn giải pháp quân sự có lẽ sẽ là mạo hiểm đối với Trung Quốc. Nền kinh tế nước này đang hứng những đòn thuế nặng của Hoa Kỳ nhắm vào hàng hóa nhập từ Trung Quốc. Trong trường hợp dùng đến vũ lực với Hồng Kông, và vi phạm tinh thần hiệp định mà Trung Quốc ký kết năm 1997 với Anh Quốc – một quốc gia, hai chế độ -, Trung Quốc có nguy cơ gánh thêm một lệnh cấm vận nặng nề hơn.


                
    2. Giải pháp thứ hai là để cho phong trào tự hụt hơi, như đã từng làm thành công với làn sóng « Dù Vàng » năm 2014. Vấn đề là hiện nay, làn sóng nổi dậy đã lan sang mọi tầng lớp xã hội và tất cả các phường hội, ngoại trừ Hội Tam Hoàng, luôn sẵn sàng phục vụ Bắc Kinh. Hiện 7 triệu người dân Hồng Kông có vẻ chưa muốn hạ vũ khí.


                
    3. Giải pháp thứ ba là nắm lấy cơ hội để cải cách hệ thống đảng Cộng Sản và thiết lập thật sự một Nhà nước pháp quyền tại Trung Quốc. Nhưng Tập Cận Bình không phải là người để thực hiện nhiệm vụ này. Ngay từ thời trai trẻ, ông tỏ ra rất trung thành với đường lối của đảng, bất chấp việc cha của ông bị trấn áp một cách bất công. Để rồi sau này, một khi nắm được quyền lực, Tập Cận Bình đã cho phá tan điều lệ giới hạn hai nhiệm kỳ được áp đặt sau cái chết của Mao Trạch Đông.

      Liệu Tập Cận Bình có biết rằng những chế độ chuyên chế thường có kết cục bi thảm hay không ? Liệu ông có hiểu rằng những gương mặt vĩ đại được Lịch Sử vinh danh không bao giờ là người vì quyền lực cá nhân, mà vì những di sản họ để lại cho đất nước, những định chế mạnh mẽ và bền vững, như Washington (Mỹ), Disraeli (Anh) hay De Gaulle (Pháp)?

      Rất có thể Tập Cận Bình là một người hiểu biết. Nhưng ông cũng có thể trở nên mù quáng, vì nóng lòng muốn biến đất nước thành một siêu cường không thể tranh cãi từ đây đến năm 2049 để tổ chức lễ mừng hoành tráng kỷ niệm 100 năm ngày đảng Cộng Sản nắm quyền lãnh đạo đất nước.

      Nhưng ông có lẽ sẽ không phải là người thông minh duy nhất bị tư tưởng quá đỗi hủy diệt, mà sử gia Hy Lạp cổ Thucydide từng phê phán. Liệu ông có rút ra kinh nghiệm từ bài học Nga hay không ? Khi làm cho máu đổ tại Donbass, Kremlin đã thật sự mất Ukraina.


    Nhà báo kết luận : Nếu Trung Quốc dùng sức mạnh để trấn phục Hồng Kông, thì Trung Quốc cũng sẽ vĩnh viễn mất cả Đài Loan.






    http://vi.rfi.fr/chau-a/20190806-hong-k ... p-can-binh
              
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20038
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Trung Quốc : Hồng Kông khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ 1997

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




    Trung Quốc :
    Hồng Kông khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ 1997

    ____________________________
    Thụy My - 07-08-2019



              

    Người biểu tình dùng bom xăng để đối đầu với cảnh sát Hồng Kông ngày 05/08/2019.

              

    Hồng Kông đang đứng trước « tình hình nghiêm trọng nhất » kể từ khi Anh trao trả cho Trung Quốc năm 1997. Đó là nhận định của ông Trương Hiểu Minh (Zhang Xiaoming), giám đốc Văn phòng Các vấn đề về Hồng Kông và Macao, trong cuộc họp với 500 đại biểu của Bắc Kinh và đặc khu hôm nay 07/08/2019 tại Thâm Quyến.

    Theo ông Trương Hiểu Minh, một ủy viên trung ương đảng, các cuộc biểu tình ở Hồng Kông « ngày càng trở nên bạo lực và có tác động ngày càng lớn lên xã hội ». Ông cho biết các quan chức Bắc Kinh « vô cùng lo ngại », và đang nghiên cứu tình hình để đề ra biện pháp giải quyết.

    Cuộc hội thảo được tổ chức tại thành phố giáp giới với Hồng Kông có sự tham dự của các quan chức Trung Quốc, cùng với đại diện chính quyền và các đại biểu Nghị Viện Hồng Kông.

    Còn tại Hồng Kông, phát ngôn viên cảnh sát Tạ Chấn Trung (Tse Chun Chung) lên án vụ khoảng 1.000 người bao vây một đồn cảnh sát để đòi trả tự do cho một sinh viên bị bắt vì mua thiết bị chiếu laser. Ông cho biết cảnh sát đã bắn ra 20 ống hơi cay, câu lưu 589 người.

    Cũng trong hôm nay, hàng trăm luật sư Hồng Kông trong trang phục màu đen đã tuần hành trong im lặng nhằm ủng hộ phong trào biểu tình đòi dân chủ. Đây là lần thứ hai giới luật sư biểu tình, chống lại việc tư pháp hành xử với mục đích chính trị.

    Trên 40 người biểu tình đã bị bắt và khởi tố với cáo buộc « nổi loạn », một tội danh có khung hình phạt lên đến 10 năm tù. Trong khi đó chỉ có 19 người bị bắt vì dùng hung khí tấn công làm 45 người biểu tình bị thương. Các thành viên « xã hội đen » này chỉ bị cáo buộc một tội rất nhẹ là tụ tập bất hợp pháp.

    Trước đó một hôm, phát ngôn viên Văn phòng đại diện Trung Quốc Dương Quang (Yang Guang) đe dọa, việc trừng trị những người phản kháng « chỉ còn là vấn đề thời gian ». Cũng trong hôm qua, 12.000 công an cơ động Trung Quốc đã hùng hậu diễn tập chống biểu tình tại Thâm Quyến.




    http://vi.rfi.fr/chau-a/20190807-trung- ... ke-tu-1997
              
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20038
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Hoàng Chi Phong: Dân Hồng Kông không khuất phục trước "hoàng đế" Tập Cận Bình

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




    Hoàng Chi Phong:
    Dân Hồng Kông
    không khuất phục
    trước "hoàng đế" Tập Cận Bình

    _________________________________
    RFI - 09-08-2019





              


    Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), 22 tuổi, cựu thủ lĩnh Phong trào Dù Vàng 2014.
    Ảnh chụp ngày 07/08/2019 tại Hồng Kông. - Christophe Paget / RFI

              

    « Tức nước vỡ bờ », từ phong trào phản đối dự luật dẫn độ sang Hoa lục cách đây hai tháng, hiện người dân Hồng Kông đòi lại những quyền cơ bản mà đáng lẽ họ tiếp tục được hưởng cho đến năm 2049 theo mô hình « một quốc gia, hai chế độ ».

    Phong trào thu hút đủ mọi tầng lớp tham gia, từ giới luật sư, ngân hàng đến công chức, lần lượt xuống đường ủng hộ những đòi hỏi của người dân, mà đỉnh điểm là
    • cuộc biểu tình quy tụ hơn 2 triệu người hôm 16/06/2019
    • và cuộc tổng đình công hôm 05/08.


    Tuy nhiên, mức độ bạo lực trong những vụ đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát cũng đã vượt qua sức tưởng tượng. Điều này khác hẳn với phong trào Dù Vàng năm 2014 mà Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), một trong những thủ lĩnh sinh viên vừa được ra khỏi tù hôm 17/06, sau khi thi hành xong hai án tù năm 2017 và 2018. Vừa ra khỏi tù, nhà hoạt động chính trị 22 tuổi đã lên tiếng kêu gọi đặc khu trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) từ chức.

    Đặc phái viên Christophe Paget của đài RFI đã gặp và phỏng vấn Hoàng Chi Phong tại Hồng Kông.


              


    phỏng vấn Hoàng Chi Phong (Joshua Wong)
    - 09/08/2019



    RFI :
    Hoàng Chi Phong, anh ra tù cách đây hai tháng khi mà các cuộc biểu tình đã bắt đầu. Hiện tại, anh tham gia phong trào như thế nào ?

    • Hoàng Chi Phong :
      Tôi tham gia phần lớn các cuộc biểu tình. Cùng với đảng Demosisto (đảng Dân Chủ), chúng tôi tổ chức hỗ trợ pháp lý bằng cách phối hợp với học sinh trung học. Ngoài ra, chúng tôi quyên góp tiền (crowdfunding) và cũng tổ chức tập hợp trong cuộc tổng đình công vào thứ Hai vừa qua (05/08).

      Đây là đợt tổng đình công lớn nhất kể từ khi Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc, qua đó người dân Hồng Kông chứng tỏ nhiệt huyết và quyết tâm của họ. Nhưng đó sẽ không phải là cuộc tổng đình công cuối cùng. Tôi nghĩ là sẽ còn có một cuộc tổng đình công khác trong một hoặc hai tháng nữa.


    Giữa làn sóng biểu tình hiện nay và phong trào của anh cách đây 5 năm có những điểm gì khác ?

    • Cách đây 5 năm, chúng tôi yêu cầu tổ chức bầu cử tự do và chúng tôi đã phải đối mặt với chủ tịch Tập Cận Bình. Ngày nay, chúng tôi cũng yêu cầu bầu cử tự do và chúng tôi phải đương đầu với hoàng đế Tập. Chúng tôi hoàn toàn biết rõ về chính sách hà khắc của chủ tịch Trung Quốc mà chúng tôi đang phải chịu.

      Ngoài ra, phong trào này không có thủ lĩnh, và đây là một điểm tích cực. Chính quyền Bắc Kinh không thể nhắm đến bất kỳ ai. Họ không thể ngăn chặn phong trào bằng việc lôi ra pháp luật một người đứng đầu. Chính nhờ điểm này mà phong trào kéo dài được từ hai tháng nay để trở thành « mùa Hè của bất bình ». Đới Diệu Bình (Benny Tai, phó giáo sư, khoa Luật, đại học Hồng Kông), Ivan Long và tôi đều bị bỏ tù với tư cách là thủ lĩnh chính trị, nhưng lần này phong trào không hề có người đứng đầu, mà chỉ có những nhà điều phối giúp người dân tiếp tục đấu tranh.


    Phong trào Dù Vàng chủ yếu là sinh viên, nhưng giờ người ta có cảm giác là mọi tầng lớp xã hội đều tham gia. Vậy đâu là lý do ?

    • Điều này là nhờ vào thế hệ hậu chiến (« babyboom ») và thế hệ Millennials (còn gọi là « thế hệ Y », những người sinh ra từ khoảng năm 1980 đến đầu thập niên 2000). Chúng tôi ý thức rất rõ về tầm quan trọng của cuộc đấu tranh vì dân chủ. Trên tổng số 500 người bị bắt trong vòng hai tháng gần đây, người trẻ nhất chỉ mới 13 tuổi và người già nhất là 63 tuổi.

      Việc có nhiều thế hệ tham gia là điều rất quan trọng, cho thấy sự đa dạng và đoàn kết của người dân Hồng Kông. Họ không tin vào chính phủ Bắc Kinh do Tập Cận Bình lãnh đạo. Họ hoàn toàn hiểu rằng có được bầu cử tự do quan trọng như thế nào đối với tất cả chúng tôi.


    Phải chăng trong vòng 5 năm, người dân Hồng Kông đã mất niềm tin vào Bắc Kinh ?

    • Từ hàng loạt sự kiện như các nghị sĩ bị mất ghế, các nhà hoạt động bị cầm tù, các nhà xuất bản bị bắt cóc, một thông tín viên nước ngoài bị trục xuất khỏi Hồng Kông, chúng tôi hiểu rằng mô hình « một quốc gia, hai chế độ » đã bị xói mòn để trở thành « một quốc gia, một chế độ ».

      Ông Tập Cận Bình đã thay đổi chế độ để trở thành hoàng đế. Với việc sửa đổi Hiến Pháp mà ông cho thông qua để xóa quy định về số nhiệm kỳ chủ tịch, ông Tập sẽ tiếp tục tại vị ở Trung Quốc trong 5, 10, 15 hoặc 20 năm nữa. Chính điểm này đã làm chúng tôi ý thức được tình hình và cũng làm chúng tôi sợ. Chính phủ Hồng Kồng phải được chính người dân Hồng Kông công minh bầu lên, chứ không phải do những người bị Bắc Kinh giật dây.


    Những cuộc biểu tình hiện nay cũng bạo lực hơn phong trào Dù Vàng. Có những cảnh khó mà hình dung ra được cách đây 5 năm.

    • Cảnh sát Hồng Kông đã bắn hơi cay 1.800 lần trong hai tháng vừa qua, so với 18 lần khi diễn ra phong trào Dù Vàng. Tình hình hiện nay khác hoàn toàn. Cảnh sát Hồng Kông đã dùng đến vũ khí sát thương. Cảnh sát chống bạo động đóng trên nóc nhiều tòa nhà cao tầng ở trung tâm Hồng Kông và bắn đạn hơi cay, đạn cao su từ tầng 14 để ngăn đoàn người biểu tình. Họ thực sự triển khai cả một lực lượng đông đảo quá mức và có khả năng gây chết người. Họ thi hành lệnh từ Bắc Kinh để làm nao núng người biểu tình. Nhưng khí thế vẫn còn đó và phong trào vẫn tiếp tục !


    Phong trào Dù Vàng kéo dài hơn hai tháng mà không xảy ra bạo lực, trong khi lần này, người biểu tình đã tấn công và làm hư hại trụ sở Nghị Viện, ngoài ra, nhiều sở cảnh sát cũng bị nhắm đến.

    • Nhiều người bị bắn đạn cao su, trong khi chúng tôi chỉ là những người biểu tình ôn hòa. Và người ta lại coi đó là chuyện bình thường. Thật điên rồ, thật kinh khủng ! Người dân phẫn nộ và họ hy vọng lấy lại quyền được bầu ra chính phủ của riêng họ.

      Ngày 16/06, hai triệu người trên tổng số 7,5 triệu dân Hồng Kông đã tham gia một cuộc tuần hành. Điều này cho thấy rõ mong muốn của chúng tôi có được bầu cử tự do. Nhưng chính phủ hoàn toàn lờ đi cuộc tuần hành của người dân. Không ai muốn cuối tuần nào cũng đi biểu tình cả, nhưng điều này đã xảy ra.

      Nhiều người biểu tình nhắm vào các trụ sở cảnh sát, các tòa nhà của chính phủ để cho thấy rằng đó không phải là những nơi đại diện cho tiếng nói của người dân. Cánh cửa thoát khỏi khủng hoảng không phụ thuộc vào người biểu tình, mà phụ thuộc vào việc chính phủ đừng tiếp tục nấp sau lực lượng chống bạo động và không làm gì cả.


    Tại sao bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga không rút hẳn dự luật dẫn độ ?

    • Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga chỉ là con rối trong tay Bắc Kinh và chế độ Cộng Sản. Bất kể quyết định nào của bà đều phải phụ thuộc vào Quốc vụ viện. Vì thế mà chúng tôi cần có bầu cử tự do, người điều hành đặc khu không được là con rối của Bắc Kinh.


    Câu hỏi quan trọng khác : Liệu Bắc Kinh có sẽ điều quân đến Hồng Kông ?

    • Chính quyền Bắc Kinh không thể điều Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa đến Hồng Kông. Nếu họ làm, thì kinh tế và phát triển sẽ sụp đổ. Và cái giá mà các nhà lãnh đạo tài chính thân Bắc Kinh ở Hồng Kông phải trả sẽ vô cùng lớn. Chính vì thế, họ sẽ không bao giờ làm điều đó.


    Vậy thì đâu là giải pháp thoát khỏi khủng hoảng cho Bắc Kinh ?

    • Xóa dự luật dẫn độ, chấp nhận một ủy ban điều tra độc lập về tình trạng bạo lực của cảnh sát và để người dân Hồng Kông được bầu cử tự do.

      Chính quyền Pháp phải tước huân chương Bắc đẩu Bội tinh đã trao cho bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga. Chúng tôi vừa đăng bản kiến nghị về vấn đề này trên mạng Twitter. Người dân Pháp cần phải hành động. Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga không xứng đáng nhận danh hiệu này khi bà điều cảnh sát chống bạo động trấn áp người biểu tình và không màng đến mong muốn được bầu cử tự do của người dân. Điều mà chúng tôi yêu cầu, đó là một quyền mà người dân châu Âu được hưởng từ thế kỷ trước. Vậy mà chúng tôi vẫn còn phải đấu tranh để có được quyền đó.




    http://vi.rfi.fr/chau-a/20190809-hong-k ... p-can-binh
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20038
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Hồng Kông : Cuộc đọ sức giữa Bắc Kinh và giới trẻ đi về đâu ?

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    Hồng Kông :
    Cuộc đọ sức
    giữa Bắc Kinh và giới trẻ
    đi về đâu ?

    ________________________________
    Tú Anh - 16-08-2019



              

    Người biểu tình tại sân bay Hồng Kông ngày 13/08/2019.
    REUTERS/Thomas Peter

              


    Đảng Cộng sản Trung Quốc bị thách thức

    Sau hai tháng xuống đường, phong trào phản kháng tại Hồng Kông không giảm cường độ. Đứng trước thái độ đe dọa ngày càng thô bạo của Trung Quốc, đưa quân đến sát biên giới « chỉ cách có 10 phút » cộng đồng quốc tế bắt đầu phản ứng nhưng không có gì bảo đảm là Bắc Kinh sẽ lắng nghe. Thái độ hung hăng của Bắc Kinh mang ý nghĩa gì ?

    Hành động thô bạo của Bắc Kinh trong vấn đề Hồng Kông trong thời gian gần đây cho thấy tính chất độc đoán của chính quyền cộng sản, La Croix nhận định trong bài xã luận « Hồng Kông và hơn thế nữa ». Washington, Luân Đôn, Paris hay Berlin yêu cầu Bắc Kinh phải tôn trong nhà nước pháp quyền, nhân quyền và chế độ tự trị của Hồng Kông. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn tiếp tục gây sức ép chính trị, gia tăng tuyên truyền một chiều thô bạo và đưa quân đến Thâm Quyến, sát biên giới của đặc khu tự trị này.

    Theo La Croix, hy vọng là hai bên sẽ đối thoại nhưng giải pháp này rất khó xảy ra. Bởi vì đảng Cộng sản Trung Quốc và tổng bí thư Tập Cận Bình xem cuộc nổi dậy tại Hồng Kông là một hành động thách thức uy quyền và mô hình chế độ chính trị tại Hoa lục.

    Đối với ban lãnh đạo Trung Quốc, chỉ có một chế độ độc tài, bá quyền mới có thể lãnh đạo một khối 1,3 tỉ dân. Do vậy, nhìn từ châu Âu, người ta không khỏi lo ngại trước chính sách kềm kẹp dân chúng, chính sách thương mại gian trá, chiến dịch lấn chiếm biển đảo của các láng giềng. La Croix kêu gọi quốc tế phải hành động khẩn cấp.

    Le Figaro trong bài báo « Trung Quốc ngày càng đe dọa » đặt câu hỏi, liệu hành động này là dấu hiệu sắp can thiệp quân sự hay chỉ là lời đe dọa ?

    Dù việc điều quân tới Thâm Quyến được tuyên bố chính thức là để chuẩn bị diễu binh nhân dịp 70 năm thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa tại Bắc Kinh, cách Hồng Kông đến 2.000 km, thì trong bối cảnh hiện nay, Bắc Kinh gián tiếp đe dọa can thiệp trực tiếp để tái lập trật tự của đặc khu tự trị qua tuyên bố cuộc biểu tình hiện nay là hành động « khủng bố » và có « bàn tay nước ngoài ».

    Nhiều chuyên gia lại cho rằng, hành động của Trung Quốc thực chất chỉ là lời đe dọa. Bởi vì, điều kiện để can thiệp vào Hồng Kông thì trước hết, thành phố này phải chìm trong hỗn loạn, khi đó Bắc Kinh mới có thể nói chủ quyền và lợi ích đang bị đe dọa. Thứ hai là chính quyền và cảnh sát Hồng Kông không kiểm soát được tình hình, khi đó Bắc Kinh mới có khả năng can thiệp. Và « các điều kiện này chưa hội đủ » theo lời ông Alexander Neil thuộc Viện nghiên cứu chính sách quốc tế của Singapore. Bắc Kinh cũng không thể dùng quân sự như ở Tây Tạng và Tân Cương, nơi không có nhân chứng hay ở Thiên An Môn, chỉ là một quảng trường. Hồng Kông, trái lại là một quần đảo đô thị.

    Theo chuyên gia Valérie Niquet, viện Nghiên Cứu Chiến Lược, (FRS), trên La Croix, hai tháng sau khi nổ ra cuộc đấu tranh chống luật dẫn độ, hai kịch bản bắt đầu hiện ra : Một là phong trào tranh đấu rơi vào bẫy bạo lực và yếu dần, tuyên truyền của Bắc Kinh thành công. Hai là biểu tình tiếp diễn và lan rộng, lúc đó Trung Quốc can thiệp quân sự. Nhưng muốn chiến thuật Thiên An Môn thành công ở Hồng Kông, thì quy mô phải đàn áp toàn diện và bắt nhiều ngàn người. Vấn đề là hình ảnh Trung Quốc đã rất tồi tệ từ nhiều năm nay, Bắc Kinh sẽ bị lên án nặng nề hơn. Tập Cận Bình đã nhận được nhiều lời khuyến cáo của Mỹ và Châu Âu. Tuy nhiên, chuyên gia Valérie Niquet thận trọng : Tập Cận Bình vẫn có thể trực tiếp ra lệnh can thiệp quân sự bất chấp nguy cơ giết chết con gà đẻ trứng vàng.




    Tuổi trẻ Hồng Kông dấn thân

    Theo Le Monde, lần đầu tiên bộ Ngoại Giao Mỹ có thái độ thẳng thắn khi ra thông cáo « ủng hộ quyền tự do ngôn luận và hội họp ôn hòa » tại Hồng Kông. Le Figaro dành hai trang để tóm lược tình hình : Donald Trump tìm cách « dỗ ngọt » Tập Cận Bình. Thành phố sợ sóng thần suy thoái kinh tế nhưng giới trẻ Hồng Kông không sợ đoàn xe bọc thép của Hoa lục.

    Bình luận về hình ảnh đoàn xe bọc thép của Trung Quốc đóng tại Thâm Quyến loan trên các mạng xã hội, một thanh niên Hồng Kông cho biết anh « không một chút lo âu, sẽ tiếp tục xuống đường và không tin Trung Quốc có can đảm tấn công ». Giới tài phiệt, trái lại, bỏ tiền quảng bá trên hai trang báo South China Morning Post, kêu gọi giới trẻ « ngưng xuống đường ». Một thanh niên họ Mã bác bỏ : « Những ông tỉ phú này cần Trung Quốc để làm giầu thêm nữa, nhưng chúng tôi không sống cùng một thế giới với họ, vì tương lai, giới trẻ chúng tôi không muốn dính dáng đến Hoa lục ». Nếu lính Trung Quốc tràn qua thì sao ?: « Chúng tôi rút về nhà và chờ cơ hội. Khủng hoảng vẫn nằm đó ».

    Nhưng đâu phải chỉ có dự luật dẫn độ, bầu cử tự do và quan hệ độc lập với Hoa lục cũng nằm trong danh sách 5 yêu sách tranh đấu. Trên mạng xã hội, họ kêu gọi nhau xuống đường vào thứ Bảy tới, lần thứ 11.







    http://vi.rfi.fr/chau-a/20190816-hong-k ... -di-ve-dau
              
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20038
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Đến lượt hàng ngàn giáo viên Hồng Kông tuần hành đòi dân chủ

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




    Đến lượt
    hàng ngàn giáo viên Hồng Kông
    tuần hành đòi dân chủ

    _________________________________
    Thùy Dương - 17-08-2019




              


    Giáo viên Hồng Kông xuống đường biểu tình đòi dân chủ, 17/08/2019.
    REUTERS/Kim Hong-Ji

              


    Các biểu tình cuối tuần này tại Hồng Kông được coi là một phép thử lòng quyết tâm của những người đấu tranh đòi dân chủ cho Hồng Kông, cũng như của chính quyền đặc khu thân Bắc Kinh. Cuộc tuần hành lớn ngày Chủ Nhật 18/08/2019 được dự báo sẽ quy tụ hàng triệu người. Còn trong ngày hôm nay 17/08, hàng ngàn giáo viên tuần hành dưới mưa để ủng hộ cuộc biểu tình của giới sinh viên ngày mai.

    Cuộc tuần hành của các nhà giáo diễn ra ôn hòa, với sự cho phép của cảnh sát. Tập hợp tại khu thương mại Central, đoàn tuần hành tiến về hướng khu phố tập trung các cơ quan hành chính thiết yếu của Hồng Kông, bắt đầu từ Government House, nơi đặt văn phòng của trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam).

    Vào buổi chiều, số người tham gia tuần hành ngày càng đông. Người biểu tình giương cao biểu ngữ :
              
    « Cảnh sát Hồng Kông biết luật,
    cảnh sát Hồng Kông vi phạm pháp luật ».

              
    Một nhà giáo về hưu tên là Lee phát biểu với hãng tin Anh Reuters :
    • « Nếu bà Carrie Lam dũng cảm đáp ứng các nguyện vọng của chúng tôi ngay từ đầu, thì đã không có ai bị thương ».


    Tối hôm qua, hàng ngàn người Hồng Kông tập trung tại một công viên kêu gọi chính quyền các nước thông qua các biện pháp trừng phạt nhắm vào nhà chức trách Hồng Kông.

    Bên cạnh các cuộc tuần hành của phe đòi dân chủ, hàng ngàn người ủng hộ chính quyền cũng tập hợp trong một công viên để phản đối tình trạng bạo lực do những người đấu tranh đòi dân chủ gây ra. Họ ủng hộ cảnh sát, nhiều người phất cờ Trung Quốc. AFP nhận định tình trạng chia rẽ, đối kháng xã hội tại Hồng Kông ngày càng dâng cao.




    http://vi.rfi.fr/chau-a/20190817-hong-k ... oi-dan-chu
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20038
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Diễn viên gạo cội bênh Bắc Kinh, dư luận phẫn nộ

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




    Diễn viên gạo cội bênh Bắc Kinh,
    dư luận phẫn nộ

    _________________________________
    Trọng Nghĩa - ngày 17 tháng 8 năm 2019


              


    Ảnh chụp màn hinh một bài trên Twitter kêu gọi "Tẩy Chay Mộc Lan"
    để phản đối diễn viên Lưu Diệc Phi đã bênh vực cảnh sát Hồng Kông.

              


    Vào lúc phong trào biểu tình dân chủ tại Hồng Kông bị cảnh sát thẳng tay đàn áp, với những lời đe dọa can thiệp ngày càng dữ dội từ phía Bắc Kinh, một số diễn viên điện ảnh gạo cội của Hồng Kông đã lên tiếng ủng hộ Trung Quốc, làm dấy lên nhiều phản ứng bất bình.

    • Nếu lập trường thân Bắc Kinh của Thành Long (Jackie Chan) không làm ai ngạc nhiên,
    • thì quan điểm ủng hộ của Lưu Diệc Phi (Crystal Liu)
    • hay Lương Gia Huy (Tony Leung) khá bất ngờ.
    Trong thời gian qua, Thành Long gương mặt nổi bật nhất của nền điện ảnh Hồng Kông, không hề che giấu thái độ thân Bắc Kinh của mình, và lần này cũng vây.



    “Người hùng” Jackie Chan "thất vọng" vì những cuộc biểu tình

    Thành Long trong một cuộc phỏng vấn ngày 14/08/2019 với đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV, được phát đi rộng rãi trên các mạng xã hội, kể cả trên Twitter dù mạng này bị cấm ở Trung Quốc, diễn viên sinh trưởng tại Hồng Kông này đã tỏ ý “buồn và thất vọng” trước những cuộc biểu tình diễn ra từ tháng Ba đã “làm cho nhiều người đau đớn và lo lắng”.

    Theo Thành Long, Trung Quốc là “tổ quốc” mà tài tử rất tự hào, và diễn viên này khẳng định hoàn toàn ủng hộ chiến dịch truyền thông được Bắc Kinh phát động để bảo vệ cờ Trung Quốc, một phản ứng sau vụ cờ Trung Quốc bị người biểu tình Hồng Kông vứt xuống biển hôm 03/08. Thành Long tự nhận là “một trong những người bảo vệ lá cờ”.

    Phát biểu bênh vực Trung Quốc của Thành Long dĩ nhiên đã nhận được nhiều phản ứng đồng tình, nhưng cũng bị đả kích dữ dội. Trên mạng Twitter, đã có những lời lẽ thóa mạ như “diễn viên đã bán rẻ linh hồn”, hay là
    • “diễn viên tuyệt vời đã bỏ rơi con gái ruột của mình, nhưng lại gào to tình yêu quê hương và đất nước”.


              

    Thành Long

              




    “Người Tình” Lương Gia Huy biểu tình ủng hộ cảnh sát

    Thành Long đã như vậy, còn Lương Gia Huy, được biết đến nhiều qua bộ phim Người Tình – L’Amant – ra mắt năm 1992, thì đã trực tiếp tham gia một cuộc biểu tình ủng hộ cảnh sát vào ngày 30/06.

    Báo chí Hồng Kông ghi nhận là Lương Gia Huy đã tuyên bố “Cảnh sát Hồng Kông xứng đáng được chúng tôi ủng hộ”.

    Giới chống dự luật dẫn độ đã không thích thú chút nào trước hành động của Lương Gia Huy cũng như một số nghệ sĩ khác. Trên Twitter, một người viết:
    • “Hãy nhớ kỹ khuôn mặt của họ.
      Trong tương lai, đừng nghe bất kỳ bài hát nào, hay xem bất kỳ bộ phim nào của họ”.


              

    Lương Gia Huy, tham gia một cuộc biểu tình ủng hộ cảnh sát vào ngày 30/06.

              


    “Tiểu Long Nữ” Lưu Diệc Phi cũng lên tiếng ủng hộ cảnh sát

    Một ngôi sao khác đang phải đối mặt với phản ứng dữ dội của những người ủng hộ dân chủ Hồng Kông là “Tiểu Long Nữ” Lưu Diệc Phi, diễn viên chính của bộ phim về Hoa Mộc Lan sắp tới đây của hãng phim Mỹ Walt Disney, chuyển thể từ bộ phim hoạt hình nổi tiếng Mulan.

    Trên mạng Vi Bác, hôm 14/08, Lưu Diệc Phi đã chia sẻ một bài viết của tờ báo Nhân Dân Nhật Báo, tức là tờ báo của đảng Cộng Sản Trung Quốc, với hàng chú thích tiếng Hoa: “Tôi ủng hộ cảnh sát Hồng Kông đây. Quý vị có thể đánh tôi”, kèm theo là dòng chữ tiếng Anh “Thật là xấu hổ cho Hồng Kông”. Bài đăng của Lưu Diệc Phi còn có hashtag, #IalsosupportHongKongPolice.

    Phản ứng của công chúng rất tức thời. Theo tạp chí Mỹ Time ngày 16/08, tại Trung Quốc, nơi tài khoản Vi Bác của Lưu Diệc Phi được 65 triệu người theo dõi, bài đăng của diễn viên đã được 81.000 likes sau hai ngày, trong lúc ở Hồng Kông và những nơi khác, những lời kêu gọi tẩy chay bộ phim Mulan khi được phát hành vào năm tới. Từ khóa #BoycottMulan (Tẩy chay Mộc Lan) đang lan truyền mạnh trên mạng Twitter.

              

    Lưu Diệc Phi

              



    Dẫu sao thì theo Time, sức hút của thị trường Trung Quốc đè nặng trên các nghệ sĩ Hồng Kông. Nhiều người như
    • ca sĩ Hà Vân Thi (Denise Ho)


                
    • hay Hoàng Diệu Minh (Anthony Wong)

    đã gặp khó khăn rất lớn vì quan điểm ủng hộ dân chủ Hồng Kông, sau khi bị Bắc Kinh đưa vào danh sách đen trên thị trường Hoa Lục.




    http://vi.rfi.fr/chau-a/20190817-hong-k ... h-bac-kinh
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20038
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Cảnh sát Hồng Kông bị tố cáo xâm phạm quyền tư pháp của người biểu tình

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




    Cảnh sát Hồng Kông bị tố cáo
    xâm phạm quyền tư pháp
    của người biểu tình

    _________________________________
    Trọng Nghĩa - ngày 17 tháng 8 năm 2019






    Với những cuộc biểu tình đông đảo, sôi động, diễn ra thường xuyên ở Hồng Kông trong những tháng gần đây, chủ trương đàn áp thô bạo của cảnh sát đã gây khiến những người biểu tình và giới ủng hộ phong trào hết sức phẫn nộ. Nỗi giận dữ lại càng tăng sau vụ một nữ y tá trẻ bị thương ở mắt vì trúng đạn của cảnh sát.

              

              

    Theo ghi nhận của đặc phái viên RFI tại Hồng Kông, người dân tại chỗ không hiểu được thái độ hung hăng của cảnh sát đối với người biểu tình. Nhưng theo các luật sư lo cho những người bị bắt,
    • thì không chỉ có bạo hành giải tán biểu tình,
    • mà cảnh sát còn làm tất cả để các luật sư không bảo vệ được tốt những người bị bắt.


    Trả lời đặc phái viên RFI tại Hồng Kông, bà Thái Từ Vân (Choi Tsz Wan), một luật sư cho biết:

    • Những người bị bắt được chuyển đến những trung tâm giam giữ ở rất xa trung tâm. Khi chúng tôi đến nơi, thì người ta bảo hãy gọi cho viên sĩ quan chỉ huy nhà tù, nhưng lại không cho số điện thoại. Khi có được số thì gọi cả chục lần vị này mới nhấc máy.

      Ê kíp của chúng tôi phải đợi 3, 4 tiếng đồng hồ trước trại giam. Khi vào được bên trong, thì người canh gác giải thích là chỉ có duy nhất một phòng để tiếp xúc với hơn 30 người bị giam giữ. Mỗi luật sư phải đợi đến phiên mình. Và khi cuối cùng gặp được thân chủ của mình thì họ đã ký những tài liệu được (cảnh sát đưa cho).

      Chúng tôi vẫn thường nói với các thân chủ: Hãy giữ im lặng, cứ để cho cảnh sát điều tra, nhưng vì chúng tôi không đến nơi kịp, những người bị tố cáo có thể đã nói ra những điều khiến họ có thể bị truy tố, hay bị sử dụng để gây bất lợi cho họ trước tòa án.

      Đó là những hành vị khá rõ rệt nhằm cản trở không cho người vị bắt hành xử quyền của mình. Họ có vẻ thực sự thù ghét những người biểu tình, và làm tất cả những gì có thể làm được để gây bất lợi cho người biểu tình, đặt người biểu tình vào tình huống thật khó khăn.

      Hơn nữa, cảnh sát còn bắt giữ đông đảo người như thế, bắt cả người dân đi xem biểu tình, thông điệp mà cảnh sát đưa ra rất rõ :
      • Đừng biểu tình nữa,
        đừng ủng hộ biểu tình,
        hãy dừng tất cả lại.
      • Chúng tôi có thể làm bất kỳ những gì chúng tôi muốn. »




    http://vi.rfi.fr/chau-a/20190817-hong-k ... h-bac-kinh
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20038
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

1,7 triệu người Hồng Kông lại xuống đường bất chấp mưa gió

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




    1,7 triệu người Hồng Kông

    lại xuống đường
    bất chấp mưa gió

    ______________________
    Thụy My - 18-08-2019




              

    Cảnh biểu tình ở Hồng Kông, 18/08/2019.
    REUTERS/Tyrone Siu

              


    Mặc cho cơn mưa tầm tã, trên 1 triệu người Hồng Kông hôm nay 18/08/2019 lại xuống đường. Những người tổ chức mong muốn cuộc biểu tình ôn hòa này sẽ chứng minh rằng phong trào đòi dân chủ đã kéo dài 11 tuần lễ luôn được ủng hộ, cho dù bị đàn áp và Trung Quốc đe dọa can thiệp quân sự.

    Để đập tan cáo buộc « khủng bố » của Bắc Kinh, Mặt trận Dân sự Nhân quyền (FCDH), vốn đã tập hợp được hàng triệu người trong hai cuộc biểu tình đại quy mô hồi tháng Sáu và tháng Bảy, kêu gọi xuống đường « không bạo lực ». Cô Lương Dĩnh Mẫn (Bonnie Leung), một phát ngôn viên của FCDH tuyên bố :
    • « Nếu chiến thuật của Bắc Kinh là để cho phong trào lụi tàn dần, thì họ đã lầm. Chúng tôi đấu tranh không ngơi nghỉ ».


    Theo các nhà tổ chức, có ít nhất 1,7 triệu người xuống đường hôm nay, còn cảnh sát không cung cấp con số. Đây là một thành công mới của phong trào.

    Đám đông biểu tình mặc áo đen, mang dù vừa để che mưa vừa nhắc lại cuộc Cách mạng Dù vàng trước đây, tập trung tại công viên Victoria với các khẩu hiệu
              
    « Tự do cho Hồng Kông »,
    « Dân chủ ngay bây giờ ! ».

              
    Reuters ghi nhận có đủ mọi lứa tuổi, và những gia đình mang theo em bé. Khu công viên nhanh chóng bị bão hòa, người biểu tình tiến về phía trung tâm tài chính của thành phố, phong tỏa nhiều con đường.

    Từ Hồng Kông, thông tín viên Aabla Jounaïdi nhận định :
    • « Bạo lực trong những lần biểu tình gần đây, nhất là ở sân bay quốc tế tuần này luôn gây băn khoăn. Trước hết, những vụ này đã làm nhòa đi phần nào hình ảnh của những người phản kháng. Và khi mang lại một cái cớ cho chính quyền đặc khu và kể cả Bắc Kinh, các vụ bạo động đã giúp cho lực lượng an ninh có thể mạnh tay hơn.

      Bắc Kinh cố ý cho phổ biến những hình ảnh quân đội tập trung tại biên giới. Về phần bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, trưởng đặc khu, dường như đã để mặc cho cảnh sát hành động. Người ta lo ngại cuộc xuống đường không được phép hôm nay diễn biến xấu đi, vì người biểu tình kiên quyết tổ chức cuộc tuần hành này.

      Tối qua tại khu Vượng Giác (Mongkok), người ta chứng kiến những hình ảnh cho thấy sự mất lòng tin giữa những người trẻ Hồng Kông và cảnh sát. Các vụ đụng độ đã xảy ra ngay sau khi cảnh sát giải tán một cuộc biểu tình ôn hòa. Dù vậy các nhà tổ chức cũng trông cậy vào tâm trạng bất bình của người dân đối với chính quyền, và sự can thiệp của Bắc Kinh, để tập hợp được một triệu người ».


    Phong trào phản kháng tại Hồng Kông kéo dài đến tuần thứ 11 là một thất bại nặng nề của chế độ Trung Quốc. Jean-Philippe Béja, giám đốc trung tâm nghiên cứu CNRS, chuyên gia về Trung Quốc giải thích :
    • « Từ 1997, Hồng Kông trở về vòng tay nước mẹ Trung Hoa. Ý tưởng lúc đó là sau 50 năm chung sống trong khuôn khổ « một quốc gia hai chế độ » Hồng Kông và Trung Hoa lục địa sẽ không còn khác biệt nhau nữa, người dân Hồng Kông sẽ yêu thương Trung Quốc, sẽ yêu đảng Cộng Sản Trung Quốc.

      Thế mà, qua cuộc phản kháng, chúng ta thấy cả xã hội Hồng Kông đứng dậy chống dự án này. Những người đứng ở tuyến đầu chính là những người trẻ sinh sau thời thuộc địa. Đây là lần đầu tiên người dân Hồng Kông giương lá cờ Anh Quốc trong một cuộc biểu tình, điều chưa bao giờ xảy ra trong suốt 140 năm bị Anh Quốc cai trị.

      Đây là sự thất bại nặng nề của Bắc Kinh. Trung Quốc có thể tung hết lực lượng giải phóng quân chiếm đóng Hồng Kông nhưng không làm thay đổi thực trạng. Giải pháp duy nhất là thay thế hết dân cư Hồng Kông. Nhưng dù có làm như thế cũng vô ích, bởi vì trong hàng ngũ những người tiên phong xuống đường chống Trung Quốc có những người đến từ Hoa lục, sinh trưởng tại Hoa lục. »





    Biểu tình Hồng Kông lan đến Anh, Pháp, Canada

    Phong trào đòi dân chủ ở Hồng Kông đã có ảnh hưởng lan rộng sang các nước.
    • Tại Luân Đôn, 1.000 người đã xuống đường hôm qua ủng hộ dân chủ Hồng Kông.
    • Ở Paris, hai phe chống và ủng hộ Bắc Kinh khoảng 100 người đã đối đầu nhau ;
    • còn tại Canada, nơi có cộng đồng người Hoa đông đảo, hàng ngàn người xuống đường tại Vancouver, Toronto, Calgary gồm cả hai phe ủng hộ và phản đối phong trào phản kháng ở Hồng Kông.


    Về phía Bắc Kinh, một phát ngôn viên Ủy Ban Đối Ngoại của Quốc Hội Trung Quốc lên án việc một số dân biểu Mỹ ra tuyên bố ủng hộ phong trào biểu tình Hồng Kông, tuy không nêu đích danh, cho rằng đây là việc
    • « can thiệp thô bạo vào chuyện nội bộ của Trung Quốc ».


    AP cho biết, Quốc Hội Mỹ có thể gây ảnh hưởng với việc thông qua luật về nhân quyền và dân chủ Hồng Kông, đòi hỏi ngoại trưởng hàng năm phải chứng minh rằng đặc khu này vẫn được tự trị, để tiếp tục được hưởng các ưu đãi. Thậm chí tổng thống Donald Trump có thể ra quyết định ngưng tư cách đặc biệt trong thương mại, sẽ tác động mạnh đến kinh tế Hồng Kông.




    http://vi.rfi.fr/chau-a/20190818-hang-t ... uong-duong

    ____________________________________________


              


    Những người mang dù đầy màu sắc tràn ra đường phố của trung tâm Hồng Kông,
    bất chấp lệnh cấm biểu tình của cảnh sát.





    Người biểu tình thuộc mọi lứa tuổi tập hợp ngày Chúa nhật, cầm biểu ngữ:
    "Người Hồng Kông sẽ không từ bỏ!"





    Hàng chục ngàn người tiếp tục biểu tình qua các đường phố Hồng Kông khi màn đêm buông xuống.





    Hàng ngàn người tiếp tục biểu tình ủng hộ dân chủ trong đêm,
    thắp sáng các tòa nhà chính phủ bằng tia laser.





    Cảnh sát bán quân sự Tàu cộng duyệt trận tại sân vận động vịnh Thâm Quyến ngày Chúa nhật




Trả lời

Quay về “Quốc Tế”