Nhạc Bồ Đào Nha: Fado

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Nhạc Bồ Đào Nha: Fado

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           







    Nhạc Bồ Đào Nha:
    Fado

    ____________________________
    Phạm Đức Thân _ 12.04.2020







    Trong mấy đứa con mồ côi của gia đình âm nhạc, flamenco (Tây Ban Nha), tango (Á Căn Đình), gypsy (Đông Âu), blues (Hoa Kỳ)…thì fado (Bồ Đào Nha) là hẩm hiu nhất.

    Gọi là mồ côi vì chúng không có nguồn gốc rõ ràng, thường xuất phát từ đường phố, quán rượu, tiệm nhẩy, bến tầu….những nơi hạ lưu, tứ chiếng giang hồ.. than vãn về thân phận, nhung nhớ, thống khổ…. Rồi dần dần chúng phát triển, len lỏi vào chốn thượng lưu, gia đình, salon, rạp hát… trở thành phổ biến, được thế giới ưa chuộng, nhất là nhờ được quảng bá do các phương tiện truyền thông hiện đại radio, băng đĩa, TV, CD, DVD, youtube…

    Fado thiệt thòi nhất do hoàn cảnh địa lý và lịch sử cá biệt, nhưng nay cũng đã trên đà phát triển. Tại các thành phố lớn trên thế giới đều có trình diễn fado. Thính giả Việt Nam có thể có kinh nghiệm nhiều với flamenco, tango, gypsy, blues… nhưng fado thì vẫn còn xa lạ.

    Bài này xin giới thiệu fado để mở rộng chân trời thưởng thức nhạc, hy vọng thính giả sẽ làm quen với nó nhờ dễ dàng tiếp cận qua CD, youtube… Các loại nhạc mồ côi này được thế giới ưa chuộng chính vì đầy tình cảm thiết tha chân thực, không phải chỉ để nghe, mà còn để cảm, để thấm với nhạc.





    Fado (từ gốc Latin fatum có nghĩa số phận) không phải là quốc nhạc phổ thông hay dân ca cổ truyền của BĐN. Nó là hình thức nhạc thành thị (tửu quán, tiệm càphê…) cuối cùng còn sót lại ở Âu châu. Loại nhạc này biến mất vĩnh viễn ở Budapest ngay khi Thế Chiến II bùng nổ, trong khi ở Dublin nó được thương mãi hóa đến biến dạng khác hẳn. Còn những ca khúc quyến rũ của quận Jordan, Amsterdam mặc dù truyền thống không bị gián đoạn, nhưng không nhìn về quá khứ, và khác xa fado về tình cảm u buồn, cũng như lời ca thấm thía.

    Fado là một nghệ thuật có tính địa phương, gắn liền với thời gian và môi trường đặc biệt, nhưng tình cảm diễn tả thì phi thời gian, đúng với mọi thời đại. Lời ca luôn giới hạn vào phạm vi một địa phương, như của Lisbon chẳng hạn, và thời điểm trình diễn thường vào buổi tối, yên tĩnh và tối tăm, thích hợp với nội dung u sầu, cô đơn, than van, luyến tiếc,… Môi trường thường là chỗ không được xã hội coi trọng chấp nhận.

    Thoát thai từ những phòng trọ rẻ tiền, quán rượu… fado là liều thuốc an ủi, xoa dịu đau thương cho dân nghèo, bị áp bức, vô gia cư… Loại hình nghệ thuật này ít được chú ý vì bầu không khí bí mật, đen tối, kém an ninh, cũng như chỉ truyền khẩu. Trong khi thật ra, trước hết fado là nghệ thuật đầy chất thơ thích hợp với Lisbon nơi có nhiều thi sĩ.. Vào tiệm càphê. luôn luôn thấy có người ngồi viết thơ văn, hồi kí, hoặc ghi ghi chép chép…

    Fado như hiện nay chỉ mới khoảng 200 năm, nhưng truyền thống nhạc và lời của nó thì có thể tìm thấy từ thời lập quốc (1143). Lúc đó đã có những ballad phát triển từ thơ nhạc vùng Province đưa vào BĐN qua các hiệp sĩ, đoàn hát rong (minstrel) của vua Henry xứ Burgundy, là cha của vua BĐN đầu tiên, Alfonso Henriques. Qua 8 thế kỷ, fado ngày nay còn mang dấu tích các ballad này.

    Thời kỳ đầu lịch sử BĐN, các dân Hồi Ả Rập, Do Thái với nội dung và hình thức thơ nhạc phổ cập, đã xâm nhập văn hóa BĐN, cũng ảnh hưởng đến fado. Tiếp theo đó, fado Lisbon cuối thế kỷ 18 phát triển mạnh nhờ các đoàn thám hiểm viễn chinh, tạo lập nên Đế Quốc BĐN. Các thủy thủ, nhà thám hiểm, chủ thuộc địa…đi tới Miền Đông, Phi Châu, Tân Thế Giới và mang về nước những hình thức và nội dung khác lạ của âm nhạc ngoại quốc (nhất là thuộc địa Brazil) đã đóng góp vào hình thành fado Lisbon ngày nay.





    Fado gắn với địa phương, cho nên gọi là fado Lisbon vì xuất phát từ các quận cổ của Lisbon như Alfama, Mouraria, Bairro Alto, Madragoa… Thế giới biết nhiếu nhất là loại Fado này. Fadista (ca sĩ fado) Amália Rodrigues (1930-1999) là Rainha do Fado (Nữ Hoàng Fado), người có công lớn quảng diễn, giới thiệu fado tới toàn thế giới. Khi bà mất chính phủ BĐN ra lệnh cả nước để tang 3 ngày.

    Hai loại khác là Coimbra và Porto. Fado Coimbra lấy tên từ viện đại học cổ của thành phố cổ Coimbra, được sáng tạo rút từ fado Lisbon bởi các sinh viên, và vẫn được các cựu sinh viên nay là bác sĩ, luật sư.. tiếp tục hát. Fado Coimbra phản ánh truyền thống sinh viên hát tỏ tình (senerada) với phụ nữ, hay tạm biệt ra trường, có phần nhạc cấu trúc hoàn chỉnh phức tạp và phần lời văn hoa, trí thức hơn fado Lisbon. Ca sĩ toàn là phái nam, mặc đồ đen có đội mũ cáp đen. Theo ước lệ, thính giả khen ngợi ca sĩ fado Coimbra bằng cách ho húng hắng như hắng giọng, chứ không vỗ tay như đối với fado Lisbon.

    Fado của Porto, thành phố lớn thứ nhì của BĐN thật ra chỉ hơi khác fado Lisbon chút đỉnh và là tụ điểm của ca nhạc sĩ fado hơn là của du khách ngoại quốc, vì nơi đây có nhiều hãng thu thanh, sản xuất âm nhạc.





    Nếu tango có bandoneon (một loại phong cầm nhỏ, tương tự accordeon), flamenco có Tây Ban Cầm, thì fado có Bồ Đào Cầm (guitarra portuguesa). Theo truyền thống fado thường được đệm nhạc bằng
    • 1 hoặc 2 Bồ Đào Cầm
    • và 1 Tây Ban Cầm 6 dây kim loại
      (ở BĐN Tây Ban Cầm gọi là viola portuguese – xin đừng lầm với viola, violon…của Tây Phương)..
    • Đôi khi có thêm guitar trầm (viola baixo) 4 dây kim loại.
      Ngày nay thỉnh thoảng viola baixo còn được thay bằng đại hồ cầm (contrebass).

    Bồ Đào Cầm nhỏ hơn Tây Ban Cầm, xuất xứ từ đàn guitar Anh trung cổ (cithren), du nhập vào Porto (thuộc địa Anh) khoảng thế kỷ 18. Đàn hình trái lê, giống mandolin, có 12 dây kim loại, lên dây theo thứ tự B, A, E, B, A, D. Ba cặp dây cao lên dây cùng cao độ; nhưng 3 cặp dây thấp lên dây cách nhau 1 bát độ (octave), nhờ đó tiếng đàn diễn tả phong phú hơn, réo rắt. thánh thót… Các con ốc lên dây nằm ở cuối cần đàn tạo hình nan quạt, giống đuôi gà tây. Đàn Coimbra hơi lớn hơn đàn Lisbon, nên tiếng hơi sâu trầm hơn.

    Bồ Đào Cầm thường được coi như độc tấu thứ hai, điều hợp các nhạc cụ khác, cung cấp đối âm hoặc đệm âm cho giọng hát. Đôi khi để đánh dấu chuyển dịch giữa 2 câu thanh nhạc, nó ứng tác biến tấu, giai điệu ngắn (contracantos), réo rắt hoặc thánh thót.. để tô điểm, minh họa, tùy theo nội dung của lời.

    Viola hỗ trợ hòa âm và tiết tấu làm nền cho ca sĩ hoặc Bồ Đào Cầm. Viola baixo làm nổi rõ chuyển hành hòa âm trầm trên tiết tấu đều đặn rõ nét.

    Xen giữa ngưng nghỉ của các bài hát thường có biến tấu của các nhạc cụ để phô bày đặc trưng âm thanh réo rắt, lảnh lót của Bồ Đào Cầm, mà khi đệm theo giọng hát, bị khỏa lấp, thính giả không nghe được hết tính năng đặc biệt của nó.

    Về mặt nhạc học, fado xử dụng các âm thức Dorian và Ionian (cung trưởng tự nhiên), khác với flamenco dùng âm thức Phrygian. Ca sĩ cũng xử dụng rubato tại những nghỉ cuối câu để diễn tả tình cảm đặc sắc hơn, bắt chước lối chơi rubato của Chopin, vì thật ra fado cũng có thể coi như loại nhạc lãng mạn (romantic). Fado thường viết trong nhịp 2/2, nhưng đôi khi cũng có xử dụng nhịp 3/4 và 4/4.





    Fado thường trình diễn trong quán càphê nhỏ, thân mật, ấm cúng gọi là nhà fado (adegas típicas, casas do fado), hầu như đều nằm trong các quận cổ của Lisbon. Các nữ ca sĩ thường choàng khăn đen, theo truyền thống là để tưởng niệm fadista đầu tiên nổi tiếng nhất gốc gypsy hồi thế kỷ 19 tên là Maria Severa (1820-1846).

    Severa là một kỹ nữ ở Mouraria, một quận cổ của Lisbon. Thời đó thế giới của fado và fadistas nằm bên lề xã hội. Fadistas thường liên hệ đến mãi dâm, tửu quán, vô gia cư, ma cô, chủ chứa, tội phạm…Cuộc tình sóng gió bão táp của Severa với Bá Tước Vimioso đã góp phần nâng cấp văn hóa và xã hội cho fado cơ hội thâm nhập vào gia đình khá giả, quý tộc, rạp hát và được văn thi sĩ, trí thức lưu tâm, nghiên cứu.

    Muốn hiểu nội dung fado, cần hiểu rõ nghĩa chữ saudade, mặc dù là cùng nghĩa cô đơn, lẻ loi như từ tương đương solita (Ý), soledad (Tây Ban Nha) nhưng thật ra thì rộng nghĩa hơn, chỉ cảm giác buồn rầu, cam phận, luyến tiếc, yêu nhớ quá khứ… BĐN hầu như có biển bao la, nên saudade cũng mênh mông, lại kèm chút dễ chịu êm ả, không phải gay gắt. Lời ca khúc thường có chữ saudade, fado. Riêng fado còn là chủ đề của nhiều ca khúc.

    Lisbon cũng là một chủ đề phổ thông như chủ đề fado, nhiều hơn cả Paris hay Buenos Aires. Thật ra bài nào cũng có nhắc đến Lisbon hay các quận cổ của nó. Dĩ nhiên, cũng có nhiều bài hát về tình yêu, thường là dang dở hoặc đơn phương, chia ly, tạm biệt, cha mẹ.. Người BĐN rất tình cảm. Bất cứ chuyện gì cũng có thể là đề tài cho fado. Vd có bài fado rất phổ biến than phiền về giá cả của cá codfish (bacalhau). Sau cùng chính fado cũng có thể là chủ đề. Có cả trăm bài nói về tại sao hát fado, ai hát, và nên hát cho ai.

    Fado Lisbon có 3 dạng cơ bản cổ truyền: Menor, Corrido, Mouraria.
    • Menor là “cha mẹ” của fado, cung thứ, hành độ (tempo) chậm.
    • Corrido (chạy) cung trưởng, hành độ rất nhanh.
    • Mouraria cũng cung trưởng nhưng giai điệu du dương hơn.
    Về chủ đề, dạng fado cổ truyền thuần túy nhất gọi là fado castico (từ gốc Latin caste có nghĩa đích thực, thuần túy) là các bài nói về quý tộc, tình yêu cung đình, đấu bò, hoặc về chính fado.





    Dân BĐN thích cho rằng 3 loại Menor, Corrido, Mouraria mới là cổ truyền. Điều này chỉ đúng một phần. Qua nhiều thế hệ, Fado tiến hóa nhờ sáng tạo của các ca nhạc sĩ nổi tiếng. Chúng được gọi tên theo tác giả (fado Marceneiro, fado Pedro Rodrigues, fado Vianinha), nhân vật lịch sử nổi tiếng (fado Pombalinho, fado Severa), số dòng thơ làm nên bài hát (fado Triplicado, fado Seixal).

    Các biến tấu giai điệu trên được phong cách hóa thành cổ truyền, được dùng làm cơ bản cho nhiều bài fado khác tiếp tục nẩy nở. Nhất là trong thế kỷ 20, các ca sĩ cần bài mới, thuê các văn thi sĩ, giáo sư… viết lời ca mới. Rồi các vị này có khi tự tạo giai điệu mới, tạo nên một hình thức fado đại chúng, gọi là fado hiện đại (fado moderno, fado musicado). Các bài này được các fadistas phổ biến và sau cùng trở nên cổ điển, mặc dù hình thức nhạc không phải cổ truyền. Mặt khác, một số bài trở nên phổ cập đại chúng, khiến không biết gọi là fado hay cancão (ca khúc). Phân biệt càng khó hơn khi có tác giả gọi bài mình sáng tác là fado cancão.

    Thật ra nghệ thuật tiến hóa không ngừng, nên các dạng pha trộn xuất hiện cũng là điều dễ hiểu và phải chấp nhận. Đôi khi fadista không hát mà lại đọc lời ca trong khi nhạc cụ vẫn đệm nhạc, gọi là fado falado (fado nói), gặp trong trường hợp tác giả muốn lời ca đọc chậm rãi, tăng phần thân mật… Giống như Tây Ban Nha có Puro Flamenco và Nuevo Flamenco (một dạng fusion-pha trộn), Fado cũng phân ra Puro và Nuevo, nhưng ranh giới không rõ rệt rạch ròi, đôi khi khó xếp loại.

    Còn có một kiểu trình diễn nghiệp dư gọi là fado vadio (fado cho lãng nhân) trong một số nhà fado. Khán giả có thể hát fado giữa các thay đổi bài hát của fadista, hoặc đôi khi cả chương trình dành cho nghiệp dư, ai trong khán giả cũng có thể lên hát. Sau cái chết của nhà độc tài Antonio Salazar (1970) và cuộc Cách Mạng 25 tháng 4 năm 1974, một số dân BĐN, nhất là giới trẻ, tẩy chay fado, coi như phản ánh quá khứ phản động và áp bức, loại hát nghiệp dư này không thấy xuất hiện.





    Tuy nhiên từ 5 thập niên qua fado đã trỗi dậy và phát triển mạnh mẽ vì ai cũng nhận thấy đây là đặc trưng văn hóa giá trị của BĐN cần phải bảo tồn và phát huy. Fado có thêm những hình thức mới pha trộn, đệm nhạc bằng nhiều nhạc cụ của Tây Phương (piano, violon, saxo….) đôi khi là cả giàn nhạc giao hưởng. Với lực lượng ca nhạc sĩ hàng trăm người (Mafalda Arnaut, Ana Moura, Dulce Pontes, Maria Da Fé, Cristina Branco, Mazira, Misia…) truyền bá qua biên giới, fado trở thành cái thư viện cổ của dân nhạc BĐN, chiếm một vị trí ngang hàng với tango, flamenco, jazz, blues… trên sân khấu nhạc hoàn vũ.

    Hình thức thì cách tân nhưng tinh thần của fado vẫn không đổi, như Amália Rodrigues đã nhận xét cách đây mấy chục năm
    • “Fado,
      đó là biết rằng không thể chống lại cái gì đã được đặt định.
      Đó là cái chúng ta không thể thay đổi.
      Đó là hỏi tại sao mà không tìm thấy câu trả lời.

      Fado,
      đó là tiếp tục hỏi không ngừng, mặc dù mọi người biết rõ rằng không có trả lời“.









    Phạm Đức Thân

              




              
    http://www.tvvn.org/nhac-bo-dao-nha-fado-pham-duc-than/
Trả lời

Quay về “câu chuyện âm nhạc”