Thái Thanh qua đời

Hình đại diện
nắng thủy tinh
Bài viết: 3530
Ngày tham gia: Thứ sáu 15/05/15 06:14

Re: Thái Thanh qua đời

Bài viết bởi nắng thủy tinh »

Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Thái Thanh qua đời

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Vĩnh biệt THÁI THANH –
    Vĩnh biệt một thời tuổi trẻ…



    Đệ nhất danh ca của nền tân nhạc Việt Nam



    Tin nữ danh ca Thái Thanh qua đời tôi biết được trễ đúng một ngày. Chị mất tại miền Nam California ngày 17 tháng 3, 2020, hưởng thọ 86 tuổi.
    86 tuổi phải được coi là thọ nhưng khi đã mang cái danh hiệu “vượt thời gian”, tôi nghĩ có lẽ nhiều người cũng có cảm tưởng giống như tôi: Thái Thanh đã qua đời, từ nay nghe lại những bài hát của chị sẽ không còn là cảm giác của một thì hiện tại mà là một thời gian đã qua, đã là quá khứ của cuộc đời mình.

    Mỗi người trong đời sẽ có một vài kỷ niệm gắn liền với một bản nhạc, một giọng hát, một khung cảnh, một thời điểm nào đó khiến ta nhớ hoài không quên. Với tôi, đó là trời chiều Saigon của một ngày của năm 1969 lần đầu tiên khi tôi được nghe giọng hát Thái Thanh và Kỷ Vật Cho Em của nhạc sĩ Phạm Duy. Hôm đó, tôi mới vào trường Dược, bà chị kế tôi thì sắp sửa lên đường sang Pháp du học. Hai chị em hẹn nhau sau giờ học của tôi sẽ gặp nhau tại Crystal Palace để chị tôi mua vài món đồ cần thiết cho con gái trước khi chị lên đường. Từ trường Dược ở đường Cường Để tôi đi xe xích lô lên… trung tâm Saigon mà thời đó với tôi vẫn là một khám phá… vô tận của một đứa trẻ chưa trưởng thành. Trời hôm đó, tôi còn nhớ, Saigon đang chuyển mưa, loại thời tiết của:

    Trời không nắng cũng không mưa,Chỉ hiu hiu gió cho vừa nhớ thương.
    Cái bước chân đầu tiên vừa chạm xuống lề đường bỗng khựng lại, một cảm giác lạnh chạy dọc theo sống lưng khi từ một quán nhạc bên trong phát ra tiếng hát Thái Thanh và Kỷ Vật Cho Em:





    "Em hỏi anh, em hỏi anh bao trở lại,Xin trả lời mai mốt anh vềAnh trở lại có thể bằng chiến thắng Pleimehay Đức Cơ, Đồng Xoài, Bình Giả Anh trở về có khi là bại tướng cụt chânEm ngại ngùng dạo phố mùa Xuân Bên người yêu tật nguyền, chai đá."

    Những câu hát của một thời chiến tranh, của khăn tang, của những vùng chiến trận nhưng lúc đó, trong tâm trí của một thiếu nữ nhỏ tuổi thì đó là đất nước, là hình ảnh hào hùng của một người tình tưởng tượng, một người có thể đã ngồi trong những chiếc xe GMC chuyển quân đi ngang qua thành phố, những tiếng huýt sáo và những câu bông đùa dành cho những cô gái nhỏ học trò dựng xe nép vào lề đường để tránh. Còn nhớ, tôi đã đứng lặng bên lề đường, nghe cho hết bản nhạc và sau đó đi vào quán nhạc bên trong để hỏi mua bản nhạc này. Không phải là mua DVD hay CD hay ngay cả Cassette mà chỉ là mua bản nhạc này in trên giấy. Buổi chiều “shopping” của hai chị em hôm đó đã không còn rộn rã như mọi khi nhưng đã trở thành một kỷ niệm của hai chị em khi nhớ về Saigon. Đúng như câu thơ của người tình một thời:

    Lời ru nào níu được
    Lúc những cánh me xanh Bay mềm con lộ nhớ!


    Sau này, khi đã được quen với danh ca Thái Thanh, khi nghe tôi kể những bài hát tôi thích nghe chị hát, từ Kỷ Vật Cho Em, Đường Chiều Lá Rụng, Hoa Rụng Bên Sông, Đêm Màu Hồng hay Bóng Mát của Phạm Thế Mỹ, chị cười và bảo tôi là “vớ vẩn” vì sao mà … cô giống chị thế, chị cũng thích những bài hát đó.
    Định mệnh kỳ lạ khiến một cô gái nhỏ là tôi lại được quen biết trong vòng thân mật với nhiều tên tuổi văn nghệ của Việt Nam Tự Do trước 1975. Thời của phòng trà Đêm Màu Hồng, thời rực rỡ không chỉ của Ban Thăng Long hay của danh ca Thái Thanh mà đó cũng là thời kỳ rực rỡ nhất của âm nhạc Việt Nam. Mỗi lần nhạc sĩ Phạm Duy có một bản nhạc mới, chúng tôi thường được các anh gọi đến đó để nghe danh ca Thái Thanh hát ra mắt lần đầu. Với tôi, là đi từ ngạc nhiên này qua khám phá khác. Như cách cầm ly rượu ngất ngưởng của nhà văn Mai Thảo khi đứng lên, tiến gần đến sân khấu phê bình sau khi nghe. Như cách ôm đàn đệm mà như không đệm của nhạc sĩ Phạm Đình Chương vì ly rượu lúc nào cũng ở bên cạnh. Nhưng rực rỡ nhất, kiêu kỳ nhất vẫn là hình ảnh của danh ca Thái Thanh trên sân khấu.

    Thời đó, chị “ăn khách” đến nỗi phòng trà nổi tiếng nào ở Saigon cũng phải có sự góp mặt của danh ca Thái Thanh. Tôi vẫn nghĩ cho đến hôm nay không một nghệ sĩ trình diễn nào “chế ngự” được sân khấu như chị Thái Thanh. Chị cao lớn hơn một phụ nữ Việt Nam bình thường, dáng dấp đó, ánh mắt đó, giọng hát đó như một tác phẩm kiện toàn của nghệ thuật trình diễn. Có một lần mà bây giờ khi cố nhớ lại tôi không biết tại sao đêm hôm đó, tôi vừa nghe chị hát “Hòn Vọng Phu” của nhạc sĩ Lê Thương ở nhà hàng Queen Bee của ca sĩ Khánh Ly, mà vẫn trở lại Đêm Màu Hồng để nghe chị trình bày một bài hát mới của nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ của Nguyễn Tất Nhiên: Thà Là Giọt Mưa, một thi sĩ chưa ai biết tên. Ở Queen Bee, danh ca Thái Thanh mặc áo dài lụa mầu nâu non, quần trắng, đeo chuỗi hạt trai màu trắng. Ở Đêm Màu Hồng, chị mặc áo dài lụa xanh lá mạ, rất dễ thương, rất … thiếu nữ. Những màu áo này sau đó đã trở thành những màu áo “mốt” của nữ sinh viên Saigon thời đó, màu nâu, màu dưa cải, màu xanh lá mạ, màu vàng nghệ, màu tím than của một Ngàn Thu Áo Tím.

    Nhưng trong buổi trình diễn đầu tiên của Nghìn Trùng Xa Cách, danh ca Thái Thanh thật lộng lẫy, thật nền nã trong bộ áo dài nhung đen mà chị đã đùa khi đứng trên sân khấu: màu áo này có vẻ không hợp với bản nhạc này vì nhạc sĩ Phạm Duy dù … nghìn trùng xa cách nhưng chuyện tình nào của anh thì hình như cũng … buồn ít hơn vui thì cuộc đời của anh không thể là màu đen. Sau đó, chị cho biết thêm tuy anh Duy có vẻ dễ dãi nhưng khi hát nhạc của anh thì không như thế. Mỗi chữ của anh là một chọn lựa cẩn thận, hát sai một chữ cũng không được. Đó là lý do mà mỗi khi nghe một ca sĩ “thời nay” tự tiện biến cải lời ca theo sự suy nghĩ nông cạn đời thường, tôi đều ngậm ngùi đau xót cho văn hóa Việt Nam. Thiếu đi sự cẩn trọng và trau chuốt đó, nghe nhạc ngày xưa được trình diễn lại bởi ca sĩ ngày nay cứ như đi giầy trong đó bị lọt vào những hạt sạn. Viết đến đây tôi chợt nhớ một bài hát khác thật tuyệt vời qua tiếng hát Thái Thanh:

    Tóc mai sợi ngắn, sợi dài
    Lấy nhau chẳng đặng, thương hoài ngàn năm.


    Cuộc đời của một danh ca sắc nước hương trời thì không thể không đi kèm theo những “mảnh tình vác vai” hay là những mảnh “tình riêng” nhưng rất chung dưới mắt người đời khi cố “vá” lại cuộc đời nhiều bi lụy của mình. Nhưng điều đáng quý là khi đã đi qua, họ đối với nhau thật trang trọng, thật lịch sự, thật trang nhã. Những tin đồn về những xích mích, những đòn ghen, những cãi vã thì không ai nhìn thấy nhưng mấy mươi năm qua, tôi chưa hề nghe bất cứ “người cũ” nào của danh ca Thái Thanh nói về chị mà không có vẻ kính trọng. Những nghệ sĩ đàn em đi sau chị cũng thế. Chị không thân thiện với họ đến mức “bù khú” như tình nghệ sĩ thường tình nhưng cũng không bao giờ chèn ép đàn em mà ngược lại, lúc nào cũng nâng đỡ, cũng khuyến khích.

    Nhưng có những đức tính của danh ca Thái Thanh mà chúng tôi, những phụ nữ Việt Nam khi được tiếp xúc thân cận với chị không thể không ghi nhận đó là sự thanh lịch của phụ nữ xưa Hà Nội và ngôn ngữ nền nã rất lịch sự của chị khi giao tiếp. Nhưng bên cạnh không thể không ghi nhận tinh thần trào phúng rất duyên dáng, rất dễ thương của chị. Chị Thái Thanh có khả năng bắt chước nét mặt và ngôn ngữ của người khác rất giống. Có lần tại phòng trà Đêm Màu Hồng, trước khi chị lên săn khấu để hát bản nhạc cùng tên do nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ thơ của thi sĩ Thanh Tâm Tuyền, chị hỏi thi sĩ là cụm từ “tóc vàng, sợi nhỏ” trong bài thơ chắc là do thi sĩ tự tưởng tượng vì “chàng” chưa bao giờ ra khỏi nước. Nét mặt của nhà thơ Thanh Tâm Tuyền đêm đó thật khó coi và nét mặt này sau đó được danh ca Thái Thanh “nhái lại” nhiều lần và lần nào chúng tôi cũng phải nhận xét là không thể giống hơn được. Chị Thái Xuân, Giám đốc Trung Tâm Băng Nhạc Diễm Xưa cũng đã ghi nhận về những “ưu điểm” này của danh ca Thái Thanh. Khi chị bắt chước nét mặt của các cháu của chị thì không thể nào không cười cho được. Ngày sinh nhật của chị Thái Xuân, chị Thái Thanh gọi điện thoại nhưng thay vì chúc mừng, chị lại hỏi: “sinh nhật đứa nào đó” khiến bây giờ khi nhớ về chị, tôi và chị Thái Xuân không thể không cười, ngay cả hôm nay chị đã là… người đi qua đời tôi của triệu người dân Việt.

    Từ khi danh ca Thái Thanh sang Hoa Kỳ, tôi lại có nhiều dịp gặp chị hơn ở đời thường. Thời gian đầu khi chị mới định cư ở Hoa Kỳ, chị vào khoảng 50 tuổi. Bỏ qua cái sự nghiệp và tên tuổi lẫy lừng của một danh ca, chị Thái Thanh quả là một bà mẹ Việt Nam tận tụy, yêu thương các con. Tôi có đến thăm chị một lần khi chị còn ở trong một Condo gần khu chợ ABC thì phải, chị nấu ăn, săn sóc cậu con trai út tật nguyền với sự kiên nhẫn vô bờ của một bà mẹ Việt Nam. Sau này, thỉnh thoảng chị lại ghé qua tòa soạn Saigon Nhỏ lấy báo và khen tôi viết tùy bút rất hay. Nhất là một bài tùy bút tôi viết về các mẹ già Việt Nam nơi xứ người mà cuối cùng chỉ còn lại bên mình những cọng rau quế, rau răm là điều thân thuộc của quê nhà. Điều mà tôi cũng như chị Thái Xuân đến hôm nay vẫn còn nuối tiếc là cái dự định thực hiện một quyển Hồi Ký về cuộc đời của danh ca Thái Thanh đã không thành. Có nhiều lý do khiến những người muốn đóng góp đã không làm được cho đến khi chị Thái Thanh bị tai biến mạch máu não vào năm 2000 và sau đó, trí nhớ của chị phai nhạt dần.





    Điều khiến tôi mất ngủ từ khi nhận được tin danh ca Thái Thanh qua đời cho đến lúc này, hai ngày sau đó là những suy nghĩ nồng nàn hạnh phúc khi nhớ đến khoảng thời gian dài từ khi được quen biết chị cho đến hôm nay. Những kỷ niệm không phải với chị mà là với những bản nhạc do chị hát đã hiện diện trong đời sống của tôi. Hình như trong những kỷ niệm đó, không có đớn đau, khổ ải, túng hụt, chiến tranh, mà chỉ có những nụ cười. Ở đâu đó là những câu thơ, những nét nhạc, những tách cà phê và nhất là trong đó còn có những cuộc tình đã qua với những người hiện nay không còn có mặt trên cõi đời này!

    Làm sao để được trông thấy nhau? Hay là bây giờ, chúng tôi chỉ còn có thể gặp lại nhau trong giấc mộng? Hay … là qua giọng hát của Thái Thanh? Nhà văn Mai Thảo tặng cho chị Thái Thanh danh hiệu “tiếng hát vượt thời gian”. Nhưng với nhiều người trong đó có tôi, tiếng hát của chị đã vượt qua lằn ranh chia đôi đất nước, con người và nhiều thế hệ để trở thành một giọng hát duy nhất tiêu biểu cho âm nhạc Việt Nam. Bao nhiêu năm nữa, chúng ta mới có lại được một giọng hát như thế? Hay như thi sĩ Tiên Điền Nguyễn Du đã tự hỏi: Ba trăm năm nữa, sẽ còn ai khóc Tố Như – thiên hạ hà nhân khấp Tố Như ?

    Điều tôi tiếc nhất cho các bạn trẻ văn nghệ thế hệ sau tôi không bao giờ có được chính là những buổi họp mặt văn nghệ, những giai thoại về văn chương “dễ thương” thời trước 1975 hay sau 1975 khi các tên tuổi lớn của Việt Nam tự do bắt đầu đời sống lưu vong nơi xứ người. Thời đó, không có Internet, không có phương tiện truyền thông nên không thể ghi nhận được những điều mà tôi và những người đồng thời đã được nghe, đã được học từ những đàn anh đi trước. Người ta thường nói về văn chương của Mai Thảo nhưng mấy ai biết về tài bình thơ, bình văn của nhà văn Mai Thảo? Mấy ai được nghe nhạc sĩ Phạm Đình Chương nói về thơ phổ nhạc? Và nhất là mấy ai biết được trong đời thường, họ đã quí nhau, đã thương yêu, đã quí trọng tài năng của nhau như thế nào. Trong số những bài nhạc mà nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ thơ của thi sĩ Du Tử Lê trước 1975 có một bài ít được phổ biến là bài Khi Cuộc Tình Đã Chết. Bài này đã được danh ca Thái Thanh thâu âm trước 1975. Một đêm bình thơ tại nhà của nhạc sĩ Trần Duy Đức, khi nhạc sĩ Phạm Đình Chương chưa vượt biên được sang Hoa Kỳ, bổng dưng anh Mai Thảo nhắc đến anh Phạm Đình Chương và bản nhạc này. Anh Mai Thảo bảo anh Phạm Đình Chương bị ám ảnh về bài thơ này của thi sĩ Du Tử Lê. Có một lần hai ông đi ăn đêm với nhau mà ông Chương cứ ứ ừ đánh nhạc bằng miệng câu: khi cuộc tình đã chết khiến ông Mai Thảo cáu sườn: Nó chưa chết mà cậu cứ ư ư như vậy thì trước sau gì chắc nó cũng chết". Sau này, sau khi nhạc sĩ Phạm Đình Chương sang Hoa Kỳ, trong một buổi họp bạn khác, nhạc sĩ Phạm Đình Chương xác nhận đó là một bài thơ phổ nhạc ông phải mất vài tháng mới hoàn tất tuy ông rất thích nhưng có thể vì khó hát và vì ngôn từ không hợp cho một buổi trình diễn đại chúng nên không được phổ biến như nhiều bản nhạc khác của ông. Với riêng cá nhân tôi, đó lại là một kỷ niệm riêng, rất riêng khi… một cuộc tình đã chết. Nhưng không ai có thể hát hay hơn chị Thái Thanh hai bài nhạc phổ thơ Du Tử Lê, một do nhạc sĩ Phạm Đình Chương là Khi Cuộc Tình Đã Chết, một do nhạc sĩ Phạm Duy, Tình Sầu Du Tử Lê:

    Ta như sương cao mà người như hoa sâu Dối gian nhàu nát nụ hôn đầu Tình đi từng bước trên đầu gió Gieo xuống đời nhau ôi từng hạt thương đau

    Hôm nay, chúng tôi, những người bạn cũ gọi cho nhau để kể cho nhau nghe những kỷ niệm của danh ca Thái Thanh mà chúng tôi có được. Tin giờ chót cho hay vì nạn dịch Coronavirus, tang lễ của danh ca Thái Thanh sẽ được tổ chức trong vòng quyến thuộc mà thôi. Làm sao có thể nghĩ ngày cuối cùng của người danh ca số 1 của Việt Nam lại là một ngày quạnh quẽ, cô liêu như thế này: không có ai viếng xác, không thánh lễ nhà thờ, bạn bè cũ không được một lần nhìn lại, để ít ra nhớ lại nụ cười, tiếng hát của thiên thu. Tất cả chấm dứt nữa chừng như một tiếng đàn tự dưng im bặt? Có lý nào như thế?
    Chợt nhớ đến bài ca “định mệnh” Đường Chiều Lá Rụng:

    Chiều rơi trên đường vắng có ta rơi giữa chiều. Hồn ta theo vạt nắng, theo làn gió đìu hiu…
    Tôi nhìn chiếc lá vàng bay giống như dĩ vãng gầy, tóc buông dài, bước ra khỏi tình phai. Tôi nhìn chiếc lá vàng rơi giống như chút hơi người giã ơn đời trên nẻo đường hấp hối…
    Trong Hồi ký, nhạc sĩ Phạm Duy viết bài Đường Chiều Lá Rụng là bài hát duy nhất ông viết về cái chết vì ông là một người nhiệt tình sống, nhiệt tình yêu. Nhưng trong bản nhạc này, ông viết:

    “Rồi tôi nói tới cái chết của chiếc lá trên đường chiều. Lá đang như chiếc thuyền rung rinh trong gió, bỗng nghe tiếng đất gọi về, lá rụng để trở thành những ngôi mộ úa trên đường chiều, nơi đó có tôi và người yêu đang đi trong cuộc tình”.

    Nhưng làm sao lại có thể nghĩ “người vừa nằm xuống” chỉ như một “chiếc lá vàng rơi, như chút hơi người giã ơn đời trên nẻo đường hấp hối” khi người đó lại là danh ca Thái Thanh?

    Từ khi “mon men … đả động tới cái chết” cả năm mươi năm trước, viết nên tuyệt tác này dành cho tha nhân, chắc chắn nhạc sĩ Phạm Duy không bao giờ có thể nghĩ rằng với tuyệt tác này ông đã như một nhà tiên tri, ông đã viết một ca khúc tiễn đưa người em út trong gia đình, người cùng với ông tạo dựng ra một giòng nhạc chưa từng có trong kho tàng văn hóa của quê hương, của dân tộc, của âm nhạc Việt Nam từ giã cõi đời này trong âm thầm, cô liêu? Bao nhiêu năm, vài chục, hay vài trăm năm sau, chúng ta sẽ có lại được những thiên tài như thế này? Cũng như khi Beethoven, khi Chopin, khi Schubert qua đời, đã ba trăm năm dư, vẫn không có được một giòng nhạc thay thế “thứ” mà đời nay gọi là nhạc cổ điển Tây Phương mặc dù ngày nay, con người đã có thể chinh phục mặt trăng, đã có mạng lưới toàn cầu liên kết cả nhân loại với nhau trong nháy mắt nhưng lại không hề biết hàng xóm của mình là ai?

    Chị Thái Xuân nói với tôi về tinh thần làm việc hòa đồng, dễ chịu khi được làm việc với danh ca Thái Thanh. Chị Thái Xuân là người thực hiện hầu hết những sự kiện văn nghệ của danh ca Thái Thanh từ khi chị ra hải ngoại vào năm 1985. Chị Thái Thanh rất thích những hòa âm của nhạc sĩ Duy Cường và rất hãnh diện về thiên tư âm nhạc của các con, các cháu. Ca sĩ Ý Lan, ca sĩ Quỳnh Hương đều là những người con ngoan, đã chăm sóc mẹ thật chu đáo trong những ngày cuối đời. Do đó, tôi không nghĩ danh ca Thái Thanh đã cô đơn khi lìa khỏi cuộc đời này.

    Nghĩ như vậy thôi, nhưng tôi không thể không buồn vì nỗi cô đơn ghê gớm của một đời người phải lìa xa xứ mẹ, “sống ở một nơi không còn gì là quen thuộc” như lời chị Thái Thanh đã than với tôi. Lời hát, giọng ca vẫn còn quanh quẩn đâu đây, có lý nào người lại ra đi vĩnh viễn? Cứ như là chị giận, chị đang đi xa. Đi chơi vài ngày rồi lại trở về. Và nếu có dịp, chúng ta lại gặp nhau? Như một buổi chiều chị ghé qua tòa soạn Saigon Nhỏ trước đây. Trời mưa, chị sắn quần lên cao để tránh nước. Ký giả Nguyên Huy mở cửa cho chị, khen, chân chị trắng và đẹp quá. Chị cười to, sảng khoái: chân thì ăn thua gì, nhiều thứ còn đẹp hơn chứ lị? Cả tòa soạn được một trận cười nhớ đời. Chị ghé qua như mang lại sinh khí cho những thời khắc bận rộn khó tránh của nghiệp báo. Làm sao có thể nghĩ được rằng tiếng cười đó bây giờ đã nằm trong một cỗ quan tài, sự kết hợp tuyệt vời nhất của nghệ thuật trình diễn Việt Nam rồi cũng sẽ đi vào lòng đất.

    Ngày hôm nay, tôi tự cho tôi một điều “xa xỉ” là sẽ không làm gì cả, chỉ để ngồi nhớ đến một tên tuổi của Việt Nam Tư Do mà tôi có hân hạnh được quen biết trong một khoảng thời gian dài. Đời sống xứ người bận rộn, những việc không đâu nhưng lại chiếm hết thì giờ của một đời người. Tôi tự nhủ, ngày hôm nay, tôi sẽ chỉ nhớ đến chị Thái Thanh, như một người tôi vẫn có thể bắt tay, ôm chầm lấy và cười rũ, cười vui với những câu nói dí dỏm, thông minh nhưng vẫn không kém phần nền nã, cao sang. Người mà tôi có thể nói với, về một bản nhạc vừa được nghe như một hiện hữu trong đời sống này, trong cuộc đời này.

    Vì ngày mai, sau khi thắp hương tiễn chị lên đường, tôi cũng sẽ như mọi người Việt Nam sẽ chỉ còn lại một giọng ca, một thiên tài âm nhạc Thái Thanh trong tâm tưởng. Nỗi đau làm sao nguôi?

    HOÀNG DƯỢC THẢO

    Nguồn: https://news.vietluan.com.au


              
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Thái Thanh qua đời

Bài viết bởi Hoàng Vân »








Đường chiều lá rụng
Phạm Duy


Thái Thanh




Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Thái Thanh qua đời

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Một Trời Thái Thanh



    Nhớ Thái Thanh - Minh họa: Đinh Trường Chinh



    25 tháng Ba năm 2020 tang lễ Thái Thanh. California đang mùa đại dịch Covid-19. Không thể ra khỏi nhà. Tôi ngồi lặng lẽ cầu nguyện và nhớ chị.

    Từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước, khi Sài Gòn còn là thủ đô Việt Nam Cộng Hoà, tôi có duyên may, được làm việc bên chị Thái Thanh. Hằng tuần, liên tục nhiều năm, hai chị em cùng chủ trương một chương trình phát thanh, kết hợp bài hát với bài viết để nói lên tình tự quê hương.

    Người hát- người viết, nhờ đó mà thân quí. Và càng thêm thân quí hơn, khi cả nước bị bức màn tre, bức màn sắt trùm kín. Sách báo, băng nhạc bị hỏa thiêu. Văn học, nghệ thuật bị khai trừ. Giáng sinh năm 1975, tám tháng sau đổi đời, trong khi chờ đợi đi cải tạo và tan tác, một số bằng hữu nghệ sĩ Sài Gòn tìm lại ngồi bên nhau.

    Họp mặt nửa đêm Noel năm ấy, trong ánh nến long lanh, bỗng vang lên tiếng ai đó dục giã: “Hát đi, Hát đi chứ.” Rồi nghe giọng chị Thái Thanh tinh nghịch, ra vẻ như ta đây đàn chị, yểu điệu dỗ dành: “Ừ, thì hát. Hát nhé.” Và tiếng hát vút lên cao, bất chấp mọi rình mò hù dọa.

    Tiếng hát Thái Thanh. Thêm tiếng đàn Hoài Bắc. Vẫn những cung bậc quen, những làn điệu cũ.

    Từng nhịp, từng lời, nối tiếp nhau bay bổng. Chỉ vậy thôi, mà sao có lúc tôi thấy có gì đó rơi vỡ, rồi thấy mình nhoà lệ. Không. Không chỉ mình tôi khóc. Chẳng hiểu bằng cách nào, tôi biết tất cả đều khóc. Sau này hỏi thêm, tôi biết chị Thái Thanh là người khóc nhiều nhất, vì hầu hết những người họp mặt đêm ấy đều đã ra đi. Tiếng hát Thái Thanh đi theo họ. Nhiều người mang tiếng hát ra biển. Có người đi mà không bao giờ đến.

    Không biết họ ra sao nhưng tiếng hát Thái Thanh những ngày này đang được nghe khắp năm châu bốn biển.

    Tiếng hát ấy cũng đang ở trên trời, như thơ người tù khổ sai Trần Dạ Từ:

    • Sớm mai vác rựa vô rừng
      Chợt nghe chim hót tưng bừng một phương
      Điệu gì lơ lửng khói sương
      Đúng là ông Phạm Đình Chương đây rồi
      Ai kia lã lướt khóc cười
      Véo von tiếng hát một trời Thái Thanh



    Một trời Thái Thanh. Tiếng hát chị Thái. Tiếng hát bạn tôi đã lên trời. Bầu trời quê hương cũng chính là lòng người, cả hai miền Nam Bắc.

    Nhã Ca

    Nguồn:https://vietbao.com


              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Thái Thanh qua đời

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Một Lần Nghe Thái Thanh Hát Ở Sài Gòn Sau 1975




    Hội Ca Cầm năm 1982. Tác giả Thân Nguyễn hàng ngồi, thứ nhì từ bên trái. Nhà báo Trần Đại Lộc ngồi bìa phải



    Sự ra đi của nữ ca sĩ Thái Thanh mới đây đã để lại bao nhiêu thương tiếc trong giới yêu âm nhạc cả trong nước Việt Nam lẫn ở hải ngoại. Càng đáng tiếc hơn khi tang lễ của cô diễn ra trong thời điểm Cali có lệnh cấm tụ tập để ngăn ngừa sự lây lan dịch cúm COVID-19. Nhiều người ái mộ sẽ không được viếng cô lần cuối.

    Nhiều người biết rằng sau 1975, trong thời gian 10 năm ở lại Sài Gòn trước khi đoàn tụ gia đình tại Mỹ, Thái Thanh không bao giờ hát trở lại trước công chúng. Vậy mà tôi là một trong những người có vinh dự được nghe cô hát ở Việt Nam trong một lần hiếm hoi, tại tư gia của nhà văn Doãn Quốc Sỹ. Năm đó là vào khoảng đầu năm 1982. Tôi là một thành viên trong nhóm thân hữu có tên là Hội Ca Cầm. Chúng tôi bao gồm đủ thành phần xã hội: công nhân, giáo viên, lao động tự do, bác sĩ, cựu viên chức- sĩ quan VNCH mới đi học tập về… nhưng có cùng một sở thích: yêu âm nhạc, và vẫn muốn hát với nhau những bài hát trước 1975. Hội Ca Cầm được thành lập bởi anh Trần Đại Lộc (cựu nhà báo của Nhật Báo Người Việt). Nhóm chúng tôi họp nhau khá thường xuyên để ca hát, đặc biệt là sau khi bác Doãn Quốc Sỹ được trả tự do lần đầu vào năm 1980. Nhiều ca nhạc sĩ chuyên nghiệp như Tâm Vấn, Anh Ngọc, Duy Trác, Thái Hiền, Trần Quang Lộc, Nguyễn Quyết Thắng, Phan Ni Tấn… từng tham gia những buổi văn nghệ của Hội Ca Cầm.

    Cuối năm 1981, ca sĩ Duy Trác (cũng là cựu luật sư văn phòng phủ tổng thống) đi tù cải tạo về, đến thăm bác Sỹ, và cũng bắt đầu tham gia sinh hoạt văn nghệ với chúng tôi. Chú Trác nói thích không khí văn nghệ của nhóm. Chú có quen cô Thái Thanh, và sẽ thử mời cô Thái Thanh đến để vừa thăm bác Sỹ, vừa dự một “đêm văn nghệ bỏ túi”. Và Cô Thái (tên gọi thân mật của nhóm chúng tôi dành cho cô Thái Thanh) đã nhận lời. Chúng tôi vô cùng hào hứng, vì biết Cô Thái rất kín tiếng, ít tiếp xúc đám đông trong thời gian đó. Và rất nhiều người trong chúng tôi chưa bao giờ được hân hạnh nghe cô hát “live” bao giờ. Trước 1975, làm gì có tiền mà vào phòng trà Đêm Màu Hồng nghe Thái Thanh hát!

    Tôi nhớ hôm đó Cô Thái đến với một cô con gái. Gia đình chú Duy Trác và toàn nhóm Hội Ca Cầm có mặt để chào đón sự kiện đặc biệt này. Chúng tôi không dám rủ đông bạn bè, vì sợ Cô Thái ngại. Vậy mà căn phòng khách nhỏ xíu của nhà bác Sỹ cũng chứa gần 30 người. Ban đầu Cô Thái ngồi nói chuyện với hai bác Sỹ, cô chú Duy Trác, chúng tôi ngồi nghe. Rồi anh Trần Đại Lộc bắt đầu dẫn vào chương trình văn nghệ một cách tự nhiên, nhẹ nhàng. Dĩ nhiên là “tiên chủ, hậu khách” để “hâm nóng” không khí văn nghệ. Chúng tôi dù không chuyên nghiệp nhưng mê hát, và hát cũng không tệ. Hôm đó tôi hát bài Em Tôi của Lê Trạch Lựu, và một bài của anh Trần Đại Lộc. Bác sĩ Trương Minh Cường hát bài Đợi Anh Về, và một bài do ông sáng tác. Chú Duy Trác hát hai bài chú sáng tác trong tù cải tạo. Rồi Thanh Hương- con gái út của bác Sỹ, hát một bài của người anh trai, và bài “Sáng Nay Mùa Xuân” của anh Lộc sáng tác nhân dịp đón bác Doãn Quốc Sỹ từ tù cải tạo về.

    Đến lúc đó thì Cô Thái đã bắt được nguồn cảm hứng âm nhạc, và cảm nhận được không khí yêu văn nghệ của chúng tôi. Cô bắt đầu đứng dậy, chỉ Thanh Hương cách phát âm sao cho mạnh và rõ. Cô nói nhớ lấy hơi từ bụng.

    Rồi giây phút mọi người chờ đợi cũng đến, Cô Thái bắt đầu hát. Cô xin phép được đứng hát, vì cô không quen “hát ngồi” như chú Duy Trác. Cô yêu cầu cô con gái ngồi vào piano, đệm đàn cho mình. Hình như cô bắt đầu bằng bài Paris Có Gì Lạ Không Em của Ngô Thụy Miên. Mọi người ngẩn ngơ, vì sau bao nhiêu năm lặng tiếng, hôm nay tiếng hát Thái Thanh vẫn tuyệt diệu như ngày nào. Sau đó, cô hát Tuổi 13 (cũng của Ngô Thụy Miên). Đến đây, cô không thể đứng yên, mà phải bắt đầu nhún nhẩy như trình diễn. Cô còn nói là phải “uốn éo” một chút thì mới có hứng được!

    Không khí đêm văn nghệ ngày càng trở nên thân tình hơn giữa chúng tôi và người ca sĩ tên tuổi vào bậc nhất của Sài Gòn trước 1975. Cô Thái sau đó yêu cầu Hưng (con trai của bác Sỹ, và là tay đàn guitar chính của Hội Ca Cầm) đệm guitar cho cô hát bài Mùa Thu Không Trở Lại của Phạm Trọng Cầu. Trước đó, Hưng đã đệm cho chú Duy Trác hát, rất suôn sẻ. Vậy mà khi đệm cho cô Thái Thanh, một phần vì cô hát nhịp rất lơi, một phần có lẽ vì… khớp, cho nên Hưng không thể theo được nhịp hát của cô. Thật là bất ngờ, cô Thái Thanh ngồi xuống, giật cây đàn guitar từ tay Hưng, và tự đệm cho mình hát:

    • … Ngày… Em… Đi…

      Nghe chơi vơi não nề
      qua vườn Luxembourg
      Sương rơi che phố mờ
      Buồn này ai có mua?...


    Được nghe Thái Thanh hát “live” sau 1975 đã là hiếm. Nhưng được nhìn Cô Thái tự đệm đàn guitar cho mình hát thì có lẽ là kỷ niệm có một không hai trong đời. Tất cả chúng tôi đều tận hưởng giây phút âm nhạc để đời này. Cho đến tận hôm nay, tôi vẫn nhớ như in kỷ niệm đẹp ngày hôm đó.

    Cô Thái sau đó vẫn giữ mối tình thân với gia đình bác Doãn Quốc Sỹ. Vào năm 1985, trước khi cô đi Mỹ, cô có đến chào bác Sỹ gái. Lúc này, bác trai đã bị bắt lần thứ hai (tháng 5-1984). Việc đến nhà bác Sỹ dễ bị công an theo dõi. Vậy mà cô không hề ngại. Cô Thái đem một tấm hình Đức A Di Đà Phật đến tặng bác gái, và bảo rằng: “em đi, nhờ chị ở lại tiếp tục thờ Đức A Di Đà hộ em…”. Thật là cảm động! Một thời gian ngắn sau đó, chúng tôi nghe tin cô đã đến Mỹ. Chúng tôi bật đài VOA nghe lần phỏng vấn đầu tiên ca sĩ Thái Thanh tại ở hải ngoại, nghe cô nhắn nhủ với những người ở lại (trong đó có chúng tôi): “…Hãy sống lâu hơn những gì mình không thích…”.

    Ngày hôm nay, Cô Thái đã ra đi “Nghìn Trùng Xa Cách”. K.- người đầu tiên trong nhóm chúng tôi đặt ra cái tên gọi “Cô Thái”- đã buồn bã viết cho mọi người rằng: “…Ngày buồn! Dấu chấm hết cho một nền nghệ thuật chính đạo…”. Không thể kể hết những bài được những người hâm mộ Thái Thanh viết và truyền trên mạng trong những ngày qua. Tôi chỉ xin góp thêm một điều: Tiếng Chim Thanh đã từng có lần cất lên ở Việt Nam sau 1975. Và tôi đã từng được nghe tiếng hót của loài chim quí đó, trong một thời điểm hiếm hoi mà tôi sẽ không bao giờ quên…


    Thân Nguyễn



    Nguồn:https://vietbao.com


              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Thái Thanh qua đời

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Vẳng tiếng đê mê



    nhớ nữ ca sĩ Thái Thanh (1934 - 2020)


    Tôi sẽ không nói gì về tiếng hát thiên phú vượt thời gian của nữ danh ca Thái Thanh vì đã có nhiều người ngợi khen từ khi chị nổi tiếng cho tới ngày chị qua đời. Trong bài viết giản dị và chân thành này, tôi không mang nỗi buồn vào đây, không kéo cái ảm đạm vô đây; tôi cũng không phải thắp thêm nén tâm hương tiễn nữ ca sĩ Thái Thanh về bên kia thế giới, vì tôi đã thành kính phân ưu cùng gia đình chị ở những email, facebook của bạn bè đưa tin về sự qua đời của một danh ca. Ở đây, tôi chỉ kể lại chút kỷ niệm với chị, chỉ vậy thôi.


    Ngày 17/3/2020, được tin nữ ca sĩ Thái Thanh mất, tôi nhớ ngay đến gương mặt khả ái của chị, dù đã 36 năm qua rồi gương mặt với môi cười tươi thắm kéo theo đôi mắt biết cười của chị vẫn còn rạng rỡ trong trí nhớ tôi. Mùa hè 1996 trong buổi ra mắt sách của tôi tại hội trường báo Người Việt, ngoài nhà văn Mai Thảo làm diễn giả còn có đông đảo văn nghệ sĩ gạo cội của nền văn học Việt Nam tới chung vui trong đó có nữ ca sĩ Thái Thanh.


    Bằng giọng thanh lịch của người Hà Nội xưa, chị cười nói: "Người thơ Phan Ni Tấn đây nhỉ?" làm tôi nhớ hoài. Thiệt tình lúc đó tôi không nghĩ có ngày mình được tiếp chuyện với “tiếng hát vượt thời gian”. Mắc cười nhất mà cũng cảm động nhất là nhà văn Mai Thảo kè kè chai rượu Whisky đã cạn phân nửa, nhướng mắt nhìn tôi, giới thiệu: "’Tiếng hát vượt thời gian’ đấy, ông Tấn nhé!". Cái giọng lè nhè mà dễ thương của nhà văn xưa nay vẫn vậy.


    Chuyện thoáng đó đã 36 năm vù qua với biết bao vật đổi sao dời, kẻ mất người còn. Có người sẽ hỏi:


    - Thế, từ đó đến nay anh em văn nghệ sĩ đến với anh trong buổi ra mắt sách những ai còn ai mất, thưa anh?


    - Dạ, còn các anh Nguyễn Đình Toàn, Hoàng Khởi Phong, Đỗ Quý Toàn, Nguyễn Thiện Cơ, Lâm Văn Sang, Trần Duy Đức, Khánh Trường, Nguyễn Mạnh Trinh, Phan Tấn Hải, Thái Tú Hạp, Nguyễn Nam An, Phạm Vũ…



    Riêng những người đã mất, tính theo năm gồm anh Trần Đại Lộc mất năm 1997, nhà văn Mai Thảo mất cùng năm với họa sĩ Nghiêu Đề (1998), nhạc sĩ Lê Uyên Phương (1999), họa sĩ Tạ Tỵ (2004), nhà báo Đỗ Ngọc Yến (2006), nhà văn Thảo Trường (2010), nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang (2011), nhạc sĩ Phạm Duy (2013), nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng (2014), nhà biên khảo Trần Văn Nam (2018), nhà thơ Du Tử Lê (2019), mới đây là ca sĩ Thái Thanh (2020).



    Tưởng nhớ một danh ca vừa qua đời tôi viết bài VẲNG TIẾNG ĐÊ MÊ, tựa đề được rút ra từ bài Tình Hoài Hương của nhạc sĩ Phạm Duy:


    • Quê hương tôi, có con sông đào xinh xắn

      Nước tuôn trên đồng vuông vắn

      Lúa thơm cho đủ hai mùa

      Dân trong làng trời về khuya, vẳng tiếng lúa đê mê…


    Có thể nói cây tre là biểu tượng anh hùng của nước Việt ta, một loại tre khổng lồ trong tích xưa được Thánh Gióng dùng làm binh khí quét sạch giặc Ân ra khỏi bờ cõi. Còn ở đây, với tôi, hình ảnh nữ ca sĩ Thái Thanh là cây lúa, là hạt lúa, hương lúa hay tiếng lúa cũng vậy.


    Dù gì chăng nữa, tôi cũng xin thả vào đây một câu nói rất hay như một tiếng thở dài, nhẹ thôi, ưu ái thôi: “Nụ cười có thể tặng cho bất cứ ai. Nhưng nước mắt thì chỉ dành cho những người mà ta không muốn mất."


    Chị Thái Thanh lên trời bình yên nghe.

    Thân kính.

    Phan Ni Tấn


    Nguồn:https://vietbao.com



              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Thái Thanh qua đời

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Vài kỷ niệm với DANH CA THÁI THANH





    Năm 1966, tôi trúng tuyển vào làm xướng ngôn viên đài Tiếng Nói Tự Do – Voice of Freedom – hay gọi tắt là đài VOF. Đài này qui tụ một số nhà văn, nhà báo, nhạc sỹ và ca sỹ nổi tiếng. Trong đó, nổi bật nhất vẫn là tiếng hát “vượt thời gian” của danh ca Thái Thanh với chương trình “Lời Trong Đêm”. Trong mục này, Thái Thanh tâm tình với các anh bộ đội miền Bắc.

    Với giọng đọc hấp dẫn lôi cuốn, với những nhạc phẩm tình cảm do giọng ca hàng đầu trình bày, chương trình này làm cho bộ đội miền Bắc rất ghiền và nghe lén, theo anh Lê Tuấn, người cùng khởi đầu với tôi tại đài trước Nguyễn Hữu Công và Phạm Long.

    Nguyễn Hữu Công hiện điều hành đài phát thanh Little Saigon tại Cali.

    Phạm Long thường xuất hiện trong các đài truyền hình Việt Nam, cũng tại Cali.

    Sau một thời gian làm xướng ngôn, chúng tôi được theo học một khóa đạo diễn phát thanh (producer) do đài VOA (Voice of America) tổ chức tại đài phát thanh Sàigòn.

    Sau khóa học, tôi được giao làm producer, phụ trách chương trình nhạc cổ điển Tây phương do anh Lê Gia Thầm biên soạn. Nữ ca sỹ Kim Vui cũng là nữ tài tử nổi tiếng làm xướng ngôn, đọc chương trình.

    Khi tôi vào đài, chương trình “Lời Trong Đêm” của Thái Thanh do nữ kịch sỹ Kiều Hạnh làm producer. Kịch sỹ Kiều Hạnh lấy ông Phạm Đình Sỹ là anh cả của Thái Thanh.

    Nghệ sỹ Kiều Hạnh thỉnh thoảng đi đóng phim. Khi bác bận đi quay phim, tôi được giao làm producer cho chương trình Thái Thanh. Vì thế, tôi có dịp nói chuyện với bà.

    Thái Thanh có lối nói chuyện rất lôi cuốn và duyên dáng. Bà có những nhận xét tinh tế về cuộc sống. Theo bà, vợ chồng cần có một khoảng cách xa nhau trong ngày, buổi tối hội ngộ mới đầy ý nghĩa.

    Thái Thanh và các con ở một căn nhà rất xinh tại đường Lê Thánh Tôn, gần nhà thương Đồn Đất xưa.

    Khi tôi lại thăm, bà dắt một vòng đi xem nhà. Trên lầu, khi chỉ tay vào phòng ngủ rất rộng so với tiêu chuẩn ở Sàigòn bấy giờ, trông rất “hoành tráng”, Thái Thanh khôi hài: “Đây là phòng ngủ của hoàng đế Neron”.

    Vài năm sau khi tôi vào làm trong đài, nhạc sỹ Phạm Đình Chương, tức Hoài Bắc và anh Hoài Trung cùng Thái Thanh hợp thành ban văn nghệ trên sân khấu của nhà hàng “Đêm Màu Hồng” trên đại lộ Nguyễn Huệ Sàigòn. Nhà hàng này là tầng trệt của khách sạn Catinat. Ông chủ nhà hàng là dân biểu Trần Quý Phong, một người ái mộ danh ca Thái Thanh.

    Tôi đến nhà hàng được nghe anh Hoài Trung hát “Bên Cầu Biên Giới”, anh Hoài Bắc chơi guitar, ngất ngưởng với ly ruợu và tất nhiên có tiếng hát lanh lảnh, lôi cuốn của Thái Thanh. Sau đó là giọng ca mạnh, đầy sức sống của một ca sỹ lớn là Lệ Thu.

    Anh Hoài Trung cùng trong ban thực hiện chương trình với tôi tại đài Tiếng Nói Tự Do. Anh nói Thái Thanh và Lệ Thu là hai tiếng hát độc quyền của nhà hàng “Đêm Màu Hồng”. Anh tiết lộ, mỗi cô được trả 250,000 đồng một tháng. Thời đó, lương một công chức bình thường chưa tới 10,000 đồng. Như vậy, một công chức phải đi làm cả hai năm mới gần bằng thu nhập của hai danh ca miền Nam trong một tháng.

    Hát hay, tiếng tăm lừng lẫy, duyên dáng lại nói chuyện lôi cuốn, tinh tế, thông minh nên Thái Thanh có nhiều quý ông ái mộ, phải nói là mê mệt.

    Đứng đầu bảng là nhà văn Mai Thảo. Mỗi lần Mai Thảo vào trong đài, gặp Thái Thanh cùng thâu chương trình, tôi thấy hai người nói chuyện rất tương đắc. Mai Thảo có thái độ rất kẻ cả đối với các ca sỹ đàn em của Thái Thanh. Tôi nghe ông hỏi một ca sỹ trẻ: “Em không chào anh à?”. Còn với danh ca Thái Thanh, ông cười cười nói nói coi như không biết thời gian là gì. Đúng là ông “vượt thời gian”.

    Chính Mai Thảo là tác giả của nhận xét giọng ca “vượt thời gian” của Thái Thanh. Cụm từ của Mai Thảo nay đã thành biệt danh của Thái Thanh.

    Còn nữa, để ca tụng lối diễn tả sống động của giọng ca Thái Thanh, Mai Thảo viết: “Giọng ca có da có thịt”, nhưng câu này ít được trích dẫn.

    “Vượt thời gian” nay đã đi vào ngôn ngữ Việt Nam. Vì thế, người ta hay nói giễu những anh trốn nợ không trả tiền là những anh có món nợ “vượt thời gian”.

    Một gương mặt nổi tiếng khác của Sàigòn cũng là người mê Thái Thanh như điếu đổ, nhưng là yêu một chiều thôi. Chàng giữ kín mối tình. Đó là quái kiệt Trần Văn Trạch.

    Từ bé còn ở tiểu học, tôi đã thấy người ta mê lối trình diễn đầy hài hước của Trần Văn Trạch như khi ông hát: “Cái Telephone, Chuyến Xe Lửa Mồng Năm….”. Rồi giọng ông trầm ấm trong mỗi buổi truyền thanh trực tiếp cuộc sổ xố của đài Phát Thanh Sàigòn “Xổ số quốc gia, giúp đồng bào ta, mua lấy cửa nhà, giàu sang mấy hồi….”.

    Sau này lớn lên, khi là sinh viên, tôi rất hâm mộ giọng miền Nam, ấm, vang của Trần Văn Trạch khi ông hát “Chiều Mưa Biên Giới”.

    Mới đây tôi đọc một bài báo, ký giả hỏi Thái Thanh về người có mối tình câm lặng với bà. Danh ca trả lời rằng bà cũng đoán thế. Bà rất nể trọng tài năng và tư cách của nghệ sỹ Trần Văn Trạch.

    Theo nhạc sỹ Nguyễn Quý Lãm, có một nhạc sỹ khá nổi tiếng cũng mê Thái Thanh như điếu đổ. Cụ Nguyễn Quý Lãm nay đã trên 90. Cụ ở gần nhà tôi và là thân chủ của tôi. Cụ Lãm chơi đàn violin rất nổi tiếng tại Sàigòn. Cụ dạy nhạc cho các con của bác sỹ Nguyễn Mạnh Tiến và bà xã Ái Minh.

    Theo cụ Lãm, người nhạc sỹ đa tình vô cùng cái mộ Thái Thanh là nhạc sỹ Võ Đức Thu.

    Trên Việt Luận, Khánh Ly cho rằng Thái Thanh là ngọn hải đăng của cô. Còn theo Lệ Thu, chỉ có một mình Thái Thanh là tiếng hát vượt thời gian.

    Trước đây, tôi đọc một bài báo khá dài đăng trên Việt Luận do ông Đỗ Tiến Đức, cựu Giám đốc trung tâm điện ảnh miền Nam trước 1975, viết về Thái Thanh. Theo ông, chúng ta nên cám ơn Thái Thanh vì bà đã đem tiếng hát tô đẹp đời sống của chúng ta.

    Xin mượn nhận xét trên của ông Đỗ Tiến Đức để vĩnh biệt một tiếng hát đã tô đẹp đời sống của chúng ta.

    Luật Sư Trần Hữu Trung
    Sydney, tháng 03/2020


    Nguồn:https://news.vietluan.com.au


          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Thái Thanh: Tiếng hát đủ sức âm vang đến tận mai sau!

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




    Thái Thanh:
    Tiếng hát đủ sức âm vang
    đến tận mai sau!

    _________________________
    Diễm Thi, RFA _ 18.03.2020




              

    Hình ảnh nữ ca sĩ Thái Thanh trên băng đĩa trước 1975 ở Sài Gòn.

              



    Nữ danh ca Thái Thanh - giọng hát vượt thời gian - đã qua đời tại Mỹ hôm 17 tháng 3 năm 2020. Bà tên thật là Phạm Thị Băng Thanh, sinh năm 1934. Bà theo gia đình di cư vào Nam năm 1954 và tiếng hát của bà ngự trị trên khắp các chương trình ca nhạc truyền thanh, truyền hình của Việt Nam Cộng Hòa cho đến năm 1975. Bà sang mỹ định cư năm 1985.

    Dù chỉ là một cậu bé vào năm 1975, nhưng đến năm 2014, khi Thái Thanh tròn 80 tuổi, Nhạc sĩ Tuấn Khanh có bài viết tạ ơn bà với câu mở đầu:

    “Trong những món quà mà tạo hoá đã ban tặng riêng cho người Việt, thật không thể không nghĩ đến tiếng hát Thái Thanh. Gần một thế kỷ của đời nghệ sĩ, Thái Thanh có lẽ là người duy nhất xứng danh diva trong âm nhạc Việt Nam. Tiếng hát của bà không những là những bài học về thưởng thức tinh tế cho nhiều thế hệ, mà còn là lời khai tâm cho tình dân tộc, đủ sức âm vang đến tận mai sau.”

    Giọng hát của Thái Thanh được giới mộ điệu dùng những mỹ từ để mô tả như diễm tuyệt, lộng lẫy, thiên bẩm, xuất chúng, đệ nhất danh ca, giọng hát vượt thời gian...

    Là một đứa trẻ chỉ 7 tuổi vào năm 1975, Luật sư Đặng Đình Mạnh chưa một lần được nghe ca sĩ Thái Thanh hát trên tuyền hình, truyền thanh, nhưng với ông, Thái Thanh là một tượng đài âm nhạc; là một trong những ca sĩ mở đầu cho nền tân nhạc Việt Nam. Khi nghe tin Thái Thanh mất, ông ngậm ngùi gởi đến bà nén tâm hương tưởng niệm từ thế hệ hậu sinh người miền Nam. Ông chia sẻ:

    “Bà một người có giọng hát thiên bẩm, xuất chúng mà không thể lầm lẫn được với ai. Tôi nghĩ những người thuộc thế hệ chúng tôi, đã một lần nghe Thái Thanh thì họ sẽ thích. Thế hệ chúng tôi đi qua rất nhiều nỗi trầm luân của đất nước nên chúng tôi dễ đồng cảm với ca từ cũng như cách bà hát.

    Có những ca sĩ tuyên bố rất mạnh mẽ về quan điểm chính trị, chẳng hạn như không muốn sống dưới chế độ cộng sản, hoặc chỉ về hát khi không còn cộng sản...

    Bà Thái Thanh không tuyên bố những lời như vậy, chưa bao giờ bà công khai thể hiện quan điểm chính trị, nhưng hành xử của bà thì lại mạnh mẽ, hùng hồn gấp bội phần so với những lời tuyên bố lớn tiếng nhất."

    Là một thành viên của Ban hợp ca Thăng Long nổi tiếng nhất tại Sài Gòn trước năm 1975, gắn liền với phòng trà Đêm Màu Hồng, nhưng sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Thái Thanh ngưng trình diễn. Từ đó, không ai thấy bà xuất hiện trên bất cứ sân khấu hay chương tình ca hát nào ở Việt Nam cho đến ngày bà từ giã cõi đời.

    Ông Nguyễn Đình Ngọc, một người từng học thanh nhạc, sinh ra và trải qua thời niên thiếu dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa nhận định về giọng hát của bà:

    “Bà có giọng ca rất đẹp, có màu giọng rất riêng không nhầm lẫn với bất cứ giọng ca nào hết.


    Bà sở hữu giọng ca Soprano, giọng nữ cao, phải nói là rất hiếm mà không phải ai cũng có thể cảm được. Bà hát nhạc tiền chiến, dòng nhạc sang trọng chủ yếu của nhạc sĩ Phạm Duy, Phạm Đình Chương và một số nhạc sĩ tiếng tăm của Sài Gòn trước 1975.


    Cái may mắn của nữ danh ca Thái Thanh (không biết tôi dùng từ may mắn có đúng hay không) là bà di cư vào Nam khá sớm. Nhờ cái tự do trong sáng tác của chế độ VNCH mà giọng của bà được tiếp tục khẳng định và đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn âm nhạc của người miền Nam. Cái may mắn thứ hai nữa là bà đến được bến bờ tự do sau năm 75 .”

    Khi biết tin trái tim của nữ danh ca Thái Thanh đã ngừng đập, ông ngậm ngùi: Một ngôi sao của bầu trời âm nhạc đã rơi!

    Trong thế giới phẳng ngày nay chúng ta không cần mở trang báo, không cần xem TV cũng có thể biết những gì vừa xảy ra từ nửa bên kia trái đất. Những bài viết, chia sẻ, tin tức về ca sĩ Thái Thanh tràn ngập mạng xã hội mà tác giả có khi chẳng ở trong lĩnh vực âm nhạc. Họ chia sẻ cảm nhận một cách nhẹ nhàng với trái tim của người Việt Nam trên mảnh đất Việt Nam.

    Tiến sĩ Lê Vĩnh Trương, tác giả cuốn sách “Bàn về Trung Quốc trỗi dậy” chia sẻ với RFA cảm nhận về bà Thái Thanh:

    “Về nội dung mà ca sĩ chọn là 3 trường phái, hay ba nhánh chính dù có thể là có sự giao thoa cả ba nhánh này. Đó là nhạc chiến chinh, nhạc xuân và nhạc về đất nước Việt Nam đẹp xinh.

    Bà là bậc thầy về xử lý cung bậc, luyến láy, sức mạnh của hơi lan tỏa mà không kém tinh tế chút nào, đắm chìm nội tâm, chia sẻ thân phận của người phụ nữ. Bà hát về phụ nữ rất ngọt ngào và hát non sông đất nước đầy hào khí."

    Ông Trương nói thêm rằng, ngoài nhạc chiến và nhạc Xuân, mỗi khi Thái Thanh cất giọng hát nhạc quê hương là lúc bà lột tả hết xương da như tiêm rượu nồng vào máu tủy. Bà mang lúa chiêm và nắng quái cô thôn gieo rắc trên bước chinh Nam của những bác nông phu áo nâu. Gối đầu trên Lào Cai, Việt Trì, mơ Xuân vinh quang. Bà đến với Cần Thơ, Long Xuyên, Vĩnh Long, ngập vườn lúa chín, luyến cuộc đời với những giang nữ và bầy cá lội ngù ngờ 40 năm trước. Tấm áo nâu không phai màu ấy đã lảng bảng chìm trong nhân thế, chìm trong tâm khảm mỗi con nhà Nam, như hình bóng cha ông lầm lũi đi dựng nghiệp với núi non sông rạch. Bà sáng tạo những trầm bổng, phả vào đó những ngóc ngách mà Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Lê Thương và Văn Phụng như còn quên đâu đó. Chính hùng khí trong giọng ca truyền cảm của bà làm cho tiếng Việt, nhạc Việt phong phú hơn lên, con dân Việt Nam yêu thương đất nước và con người hơn.

    Là con gái lớn của ca sĩ Thái Thanh, nữ ca sĩ Ý Lan từng tâm sự với RFA:

    “Bà lớn lên cùng với âm nhạc qua nhiều thời đại của cuộc sống và điều này cũng có những gắn bó và điều này đưa đến sự thông cảm và hiểu biết về thời gian, về âm nhạc và ngay cả đời sống họ đã từng trải qua. Mỗi khi Ý Lan nghe tiếng hát của mẹ từ những ngày còn bé bỏng 5,6 tuổi, mỗi khi nghe mẹ hát và đã từng rơi nước mắt là bởi vì nó rất đơn sơ vì đây là tiếng hát đã nuôi nấng Ý Lan đây, một người mẹ cáng đáng đời sống để nuôi một đàn con.”

    Nhạc sĩ Tuấn Khanh chia sẻ rằng, ông lớn lên với hình ảnh Việt Nam ngổn ngang các ý thức Quốc - Cộng. Hận thù và thương đau không đủ vẽ nên trong ông hình ảnh một Việt Nam mến thương để sống, để nói. Nhưng trong run rủi, ông nghe được Thái Thanh, khi bà hát về thân phận từ Trịnh Công Sơn hay bao la và vĩ đại từ Phạm Duy.

    Tiếng hát của bà vang vọng trong chia ly, mất mát, mà cũng quyện quanh trong hạnh phúc, sum vầy. Tiếng hát của bà là phần không nhỏ, dạy cho ông biết yêu đất nước này, dù cùng quẫn trong khổ đau hay hạnh phúc trong giả tạo lăng trì.





    https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth ... 43453.html
              
Trả lời

Quay về “câu chuyện âm nhạc”