Nữ ca sĩ Tâm Vấn, Giọng như tơ lòng như lụa

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5410
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Nữ ca sĩ Tâm Vấn, Giọng như tơ lòng như lụa

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           





              
    Nữ ca sĩ Tâm Vấn,
    Giọng như tơ lòng như lụa



    Từ đôi mắt dài đắm đuối Hà-Nội ngọt ngào Saigon ai lẽo đẽo tìm Hà Nội thanh lịch Saigon nhí nhảnh sẽ vớt được chút hương đầu mày cuối mắt lớn lên vào một thuở thanh-bình hiếm hoi của đất-nước ngày còn "nắng tơ vàng hiền hòa hồn có mưa sa..."

              

    (Tâm Vấn 15 và chị cả 17 tuổi, Hà Nội 1949)

              

    Hiệp-định Genève 20/7/1954, bày chim lìa Hà-Nội di-cư vào Nam mang theo tiếng hót trăm năm trước không có trăm năm sau cũng không có nốt.

    Sáng sớm mở mắt ra là nghe hót líu lo qua chiếc radio đầu giường bà nội, còn nhỏ không hiểu tại sao từ cái máy im lặng ấy lại gửi ra những vần ảo diệu khiến "Tôi yêu tiếng nước tôi" từ rất sớm. Những năm đầu 1960 ở Saigon chưa có truyền-hình, xôi bắp báo Tự-Do đồng hạng 2 đồng, vé ciné rạp Thanh-Vân 5 đồng, bản nhạc nhà xuất-bản Tinh-Hoa 7 đồng,... Hai chị ít tiền mà mê hát lúc nào cũng sẵn sàng tập vở bút chì, khi Tâm-Vấn Thái-Thanh Mộc-Lan Châu-Hà Kim- Tước Anh-Ngọc Văn-Phụng Hoài-Bắc Hoài-Trung cất tiếng là mắm môi chép rồi chuyền nhau tập đến nỗi hai nhóc tì trong nhà cũng bập bẹ đôi chút. Lúc ấy cứ tưởng thi-sĩ ở trên mây, văn-sĩ xa mãi tận vầng trăng, ca-sĩ ăn hoa uống lá ...Từ cuối đêm khuya đến đầu sương sớm họ chẳng làm gì ngoài việc gửi đến đời thuần những điều tươi đẹp dày mãi trong tập vở mực tím nắn nót chép tay.

              

              

    Chỉ ca sĩ-nghệ sĩ mới biết soi bóng trên giòng sông nhạc- sĩ vẽ ra. Nghệ- sĩ Tâm-Vấn quên mình mà hát cho người vắng mặt. Hiếm ca-sĩ đời nay biết đến "nghệ-thuật quên mình" ấy nên chỉ hét hơn là hát.

    Bà nội bảo
    • "Nghe cô hát nhớ Hà-Nội quá",
    mẹ nói
    • "Bà ơi cô ấy hát như lụa nhỉ",
    ba hay tán tỉnh ăn uống đồng ý ngay
    • "Hay là nấu tí miến gà bầy tí giò lụa kha khá cà cuống ".
    Anh Hai cho là giọng cô đầy khao khát thanh xuân, chị Ba chị Tư đang bị bà mắng tội ăn quà thấy đỡ oan vì giọng Tâm-Vấn chợt reo lên như dỗ dành em gái.
    • "Con gái 17 không ăn quà thì ăn gì?"


    Ấy thế mà một hôm theo chị lên Catinat được gặp hai chị em Tâm-Vấn Thịnh-Thái ở tiệm vải Tường số 110 đường Tự Do giữa hai tiệm vải Hàng Phong và Tân Cương xế nhà tranh Thành Lễ, cách nhà hàng Caravelle vài bước. Hóa ra Tâm Vấn không sống bằng hoa lá, cô là... người thật, nõn nà lụa chảy tan thành suối ôm ngón tay mảnh dẻ. Từ đôi môi son tròn xinh kể chuyện líu lo giọng Hà-Nội đầy nhạc tính, hòa nhã mà từ tốn nhẹ nhàng mà khiêm nhường âu yếm mà dìu dặt thế-hệ Hà-Nội về sau không sao có được. Ba bảo gặp Tâm Vấn ở Hà Nội
    • "Người gì mà đẹp duyên dáng lại hát hay nhìn xa như cả vườn hoa nhìn gần thắm như nụ hoa chớm nở..."
    Gớm thay cái giống đa tình dù không quá chén.

              

              


    • ..."Các cô mình may áo gì nào?
      Áo dài đi học đi làm thì xuống tiệm vải nội hóa đường Phan-Bội-Châu cho rẻ mà cũng đẹp nõn em ạ.
      Chúc mừng cô dâu cậu nào may mắn thế! Áo cưới có lụa Thái-Lan thời bà Ngô-Đình-Nhu cũng chưa có, màu vàng hoàng hậu sang không cần đeo vòng đeo xuyến.
      Chị có nhẫn kim cương mới về nhưng 5 ly 6 ly to tiền lắm vợ chồng son dành tiền mà nuôi con. Em ra Chợ Cũ tiệm vàng Ấn Độ nhẫn sapphire hồng đẹp lắm, mình phải thay đổi em ạ cứ cái gì đẹp thì yêu...
      Nếu lấy màu turquoise này thì lên lầu Hai thương xá Tax tiệm Bảo-Ngọc nhờ cô Nguyễn Gia-Liên chọn giây chuyền bạc đeo giống người Nam mình ...Em không hỏi cô cũng chỉ bảo đến nơi đến chốn. Cô Liên người Hà-Nội mỏng người hay hạt nhẹ nhàng cứ như tiên các em không sợ mua nhầm. Nói chị gửi các em qua là cô Liên bớt ngay đeo chán chê mang lên vòi vĩnh đổi cũng được ...Nói thật không phải người Hà Nội nào cũng xởi lởi thế đâu. Em gọi cô tên con gái là Hậu Anh thế nào cô cũng bớt thêm nữa"

      ..."Ơ thế em bé này học Trưng-Vương?
      Cô út Tâm Đạt nhà chị ra trường rồi... Các cô Trưng Vương cô nào cô nấy điệu rơi điệu rụng điệu rớt cả linh hồn ra ngoài. Cô nào học Trưng-Vương cũng là em của chị, Hồng-Thủy Hồng-Hảo Mộng-Thúy Từ-Bình Thanh-Hà đến đây cả...
      A bé con này chưa biết điệu. Nỡm ở đâu ấy! Thói mặc áo dài là phải có áo lót mình ngọc khoe ra ngà dấu lại. Chị thêm cho cô em ba tấc phin nõn trắng ông nhỡ bà nhàng sót lại vừa vặn may áo lót."

      ..."Vớ vẩn ở đâu ấy!
      Trẻ con không mặc lụa Ý lụa Hongkong chạy nhảy rách cả áo. Thịnh Thái đo cho em nó một mét rưỡi hàng demi-nylon hồng các cô Marie Curie may váy lót nhưng ai cấm mình may áo blouse?
      Mẹ cho em học thêu bà Cát Tường à? Thái xem trong ngăn kéo còn sót 2 cuốn chỉ màu vàng màu tím DMC của Pháp cho em thêu hoa Pensée thì đúng điệu...
      Cổ lá sen tay bồng như búp bê xinh chán. Vài tuổi nữa đi bal famille lên đây chị cho vải khúc vụn ráp lại thành áo đầm không tốn lắm mà vẫn diện em ạ"

      ...."Có vải vụn may áo búp bê Bella không ấy à...
      Giời ạ, con bé cốt Saigon hồn Hà-Nội được voi đòi cả tiên ông tiên bà ... vải của chị mấy lạng vàng một áo, nho Bangkok 700 hồng Nhật 1200 một kg...làm gì có dư cho cái con đầm con ấy, em đến tiệm Thu Hương may áo dài nói tên chị là cô cho em nhé".

      ..."Các em bây giờ nhiều hàng tha hồ mà lựa dạo Hà-Nội mẹ dẫn đi hàng Ngang hàng Đào chọn màu nào mặc màu ấy bé màu xanh da trời lớn màu thiên lý... úi giời mấy cửa hàng ấy ăn dỗ nhà mình ối tiền Thái nhỉ. Nói của đáng tội tại mình cả chứ mẹ cứ mắng yêu giá không phải diện cho năm con gái mẹ mua được thêm cái nhà cơ đấy tội nghiệp con trai trần sì chỉ có áo chemise.
      Mẹ thích màu khói hương mầu trứng sáo. Ngày ấy lụa đẹp lắm vừa mềm vừa mát như chè thạch trắng chan hoa bưởi chắc là lụa Hà-Đông áp má vào mịn ơi là mịn mặc lụa tự nhiên rón rén không dám đi nhanh... Mẹ thích hàng lụa trơn bảo mình người Việt cứ lụa mình mà mặc đến Tây mà còn mua tissue may complet nữa là...Thỉnh thoảng chọn mình hoa thì vào nhà Godard yêu đáo để cái áo hoa khế tim tím..."

                

                

      ..."Thái nhỉ, chị cả Dương-Tường nhớ lời mẹ nên gom vốn liếng các em mở tiệm vải Tường nhìn các cô Saigon nhún nha nhún nhẩy là thích rồi...
      Em cũng tên Dương à, thế thì chị bớt cho cô dâu một chút nhé chị Dương-Tường đi bổ hàng chứ không chị ấy cho em cả cái tiệm này buôn với chẳng bán...
      Ô kìa, bé con này tên Vĩnh-Tường à, đợi tí thế nào chị Dương-Tường về cũng có quà cho em...
      Nói thật chị em nhà chị bán hàng cho các phu-nhân chứ còn mấy cô thì ai lấy lời làm quái gì. Bà Khiêm bà Thiệu đến đây mua hàng luôn dễ thương giản dị lắm mê chết cái giọng Nam ngọt ngào nước dừa chè chuối"

      ... "Tiểu thơ Hà Nội ngày đó kín cổng cao tường mơ làm "cô hàng"
      • hàng sách hàng hoa hàng lụa mới được bay nhảy ra ngoài
        còn không đi đâu phải có phép có tắc nhặt rau muống cũng có phép nữa mà.
      Ô mà cái phép Hà Nội lúc nào cũng bị mắng em ạ,
      • đứng cũng mắng
        ngồi cũng mắng
        đi cũng mắng.
      Con gái bảy nghề
      • ngồi lê là một
        dựa cột là hai
        ăn quà là ba
        theo trai là bốn...
      chẳng bù với con gái trong Nam mình muốn theo ai thì theo sướng thật..."

      ... "A món rau muống Hà-Nội thế nào ấy à?
      • Rau Sơn-Tây cọng trắng chẻ mới mỏng như thuốc lá,
      • luộc phải rau Giải cọng nhỏ ít lá chấm nước mắm sấu dầm,
      • rau xào chỉ ngắn bằng gang tay bóp nhè nhẹ cho dập xào tỏi dọn lên thiếu lá kinh giới là ông mắng cho...

      Các bà hàng rau răng đen rưng rức đon đả
      • "Thưa cô hôm nay mời các cụ thời gì"
      là gói ghém đủ cả còn bảo
      • "Cô ơi còn phúc mới được các cụ mắng đấy".
      Gớm mang tiếng bán hàng chợ Đồng Xuân chứ nhời ăn tiếng nói cứ như liền anh liền chị Quan Họ em ạ. Ừ, nhiều người Bắc Ninh ra Hà-Nội buôn rau bán quả dìu dặt như hát không mua không được không ăn cầm lấy cho nhau bằng lòng... Người Kinh Bắc mà lại...Nhiều khi chị nhớ héo cả ruột gan.
      Các em bây giờ không có phúc gặp người Kinh Bắc nữa nhưng có cô Nam Kỳ cam quít vú sữa một chục mười tư mười sáu còn vô vườn tha hồ "muốn ăn nhiêu ăn" không giống ngoài Bắc mình rạch ròi nước sông nước giếng cây chuối đổ hàng rào cũng cãi nhau mất mặn mất ngọt nhưng cái nết người Bắc cãi bừa có chịu kém ai"

      ..."Mầu trứng sáo là màu gì?
      Giời ạ nó còn bé quá chẳng hiểu chuyện Hà-Nội. Đây màu trứng sáo xám nhạt mẹ chị không cho u già đụng vào mẹ tự đốt bàn là than nóng lót khăn ẩm lụa bóng mượt bước đi hai chân óng ả như bướm ấy cơ. Bây giờ các cô có bàn là điện bán trong thương-xá Tax ngay bên cạnh tha hồ là ủi lúc nào chẳng được."

      ..."Ừ đang kể đến đâu,
      à người Hà-Nội mua hoa ấy mà... Thái nhỉ, cô hàng hoa khau kháu là hôm nào cũng đến đầu nhà gọi "Bà ơi, hôm nay cháu có hoa đẹp hôm kia bà lấy Glaïeul hôm nay hoa Hồng nhé có cả hoa Ngâu cúng Phật u cháu dặn nhớ để riêng cho nhà ta một bó không được tính tiền phải tội...A Di Ðà Phật... bà kêu cầu cho cháu với nhớ... thằng bé hôm nay nóng sốt trăm sự nhờ Phật độ"

      ..."Cô mặc áo dài nâu non gánh hai cái mẹt đơm bốn thứ hoa như lồng-bàn kheo khéo là. Cô uốn lá chuối như cái hộp thoăn thoắt buộc lạt chuối thành bó xinh xỉnh xình xinh sên lên công chúa không múa cũng mua năm hào một bó...
      Đấy cũng người Hà-Nội các em ạ, củ mỉ cù mì thủ thỉ thầm thì tủm tỉm mà cứ lịm như say thuốc lào cơ đấy...Ấy thế mà khi vào Nam mẹ dúi vào tay hai cái áo dài làm kỷ-niệm cô cứ ràn rụa "Nhà ta đi bỏ cháu lại với ai". Vào Nam chị có ý tìm cô ấy mà không thấy Thái ạ..."

      ... "Chọn vải xong vào rửa tay ra đây chị cho ăn Dứa, trong Nam mình gọi là Thơm.
      Tại sao gọi là Thơm nhỉ em?
      Mẹ con chị Tư Tiếc ngày nào cũng ghé mời chị trái cây lòng dạ chân chất chẳng biết mời chào nghĩ gì nói nấy mình cứ mủi lòng mua hết món này món khác, xoài dầm cóc xanh chùm ruột ngâm nước cam thảo... biết chị đi hát nên luộc giá chị uống trong giọng ...
      Tên là Tuyết cơ đấy trong Nam đọc là Tiếc nghe đến là hay...
      Hà Nội ít Dứa chị không biết gọt Tư Tiếc bảo "xây" tức xoay trái thơm trên cuống thì đúng mắt không dập không chảy nước xây xong trông như cái hoa ấy em ạ... Nhớ đấy cái gì cũng phải học mới nên người...
      A, mở gói tiền này ra đếm cho chị, hôm rồi Tư Tiếc hốt hụi mua xe đạp cho hai em nhỏ đi học thiếu chút đỉnh mượn chị... Chị bảo ăn trái cây trừ dần thế mà không chịu "Má con nói vay thì trả, hổng được cấn qua cấn lại vô vụ trái cây" Người Nam là thế đấy trời sinh cái tính vừa lương vừa thiện"

      ..."Ơ chị phải đi đến Ðài Phát Thanh, chị hát bài Mơ Hoa nhớ cô bán hoa nhà mình Thái nhé ...không khéo lại hát thành Mơ Thơm thì hỏng kiểu.

                

      "Lòng trông theo cô hái hoa,
      Bước đi bâng khuâng muôn ngàn sầu nhớ
      Bóng mờ mờ xa
      Tan giấc mơ hoa..."

                

      ..."Thái với các em đón nghe nhé, hát thẳng không thâu tới thâu lui chị hát thế nào nghe thế ấy. Thái có nhớ hai chị em mình song ca Mơ Hoa trên Đài Phát Thanh Pháp Á không nào... Bố mẹ phóng khoáng cho chị đi hát kéo em theo có chị có em. Mà nào có ai làm gì mình đâu Thái nhỉ. Hà Nội một lời khe khẽ cũng chẳng dám buông. Gớm lúc đó Thái là cô đầu tiên cắt tóc ngắn à la garçonne con trai Hà Nội đứng ngó xa xa"

                

                

      ..." Ôi cái cô bé xíu này cũng thuộc Mơ Hoa à, nhưng em ạ còn bé đừng hát mà vận vào người


                
      "Bóng người khuất xa
      đôi đường từ đây
      Ai bước đi không hẹn ngày
      Người tuy xa cách... "

                


              

              

    Ấy thế mà thoáng nửa thế-kỷ, chẳng hề nghĩ có ngày gặp lại "Người tuy xa cách" ấy ở Orange County, California. Vậy mà năm 2010, 2016 gặp cô ở California "giọng hát không có tuổi" vẫn nhí nhảnh xuân thì đôi mắt vẫn lẳng bước đi vẫn thanh dáng vẫn sang nhưng cạnh cái oai thầm của bậc phu-nhân là trăn trở lặng lẽ gánh định-mệnh lênh đênh từ Hà-Nội đến Saigon mang theo ca khúc rút ruột rút gan từ thôn ổ bên kia cầu Hiền-Lương xa lắc.

    Trên sân khấu Tâm-Vấn thanh thoát yêu kiều bao nhiêu thì ngoài đời bấy nhiêu ân cần gửi đến chồng con gia đình chị em bè bạn. Hai ca sĩ Tâm-Đan và Tâm-Vấn của Đài Phát Thanh Saigon những năm 1960 giờ đây bảy mươi tám mươi trẻ hoài vì tâm hồn nghệ sĩ không phủ bóng tối nên lòng xuân cứ lơ đãng mãi?

              

              

    • Tâm Vấn không sửa giọng mà hát mộc tự nhiên. Bài Chiến-Sĩ Của Lòng Em điệu Fox ít người dám hát vì cô say đắm hát rồi. Chiến-sĩ và nhạc-sĩ Trịnh-Văn-Ngân ở lại với nhân-gian qua giọng ca rực rỡ dồn dập ấy.

      Nghe Tâm-Vấn tình tứ hát Nỗi Lòng nhạc-sĩ Nguyễn Văn Khánh hẳn yên tâm, tình mà không lẳng lẳng mà không gợi gợi mà không đục... Ai mang trên vai năm bảy mối chia-ly mới thấm "Yêu ai yêu cả một đời", dù không gặp.

      Nghe Tâm-Vấn hát Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa lướt thướt "Em đến chơi quên niềm cay đắng ... và quên đường về", cùng nhạc-sĩ Tô-Vũ mừng cho đôi lứa gặp không tìm.

      Nghe Tâm-Vấn hát Ngày Về "Nhắp chén men say còn vương bóng quê-hương Dừng bước tha hương lòng đau" của nhạc-sĩ Hoàng Giác, bỗng ngưng tìm kiếm vì không bao giờ gặp được






    Hôm nay nghe tin Tâm-Vấn vĩnh viễn ra đi ở tuổi 85 ở Saigon cũng vào một ngày tháng bảy chia ly, con trai Hoàng-Trọng-Thụy làm đàn ở chùa Bát-Nhã Orange County tiễn mẹ. Xin đến không chỉ tiễn Tâm-Vấn dung-nhan mà tiễn thế-hệ "Bắc-Kỳ Di-Cư 54" đã làm xong bổn-phận liều bước tử sinh quẩy trên vai khúc hát tư-hương vào miền Nam nhân hậu. Chỉ trong 21 năm, từ 1954 đến 1975, miền Nam mưa nắng hai mùa bảo bọc những mảnh đời phiêu bạt cùng nhau gắng hết sức mình chu toàn gia-đình và đất-nước.

              

              

    • Ơi! Những người đàn bà quê-hương muôn thuở!
      Sắc không lộng lẫy mà lòng thuần thục.
      Chịu bao oan khổ tình đời mà lòng không tê tái.


    Chị ra đi êm đềm, Tâm-Vấn nhé. Thế hệ Bắc-Kỳ Di-Cư 54 nhờ tiếng hát chị mà tụ rồi sẽ tan nhưng cũng gặp nhau trên cõi vô cùng ấy.

    • "Có những người đi không về
      Xa xôi rồi quên ước thề"


    Tâm Vấn, chị với em chẳng thề bồi chi cả nhưng kỷ niệm ngày thơ vẫn nhớ nên ghi chút tình thơ tiễn người Hà Nội.

    Cảm ơn Miền Nam bảo bọc Tâm-Vấn lần cuối.






    Trần Thị Vĩnh-Tường
    3/7/2018- California

              

              



    Hình ảnh: Tâm-Đan, California và Tâm-Đạt,Virginia , Hoa Kỳ
    Nguồn: http://chimvie3.free.fr

          
Trả lời

Quay về “câu chuyện âm nhạc”