Khách hồng nhan, tài hoa, bạc mệnh!

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Khách hồng nhan, tài hoa, bạc mệnh!

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Khách hồng nhan, tài hoa, bạc mệnh!





    Whitney Houston tái sinh vào mùa hạ 2018. Quá ngạc nhiên! Thực vậy, ngôi sao vụt tắt vào năm 2012, nay lóe sáng trong một cuốn phim tài liệu có tên là Whitney xuất hiện vào 6 tháng 7, 2018. Cuốn phim này cho thấy nhiều khía cạnh đẹp đẽ có, mà bi thảm cũng có trong cuộc đời ngắn ngủi của một thiên tài có nhan sắc khuynh thành.

    Khi nữ tài tử kiêm ca sĩ Whitney Houston tạ thế, thế giới chuộng âm thanh và hình ảnh sững sờ vì có nhiều điểm người ái mộ không biết vì đâu, nên băn khoăn và tiếc thương còn lại mãi trong đầu. Nay hy vọng nhờ phim Whitney phô bày những điểm bí mật nhất trong mảnh đời khách hồng nhan, tài hoa bạc mệnh.

    Có dịp xem cuốn phim trên, cây viết Nicholas Barber của đài BBC cho biết một số chi tiết:
    Nhà làm phim Kevin Macdonald tâm sự: “tôi tiếp cận cuộc đời của Whitney như dự vào một câu chuyện bí mật; vì sao một tài năng lớn với một nhan sắc tuyệt vời, đang ở đỉnh cao của danh vọng, lại tự hủy hoại một cách đau thương và công khai như thế?”
    Macdonald nhìn nhận: “Cũng may, trong khi tìm hiểu tôi được sự giúp đỡ của Pat Houston và của cơ quan quản trị di sản của Houston giúp đỡ. Họ đã tín nhiệm tôi, cho phép tôi tự do hoàn toàn trong việc theo dõi ngọn ngành bi kịch.”

    Phim tài liệu về Whitney Houston của Kevin Macdonald, có tựa đề là Whitney, dành hầu hết thời gian để kể cho chúng ta nghe câu chuyện đã quá quen thuộc.
    Nhưng với 30 phút cuối phim, nó đem đến cho người xem đầy những thông tin, tư liệu, xứng đáng đem đến cho phim một vị trí quan trọng.

    Đó không chỉ là một cuốn phim hấp dẫn và đau lòng, mà còn có giá trị cao về nghệ thuật và tư liệu.

    Ngôi sao sáng trên nền trời nhạc pop đã tắt, nữ tài tử đầy sức sống trong cuốn phim Bodyguard đã rời nhân gian, Whitney Houston chỉ còn là hình ảnh đẹp trong dầu người yêu thích điện ảnh và âm nhạc. Tuy nhiên, cuộc đời ngắn ngủi của thiên tài này không được kể bằng giọng lạnh lùng, chỉ nhằm khai thác thị hiếu của khán giả, nhất là trang bi thảm cuối đời và ngay cả sau khi nhắm mắt của thiên tài mà cuốn phim Whitney, mô tả trung thực hơn, tế nhị hơn, gây cho người xem nhiều xúc động, lắm tiếc thương.

    Houston là một trong những ca sĩ có lượng băng đĩa bán chạy nhất trong Thế kỷ 20. Được đánh giá là nữ ca sĩ tài ba nhất vòng 50 năm trở lại đây. Đã có thanh, lại có sắc. Nhan sắc của cô tỏa ra sự huyền bí, có lúc ngây thơ trong trắng như đóa hồng nhung, lóng lánh hạt sương mai trong một sáng tháng 5. Có lúc toát ra sức yêu cuồng sống vội, với vẻ quyến rũ như ngọn lửa ma mị thu hút đám thiêu thân. Nhưng đóa hồng mau tàn sau một sớm mai như nhà thơ Malherbe từng viết (Et rose, elle a vécu ce que vivent les roses, L’espace d’un matin) và lửa ma túy chỉ tỏa ra sức sống đoản kỳ vì sẽ đốt cháy thân xác phù du.

    Trong ba mươi năm trời trên đường sự nghiệp cô đã xây dựng cho mình một lâu đài danh vọng, ở vị trí một nữ ca sĩ được yêu chuộng nhất và gây ảnh hưởng nhiều nhất ở Mỹ, từng giật 6 giải Grammy, 30 giải thưởng Billboard và 2 giải American Music. Cô đã cho ra đời bảy album nhạc và bán được 170 triệu đĩa CD các loại. Nhạc nền (soundtrack) trong cuốn phim mà cô đóng vai chính, The Bodyguard (1992) là một trong những nhạc nền bán chạy nhất trong lịch sử điện ảnh. Ngày nay mấy ai quên được khúc nhạc và lời ca thấm tận đáy lòng kẻ biết yêu: “I Will Always Love You.”




    Macdonald, người gắn với nhiều phim tài liệu (như Touching the Void và Bob Marley) và phim truyện (The Last King of Scotland và State of Play), đặt câu hỏi vì sao nữ ca sĩ đã không thể thoát khỏi cơn nghiện, và làm thế nào mà một người trông luôn rạng ngời hạnh phúc và đầy sức sống hóa ra lại là nạn nhân bị hành hạ tàn tệ.

    Phim đã phỏng vấn hầu hết, nếu không nói là tất cả, những người cộng sự gần gũi nhất của cô, kể cả người chồng cũ, Bobby Brown. Qua đó, Macdonald cho rằng có lẽ cô đã vừa bị một lời nguyền, lại vừa được ban phước ngay từ ngày mới chào đời.
    Cô bé xinh xắn và giọng ca đẹp đến kỳ diệu của “Nippy” Houston (cái tên hồi bé của Whitney do cha đặt cho) đã nhanh chóng trở thành đề tài được bàn tán ở nhà thờ Newark, New Jersey.

    Nhưng tình yêu của cô với các giai điệu phúc âm đã bị tổn thương khi mẹ cô, huấn luyện viên của dàn đồng ca nhà thờ, Cissy Houston, có quan hệ tình cảm với vị mục sư trị sự. Mối quan hệ này đã dẫn đến cuộc chia tay của cha mẹ cô.

    Cô bắt đầu đến với cocaine vào lần sinh nhật lần thứ 16.

    Lúc đó, cô đã được tuyển vào làm thành viên ca đoàn trong các chương trình của mẹ, cũng giống như bản thân bà Cissy từng được tuyển làm thành viên hát nền cho những giọng ca như Elvis Presley và Aretha Franklin.

    Khi trở thành một siêu sao ở độ tuổi mới ngoài đôi mươi, cô nổi tiếng nhờ giọng ca tuyệt vời trời phú và hình thể người mẫu. Cô trở thành gương mặt được cả nước Mỹ yêu mến, và được cho là xuất thân từ một gia đình Công giáo nền nếp.

    Thế nhưng, ở phía sau hậu trường, trong khá nhiều các video gia đình, chúng ta thấy cô lúc đùa vui và cả lúc rơi vào tình trạng phê ma túy.

    Cả cuốn phim rất đáng xem. Nó đem lại cho ta cảm giác ngột ngạt, căng thẳng, nhưng không khiến ta ngạc nhiên và chê trách mà tạo ra rất nhiều thương tiếc.

    Tìm hiểu về những nguyên nhân gây đau khổ cho Houston, Macdonald nêu ra một số điểm tương tự như nỗi nghi ngờ của Broomfield: một cô gái Mỹ gốc Phi châu xuất thân từ gia đình bình dân cố gắng giành tình cảm của nước Mỹ da trắng; xu hướng tình dục lưỡng giới mà Houston không muốn công khai thừa nhận.

    Và có một số điểm giống tới mức khủng khiếp như những gì đã được nêu trong phim tài liệu về Amy Winehouse (1983-2011) của Kapadia: một cuộc hôn nhân địa ngục với người chồng đáng sợ (Brown đã trở nên ganh tỵ khi sự nghiệp của Houston làm lu mờ hoàn toàn sự nghiệp của chồng, sau khi phim The Bodyguard được phát hành); một người cha đã can thiệp quá nhiều trong vai trò người quản lý (mặc dù nói một cách công bằng thì ông Mitch Winehouse chắc chắn không bao giờ kiện con gái mình để đòi 100 triệu đô la như ông John Houston đã làm).

    Macdonald thích cắt chuyển cảnh các đoạn phim tư liệu trên truyền hình về Houston sang các tường thuật thời sự về các sự kiện thế giới ít nhiều có liên quan tới mảnh đời nữ ca sĩ, chẳng hạn như Cuộc chiến vùng Vịnh đầu tiên được kết nối với các cuộc xung đột cá nhân của ca sĩ. Nhờ thế câu chuyện được kể theo cách nhẹ nhàng hơn.
    Macdonald phát giác ra một điều có lẽ là chủ chốt, nguyên do tồi tệ có thể là nguồn cơn gây ra nỗi đau của Houston, và bộ phim của ông bỗng khiến cho người xem cảm thấy choáng váng sau 90 phút.

    Ông đã thể hiện rõ ràng rằng Houston cùng các anh em trai thường phải ở cùng những người thân khác, từ người này tới người khác, trong thời gian mẹ cô đi lưu diễn.

    Cáo buộc mà ông đưa ra sau đó là cô gái trẻ đã bị một trong những người họ hàng đó có hành vi lạm dụng tình dục khi còn nhỏ. Thủ phạm là Dee Dee Warwick, chị họ của cô và cũng là em gái của Dionne Warwick.

    Nếu như vậy vẫn là chưa đủ khủng khiếp, thì câu chuyện tiếp tục kể cho người xem về vòng tròn lặp lại những hành vi bạo hành trẻ em.

    Tuy không đưa ra gợi ý rằng con gái của Houston với Brown là Bobbi Kristina Brown đã bị lạm dụng tình dục, nhưng khi chúng ta nghe về việc cô bé bị nhốt trong một biệt thự hẻo lánh, nơi bố mẹ cô vẽ nguệch ngoạc hình ảnh những con quỷ lên khắp các bức tường và sàn nhà, thì từ ‘bạo hành trẻ em’ dường như rất phù hợp để mô tả những gì đã diễn ra.

    Bobbi qua đời vào năm 2015, chỉ ba năm sau khi mẹ mất.

    Nhưng có lẽ bằng cách chiếu sáng vào bóng tối giữa những thế hệ này, phim của Macdonald sẽ giúp đỡ cho những đứa trẻ đau khổ khác, ngay cả những đứa trẻ sống trong nhà của những người giàu có và vô cùng nổi tiếng.

    Macdonald đã vẽ lại chân dung Whitney Houston bằng những nét tuy bi đát nhưng tế nhị hơn những gì báo chí trước đây kể về thảm kịch Whitney:

    -Nhiều tờ báo thuật lại có cuộc tranh cãi trong gia đình người quá cố khi chuẩn bị tẩn liệm Whitney Houston. Cissy Houston, mẹ của nữ ca sĩ, thốt lời nguyền rủa người chồng đã ly thân của Whitney là Bobby Brown, rằng anh ta là kẻ đã dẫn Whitney vào địa ngục ma túy. Bà Cissy cũng không muốn cho Brown tham dự lúc khâm niệm và lễ tưởng niệm của con gái mình ở một giáo đường ở New Jersey. Vì lý do nào? Có người cho rằng, vì bà Cissy cho rằng Whitney chết buổi nửa chừng xuân là tại Brown. Hơn nữa, lại có dư luận nữ ca sĩ nhắm mắt, không phải trong tình trạng phá sản mà để lại một gia tài không nhỏ chừng trên dưới 20 triệu Mỹ kim. Bobby Brown tuy đã chia tay cùng Whitney nhưng có thể không từ bỏ cơ hội hưởng dụng một phần gia sản của người vợ cũ. Số tiền bạc triệu tương lai sẽ thuộc về ai? Hiển nhiên di sản dành cho cô gái 18 tuổi của Whitney có nhan sắc mặn mà và cũng có giọng ca tốt có tên là Bobbi Kristina. Nhưng Kristina lại là cô gái nghiền ma túy không khác mẹ, liệu có làm chủ được gia tài do mẹ để lại hay không?

    -Houston được an táng vào ngày 19 tháng 02, 2012 tại nghĩa trang Fairview, ở Westfield, New Jersey, bên cạnh mộ phần của người cha là John Russell Houston tạ thế năm 2003. Nguồn tin cho biết Cissy khi tẩn liệm con gái đã chọn chiếc áo tía mà Whitney khi sống thích nhất để mặc cho cô. Còn cô con gái của Whitney, Bobbi Kristina thì chọn đôi dép mạ vàng để vào chân người chết và một thân nhân khác là Dionne Warwick đã giúp họ chọn một số nữ trang giá trị 500.000 Mỹ kim để mai táng cùng kẻ bạc mệnh. Tờ Enquirer cũng cho rằng Whitney được chôn với nữ trang nên kẻ trộm nhòm ngó mộ phần của cô nên thân nhân phải mướn bảo vệ canh giữ ngày đêm. Bà Cissy đã kịch liệt cải chính tin đồn mà bà cho là thất thiệt này, rằng không hề có việc mai táng người quá cố với châu báu và cũng không hề có việc thuê người canh gác mộ phần.

    -Thực là bi kịch, Whitney Houston đã chết rồi mà không được nhắm mắt vì người sống gây nhiều rắc rối và không ít kẻ thủ lợi trước cái chết của cô.

    -Khi chết không vui vì nhắm mắt trước một ngày vui, ngày trọng đại của giới ca nhạc. Trong cuộc đời của kẻ hồng nhan bạc mệnh này cũng gặp nhiều bất hạnh.

    Whitney Houston lên tới đỉnh cao danh vọng, nổi tiếng cả trong điện ảnh lẫn ca hát và trở thành một nữ hoàng nhạc pop của thập niên 80 và những năm đầu 90 và được tờ Time gọi là “Miss Black America.”

    -Nhưng rồi cuối thập niên 90, sự nghiệp của Whitney Houston bắt đầu có thử thách và vết nứt trên lâu đài sự nghiệp bắt đầu ăn sâu.

    -Có người cho rằng phải kể từ 1992, Whitney Houston gặp chàng trai nổi tiếng là “bad boy” của làng ca hát Mỹ. Chàng này là Bobby Brown. Brown nhỏ hơn Whitney 6 tuổi nổi danh với nhạc R&B (loại nhạc sở trường của ca sĩ Mỹ da đen) và cũng là tay tài hoa nhưng lắm tật, nhất là nghiện ngập ma túy. Họ dễ dàng yêu nhau có lẽ có nền tảng văn hóa và xã hội chung, rồi chung tình nên chung tật nên có người cho rằng chính Brown đã lôi cô ca sĩ làm rung động bao trái tim, thần tượng của người Mỹ trong thập niên 80 vào đường nghiện ngập.

    -Hôn nhân xáo trộn và ma túy đặc biệt là cocaine và rượu đã hủy hoại dần sự nghiệp của Whitney.

    Cuộc tình của Whitney và Brown gặp nhiều sóng gió và dư luận đồn đại Whitney nhiều khi bị chồng hành hạ dù họ đã có con là bé Bobbi Kris ra đời. Cuộc tình “đồng bệnh” cuối cùng kéo dài được 14 năm mới chấm dứt nghiệp đoạn trường.

    Trong khi ở bên nhau hai nghệ sĩ thành danh đã dẫn nhau vào con đường tai tiếng. Người ta còn kể lại vào năm 2000, Whitney và Brown bị giữ lại ở phi trường Hawaii vì nhân viên an ninh phát giác ra trong hành lý của hai người có cần sa. Tuy nhiên hai kẻ phạm pháp kịp thời lên máy bay thoát nạn nên nội vụ được xếp lại.

    Trong một cuộc phỏng vấn của một đài truyền hình vào năm 2002, Whitney Houston nhìn nhận cô đã dùng cần sa, cocaine, rượu và nhiều loại an thần khác.

    Có lẽ nghiện ngập đã làm tinh thần và thể xác Whitney rơi xuống dốc suy vi: cô thường bỏ cuộc trình diễn, chậm trễ tới nơi hẹn phỏng vấn… giọng thiên phú dần dần mất đi và thân hình gày mòn, nhất là ngôn ngữ và cử chỉ tỏ ra bất thường xóa mờ hình ảnh cô gái dễ thương của mười năm trước. Ngay từ 1991, ở Whitney Houston người ái mộ ở Canada đã thấy có sự suy thoái về tài năng. Năm ấy cô có lịch trình diễn ở CNE, Toronto nhưng vào phút chót thì hủy bỏ lấy lý do đau họng. Sự thực thì một tuần trước khi trình diễn 20.000 ghế như dự trù chỉ bán được 11.000 ghế!

    Không phải không có lúc Whitney Houston muốn làm lại tất cả.

    Năm 2007, Whitney giã từ cuộc tình “cay đắng” với Brown và toan làm lại cuộc đời với album “I Look to You,” cuốn đầu tiên trong 6 năm nhưng không thành công như ý. Năm 2010 cô thực hiện chuyến Âu du, lần đầu tiên sau 11 năm nhưng giọng cô không còn chinh phục được thính giả như trước và bản thân buồn chán nên cũng bỏ cuộc trình diễn nhiều lần,

    Vào tháng 05 2011, cô trở lại trung tâm cai nghiện và rồi bước sang tháng hai, 2012, Whitney Houston ngày 11 tháng 2, 2012 đã chết một cách bi thảm trong bồn tắm dãy 434 của khách sạn Beverly Hill , đêm trước của đại hội âm nhạc Grammy.

    Danh vọng không phải không có vị cay chua. Vào tuổi 19, cuộc đời Whitney Houston thay đổi hoàn toàn khi cô hát tại một câu lạc bộ ở NYC được Clive Davis khám phá tài năng và mời ký hợp đồng với Arista Records. Từ đó ông này đã đưa cô lên đài danh vọng.

    Ông bầu Clive Davis, một khuôn mặt lớn trong làng âm nhạc Mỹ đã biến một cô gái ở ngoại ô nghèo Newark, NJ, thành một thần tượng âm nhạc, từ việc chọn nhạc cho cô hát, cho tới dạy cách thức xã giao cô phải theo. Có người cho rằng công lao của Clive Davis rất lớn đối với Whitney Houston nhưng ông ta cũng làm cho cô không được sống hồn nhiên mà phải sống một cuộc đời bề ngoài giả dối, để xứng đáng là America’s Singing Sweetheart. Gây mặc cảm nơi cô là một cô gái da đen nên không thể để người ngoài nhìn vào với thành kiến nên “Madonna có thể nói tục thì cô phải bụm miệng.” Áp lực này ám ảnh Whitney Houston khiến cô phải sống hai cuộc đời đối lập. Đây cũng là một bi kịch trong đời Houston nên lúc đã lên đỉnh danh vọng thì con người thực của Houston trỗi dậy và phản kháng.

    Phải chăng đúng với câu “hồng nhan bạc mệnh” mà người Á đông thường nhắc và một người bạn của Whitney Houston là Barbara Streisand đã nói: “Cô ấy có tất cả, nhan sắc, giọng hát tuyệt vời. Buồn biết bao những gì thiên phú cho cô lại không mang lại hạnh phúc cho cô như chúng ta được hưởng!”

    Nguyên nhân chính có thể không phải tại số mệnh mà tại người. Ma túy và men rượu đã khiến các thiên tài như Judy Garland chết ở tuổi 47, Elvis Presley ở tuổi 42 và Michael Jackson ở tuổi 50!


    Chu Nguyễn


    Nguồn:http://vietluan.com.au

              
Trả lời

Quay về “câu chuyện âm nhạc”