Thái Thanh

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Thái Thanh

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Thái Thanh





    Nói Thái Thanh được yêu mến nhất với những bài dân ca, không có nghĩa bà chỉ hát được dân ca. Thật ra, dân ca, theo cách hát, cách lựa chọn bài hát của Thái Thanh, tự nó, đã là một thứ tình ca rồi. Nghe Thái Thanh hát tình ca, dù là nhạc của Phạm Duy, Văn Cao, Dương Thiệu Tước hay Phạm Ðình Chương, người ta mới thấy rõ, đạt tới một trình độ nào đó, một ca sĩ có thể quyết định mà không sợ nhầm lẫn, mình có thể hát được bài hát nào, loại nhạc nào.

    Trường hợp Thái Thanh cũng là trường hợp hãn hữu. Vì, bà khởi dầu sự nghiệp của mình vào những ngày gần như cả nước bừng lên tinh thần ái quốc, mùa Thu năm 1945. Bên cạnh bà, lại có anh rể là Phạm Duy, anh ruột là Phạm Ðình Chương, viết bài cho hát. Những bài hát được sáng tác vào lúc ấy, mang ý nghĩa thực sự của những đóng góp trực tiếp để làm nên lịch sử. Ðưa được những bài hát ấy đến quảng dại quần chúng là công lao lớn của Thái Thanh.

    Theo những người được nghe ca khúc Bà Mẹ Gio Linh vào đúng cái lúc xẩy ra chuyện “quân thù đã bắt được con, mang ra giữa chợ chém đầu” và bà mẹ đi lấy đầu con về ấy, Thái Thanh, bằng tiếng hát của mình, đã gây một sự xúc động lớn đến nỗi, tất cả những người nghe đều cảm thấy mình phải để tang người đã chết. Những sự xúc động như thế làm tăng thêm sức mạnh, tăng thêm ý chí cho người ta, là điều dễ hiểu thôi.

    Tiếng hát Thái Thanh là “tiếng nước tôi”, là tiếng tình yêu, là tiếng hy vọng, là tiếng chia ly, oan khổ. Nó vang vọng những nỗi đớn đau của người đàn bà. Nó phản ánh những khát vọng, đau thương của hàng triệu phụ nữ Việt Nam bị rập vùi trong một nửa thế kỷ chiến tranh, kèm theo những băng hoại của một xã hội bất an. Những nạn nhân âm thầm vô danh là những người tình, người vợ, người mẹ, đã có dịp thở than bằng tiếng hát Thái Thanh.

    Người ta đã nói nhiều về sự nhậy cảm của người đàn bà, một thứ giác quan ở ngoài tầm của nam giới, Thái Thanh đã tận dụng cảm quan ấy để chuyển hóa âm thanh thành cái vũ trụ đắm đuối trong lòng người. Cái cách nhấn câu, nhả chữ của Thái Thanh khi hát, là một mẫu mực cho những ai muốn theo đuổi công việc này. Dù bà có hát những bài được sáng tác ngay vào ngày hôm nay, người ta vẫn nghe ra cái chất ca dao trong tiếng hát. Không có một bề dày quá khứ và văn hóa, không thể có tiếng hát như vậy dược.

    Phê bình truyện Kiều, Phạm Quỳnh có một câu, hẳn những ai đã đọc Kiều, yêu Kiều, đều nhớ:

    • Truyện Kiều còn thì tiếng Ta còn.
      Tiếng Ta còn thì nước Ta còn.

    Cái tiếng Ta ấy, tiếng Việt Nam ấy, nay có thể thêm vào, phải được nghe qua tiếng hát Thái Thanh nữa, để biết cái nặng nhẹ của một chữ phải được phát âm chính xác thế nào. Phải nghe Thái Thanh hát “Buồn Tàn Thu” của Văn Cao hay “Bà Mẹ Gio Linh” của Phạm Duy để thấy tiếng nói biến thành lời ca thế nào, và được ca sĩ trả lời ca lại cho tiếng nói ra sao.

    Không có gì bền vững mãi. Ðó là luật của thiên nhiên. Giữ vững được tiếng hát của mình trong ngót một nửa thế kỷ, không phải chuyện ai cũng làm được. Khó khăn hơn nữa, với hoàn cảnh lịch sử của chúng ta, công việc của một ca sĩ nhiều khi không phải chỉ là hát mà còn phải biết im lặng nữa.

    Ước mong sao có một buổi gặp gỡ nào đó giữa Thái Thanh và các thính giả, trước khi bà ngừng hát hẳn. Ðể những người yêu tiếng hát của bà có thể trực tiếp trao tận tay bà, mỗi người một bông hồng tạ ơn.

    Nói tới đây, chúng tôi chợt nhớ tới mấy câu thơ của Tagore, xin trích để tặng bà:

    • Tôi đã nhận được lời mời đi vào cuộc lễ trần gian
      Và như thế đời tôi đã được chúc lành
      Phận sự của tôi trong cuộc lễ này là sử dụng nhạc khí của mình
      Và tôi đã cố hết sức tôi.




    Nguyễn Đình Toàn



    Nguồn: https://casithaithanh.wordpress.com

              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Thái Thanh

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Thái Thanh, Lời Ru của Mẹ



    Hai mẹ con - Ý Lan và Thái Thanh



    Cách đây đã hơn ba chục năm, khi viết về Thái Thanh với lời xưng tụng "Tiếng Hát Vượt Thời Gian", Mai Thảo không ngờ rằng chính lời phán xét ấy đã vượt thời gian. Thái Thanh hát từ đầu thập niên 1950 và sau thập niên 1970, tiếng hát ấy vẫn vang vọng thêm hai thập niên nữa. Và còn mãi mãi trong tâm tư chúng ta.

    Cách đây rất lâu, trong dịp đi du lịch tại một xứ xa lạ và vào một nhà hàng Tàu (vì tên là Golden Lotus, Kin Lian) Quỳnh Giao bỗng thấy bồi hồi. Trong nhà hàng trang trí đỏ loét kiểu dáng Trung Hoa cho người ngoại quốc, âm thanh lại chất chứa hồn Việt.

    Tiếng hát Thái Thanh, giữa một vùng xa lạ.

    Thời ấy ở tại vùng ấy, người ta chưa đủ tân tiến để hành hạ thực khách với loại ca khúc có giai điệu Hồng Kông, được gào lên bằng tiếng Việt theo kiểu Blues ở Bình Thạnh. Cho nên chủ nhà hàng, một phụ nữ Việt xa xứ từ trước thời thuyền nhân, chỉ có được một chút kỷ niệm gắn bó với cố hương vừa bị đẩy xa, là mấy băng nhạc Thái Thanh.

    Lúc ấy, Quỳnh Giao đã nghĩ đến Thái Thanh như tiếng hát vượt cả thời gian lẫn không gian và chuyên chở cái tâm hồn Việt Nam trong một giai đoạn bi thương nhất.

    Trong nửa sau của thế kỷ 20, tiếng hát Thái Thanh đã là di sản không thể mất của rất nhiều người Việt. Nó nổi trôi theo mệnh nước, thấm vào tâm tư chúng ta để thành tiếng hát tiêu biểu nhất từ thời phôi thai của tân nhạc cải cách, trải qua thời chiến tranh cho đến thời lưu vong và tàn tạ. Nếu chúng ta có thể thấy hạnh phúc và hãnh diện với tân nhạc Việt Nam thì thời kỳ nhiễu nhương nhất của lịch sử, từ những năm 1950 đến 1970, là thời kỳ đẹp nhất và trong giai đoạn ấy, Thái Thanh là một tiếng hát không thể quên được.

    Mỗi người lại thưởng thức nghệ thuật Thái Thanh theo một cách, tùy theo tâm tư và hoàn cảnh.

    Riêng với Quỳnh Giao, vốn rất dè dặt khi viết về tiếng hát của các đồng nghiệp, nếu Anh Ngọc là "giọng hát trượng phu" thì Thái Thanh là "lời ru của mẹ".

    Thật ra, ngày còn bé, Quỳnh Giao chưa biết thích tiếng hát của bà.Dường như trẻ thơ không thích cách diễn tả thê thiết, đau đớn như thế. Lúc đó, những giọng hát trong trẻo, kỹ thuật cao, một đòi hỏi không thể thiếu trong các đài phát thanh, hát những bài ca ngợi tình người và tình đời với những màu xanh, màu hồng mới là hay. Như Kim Tước với "Mộng đẹp ngày xanh", Mai Hương với "Em tôi" hay Mộc Lan với "Nhớ nhung", hoặc Châu Hà với "Thương tình ca" là loại tiếng hát thổi lên những giấc mơ đẹp, bình an và thiết tha tình yêu thái hòa.

    Phải đến khi ra hải ngoại, sau một cuộc đổi đời của cả xã hội, Quỳnh Giao mới đủ trưởng thành để thích giọng hát Thái Thanh và thích nhất ở những ca khúc bà hát về quê hương, về tình nhân loại, về nhân thế. Thái Thanh trong loạt "đạo ca" do Phạm Duy phổ thơ Phạm Thiên Thư là lúc tiếng hát tròn đẹp về tình mẹ và về triết lý của cuộc đời. Thái Thanh trong những ca khúc về chiến tranh mới diễn tả hết nỗi bi thương của con người trong thời chinh chiến. "Kỷ vật cho em" hay "Khi tôi về" là loại tiêu biểu.

    Nhưng nghe Thái Thanh, Quỳnh Giao luôn nghĩ đến vai trò lớn nhất mà cũng là vai trò trọn vẹn nhất của bà: vai trò của người mẹ.

    Ở giọng hát của Thái Thanh, tình yêu còn quá nhẹ. Bà ngợi ca tình yêu mà như hát cho người chứ không phải cho mình. Trong thập niên 1960, khi nhạc tình của Việt Nam lên tới những đỉnh cao không còn thấy nữa, nhờ Phạm Duy, Trịnh Công Sơn hay Phạm Ðình Chương, thì Thái Thanh của "Ngày ấy chúng mình" đã hát cho mọi cặp tình nhân trên đời. Nhưng, Lệ Thu hay Khánh Ly vẫn có mặt và tỏ tình thay cho rất nhiều người.

    Trước đấy, khi dân ca được Phạm Duy cải biên để từ thôn quê chinh phục thành phố và thúc giục mọi người cùng hát "Em bé quê", "Vợ chồng quê" để thương xót quê nghèo, Thái Thanh đã sớm góp tiếng và có mặt. Nhưng, Thái Thanh có dáng dấp và phong cách tinh tế và hiện đại hơn vậy, nên cũng trường cửu hơn vậy, khi người ta không còn nhớ gì về dân ca thời kháng chiến.

    Chỉ ở những bài về tình mẹ, Thái Thanh mới thực sự hát cho chính mình và cho đời sau.

    Quỳnh Giao cảm thấy như thế khi nghe bà hát "Bà mẹ Gio Linh", hay "Lời ru, bú mớm, nâng niu" của Phạm Duy. Cũng thế, Phạm Duy nhắc đến người mẹ rất nhiều trong các ca khúc của ông, và hồi ký về tuổi thơ của ông chỉ có mẹ hiền, mà thiếu vắng hình ảnh của người cha. Chúng ta lại hiểu thêm vì sao giọng hát của Thái Thanh lại gắn liền với ca khúc Phạm Duy.

    Người Pháp có câu" văn là người". Quỳnh Giao cũng nghĩ như thế, giọng hát là người.

    Thái Thanh có tiếng hát đẹp, như trường hợp của Kim Tước hay Ánh Tuyết, Mộc Lan, Châu Hà. Nhưng Thái Thanh lại khác hẳn mọi người ở khả năng phát âm rất rõ lời. Thái Thanh có sự bén nhạy thiên phú để hát mạch lạc từng câu từng chữ, với âm sắc hoàn toàn Việt Nam. Cái "hồn Việt" chúng ta nói đến trong tiếng hát của bà được bắt gặp trước tiên ở cách hát cho rõ lời. Cũng vì vậy, đòi Thái Thanh hát nhạc ngoại quốc là chưa bắt được cái "thần" của bà.

    Thái Thanh là người hoàn toàn Việt Nam từ cốt tủy. Và hát hay nhất các ca khúc về mẹ.

    "Bà mẹ Gio Linh" của Phạm Duy không thể nào sống mãi trong chúng ta, dù chiến tranh đã tàn, nếu không có cách diễn tả của Thái Thanh, "Giọt mưa trên lá" cũng thế. "Tình ca" cũng vậy. Ngay trong tiếng nức nở về tình yêu và chinh chiến, từ "Buồn tàn thu" xa xưa đến "Kỷ vật cho em" hay "Bài hương ca vô tận" về sau, Thái Thanh vẫn làm chúng ta rùng mình không vì nỗi lòng thiếu nữ mà là tâm tư của thiếu phụ. Rồi bỗng thương xót đàn con thơ.

    Ai cũng có thể hát nhạc tình dù chẳng cần quặn quại trên sân khấu, và ai cũng có thể hát về quê hương hay chiến tranh, nhưng chỉ có Thái Thanh mới khiến chúng ta bùi ngùi về người mẹ.

    Trước khi trở thành mẹ hiền, hay mẹ già, biết bao phụ nữ thời ấy đã là người tình, đã có những rung động e ấp của tuổi thanh xuân. Nhưng tất cả đều bị dồn nén, xóa nhòa, để chỉ rưng rưng còn lại là lòng mẹ.

    Thái Thanh diễn tả được nỗi niềm ấy khiến người nghe thấy ra một bất công lớn với phụ nữ, đối với chính người mẹ của mình.



    Quỳnh Giao
    15.8.2006


    Nguồn:http://phamduy.com

              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Thái Thanh

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Tiếng hát Thái Thanh





    Bao nhiêu năm nay, mỗi lần nghe tiếng hát Thái Thanh, từ một ca khúc tiền chiến như hơi thở tuyệt vời duy nhất còn lại của một thời đã mất, đến những bài hát mới, phản ảnh sinh động cái hơi thở trăm lần đầm ấm hơn của âm nhạc bây giờ, tôi không khám phá mà chỉ thấy trở lại trong tâm hồn và thẩm âm của mình một số rung động và liên tưởng cố định.

    Những rung động ấy đã có từ lâu, những liên tưởng ấy từ đầu đã có. Chúng có từ Thái Thanh với bài hát thứ nhất, và nguyên vẹn như thế cho đến bây giờ. Chẳng phải vì con người thưởng ngoạn âm nhạc trong tôi không có những thay đổi. Cũng chẳng phải vì tiếng hát Thái Thanh là một thực thể âm nhạc bất biến và bất động, không có những thay đổi.

    Đã hai mươi năm Thái Thanh hát. Lịch sử âm nhạc ta đã được đánh dấu bằng cái hiện tượng khác thường, duy nhất, là Thái Thanh tiếng hát hai mươi năm. Nếu mỗi con người, mỗi vật thể đều được thực chứng như một biến thái thường hằng trước va chạm khốc liệt dữ dội với đời sống mỗi ngày là một khuôn mặt mới, một tiếng hát, dẫu vượt thời gian như tiếng hát Thái Thanh cũng vậy. Bằng chứng là Thái Thanh của những năm bảy mươi, Thái Thanh của bây giờ không thể và không còn là Thái Thanh của những năm tháng khởi đầu.

    Mọi người dễ dàng nhận thấy như tôi là, chuyển lưu không ngừng qua nhiều vùng trời âm điệu khác biệt, hòa nhập không thôi vào mọi không khí, trào lưu âm nhạc và trình diễn thay đổi từng năm, từng mùa như mưa nắng, chính tâm hồn và ý thức người hát, trong mối liên hệ mật thiết một đời với nhạc, thế tất có những biến chuyển. Tiếng hát vì thế cũng đổi thay theo. Nói Thái Thanh hát bao giờ cũng vậy là sai. Lấy một bài hát bây giờ, một bài hát trong mười bốn ca khúc của băng nhạc Tơ Vàng chẳng hạn, cùng nghe với một bài hát cũ, ta thấy ngay, trên cái tiến trình và thành tựu rực rỡ của hai mươi năm đi tới không ngừng, tiếng hát Thái Thanh đang đích thực được lồng đựng trong một kích thước, một tinh thần mới. Sự thay đổi đó không ngẫu nhiên, chẳng tình cờ. Nó biểu hiện cho cái nỗ lực chính yếu của người hát tuyệt nhiên không bao giờ muốn ngủ yên trên những thành công đã có.

    Hát với Thái Thanh là một tình yêu muốn cháy đỏ một đời, phải được làm mới từng ngày. Lối hát, cách hát, từ kỹ thuật trình bầy một ca khúc đến cái khó nhận thức hơn, vì ở bên trong, nhưng không phải là không thấy được, là trạng thái tâm hồn Thái Thanh gửi cho âm nhạc, cái phải có và phải thế nào cho tiếng hát của mình bây giờ, trước trưởng thành vượt bậc của âm nhạc và thưởng ngoạn hiện tại, thảy đều dẫn tới một minh chứng: Thái Thanh của những năm bảy mươi đã bỏ lại thật xa ở sau lưng và trong quá khứ, Thái Thanh của thời kỳ khởi nghiệp. Không nhận thấy nỗ lực thay đổi, làm mới này, đó chỉ là vì những người yêu nhạc đã nghe Thái Thanh đều đặn, không đứt quãng, suốt hai mươi năm. Nhìn thấy hoài một khuôn mặt quen thuộc, giản đơn là ta khó thấy những thay đổi của khuôn mặt ấy.

    Điểm đặc biệt đáng nói, theo ý tôi, là nếu một mặt, tiếng hát Thái Thanh đã và đang còn vươn phóng rực rỡ tới bắt gặp những chân trời âm điệu mới, phía thưởng ngoạn và tiếp nhận ở rất nhiều người, trong đó có tôi, lại bất biến, từ đầu, không thay đổi. Hai mươi năm, chúng ta vẫn chỉ thấy có một Thái Thanh. Sự ngạc nhiên lại chính là cái hiện tượng muôn vàn quen thuộc. Tại sao như vậy? Tìm hiểu tiếng hát Thái Thanh, cái bởi đâu khiến cho tiếng hát hàng đầu này tồn tại suốt hai mươi năm, trong khi những tiếng hát khác đã tiếp nối nhau lặn chìm và tàn tạ. Cái tại sao, khiến cho sau hai mươi năm, khối lượng cảm tình của khán giả yêu nhạc cả nước dành cho Thái Thanh vẫn đầy ắp như một bát nước đầy, tìm hiểu đó phải được khởi đi từ cái hiện tượng khác thường của thưởng ngoạn tôi vừa nói tới. Nó giải thích được cho cái trường hợp thành tựu duy nhất trong âm nhạc ta.

    Ở một bài giới thiệu ngắn trong một chương trình Nhạc Chủ Đề thực hiện trước đây trên làn sóng điện đài Saigon, nhà văn Nguyễn Đình Toàn đã nhận định về tiếng hát Thái Thanh như một giọng ca không có tuổi. Táng láng, hồng tươi, không quá khứ. Nhận định này chỉ nói đến một sự thực hiển nhiên. Tốt tươi và phơi phới, bay bổng và cao vút, tiếng hát Thái Thanh hai mươi năm nay là một hơi thở bình minh, ở đó không có một dấu vết nhỏ của tháng năm và quá khứ đè nặng. Đã là một giòng sông đầy, nó vẫn còn là cái thánh thót, cái trong vắt của một giòng suối, nước reo thủy tinh, sỏi lăn trắng muốt. Như một bông hoa không nở và tàn trong một buổi sáng, mà hoa đã mãn khai, vẻ hàm tiếu vẫn còn. Tiếng hát trẻ trung vĩnh viễn, không tuổi, không quá khứ là vì nó tạo mãi được cho người nghe cái cảm giác mát tươi đầu mùa như vậy. Cái não nùng, cái thê thiết rũ rượi là những cái làm già. Thái Thanh không hát cái chết bao giờ, trong cả những ca khúc nói về cái chết. Tiếng hát không bao giờ là một tiếng khóc, nó là đời sống, tiếng cười, và mặt trời. Những cái đen, những cái tối, gì là vũng lầy, gì là vực thẳm, ở ngoài tiếng hát Thái Thanh. Ở ngoài. Không đột nhập.

    Nhưng nếu chỉ nói đến cái hiện tượng không có tuổi nằm trong một phía duy nhất là tiếng hát, không đủ. Không có tuổi còn ở phía đối diện, phía người nghe. Nghe Thái Thanh lúc nào cũng vậy, phút rất vui cũng như phút thật buồn. Nghe Thái Thanh ở một nơi chốn nào cũng thế, tiếng hát hàm chứa và phát hiện trong nó một hiệu lực đồng hóa, khiến cho tình yêu của hàng trăm ngàn người gửi cho tiếng hát Thái Thanh có thể thâu tóm toàn vẹn trong một người, trở thành cái có một. Trên dàn nhạc một phòng trà kín bưng mịt mùng khói thuốc, trên thảm cỏ một chương trình từ thiện ngoài trời, ngày nào dưới cái vòm cao vút của Nhà Hát Lớn Hà Nội, bây giờ dưới những đêm sao rực rỡ miền Nam, trên băng nhạc 1800 “phít” hay trên dĩa nhựa 45 vòng, tiếng hát gửi đến, gián tiếp, hay người hát đối diện trực tiếp với đám đông, bằng nhạc Văn Cao, Phạm Duy hay nhạc Hoài Bắc, Cung Tiến, hiệu năng đồng hóa và hiệu lực dẫn độ của tiếng hát Thái Thanh, vĩnh viễn phát xuất từ một khởi điểm tình cảm cố định. Nó dẫn dắt rung động người nghe hát tới những xúc cảm, những liên tưởng cố định. Không một người nào “lỡ” tiếng hát Thái Thanh. Đã gặp một lần là trùng phùng mãi mãi. Chẳng phải vì Thái Thanh đã hát hai mươi năm, còn hát, chỉ đơn giản là chúng ta đã nghe bằng cái trạng thái thuần túy, trong suốt nhất của thưởng ngoạn, nghe bằng cái không tuổi thênh thang phơi phới của mình. Tôi gọi vùng cảm xúc và liên tưởng cố định ấy là quê hương tiếng hát Thái Thanh. Như cây kim trong địa bàn chỉ xoay về hướng bắc, người nghe nào cũng gặp lại, bằng và với tiếng hát Thái Thanh, một thứ quê hương tình cảm muôn thuở trong mình. Chúng ta nói tiếng hát này gợi lại kỷ niệm, đánh thức trí nhớ, đâu phải vì tiếng hát Thái Thanh chỉ hát những bài hướng về kỷ niệm. Chúng ta nói tiếng hát Thái Thanh thân ái, tình nhân, bằng hữu, chỉ là người nghe đã thân ái, bằng hữu, tình nhân với chính mình, từ tiếng hát. Tôi nghĩ đó là nguyên nhân xâu xa đích thực nhất giải thích chu đáo cho khối lượng cảm tình đằm thắm, vững bền, không lạt phai, không lay chuyển, mà quần chúng yêu nhạc ba miền đã dành cho Thái Thanh từ hai mươi năm nay.

    Đặt vào tiến trình và hình thành của âm nhạc Việt Nam những năm bảy mươi, tiến trình đó nhất định phải đưa tới một đoạn tuyệt hoàn toàn với những giòng nhạc cũ, hình thành đó tất yếu sẽ nâng đẩy âm nhạc tới những biểu hiện sinh động bay múa nghìn lần hơn cõi nhạc quá khứ, tiếng hát Thái Thanh, hơn mọi tiếng hát khác ở điểm này, hội đủ điều kiện cho một thăng hoa và một hòa nhập lý tưởng. Bởi sau hai mươi năm, nó vẫn là một ra khơi, một lên đường, của những năm bảy mươi và cho những năm bảy mươi, âm nhạc đang được định nghĩa lại, từ phía sáng tác, trình diễn, đến phía thưởng ngoạn. Trước đòi hỏi của một lớp người yêu nhạc càng ngày càng vươn tới những vùng nghệ thuật đích thực, những bước tiến lớn lao ghi nhận được về nghệ thuật hoà tấu, kỹ thuật hoà âm chúng ta thấy thể hiện trong một băng nhạc bây giờ, là những dấu hiệu mở đầu cho một trưởng thành toàn diện.

    Tiếng hát Thái Thanh là một đồng nghĩa toàn vẹn với hiện tượng trưởng thành này. Không phải là trong quá khứ, mà bây giờ mới vẹn toàn tiếng hát Thái Thanh. Trên tinh thần này, và trước viễn tượng sáng tươi của âm nhạc Việt Nam những năm bảy mươi, tôi không nghĩ Thái Thanh đã tới, mà nói Thái Thanh mới bắt đầu. Đừng đặt câu hỏi là sau hai mươi năm, bao giờ Thái Thanh vĩnh viễn giã từ âm nhạc. Mùa nhạc này, chúng ta mới chỉ đang nghe những bài hát thứ nhất của Thái Thanh, những bài hát đánh dấu cho một khởi hành mới, những bài hát mở đầu cho một sự nghiệp thứ hai. Những người yêu mến tiếng hát Thái Thanh từ hai mươi năm nay, chắc đều nhận thấy với tôi như vậy.

    Mai Thảo


    Nguồn:https://sangtao.org



              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Thái Thanh

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Thái Thanh, tiếng ru muôn đời





    Mẹ hiền ru những câu xa vời
    À à ơi!… Tiếng ru muôn đời

    (“Tình ca”, Phạm Duy)



    “Bài này thì chỉ có Thái Thanh” hoặc “Bài này không ai hát qua được Thái Thanh”, thỉnh thoảng ta vẫn nghe như vậy. “Bài này” có thể là tên một nhạc phẩm của Phạm Duy hay của Phạm Đình Chương, Dương Thiệu Tước, Văn Cao…

    Nhiều ca sĩ một đời ca hát chỉ mong tên mình gắn liền với tên bài hát nào đó và khi nhắc tên bài hát người ta cũng nhắc tên người ca sĩ, để tên tuổi sẽ không chìm vào quên lãng. Riêng Thái Thanh thì không chỉ một mà có khá nhiều bài hát gắn liền với tên chị.

    Tiếng nước tôi, tiếng lòng tôi

    “Nếu chỉ được Thái Thanh hát cho nghe một bài thì anh sẽ chọn bài nào?”

    Thỉnh thoảng tôi vẫn được hỏi như vậy. Thường thì tôi có chút bối rối khi phải chọn ra bài hát mình yêu thích nhất qua giọng Thái Thanh vì lắm khi bài mình thích chỉ là thích vào lúc nào đó, vào lúc khác thì lại là một bài khác.

    “Anh thử đoán xem?” tôi hỏi ngược lại.

    Người bạn nói vài cái tên, tôi lắc đầu. Anh kể thêm ít bài nữa, tôi lắc đầu.

    “Bài ‘Quê nghèo’,” tôi buột miệng.

    “Quê nghèo” là bài hát đầu tiên tôi được làm quen với tiếng hát Thái Thanh và yêu bài hát ấy, yêu tiếng hát ấy. Tôi nghe “Quê nghèo” mãi không chán, và cũng mới vừa nghe lại, dư âm tiếng hát Thái Thanh như vẫn còn quanh quẩn đâu đây.

    “Quê nghèo” là bức tranh quê thật sinh động của những làng quê Việt Nam thời kháng chiến, nơi có những bà mẹ quê vui vì nồi cơm ngô đầy, có những cô thôn nữ đêm đêm nằm ngủ hay mơ, mơ thấy bên lề cuộc đời, áo dài đùa trong tiếng cười. Bức họa đồng quê ấy được vẽ lên bằng tiếng hát Thái Thanh. Phải nghe chị hát những “tả tơi”, “thoi thóp”, “hiu hắt” trong những câu hát Có lũy tre còm tả tơi… và Chiều rơi thop thóp trên vài luống khoai, hiu hắt tiếng bà mẹ cười…mới thấy quê mình nghèo đến thế nào, mới thấy thương quê mình biết bao.

    “Quê nghèo”, chứ không phải tên những bài hát mà anh bạn tôi kể ra, những bài hát về quê người, về những kinh đô ánh sáng, những mùa thu mùa đông Paris, những bến sông Seine, sông Danube hay những dòng sông xanh, những sóng nước biếc tận những miền đất nào xa xăm. Cũng không phải những “tuyệt phẩm” của những “dòng nhạc thính phòng”, những dạ khúc nguyệt cầm, chiều tà chiều tím, cỏ hồng cỏ hoang, đường chiều lá rơi… và những bài bản nào được trình diễn trên những sân khấu hoành tráng với dàn nhạc công, nhạc cụ lỉnh kỉnh.

    Người ta nghe một bài hát là lắng nghe những cảm xúc đến từ một giọng hát hơn là nghe những phô diễn kỹ thuật. Với một giọng hát hay, một khúc hát bình dị, đơn sơ nghe vẫn hay chứ không nhất thiết là những bài bản có giai điệu, khúc điệu cầu kỳ.

    • Xuân vừa về trên b…ãi cỏ no
    n (“Hoa xuân”, Phạm Duy)

    Chỉ có vậy. Nghe Thái Thanh, nghe câu hát ấy, người ta nghe mùa xuân về đâu đó quanh đây, về trên thảm cỏ xanh mướt trước sân nhà, về trên những bông hoa dại dọc theo những lối đi quen.

    Đến nay người ta vẫn chưa quên những bài nhạc thể điệu rumba, boléro từng được yêu thích qua tiếng hát Thái Thanh, như “Xóm đêm” (Phạm Đình Chương), “Đường xưa lối cũ” (Hoàng Thi Thơ), “Bóng người đi” (Văn Phụng & Hoài Linh), “Chiều biên khu” (Tuấn Khanh & Châu Ngân), “Chuyện đêm mưa” (Nguyễn Hiền & Hoài Linh), “Ngày hạnh phúc”, “Ngày tạm biệt” (Lam Phương)…

    • Chiều xưa, gió êm lay nhẹ l…iếp dừa

    Nghe câu hát đầu bài “Bóng người đi”, tưởng nghe được hơi mát của làn gió nhẹ êm trong chiều.

    Tôi nhớ xem được trong một video clip, Thái Thanh hát trong một tu viện ở San Diego, nơi chị tu tập vào những năm cuối đời. Mấy trăm đạo hữu ngồi quanh im lặng nghe chị hát “Giọt mưa trên lá”, “Ngậm ngùi”, “Tôi ước mơ”… Chỉ có tiếng hát, không có tiếng nhạc dạo, tiếng đệm đàn nào và người nghe thật im lặng đến không cả tiếng vỗ tay, chỉ thấy những cánh tay đưa lên lắc lắc tỏ dấu tán thưởng. Cũng là một cách hát, một cách thưởng thức vậy.

    • Giọt mưa trên lá…, ráo riết miệt mài, anh biết yêu lần cuối
      Giọt mưa trên lá…., cuống quít dạt dào, em biết yêu lần đầu


    Thái Thanh hát thật thoải mái, thật tự nhiên, đôi lúc cũng lắc lư nhún nhảy, cũng lả lướt điệu đà, cái điệu làm duyên nữ tính. Sức truyền cảm của tiếng hát ấy trên hết vẫn là ở cái giọng trời cho. Tiếng hát chị đến với người yêu nhạc từ những năm đầu 1950s, và càng về sau tiếng hát ấy càng thêm cuốn hút tựa như trái cây ngon đến độ chín muồi qua cách chị phả hơi thở đầy cảm xúc vào từng lời, từng chữ, từng nốt nhạc.

    Liệu những cảm xúc ấy có là cảm xúc thật? Có thể kể ra được những bài chị hát bằng cảm xúc thực lòng, như “Người về”, “Nhớ người ra đi”, “Quê nghèo”, “Tình ca”, “Tình hoài hương”, “Kỷ niệm”, “Xuân tha hương”, “Tiếng sông Hương”, “Về miền Trung”…, hầu hết là những bài dân ca mới hoặc tình ca quê hương. Chị hát như người kể chuyện quê mình và những bài ấy nghe “Thái Thanh” hơn hết.

    Những bài khác, nếu không là cảm xúc thật thì cũng không phải cảm xúc giả tạo. Như một diễn viên xuất sắc trong một vở diễn, chị nhập vai diễn, sống thực với tâm trạng, nỗi niềm của nhân vật. Có thể kể ra những “Áo anh sứt chỉ đường tà”, “Bà mẹ Gio Linh”, “Kỷ vật cho em”, “Kiếp nào có yêu nhau”, “Ngày xưa Hoàng Thị”, “Quán bên đường”, “Tuổi 13”… và những bài nào nữa vẫn được người yêu tiếng hát chị nhắc tên.

    “Lần nào hát bài này tôi cũng khóc,” Thái Thanh nói, nghẹn ngào. Bài hát ấy là “Bà mẹ Gio Linh”. Chị khóc và chị cũng làm người nghe muốn khóc theo chị khi nghe chị hát. Chị nhập vai bà mẹ hóa điên, nhìn chiếc đầu con mình bê bết máu, môi trắng bệch, hai mắt mở trừng trừng.

    • Ta yêu con ta, môi trắng bết máu cờ
      Nụ cười hồn nhiên, đôi mắt ngó trông ta…


    Chính vì để lòng mình nghiêng xuống những nỗi thống khổ, những nỗi bất hạnh và lòng hy sinh vô bờ của một dân tộc mà tiếng hát chị như trào lên nỗi bi thương lẫn hào hùng.

    Khi hát, chị không chỉ hát bằng môi bằng miệng mà còn hát bằng mắt, bằng vẻ mặt, bằng điệu bộ đầy biểu cảm. Nghe những bài hát ấy mới thấy ở Thái Thanh một giọng điêu luyện và đầy kịch tính. Khi chùng xuống thấp như lẻn vào hồn, khi rướn lên cao như xoáy vào tim. Khi mềm mại, dịu dàng như nhịp chân êm êm thánh thót, khi vội vàng, gấp gáp như sóng muôn triền tới, sóng xô về khơi. Giọng hát cất lên từ trái tim nhạy bén và giàu cảm xúc, thể hiện trọn vẹn tình ý của mỗi bài nhạc và truyền được những rung cảm đến người nghe, dẫn đến nhận xét của nhiều người là “Thái Thanh hát bài nào cũng hay”.

    Liệu có đúng là Thái Thanh hát bài nào cũng hay? Có đúng và không đúng. Không ca sĩ nào hát hay được mọi bài, vẫn có những bài chị hát không hay lắm là những bài không phù hợp giọng chị hoặc những bài… không hay. Một giọng hát có hay đến đâu cũng không thể làm một bài hát không hay thành hay được. Lại có những bài chị hát tuy có hay nhưng người ta vẫn muốn tìm nghe giọng hát khác từng gắn liền với những bài hát ấy. Đúng hơn cả vẫn là, không ai yêu nhạc Việt mà không giữ riêng cho mình (những) bài hát nào mình yêu thích với tiếng hát Thái Thanh.

    Thái Thanh, chị là tiếng chim hót véo von, lảnh lót. Chị đã tạt ngang qua cuộc đời này, đã mang chút hạnh phúc nhỏ nhoi đến cho bao người, những người yêu tiếng hát chị. Tiếng hát ấy gắn liền với dòng định mệnh của người dân Việt, có ngọt ngào và xót xa, có nụ cười và nước mắt, và cả máu xương nữa. Nếu những bài tình ca thời chiến chị hát lên cho thấy những khuôn mặt của tình yêu, cho thấy người ta đã yêu nhau như thế nào vào thời ấy thì cũng cho thấy cái nghiệt ngã của chiến tranh đã đi qua trên quê hương mình. Nhiều người vẫn nói rằng tiếng hát chị là “tiếng nước tôi”, là “tiếng lòng tôi”. Trong tiếng hát ấy có tình yêu đất nước, có tình yêu lứa đôi, và cả tình yêu tiếng Việt nữa. “Người ca sĩ phải biết yêu tiếng nói của nước mình, nếu không yêu thì cũng như là hát một bài nhạc ngoại quốc vậy,” không phải chị từng nói vậy sao? (*)





    Thái Thanh vẫn hát “Tình ca”

    Một giọng hát hay, trong một nghĩa nào đó, còn là giọng hát tạo được mối dây tình cảm thật gần gũi giữa người nghe và người hát. Giọng Thái Thanh là giọng hát như thế. Tôi hiểu được vì sao nhiều người thích nghe chị, chính là vì nghe ra mối đồng cảm trong tiếng hát chị. Điều này cũng khiến người ta không chỉ yêu tiếng hát chị mà còn yêu cả những bài hát chị từng hát, những bài hát chan chứa những tình tự dân tộc cất lên từ trái tim nặng trĩu tình yêu quê hương.

    Có những bài hát mỗi lần nghe chị hát là mỗi lần nhớ nhà, nhớ quê hương đến chảy nước mắt.

    • Chiều b…uông trên dòng sông Cửu Long
      như một cơn ước mong, ơi… chiều!
    (“Chiều về trên sông”, Phạm Duy)

    “Chiều buông…”, không phải chiều trôi hay chiều rơi, nghe như màn sương chiều lướt thướt, như vạt áo choàng mềm mại của chiều tà chầm chậm phủ trùm lên một vùng sông nước lững lờ. Nghe câu hát, nghe chiều đi lặng lẽ, nghe nỗi buồn trải rộng đến mênh mông trong bóng chiều quạnh quẽ.

    Tôi nhớ, những giọt nước mắt của Thái Thanh khi chị hát đến câu hát cuối bài “Tình hoài hương” sau ngày chị đặt chân lên miền đất tự do này. Những giọt nước mắt còn đọng lại rất lâu trong lòng người.

    • Xa quê hương… yêu quê hương…

    Những nốt ngân rưng rưng, rạn vỡ, như một giấc mơ rạn vỡ.

    Không chỉ có âm vực thật rộng, xuống tới những nốt thật trầm, vươn tới những nốt thật cao, giọng hát ấy còn làm mềm lòng người nghe bằng những chỗ ngưng nghỉ, nhấn nhá và luyến láy đầy ngẫu hứng.

    • Ai l…ướt đi ngoài sương gió
    (“Buồn tàn thu”, Văn Cao)

    Không ai “lướt” được như Thái Thanh. Chị hát mà như “vẽ”. Chị không chỉ “láy” mà còn “lượn”.

    • Em đi qua đời anh,
      không nh…ơ…ớ gì sao em?
    (“Người đi qua đời tôi”, Phạm Đình Chương & Trần Dạ Từ)

    Không ai “nhớ” rưng rức đến như Thái Thanh. Chị hát mà như “nấc”. Chị vừa “láy” lại vừa “lượn”.

    • Có tiếng hát x…ao xuyến á…nh trăng vàng (“Về miền Trung”, Phạm Duy)


    Không ai nghe tiếng hát ấy mà không nghe “xao xuyến”, nghe dào dạt nhớ về một quê hương có “bóng dừa ngàn thông”, có “con sông xưa, thành phố cũ”.

    • Nước sông miên man trôi đi
      Há ha hà ha hà há ha ha…


    Chỉ có giọng ngân nga và chuỗi láy lượn rập rờn há ha hà ha… ấy mới nghe ra tiếng sóng vỗ “miên man” và nhịp điệu luân vũ dìu dặt của dòng sông cuồn cuộn sóng trôi xa.

    Không ít ca sĩ muốn thử sức với “Dòng sông xanh”, nhưng chỉ làm người nghe thêm nhớ giọng hát gắn liền bài nhạc ấy.

    Nhiều lắm, những nét lượn mềm mại, mượt mà ấy trong những “Mười thương” (Phạm Đình Chương), “Đố ai”, “Nụ tầm xuân” (Phạm Duy)…

    Tiếng hát Thái Thanh gắn liền với nhạc Phạm Duy, hẳn nhiên là vậy, thế nhưng không ít bài nhạc của những nhạc sĩ khác nhiều người cũng chỉ muốn được nghe với giọng Thái Thanh, chẳng hạn “Hội trùng dương” của Phạm Đình Chương, “Hòn vọng phu” của Lê Thương, “Thiên thai” của Văn Cao, “Ngọc lan” của Dương Thiệu Tước, “Giấc mơ hồi hương” của Vũ Thành, “Mùa thu không trở lại” của Phạm Trọng, “Bài hương ca vô tận” của Trầm Tử Thiêng, “Bóng người đi” của Văn Phụng & Hoài Linh, “Ngàn thu áo tím” của Hoàng Trọng & Vĩnh Phúc… và nhiều nhiều nữa.

    • Từ khi xa anh em vẫn yêu… và nhớ
      mà sao anh đi… đi mãi không về nữa


    Nghe Thái Thanh hát “Ngàn thu áo tím” tựa như giọng cô bé mới biết yêu lần đầu, rưng rưng kể câu chuyện tình buồn, nghe một nỗi gì xót xa, tội tình.

    Chắc không ca sĩ nào, giọng hát nào được gán ghép cho nhiều danh hiệu bằng Thái Thanh. Trên hết vẫn là “Tiếng hát vượt thời gian”. Tiếng hát ấy luôn sánh đôi với cuộc hành trình âm nhạc “khóc cười theo mệnh nước nổi trôi” của Phạm Duy, đủ thấy chiều dài dằng dặc của một khoảng cách thời gian xa vời vợi.

    Có người còn gọi chị là “Tiếng hát không dĩ vãng”, tôi không cho là như vậy. Không ai từ bỏ được dĩ vãng; hơn thế nữa, chị còn có một dĩ vãng thật là đẹp. Dĩ vãng ấy làm chị có chỗ đứng riêng, không giống ca sĩ nào khác. Đó là dĩ vãng của thời kỳ đầu Ban hợp ca Thăng Long, của hai chị em “cô hàng café” Thái Hằng và Thái Thanh và những tiếng hát thuở ban đầu ấy, từ “Ngày mùa” (Văn Cao), “Quê em” (Nguyễn Đức Toàn) đến những “Em bé quê”, “Bà mẹ quê”, “Vợ chồng quê” (Phạm Duy)… của một mùa nào kháng chiến.

    Có Thái Thanh như một dĩ vãng đẹp, tôi muốn mượn câu trong bài hồi ký Người Bác của nhà văn Thế Uyên, “Có Nhất Linh như một dĩ vãng đẹp”, để nói về tiếng hát chị. Dĩ vãng nào thì cũng có vui có buồn, có ngọt ngào có đắng cay, thế nhưng với nhiều người, nhớ về tiếng hát Thái Thanh vẫn là nhớ về những ngày xưa êm đềm, nghe lại tiếng hát Thái Thanh vẫn là nghe lòng dịu êm như một dòng suối mát. Thái Thanh, chị là dòng suối tơ vương, là giọng ướp men thơ…trong những câu hát thính giả từng nghe chị qua làn sóng đài phát thanh Sài Gòn một thuở nào.

    • Bông hoa đời ngàn xưa tới nay
      Rung nhạc đó đây, cho đời ngất ngây…
      (“Ngọc lan”, Dương Thiệu Tước)

    * * *


    Giọng hát Thái Thanh đã bặt tiếng im hơi những năm gần đây, tin chị từ biệt thế gian này vì vậy cũng không gây bất ngờ lắm, thế nhưng người ta vẫn cảm thấy mất mát, hụt hẫng. Nếu không vì dịch bệnh cách ngăn thì đám táng chị hẳn là đông lắm, dài lắm những dòng người tiễn đưa. Nhưng cũng không hề chi, dẫu không đi được với chị một đoạn đường thì người ta cũng đã đi cùng với chị biết bao năm trên con đường dài thật dài, không phải vậy sao?

    Thái Thanh, tôi tin rằng linh hồn chị, như cụm mây trắng lững lờ, đã bay về lại miền đất nước “nằm phơi phới bên bờ biển xanh”, về lại nơi có “bóng đa ôm đàn em bé”, có “tiếng ru nỗi niềm thơ ấu”, có những đêm “trăng lên bằng ngọn cau”… trong những câu hát nào mà mỗi lần chị hát là mỗi lần nước mắt rưng rưng.

    Hôm ấy, người ta cho phát đi nhiều bài nhạc quen thuộc từng được nhiều người yêu thích qua tiếng hát Thái Thanh, như cách người ta vẫn làm để tưởng tiếc người nhạc sĩ hay ca sĩ nào vừa mới lìa đời. Đến lúc bài “Tình ca” cất lên, tôi ngồi lặng im nghe đến hết bài hát tôi từng nghe biết bao lần, và nhiều người cũng từng nghe biết bao lần. Lạ một điều, mỗi lần nghe, cảm xúc ấy vẫn còn tươi rói như nghe lần đầu chứ không vơi đi chút nào.

    • Vì yêu, yêu n…ước yêu nòi
      Ngày xuân tôi h…át nên bài… bài tình ca


    Vẫn là những uốn lượn mềm mại làm dậy lên tình cảm thương quê dạt dào và cũng tô đậm “dấu ấn Thái Thanh” cho bài “Tình ca” ấy.

    “Tình ca” gắn liền với Phạm Duy hơn bất cứ bài nhạc nào của người nhạc sĩ này và cũng gắn liền với Thái Thanh hơn bất cứ bài hát nào. “Nghe ‘Tình ca’ là phải nghe Thái Thanh,” nhiều người vẫn nói như thế. Có những ca sĩ khá nổi tiếng và từng hát nhiều bài Phạm Duy nhưng không bao giờ hát “Tình ca”, chỉ vì bài hát như đã thuộc về chị. Giả dụ nhiều năm sau nữa người ta có quên hết những bài hát nào Thái Thanh từng hát thì người ta vẫn nhớ mãi bài “Tình ca”.

    Bài hát ấy là bản tình ca lớn nhất, bản tình ca của đất nước. Bài hát ấy còn là tiếng ru êm của những bà mẹ Việt Nam trong suốt chiều dài cuộc chiến tranh, trong đó có bà mẹ Thái Thanh.

    • Mẹ hiền ru những câu… xa vời
      À à ơi!… tiếng ru… muôn đời


    Tôi chắc không ai hát À à ơi!… được như chị. À à ơi… trong câu hát ấy, trong bài hát “Ru con” của Phạm Duy và những bài hát nào nữa ngày xưa chị từng hát.

    Thái Thanh, tiếng hát ấy đã “vượt thời gian” hơn bao giờ để thành “tiếng ru muôn đời”.


    Lê Hữu

    (3/2020)

    (*) Đỗ Tăng Bí, Thái Thanh, tiếng hát vang vọng giữa trời Xuân, báo Xuân Người Việt, 2005

    *Ảnh internet


    Nguồn:https://www.diendantheky.net


              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Thái Thanh

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    “Thôi thì thôi nhé, cũng ngần ấy thôi”…





    Thái Thanh, ca nhân của dân tộc, đã làm chủ kỹ thuật thanh nhạc Tây Phương một cách tài tình, như thể Bà đã thụ giáo ở các nhạc viện Tây phương, thay vì tự học qua báo chí Pháp văn mà các anh đặt mua.

    Nhưng còn hơn thế nữa, khi nghe kỹ những bản thu trước 75 vẫn còn được lưu giữ, ta còn thấy được Bà đã làm được một điều tưởng khó như lên trời: kết hợp kỹ thuật nhấn nhá, luyến láy của chèo, quan họ, của dân nhạc… vào cái nền thanh nhạc rất đỗi Tây phương kia.

    Kỹ thuật hát mỗi note Đô mà nhấn nhá những microtone, như thể một nhạc công đàn bầu lắc cổ tay, hay người chơi đàn nguyệt rung ngón tay bấm phím mà chính bằng giọng hát thật phi thường.

    Nói cách khác, Bà, chính Bà là người làm chủ được cuộc hôn phối giữa tứ đức của người quan họ, “vang, rền, nền, nã” và kỹ thuật thanh nhạc hàn lâm của Tây phương.

    Và Bà làm điều ấy bằng con tim mẫn cảm với “vận nước nổi trôi”, bằng dây thanh âm vàng ròng của mình. Nó khác, khác lắm với kỹ thuật cộng minh bằng các hốc xương mặt, kéo dài hơi nhấn nhá khoe giọng mà vô hồn của các “diva” học hết sách vở ở các nhạc viện hay trường nhạc quân đội.

    Bằng cách đó, Bà hát “Le beau Danube bleu” với kiểu staccato như thể là người cùng thời với Johann Strauss. Mà khi Bà cất giọng: “quê hương tôi có con sông đào xinh xắn, nước tuôn trên đồng vuông vắn” như một cô thôn nữ nước Việt thả giọng trên sông nước mênh mang của quê hương mình.

    Trái tim và giọng hát được giáo dục theo tinh thần văn công nhạc cảm thì thiếu nhưng tự mãn thì thừa không thể nào “khóc cười theo vận nước nổi trôi” như Thái Thanh đã sống, ca hát cả cuộc đời được.

    “Nhạc Phạm Duy còn, nước Việt còn”, tôi đã tin chắc điều này. Nhưng nếu không có Thái Thanh với những microtone thần sầu kia, thì âm nhạc kia chỉ là những tác phẩm dang dở còn nằm trên giấy….

    Hãy nghe “Đưa em tìm động hoa vàng”, thơ Phạm Thiên Thư, Phạm Duy phổ nhạc, Thái Thanh hát:

    “Rằng xưa có gã từ quan

    Lên non tìm động hoa vàng ngủ say”…


    Thơ ấy là chân thi ca.
    Nhạc ấy là chân âm nhạc.
    Giọng hát ấy là chân thanh nhạc.

    Ba con người, ba đấng bậc tài hoa cùng thời, cùng dẫn ta về những khoảng khắc, không gian mà nếu không có tác phẩm của họ, ta không bao giờ trải nghiệm được như Từ Thức lạc Thiên Thai.

    Họ là những tinh cầu của văn hóa Việt độc sáng và cùng lấp lánh, rạng rỡ trong muôn vàn tinh tú của văn hóa miền Nam.

    Và rồi một thiên thạch ghê tởm, quái gở đâm vào chòm tinh tú ấy.

    Một cú Big Bang về văn hóa,

    Sau đó là im lặng, tối đen…..

    Hố thẳm của vô minh, bạc ác, bất tài, vô lương… hình thành từ đây!

    Thái Thanh nay đã về trời.

    Thái Thanh, người không đặt ra giới hạn về thanh nhạc cho nhạc sử Việt Nam: vì giọng hát của Bà là khôn sánh, vô đối và bất khả vượt qua. Vì nó không những là thanh âm, mà còn là phản chiếu của một tâm hồn Việt thanh nhã, sang cả, đài các nhưng lại đầy ắp dung dị của đồng quê Việt.

    Thái Thanh là không thể vượt qua, như Maria Callas trong opera. Nhưng Bà đặt ra cột mốc: Sau Thái Thanh, không ai hát được như thế. Trước Thái Thanh, chưa ai biểu đạt được bài này.

    Hậu thế sẽ bảo nhau như thế!

    Và như chuyện ông vua cởi truồng, Thái Thanh đặt ra một phân định rõ ràng: nghe Thái Thanh mà không thấy hay, không thấy cái đẹp sang cả của một tâm hồn Việt rung lên qua từng thanh âm… thì chỉ có thể là mù âm nhạc. Chắc chắn!

    Nghiêng mình tiễn biệt Bà, tiễn biệt luôn cả một tuổi thơ với “quê hương tôi, có con sông đào xinh xắn” trên radio đài tiếng nói Việt Nam của VNCH.

    Thái Thanh, người mà “thác là thể phách, còn là tinh anh”…

    “Thôi thì thôi nhé, cũng ngần ấy thôi”…


    Nguồn:https://drnikonian.wordpress.com


              
Trả lời

Quay về “câu chuyện âm nhạc”