Dịch Covid-19 (SARS-CoV-2 / 2019-nCoV)

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Virus corona : Khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất tại Trung Quốc sau Thiên An Môn

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           






    Virus corona :
    Khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất tại Trung Quốc sau Thiên An Môn

    _______________________________________
    Thùy Dương _ 10/02/2020





              

    Tập Cận Bình tăng cường kiểm duyệt thông tin về dịch virus corona tại Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 05/02/2020. REUTERS

              



    Dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona mới gây ra vẫn là chủ đề được báo chí Pháp quan tâm khai thác. La Croix tập trung đề cập đến sự hợp tác của các nhà khoa học trên thế giới để tìm ra phương pháp điều trị và bào chế vac-xin.

    Báo kinh tế Les Echos chạy tựa trang nhất : « Hệ thống Tập Cận Bình bị virus corona thách thức » và nhận định cách nhà chức trách Trung Quốc xử lý cuộc khủng hoảng y tế đang bị chỉ trích và đã trở thành một thách thức chính trị lớn cho chính quyền Cộng Sản.

    Cứ mỗi buổi sáng, số liệu thống kê của chính quyền Trung Quốc về số người chết vì virus corona lại khiến công luận lo sợ, nhất là con số tổng kết mà Bắc Kinh công bố ngày 09/02/2020. Với 811 người chết tại Hoa lục, nạn dịch corona đã khiến nhiều người Trung Quốc thiệt mạng hơn cả đại dịch SARS năm 2002-2003. Một nhà ngoại giao cấp cao, hiện có mặt tại Bắc Kinh, nhận định :
    • « Đó là ngưỡng mà Bắc Kinh không hề muốn thấy, vì sợ rằng dân chúng nói là tiến bộ của Trung Quốc cuối cùng cũng chỉ được đến thế sau 17 năm »
    .

    Les Echos nhận định chế độ Cộng Sản Trung Quốc đang phải đối mặt với thách thức chính trị nghiêm trọng nhất kể từ cách mạng Thiên An Môn cách nay 30 năm. Tập trung nhiều quyền lực trong tay hơn so với bất cứ nhà lãnh đạo nào kể từ sau thời Mao Trạch Đông, Tập Cận Bình phải « đứng mũi chịu sào », cho dù đã sắp xếp để thủ tướng Lý Khắc Cường lãnh đạo Ủy ban phụ trách cuộc chiến chống dịch bệnh.

    Tình hình ngày càng nghiêm trọng sau cái chết của vị bác sĩ trẻ Lý Văn Lượng, 1 trong 8 bác sĩ đầu tiên đã báo động về dịch bệnh, rồi bị bắt vì tội « phát tán thông tin sai lệch ». Làn sóng phẫn nộ bùng lên rộng khắp trên các mạng xã hội. Cái chết thương tâm của bác sĩ Lý cũng cho công chúng thấy chế độ Trung Quốc hoạt động không tốt, ngày càng chuyên quyền, độc đoán và quản lý đất nước bằng cách gieo rắc nỗi sợ hãi. Trong bối cảnh đó, một số nhà trí thức Trung Quốc đã viết nhiều bức thư ngỏ, kêu gọi tự do ngôn luận. Rất có thể họ sẽ bị Bắc Kinh trừng phạt.

    Les Echos nhấn mạnh ý đồ giấu giếm thông tin của chính quyền địa phương không phải là một hiện tượng mới xuất hiện của chế độ Cộng Sản. Tập Cận Bình đã củng cố luật im lặng (omerta), buộc các công chức phải tuyệt đối trung thành, nếu trái lệnh sẽ bị nghiêm trị. Vì thế, không một quan chức nào dám ho he, vì sợ bị ủy ban thanh tra, cơ quan chống tham nhũng chính tại Trung Quốc, trừng phạt.

    Trung Quốc hiện đã áp dụng những biện pháp nghiêm ngặt phòng ngừa virus, nhưng theo Les Echos, những ngày tới đây sẽ mang tính quyết định đối với công tác quản lý dịch bệnh, bởi vì đây là thời điểm hơn 8 triệu người dân Bắc Kinh trở lại làm việc. Trên nguyên tắc, hôm nay thứ Hai (10/02), các nhà máy sẽ mở cửa trở lại sau hai tuần ngưng sản xuất hoàn toàn. Tuy nhiên, để đề phòng dịch bệnh, một số hãng dự kiến đến tuần sau mới mở cửa trở lại.

    Điều mà công luận chờ đợi là cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ làm xói mòn vị thế chính trị của Tập Cận Bình ở mức độ nào. Nhà nghiên cứu Jean-Pierre Cabestan, giáo sư Đại học Baptiste Hồng Kông lưu ý tại Trung Quốc, dân chúng thường quy trách nhiệm cho nhà chức trách địa phương hơn là cho chính quyền trung ương. Thêm vào đó, người dân Trung Quốc, trong hoàn cảnh bị cách ly và sợ hãi virus như hiện nay, sẽ rất khó để cùng phối hợp để phản kháng.

    Trên các mạng xã hội hiện nay, nhiều người liên hệ khủng hoảng virus corona với khủng hoảng hạt nhân Tchernobyl, dự báo chủ tịch Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những nguy cơ, thách thức nào. Tuy nhiên, giáo sư Cabestan nhận định Tập Cập Bình giống lãnh đạo Léonid Brejnev hơn là Mikhail Gorbatchev, ông ta sẽ ngả về các biện pháp tăng cường kiểm duyệt, trấn áp hơn là tiến hành cải cách chính trị.




    Công nghệ sẽ đi xa đến đâu trong cuộc chiến chống virus corona ?

    « Công nghệ sẽ đi xa đến đâu trong cuộc chiến chống virus corona ? » là một câu hỏi được đặt ra trong mục Ý tưởng và Thảo luận của báo Les Echos. Tác giả Charles-Edouard Bouée điểm lại những phát minh công nghệ đã được Trung Quốc huy động để phòng ngừa và chiến đấu với virus corona mới :
    • một thiết bị bay không người lái được trang bị caméra cảm ứng bay đến đậu bên ngoài từng nhà để đo thân nhiệt của người dân,
    • những máy bay tự hành phun xịt chất khử trùng tại nơi công cộng hoặc giải tán đám đông.
    • Meituan, một công ty bán hàng trực tuyến đã điều chỉnh công nghệ, sử dụng dịch vụ giao hàng « không tiếp xúc trực tiếp », nhất là thực phẩm, để khách và nhân viên giao hàng không phải tiếp xúc trực tiếp với nhau, tránh nguy cơ lây lan virus.


    Những người còn nhớ đại dịch SARS hoành hành tại Trung Quốc hồi năm 2002-2003, thấy đã có những sự thay đổi đáng kể trong công tác quản lý dịch bệnh hiện nay. Các hãng công nghệ lớn và chính phủ Trung Quốc hiện nay đã có khả năng triển khai những sức mạnh công nghệ đến mức khó tin.

    Trong bối cảnh toàn cầu hóa, thế giới đang đối mặt với những nguy cơ dịch bệnh ngày càng gây nhiều chết chóc. Tác giả cho rằng nhiều thiết bị công nghệ hứa hẹn sẽ phát huy tác dụng.
    • Kết hợp thiết bị thu tín hiệu hồng ngoại và trí thông minh nhân tạo, tập đoàn Baidu Trung Quốc đã cho ra đời thiết bị đo thân nhiệt của khách đang di chuyển trong sân bay, với mức độ sai lệch chỉ là 0,05 độ C.
    • Mạng xã hội Wechat thì phát triển phương thức khám bệnh với bác sĩ « ảo », cho phép chẩn đoán gần như chắc chắn những người nhiễm virus corona.
    • Robot được sử dụng để lau chùi, vệ sinh, khử trùng và phân phát bữa ăn tại những khoa có bệnh nhân đang bị cách ly cho nhiễm virus.


    Robin Li, nhà sáng lập tập đoàn Baidu, đã tuyên bố với các cộng sự là Big Data và trí thông minh nhân tạo không chỉ cho phép tăng hiệu quả của công tác quản lý đô thị và các sáng chế y khoa trong các giai đoạn có dịch bệnh mà còn mang lại lợi ích cho tất cả các ngành công nghiệp và thúc đẩy những ngành này phát triển. Tác giả lưu ý là nếu vượt qua được giai đoạn khủng hoảng này, Trung Quốc chắc chắn sẽ tiến thêm một bước trong việc làm chủ công nghệ, khiến các nước khó đuổi kịp chính quyền Cộng Sản hơn.

    Thế nhưng, sức mạnh và mục đích sử dụng của các công nghệ này cũng khiến nhiều người lo sợ là sẽ có sự chệch hướng. Những hình ảnh được Hoàn Cầu thời báo phát đi, theo đó, một phụ nữ lớn tuổi ra ngoài đường mà không đeo khẩu trang, bị thiết bị bay tự hành phát đi những câu bất nhã, buộc bà phải quay về nhà đeo khẩu trang và rửa tay. Video lan truyền nhanh chóng trên mạng internet và bị chỉ trích rất dữ dội, bởi vì nếu những thiết bị kiểu này có thể kiểm soát dịch bệnh thì cũng có thể kiểm soát dân chúng trong những hoàn cảnh bình thường không có nạn dịch. Tác giả kết luận những tiến bộ kỹ thuật đều đi kèm với nỗi sợ hãi về việc quyền tự do cá nhân bị xâm phạm.




    http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/2 ... ien-an-mon
              
              
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Do virus corona, Trung Quốc đối mặt với virus đòi tự do ngôn luận

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           






    Do virus corona,
    Trung Quốc đối mặt với virus đòi tự do ngôn luận

    _______________________________________
    Minh Anh _ 10/02/2020





              

    Tầu điện ngầm ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vắng người vì dịch virus corona mới, ngày 10/02/2020. REUTERS/Carlos Garcia Rawlins

              



    Tại Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh đang vật vã đối đầu cùng lúc với hai loại virus :
    • Một là virus corona đang hoành hành
    • và hai là virus đòi cải cách « chính trị ».
    Cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng, một trong số tám bác sĩ đầu tiên báo động về sự xuất hiện của virus corona chủng mới đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích và đòi tự do ngôn luận.

    Đảng Cộng Sản Trung Quốc cứ tin rằng mình đã làm chủ sự thật. Thế nhưng, cái chết của Lý Văn Lượng do nhiễm virus corona khi chăm sóc một người bệnh đang gióng chuông báo động chế độ chuyên chế lâm nguy. Hình ảnh tự chụp của vị bác sĩ nhãn khoa trẻ tuổi đang trên giường bệnh đăng trên các mạng xã hội chẳng khác gì một bằng chứng tố cáo chế độ toàn trị, đồng thời làm bùng phát những lời kêu gọi hiếm có đòi cải cách chính trị và tự do ngôn luận.

    Hai lá thư công khai đòi tự do ngôn luận từ một số nhà trí thức đã được đăng trên mạng xã hội Weibo (tương đương với Twitter) nhưng ngay sau đó đã bị kiểm duyệt.
    • Lá thư thứ nhất được 9 giáo sư tại một đại học có tên tuổi ở Bắc Kinh ký tên đưa ra năm yêu sách, trong đó
      • đòi hỏi thứ nhất là lấy ngày mồng 06 tháng Hai là ngày tự do ngôn luận toàn quốc.
      Đối với nhiều người dân Trung Quốc, bác sĩ Lý qua đời vào ngày 6/2 chứ không phải là ngày 7/2 như thông báo của chính quyền.
      Theo báo Pháp Le Monde, con số « năm » đòi hỏi cũng không phải là một sự ngẫu nhiên. Đặng Tiểu Bình vào cuối năm 1978 từng đưa ra 4 cam kết hiện đại hóa đất nước, chủ yếu liên quan đến lĩnh vực kinh tế. Đòi hỏi thứ Năm là đòi « Dân chủ » do một kỹ sư điện đưa ra ngầm nhắc đến « Mùa Xuân Bắc Kinh ».

                
    • Thư ngỏ thứ hai là do 10 giáo sư đại học Vũ Hán cũng đòi
      • tự do ngôn luận - như được quy định trong Hiến Pháp,
      • đồng thời còn kêu gọi chính quyền phải có lời « xin lỗi công khai » đối với những bác sĩ đưa ra báo động
      • và phải công nhận bác sĩ Lý như « anh hùng dân tộc ».

      Trước đó, hashtag « Tôi muốn có tự do ngôn luận » tập hợp được hơn 1,5 triệu lượt người xem nhưng cũng đã bị bộ máy kiểm duyệt xóa.


    Đành rằng mô hình chế độ chuyên chế cho phép ông Tập Cận Bình khả năng « cách ly nghiêm ngặt » hàng trăm triệu người dân nhằm ngăn chận dịch bệnh lan rộng. Đành rằng chính sách cai trị độc tài cho phép các bệnh viện khổng lồ tại Trung Quốc mọc lên chỉ trong vòng vài ngày. Thế nhưng cái chết của bác sĩ Lý lại làm cho niềm tin của người dân vào chính phủ ngày càng thêm bị xói mòn.
    • Bản « khế ước » ngầm mà chế độ cứ tưởng được người dân chấp nhận,
      tức là từ bỏ những quyền tự do cá nhân để đổi lấy an ninh và sự thịnh vượng,
      có nguy cơ bị tan vỡ.


    Bởi vì, sự việc cho thấy rõ, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và guồng máy chính trị « hình chóp » của ông chưa bao giờ học thuộc bài học dịch SARS 2002-2003 làm hơn 650 người chết, 8.000 người bị nhiễm bệnh, hay trận động đất năm 2008, làm hơn 70.000 người chết, 18.000 người mất tích và hơn 374.000 người bị thương.

    Nguyên nhân chính là gì ?
    Ngay khi đó là một lĩnh vực nhạy cảm, đảng Cộng Sản Trung Quốc tìm cách duy trì và gia tăng độc quyền thông tin. Hơn bao giờ hết, dưới thời Tập Cận Bình, việc kiểm soát thông tin đã trở thành một thách thức chính cho đảng Cộng Sản Trung Quốc.

    Trong cuộc khủng hoảng y tế lần này, virus corona mới (2019-nCoV) mỗi ngày như trở thành một con « virus chính trị ». Vụ việc như nhắc lại kinh nghiệm đau đớn trong những năm 1960.
    • Các « đồng chí » lãnh đạo cấp dưới vì sợ hãi Mao Trạch Đông nên đã giấu giếm « Người Cầm Lái Vĩ Đại » tầm mức của nạn đói do « Bước Đại Nhảy Vọt » gây ra,
    • thì nay những quan chức Trung Quốc bị quyền lực tối ưu của Tập Cận Bình khủng bố, nên không dám báo cáo tin xấu về virus corona.


    Có lẽ không có gì ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả hơn bằng tự do ngôn luận và tự do thông tin. Cuộc chiến chống dịch bệnh sẽ còn dễ dàng hơn khi Trung Quốc đặt niềm tin vào bác sĩ hơn là cảnh sát. Thậm chí đó còn là điều không thể thiếu. Không có tự do thông tin, thì sẽ chẳng bao giờ có được nền y tế công cộng bền vững, như kết luận của tờ Le Monde.




    http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/2 ... -ngon-luan
              
              
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Virus corona : Trung Quốc từ Đại Nhảy Vọt đến Đại Thụt Lùi

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           






    Virus corona :
    Trung Quốc từ Đại Nhảy Vọt đến Đại Thụt Lùi

    _______________________________________
    Thanh Hà _ 24/02/2020





              

    Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trên trang bìa tạp chí L'Express tuần lễ từ 14 đến 21/02/2020.

              




    ... trước hết xin điểm bài xã luận trên Le Figaro.




    Hoàng đế họ Tập mất mặt vì Covid-19

    Tờ báo này đặc biệt xoáy vào Trung Quốc. Tác giả bài xã luận mang tựa đề "Bước Đại Thụt Lùi", Patrick Saint-Paul, không chút khoan nhượng với "hoàng đế họ Tập".

    Vì virus corona, từ ngày nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ra đời năm 1949, chưa bao giờ Trung Quốc lại bị cô lập như ngày hôm nay. Tại Bắc Kinh, "hoàng đế họ Tập đang bị mất mặt". Từ khi "lên ngôi" năm 2012, Tập Cận Bình đã thâu tóm tất cả quyền lực, tặng cho mình khả năng lãnh đạo đất nước mãn đời. Ông Tập chủ trương đưa Trung Quốc trở thành "trung tâm" của thế giới, ngang hàng với Mỹ và đã hứa hẹn một "giấc mộng Trung Hoa" tươi sáng. Nhưng Covid-19 nằm ngoài kế hoạch của Bắc Kinh. Thế giới đang xa lánh Trung Quốc.

    Tập Cận Bình muốn tránh theo chân Mikhail Gorbatchev để trở thành người đào mồ chôn đảng Cộng Sản Trung Quốc. Cựu lãnh đạo Liên Xô từng tâm sự, Liên Bang Xô Viết xưa kia đã tan rã vì thảm họa nhà máy điện hạt nhân Tchernobyl. Thách thức lần này của ông Tập, theo tác giả bài báo, là làm thế nào tránh để virus corona có sức công phá như lò máy điện hạt nhân ở Tchernobyl năm nào.




    Covid-19, điểm nhạy cảm của ngành ngoại giao Trung Quốc

    Cũng trên Le Figaro, thông tín viên của tờ báo tại Bắc Kinh Sébastien Falletti bồi thêm : "Dịch bệnh làm Trung Quốc rớt đài". Covid-19 phơi bày ra ánh sáng thế yếu của ngành ngoại giao Trung Quốc. Bắc Kinh đang rất khó chịu về thế yếu trên bàn cờ quốc tế.

    Hàng loạt hoạt động ngoại giao của Trung Quốc bị đình trệ vì dịch viêm phổi lần này. Từ cuối tháng 01/2020, Bắc Kinh ngậm bồ hòn làm ngọt khi thấy các đối tác lần lượt hồi hương kiều dân ra khỏi ổ dịch Vũ Hán. Kể cả nước Nga cũng đã cấm cửa các công dân Trung Quốc và hầu hết các hãng hàng không quốc tế ngưng các chuyến bay tới Hoa Lục. Trung Quốc thực sự bị "phong tỏa".

    Thêm vào đó, khủng hoảng y tế tại cường quốc kinh tế thứ hai toàn cầu này đã buộc Bắc Kinh phải cầu viện quốc tế, như bất kỳ một quốc gia đang phát triển nào khác trên thế giới, chận đứng tham vọng soán ngôi Hoa Kỳ để trở thành "cái rốn của hành tinh".

    Ngoài mặt, lãnh đạo Trung Quốc cảm ơn Pháp và 160 nguyên thủ đoàn kết với Bắc Kinh chống virus corona, nhưng ở hậu trường, "ngành ngoại giao Trung Quốc khó che giấu cay đắng" thấy các nước bạn lần lượt xa lánh. Bên cạnh đó, khủng hoảng lần này cũng đang làm lộ rõ tinh thần bài Trung Quốc ở khắp nơi, những hành vi kỳ thị người Trung Quốc càng kiến bức tranh thêm ảm đạm.




    Đẹp đẽ khoe ra, xấu xa đậy lại

    Trong cơn hoạn nạn lần này, Trung Quốc thực sự chỉ có một người bạn duy nhất là Hun Sen, thủ tướng Cam Bốt. Ông này bị Le Figaro gọi là "một chư hầu của Bắc Kinh". Một điểm tựa duy nhất như vậy làm lộ rõ thế yếu của ngành ngoại giao Trung Quốc.

    Chưa hết, Covid-19 còn phơi bày ra ánh sáng những bất cập, nếu không muốn nói là những "xấu xa" hay nhược điểm của siêu cường kinh tế thứ nhì trên thế giới mà Trung Quốc từ trước đến nay vẫn che đậy từ hệ thống y tế cho đến các màn kiểm duyệt, che giấu thông tin...

    Với ngần ấy lỗ hổng, Le Figaro cho rằng sau dịch viêm phổi cấp tính do chủng mới gây nên lần này, các nhà đầu tư cân nhắc kỹ hơn trước khi bỏ vốn vào Trung Quốc. Về chính trị, Covid-19 cũng bắt các nhà lãnh đạo quốc tế đánh giá lại về "sức mạnh thực sự của ông khổng lồ châu Á này", theo như nhận định của một nhà chính trị học Trung Quốc với báo Le Figaro.




    Virus corona : Dân chết, chính quyền tiếp tục "trình diễn"

    Vào lúc một phần các hoạt động tại Trung Quốc bị tê liệt vì virus corona, Libération chú ý đến sự kiện chủ tịch Tập Cận Bình trên đài truyền hình Nhà nước hôm Chủ Nhật 23/02/2020 nhìn nhận đây là "khủng hoảng y tế nghiêm trọng nhất" trong 70 năm qua đồng thời, đã có "một số thiếu sót trong việc xử lý dịch". Có điều, như ghi nhận của phóng viên báo Libération, Hoàn Cầu Thời Báo đã "quên" nhắc đến chi tiết này khi tường thuật lại về bài phát biểu của ông Tập.

    Gần như cùng lúc chủ tịch Trung Quốc phát biểu trên đài truyền hình, thì ông Lý Khắc Cường tổ chức một màn trình diễn ngoạn mục. Cũng Libération thuật lại, thủ tướng họ Lý chủ trì một cuộc họp qua video quy tụ 170.000 quan chức, cán bộ, các giới chức quân sự trên toàn quốc để bàn về những biện pháp đối phó với dịch bệnh. Chùm ảnh cho thấy, 170.000 quan chức này đều đeo khẩu trang trong cuộc họp "từ xa" với thủ tướng ! Libération bình luận :
    • màn trình diễn lố bịch đó mâu thuẫn với thông báo lạc quan chính Bắc Kinh đã tung ra cách nay vài hôm, đó là "số ca lây nhiễm mới thấp hơn so với số người đã được chữa khỏi".





    Còn ở bên trong Vũ Hán ?

    Trong khi đó, tại Vũ Hán từ một tháng qua, người dân sinh sống như thế nào kể từ khi thành phố này bị "cách ly" ? Le Figaro tiết lộ từ ba ngày qua, người dân bị cấm đi ra ngoài mua bán. Từ trước tới nay, cứ hai ngày một lần, mỗi hộ gia đình được phép để cho một người đi chợ. Nhưng từ hôm 22/02, dân cư Vũ Hán được lệnh ở yên trong nhà, lương thực do các tổ dân phố cung cấp.

    Hình ảnh này gợi lại thời kỳ Mao Trạch Đông còn lãnh đạo đất nước. Một sinh viên 23 tuổi sống gần Vũ Hán kể lại với phóng viên báo Le Figaro rằng từ ngày 14/02, trong chung cư của cô, thang máy bị cúp, không một ai được xuống đường. Có đi bộ xuống cũng bị đuổi lên nhà trước khi ra khỏi cửa chung cư. Đây là một thay đổi quan trọng từ khi ông Tập Cận Bình gài người thân tín đứng đầu tỉnh Hồ Bắc. Không chỉ có Vũ Hán, mà cả ở Hàng Châu, Ôn Châu hay thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, gần với Thượng Hải người dân cũ bị "giam lỏng trong nhà".




    Lo lắng lan rộng

    Nhìn rộng ra ngoài phạm vi Hoa lục, Hàn Quốc,
    • Iran là những điểm nóng mới với những ca lây nhiễm tăng nhanh. La Croix ghi nhận : tương tự như Trung Quốc, "Iran cũng đang bị các nước láng giềng đóng cửa biên giới", từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Afghanistan, hay Armenia.


    Dịch đã lan sang tới châu Âu :
    • Ý phong tỏa 11 thành phố nhỏ ở miền bắc, Libération trên trang nhất chơi chữ "Ý đậy vung chuông" ngăn ngừa virus.


    Tít trên tờ Les Echos gần giống với tựa của báo Libération : "Virus corona, nỗi lo sợ lan sang đến châu Âu". Tờ báo kinh tế này của Pháp đã có tổng cộng 7 bài về những khía cạnh khách nhau của dịch viêm phổi cấp tính xuất phát từ Trung Quốc :
    • nào là dịch bệnh đang trở thành một vấn đề "cấp bách của thế giới",
      "Báo động đỏ tại Hàn Quốc" ;
      "Ý rơi vào bẫy" của Covid-19 ;
      "Iran bầu lại Quốc Hội trong nỗi lo âu dịch lan tràn"
      ...

    Trên trang internet được cập nhật từng giờ, độc giả không được trấn an chút nào với những bài :
    • "đồng euro mất giá trước nguy cơ dịch bệnh lây lan tại châu Âu" ;
      "virus corona lan rộng và gây hoảng hốt trên các sàn chứng khoán" ;
      "kinh tế Ý có nguy cơ chìm vào suy thoái"
      ...


    "Lo lắng" cũng xuất hiện trên trang nhất báo Le Monde và đây là tâm trạng của
    • từ Tổ Chức Y Tế Thế Giới
      đến Ý
      và kể cả Pháp.


    Le Figaro lưu ý độc giả Covid-19 một khi đã "gõ cửa" nước Ý và Roma áp dụng các biện pháp mạnh theo kiểu Trung Quốc để đối phó, thì Pháp ở sát cạnh đã cảnh giác và tự đặt mình trong tư thế sẵn sàng đối phó trong trường hợp bệnh dịch bùng phát.

    Tờ báo này tiết lộ chiều Chủ Nhật 23/02/2020, thủ tướng Edouard Philippe triệu tập bộ trưởng Quốc Phòng, Nội Vụ, Y Tế và Giao Thông để cùng "thẩm định tình hình". Bộ trưởng Y Tế Olivier Véran không loại trừ khả năng, dịch bệnh bùng phát tại Pháp. Trong ấn bản được cập nhật trên mạng, tờ báo này cho biết bộ Y Tế Pháp huy động "thêm 70 bệnh viện trên toàn quốc trong tư thế sẵn sàng".




    Covid-19, kẻ phá rối

    Dưới một góc độ không nghiêm trọng bằng, cũng tờ Le Figaro cho biết,
    • virus corona sau khi đã phá hỏng mùa lễ hội hóa trang nổi tiếng của Venise,
      làm đảo lộn tuần lễ thời trang tại Milano của Ý,
      kể từ ngày 24/02, Covid-19 tiếp tục quậy phá tuần lễ Fashion Week của Paris : ít nhất 6 nhà may nổi tiếng của Trung Quốc hủy chương trình đến Paris. Nhiều nhà may tên tuổi dự trù trình làng các bộ "collection mới" qua Instagram và các mạng xã hội. Cầm chắc là virus corona không thể len lỏi qua cách kênh này để lây nhiễm cho bất kỳ một ai.





    http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/2 ... i-thut-lui
              
              
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Tại sao thế giới không cảm thương cho Trung Quốc trong nạn dịch virus corona ?

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           






    Tại sao thế giới không cảm thương cho Trung Quốc
    trong nạn dịch virus corona ?

    _______________________________________
    Thụy My _ 25/02/2020





              

    Một du khách Đài Loan tại Milano (Ý) dán trên lưng áo "Tôi không phải người Trung Quốc", "Tôi là người Đài Loan"... bằng 4 thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Ý. Ảnh chụp ngày 25/02/2020. REUTERS/Yara Nardi

              




    • Vì sao toàn thế giới xúc động và cảm thương cho Paris khi Nhà thờ Đức Bà bị cháy,
      mà lại không khóc cho những người bệnh ở Vũ Hán ?
    - Le Monde đặt câu hỏi. Tệ hơn nữa, từ khi xảy ra nạn dịch virus corona, sự kỳ thị người Trung Quốc lại công khai ở khắp nơi trên thế giới.
    • Tại châu Á, người ta mỉa mai « những kẻ ăn thịt dơi nay phải trả giá ».
    • Ở châu Âu, người ta tránh xa người Hoa trên các phương tiện vận chuyển công cộng.
    • Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross thậm chí còn tỏ ra hớn hở khi Bắc Kinh bị khốn đốn, nói rằng nạn dịch sẽ kích thích các công ty đưa sản xuất trở về Hoa Kỳ.





    Bắc Kinh đang thua trong cuộc chiến truyền thông

    Tuy có vẻ bất công, nhưng các phản ứng này chứng tỏ chính quyền Trung Quốc đang bị thua trong cuộc chiến truyền thông. Đúng hơn là nhiều cuộc chiến, cả với bên ngoài lẫn trong nội bộ.

    • Năm 2008, khi xảy ra vụ động đất ở Tứ Xuyên, người Hồng Kông là những mạnh thường quân hào phóng nhất để giúp tái thiết vùng bị nạn.
      Còn năm 2020, đông đảo nhân viên y tế Hồng Kông lại đình công đòi đóng cửa biên giới với Hoa lục.
    • Ngay cả những nước tham gia vào « Con đường tơ lụa mới » do ông Tập Cận Bình lăng-xê năm 2013 để thiết lập một mạng lưới các Nhà nước bạn bè trên thế giới, như Kazakhstan hay Philippines, lại đóng sập cửa với Trung Quốc.
    • Bắc Triều Tiên dù lệ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc cũng nhanh nhẩu đóng chặt biên giới.


    Le Monde ghi nhận Ý, quốc gia đầu tiên thuộc nhóm G7 tham gia « Con đường tơ lụa », nay coi du khách Trung Quốc như hủi, ngay cả trước khi nạn dịch lan sang.
    • Ý cũng là nước châu Âu đầu tiên mau mắn cho ngưng tất cả các chuyến bay đi và đến Hoa lục ngay sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố tình trạng khẩn cấp trước dịch virus corona.
    • Nga thì cho đóng cửa biên giới, trục xuất những người nhiễm bệnh – điều mà Matxcơva đã không làm trong dịch SARS năm 2003.


    Trung Quốc lên án thái độ này, nhưng liệu còn có thể làm gì hơn ? Tất cả các quốc gia trên đều chỉ lặp lại những gì mà Bắc Kinh đã áp đặt cho Hồ Bắc : cô lập những vùng đang bị con virus hoành hành.
    • Trung Quốc đối với thế giới cũng như Hồ Bắc đối với Trung Quốc.





    Làm áp lực với WHO, nhưng rốt cuộc tình trạng khẩn cấp đã được tuyên bố

    Thất bại của Bắc Kinh thấy rõ trên lãnh vực ngoại giao. Trung Quốc đã làm áp lực dữ dội lên Tổ chức Y tế Thế giới để WHO không tuyên bố tình trạng khẩn cấp hôm 23/1, đặt chính trị lên trên khoa học dù có những tranh cãi kịch liệt. Rốt cuộc trước sự phản đối của các nhà chuyên môn do Pháp dẫn đầu, một tuần sau đó Bắc Kinh đành phải chấp nhận xuôi tay : Tổ chức Y tế Thế giới đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trước dịch bệnh trên toàn thế giới hôm 30/1.

    Trong khi trước đó hai ngày, tổng giám đốc WHO,
    • ông Tedros Adhanom Ghebreyesus trong chuyến thăm Bắc Kinh không hề có một lời chỉ trích chính quyền Trung Quốc,
    • mà ngược lại còn hoan nghênh « sự minh bạch »« nhanh chóng » hành động của ông Tập !
                
    • « Minh bạch » ?
      Cũng trong cùng ngày hôm ấy, 28/1, người ta biết được rằng hôm 1/1 Bắc Kinh đã bắt tám bác sĩ ở Vũ Hán vì đã cảnh báo về nạn dịch, dám so sánh con virus mới với SARS. Trên trang change.org, kiến nghị đòi ông Tedros từ chức đến hôm nay 25/02/2020 đã thu thập được gần 400.000 chữ ký.
                
    • Và rõ ràng là chính quyền Bắc Kinh đã làm mất đi ba tuần lễ quyết định trong cuộc chiến chống virus corona. Tuy có nhanh hơn so với năm 2003, khi đó Trung Quốc che giấu sự trầm trọng của dịch SARS trong suốt ba tháng trời. Tuy nhiên từ đó đến nay, số người ngoại quốc đến Hoa lục đã tăng lên gấp ba lần, còn số lượng người Trung Quốc đi ra nước ngoài cũng tăng gấp bảy lần. Thế nên tốc độ lan tràn của virus nhanh chóng hơn rất nhiều.


    Một dấu hiệu nữa cho thấy Trung Quốc coi trọng ngoại giao hơn vấn đề dịch tễ,
    • là Bắc Kinh tiếp tục ngăn trở, không cho Đài Loan được gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới, tuy Đài Loan bị ảnh hưởng khá nặng bởi con virus, và các bác sĩ xứ Đài rất giỏi.
    • Việc loại Đài Loan cho bằng được đã bị các nhà lãnh đạo Canada và Nhật Bản lên án, chứng tỏ Trung Quốc luôn chủ trương dùng sức mạnh thay vì hợp tác.


    Sau khi WHO quyết định tuyên bố tình trạng khẩn cấp,
    • bộ Ngoại Giao Trung Quốc liền ra thông cáo nói rằng sẽ tiếp tục làm việc với Tổ chức Y tế Thế giới và các nước khác.
    • Tuy nhiên hành động đi ngược với lời nói. Bắc Kinh lại tiếp tục giọng điệu chống phương Tây, tố cáo báo chí thế giới tự do bài Hoa quá đáng.





    Giấu thông tin, đàn áp khiến bất bình lan tỏa tại Hoa lục

    Sự thất bại trong việc áp đặt quan điểm của mình, và thậm chí không thể tạo ra phong trào liên đới với Trung Quốc trong nạn dịch, còn phản ánh sự bất lực của chính quyền trong việc tạo ra tình đoàn kết dân tộc xung quanh đảng Cộng Sản.

    Tuy người dân Trung Quốc chấp nhận các biện pháp nghiêm ngặt hạn chế di chuyển, nhưng nhiều người chỉ trích thời gian vàng bị đánh mất.
    • Mãi đến ngày 20/1, chính quyền Trung Quốc mới chịu nhìn nhận rằng con virus corona chủng mới có thể lây từ người sang người.
      Tuy nhiên ngay từ hôm 25/12/2019 các bác sĩ đã nêu ra khả năng này.
    • Và đến hôm 01/01/2020 chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán, được cho là nơi xuất phát dịch bệnh, mới bị đóng cửa, nhưng với danh nghĩa là để « sửa chữa ».
      Trong khi vào lúc đó, rất nhiều người làm việc tại chợ này đã bị cách ly.


    Thời điểm cận Tết âm lịch, cộng với các đại hội của tổ chức đảng địa phương và chuẩn bị cho cuộc họp Quốc Hội ở Bắc Kinh vào đầu tháng Ba, việc phải báo cáo những tin xấu lên trung ương là cơn ác mộng của các quan chức địa phương.
    • Vũ Hán còn muốn gây ấn tượng với việc tổ chức buổi tiệc khổng lồ trên 40.000 người tham dự hôm 19/1, nếu hủy bỏ vào phút chót coi như ký vào bản án tử.


    Những điều đó nay người dân đều đã biết hết, cũng như việc Tập Cận Bình im lặng trong một thời gian dài, đẩy thủ tướng Lý Khắc Cường ra tiền tuyến. Khác với các nhà lãnh đạo thời trước như Ôn Gia Bảo, ông Tập không tìm ra từ nào để an ủi người dân trong các cuộc khủng hoảng. Trái lại, ông lại nặng tay hơn trong việc trấn áp những tiếng nói chỉ trích trên mạng. Vụ bác sĩ Lý Văn Lượng, người cảnh báo sớm sủa nạn dịch bị bắt và sau đó bị chết vì con virus corona, đã làm dấy lên một làn sóng phẫn nộ chưa từng thấy tại Hoa lục.




    Cường quốc không bạn bè

    Trên trường quốc tế
    • « Chính trong những thời điểm khó khăn mà người ta biết được ai là bạn thực sự.
      Và Trung Quốc nhận ra rằng họ chẳng có bao nhiêu bạn bè »
    - Le Figaro trích lời một nhà ngoại giao cấp cao tại Bắc Kinh.

    Chỉ có nhà độc tài Hun Sen đang trị vì Cam Bốt, nước chư hầu của Trung Quốc đến Bắc Kinh để bắt tay Tập chủ tịch, bày tỏ lòng trung thành. Tờ báo cũng tiết lộ ông Hun Sen còn đưa quý tử Hun Manet, tổng tư lệnh quân đội Cam Bốt trình diện « thiên triều ». Đó là nhà lãnh đạo duy nhất trên thế giới đến Trung Quốc trong thời dịch bệnh, nhưng có lẽ để cầu cạnh nhằm kéo dài triều đại.




    Sao Bắc Kinh lại cô đơn đến vậy ?

    • Mạng xã hội từng tràn ngập nến, hoa, và những dòng chữ « Cầu nguyện cho Paris », chia sẻ những hình ảnh về công trình nổi tiếng 800 năm tuổi đang bốc cháy giữa thủ đô nước Pháp.
    • Hay là cầu nguyện cho Amazon, cho nước Úc…trong thảm họa cháy rừng,
    • cho những nạn nhân các vụ khủng bố tại nhiều nơi trên thế giới.
    Nhưng còn Vũ Hán, với hàng loạt người bệnh ngã gục, các đại đô thị như Thượng Hải trở thành thành phố ma…sao không có phong trào liên đới nào ?

    Dư luận đồng cảm với các nạn nhân của dịch bệnh tại Hoa lục, nhưng không phải với chính quyền độc đoán của họ.

    Không ít người tự hỏi, phải chăng nhân nào quả nấy. Năm 2013 có đến 10.000 người Philippines thiệt mạng trong siêu bão Hải Yến (Haiyan). Một số nước hứa tặng hàng chục triệu đô la, Indonesia cũng thường bị thiên tai cũng hỗ trợ đến một triệu đô la, nhưng Bắc Kinh thông báo chỉ giúp Manila có 100.000 đô la ! Bằng đúng số tiền của một nước nghèo và cũng bị ảnh hưởng của trận bão này như Việt Nam. Thời điểm đó, Philippines dưới sự lãnh đạo của tổng thống Benigno Aquino có thái độ kiên quyết trước việc Trung Quốc bành trướng trên Biển Đông.

    Về kinh tế, phải chăng qua nạn dịch này
    • chính phủ và doanh nghiệp các nước đã nhận ra mối nguy khi lệ thuộc vào một nhà nước toàn trị thiếu minh bạch,
      và ngày càng muốn xa lánh.

    • Phải chăng việc ỷ mạnh hiếp yếu bắt nạt các nước nhỏ,
    • dùng thủ đoạn để cạnh tranh,
    • chèn ép về kinh tế,
    • đánh cắp công nghệ…
    lâu nay đã gây nhiều bất bình, nay mới bộc lộ.
    • Một nhà nước chạy đua lên không gian, tranh giành vị trí siêu cường hàng đầu với Mỹ
    • nhưng để dân chết như rạ vì dịch bệnh,
    • bắt bớ các nhà báo công dân đưa tin về Vũ Hán…
    đã làm cho hình ảnh Trung Quốc ngày càng xấu xí hơn trước thế giới.




    http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/2 ... rus-corona
              
              
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Covid-19: Vì sao Iran lại có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới ?

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           






    Covid-19:
    Vì sao Iran lại có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới ?

    _______________________________________
    Trọng Nghĩa _ 26/02/2020





              

    Hành khách đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 trên một chiếc xe buýt ở Teheran, thủ đô Iran, ngày 25/02/2020. WANA (West Asia News Agency)/Nazanin Tabatabaee via REUTERS

              




    • Chỉ mới đầu tuần trước thôi, chính quyền Iran còn khẳng định rằng đất nước này không có trường hợp nhiễm virus corona nào.
    • Thế nhưng đến ngày 19/02/2020, Teheran đã phải công nhận hai ca lây nhiễm đầu tiên, đồng thời là hai ca tử vong ở thành phố Qom, cách thủ đô Iran khoảng 145 km về phía nam.
    • Và kể từ lúc đó, nhiều ca mới lần lượt được loan báo, và đến hết ngày hôm qua 25/02, theo số liệu chính thức, số người bị nhiễm bệnh Covid-19 tại Iran đã lên đến 95, và đáng sợ nhất là số tử vong đã tăng thành 15 người.
    Tính số người chết, Iran đứng hàng thứ hai, sau Trung Quốc. Nhưng tính theo tỉ lệ (tử vong/nhiễm bệnh) thì Iran đứng đầu thế giới.

    Tỷ lệ tử vong cao bất thường của Iran đặt ra nhiều câu hỏi về cách thức chính quyền Iran đối phó với dịch bệnh và phải chăng là chế độ nổi tiếng là bưng bít thông tin đã lại che giấu thông tin. Yếu tố thiếu minh bạch này rất nghiêm trọng vì lẽ Nhà nước Hồi Giáo này đang trở thành nơi phát tán dịch bệnh ra toàn vùng Trung Đông, một khu vực được cho là yếu kém về khả năng phòng chống.




    Tỷ lệ tử vong ở Iran đạt 16%,
    trong lúc Trung Quốc chỉ là 2%


    Nếu chỉ căn cứ vào các số liệu được chính quyền công bố, thì tại Iran, tỷ lệ người chết so với người nhiễm dịch covid-19 lên đến khoảng 16%, cao hơn rất nhiều so với những nơi khác có người thiệt mạng vì virus corona.

    • Tại tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), tâm điểm của bệnh dịch, tỷ lệ tử vong được báo cáo ước tính khoảng 2%.
    • Còn ở Ý, với 11 người chết trên tổng số 322 ca lây nhiễm tính đến hôm qua 25/02, tỷ lệ tử vong cũng chỉ là hơn 3%,
    • trong lúc tại Hàn Quốc, nơi đã ghi nhận 11 ca tử vong trên tổng số 977 trường hợp lây nhiễm, tỷ lệ thấp hơn, chỉ khoảng 1%.


    Tại sao Iran lại có tỷ lệ tử vong cao ngất ngưởng như vậy, thậm chí còn cao hơn cả tỷ lệ gần 10% của dịch SARS năm 2003 ?

    Một số chuyên gia y tế ngoại quốc, được kênh truyền hình Mỹ CNBC ngày 25/02 trích dẫn, cho rằng tỷ lệ cao này có thể bắt nguồn từ việc số liệu được loan báo về các trường hợp nhiễm bệnh ở Iran đã thấp hơn rất nhiều so thực tế, vốn cao hơn rất nhiều. Lý do là vì chính quyền Iran đã bỏ qua những ca ít nghiêm trọng do cách thức kiểm tra và chẩn đoán bệnh nhân, do chọn lựa trong cách chia sẻ thông tin hoặc do tình trạng tồi tệ của thiết bị y tế.




    Thiếu khả năng và thói quen điều tra thống kê đầy đủ

    Theo một giáo sư tại Đại Học Mỹ Seton Hall, chuyên gia cao cấp về y tế toàn cầu tại trung tâm tham vấn Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại Council on Foreign Relations của Mỹ thì vấn đề có thể đến từ cách thức thống kê: Chính quyền Iran “dường như chú ý nhiều hơn đến việc loan báo các trường hợp tử vong hơn là các ca nhiễm bệnh”.

    Giáo sư William Schaffner, chuyên về y tế dự phòng và bệnh truyền nhiễm tại Trung Tâm Y Tế Đại Học Vanderbilt thì thiên về giả thuyết theo đó chính quyền Iran thiếu khả năng phát hiện đầy đủ số người đã bị nhiễm Covid-19. Theo ông, để làm được điều đó, chính quyền phải cử người đến mọi thị trấn và làng mạc để tiến hành xét nghiệm chứ không chỉ đơn thuần dựa vào số người đến các bệnh viện lớn với các triệu chứng nghiêm trọng.

    Trả lời kênh NBC News, chuyên gia Schaffner giải thích:
    • “Điều đó có nghĩa là đi đến từng khu phố, gõ cửa từng căn hộ, và thực sự cố gắng phát hiện mọi trường hợp…
      Tôi không biết là liệu họ có khả năng đó hay không, vì quả thực là nhiều quốc gia không có khả năng đó”.
    Đối với chuyên gia này, Iran không có truyền thống điều tra trong hệ thống y tế công cộng của họ, và cách phát hiện người bệnh như kể trên sẽ là một điều rất mới đối với ngành y tế Iran.




    Virus corona hoành hành ngay trong một cộng đồng người già

    Một giả thuyết thứ ba về tỷ lệ tử vong quá cao vì virus corona tại Iran là khả năng bệnh dịch ngay từ đầu đã bùng phát trong một cộng đồng chủ yếu bao gồm những người lớn tuổi, dễ bị tổn thương.

    Theo giáo sư Schaffner:
    • “Nếu virus tấn công vào một nhóm dân số cao tuổi, với đặc điểm là có sẵn một loạt bệnh tiềm tàng, [điều đó] có thể giải thích tỷ lệ tử vong cao”.
    Một khả năng khác là các bệnh viện của Iran đã thất bại trong cách chữa trị và các bệnh nhân không được chăm sóc y tế đúng cách cần thiết. Nhưng theo chuyên gia Schaffner, giả thuyết này không đứng vững vì Iran là một nước có một hệ thống chăm sóc sức khỏe tương đối tiên tiến.




    Giả thuyết về virus đột biến không đứng vững

    Bên ngoài các giả thuyết liên quan đến cách vận hành của nền y tế Iran, một câu hỏi khác cũng được nêu lên là phải chăng dịch bệnh gây nhiều tử vong tại nước này là vì con virus đã chuyển hóa ?

    Trên vấn đề này, tiến sĩ John Torres, công tác viên về lãnh vực y tế của kênh NBC News, cho rằng hiện không có bằng chứng về sự thay đổi trong hồ sơ di truyền của virus, và chưa hề có thông tin nào về việc virus gây nên dịch Covid-19 đã đột biến.

    Theo tiến sĩ Torres, lời giải thích hợp lý nhất cho vấn đề tỷ lệ tử vong cao tại Iran là cách thức chính quyền nước này theo dõi các trường hợp nhiễm bệnh.




    Chính quyền lại che giấu sự thật?

    Một thành viên của Quốc Hội Iran, Mamoud Sadeghi, và thứ trưởng y tế của nước này, Iraj Harirchi, lãnh đạo lực lượng đặc nhiệm chống virus, đã bị nhiễm virus corona. Điều đáng nói là thông tin về việc thứ trưởng y tế Iran bị nhiễm virus đã được loan báo một ngày sau khi nhân vật này họp báo, không đeo khẩu trang, và cực lực đả kích một chính khách Iran vì đã nói số người chết ở thành phố Qom cao hơn nhiều so với những gì chính phủ loan báo.

    Sự cố trên đây đã làm dấy lên những dư luận hoài nghi về cách Iran quản lý khủng hoảng, với câu hỏi là phải chăng chính quyền cố tình che giấu thông tin về dịch bệnh, không cho người dân cũng như thế giới được biết.

    Phản ứng này rất dễ hiểu vì chỉ mới đây thôi, vào tháng Giêng vừa qua, chế độ Iran đã phải mất ba ngày mới chính thức công nhận là quân đội của họ đã bắn nhầm vào chiếc Boeing của hãng hàng không Ukraina trên bầu trời Iran.

    Dẫu sao thì diễn biến dịch Covid-19 tại Iran rất đáng lo ngại.
    • Từ những trường hợp lây nhiễm đầu tiên tại thành phố tôn giáo Qom vào tuần trước,
    • giờ đây virus corona đã lan sang ít nhất bảy tỉnh khác ở Iran.
    • Các quốc gia trong khu vực từ Irak, Koweit, cho đến Oman và Afghanistan, tất cả đều đã loan báo các ca lây nhiễm đầu tiên. Và các bệnh nhân gần đây đều có ghé Iran.





    http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1% ... %A1%CC%81i
              
              
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Virus corona - Covid-19: Tổ Chức Y Tế Thế Giới có góp phần để dịch trầm trọng hơn?

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           






    Virus corona - Covid-19:
    Tổ Chức Y Tế Thế Giới có góp phần để dịch trầm trọng hơn?

    _______________________________________
    Trọng Thành _ 26/02/2020





              

    Kiểm tra thân nhiệt hành khách đến từ Vũ Hán, tại một sân bay Ấn Độ, ngày 21/01/2020. Biện pháp sau này được chứng minh là không đủ đế phát hiện người nhiễm virus corona mới. Ảnh: AFP

              




    Cuối tháng 2/2020, dịch Covid-19 bắt đầu lan mạnh ngoài Trung Quốc. Nhiều người đặt câu hỏi:
    • Phải chăng,
      • với việc chậm trễ ban bố Tình trạng Y tế Khẩn cấp Quốc tế
      • và thái độ thụ động trước chính quyền Trung Quốc,
      chính WHO đã góp phần để dịch Covid-19 trở nên trầm trọng hơn?


    Ngày 24/02, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) khuyến cáo quốc tế chuẩn bị đối phó ''đại dịch''. Tuy nhiên, WHO bị phê phán
    • đã không thực thi triệt để các nghĩa vụ của định chế quốc tế này, để dịch bệnh tại Trung Quốc được hiểu rõ hơn, được kiểm soát tốt hơn.
    • Cũng có nghĩa là khó lan ra bên ngoài hơn,
    • và một khi lan ra ngoài, cộng đồng quốc tế sẽ có nhiều khả năng phòng vệ hơn.


    Hiện tại tình hình dịch Covid-19 đặc biệt gây lo ngại tại Hàn Quốc, Iran và Ý, nơi dịch có thể tràn sang nhiều nước châu Á, Trung Cận Đông và châu Âu. Đại dịch đang trở nên nhãn tiền. Trả lời RFI, ông François Renaud, giám đốc nghiên cứu Trung tâm Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), chuyên gia về các bệnh dịch truyền nhiễm, nhấn mạnh đến quyền lực rất hạn chế của WHO trong việc tác động đến chính sách y tế nội bộ của các nước, và lo ngại về tình hình
    • rất thiếu thông tin
      - cùng với thông tin sai lạc, bị bóp méo phổ biến - về bệnh dịch hiện nay,
    khiến rất khó có được các đánh giá sát với diễn biến bệnh dịch. Theo ông, chống dịch như ''cứu hỏa'', hơn bao giờ hết cộng đồng quốc tế cần ngồi lại để thảo luận kỹ càng về khủng hoảng dịch Covid-19, và đây cũng là dịp để cải tổ triệt để phương thức hợp tác quốc tế trước các tình trạng khẩn cấp nói chung mà nhân loại phải đối mặt.




    WHO: Giữa mềm dẻo ''ngoại giao'' và ''hiệu quả y tế''

    Về vai trò và khả năng hành động của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, giáo sư Anne-Marie Moulin, một chuyên gia về lịch sử y tế quốc tế, lưu ý trước hết đến vai trò ngoại giao của định chế quốc tế này. Theo bà,
    • ''WHO vốn thường bị phân tâm giữa một bên là đòi hỏi thận trọng về mặt ngoại giao,
    • và bên kia là mục tiêu hướng đến hiệu quả, đưa ra các cảnh báo dịch bệnh mang ý nghĩa biểu tượng'', đối với quốc tế.
    Giáo sư Anne-Marie Moulin nhấn mạnh đến phản ứng của WHO, trong dịch Covid-19 lần này, rõ ràng là nhanh chóng hơn ''khá nhiều'' so với dịch Ebola trước đây. Tuy nhiên, theo bà, một điều cũng rõ ràng WHO đã không phê phán cách xử lý bệnh dịch chậm trễ của chính quyền Trung Quốc, định chế quốc tế này ''đã không tận dụng được thời điểm Bắc Kinh tuyên bố dịch, chậm hơn nhiều so với thời điểm xuất hiện ca bệnh đầu tiên, để chỉ ra những điểm sai của chính quyền Trung Quốc''. Giáo sư Anne-Marie Moulin nhắc đến một thực tế là dịch bệnh – sau này được gọi là Covid-19 - đã được giới tài xế tại Vũ Hán truyền tin cho nhau sớm hơn rất nhiều so với tuyên bố của chính quyền. Và WHO đã bỏ qua điều này.

    Dù sao, nhìn chung, giáo sư Moulin nhận định: ''Về mặt ngoại giao, WHO đã làm được những gì có thể trong khả năng của mình''. Bởi rõ ràng là rất khó vừa hợp tác với chính quyền một quốc gia, trong khi cùng lúc đó lại phê phán chính quyền đó, đặc biệt là đối với chính quyền Trung Quốc, mà khả năng tác động trên thực tế của WHO là rất hạn chế.




    Bắc Kinh cam kết để quốc tế tìm hiểu bệnh dịch

    Bác sĩ Paul Benkimoun, một nhà báo chuyên về y tế, theo dõi sát các hành động của WHO, cũng nhấn mạnh đến vị thế nhạy cảm của WHO, trong lúc thiếu nhiều thông tin cần thiết, mà phải đưa ra quyết định Tuyên bố Tình trạng Y tế Khẩn cấp Quốc tế, trong một hoàn cảnh có ''độ bất định rất lớn''. Bởi một quyết định như vậy, vừa mang ý nghĩa chính trị, vừa mang ý nghĩa đạo lý. Tuyên bố về Tình trạng Y tế Khẩn cấp Thế giới phải cân bằng giữa một bên là tăng cường biện pháp kìm hãm dịch, với bên kia là không để cho các can thiệp trở nên quá đà, quá mức cần thiết, gây lo sợ. Đây là điều hết sức khó khăn, đặc biệt vào thời kỳ mà các giao lưu quốc tế, quan hệ kinh tế ngày càng trở nên mật thiết, và bệnh dịch lại xảy ra tại Trung Quốc, nền kinh tế thứ hai thế giới.

    Trong bài viết trên Le Monde ngày 29/01/2020 (''Coronavirus : comment la Chine a fait pression sur l’OMS''), bác sĩ Paul Benkimoun nhấn mạnh đến
    • nội bộ của ủy ban các chuyên gia phụ trách tư vấn cho tổng giám đốc WHO, đã bị chia rẽ hiếm thấy trong việc quyết định đưa ra hay không tuyên bố về Tình trạng Y tế Khẩn cấp Thế giới (trong các phiên họp ngày 22 và 23/01).
    Nhiều nguồn tin từ nội bộ WHO cho thấy chính quyền Trung Quốc gây áp lực rất mạnh. Điều có thể hiểu được là, ông tổng giám đốc, Tedros Adhanom Ghebreyesus, khó lòng đưa ra được một quyết định mạnh, vào lúc mà chính bản thân ông đang chuẩn bị chuyến công du Trung Quốc.

    Chuyến công du diễn ra trong hai ngày 27 và 28/01. Ngày 28/01, từ Bắc Kinh, WHO gửi đi thông cáo: Bắc Kinh đã chấp nhận cho
    • ''gửi một phái đoàn chuyên gia quốc tế đến Trung Quốc, ngay khi có thể, làm việc với các đồng nhiệm Trung Quốc, nhằm hiểu biết rõ hơn về bệnh dịch để định hướng các nỗ lực quốc tế trong việc đối phó'' với dịch.
    Một ngày sau đó, WHO ra tuyên bố Tình trạng Y tế Khẩn cấp Thế giới.

    Vẫn theo bác sĩ Paul Benkimoun, hiện tại, với ''Điều lệ Y tế Toàn cầu'' (International Health Regulations – IHR), định chế quốc tế về y tế thế giới đã có được một công cụ pháp lý mạnh, ''có tính bó buộc đối với 196 thành viên Liên Hiệp Quốc'',
    • ''có mục tiêu giúp cho cộng đồng quốc tế phòng ngừa trước các hiểm họa nghiêm trọng với sức khỏe cộng đồng, các bệnh dịch có nguy cơ vượt ra bên ngoài các biên giới quốc gia, đe dọa toàn thế giới''.
    Bộ Điều lệ này đã được sửa đổi vào năm 2005, trong bối cảnh Trung Quốc che giấu thông tin trong nhiều tháng về bệnh dịch SARS, hoành hành trước hết tại tỉnh Quảng Đông, cuối năm 2002. Bộ Điều lệ sửa đổi mang tính bó buộc hơn trước.




    Hố đen thông tin Vũ Hán,
    WHO làm loa cho Bắc Kinh


    Trở lại với tâm dịch Vũ Hán, 3 tuần sau khi Tình trạng Y tế Khẩn cấp Thế giới, được tuyên bố, các chuyên gia quốc tế vẫn chưa đến thành phố này, cũng như tỉnh Hồ Bắc nói chung. Giải thích về việc chuyên gia quốc tế chưa đến Vũ Hán, ông Nicholas Rosellini, đại diện của Liên Hiệp Quốc tại Trung Quốc – có trách nhiệm phối hợp với WHO – cho biết đây ''chưa phải là thời điểm thích hợp'' để chuyên gia quốc tế đến Vũ Hán, vì một chuyến đi như vậy có thể gây trở ngại cho các hoạt động của ngành y tế Trung Quốc đang tập trung chăm sóc, điều trị bệnh nhân tại thành phố này. Giải thích nói trên được báo chí Trung Quốc đăng tải ngày 18/02.

    Như vậy, thông tin về diễn biến dịch bệnh tại Vũ Hán, tại Hồ Bắc, rút cục vẫn là một hố đen với giới khoa học quốc tế. Cùng lúc đó, WHO gần như làm nhiệm vụ hàng ngày truyền đi các số liệu về người nhiễm, người chết do dịch Covid-19, do chính quyền Trung Quốc cung cấp. Nhiều người đặt câu hỏi:
    • Phải chăng WHO chỉ là một cái loa của Bắc Kinh?
    Cho đến nay, các dữ liệu mà chính quyền Trung Quốc cung cấp là quá chung chung. Giáo sư Anne-Marie Moulin cho biết, từ góc độ dịch tễ học, bà ''chưa được đọc, được xem các dữ liệu chính xác về dịch bệnh''. Rất nhiều số liệu chung được cung cấp, ví dụ như số lượng 4.000 người chết, nhưng rất thiếu các thông tin cụ thể về người bệnh qua đời, vì dịch Covid-19, về tình trạng sức khỏe, tuổi tác, nơi cư trú cụ thể, cũng như phục dựng lại con đường lan truyền của virus. Nhà sử học y tế nhấn mạnh đến một thực tế là, trong nhiều xã hội trước đây, để đối phó với dịch bệnh, phương tiện rõ ràng là thô sơ và ít hơn nhiều, nhưng lại có khá đủ các nguồn dữ liệu cho phép các sử gia phục dựng lại quá trình diễn biến của dịch, dựa trên việc tổng hợp hồi ức của nhiều người, ngược lại, dịch bệnh tại Vũ Hán diễn ra ngay trước mắt chúng ta, nhưng lại có rất ít thông tin chính xác về diễn biến thực sự của dịch bệnh.




    Thụ động trước Bắc Kinh ngay từ đầu

    Bác sĩ Trần Tuấn, tiến sĩ về y tế cộng đồng, cũng đưa ra nhận xét theo cùng hướng này, nhưng ông đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò thụ động của WHO trong giai đoạn trước khi Trung Quốc thừa nhận dịch (ngày 20/01/2020) và trước khi thành phố Vũ Hán bị phong tỏa (ngày 23/01):
    • ''Có thể nói rằng cho đến hai tuần đầu của tháng 1/2020, WHO đã có đầy đủ thông tin để xác định căn nguyên gây dịch, cũng như cái hướng xét nghiệm làm cơ sở cho việc xác định tỉ lệ mới mắc, tỉ lệ hiện mắc, đặc biệt là liên quan đến quy mô dịch mà xét nghiệm có thể cung cấp được. Ở mảng này, tôi thấy có vấn đề, cả từ phía Trung Quốc là nơi ổ dịch phát sinh, trong đó có vai trò của WHO. Đó là thông tin về dịch tễ học, về nguy cơ, xác suất mắc bệnh, đường truyền của virus, thời gian nhiễm bệnh, thời gian lây truyền, cách thức lây truyền, giai đoạn ủ bệnh… Những thông tin này đã bị chậm. Tôi nhận thấy rằng tình trạng không rõ ràng này tiếp tục được duy trì trong những tuần đầu tháng 1/2020, kể cả cho đến khi thành phố Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc bị cô lập. Cho đến lúc đó, các thông tin về dịch tễ học cơ bản để giúp cho việc lên kế hoạch, chiến lược để kiểm soát dịch là chưa rõ ràng. Dường như WHO phụ thuộc hoàn toàn vào thông tin dịch tễ học của Trung Quốc, trong khi đó, để xây dựng được chiến lược đối phó toàn cầu phải có các thông tin rõ ràng hơn. WHO dường như đã không có động thái thúc đẩy Trung Quốc thực hiện các nghiên cứu dịch tễ học cộng đồng, và điều này đã gây khó khăn cho việc thiết lập một chiến lược có hiệu quả trong việc phòng chống dịch''.





    2/3 người Trung Quốc nhiễm virus ''mất hút''

    Dịch Covid-19 đột ngột bùng phát trong những ngày gần đây tại nước Ý, vốn là một trong những quốc gia đầu tiên ban hành Tình trạng Khẩn cấp đối phó dịch (ngày 31/01), ngay sau khi WHO tuyên bố Tình trạng Y tế Khẩn cấp Quốc tế. Giới chuyên gia đặt câu hỏi vì sao ?

    Nhà báo, bác sĩ Paul Benkimoun, trong bài viết ''La pandémie de coronavirus paraît inéluctable'' (Le Monde, ngày 25/02/2020), nêu ra hai nghiên cứu dịch tễ học mới đây, của hai nhóm khoa học gia Anh và Pháp, công bố ngày 21 và 23/02 (một của Viện Imperial College, Luân Đôn, và một của ê kíp Inserm, Đại học Sorbonne, do bà Vittoria Colizza, giám đốc nghiên cứu, chuyên gia về dịch tễ học và y tế công, lãnh đạo). Hai điều tra đưa ra cùng một kết luận:
    • ước tính đã có khoảng hai phần ba người Trung Quốc nhiễm virus, xuất ngoại, ''mất hút''.
    Hai nghiên cứu hiếm hoi nói trên chỉ ra ''phần chìm của tảng băng'', hình ảnh mà nhiều người thường dùng để nói về dịch Covid-19 đáng sợ, khó lường. Bác sĩ Paul Benkimoun nhấn mạnh đây rất có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh dịch được coi là ''bất ngờ'' tăng vọt tại nước Ý những ngày gần đây.




    Phong tỏa Vũ Hán: Phần trách nhiệm của WHO

    Nhiều người đặt câu hỏi :
    • Phải chăng một trong những nguyên nhân chính của việc hai phần ba số người Trung Quốc nhiễm virus xuất ngoại, nhưng ''mất hút'', là do chính sách che giấu thông tin về diễn biến dịch bệnh của chính quyền Bắc Kinh, ngay cả khi Trung Quốc đã chính thức thừa nhận có dịch?
    • WHO đóng vai trò gì khi để Bắc Kinh độc quyền thông tin về dịch bệnh tại Trung Quốc?
    Cũng nhiều câu hỏi được đặt ra về các tác động nhiều mặt của biện pháp phong tỏa hàng chục triệu dân cư tỉnh Hồ Bắc, trên quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử nhân loại. WHO đã nhiều lần ca ngợi Bắc Kinh về biện pháp được coi là triệt để này. Hiện vấn đề này còn rất ít được quan tâm. Tuy nhiên, ngay trong hiện tại, nhiều ý kiến phản biện đã vạch ra tác dụng con dao hai lưỡi của biện pháp thời chiến này. Chưa những hậu quả vô cùng lớn đến chính đời sống và tình trạng an ninh y tế của người dân vùng bị phong tỏa (bị nhiều nhà bảo vệ nhân quyền tố cáo là một thảm họa cho người dân), một trong các hệ quả lớn đối với bên ngoài là: nhiều người xuất thân từ vùng dịch, một khi ở ngoài khu vực bị phong tỏa, có xu hướng mai danh ẩn tích, vì sợ bị phát hiện. Dịch bệnh cũng có thể theo đó mà lan truyền ngoài vòng kiểm soát.

    Chính quyền Trung Quốc hiển nhiên có trách nhiệm chính trong chuyện này. Nhưng WHO đóng vai trò ra sao? Liệu Tổ Chức Y Tế Thế Giới có làm đúng những gì trong phạm vi quyền hạn được cộng đồng quốc tế giao phó?




    http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/2 ... g-h%C6%A1n
              
              
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Covid-19: Trung Quốc chơi trò dọa nạt Đông Nam Á

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           






    Covid-19:
    Trung Quốc chơi trò dọa nạt Đông Nam Á

    _______________________________________
    Tú Anh _ 26/02/2020





              

    Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (G) nói chuyện với ngoại trưởng Philippines Teodoro Lopez (T) và Lào Saleumxay Kommasith tại Vientiane (Lào), ngày 20/02/2020. REUTERS/Phoonsab Thevongsa

              




    Hiểm họa virus corona tiếp tục là chủ đề số một của báo chí Pháp hôm nay:
    • Thảm họa đại dịch không tránh khỏi, kinh tế toàn cầu lên cơn sốt, châu Âu trang bị đối phó hai mối đe dọa y tế và kinh tế.
      Trung Quốc tê liệt vì khủng hoảng, bài học nào cho Đông Nam Á và châu Âu ?





    Vẫn chưa phải đại dịch ?

    Thế giới đang đứng bên bờ đại dịch hay đã thấy ánh sáng cuối đường hầm ? Không một nhật báo Pháp nào tán đồng các tuyên bố lạc quan của người điều hành Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO về khả năng chống dịch của Bắc Kinh .

    Cụ thể, Le Monde dành tám trang để báo động : Ổ dịch từ Trung Quốc lây lan khắp nơi… Hàn Quốc, Iran, Ý, làn gió hốt hoảng làm chao đảo thị trường chứng khoán. Tại Pháp, học sinh đi nghỉ từ các vùng dịch được lệnh tự cách ly hai tuần trước khi trở lại lớp.

    Trong bài « Đại dịch khó tránh », nhật báo độc lập điểm qua các ổ dịch xuất hiện tại hơn 30 nước, khéo léo làm nổi bật những lời trấn an giáo điều của Tổ Chức Y Tế Thế Giới như là
    • « các biện pháp chống dịch tại Trung Quốc đã mang lại kết quả,
      là thông điệp cốt lõi tạo ra niềm hy vọng và niềm tin đến tất cả các nước, là có thể ngăn chận được siêu vi, thật như thế, vì nhiều nước đã làm được ».

    Tuyên bố khích lệ này làm nhiều nhà nghiên cứu ngạc nhiên. Chuyên gia dịch tễ học nổi tiếng của Mỹ là giáo sư Marc Lipsitch, đại học Harvard đặt câu hỏi :
    • « Nước nào đã chận được dịch và đâu là những bằng chứng vững chắc ? ».
    Lời từ chối « chưa công nhận đại dịch » của giám đốc WHO, bác sĩ người Ethiopia, Tedros Adhanom Ghebreyesus, cũng gây kinh ngạc. Theo báo cáo của Đại học Hoàng Gia Luân Đôn thì bất chấp các biện pháp cách ly, phong tỏa từ hơn một tháng nay,
    • « hai phần ba trường hợp Covid-19 từ Hoa lục lây khắp địa cầu đã không được phát hiện
      và sẽ tiếp tục lây lan một cách âm thầm từ người sang người ».


    Thẩm định này hoàn toàn phù hợp với một kết quả nghiên cứu khác của đại học Sorbonne, Paris :
    • Người mang virus có thể lây cho người khác trước khi phát bệnh.


    Về phần chính quyền Trung Quốc,
    1. Tập Cận Bình lần đầu tiên nhìn nhận là trong bộ máy Đảng có vấn nạn che giấu thông tin, để rồi khẳng định để « đánh thắng giặc » Covid-19, cần phải « tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng ».

      Tuyên bố này mang ý nghĩa gì ? Theo Le Monde, rõ ràng Tập Cận Bình không muốn làm Gorbatchev như trong vụ nổ Tchernobyl. Tuy ông Tập nhìn nhận có tệ nạn « bịt mắt trung ương », không có dấu hiệu nào cho thấy đảng Cộng Sản Trung Quốc được bật đèn xanh đưa bất cập này ra thảo luận.
                
    2. Sự kiện thứ hai là lần đầu tiên Quốc Hội Trung Quốc phải dời khóa họp thường niên cho đến thời điểm vô hạn định.
      • Điều này chứng tỏ Bắc Kinh không dự đoán được khi nào hết dịch
      • cũng như không muốn để cho dân Trung Quốc nhìn thấy cảnh đại biểu hai viện (Quốc Hội và Chính Hiệp) và quan khách, khoảng 8000 vị, bịt mặt họp bàn quốc sự, thật là không đẹp chút nào.




    Trung Quốc : yếu tố chia rẽ Đông Nam Á

    Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc tê liệt vì Covid-19, bài xã luận của Le Monde phân tích thái độ trịch thượng của Bắc Kinh, dọa nạt một số quốc gia Đông Nam Á nhân hội nghị ASEAN- Trung Quốc tại Vientiane.

    Trong cuộc họp ngày 20/02/2020 tại thủ đô nước Lào, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi đối tác Đông Nam Á cùng hợp tác chặt chẽ kiểm soát và ngăn chận dịch Covid-19.

    Vì là bạn hàng số một của ASEAN, khủng hoảng tại Trung Quốc tác hại nghiêm trọng cho kinh tế, du lịch các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, đằng sau những tuyên bố bề mặt ủng hộ Trung Quốc, các nước ASEAN không thiếu những ẩn ý.

    Các chế độ ở Thái Lan, Cam Bốt, Lào đã chọn làm đồng minh với Bắc Kinh, nhưng cũng có những nước bang giao với Trung Quốc khá phức tạp.
    • Việt Nam đóng biên giới với Trung Quốc.
    • Indonesia, Philippines và Singapore cấm hành khách đến từ Hoa lục nhập cảnh.
    Tại Vientiane, ngoại trưởng Trung Quốc chấm điểm từng nước. Trong cuộc hội kiến với đồng nhiệm Singapore Vivian Balakrishnan, Vương Nghị gián tiếp công kích các biện pháp « hạn chế » công dân Trung Quốc nhập cảnh. Với hơn 85 người bị nhiễm, Singapore là quốc gia Á châu đứng hàng thứ tư, sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản bị dịch Covid-19.

    Theo Le Monde, cuộc khủng hoảng siêu vi Corona, chưa biết bao giờ chấm dứt,
    • là cơ hội tốt để các nước ASEAN xét lại, suy ngẫm về mô hình phát triển của Trung Quốc.
    • Đây là tiếng chuông cảnh tỉnh về tình trạng để kinh tế quốc gia lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc nhất là đại cường này có chiến lược tranh đoạt biển đảo với Việt Nam, Đài Loan, Malaysia, Brunei, Philippines gây căng thẳng trong khu vực.


    Le Monde trích nhận định của Trịnh Lê, một nghiên cứu sinh Việt Nam tại Úc, như sau :
    • « Đối với Đông Nam Á, thì Trung Quốc vừa là một đối tác vừa là một mối đe dọa cho ổn định khu vực ».
    Dự án « Một vành đai Một con đường » với lời hứa đầu tư vào hạ tầng cơ sở cho những nước nghèo như Lào nghe rất cám dỗ. Nhưng mặt khác là nỗi sợ gánh nợ quằn lưng.

    Xue Gong, một chuyên gia chính trị ở Singapore cảnh báo :
    • Dự án Con đường tơ lụa của Bắc Kinh được thương lượng riêng rẽ với từng nước là nguồn chia rẽ các thành viên Đông Nam Á, làm cho hiệp hội ASEAN suy yếu.





    Covid-19 : Cơ hội để châu Âu học khôn

    Đây không phải là bài học dành riêng cho những nước nhỏ tại châu Á. Khủng hoảng virus corona còn là cơ hội để châu Âu xét lại tình trạng lệ thuộc vào các công ty gia công tại Hoa lục.

    Với bốn trang phóng sự, Libération đo thân nhiệt kinh tế thế giới :
    • « Kinh tế toàn cầu bị lây nhiễm, cơ sốt lan đến các sàn giao dịch, đe dọa tăng trưởng thế giới. Công nghệ cao, du lịch, thời trang, thương mại đều bị ốm ».
    Để chứng minh, Libération đưa độc giả đến hai nơi.
    1. Tại Bắc Kinh, giới doanh nghiệp than thở
      • « nếu dịch kéo dài thì công việc làm ăn của chúng tôi sẽ rất phức tạp ».
    2. Tại Aubervilliers, ngoại ô bắc Paris, nơi có khu chợ bán sỉ của người Hoa với 1500 cửa hiệu và 100.000 người làm việc. Bình thường hàng quán sinh hoạt tấp nập nay vắng như « chùa bà Đanh ». Một chủ hiệu bán ví tay giải thích :
      • « khách hàng không đến vì chúng tôi là người Á châu ».

    Trong bầu không khí lo âu này, Le Figaro và Les Echos điểm qua các biện pháp mà nước Pháp đã chuẩn bị để đối phó với dịch :
    • thiết bị xét nghiệm,
      khẩu trang,
      cơ sở y tế cách ly…
    mức độ báo động tại Pháp đã tăng lên một nấc từ khi virus corona xuất hiện tại Ý.

    Bài xã luận của Le Figaro kêu gọi tránh các biện pháp thái quá như đóng cửa biên giới như một vài nhân vật cực đoan hoặc mị dân kêu gọi, bất chấp ý kiến của giới y tế. Nhật báo cánh hữu, trái lại, rất lo « virus corona là tia lửa điện gây khủng hoảng kinh tế địa cầu ».

    Về kinh tế, nguy cơ tăng trưởng của Pháp bị tác hại ngày càng rõ nét. Trả lời phỏng vấn của La Croix, quốc vụ khanh kinh tế tài chính Agnès Panner-Runacher nhìn nhận nguy cơ này do hai lý do :
    1. Một là nhiều dây chuyền sản xuất có nguy cơ thiếu linh kiện do Trung Quốc sản xuất, trong lãnh vực xe hơi chẳng hạn.
    2. Thứ hai là do lượng du khách Trung Quốc giảm và người tiêu thụ Trung Quốc cũng giảm mua sắm hàng xa xỉ của Pháp.


    Tuy nhiên, theo viên chức chính phủ này, điều mà nước Pháp và châu Âu có thể chủ động khắc phục là đem về lại châu Âu những ngành sản xuất chiến lược để bớt lệ thuộc vào nhà cung cấp Trung Quốc.




    http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/2 ... nam-%C3%A1
              
              
Trả lời

Quay về “Sức khỏe - Thực phẩm”