Dịch Covid-19 (SARS-CoV-2 / 2019-nCoV)

Trả lời
Ngoc Han
Bài viết: 1577
Ngày tham gia: Thứ tư 20/05/15 14:24

Re: Dịch Covid-19 (SARS-CoV-2 / 2019-nCoV)

Bài viết bởi Ngoc Han »

Nước Pháp tìm ra cách chẩn bệnh coronavirus bằng cách thử máu, kết quả trong vòng 15 phút.

Hình ảnhhttps://www.franceinter.fr/une-pme-bret ... e-covid-19
Ngoc Han
Bài viết: 1577
Ngày tham gia: Thứ tư 20/05/15 14:24

Re: Dịch Covid-19 (SARS-CoV-2 / 2019-nCoV)

Bài viết bởi Ngoc Han »

Tin tức sáng nay cho biết "cầu không vận " China- Pháp gặp trở ngại, số là một chiếc vận tải cơ chờ cất hàng (dụng cụ y tế) để chở qua Pháp, thì có lệnh đổi đường bay sang Hoa kỳ, vì nước Mỹ đã phõng tay trên với lý do nước Mỹ trả tiền gấp ba lần, tình hình thế giớ bi quan mà còn có vụ này, chẳng khác gì giúp cho Trung cộng làm giàu trên xương máu nhân loại.
ty
Bài viết: 1107
Ngày tham gia: Thứ bảy 08/12/18 06:03

Re: Dịch Covid-19 (SARS-CoV-2 / 2019-nCoV)

Bài viết bởi ty »

🌻anh HV 🌻 anh NH

hơn ba mươi năm qua, Tây phương đã “nuôi ong tay áo”.... chưa biết được hệ lụy của cơn đại dịch này ra sao: quật sụm Tàu cộng hay là giúp họ phất hơn?

hôm qua ty đọc được câu viết của một em thanh niên trong nước (chắc là đảng viên): “một tương lai thuộc về châu Á đang trở nên ngày một rõ ràng hơn”
🤔
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Dịch Covid-19 (SARS-CoV-2 / 2019-nCoV)

Bài viết bởi Hoàng Vân »

ty đã viết: Thứ năm 02/04/20 20:11 hôm qua ty đọc được câu viết của một em thanh niên trong nước (chắc là đảng viên): “một tương lai thuộc về châu Á đang trở nên ngày một rõ ràng hơn”

  •           

    :giggles: ... đầu trâu mặt ngựa (ngưu đầu, mã diện) hoặc giòi bọ
    nào thấy cái tăm tối khổ ải hôi thối của nơi chúng ở ( ... địa ngục ... )


    :flwrhrts: :cafe:
              
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Cội rễ của đại dịch Covid-19: Phá huỷ rừng già, tận diệt thú hoang

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           






    Cội rễ của đại dịch Covid-19:
    Phá huỷ rừng già, tận diệt thú hoang

    _______________________________________
    Trọng Thành _ 31 tháng 3 2020



              

    Mô hình virus corona SARS-CoV-2, do Trinity College Dublin làm ra.

              



    Tháng 01/2020, siêu vi gây dịch Covid-19 làm rung chuyển Trung Quốc. Ít tuần sau đến lượt toàn thế giới.
    • Nhiều người tìm căn nguyên trong việc Bắc Kinh giấu dịch khiến quốc tế bị động.
    • Không ít người phê phán phương Tây chủ quan.
    Tuy nhiên giới khoa học về sinh thái chỉ ra cội rễ sâu xa của đại dịch chưa từng có.
              
    Đó là nền văn minh công nghiệp đương đại
    lấy khai thác triệt để thiên nhiên làm mục tiêu.

              

    Khi rừng già bị hủy hoại, thú hoang bị tận diệt, virus bành trướng tấn công con người là điều ‘‘không tránh khỏi’’.
    Mục ‘‘Theo dòng thời sự’’ của RFI xin tổng hợp nhận định của một số chuyên gia, nhà nghiên cứu Pháp trong lĩnh vực sinh thái học, về chủ đề ‘‘Cội rễ của đại dịch Covid-19’’.




    Vì sao phá hủy rừng già, tận diệt thú hoang
    là cội nguồn dẫn đến đại dịch?


    Cho đến nay, vẫn còn nhiều bí ẩn bao trùm xung quanh sự xuất hiện của virus corona mới gây bệnh Covid-19, tên khoa học là SARS-CoV-2, đang khiến toàn thế giới chao đảo, đặc biệt trong bối cảnh Bắc Kinh không tạo điều kiện cho giới khoa học quốc tế đến thành phố Vũ Hán, nơi dịch bùng phát, tiếp cận hiện trường.
    • Không ít người đặt giả thiết loài virus này thoát ra từ một phòng thí nghiệm đặc biệt ở Vũ Hán, chuyên nghiên cứu về các virus nguy hiểm.
    • Thậm chí có người còn cho virus SARS-CoV-2 là một vũ khí sinh học bí mật.
    Không đi vào các nhận định, suy luận khó kiểm chứng này, về đại dịch Covid-19, giới sinh thái nhìn chung đều thống nhất ở một điểm:
    • virus SARS-CoV-2, gây dịch Covid-19 có nguồn gốc động vật hoang dã,
      cũng giống như khoảng một nửa số loài virus tấn công con người, từ gần một thế kỷ nay.

    • Từ virus gây bệnh Sida (được cho là truyền từ loài vượn),
    • đến Ebola ở Tây Phi (truyền qua dơi),
    • hay virus H5N1 (truyền qua chim),
    • hay bệnh sốt rét,
    • sốt xuất huyết
    • hay Zika tại châu Mỹ (truyền qua muỗi)…
    • virus SARS xuất hiện tại châu Á năm 2002 (được truyền từ cầy hương)…
    Việc phá hủy rừng, để trồng trọt, xây dựng thành phố, khiến các loài động vật hoang dã mất nơi sinh sống làm gia tăng nguy cơ động vật hoang tiếp xúc với động vật nhà, với con người, khiến virus dễ dàng bành trướng.

    Trong một bài trả lởi phỏng vấn báo Libération, ông Serge Morand, giám đốc nghiên cứu CNRS, chuyên gia về sinh thái học y tế, nhấn mạnh đến tình trạng, kể từ những năm 1960 đến nay (tương đương với thời kỳ công nghiệp hoá mãnh liệt trên quy mô toàn cầu), ‘‘ngày càng có nhiều bệnh dịch trong năm hơn, dịch bệnh lan rộng hơn…’’, tỉ lệ các dịch bệnh được gọi là ở quy mô ‘lịch sử’’ nhiều hơn (bài '‘La crise du coronavirus est une crise écologique / Khủng hoảng virus corona là một cuộc khủng hoảng sinh thái’’, ngày 26/03/2020).

    Theo nhà sinh thái học Serge Morand, có ba nhân tố đồng thời khiến dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật nói chung, động vật hoang dã nói riêng, bùng phát. Ba nhân tố đều liên quan đến vấn đề đa dạng sinh học.

    • Thứ nhất là sự suy giảm ngày một nghiêm trọng của đa dạng sinh học,
      nói cách khác, tốc độ tuyệt chủng các giống loài gia tăng.
                
    • Thứ hai là nông nghiệp ngày càng biến thành một ngành công nghiệp,
      nhân tố góp phần mạnh mẽ vào sự suy giảm đa dạng sinh học.
                
    • Thứ ba là sự phát triển đột biến của ngành giao thông hàng hoá và vận tải người.
      Sự phát triển về giao thông này vừa là nhân tố khiến dịch bệnh dễ dàng lan rộng, do các tiếp xúc gia tăng giữa người với người, về tần số, về số lượng, vừa là yếu tố kích thích sự phát triển của các ngành sản xuất coi khai thác ‘‘tài nguyên’’ thiên nhiên hoang dã là mục tiêu. Giao thông tăng trưởng gắn liền với kinh tế tăng trưởng, nhưng cũng là con đường giúp dịch bệnh tăng trưởng đột biến, dễ dàng di chuyển từ vùng này đến vùng khác.


    Một vài con số minh hoạ:
    • Thế giới hiện nay có 1,5 tỉ bò nuôi,
      25 tỉ gà nuôi,
      hàng tỉ con heo…
    Tất cả thường được nuôi bằng các loại hạt được trồng theo phương thức công nghiệp hoá, như đậu tương.
    • Để có diện tích nuôi gia súc, gia cầm, đất trồng cây làm thức ăn cho chúng, các diện tích rừng khổng lồ đã bị hủy diệt…
    • Các loài động vật hoang dã, bị dồn đuổi, ngày càng đến gần hơn, nhiều hơn với thế giới con người…
    • Vận tải hàng không, tăng gấp 12 lần giữa năm 1960 đến 2018, giao thông hàng hải cũng tương tự…
    Tất cả những yếu tố này quá đủ làm nguyên liệu cho "những trái bom’’ dịch bệnh, sẵn sàng phát nổ.




    Những con đường đưa các sinh vật ‘‘nguy hiểm’’ đến với thế giới con người

    Nhà sinh thái học Rodolphe Golza, giám đốc nghiên cứu IRD, trong bài trả lời tuần báo L’Obs, lưu ý đến tập quán buôn bán động vật hoang dã, làm thực phẩm hay vì các mục tiêu khác, trở nên hết sức phổ biến, với quy mô lớn tại Trung Quốc, tạo nên một không gian lý tưởng cho sự tăng trưởng của nhiều loài siêu vi, kênh truyền virus dễ dàng từ động vật sang người (bài ‘‘ ‘Le Covid-19 était inévitable, et même prévisible’ du fait de notre impact écologique / ‘‘ ‘Covid - 19 là không thể tránh khỏi thậm chí có thể báo trước’ do tác động sinh thái của xã hội con người ’’, ngày 17/03/2020).

    Giám đốc nghiên cứu sinh thái học, Viện IRD, nhấn mạnh đến việc khi không gian sinh sống truyền thống của các loài sinh vật hoang dã bị phá hủy, do con người hay do thiên tai, các mầm bệnh được truyền đi khắp nơi, trong quá trình này, trong một số điều kiện nhất định, chúng có thể tìm được các vật trung gian phù hợp hơn, trở thành các phương tiện truyền bệnh hiệu quả hơn. Ông đặc biệt chú ý đến việc một số không gian sinh sống bị phá hủy dẫn đến sự diệt vong của một số giống loài tuy mang các bệnh truyền nhiễm, nhưng khả năng lây lan không cao, việc chúng bị hủy diệt khiến virus bành trướng, phát triển theo nhiều con đường bất thường. Đây là điều mà ông gọi là ‘‘hiệu ứng lan toả’’.

    Để virus từ một động vật hoang dã truyền được đến con người và trở thành yếu tố gây dịch bệnh, virus thường phải sự đột biến về gen, mới có thể xâm nhập vào tế bào người. Cụ thể về dịch Covid-19, theo giáo sư Serge Morand,
    • virus corona mới xuất phát từ loại dơi (‘‘khả năng chắc chắn đến 98%’’),
    • việc biến đổi về gen để thích ứng với cơ thể người xảy ra trong quá trình chúng sống ký sinh trên một động vật trung gian (có thể là qua loài tê tê hoặc một loài khác).
    • Và loài vật trung gian này thường là một loại vật hoang dã có nhiều tiếp xúc với con người.





    Thuần hóa các động vật hoang: Một kênh truyền bệnh chính

    Theo các nhà sinh thái học, việc thuần hóa các động vật hoang dã đã từng là nguyên nhân dẫn đến nhiều căn bệnh truyền nhiễm hiện nay, như
    • cúm, sởi, sởi Đức, bệnh đậu mùa hay quai bị…
    Loại người chúng ta cùng với chó, bò hay lợn, có nhiều căn bệnh chung hơn là so với giữa người với thỏ, bởi với ba loài trên, thời gian thuần hoá diễn ra vào khoảng 17.000 đến 10.000 năm trước, loài thỏ mới chỉ được thuần hóa từ 2.000 năm nay. Bệnh truyền nhiễm cũng đến từ loài chuột (sống cạnh loài người từ khoảng 10.000 năm).
    • Loài chuột làm trung gian truyền các bệnh từ các loại gặm nhấm hoang dã sang người,
    • loài chó truyền các bệnh từ chồn hay sói.
    • Về phía các loài chim, vịt nhà là nơi trung gian truyền các virus gây cúm từ vịt hoang…
    Việc thuần hóa một số giống loài mới đây, ví dụ như nuôi chồn tại nhiều nước Đông Nam Á, để phục vụ cho ngành sản xuất ''cà phê chồn'', có thể là các kênh truyền bệnh mới.




    Triệt phá môi trường nuôi dưỡng các siêu vi có phải là giải pháp ?

    Một số người muốn tận diệt một số giống loài được coi là mang bệnh để huỷ bỏ hết nơi trú ẩn của virus, giúp loài người không còn bị dịch bệnh quấy rối. Giấc mơ này cũng tựa như việc tiêu huỷ hết rừng để không còn bị cháy rừng. Theo các nhà sinh thái học, thì cần phải làm điều ngược lại. Có một thực tế là số lượng bệnh truyền nhiễm càng tăng khi các giống loài càng bị tiêu diệt, siêu vi sẽ tản đi khắp nơi để tìm đường sống. Chuyên gia Serge Morand lưu ý là chính việc bảo vệ các môi trường tự nhiên, phong phú về hệ sinh thái, khiến các loài virus có thể gây bệnh, tuy hiện diện nhiều, nhưng chúng sống gắn liền và phụ thuộc vào một số địa bàn cụ thể, hay nói cách khác ăn ở yên lành tại đấy, không thể di chuyển dễ dàng sang nơi khác, để gây các dịch lớn.

    Về dịch bệnh và chăn nuôi, nhà sinh thái học Serge Morand tố cáo phương pháp dập dịch gia cầm bằng cách tiêu diệt ồ ạt các giống gia cầm địa phương, để thay thế bằng các giống công nghiệp, được cho là thích hợp với ‘‘chăn nuôi lớn’’,
    • như trong dịch H5N1 tại Thái Lan (năm 2004),
      dịch cúm gia cầm H5N8 ở Hàn Quốc (năm 2016)...
    Chính Tổ Chức Nông Lương của Liên Hiệp Quốc (FAO) đã khuyến khích cách làm này, trong khi bản thân FAO cũng thừa nhận kể từ đầu thế kỷ XX, nhân loại đã mất đi khoảng 30% giống gà, 20% giống heo…, vốn là sản phẩm của quá trình tiến hoá, lai tạo hàng trăm, hàng nghìn năm. Điều căn bản mà nhiều người không hiểu là, chính sự đa dạng về di truyền của các vật nuôi, khiến cho các bệnh truyền nhiễm không dễ lây lan, biến thành đại dịch. Nhiều giống vật nuôi lâu đời, sống gắn với một địa bàn cụ thể, thường có khả năng kháng cự rất tốt với dịch bệnh. Tính đa dạng sinh học cũng cản trở virus tác oai, tác quái.

    Nhìn chung, theo giáo sư Rodolphe Golza, trong kỷ Nhân Sinh (Anthropocène), thuật ngữ địa chất học dùng để chỉ thời kỳ con người trở thành thế lực có khả năng làm biến đổi sâu sắc toàn bộ hành tinh, thì rất có nguy cơ nhiều bệnh truyền nhiễm hoàn toàn mới xuất hiện.
    • Do sự huỷ hoại các không gian sống tự nhiên của các loài sinh vật hoang dã,
      do tính siêu kết nối của nhân loại hiện nay (như đã nêu),
      nhưng đặc biệt cũng do Biến đổi khí hậu,
    có khả năng tác động rất lớn đến thế giới sinh vật hoang dã (đặc biệt do sự thay đổi của nơi cư trú), đến quan hệ giữa con người với các động vật hoang dã.




    Học thiên nhiên để sống với thiên nhiên

    Bên cạnh việc bảo vệ thiên nhiên hoang dã, chuyên gia sinh thái Serge Morand đề xuất
    • phát triển mạnh các hình thức nông nghiệp thuận tự nhiên,
      trồng rừng thuận tự nhiên,
      chăn nuôi thuận tự nhiên…,
    để góp phần bảo vệ đa dạng sinh học, điều kiện để các loài virus nguy hiểm không dễ dàng trực tiếp đến với con người. Trên thực tế, vấn đề dịch bệnh từ các loài động vật hoang dã truyền sang người là một lĩnh vực còn đầy bí ẩn, cần phải có sự phối hợp nghiên cứu giữa giới y khoa, thú y, sinh thái học, cũng như những nhà nghiên cứu xã hội, chính trị, để có các chính sách phù hợp ‘‘tránh không cho các bệnh dịch biến thành khủng hoảng y tế".

    Để có một chiến lược phù hợp trong vấn đề mang tính sống còn này, xã hội con người cần thay đổi triệt để cách tiếp cận. Nhà nghiên cứu Aleksandar Rankovic, Viện tư vấn về Phát triển bền vững và Quan hệ quốc tế (IDRRI), nhấn mạnh là cần thay thế lối suy nghĩ theo kiểu con người khai thác, thống trị thiên nhiên lâu nay,
    • bằng một cách nghĩ thật sự khiêm nhường,
      để con người có cơ hội hiểu được sự kỳ diệu của tự nhiên,
      để biết học cách chung sống với tự nhiên
    (theo nhà sinh thái Rodolphe Golza, cùng đối mặt với khủng hoảng nhưng một số quốc gia, đặc biệt là các nước châu Á, như Nhật Bản, Malaysia, Singapore, và kể cả Trung Quốc, đã có truyền thống đối phó với dịch bệnh thường xuyên, nên có một số phản ứng nhanh chóng và hiệu quả hơn).

    Khủng hoảng Covid-19 là
    • một khủng hoảng sinh thái,
      ‘‘khủng hoảng mang tính hệ thống’’,
      một cuộc đại khủng hoảng.
    Một bộ phận giới chính trị dường như đã bắt đầu thừa nhận điều này.
    Chỉ có các phối hợp tập thể trên quy mô toàn cầu mới có khả năng giúp nhân loại tìm được lối thoát cho cuộc đại khủng hoảng hiện nay.




    http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1% ... 3%BA-hoang
              
              
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Covid-19 : Tập Cận Bình tìm uy tín trong nước, tô hình ảnh ở nước ngoài

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           






    Covid-19 :
    Tập Cận Bình tìm uy tín trong nước,
    tô hình ảnh ở nước ngoài

    _______________________________________
    Thu Hằng _ 02 tháng 4 2020



              

    Chân dung áp phích cổ động chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Thượng Hải, ngày 12/03/2020.

              



    Bắc Kinh rầm rộ quảng bá hình ảnh « cứu tinh » trong khi cả thế giới đang đối đầu với đại dịch virus corona, xuất phát từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc). Mục tiêu chính là để xóa đi những sai lầm trong thời gian đầu xử lý dịch của chính quyền.

    Bị chỉ trích gay gắt vì che giấu thông tin, chậm trễ trong việc xử lý dịch, ngay khi bắt đầu kiểm soát được ổ dịch Vũ Hán, Trung Quốc chuyển sang « phản công » thông qua việc
    • khởi động cỗ máy « ngoại giao khẩu trang »,
      huy động từ các tập đoàn lớn (Alibaba) đến các hiệp hội (Chữ Thập Đỏ) hoặc du học sinh (như ở Nhật Bản),
      cung cấp trang thiết bị y tế cho cả thế giới
      hoặc cử những đoàn chuyên gia có kinh nghiệm chống dịch ở Vũ Hán.


    Dịch Covid-19 đang bùng phát ở châu Âu và Hoa Kỳ là cơ hội vàng để Bắc Kinh trả đũa và khôi phục lại hình ảnh. Quảng bá cho một Trung Hoa « hào phóng », « tương ái » còn là chiến lược « một mũi tên trúng hai đích » của chủ tịch Tập Cận Bình :
    • lấy lại tín nhiệm trong nước
      và nâng vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế.


    RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với nhà Trung Hoa học, giáo sư Jean-Pierre Cabestan, đại học Baptiste, Hồng Kông.

    ***

    RFI : Sau thời gian đầu im lặng, ông Tập Cận Bình đang lấy lại hình ảnh « người đứng đầu » như thế nào tại Trung Quốc ?

    GS Jean-Pierre Cabestan :
    • Hiện không rõ ông Tập đã lấy lại được hình ảnh chưa. Đó chỉ là những gì mà bộ phận báo chí, tuyên truyền của Bắc Kinh nói.
      • Ông Tập đã nắm lại tình hình vào cuối tháng Giêng, chính xác là vào ngày 20/01,
      • còn ngày 23/01 là ngày tỉnh Hồ Bắc bị chính thức cách ly.
      Nhưng từ đó tình hình có nhiều biến chuyển.

      Ông Tập Cận Bình cuối cùng cũng đến Vũ Hán vào cuối tháng Ba tại vì có nhiều vấn đề :
      • người dân phản đối cách chính phủ xử lý dịch, cũng như những bí mật bị che đậy,
      • nhân viên y tế vất vả chống dịch, đặc biệt là sau vụ chính quyền mới của thành phố Vũ Hán, gồm những nhân vật thân cận của ông Tập Cận Bình, đã yêu cầu người dân Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc cảm ơn đảng và người lãnh đạo đảng là ông Tập Cận Bình về lòng nhân từ, cũng như phải thể hiện lòng biết ơn với đảng Cộng Sản.
      Thế nhưng, những yêu cầu đó lại không được lòng dân và quay lại chống chính phủ và buộc ông Tập Cận Bình phải đến thăm Vũ Hán vào giữa tháng Ba.

      Nói tóm lại, tại Trung Quốc, hiện vẫn chưa rõ liệu chính quyền trung ương đã kiểm soát lại được tình hình chưa và liệu ông Tập Cận Bình có lấy lại được hình ảnh tính cực không. Tôi thấy rằng có khá nhiều biến động trong xã hội với nhiều chỉ trích và lo lắng, giống như một kiểu mất niềm tin vào chính quyền.


    RFI : Giữa người dân tỉnh Hồ Bắc và dân một số tỉnh lân cận đã xảy ra xô xát khi tỉnh Hồ Bắc được dỡ lệnh phong tỏa. Liệu đây có khả năng trở thành một nguồn bất ổn tại Trung Quốc sau dịch Covid-19 ?

    GS Cabestan :
    • Đây là một vấn đề vì hiện giờ dịch đã lùi sau và tình hình dần trở lại bình thường ở tỉnh Hồ Bắc và sau này là ở thành phố Vũ Hán. Dù sao Bắc Kinh cũng muốn người dân trở lại làm việc ở các tỉnh lân cận.

      Những vụ xô xát xảy ra ở ranh giới giữa tỉnh Hồ Bắc và tỉnh Giang Tây (Jiangxi) cho thấy rằng vẫn còn rất nhiều nghi ngờ về việc tỉnh Hồ Bắc đã khống chế được dịch. Vì thế người dân tỉnh Giang Tây không muốn để người dân Hồ Bắc đi làm trở lại ở tỉnh Giang Tây hoặc đi qua tỉnh này để đến một số tỉnh khác như Chiết Giang (Zhejiang) hay Giang Tô (Jiangsu).

      Điều này cho thấy tại Trung Quốc vẫn còn rất nhiều nghi ngờ về những phát biểu của chính phủ, tạo nên kiểu cảm bất an. Có nghĩa là mỗi tỉnh tìm cách tự bảo vệ và nghi ngờ về việc tình hình được cải thiện ở Hồ Bắc. Thực ra, những tỉnh này không tin lắm vào những gì Bắc Kinh nói.


    RFI : Người ta nói đến khả năng có đợt dịch thứ hai tại Trung Quốc. Liệu điều đó có ảnh hưởng đến « chiến thắng » mà chính phủ hiện không ngừng ca ngợi trên các cơ quan truyền thông Nhà nước ?

    GS Cabestan :
    • Chính phủ Trung Quốc công nhận những ca nhiễm virus corona từ nước ngoài vì có khá nhiều người Trung Quốc từ nước ngoài trở về, trong đó có rất nhiều người từ Roma (Ý). Có vẻ như, phải nhấn mạnh là có vẻ như, những ca này làm số ca nhiễm mới tăng lên tại Trung Quốc, nhưng mức tăng ở mức khiêm tốn. Hiện giờ người ta cũng nghi ngờ chính quyền không tổng hợp con số này với thống kê những ca lây nhiễm trong cộng đồng. Vì thế, vẫn còn rất nhiều nghi ngờ và cần tiếp tục theo dõi trước khi thực sự kết luận rằng thách thức đã lùi xa ở Trung Quốc.


    RFI : Về mặt ngoại giao, Trung Quốc đang cố triển khai chiến lược « cứu tinh » qua việc cung cấp khẩu trang, trang thiết bị y tế khắp nơi trên thế giới.
    Phải chăng đây là một công cụ trao đổi, bắt chẹt hơn là chính sách ngoại giao, được coi là một « quyền lực mềm » của Bắc Kinh ?


    GS Cabestan :
    • Đúng thế, tôi nhớ là một quan chức của Liên Hiệp Châu Âu đã tóm lược tình hình như thế. Đó là một chiến lược « hào hiệp » nhằm tìm cách quảng bá hình ảnh của Trung Quốc, cũng như tô điểm lại uy tín của Bắc Kinh, bị tổn thương nghiêm trọng từ đầu năm 2020 vì dịch Covid-19 xuất phát từ Trung Quốc, sau đó chính quyền che giấu, giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của dịch và hành động chậm trễ. Cho nên có rất nhiều người ở bên ngoài cáo buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về nạn dịch này.

      Vì vậy Trung Quốc phải làm gì đó, bằng cách huy động mọi phương tiện với nhiều lý do.
      • Trước tiên, Trung Quốc là nước sản xuất phần lớn khẩu trang và máy trợ thở cho cả thế giới. Điều này thật đặc biệt vì rất nhiều nước
        • phụ thuộc đến 80-90% vào trang thiết bị dịch tễ của Trung Quốc,
          đó là chưa kể đến thuốc men.
        Hiện tượng này còn do lỗi của các doanh nghiệp phương Tây vì họ không muốn sản xuất trong nước vì chi phí quá cao.
        Điều đáng chú ý là Trung Quốc không giữ độc quyền, mà lẽ ra các nước phải tránh « để chung trứng trong một giỏ » mà nên hướng sang một số nước khác trong khu vực như Việt Nam, Bangladesh để sản xuất một phần những thiết bị đó.

        Điểm thứ hai tôi muốn nhấn mạnh là Trung Quốc
        • không cho không những trang thiết bị đó
          mà là bán chúng.
        Theo tôi biết, Trung Quốc còn lợi dụng tình hình để bán với giá đắt. Một số người bạn làm trong lĩnh vực y tế ở Trung Quốc xác nhận rằng giá đã tăng lên theo khối lượng lớn đơn đặt hàng khẩu trang, thiết bị y tế.

      Trung Quốc đã lợi dụng thế mạnh để lấy lại uy tính, cải thiện hình ảnh của mình. Liệu chiến lược này có thành công không ? Một số nước đã tỏ lòng biết ơn như Ý, Hungary, Serbia… Nhưng có phải nước nào cũng thế không ? Tôi nghi ngờ điều này.


    RFI : Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đàm thoại với tổng thống Mỹ Donald Trump và đề nghị « đoàn kết » chống dịch. Phải chăng ông Tập đã thay đổi chiến lược ?

    GS Cabestan :
    • Đó là ý muốn giảm bớt căng thẳng với Hoa Kỳ.
      • Chẳng mất gì khi kêu gọi « đoàn kết »
        trong khi lại có thể tạo thuận lợi cho Trung Quốc.
      Chẳng ai phản đối kiểu phối hợp trong cuộc chiến chống virus corona cả.

      Nhưng không nên ngây thơ ! Đây là một cuộc chiến, nhưng cũng là cạnh tranh giữa hai cường quốc. Bắc Kinh tận dụng được điểm yếu của Mỹ về lĩnh vực dịch tễ. Trong đợt dịch Ebola, Trung Quốc và Mỹ là hai nước đầu tàu, nhưng trong đại dịch này, Hoa Kỳ đang vất vả xử lý dịch. Cần nhắc lại là khi dịch bùng phát ở Vũ Hán, Hoa Kỳ cũng như nhiều nước châu Âu khác đã gửi hàng cứu trợ cho Trung Quốc. Bắc Kinh đã tận dụng việc dịch lan rộng ở phương Tây như món quà trời cho về mặt ngoại giao để tỏ ra « hào hiệp » với thế giới, thể hiện là cường quốc « cứu tinh » duy nhất, nhưng tôi không nghĩ là Trung Quốc có thể cứu hết các nước !


    RFI : Với tất cả những nỗ lực trên, liệu sau khi hết dịch, chủ tịch Tập Cận Bình có trở nên mạnh hơn không ?

    GS Cabestan :
    • Đó là điều ông ấy hy vọng và hy vọng rất nhiều. Nhưng tôi cho rằng ông Tập bị phản đối rất nhiều trong cuộc khủng hoảng này. Trước tiên là vì ông ấy phản ứng chậm và để bộ trưởng Y Tế cùng với một số quan chức khác lên tuyến đầu và sau đó là phạm khá nhiều lỗi trong việc xử lý khủng hoảng. Vì thế mà ông ấy hiện bị phản đối nhiều hơn cả cách đây vài tháng.

      Giờ chúng ta thấy ông Tập là người duy nhất trên đỉnh cao quyền lực. Chính ông là người bổ nhiệm nhiều quan chức mới ở tỉnh Hồ Bắc và thành phố Vũ Hán, tất cả đều là người thân cận của ông, cũng như ông Lạc Huệ Ninh, người đứng đầu Văn phòng liên lạc tại Hồng Kông. Nên dù ông Tập Cận Bình bị phản đối nhưng hiện tại ông không bị suy yếu.




    RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giáo sư Jean-Pierre Cabestan, đại học Baptiste Hồng Kông.




    http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/2 ... ngo%C3%A0i
              
              
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Tình liên đới thời virus corona: Mỹ ''giật'' khẩu trang Pháp mua của Trung Quốc

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           






    Tình liên đới thời virus corona:
    Mỹ ''giật'' khẩu trang Pháp mua của Trung Quốc

    _______________________________________
    Trọng Nghĩa _ 02 tháng 4 2020



              

    Khẩu trang y tế, một mặt hàng khan hiếm thời đại dịch Covid-19.
    Trong ảnh, biển ghi ''Hết khẩu trang và nước sát trùng'', tại một hiệu thuốc ở Nice (Pháp), ngày 4/3/2020

              



    Tình trạng khẩu trang không đủ dùng ở các nước phương Tây đã buộc nhiều quốc gia phải đặt mua thêm ở Trung Quốc. Điều này đã dẫn đến những tình huống tranh mua khốc liệt. Báo Libération số ra ngày 02/04/2020 đã nêu bật ví dụ về việc đơn đặt hàng của một vùng tại Pháp đã bị phía Mỹ chiếm đoạt, ngay tại sân bay lúc hàng sắp chở về Pháp.

    Trong bài viết “Giao khẩu trang: Các hành vi mờ ám và lừa đảo tại bãi đáp máy bay”, báo Libération ghi nhận một thực tế đang diễn ra. Trước các đơn đặt hàng to lớn của các cường quốc đối với sản phẩm y tế Trung Quốc, các địa phương Pháp đã gặp muôn vàn khó khăn trong việc chuyển vận hàng đã đặt mua. Tờ báo nêu bật một sự cố đã xẩy ra đối với vùng Paca, miền nam nước Pháp, đã được chủ tịch vùng, ông Renaud Muselier, kể lại trên truyền hình.

    Cũng như các vùng khác ở Pháp, ông đã đặt mua nơi một nhà cung cấp Trung Quốc mấy triệu khẩu trang cho các bệnh viện cùng viện dưỡng lão trong vùng. Công việc đặt hàng vả trả tiền đã làm xong, có nghĩa là khẩu trang đã có và chỉ còn chờ để chuyển đi.




    Máy bay chở thẳng qua Mỹ thay vì qua Pháp

    Thế nhưng một sự cố đã phát sinh vào buổi sáng thứ Ba 31/03 ngay tại sân bay ở Trung Quốc, một chuyến hàng Pháp đặt đã bị người Mỹ tranh mua và trả tiền ngay tại chỗ. Máy bay thay vì bay đi Pháp đã đi thẳng sang Mỹ… Và như thế vùng Paca phải chịu chậm trễ trong nhiều ngày, trong lúc nhu cầu khẩu trang khá cấp bách.

    Ông Renaud Muselier đã không bình luận gì thêm về chuyện này, nhưng giới thân cận với chủ tịch một vùng khác, cũng là nạn nhân việc tranh mua như kể trên, xác nhận:
    • “Khẩu trang đã trở thành mặt hàng khan hiếm, và Mỹ đang tìm mua mọi nơi, và giá cả đối với họ không quan trọng. Họ trả gấp đôi, trả tiền ngay, ngay cả trước khi thấy hàng. Chúng tôi thì không thể làm như thế, không thể ứng tiền trước và chỉ trả khi nhận hàng.''

    Nguồn tin trên nói tiếp:
    • “Dĩ nhiên là chúng tôi có những cam kết ký với nhà sản xuất, nhưng chúng ta không ở trong một tình hình bình thường… Hơn nữa trong thời gian gần đây, phía Trung Quốc cũng ngăn chặn một số chuyến giao hàng. Mua hàng ở Trung Quốc đang là một cuộc chạy đua với thời gian để tìm được một nhà sản xuất đáng tin cậy, rồi phải tìm cách chuyển hàng về Pháp.”





    Khó khăn hậu cần

    Theo Libération, vùng Nouvelle-Aquitaine, miền tây nam Pháp, gặp một khía cạnh khác trong cuộc cạnh tranh với Mỹ. Một nguồn tin tại đây cho biết:
    • “Tình hình hậu cần quả là hỗn loạn ở Trung Quốc. Mỹ đặt mua khoảng 2 hay 3 tỷ khẩu trang. Chúng tôi chỉ đặt có 5 triệu chiếc, nên dĩ nhiên là phải đi sau. Lẽ ra hàng phải về cách nay 10 ngày, nhưng sân bay Thâm Quyến nghẹt cứng. Nhà nhập khẩu của chúng tôi chất hết hàng lên một chiếc xe tải để chở đến Thượng Hải, nhưng lại còn tệ hơn nữa, xe bị kẹt trên đường ở đằng sau bao nhiêu xe khác. Chúng tôi cho xe rẽ qua ngã khác, hướng về Trịnh Châu, nghĩ là tình hình sẽ khá hơn. Tôi gọi nhà nhập khẩu này hai lần mỗi ngày để theo dõi, nhưng chúng tôi cũng đang tự hỏi là sử dụng xe lửa hay tàu thủy có nhanh hơn chăng… »


    Nhưng không phải chỉ có vấn đề hậu cần. Trước sự canh tranh và đơn đặt hàng dồn dập, cái bẫy đối với với các địa phương Pháp còn nằm phía các nhà sản xuất Trung Quốc.




    Thương nhân Trung Quốc đáng ngờ

    Libération trích nguồn tin vùng Nouvelle Aquitaine:
    • “Thường khi đó là những công ty nhỏ, với trụ sở ở đảo Caïmans và những ngân hàng có tên lạ lùng. Chúng tôi chia sẻ thông tin với nhau, hỏi cơ quan thuế vụ xem những công ty, ngân hàng này có bị điều tra hay không, nhưng cuối cùng thì cũng phải mua liều.”

    Một nguồn tin khác cũng xác nhận:
    • “Có nhiều kẻ lừa đảo. Có một người tự cho là nhà sản xuất khẩu trang, khoe là có lô hàng mấy triệu khẩu trang nằm ở biên giới Bỉ và có thể giao trong vài tiếng đồng hồ. Người này rốt cuộc lại là kẻ không đáng tin cậy.”





    http://www.rfi.fr/vi/kinh-t%E1%BA%BF/20 ... %E1%BB%91c
              
              
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Chống Covid-19: TT Pháp kêu gọi khôi phục độc lập của kinh tế quốc gia

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           






    Chống Covid-19:
    TT Pháp kêu gọi khôi phục độc lập của kinh tế quốc gia

    _______________________________________
    Trọng Nghĩa _ 02 tháng 4 2020



              

    Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thăm một nhà máy làm khẩu trang
    tại Saint-Barthelemy-d'Anjou gần Angers (Pháp) ngày 31/03/2020.

              



    Tác động mọi mặt của tình trạng phong tỏa vì dịch Covid-19 tiếp tục là chủ đề chính trên báo Pháp ngày 02/04/2020, với các khía cạnh như
    • xã hội trên Le Monde,
    • lương thực trên Libération,
    • y tế trên Le Figaro,
    • giáo dục trên La Croix,
    • và lẽ dĩ nhiên là tài chánh trên Les Echos.
    Các diễn biến tại Pháp cũng rất được chú ý, đặc biệt là lời kêu gọi của tổng thống Macron muốn “khôi phục” sự độc lập của kinh tế Pháp.

    Theo ghi nhận của Le Monde, tình hình thiếu trang bị y tế để chống dịch đã nêu bật tình trạng phụ thuộc của Pháp vào những nguồn cung ứng từ nước ngoài. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhận thức rõ điều này khi ông chủ trương “khôi phục” sự độc lập kinh tế của Pháp. Tờ báo nhắc lại câu nói khi ông viếng thăm một xưởng chế tạo khẩu trang gần thành phố Angers, ngày 31/03:
    • “Ưu tiên của chúng ta là sản xuất nhiều hơn ở Pháp và Châu Âu”.

    Nhưng tờ báo cũng nhận định một cách hóm hỉnh là lịch sử sẽ ghi lại rằng tổng thống Pháp muốn “khôi phục chủ quyền quốc gia và Châu Âu” khi phát biểu tại chi nhánh của một tập đoàn Canada: xưởng sản xuất khẩu trang FFP2 (tức KN95) mà ông viếng thăm thuộc công ty Kolmi-Hopen. Ông đã hoan nghênh nỗ lực của các nhà công nghiệp tại Pháp để tăng sản xuất khẩu trang.

    Ngoài khẩu trang, nguyên thủ quốc gia Pháp còn thông báo thành lập một tập đoàn chung quanh Air Liquide để gia tăng việc sản xuất máy trợ thở ở cơ xưởng tại Antony, ngoại ô Paris, với mục tiêu 10.000 chiếc từ đây đến trung tuần tháng 5.

    Sau khi nói rõ là các đơn đặt hàng về khẩu trang, gel khử trùng, máy trợ thở, các loại dược phẩm khác nằm trong khoản trợ cấp đặc biệt 4 tỷ euro của nhà nước, tổng thống Pháp nhấn mạnh:
    • “Ưu tiên của chúng ta là sản xuất nhiều hơn ở Pháp và Châu Âu”.

    Le Monde cho là nạn thiếu khẩu trang hay máy trợ giúp hô hấp đã phơi bày những lỗ hổng của mô hình mà Pháp và Châu Âu từng đi theo, vốn đã khiến Pháp mất đi quyền tự chủ của mình.




    Le Figaro: Làm chủ vận mệnh của chính mình

    Khôi phục chủ quyền kinh tế cũng là lời kêu gọi của báo Le Figaro trong bài xã luận “Làm chủ vận mệnh của chúng ta”.

    Dưới tựa đề này, tờ báo tự hỏi phải chăng
    • sau khẩu trang,
      máy trợ thở,
      thiết bị xét nghiệm,
      nước Pháp bây giờ lại thiếu thuốc?
    Pháp trên nguyên tắc nắm trong tay một hệ thống y tế thuộc loại tốt nhất thế giới. Nhưng dịch Covid-19 đã làm lộ rõ tất cả những nhược điểm:
    • Những gì mà Pháp cần lại nằm trong những bàn tay khác, thường khi là Trung Quốc.


    Kinh nghiệm tai ác này đặt ra những câu hỏi chính đáng về “thế giới sau đại dịch”,
              
    mà công việc cần làm trước tiên là xóa bỏ,
    không phải là tiến trình toàn cầu hóa, vốn là một thực tế mà không ai có thể bỏ qua,
    mà là những yếu tố thái quá của toàn cầu hóa.

              
    Thật ra việc chỉnh sửa lại đã bắt đầu với phong trào bảo vệ môi trường và cuộc thương chiến Mỹ Trung.

    Tại Pháp tổng thống Emmanuel Macron đã kêu gọi
    • tôn cao chủ quyền để không còn tùy thuộc vào ai khác trong những lãnh vực “cần yếu”.
    Đây là điều tối thiểu mà người ta có thể đòi hỏi sau kinh nghiệm thảm hại của Covid-19.

    Việc nắm lại vận mệnh này, theo le Figaro, phải được thực hiện trong tất cả các địa hạt liên quan đến quyền lợi quốc gia:
    • y tế,
      quân sự,
      năng lượng,
      nước,
      và dĩ nhiên là thực phẩm,
      nhưng cũng có lãnh vực công nghệ nhạy cảm của tương lai như
      • không gian,
        dữ liệu tin học.

    Và trong một thế giới mà hai đế chế Mỹ và Trung Quốc thống trị, cao vọng chủ quyền này phải phần lớn dựa vào Châu Âu.




    Le Figaro báo động: Các bộ phận hồi sức có nguy cơ thiếu thuốc

    Theo Le Figaro, dịch bệnh càng lan rộng khắp hành tinh, thì các mối đe dọa về sự thiếu hụt các sản phẩm thiết yếu nhất càng gia tăng. Trong các khoa hồi sức đang tràn ngập bệnh nhân, nhiều loại thuốc thiết yếu bắt đầu thiếu,
    • từ thuốc gây tê curare,
      thuốc mê,
      cho đến thuốc kháng sinh,
    các kho dự trữ đều tuột xuống mức thấp.

    Các cơ quan y tế và giới công nghiêp dược phẩm đang tìm đủ mọi biện pháp để đối phó với tình trạng thiếu thuốc. Thậm chí
    • các phân tử cũ, bị bỏ đi trước đây,
      hay thuốc dùng trong ngành thú y
    cũng có thể được sử dụng.

    Các loại thiết bị y tế hoặc bảo vệ như khẩu trang, kính che mắt… cũng thiếu. Tình trạng này đã thúc đẩy óc sáng tạo của các nhân viên y tế, tìm cách sáng chế là những phương tiện cần thiết, trong lúc ngoài xã hội, cả một phong trào đoàn kết tương trợ đang dâng lên để tạm thời bổ khuyết cho vấn đề thiếu thốn trang bị.




    Le Monde: Phong tỏa làm lộ rõ bất bình đẳng xã hội

    Theo Le Monde, các biện pháp chống dịch Covid-19 đã nêu bật tình trạng bất công trước công ăn việc làm cũng như về nhà ở trong xã hội Pháp.

    Đối với tờ báo, vào lúc hình thức làm việc từ xa phát triển, vẫn có 18,8 triệu người ngày ngày bị buộc phải đi đến chỗ làm. Thuộc các thành phần như
    • công nhân vệ sinh,
      giới điều dưỡng trợ giúp người già yếu, bệnh tật,
      nhân viên bán hàng tại siêu thị,
      công nhân nhà máy làm pha lê,
      nhân viên đóng gói, giao hàng làm việc cho tập đoàn bán hàng qua mạng Amazon,
    họ đã kể lại những công việc thường nhật của mình, mô tả nỗi sợ hãi bị nhiễm bệnh, đôi khi niềm tự hào khi thấy rằng mình là mắt xích không thể thiếu trong xã hội, nhưng tất cả đều cho biết là họ không có quyền chọn lựa

    Theo Le Monde, tình trạng phong tỏa toàn quốc cũng bộc lộ tính chất chật chội của nhiều căn hộ, và những khác biệt về cơ hội thăng tiến nhờ giáo dục.




    Libération: Dây chuyền cung ứng thực phẩm phải thích nghi với lệnh phong tỏa

    Libération cũng quan tâm đến các vấn đề do chính sách phong tỏa đặt ra, nhưng lại tự hỏi
    • “Làm sao duy trì (chuỗi cung ứng) lương thực” vào thời phong tỏa.

    Theo tờ báo, các khó khăn trong khẩu sản xuất lương thực do
    • thiếu nhân công,
      vấn đề vận chuyển hàng hóa phức tạp,
      tình trạng mua hàng tích trữ của người tiêu dùng,
    tất cả những vấn đề này đã buộc toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm phải sáng tạo và thích nghi để có thể nuôi sống hàng chục triệu người Pháp trong đại dịch.

    Bản thân người bị phong tỏa, theo tờ báo, cũng đã thay đổi chế độ ăn uống của mình trong tình huống mới.




    Les Echos: Thị trường tài chánh bị nhiễm virus corona

    Trên Les Echos, hàng tựa lớn trang nhất ghi nhận: “Con virus đã lây bệnh cho các thị trường tài chính như thế nào”.

    Theo Les Echos, sau khi hồi phục trong 2 tuần qua, thị trường chứng khoán lại tụt dốc vào hôm qua. Tại Pháp
    • hơn 450 tỷ euro trong trị giá của các đại doanh nghiệp CAC 40 đã bốc hơi trong quý I năm 2020 này.






    http://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m- ... CC%81c-gia
              
              
Trả lời

Quay về “Sức khỏe - Thực phẩm”