Dịch Covid-19 (SARS-CoV-2 / 2019-nCoV)

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Virus corona : Vũ Hán, địa ngục trần gian ở Trung Quốc

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           






    Trung Quốc,
    "một lần bất tín,
    vạn lần bất tin"

    _______________________________________
    Đinh Yên Thảo _ 03/02/2020





              

    Nhân viên y tế Trung Quốc ở Vũ Hán để hộp thức ăn cho bệnh nhân trên sàn nhằm tránh lây nhiễm. Hình chụp ngày 3/2/2020 _ AFP

              




    Chính quyền Vũ Hán vừa khánh thành bịnh viện dã chiến khẩn cấp Huoshenshan đầu tiên, một trong hai bịnh viện đã được xây dựng cấp tốc trong 10 ngày nhằm cách ly và chữa trị các bịnh nhân nhiễm dịch cúm Vũ Hán. Nhóm bịnh nhân đầu tiên đã được chuyển đến bịnh viện có trên một ngàn giường bịnh và được khoảng hơn một ngàn các bác sĩ, y tá quân y của quân đội trực tiếp điều hành, theo như các bản tin cho biết.

    Việc xây dựng đã được "live-stream", phát hình trực tuyến qua mạng cho người dân Hoa Lục có thể thấy được đảng và nhà nước đã không chỉ bảo vệ cho người dân của mình mà “cho cả thế giới” trước đại dịch ra sao trong cuộc chiến chống đại dịch, theo như một xã luận kêu gọi người dân đoàn kết trên tờ báo đảng Nhân Dân Nhật Báo tiếng Anh (China' virus battle unites people and protects world).

    Điểm qua một số bài xã luận trên báo Nhân Dân hay Thời Báo Toàn Cầu của đảng trong vài ngày qua thì phần lớn các tin tức hay bài báo là nói về "quyết tâm" của đảng và chính phủ trước việc phòng chống và kiểm soát đại dịch. Nào là Tổng Bí Thư Tập Cận Bình chủ tọa phiên họp Bộ Chính Trị, tuyên bố "đại dịch là một thử nghiệm to lớn cho hệ thống và năng lực quản trị của chính quyền, cần tổng hợp kinh nghiệm và rút ra bài học". Trong một bài báo khác thì viết rằng, "thành tựu khoa học cùng công nghệ sinh học và thông tin của Trung Quốc đã đóng vai trò to lớn trong cuộc chiến chống dịch bịnh Vũ Hán". Các bài báo còn xác quyết rằng, "thời gian sẽ chứng minh những quyết định sáng suốt của Trung Quốc và làm đất nước mạnh mẽ hơn sau khi chiến thắng cơn đại dịch".

    Không chỉ những bài báo ca ngợi đảng và nhà nước như vậy, các bài báo còn chỉ trích Mỹ và phương Tây đã tận dụng cơ hội dịch bịnh tại Hoa Lục để chống lại Trung Quốc, "tạo ra sự sợ hãi và hoang mang không cần thiết" và là những "vi-rút chính trị" tạo ra sự thù địch và kỳ thị.

    Tất nhiên những quốc gia cộng sản như Trung Cộng vẫn luôn tận dụng mọi cơ hội cho mục đích tuyên truyền của mình, kể cả trong thiên tai hay cơn dịch bịnh như hiện nay. Báo đài, truyền thông, các trang mạng xã hội tại Hoa Lục đã có vô số những bài viết kiểu ca ngợi, phản bác lại các thông tin được các chính phủ và truyền thông khắp thế giới theo dõi diễn tiến cơn dịch đưa ra. Nhưng việc phát hình trực tuyến hình ảnh, quang cảnh xây dựng các bịnh viện dã chiến nói trên còn có một nguyên do xa hơn mục đích tuyên truyền. Nó nhằm bào chữa, gỡ gạc lại chút uy tín, nếu có, của báo đài cùng quan chức đảng trước đó.

    Ngày 27 tháng Một, tờ báo Thời Báo Toàn Cầu của đảng đã đăng tải một tấm hình bịnh viện Huoshenshan nói trên với đề tựa, "Quả Kinh Ngạc! Building đầu tiên của bịnh viện Huoshenshan được xây trong 16 giờ đồng hồ" (Amazing! Huoshenshan Hospital 's 1st building completed in 16 hours!). Tờ Nhân Dân cũng đăng cùng tấm hình. Rồi đến Phó Tổng Cục Trưởng Thông Tin của Bộ Ngoại Giao Trung Cộng Lijian Zhao cũng dùng mạng xã hội để gởi lại tấm hình này ra. Zhao là một khuôn mặt trẻ của Bộ Ngoại Giao, được thăng quan tiến chức rất nhanh nhờ thái độ hiếu thắng, thường tấn công Mỹ cũng như không bỏ dịp tung hô đảng qua các trang mạng xã hội.

    Quả là kỳ tích! Trung Quốc vốn nổi tiếng với tốc độ xây dựng tính bằng giờ, bằng ngày, theo như các tin tức vẫn thường được báo chí Trung Quốc đăng tải. Ai chẳng phấn khích trước việc xây bịnh viện chưa đến một ngày?

    Chỉ hơi đáng tiếc là tấm hình đó đã bị cộng đồng mạng phát hiện là ... giả mạo, sau khi nó được lan truyền quá nhanh, quá nhiều về “kỳ tích” của đảng. Bởi thật ra nó là một building đang được rao bán và nằm tại Thanh Đảo, cách Vũ Hán gần một ngàn cây số. Các mẩu tin bị gỡ bỏ lập tức và tin nhắn của Zhao cũng bị xóa bỏ. Những bản tin, các tấm hình giả mạo trên báo chí đảng vốn chẳng có gì lạ nhưng đây quả là một cú hớ quá lớn của các báo đảng, không ngờ rằng bị người dân "bắt giò" giữa khi đại dịch bùng phát và có quá nhiều người theo dõi.

    Sau khi bị thế giới lên án việc giấu nhẹm các thông tin dịch bịnh ban đầu cũng như phản ứng chậm trễ để nó lan tràn, trong những ngày qua Trung Cộng luôn tuyên bố sẽ "minh bạch thông tin" và hợp tác cùng Tổ Chức Y Tế Thế Giới với các nước trong việc ngăn ngừa và phòng chống dịch bịnh. Nhưng thế giới đã có quá dư lý do để nghi ngờ về "sự minh bạch" hay tin tưởng vào các số liệu, dữ kiện mà Trung Quốc đưa qua. "Một lần bất tín, vạn lần bất tin", một đôi lần dối trá đã khó làm người khác tin tưởng được, huống hồ Trung Quốc đã hàng vạn lần gian dối, bất tín.





    https://www.rfa.org/vietnamese/news/Rea ... 43024.html
              
              
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Virus corona: Hồi ký Vũ Hán của ba phóng viên AFP

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           






    Virus corona:
    Hồi ký Vũ Hán của ba phóng viên AFP

    _______________________________________
    Thu Hằng _ 05/02/2020





              

    Người dân Vũ Hán xếp hàng chờ được xét nghiệm virus corona ở bệnh viện Chữ Thập Đỏ, Trung Quốc, ngày 25/01/2020. Hector RETAMAL / AFP

              





    Ngày 23/01/2020, Leo Ramirez, Hector Retamal và Sebastien Ricci lên chuyến máy bay cuối cùng (hoặc gần như cuối cùng) đến thành phố Vũ Hán. Phi hành đoàn và số hành khách ít ỏi trong máy bay nhìn họ với ánh mắt ái ngại : Tại sao đi vào ổ dịch, trong khi nhiều người muốn thoát khỏi đó ?

    Họ đến Vũ Hán lúc 10 giờ, giờ địa phương, khi thành phố vừa được lệnh bị cách ly hoàn toàn. Ra thì khó, nhưng vẫn có cách để vào. Trong suốt 8 ngày, bộ ba của AFP là cơ quan báo chí nước ngoài duy nhất hoạt động ở thành phố hơn 11 triệu dân hoàn toàn bị cách ly.

    • Leo Ramirez, 32 tuổi, là điều phối viên mảng video ở Trung Quốc, không hề thiếu kinh nghiệm sau 10 năm bươn trải làm báo ở Venezuela, quê hương của anh, cũng như ở Nam Mỹ.
    • Hector Retamal, 44 tuổi, nhiếp ảnh gia gốc Chilê, từng sống ở Haiti và từng chứng kiến dịch tả, là tác giả của nhiều bức ảnh gây ấn tượng về hòn đảo này trong những năm vừa qua.
    • Người thứ ba, Sébastien Ricci, nhà báo Pháp 38 tuổi, sống ở Bắc Kinh từ gần 10 năm nay và từng hoạt động ở Iran, vùng của người Kurdistan, Afghanistan và Bắc Triều Tiên.


              

    Bộ ba phóng viên của hãng thông tấn Pháp AFP đến Vũ Hán, ngày 23/01/2020. Ảnh chụp từ màn hình.

              

    • « Đây là chuyến đưa tin lớn nhất mà tôi từng làm kể từ khi tôi bắt đầu làm việc cho AFP, cách đây 10 năm », nhà báo video Leo Ramirez cho biết.
      Ở ngay giữa lòng trung tâm dịch virus corona, « kể lại câu chuyện này mà không được để bị nhiễm, biết rằng bạn phải tự bảo vệ, nhưng lại không biết phải làm gì, làm như thế nào ».
    • « Mỗi lúc, tôi đều tự hỏi liệu mình có đau họng không. Nhưng khi tôi muốn ho, tôi lại nuốt nước bọt (miếng) » vì sợ bị giữ lại. Tôi tự nhủ « miễn là mình không hắt hơi, mình không ho, rồi găng tay không bị rách… và liệu người này đã hắt hơi bắn lên áo khoác của mình chưa ? », Leo Ramirez kể lại qua điện thoại, chỉ vài giờ sau khi hạ cánh xuống miền nam nước Pháp, trên chuyến bay đầu tiên tiên hồi hương khoảng 200 kiều dân Pháp.


    Sébastien Ricci, nhà báo Pháp, kể lại :
    • « Những hành khách hiếm hoi đi cùng chuyến bay sửng sốt nhìn tôi. Chỉ có khoảng 30 người trong máy bay. Điều này làm tôi nhớ lại chuyến công tác đầu tiên ở Bắc Triều Tiên. Những nữ tiếp viên đeo khẩu trang, tất cả mọi người quan sát nhau đầy vẻ nghi ngờ. Những người Trung Quốc trong chuyến bay về đoàn tụ gia đình ». Trước ngày Tết nguyên đán, « ngày lễ quan trọng nhất ở Trung Quốc », họ chỉ thấy một thành phố ma.


              

    Một nhân viên cảnh sát chặn lối vào chợ hải sản Vũ Hán, ngày 24/01/2020.

              

    Trong vòng một tuần, ngày nào ba nhà báo của AFP cũng rời khỏi khách sạn, đi bộ trên những con phố vắng lặng với hy vọng kể lại đời thường của những người dân Trung Quốc bị cắt khỏi thế giới. Họ có cách riêng « để kể câu chuyện như vô hình, câu chuyện về con virus ».

              

    Thành phố Vũ Hán, tâm dịch virus corona, bị cắt với thế giới bên ngoài từ ngày 23/01/2020.

              

    Đáng ngạc nhiên là « người dân đến nói chuyện với chúng tôi », Sébastien nhớ lại.
    • « Chúng tôi thấy những bệnh viện chật cứng người, nhiều người phải đợi tận hai ngày để được khám, người dân căng thẳng và cảnh sát, thường thì có lẽ đã cấm chúng tôi quanh quẩn gần các bệnh viện, lúc đó thì lại quá bận ở những nơi khác ».

    Hector Retamal nhớ lại :
    • « Người dân muốn dẫn tôi đi để chỉ cho tôi thấy chuyện gì xảy ra ở bên trong ».


              

    Người dân Vũ Hán xếp hàng chật hành lang bệnh viện Chữ Thập Đỏ để được xét nghiệm, ngày 25/01/2020.

              

    Ngày cuối cùng, Leo Ramirez, ra khỏi khách sạn cùng với Hector Retamal, làm chuyến cuối cùng quanh thành phố, bỗng nhiên gọi gấp cho Sébastien, ở lại khách sạn để viết bài. Leo nói như ra lệnh :
    • « Lấy xe đạp và đi đến đây, ngay bây giờ »
    nhưng không thêm lời giải thích nào.

              

    Nhân viên y tế ở bệnh viện Chữ Thập Đỏ Vũ Hán, ngày 25/01/2020.

              

    Trên vỉa hè, không xa một bệnh viện lắm, một người đàn ông nằm bất động mà không ai dám lại gần.
    • « Chúng tôi không bao giờ có thể kiểm chứng xem liệu có phải ông ấy chết vì virus corona hay không. Nhưng ở một đất nước như Trung Quốc, một người bị bỏ rơi suốt hai giờ trên vỉa hè, chỉ cách lối vào bệnh viện có khoảng 50 mét, thì thật sự phải là điều gì đó nghiêm trọng »,
    Sébastien kể lại. Sau đó, « nhiều cảnh sát mặc trang phục bảo hộ » đến gần người đàn ông nằm bất động, vẫn đeo khẩu trang trên mặt. Cuối cùng, họ mang người đàn ông đó đi.

              

    Một người đàn ông nằm bất động suốt hơn hai tiếng trên vỉa hè mới có đội ngũ y tế đến chở đi. Ảnh chụp ngày 30/01/2020.

              

    Sau khi chứng kiến cảnh tượng đau lòng đó, sau đó là nhìn thấy một xe cứu thương chở một người phụ nữ cao tuổi trên băng ca, Leo, Sébastien và Hector phải qua bước giờ đã trở thành thông lệ : đo nhiệt độ bắt buộc để vào khách sạn. Mỗi lần như thế
    • « tôi đều sợ kết quả. Khi thấy nhiệt kết không vượt quá 36,5 độ C, bạn thở phào. Một lần nhiệt kế hiện lên 37,5 độ C, một lần, hai lần, ba lần, cả khách sạn đổ đến xem. Tôi rất sợ… Họ đi tìm một nhiệt kế khác, nhiệt kết thủy ngân cổ hơn. Đúng là cái nhiệt kế kia có trục trặc », Leo Ramirez nhớ lại.


              

    Một bệnh nhân nhiễm virus corona được đưa đến bệnh viện Chữ Thập Đỏ ở Vũ Hán, ngày 25/01/2020.

              

    Vào giữa tuần mà lẽ ra phải đông vui hội hè đó, Leo Ramirez, Sébastien Ricci và Hector Retamal cũng có được một cuộc gặp đáng nhớ đêm giao thừa. Pen Lixing và Wang Yangong, một cặp vợ chồng không gặp được con vì lệnh cách ly ở thành phố, đã mời ba nhà báo AFP đến nhà. Khi nhóm tới, họ đã chuẩn bị bàn ăn với các món ăn mời những vị khách đến từ phương xa. Sébastien kể lại :
    • « Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên, họ thì vui khi tiếp chúng tôi » mà không sợ bị lây virus. « Nhưng chúng tôi không thể chấp nhận rủi ro khiến họ nhiễm virus. Chúng tôi ở lại một tiếng, chúng tôi vẫn đeo khẩu trang và sau đó, họ mời chúng tôi uống trà. Chúng tôi không muốn làm họ phật lòng đâu, chúng tôi không muốn tháo khẩu trang để tránh nguy hiểm cho họ ».
    Sébastien cảm thấy « một cử chỉ ấm áp của con người », trong khi mọi người nghi ngờ lẫn nhau.

              

    Pen Lixing và Wang Yangong, một cặp vợ chồng ở Vũ Hán, mời ba phóng viên của AFP đến ăn Tết, ngày 24/01/2020. Ảnh chụp màn hình.

              

    Sau đó, ba nhà báo của AFP đã lên máy bay A 340 đưa họ về Pháp. Trong sân bay vắng lặng, họ được cấp một vé máy bay, không có số chuyến bay và cũng chẳng có điểm đến. « Hẹn đến miền đất lạ » là điều mà Sébastien Ricci nghĩ trong đầu. Những hành khách thì đùa nhau về chuyến đi như « đi trại hè ». Với Leo Ramirez, « bản năng nhà báo bảo bạn ở lại, nhưng lý trí thì bảo phải đi ».

              

    Bên trong máy bay đầu tiên hồi hương công dân Pháp từ Vũ Hán, ngày 31/01/2020.

              

    Cùng với toàn bộ hành khách trên chuyến bay, cả ba nhà áo hiện bị cách ly từ ngày 31/01 trong vòng 14 ngày ở Carry-le-Rouet, bên bờ Địa Trung Hải. Khi « hồi ký » của họ được đăng trên Facebook của AFP, một số người chỉ trích họ vô trách nhiệm, lao mình vào chỗ nguy hiểm. Nhưng một số khác thì lại cảm ơn để có được những thông tin hiếm hoi về bên trong Vũ Hán.





    http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/2 ... g-vien-afp
              
              
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Virus corona: Kiểm duyệt thông tin, liều thuốc trị bệnh của Tập Cận Bình?

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           






    Virus corona:
    Kiểm duyệt thông tin,
    liều thuốc trị bệnh của Tập Cận Bình?

    _______________________________________
    Thanh Hà _ 06/02/2020





              

    Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (Li Keqiang) tới thị sát bệnh viện Kim Ngân Đàm (Jinyintan), Vũ Hán, ngày 27/01/2020 cnsphoto via REUTERS

              




    Trước đà dịch viêm phổi cấp tính do chủng mới của siêu vi corona gây ra, chủ tịch Tập Cận Bình dường như đang áp dụng trở lại bài thuốc muôn thủa từ 70 năm qua của Đảng Cộng Sản Trung Quốc :
              
    chính sách kiểm duyệt thông tin.

              
    • Che đậy sự thật về mức độ lây lan,
    • về những thiếu sót cơ bản nhất trong hệ thống y tế,
    • đồng thời đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền
      về những tấm lòng quả cảm của muôn dân trước con virus corona,
      những nỗ lực của Nhà nước sát cánh với toàn dân :
    Đó là chủ trương mới của bộ máy tuyên truyền Trung Quốc. Chủ tịch nước kiêm tổng bí thư đảng Cộng Sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, đã bước lên tuyến đầu trên mặt trận này.

    Trong cuộc họp với Bộ Chính Trị hôm 03/02/2020 nguyên thủ Trung Quốc ra lệnh
              
    "cần tăng cường kiểm soát thông tin
    trên các phương tiện truyền thông và internet".

              
    Phát biểu này đã không được giữ lại trong bản dịch sang Anh Ngữ của Tân Hoa Xã. Tuy nhiên báo chí chính thức tại Bắc Kinh đưa tin ông Tập chỉ thị với các cấp là đã tới lúc cần
    • "đẩy mạnh các chiến dịch tuyên truyền,
      tăng cường vế giáo dục,
      kiểm soát công luận trên cơ sở tất cả những trao đổi qua internet và trong cuộc sống hàng ngày".
    Cỗ máy tuyên truyền của Đảng và Nhà nước cũng cần
    • "củng cố niềm tin,
      kích động bầu nhiệt huyết của toàn dân,
      phải tuyên truyền những câu chuyện khiến mọi người động lòng"


    Chưa đầy một ngày sau cuộc họp đó, ngay cả tạp chí Tài Tân (Caixin), nổi tiếng là độc lập với guồng máy thông tin của Trung Quốc đã "đổi giọng". Cho đến cuối tuần qua, về dịch virus corona, tờ báo kinh tế rất có uy tín này tại Bắc Kinh liên tục nhấn mạnh đến "tầm mức quan trọng của việc đưa tin một cách minh bạch và trung thực, đầy đủ và nhanh chóng, tránh những thiếu sót do cố tình gây nên, tránh im lặng trên một số chủ đề". Cũng tờ báo này cho rằng "quyền được biết thông tin của các công dân Trung Quốc phải được tôn trọng".

    Thế nhưng sau cuộc họp của Bộ Chính Trị thì tờ báo "cứng đầu" này đã đi vào khuôn phép khi
    • đưa lên mặt báo gương mặt của một bác tài xế tắc xi ở Vũ Hán miệt mài chạy những cuốc xe để phục vụ đồng bào, ông đã "bước lên tuyến đầu" chống virus corona.
    • Bên cạnh đó là phóng sự đầy đủ chi tiết bệnh viện dã chiến đầu tiên khai trương sau 10 ngày công trình được khởi động,
    • rồi đưa tin chính phủ có những biện pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp làm ăn sa sút vì dịch bệnh ...
    • Còn những bài báo nói về tình trạng thiếu trang thiết bị y tế cũng được đăng trên tờ Tài Tân thì đã "mất hút".
    Nhân Dân Nhật Báo trong ấn bản ngày 04/02/2020 cũng tràn ngập những bài viết ca ngợi "những tấm lòng" của người dân Vũ Hán.

    Trên internet, cỗ máy kiểm duyệt của Trung Quốc cũng đã tăng tốc. Trên mạng xã hội WeChat, tin nhắn báo động "cẩn thận khi đưa thông tin về dịch virus corona kẻo bị phạt" đã biến mất khỏi các màn hình. Cũng trên mạng WeChat, một người sử dụng cho biết
    • "đã có rất nhiều những bài báo về virus corona vị rút đi, làn sóng hoảng loạn giờ mới thực sự bắt đầu"
    và thế là tài khoản của người này đã bị khóa ngay lập tức.

    Cỗ máy tuyên truyền của Đảng Cộng Sản Trung Quốc hành xử như thể chỉ cần xóa những thông tin về virus corona, đóng tài khoản nói về loại siêu vi chủng mới đó là đủ để che giấu sự thật bẽ bàng :
              
    Một con virus nhỏ đang thách thức
    khả năng "đề kháng" của Đảng
    và chế độ cầm quyền của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.

              
    Dường như Trung Quốc không rút kinh nghiệm những lần có dịch bệnh trước đây, tiếp tục duy trì "phản xạ" che giấu, bưng bít thông tin, gây ra những hậu quả nghiêm trọng :
              
    Chính vì kiểm duyệt
    mà Bắc Kinh đã đánh mất tối thiểu là ba tuần lễ

              
    trong cuộc chạy đua với thời gian để ngăn chận virus corona. Đầu tháng Giêng, tám vị bác sĩ ở Vũ Hán đã bị bắt vì tội "phổ biến thông tin thất thiệt làm xáo trộn trật tự xã hội" chỉ vì phát hiện thấy virus lạ, để rồi sau đó, chính tư pháp Trung Quốc lại miễn tội cho họ.

    Liệu rằng bài thuốc "kiểm duyệt thông tin" của ông Tập Cận Bình là một hiểm họa đối với cho "Giấc Mộng Trung Hoa", với mục đích xây dựng một "Xã Hội Hoài Hòa" mà chính ông đang dày công xây dựng ?

    Chỉ nội hình ảnh các nước bất luận giàu nghèo huy động máy bay đến Vũ Hán, đưa công dân của họ ra khỏi "ổ dịch" trong lúc những dân ở Vũ Hán, ở Hồ Bắc bị đồng bào của mình hắt hủi cũng đủ cho thấy, chính sách kiểm duyệt, che giấu thông tin – liều thuốc chống dịch bệnh của Tập Cận Bình – đã thất bại.





    http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/2 ... -b%C3%ACnh
              
              
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Virus corona: 20.000 nhân viên y tế Hồng Kông dọa đồng loạt đình công

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           






    Virus corona:
    20.000 nhân viên y tế Hồng Kông
    dọa đồng loạt đình công

    _______________________________________
    Thanh Hà _ 06/02/2020





              

    Y bác sĩ Hồng Kông biểu tình đòi đóng cửa biên giới với Hoa lục, bên ngoài trụ sở cơ quan Y Tế đặc khu, ngày 4/2/2020. REUTERS/Tyrone Siu

              




    Bước sang ngày thứ ba, phong trào đình công của nhân viên y tế Hồng Kông gia tăng cường độ. Ngày 06/02/2020, khoảng 20.000 nhân viên y tế Hồng Kông đe dọa bãi công đòi chính quyền đóng cửa toàn bộ biên giới với Hoa Lục ngăn ngừa virus corona.

    Sau ca tử vong đầu tiên vì viêm phổi cấp tính do chủng virus corona mới gây nên, báo South China Morning Post cho biết ngày 05/02/2020 đã có gần 5.000 nhân viên y tế bãi công và phong trào gia tăng cường độ vào hôm nay.

    Trả lời tổ chức thông tin độc lập Hồng Kông Free Press, một đại diện công đoàn của nhân viên y tế nhấn mạnh là cần
    • "ngăn ngừa virus từ tận gốc rễ, nếu không, ngay cả trong trường hợp nhân sự và trang thiết bị y tế được tăng cường, bệnh viên có thêm phòng cho bệnh nhân, Hồng Kông cũng không thể giải quyết được vấn đề".


    Hồng Kông hiện có
    • một người tử vong,
    • 21 ca bị lây nhiễm,
      trong đó có những trường hợp nhân viên y tế bị nhiễm virus corona.
    Vào lúc dịch viêm phổi do virus corona chưa có dấu hiệu thuyên giảm, trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông thông báo kể từ ngày Thứ Bảy tới 08/02/2020 tất cả những người từ Hoa Lục đến Hồng Kông đều bị cách ly. Tuyên bố này không xoa dịu được phẫn nộ trong giới y khoa.
    • Theo hãng tin AP hiện Hồng Kông hiện tại vẫn duy trì hai cửa khẩu với Hoa Lục.
    • Thêm vào đó, trong lúc hàng ngàn người dân Hồng Kông xếp hàng cả ngày lẫn đêm để mua được khẩu trang,
      thì một nhóm dân biểu Hồng Kông thân Bắc Kinh thông báo rầm rộ về chiến dịch gửi khẩu trang và trang thiết bị y tế đến Vũ Hán để thể hiện tình liên đới với Hoa Lục.
    Chiến dịch tuyên truyền này của phe thân Bắc Kinh khiến công luận Hồng Kông càng phẫn nộ.





    http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/2 ... -k%C3%B4ng
              
              
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Virus corona: Trung Quốc "giam lỏng" dân để ngăn ngừa lây nhiễm

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           






    Virus corona:
    Trung Quốc "giam lỏng" dân để ngăn ngừa lây nhiễm

    _______________________________________
    Thu Hằng _ 06/02/2020





              

    Người dân đeo khẩu trang bên ngoài ga Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 04/02/2020. REUTERS/Aly Song

              


    ....
    Dù không đăng trên trang nhất, nhưng virus corona mới (2019-nCoV) vẫn tiếp tục được các báo đề cập. Cả Le Monde và Les Echos cùng quan tâm đến sự kiện « Các biện pháp giam lỏng được mở rộng ở Trung Quốc », ngoài Vũ Hán, hiện được áp dụng thêm ở ba thành phố ở tỉnh Chiết Giang (phía đông Trung Quốc) để phòng lây nhiễm virus corona mới (2019-nCoV).

    Hai nhật báo đưa tin,
    • Hàng Châu (Hangzhou), ở tỉnh Chiết Giang, đang áp dụng biện pháp hạn chế đi lại.
      Mỗi gia đình chỉ được phép có một người ra khỏi nhà đi chợ hai ngày một lần.
    • Sau Hàng Châu, thêm ba thành phố cũng áp dụng biện pháp « giam lỏng » là
      • Thai Châu (Taizhou),
      • Ôn Châu (Wenzhou)
      • và Ninh Ba (Ningbo).
    Liệu Thượng Hải, thành phố lớn thứ hai của Trung Quốc, chỉ cách Hàng Châu chưa đầy 200 km, sắp phải chịu những biện pháp tương tự ?

    Thị trưởng Ôn Châu, nói rõ :
    • « Người dân không được ra khỏi nhà trong vòng một tuần ».
    Ôn Châu có hơn 3 triệu dân và có hơn 170.000 người đi làm ở tỉnh Hồ Bắc, vùng dịch virus corona mới và về nhà ăn Tết nguyên đán. Trong số lao động đó, có thể rất nhiều người đã nhiễm virus corona mới và biến thành phố này thành địa phương bị nhiễm nặng nhất ngoài vùng ổ dịch Hồ Bắc.

    Một số nhân chứng ở Ôn Châu thuật lại đời thường của họ với nhật báo Le Monde.
    • Joss Van der Broek, một người Hà Lan 49 tuổi, chủ một nhà hàng ở Ôn Châu từ 9 năm nay, cho biết là đã 3 đêm, ông phải ngủ lại nhà hàng ở trung tâm thành phố. Dân làng nơi ông sinh sống, nằm ở ngoại ô, đã đóng mọi ngả đường, chỉ để mở một lối vào duy nhất, được người dân thay nhau canh gác trước rào chắn bằng tre. Họ để ông đi, nhưng cảnh báo « không thể cho ông vào làng ». Trong làng có rất nhiều người già.

      Hou Shenglie, một người dân khác sống ở Ôn Châu, cho Le Monde biết cả gia đình ông phải ở trong nhà. Ông được nhiều tờ giấy mầu hồng, kiểu « giấy thông hành », trên đó ghi : « Khu phố Doumen, giấy phép ra ». Giấy này chỉ được sử dụng một lần nên chính quyền địa phương khuyến cáo mỗi gia đình chỉ nên dùng một phiếu hai ngày một lần để đi chợ. Ngoài ra, theo ông Hou,
      • « các biện pháp kiểm tra được thực hiện rất chặt chẽ. Họ đang tách các khu dân cư trong thành phố ».


    Ở Hàng Châu, cũng tương tự, người dân nhận được giấy cho phép ra khỏi nhà hai lần mỗi tuần để đi chợ và mỗi nhà chỉ có một người được phép ra. Còn ở Thái Châu, xe mang biển số từ địa phương khác bị cấm vào thành phố, nếu lái xe không có giấy tờ hợp lệ cần thiết. Một số thành phố khác ở tỉnh Chiết Giang, như Thiệu Hưng (Shaoxing) hay Nghĩa Ô (Yiwu), cũng áp dụng những biện pháp tương tự.

    Trên mạng xã hội, nếu như một số người dường như chấp nhận bị hạn chế đi lại, một số khác thì lên án những biện pháp kiểu « chuyện đã rồi ». Khác với Vũ Hán, các thành phố ở Chiết Giang không báo trước các biện pháp cách ly. Ví dụ ở Ôn Châu, trong số 46 điểm vào thành phố, chỉ có 9 điểm được mở cửa và bị kiểm soát.

    Hàng triệu người lao động, về quê ăn Tết, giờ chờ đèn xanh của chính quyền để trở về nơi làm việc. Chính những đợt di chuyển lớn như thế này khiến giới chuyên gia lo ngại dịch bệnh lan truyền nhanh hơn, đặc biệt trong hệ thống giao thông công cộng ở những thành phố lớn.
    • Để cố hạn chế phần nào khả năng lây lan, kiểm tra thân nhiệt trở thành chuyện bình thường ở mỗi lối vào chung cư hay siêu thị.
    • Nhiều cơ quan hành chính ở Bắc Kinh cho phép công chức « từ nơi khác đến » làm việc tại nhà trong vòng hai tuần.

    Le Monde kết luận, ba thành phố ở tỉnh Chiết Giang đang trở thành phòng thí nghiệm cho một Trung Quốc, xây từng bức tường nhỏ ngăn cách, để dựng lên Vạn Lý Trường Thành ngăn dịch. Trong khi chưa dập tắt được dịch, chính phủ Trung Quốc
    • che giấu những lời chỉ trích
      và mở rộng tuyên truyền.
    Một chiến dịch được Le Figaro phân tích trong bài : « Virus corona : Tập Cận Bình mạnh tay kiểm duyệt ».




    Virus corona : Bao nhiêu ca được chữa khỏi ?

    Tính đến ngày 06/02/2020 đã có hơn 28.000 ca nhiễm virus corona mới được xác nhận.
              
    Nhưng có bao nhiêu ca được chữa khỏi ?

    Nhật báo Libération đặt câu hỏi, vốn cho đến nay vẫn ít được đề cập.

    Theo kết quả của một nhóm nghiên cứu, thuộc trường Đại học Johns-Hopkins ở Baltimore, Mỹ, có 910 người được chính thức chữa khỏi virus corona mới. Con số này lớn hơn tổng số người chết là 563, tính đến ngày 06/02.
              
    Riêng tại Pháp,
    6 người nhiễm virus corona mới
    vẫn chưa được chữa khỏi.

              
    Để có được số liệu trên, nhóm nghiên cứu của trường Đại học Johns-Hopkins đã dựa vào dữ liệu được 5 tổ chức cung cấp :
    1. Tổ Chức Y Tế Thế Giới,
    2. Ủy Ban Y Tế Quốc Gia Trung Quốc,
    3. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu,
    4. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ
    5. và DXY (cơ sở dữ liệu của các chuyên gia y tế Trung Quốc).

    Theo Tổng Cục Y Tế Pháp (DGS), một người bệnh được coi là được chữa khỏi khi đáp ứng được các « điều kiện khỏi bệnh » do WHO ấn định :
    • sau khi hết triệu chứng, bệnh nhân đó được thử mẫu nước bọt và niêm dịch
      và phải có kết quả « thử PCR âm tính trong vòng 24 giờ cách biệt ».





    Công xưởng thế giới đắp chiếu vì virus corona

    Theo nhật báo Le Figaro, về mặt chính thức, hàng trăm nghìn nhà máy ở Trung Quốc sẽ hoạt động trở lại vào ngày 09/02, hoặc chậm nhất là ngày 13/02 ở tỉnh Hồ Bắc. Thế nhưng, chưa có gì là chắc chắn.

    Truyền thông Trung Quốc đồng loạt chỉ trích việc một nhà máy dệt may ở miền nam mở cửa trở lại.
    Ông chủ nhà máy đang bị tạm giam.
    Chính quyền trung ương đưa ra chỉ thị rõ ràng : an ninh trước đã, kinh tế tính sau.

    Hiện chỉ có những nhà máy sản xuất trang thiết bị y tế và một số nông phẩm được phép hoạt động. Hàng loạt nhà máy gia công cho các tập đoàn quốc tế đành đắp chiếu cho đến khi có lệnh mới. Dịch virus corona đưa ra bằng chứng :
    • Trung Quốc vẫn là công xưởng của thế giới, cung cấp đến 20% sản lượng thế giới
    • và các nhà máy này cung cấp gần 1/3 GDP của Trung Quốc.

    Hệ quả,
    • Foxconn tạm ngừng cung cấp thiết bị cho Apple,
    • các nhà máy của Hyundai ở Hàn Quốc phải ngừng sản xuất vì thiếu thiết bị dây cáp được sản xuất ở Trung Quốc,
    • Tesla phải thông báo hoãn ngày ra mắt mẫu xe điện Model 3 ở Trung Quốc, được dự kiến vào đầu tháng Hai.
    Văn phòng IHS Markit thẩm định virus corona có thể sẽ làm giảm 1,7 triệu xe được sản xuất trong năm 2020.

    Những lĩnh vực khác như dệt may, điện thoại di động, đồ gia dụng… đều gặp vấn đề với các nhà cung cấp Trung Quốc vì dịch virus corona. Đối với một số tập đoàn lớn, đã đến lúc phải tìm đến giải pháp đa dạng hóa nguồn sản xuất.
    • Xiaomi đã chuyển một phần đơn hàng sang Việt Nam và Thái Lan.
    • Electrolux, phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc, đã lập một nhóm nghiên cứu để tìm những nhà cung cấp mới.





    http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/2 ... rus-corona
              
              
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Triều Tiên không tiếp nhận nhân viên ngoại giao nước ngoài vì virus corona

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           






    Triều Tiên
    không tiếp nhận nhân viên ngoại giao nước ngoài vì virus corona

    _______________________________________
    Ahn So-young _ 07/02/2020





              

    Nhân viên mặc quần áo bảo hộ và mang khẩu trang với bình phun thuốc sát trùng, tại sân bay Bình Nhưỡng, Triều Tiên, ngày 1/2/2020.

              


    Triều Tiên không tiếp nhận các nhà ngoại giao nước ngoài mới được cử đến Triều Tiên vào lúc nước này tăng cường các nỗ lực chế ngự virus corona. Bình Nhưỡng đã thông báo cho các tòa đại sứ về biện pháp này, theo thông tin từ tòa đại sứ Nga đăng lên Facebook và Twitter.

    “Các viên chức ngoại giao cũng như các nhân viên mới không được ra vào Triều Tiên,” thông báo trên Facebook ngày 4/2 cho biết.

    Tòa Đại sứ Nga nói thêm là Bình Nhưỡng cô lập 15 ngày đối với những nhân viên ngoại giao nước ngoài cần vào Triều Tiên không có lý do “cần thiết” rõ rệt. Sứ quán Nga cho biết thêm nếu họ rời nơi cô lập trước thời hạn 15 ngày, họ sẽ bị cô lập trở lại.




    Tăng cường các biện pháp

    Ông Ken Gause, giám đốc Chương trình Phân tích Đối thủ tại CAN, hôm 5/2 nói với đài VOA rằng Triều Tiên đang tăng cường các biện pháp để ngăn chặn virus xâm nhập vào nước này vì hệ thống y tế của họ không thể đối phó được với dịch bệnh bùng phát.

    “Khuynh hướng của họ là đóng cửa,” ông Gause nói tiếp. Ông nói thêm đáp ứng này là kiểu mẫu của Triều Tiên nơi giới lãnh đạo “biết là nếu lây nhiễm lọt vào trong nước thì sẽ khó mà ngăn chặn.”




    Ban hành các biện pháp cô lập

    Triều Tiên cũng áp dụng các biện pháp cô lập đối với các nhà ngoại giao và các nhân viên các tổ chức quốc tế làm việc tại nước này và giới hạn họ trong các tòa nhà của tòa đại sứ và những khu cư trú, theo Thông tấn xã Tass của Nga.

    Tass cho biết là Bình Nhưỡng cũng cấm người nước ngoài vào các khánh sạn và nhà hàng ở Triều Tiên.

    Các biện pháp mới được đưa ra sau khi Triều Tiên tạm thời
    • đóng cửa biên giới với Trung Quốc bắt đầu từ ngày 22/1
    • ngưng các chuyến bay và xe lửa tới lui Trung Quốc từ hôm thứ Sáu.





    Làm việc với Hàn Quốc

    Sau khi tham khảo với Hàn Quốc ngày 30/1, Bình Nhưỡng đóng cửa văn phòng liên lạc liên-Triều chung với Hàn Quốc tại thị trấn Kaesong nằm trên biên giới Triều Tiên. Tính đến ngày 5/2, Hàn Quốc báo cáo có 19 ca dương tính với virus corona.

    Triều Tiên tăng cường các biện pháp giữa lúc số lây nhiễm và tử vong vì virus mới gia tăng hàng ngày tại Trung Quốc. Chưa có báo cáo ca lây nhiễm nào tại Triều Tiên. Ông Gause nói
    • “Các nước chuyên chế thường có hạ tầng cơ sở y tế trống rỗng và khuynh hướng tự nhiên của họ là có hành động như thế.”





    Yêu cầu ‘tuân thủ tuyệt đối’

    Triều Tiên được cai trị bằng 3 thế hệ của triều đại Kim bằng sự kiểm soát chặt chẽ người dân kể từ năm 1945. Vào lúc chế độ phải đối phó với đe dọa của virus corona, Bình Nhưỡng kêu gọi người dân chứng tỏ “vâng phục tuyệt đối” những nỗ lực của họ, tờ báo chính thức của Triều Tiên Rodong Sinmun loan tin ngày 1/2.

    Vào ngày 5/2, Thông tấn xã trung ương của nhà nước Triều Tiên KCNA cho hay hành khách vào tỉnh Jagang và Bắc Hamgyong của Triều Tiên tại vùng biên giới phía Bắc sẽ được kiểm tra tại những chốt kiểm tra.




    ‘Trụ sở chống dịch bệnh khẩn cấp’

    Bản tin của KCNA cho biết chính phủ thành lập “những trụ sở chống dịch bệnh khẩn cấp” trên toàn quốc, “các tổ chức Đảng ở mọi cấp bậc và các giới chức y tế công cộng đang phát động một chiến dịch trong quần chúng làm việc để ngăn ngừa lây nhiễm virus corona.”

    Ông Robert Manning, nhà nghiên cứu kỳ cựu tại Hội đồng Đại Tây Dương nói: “Tôi nghĩ dễ dàng cho một chế độ chuyên chế như Triều Tiên có những biện pháp ngay tức thì và chặt chẽ.”

    Ông nói thêm, “Nhưng tôi cho rằng những nỗ lực của họ đáp ứng với đại dịch không khác gì so với những nỗ lực của Hoa Kỳ.”





    https://www.voatiengviet.com/a/tri%E1%B ... 77705.html
              
              
Trả lời

Quay về “Sức khỏe - Thực phẩm”