Dịch Covid-19 (SARS-CoV-2 / 2019-nCoV)

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Virus corona: Trung Quốc và tổng giám đốc WHO phải chịu trách nhiệm về đại dịch

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           






    Virus corona:
    Trung Quốc và tổng giám đốc WHO phải chịu trách nhiệm về đại dịch

    _______________________________________
    Thụy My _ 23 tháng 3 2020



              

    Nhiều người chỉ trích lãnh đạo WHO quỵ lụy trước Trung Quốc.
    Ảnh chụp tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom (T) gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tại Bắc Kinh,
    ngày 28/01/2020. Naohiko Hatta / AFP

              



    • Giờ đây, gần 1 tỉ người trên hành tinh đang chịu cảnh phong tỏa.
    • Con virus Vũ Hán đã làm cho gần 336.000 người bị lây nhiễm trên toàn thế giới,
    • gần 15.000 người chết.
    The Hill nhấn mạnh,
  • tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus,
  • cũng như chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, phải chịu trách nhiệm về đại dịch này.

    Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) rốt cuộc cũng đã phải gọi nạn dịch virus corona chủng mới từ Vũ Hán, Trung Quốc nhanh chóng lan tràn trên toàn thế giới là « đại dịch ». Giờ đây, gần 1 tỉ người trên hành tinh đang chịu cảnh phong tỏa. Con virus Vũ Hán đã làm cho gần 336.000 người bị lây nhiễm tại 192 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã có gần 15.000 người chết. Câu hỏi đặt ra là
              
    tại sao WHO lại mất nhiều thời gian đến thế
    để hiểu được vấn đề mà nhiều viên chức ngành y tế và trong các chính phủ đã nhận ra từ rất lâu trước đó?


    Hai tác giả Bradley A. Thayer, giáo sư đại học Texas-San Antonio và Hàn Liên Triều (Lianchao Han), phó chủ tịch tổ chức Lực lượng Công dân, trên tờ The Hill nhấn mạnh, tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, cũng như chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, phải chịu trách nhiệm về cách xử lý tệ hại trong đại dịch làm cho người chết như rạ này.

    Tedros đã nhắm mắt làm ngơ trước những gì diễn ra tại Vũ Hán và những nơi khác ở Trung Quốc. Sau khi gặp Tập Cận Bình ở Bắc Kinh hồi tháng Giêng, ông tổng giám đốc WHO còn giúp Trung Quốc khỏa lấp sự trầm trọng, mức độ lây lan và tầm cỡ của nạn dịch virus corona chủng mới.

    Ngay từ đầu, ông Tedros đã bênh vực Trung Quốc, bất chấp cách xử trí vô cùng tệ hại của Bắc Kinh trước nạn dịch siêu lây nhiễm này. Trong khi số trường hợp tử vong tăng vùn vụt, Tổ chức Y tế Thế giới phải mất nhiều tháng trời mới ra tuyên bố Covid-19 là đại dịch, cho dù các tiêu chí về lây nhiễm từ người sang người, tỉ lệ tử vong cao và đã lây lan khắp thế giới đều đã hội đủ.

    Khi tổng thống Mỹ Donald Trump tiến hành một bước quan trọng để ngăn chận con virus Vũ Hán vượt qua biên giới Hoa Kỳ, với việc cấm du hành vào ngày 31 tháng Giêng, Tedros nói rằng
    • cấm đoán đi du lịch các nơi và những hạn chế khác là không cần thiết cho việc chấm dứt nạn dịch.
    • Rằng điều này có thể « làm tăng sự sợ hãi và kỳ thị, mà không có mấy lợi ích cho sức khỏe cộng đồng ».
    Ông ta cảnh báo,
    • sự can thiệp vào vận chuyển và thương mại có thể gây hại cho nỗ lực giải quyết khủng hoảng,
    • và khuyên các nước khác không nên theo gương Hoa Kỳ.


    Thay vì tập trung vào nỗ lực chống lại đại dịch trên toàn cầu, Tedros lại chính trị hóa cuộc khủng hoảng, và giúp cho Tập Cận Bình trốn tránh trách nhiệm về một loạt những hành động sai trái trong việc giải quyết nạn dịch. Ông tổng giám đốc sử dụng phương tiện của WHO để bênh vực cho các hành động vi phạm nhân quyền trầm trọng của chính quyền Trung Quốc.

    Chẳng hạn, từ khi phát hiện ra ca đầu tiên vào tháng 11 cho đến khi phong tỏa thành phố Vũ Hán, và ngay cả đến tận bây giờ, Trung Quốc vẫn gian trá về nguồn gốc và sự lây lan của con virus. Những ai cố gắng tìm hiểu sự thật đều bị bắt hoặc mất tích, những báo cáo và bài viết của họ trên mạng bị xóa sạch.
    • Trung Quốc thông tin không đầy đủ và dối gạt thế giới,
    • còn Tedros cũng tham gia nỗ lực này qua việc công khai ca ngợi « sự minh bạch » của Bắc Kinh trong cuộc chiến chống nạn dịch lây lan.


    Khi Tập Cận Bình ra lệnh cho các quan chức y tế Trung Quốc gia tăng phát triển thuốc bằng cách sử dụng « đông y cổ truyền trên cơ sở thảo dược Trung Quốc phối hợp với tây y », tài liệu chính thức của Tổ chức Y tế Thế giới mang tên « Hỏi đáp về virus corona (Covid-19) » đã có sự thay đổi khéo léo.

    Cư dân mạng Trung Quốc nhận ra có sự khác biệt giữa bản tiếng Hoa và bản tiếng Anh về danh sách những biện pháp không hiệu quả để chống con virus Vũ Hán.
    • Phiên bản Anh ngữ liệt kê bốn loại hành vi :
      • hút thuốc,
        mang nhiều lớp khẩu trang,
        dùng thuốc kháng sinh
        và thảo dược truyền thống.
    • Nhưng trong bản tiếng Hoa không nêu ra việc sử dụng đông dược!

    Gần đây Bắc Kinh hứa hẹn sẽ chi 20 triệu đô la để giúp Tổ chức Y tế Thế giới chống lại dịch virus corona, và ông Tedros đã cảm ơn Tập Cận Bình. Nhưng hai tác giả bài viết ghi nhận mối quan hệ giữa Trung Quốc và quê hương của ông Tedros là Ethiopia. Đất nước này nay được mệnh danh là « Tiểu Trung Quốc » của Đông Phi, vì đã trở thành đầu tàu lan tỏa ảnh hưởng Trung Quốc, và là mũi nhọn của Sáng kiến Vành đai & Con đường tại châu Phi. Trung Quốc đã đầu tư ồ ạt vào Ethiopia.

    Tedros được bầu làm tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới năm 2017, mặc dù ông xuất thân từ ngành sinh học chứ không phải là bác sĩ, không hề có kinh nghiệm quản lý y tế toàn cầu. Nguyên là bộ trưởng y tế và ngoại trưởng Ethiopia, Tedros là thành viên của Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray (TPLF). Đảng chính trị này lên nắm quyền sau những biến động năm 1991 và bị cho vào cơ sở dữ liệu khủng bố toàn cầu.

    Sau khi trở thành người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới, Tedros bị chỉ trích vì các nỗ lực để bổ nhiệm nhà độc tài Robert Mugabe làm đại sứ thiện chí của WHO, bất chấp những vi phạm nhân quyền của tổng thống Zimbabwe và sự xuống dốc của hệ thống y tế nước này (bản thân ông Mugabe cũng phải sang Singapore chữa bệnh).

    The Hill kết luận, đại dịch virus Vũ Hán đã chứng tỏ ông Tedros không phù hợp với chức vụ người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới. Bởi vì dưới sự lãnh đạo của ông, thế giới có thể đã mất đi cơ hội chặn đứng nạn dịch hoặc giảm bớt sự hoành hành của nó.

    Giờ đây con số người nhiễm bệnh không ngừng tăng lên trên khắp thế giới và chẳng biết đến bao giờ mới dừng lại, nhiều quốc gia đã phải tự phong tỏa, nhiều người vô tội đã mất mạng vì thảm họa virus Vũ Hán. Với tư cách tổng giám đốc WHO, ông Tedros phải chịu trách nhiệm về sự quản lý tồi tệ của mình.

    Về phía Trung Quốc thì ra sức tung hỏa mù để « viết lại lịch sử » về đại dịch virus Vũ Hán.
    • Sau khi lan truyền giả thiết con virus này đến từ…Mỹ hay từ Nhật Bản,
    • đến lượt nước Ý đang tang tóc bị tờ báo hung hăng nhất của đảng Cộng Sản Trung Quốc là Global Times đổ tội. Hôm 22/03/2020 tờ này viết:
      • « Tại Ý có thể đã xuất hiện chứng viêm phổi không thể giải thích được vào đầu tháng 11 và 12/2019, rất đáng nghi là triệu chứng của Covid-19 ».

    Chuyên gia Valérie Niquet bình luận trên Twitter:
    • « Ý đã mở đường bay trực tiếp tới Vũ Hán,
      và cho phép công dân Trung Quốc đến Ý sinh sống và làm việc trong các nhà xưởng.
    • Hiện nay có hơn 300.000 người Trung Quốc sống tại Ý, theo Fortune Magazine, và hơn 90% trong số đó làm trong ngành may mặc.
      Đó là lý do khiến tình hình miền bắc Ý trở nên tồi tệ nhất.
    • Và nay thì Trung Quốc bắt đầu đổ cho Ý là nơi có ca đầu tiên từ tháng 11.
      Vâng, có lẽ thế, trường hợp đầu tiên có thể được nhập khẩu từ Trung Quốc, thông qua việc làm ăn và thăm thân nhân giữa cộng đồng người Hoa đông đảo này với quê quán của họ ở Trung Quốc ».





    http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/2 ... E1%BB%8Bch
              
              
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Covid-19: Nga quảng bá rầm rộ về viện trợ quân sự giúp Ý chống dịch

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           






    Covid-19:
    Nga quảng bá rầm rộ về viện trợ quân sự giúp Ý chống dịch

    _______________________________________
    Tú Anh | Thu Hằng _ 23 tháng 3 2020



              

    Một đơn vị quân y Nga, chuyên đối phó với dịch, chuẩn bị lên máy bay đến Roma, ngày 22/03/2020. ALEXEY ERESHKO / RUSSIAN DEFENCE MINISTRY / AFP

              



    Chính quyền Nga thông báo viện trợ quân sự cho Ý vào tối thứ Bảy, 21/03/2020, và ngay lập tức quảng bá rộng rãi hoạt động này với công luận toàn thế giới. Máy bay quân sự Nga đã bay sang Roma. Trong những ngày kế tiếp, 100 quân y sĩ và y tá chuyên môn dịch tễ sẽ đến sau. Vì sao Matxcơva làm ồn ào ?

    Từ Matxcơva, thông tín viên Paul Gogo tường thuật:
    • "Các thông báo của bộ Quốc phòng Nga liên tục rơi vào hộp thư điện tử của các thông tín viên quốc tế làm việc tại Matxcơva. Nước Nga viện trợ quân sự cho nước Ý chống dịch Covid-19 và điện Kremlin muốn mọi người biết việc làm này.

      Đề nghị của Nga được Ý chấp thuận vào đêm thứ Bảy trong cuộc điện đàm giữa bộ trưởng Quốc phòng hai nước. 100 quân nhân Nga và 9 máy bay vận tải sẽ đáp xuống căn cứ không quân Ý ở Pratica de Mare ở phía nam thủ đô Roma. Bộ Quốc Phòng Nga còn cung cấp cho báo chí sơ yếu lý lịch đầy ấn tượng của 100 chuyên gia quân y này: từng tham gia chiến dịch chống dịch heo châu Phi, tham gia chế tạo vac-xin chống dịch Ebola và dịch hạch. Bên cạnh các quân y sĩ này còn có một khối lượng dụng cụ y tế khử trùng xe cộ.

      Trợ giúp của Nga cũng như của Trung Quốc không phải là không có dụng ý. Bởi vì tại nước Nga, chính quyền khẳng định là đã khống chế được Covid-19, trong khi trong giới y tế, nhiều bác sĩ phủ nhận các số liệu chính thức. Tuy nhiên, vì Châu Âu đang bối rối trong tình trạng khẩn cấp, tại Mỹ, Donald Trump cũng đang chật vật đối phó với siêu vi Corona, nên Matxcơva không bỏ lỡ cơ hội tốt đánh lá bài kép, vừa nhân đạo vừa ngoại giao".





    Bác sĩ Cuba đến hỗ trợ Ý

    Đoàn chuyên gia Cuba đã đến vùng Lombardia để giúp Ý chống dịch virus corona. Dù là sứ mệnh tương ái, nhưng những nhiệm vụ y tế ở nước ngoài vẫn là nguồn thu ngoại hối chính của chính quyền La Habana. Thông tín viên RFI Domitille Piron ở La Habana cho biết thêm :

    • « Họ có 52 người, chủ yếu là nam giới, độ tuổi trung bình là 49, đã rời La Habana hôm thứ Bẩy 21/03/2020 để đến vùng Lombardia. Trên giấy tờ, những bác sĩ và y tá này đều là tình nguyện viên và họ sẽ ở lại Ý ba tháng. Họ sẽ phối hợp với các đồng nghiệp Trung Quốc và Ý tại bệnh viện mới ở Bergame. Những nhân viên y tế Cuba này có lợi thế kinh nghiệm, phần lớn từng tham gia chống dịch Ebola ở châu Phi.

      Vậy điều gì khích lệ họ đến Ý ?
      Đó là tinh thần tương ái sâu sắc, theo giải thích của một bác sĩ :
      • 'Dĩ nhiên chúng tôi đều sợ, nhưng chúng tôi phải hoàn thành sứ mệnh cách mạng, chúng tôi gác sợ hãi sang một bên, chúng tôi không phải là những siêu anh hùng gan dạ, chúng tôi là những bác sĩ Cách mạng".

      Ý là nước châu Âu đầu tiên cầu viện Cuba hỗ trợ y tế trong dịch Covid-19. Còn Cuba đã gửi hơn 300 nhân viên y tế đến năm nước vùng Caribê và Trung Mỹ.

      Trong khi đó, tại Cuba, một số người dân thắc mắc :
      • Ai sẽ chăm sóc họ khi virus corona mới lây nhiễm trong cộng đồng ?
      Hiện tại, bộ Y Tế Cuba thông báo có 35 người nhiễm virus corona, một du khách Ý bị chết và có 950 ca nghi nhiễm đang được theo dõi ở bệnh viện. Chưa một biện pháp phong tỏa nào được Cuba đưa ra. Trường học, các cửa hàng, cửa hiệu và nhà hàng vẫn mở cửa. Tuy nhiên, Cuba đã đóng cửa biên giới đối với du khách, khoảng 60.000 khách nước ngoài đã phải rời khỏi hòn đảo ».




    http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1% ... E1%BB%8Bch
              
              
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Đại dịch covid-19: Một cơ hội hiếm có để xét lại tiến trình toàn cầu hoá hiện nay

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           






    Đại dịch covid-19:
    Một cơ hội hiếm có để xét lại tiến trình toàn cầu hoá hiện nay

    _______________________________________
    Trọng Thành _ 24 tháng 3 2020



              

    Hubert Védrine. © RFI/Sébastien Bonijol@

              



    Đại dịch virus corona đang làm đảo lộn hành tinh. Điều chưa từng thấy kể từ Thế chiến thứ hai. Hàng chục quốc gia thực thi chính sách phong toả toàn bộ hoặc một phần với hy vọng hãm đà bùng phát của dịch. Phong toả là cần thiết, nhưng không thể kéo dài. Vác-xin cũng không thể sớm có. Để tránh dịch bùng trở lại sau thời kỳ phong toả, xã hội hiện nay cần nhiều thay đổi triệt để.

    Trong bài trả lời phỏng vấn Le Figaro hôm 22/03/2020, cựu ngoại trưởng Pháp Hubert Védrine đặc biệt chỉ ra rằng chính tiến trình toàn cầu hoá, với hai đặc điểm tiêu biểu là
    1. giới tài chính được rảnh tay mặc sức làm mưa làm gió,
    2. và sản xuất công nghiệp được bố trí tại những nơi giá nhân công rẻ mạt nhất,
    đã là một cội nguồn căn bản dẫn đến cuộc khủng hoảng virus corona hiện nay.
    • Du lịch thương mại hoá cũng bị điểm mặt là một nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng.
    Nhận định về cội nguồn sâu xa của đại dịch, Hubert Védrine đề xuất những hướng đi cho tương lai, để cho các xã hội, trước hết là các xã hội phương Tây, tránh rơi vào vết xe đổ.

    RFI giới thiệu cuộc phỏng vấn của Le Figaro với cựu ngoại trưởng Pháp, mang tựa đề ‘‘Đại dịch virus corona đang khiến nhiều niềm tin sâu xa tan thành tro bụi’’. Phỏng vấn do nhà báo Anne Fulda thực hiện.

    ***

    Le Figaro :
    • Theo ông, cuộc khủng hoảng virus corona cho thấy điều gì trên phương diện quốc tế ?

    Huber Védrine:
    • Cuộc khủng hoảng toàn cầu đang diễn ra, điều chưa từng có kể từ thời kỳ các cuộc chiến tranh thế giới, cho thấy hoặc xác nhận một sự việc là:
      • hiện tại vẫn chưa có một cộng đồng quốc tế thực sự,
        hoặc cộng đồng quốc tế chưa được chuẩn bị để đối mặt với một đại dịch toàn cầu.
      Bill Gates và nhiều chuyên gia quân sự đã nói về chuyện này, kể từ dịch Ebola. Chúng ta biết rằng, cho đến nay, tiến trình toàn cầu hoá về cơ bản - trong nhiều thập niên qua - là tiến trình dỡ bỏ các chế ước đối với giới tài chính và việc bố trí các nhà máy, công xưởng tại những nơi nào có giá nhân công thấp nhất, như tại Trung Quốc, và một số quốc gia đang trỗi dậy (với khẩu hiệu ‘‘chuỗi giá trị’’ rất được cổ vũ), mọi vấn đề khác chỉ là thứ yếu….
      • Chúng ta thấy, không tồn tại các hệ thống đa phương thực sự có khả năng hành động hiệu quả (từ Liên Hiệp Quốc, đến Tổ Chức Y Tế Thế Giới - WHO, từ G7 đến G20…).
      • Và chúng ta cũng thấy Liên Hiệp Châu Âu… đã được hình dung như một thế giới lý tưởng, một thế giới không phải đương đầu với bi kịch.
      • Chúng ta cũng từng biết là đã có nhiều phong trào phản kháng, mang tính thường trực, thu hút đông đảo người tham gia và đầy thách thức, nhưng chính cuộc khủng hoảng hiện nay mới cho thấy rõ thực trạng này.



    • Việc Liên Âu thúc thủ, Trung Quốc giang tay giúp nước Ý, với việc gửi trang thiết bị y tế… phải chăng đó cũng là một dấu hiệu cho thấy có một chuyển biến lớn đang diễn ra?
    • Hoàn toàn đúng như vậy, nhưng thực ra điều này đã diễn ra từ khá lâu, cho dù các cường quốc có vị thế, các nước phương Tây, đã cố gắng cưỡng lại tiến trình này, và họ có các thế mạnh trong tay. Trung Quốc là siêu cường hàng đầu, và Bắc Kinh không còn che giấu điều này. Chúng ta hãy xem quy mô khổng lồ và tham vọng của dự án Con đường tơ lụa mới, và đồng thời cả cách truyền thông mang tính bề trên của Trung Quốc, cũng như của chúng ta. Cũng đừng nên trách Trung Quốc đã tìm lấy cái lợi cho họ trong tiến trình toàn cầu hoá hiện nay. Chính chúng ta, châu Âu chúng ta, cần phải tự hỏi mình,
      • về chiến lược của mình,
        về sự ngây thơ của mình.
      Đây là điều rất khó khăn với người châu Âu, vốn vẫn còn tự coi mình như là lực lượng tiên phong của nền văn minh nhân loại. Tuy nhiên, đã có một thay đổi, về châu Âu, Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu vừa quyết định chi ra hơn 1.000 tỉ euro (tương đương 9% GDP), và Uỷ Ban Châu Âu quyết định ‘’đình chỉ toàn bộ’’ các quy định khống chế chi tiêu công! Đây là cơ sở cho sự trỗi dậy của một châu Âu mới!



    • Cuộc khủng hoảng hiện nay cũng phơi bày một tình trạng dễ tổn thương, bị coi nhẹ hoặc không được nhận ra, cho đến nay: cụ thể là sự phụ thuộc về mặt kinh tế của Pháp, về một số sản phẩm mang tính chiến lược, như dược phẩm…
    • Đúng, và điều này không chỉ liên quan đến nước Pháp. Trong thế giới của nền kinh tế thị trường toàn cầu hiện nay, không chỉ là do ‘’ý thức hệ của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới’’, thì gần như không còn thứ gì được coi là chiến lược, ngoài lĩnh vực thuần tuý quân sự. Điều này cũng đi liền với việc việc chủ quyền của các Nhà nước và vai trò của Nhà nước bị hạ thấp một cách ầm ĩ, một cách thái quá, một cách phi lý.



    • Phải chăng là một quan niệm về toàn cầu hoá đang có nguy cơ bị xem xét lại một cách nghiêm túc ?
    • Có rất nhiều sự mù quáng, sự phóng đại, những thói tật sai lầm cần phải được xem xét lại. Cho dù một số người sẽ cố gắng ngăn cản việc này. Trong số những điều đó, hiển nhiên là có quan điểm về một tiến trình toàn cầu hoá mang lại hạnh phúc… Hạnh phúc ư? Đúng là, trong một giai đoạn nhất định, toàn cầu hoá đã từng được coi là như vậy, đối với những người nghèo tại các quốc gia nghèo, và những người giàu tại các quốc gia giàu. Cho đến khi mà sự thất vọng của các tầng lớp dân nghèo và trung lưu của các quốc gia phát triển biến thành nỗi thất vọng và chủ nghĩa dân tuý.
      Tuy nhiên, bên ngoài chuyện đó, phải chăng là chính lối sống vô tư lự, coi khoái lạc là trên hết, cá nhân chủ nghĩa và vui thú hội hè - dường như đã trở thành cái quyền căn bản nhất trong nhân quyền (với một số người, quyền đó còn cao hơn cả quyền tự do ngôn luận) - đang bị xem xét lại ? Chính lối sống này, đối với toàn bộ hay một phần nhân loại, là nguồn gốc của thói quen di chuyển liên tục, không giới hạn, không bị cản trở, một sự chuyển động hỗn loạn. Với các cuộc du hành không ngừng nghỉ của giới làm ăn, du lịch đại chúng (1,4 tỉ khách du lịch trong năm 2019), chúng ta có tổng cộng 4 tỉ cuộc đi lại vào năm 2017, và khoảng 8 tỉ ‘‘được trông đợi’’ vào năm 2035 (như dự đoán, trước đại dịch).

      Cũng cần phải xem xét lại nền kinh tế ''sòng bạc’’ tài chính toàn cầu, hoàn toàn không bị giới hạn (điều mà Obama đã bắt đầu làm và Trump đã huỷ bỏ), và các '‘chuỗi giá trị’’, tức các hoạt động sản xuất được rải ra trên khắp thế giới, được coi là mang lại hiệu quả tối ưu, nhưng hàng hoá sản xuất ra lại không bao gồm những cái giá phải trả về mặt sinh thái. Nếu chúng ta không cố tình tự bịt mắt mình, thì toàn bộ những điều này sẽ không chỉ đặt lại vấn đề về lối sống, mà cả về toàn bộ một nền văn minh: Nền văn minh của chúng ta. Quả là kinh hoàng !



    • Trong số các tín điều bị tan vỡ với cuộc khủng hoảng này, phải chăng cũng có cả một tín điều - cho đến nay vẫn được coi là bất di, bất dịch và liên quan đến Liên Hiệp Châu Âu - tín điều về việc mở tung các đường biên giới ?
    • Tín điều này vốn đã bị thách thức nghiêm trọng trong nội bộ khối Schengen, với làn sóng nhập cư cách đây ít nay, là hệ quả của cuộc chiến tranh tại Syria. Tuy nhiên, cú sốc virus corona đang làm tan thành tro bụi khá nhiều tập quán tư duy, ý thức hệ và những niềm tin vốn được coi là bắt rễ sâu sắc. Điều gây ngạc nhiên là việc tự do đi lại trong nội bộ châu Âu đã trở thành một biểu tượng tuyệt đối về chính Liên Âu. Trên thực tế, các thoả thuận Schengen chỉ được khởi động từ năm 1985 (trong lúc Hiệp ước Roma có từ năm 1957). Thoạt tiên, đó chỉ là một sáng kiến khiêm tốn - và thông minh - từ phía các bộ trưởng phụ trách vấn đề châu Âu của một số quốc gia thành viên. Rồi dần dần, theo năm tháng, điều này đã trở thành một yếu tố trung tâm (trong đời sống của châu Âu), nhưng cũng đáng tiếc là gắn liền với nó là một sự khinh suất tội lỗi liên quan đến đường biên giới bên ngoài của khối Schengen, do ý thức hệ về ‘‘một chủ nghĩa không biên giới’’. Bởi vào lúc đó, người ta cho rằng các thoả thuận quốc tế về nhân đạo và về kinh tế cũng sẽ mở rộng ra mãi mãi. Tương tự như trước đây, người ta đã từng đi truyền giáo, từng thực dân hoá, từng khai hoá văn minh, người ta đã từng tin tưởng là thế giới sẽ mở toang. Có thể nói đây là một lối hành xử cùng một lúc vừa đầy xúc cảm, vừa gây thiện cảm, vừa ngây thơ, nhưng cũng vừa ngạo mạn. Hệ quả là, hiệp định Schengen, tự do đi lại, đã trở thành biểu tượng cho chính châu Âu. Việc từ bỏ đường biên giới đã trở thành một thứ tín điều mang tính tôn giáo, không được phép nghi ngờ. Sylvain Tesson (nhà văn, nhà du hành người Pháp) đã hoàn toàn có lý khi tuyên bố (trên Le Figaro ngày 20/03 vừa qua):
      • ‘‘Ai phản đối, về mặt tinh thần, cái tôn giáo của việc tự do lưu thông, người đó là đồ chó má. Bức tường là hiện thân của cái ác’’.
      Tuy nhiên, toàn bộ lối nghĩ đó đã bị lay chuyển dữ dội bởi những gì đang diễn ra. Kể từ đây, chúng ta cần phải học cách quay lại với tinh thần thực tiễn.



    • Cần rút ra những bài học nào từ đại dịch đang diễn ra? Liệu chúng ta có thể hy vọng một ‘‘thế giới mới’’ trỗi dậy sau cuộc khủng hoảng này?
    • Sẽ có nhiều bài học rút ra và nhiều thay đổi cần thực hiện. Dĩ nhiên, sẽ có các thế lực rất mạnh trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và xã hội đòi hỏi quay trở lại với nếp sống ‘'bình thường’’, đặc biệt nếu như các điều trị của Hàn Quốc và của bác sĩ Raoult (với chloroquine) ra hiệu quả. Tuy nhiên, không nên nhường bước cho các đòi hỏi như vậy, sau giai đoạn phong toả.
      • Bắt đầu bằng yêu cầu tiếp tục duy trì các hành vi tạo khoảng cách an toàn phòng dịch (gestes barrières de précaution).
      • Tiếp theo đó, phải tiến hành xem xét kỹ lưỡng toàn bộ những gì cần sửa chữa hay từ bỏ trên cấp độ quốc tế, châu Âu, quốc gia, về mặt khoa học, về mặt hành chính, về mặt tập thể cũng như về mặt cá nhân.
      • Cần phải lập ra một hệ thống hợp tác quốc tế liên chính phủ có khả năng hành động - đáng tin cậy hơn là một ‘‘cơ chế điều hành toàn cầu’’ hữu danh vô thực như hiện nay - để phát hiện ngay lập tức các nguy cơ, báo động và tổ chức các biện pháp phòng ngừa và các phương thức xử lý đối với các đại dịch trong tương lai.
      • Cũng cần phải làm rõ các điều kiện có thể dẫn đến sự xuất hiện các bệnh dịch truyền nhiễm, từ động vật sang người. Cần phải duyệt xét lại toàn bộ hệ thống của Liên Hiệp Quốc - Breton Woods - G7 - G20, v.v.
      • Cũng đồng thời cần sinh thái hoá mọi lĩnh vực: Từ nông nghiệp đến công nghiệp thực phẩm, các ngành công nghiệp (bao gồm công nghiệp hoá chất), giao thông, xây dựng, năng lượng, các phương pháp tính toán về kinh tế vĩ mô (loại hình GDP).
      Tất cả những điều này sẽ dẫn đến việc kéo trở lại nhiều hơn các dòng lưu thông kinh tế về với các nền kinh tế mang tính khu vực. Làm sao để cho hoạt động sản xuất và nền kinh tế nói chung trở nên xoay vòng (có nhiều sản phẩm tái chế hơn, ít rác thải hơn). Tất cả những điều đó sẽ dẫn đến sự thay đổi lớn của nền nông nghiệp và nông nghiệp thực phẩm trong vòng 10 hay 15 năm nữa. Xu thế sinh thái hoá này sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong giao thông, và trong nhiều lĩnh vực khác. Tất cả những chuyện này đã khởi sự, tại các quốc gia phát triển nhất, nhưng sẽ cần phải được tăng tốc và phổ biến rộng rãi.



    • Phải chăng thực hiện tất cả những hướng đi, mà ông vạch ra, bao hàm việc chúng ta phải thay đổi triệt để lối sống của mình?
    • Ồ! Dù không cần phải trở về với cuộc sống thời Pascal (triết gia, nhà toán học Pháp thế kỉ XVII Blaise Pascal), nhưng rõ ràng chúng ta cũng cần phải giảm bớt thói quen dịch chuyển thường xuyên! Nhưng mà ai có thể làm được điều đó? 7 tỉ thành viên của nhân loại hiện nay chắc chắn sẽ không thể trở lại với lối sống của những người săn bắt - hái lượm xưa kia, suốt đời sống quanh quẩn tại một nơi. Di chuyển nhiều đã trở thành bản tính của nhân loại thế kỷ XXI. Những ai bị loại trừ cũng chỉ mong được hưởng quyền lợi này.
      Tuy nhiên, ta có thể sẽ phải ý thức rõ về các thảm hoạ do du lịch đại chúng thương mại hoá (đừng đồng nhất phương thức du lịch này với những cuộc du hành). Thắng cảnh Dubrovnik (Croatia), hòn đảo Santorin (Hy Lap), hay khu đền Angkor (Cam Bốt) đã từng là các nạn nhân, và sắp tới sẽ là thành phố Venise (Ý). Phải chăng chúng ta thực sự cần đến con số 100 triệu khách du lịch tại Pháp? Và '‘với bất cứ giá nào’’?
      Diễn đạt nói trên có thể hàm nghĩa là sẽ có các khoản thu nhập thiếu hụt cần được bù lấp.



    • Một số người đã cổ vũ cho việc phi toàn cầu hoá về năng lượng, ông nghĩ gì về việc này…
    • Chúng ta nên nói đến việc '‘phi các-bon hoá’’. Tôi cũng xin nhắc lại là nước Pháp được hưởng loại năng lượng phi các-bon, nhiều nhất trong số các nước phát triển (nhờ năng lượng hạt nhân). Ta có thể hình dung là điều đó trước hết cho phép giảm từ từ năng lượng than (vấn đề là làm thế nào để thuyết phục được Trung Quốc, Ấn Độ, Ba Lan và Đức về điều này?) và tiếp tục theo đuổi hạt nhân - loại năng lượng không phát thải - cho đến khi nào chúng ta có được phương tiện để dự trữ được điện, do các năng lượng tái tạo sản xuất ra, với giá thành hợp lý.




    • Thế còn châu Âu? Châu Âu có thể rút ra được những bài học nào từ cuộc khủng hoảng này?
    • Châu Âu sẽ phải tiếp tục và có thể tìm thấy, với cuộc khủng hoảng đặc biệt này, các phương tiện để tự giải thoát được khỏi một số trói buộc và những khuyết tật mang tính hệ thống, bằng cách phối hợp một cách tốt hơn
      • chủ quyền quốc gia - cần được bảo tồn,
      • và chủ quyền châu Âu - cần được cụ thể hoá,
      theo nguyên tắc phụ trợ (la subsidiarité), thẩm quyền được trao cho cấp nào có khả năng hành động hiệu quả hơn.



    • Ông nghĩ thế nào về cách thức tổng thống Emmanuel Macron xử lý cuộc khủng hoảng này? Về ngôn từ mang tính chiến tranh của ông ấy, về lời kêu gọi ‘‘hãy đọc sách’’ của tổng thống Macron?
    • Chiến tranh (chống đại dịch) ư? Rõ ràng là như vậy!
      Đọc ư? Nếu như người ta nghe lời ông ấy!
      Nhưng ông ấy cũng đã nói ‘‘sau đây sẽ không còn điều gì như trước nữa’’. Rộng hơn mà nói, cuộc khủng hoảng hiện nay mang lại thêm các phương tiện hành động cho
      • những người ‘‘bị toàn cầu hoá’’
        trong cuộc đối đầu với ‘‘những người tổ chức cuộc toàn cầu hoá’’
      hiện nay, mang lại các phương tiện cho phía
      • những người có thẩm quyền lập ra các quy tắc (cho quá trình toàn cầu hoá)
        trong cuộc đối đầu với phía những người phá bỏ các quy tắc, những kẻ vô trách nhiệm.
      Điều khẩn cấp trước mắt hiện này lẽ dĩ nhiên là
      • phải chấm dứt dịch bệnh
      • và tránh cho nền kinh tế bị suy sụp (và kèm theo đó là sự suy sụp của xã hội).
      Tuy nhiên, mọi người cũng trông đợi ở tài nhạc trưởng của tổng thống Emmanuel Macron, trong giai đoạn sau đó (giai đoạn hậu phong toả, và sau khi đại dịch lui bước), trên tất cả mọi cấp độ. Và đây chính là một cơ hội lịch sử.





    http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1% ... -%E1%BB%B5
              
              
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Chuyên gia Pháp : Bắc Kinh viện trợ để làm quên nguồn gốc virus Vũ Hán

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           






    Chuyên gia Pháp :
    Bắc Kinh viện trợ để làm quên nguồn gốc virus Vũ Hán

    _______________________________________
    Thụy My _ 24 tháng 3 2020



              

    Phái đoàn Trung Quốc mang khẩu trang đến giúp Hy Lạp chống dịch,
    ngày 21/03/2020. © REUTERS/Alkis Konstantinidis

              
  • Trung Quốc chi viện chỉ một phần rất nhỏ sản lượng khẩu trang của mình nhưng tuyên truyền rầm rộ, hành động song phương để làm nổi bật vai trò Bắc Kinh.
  • Điều nghịch lý là viện trợ của Hoa Kỳ cao gấp 10 đến 100 lần so với Trung Quốc. Việc chính quyền Trump không quảng bá gì là một sai lầm cực lớn.

    Chuyên gia về châu Á François Godement của Viện Montaigne khi trả lời phỏng vấn của báo La Croix ngày 24/03/2020 đã nhận định,
    • việc Trung Quốc tuyên truyền rầm rộ khi giúp đỡ một số nước về y tế trong đại dịch virus corona, là nhằm làm quên đi xuất xứ của con virus Vũ Hán.



    • Trung Quốc gởi thiết bị y tế đến châu Âu để giúp chống dịch. Phải chăng để chứng tỏ « quyền lực mềm » của Bắc Kinh, vốn luôn tìm cách xuất hiện như một mạnh thường quân giàu lòng vị tha ?
    François Godement:
    • Phương diện đầu tiên của sự trợ giúp này là lợi ích rất cụ thể của nó :
      • giờ đây ai có thể từ chối các khẩu trang và máy giúp thở của Trung Quốc ?
      Mặt khác, là các bài diễn văn đi kèm. Đó là nhằm
      • làm quên đi ổ dịch đầu tiên là từ Vũ Hán,
      • quên rằng giải pháp ban đầu của Trung Quốc là thảm họa.
      Virus đã lây từ loài vật sang con người, từ khi phát hiện trường hợp thứ nhất cho đến khi thông tin cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và chính phủ các nước khác trễ mất ba tuần lễ, từ ngày 31/12/2019 cho đến ngày 21/01/2020.

      Đồng thời chính quyền Trung Quốc ra lệnh phong tỏa hết sức nghiêm ngặt, và cách này tỏ ra hiệu quả. Ngoài ra Trung Quốc cũng có khả năng sản xuất 115 triệu khẩu trang mỗi ngày, và từ nay đến cuối tháng có thể lên đến 200 triệu khẩu trang. Nhu cầu ở Hoa lục vẫn rất lớn, và số lượng gởi ra nước ngoài trên thực tế không nhiều – từ 2 đến 4 triệu khẩu trang cho toàn bộ châu Âu – tức là chỉ một phần rất nhỏ của sản lượng hàng ngày.

      Tiếp đến, cung cách của Bắc Kinh luôn là hành động theo kiểu song phương, giữa hai chính phủ, để làm nổi bật vai trò của mình. Trong thời kỳ dịch Ebola năm 2014, Trung Quốc không hề thông qua Tổ chức Y tế Thế giới. Bắc Kinh khoa trương những hành động của mình tại châu Phi với một bộ máy tuyên truyền quy mô, tương phản hẳn với truyền thông châu Âu.

      Trung Quốc nay xuất hiện như nhân tố hàng đầu, trong khi việc Luxembourg, hai bang của Đức là Saarland (Sarre), Baden-Württemberg (Bade-Wurtemberg), Thụy Sĩ dành các giường bệnh chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân các nước láng giềng, và ngay cả những nỗ lực của Ủy Ban Châu Âu cũng không được đưa tin rộng rãi.



    • Phải chăng Trung Quốc muốn lấp chỗ trống của vai trò lãnh đạo mà Hoa Kỳ đã để lại ?
    • Nghịch lý là đóng góp của Hoa Kỳ vào các tổ chức quốc tế và viện trợ cho các nước khác cao gấp 10 đến 100 lần so với Trung Quốc.
      • Viện trợ của chính phủ thì lớn gấp 10 lần,
      • còn đóng góp của lãnh vực tư nhân thì cao hơn Trung Quốc đến 100 lần, chẳng hạn Fondation Bill-Gates và các tổ chức khác.
      Việc chính quyền Trump không quảng bá gì là một sai lầm cực lớn.

      Ngược lại, Trung Quốc liên tục có những tuyên bố đầy thiện chí, nhưng hành động lại chẳng bao nhiêu. Phương pháp « quyền lực mềm » của Bắc Kinh có vẻ là phương pháp tự kỷ ám thị. Cách này mang lại kết quả trong cuộc khủng hoảng hiện nay, khi « soft power » Mỹ hầu như hoàn toàn thiếu vắng, dù Washington vẫn hành động nhưng lại không vận dụng truyền thông.



    • Bắc Kinh đã chứng tỏ tính hiệu quả của mô hình cai trị độc đoán ?
    • Đài Loan, Hàn Quốc, Israel là các chế độ dân chủ, và hiện nay họ sử dụng những công cụ kỹ thuật số để truy tìm những ai tiếp xúc với những người nghi nhiễm bệnh, và giám sát việc phong tỏa. Sự khác biệt chủ yếu liên quan đến chủ nghĩa cá nhân ở châu Âu.

      Tất nhiên là Trung Quốc tiếp tục các mục tiêu chính trị. Trước hết là thông qua chiến dịch bóp méo thông tin để làm quên đi chính tại Trung Quốc mà con virus Vũ Hán đã lan rộng một cách điên cuồng.
      • Phát ngôn viên chính thức của bộ Ngoại Giao Trung Quốc còn cáo buộc quân đội Mỹ đã cố tình mang virus corona đến Vũ Hán.
      • Và nay thì Bắc Kinh cho lan rộng một cách phổ biến hơn nữa thông tin là con virus này có thể xuất xứ từ Ý !

      Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng dịch tễ nghiêm trọng này đã gây ra một cuộc khủng hoảng lòng tin tại châu Âu, giữa người dân và chính phủ - trước hết là Liên Hiệp Châu Âu, bị cáo buộc đủ loại sai lầm - Trung Quốc cũng có thể hy vọng được coi là một điển hình để noi theo. Nhưng không phải Trung Quốc có thể mang lại nguồn lực cần thiết cho một kế hoạch tái thúc đẩy kinh tế châu Âu.



    • Có thể chờ đợi gì từ cuộc chiến tranh tuyên truyền này ?
    • Nếu Trung Quốc tiếp tục trốn tránh cuộc điều tra về nguyên nhân xảy ra đại dịch, thì có đủ các lý do để họ có thể lo lắng về tai tiếng. Ngược lại, nếu Bắc Kinh tái khởi động bộ máy sản xuất và nhanh chóng tìm lại sự năng động về kinh tế, Trung Quốc có thể được coi là mô hình, cho dù khó thể hình dung nổi một sự tăng trưởng như thời kỳ trước khi xảy ra đại dịch virus Vũ Hán.




    http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/2 ... 9-h%C3%A1n
              
              
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Covid-19: Ngoại giao Trung Quốc và chiến dịch phát tán tin đồn chống Mỹ

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           






    Covid-19:
    Ngoại giao Trung Quốc và chiến dịch phát tán tin đồn chống Mỹ

    _______________________________________
    Trọng Nghĩa _ 25 tháng 3 2020



              

    Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lư Sa Dã.
    Ảnh tư liệu chụp ngày 10/09/2019. AFP - MARTIN BUREAU

              



    Trung Quốc đã tung ra cả một chiến dịch chống Mỹ trên vấn đề dịch Covid-19. Một trong những điểm khác thường của chiến dịch này là
    • Bắc Kinh đã huy động cả guồng máy ngoại giao vào cuộc,
    • và không ngần ngại phát tán những thông tin mang nặng tính chất thuyết âm mưu.

    Cú đòn mới nhất đến từ Paris. Trong một loạt tin nhắn Twitter bắn đi hôm 23/03/2020, Đai Sứ Quán Trung Quốc tại Pháp đã công khai gợi ý là con virus corona đang tàn phá thế giới thực ra đã xuất xứ Hoa Kỳ, chứ không phải là từ Vũ Hán (Trung Quốc) như mọi người lầm tưởng. Hành động này được cho là nằm trong cả một chiến dịch do Bắc Kinh tung ra, mà theo nhiều nhà phân tích, nhằm phủ nhận trách nhiệm của Trung Quốc trong việc để xẩy ra đại dịch Covid-19 đang gây tang tóc khắp hành tinh.

    Một trong những điểm khác thường của chiến dịch này là Bắc Kinh như đã huy động cả guồng máy ngoại giao vào cuộc, và không ngần ngại phát tán những thông tin mang nặng tính chất thuyết âm mưu.




    Covid-19: Sứ quán Trung Quốc ở Pháp “lồng lộn đả kích” Mỹ

    Trong một bài viết mang tựa đề “Covid-19 : Đại sứ quán Trung Quốc tại Paris lồng lộn đả kích Mỹ - L’ambassade de Chine à Paris se déchaîne contre les États-Unis”, hãng tin Pháp AFP ngày 23/03 đã xác định:
    • Những lập luận mà cơ quan ngoại giao Trung Quốc tại Pháp đưa ra chỉ lập lại các cáo buộc của Trung Quốc trong thời gian gần đây, theo đó chính Mỹ mới là nguồn gốc của con virus corona đã lây lan trên quy mộ rộng lớn ở Trung Quốc trước khi tỏa ra thế giới.

    Nhận định đầu tiên của AFP là loạt vấn đề mà phái bộ ngoại giao Trung Quốc tại Pháp nêu lên thực ra chỉ là những câu hỏi “mang tính chất khẳng định nhưng không kèm theo bất kỳ nhân tố khoa học nào để chứng minh”.




    Hình thức là câu hỏi, nội dung là khẳng định

    Câu hỏi đầu tiên mà Đại Sứ Quán Trung Quốc nêu lên trong một tin nhắn là:
    • “Đã có bao nhiêu ca Covid -19 trong số 20.000 người chết do bệnh cúm đã bắt đầu vào tháng 9 vừa qua (tại Mỹ)?”,
    kèm theo một giả thuyết:
    • “Phải chăng là Hoa Kỳ đã cố che giấu sự tồn tại bệnh dịch viêm phổi do con virus corona chủng mới gây ra dưới lớp vỏ bệnh cúm (thường)?”

    Tiếp theo đó là một tin nhắn thứ hai trong đó Đại Sứ Quán Trung Quốc tại Pháp đã nêu bật nghi vấn liên quan đến sự kiện
    • “trung tâm nghiên cứu lớn nhất của Mỹ về vũ khí hóa học và sinh học, căn cứ Fort Detrick ở bang Maryland, đã bất ngờ đóng cửa vào tháng 7 năm ngoái”.
    Tin nhắn ngay lập tức khẳng định rằng:
    • “Sau vụ đóng cửa này thì đã có hàng loạt trường hợp bệnh viêm phổi hay bệnh tương tự xuất hiện ở Mỹ”.

    Theo AFP, khi tung ra những lập luận trên, Đại Sứ Quán Trung Quốc tại Pháp như đã công nhận tính xác thực của những lời đồn đoán nhan nhản trên mạng. Phía Hoa Kỳ vẫn thường xuyên cáo buộc Trung Quốc gieo rắc “tin đồn hết sức vô lý” về nguồn gốc con virus corona và lan truyền trên mạng những thông tin mang tính chất “thuyết âm mưu”.




    Khẩu chiến Mỹ-Trung về xuất xứ con virus

    Đối với AFP, Bắc Kinh và Washington hiện đang lao vào một cuộc khẩu chiến gay gắt, thậm chí đã lao vào một cuộc chiến tranh thông tin về nguồn gốc của dịch bệnh, với tổng thống Mỹ Donald Trump thường xuyên gọi con virus corona chủng mới là “virus Trung Quốc”, điều đã khiến giới lãnh đạo Bắc Kinh tức tối.

    Bắc Kinh đã phản công và ngay từ hôm 12/03, như ghi nhận của AFP, ông Triệu Lập Kiên (Zhao Li Jian), một phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, cũng trên Twitter, đã ngầm cho hiểu là quân đội Mỹ đã đưa con virus vào Vũ Hán, nơi xuất phát dịch bệnh theo nhiều nhà khoa học, nhân cuộc Đại Hội Thể Thao Quân Đội Thế Giới vào tháng 10 năm 2019.

    Một thực tế được rất nhiều nhà quan sát nêu bật là việc Trung Quốc đổ lỗi cho Mỹ là phía phát tán con virus corona nằm trong cả một chiến dịch tuyên truyền nhằm gieo rắc nghi ngờ về nguồn gốc thực thụ của con virus, qua đó rũ bỏ được trách nhiệm của chế độ Bắc Kinh trong việc để dịch Covid-19 từ Vũ Hán lan rộng ra toàn thế giới. Trong chiến dịch này, guồng máy ngoại giao Trung Quốc đã đóng một vai trò không nhỏ.




    Bước đầu là gieo rắc hoài nghi…

    Ngay từ hôm mồng 7 tháng 3, đích thân đại sứ Trung Quốc tại Nam Phi, ông Lâm Tùng Thiên (Lin Song Tian) đã tung ra một tin nhắn Twitter, khẳng định rằng:
    • “Các nghiên cứu của giới khoa học tại Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản cho thấy nguồn gốc xuất phát của con virus gây bệnh Covid vẫn chưa rõ ràng. Dựa trên kết luận của các nhà khoa học toàn cầu, Tổ Chức Y Tế Thế Giới cho biết chưa chắc chắn về nguồn gốc của con virus này và cần tránh sự kỳ thị”.

    Lãnh đạo của cơ quan đại diện ngoại giao Trung Quốc quan trọng nhất tại châu Phi này nói tiếp:
    • “Cho dù dịch bệnh bùng phát lần đầu tiên ở Trung Quốc, nhưng điều đó không nhất thiết có nghĩa là con virus có nguồn gốc từ Trung Quốc, đừng nói chi là 'sản xuất' tại Trung Quốc”.

    Ngay sau khi tin nhắn gieo rắc hoài nghi về xuất xứ thực thụ của con virus corona chủng mới nói trên được tung ra, hàng loạt đại sứ và đại sứ quán Trung Quốc ở khắp nơi đã đua nhau phát đi thông điệp này từ tài khoản Twitter của họ.




    Bước kế tiếp là chỉ đích danh Mỹ…

    Sau khi đã tạo ra tâm lý hoài nghi về xuất xứ của con virus gây dịch Covid-19, guồng máy ngoại giao Trung Quốc đã đi thêm một bước nữa với việc phát ngôn viên của bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, ngày 12/03, công khai phát tán tin đồn đăng trên một trang web nổi tiếng là chuyên phổ biến các thuyết âm mưu, theo đó chính Mỹ đã đem virus corona vào Vũ Hán.

    Và một lần nữa, các đại sứ quán Trung Quốc khắp nơi trên thế giới đã truyền tải thông điệp của phát ngôn viên bộ Ngoại Giao tại Bắc Kinh, từ những nước Châu Phi như Nam Phi, Bostwana, Tchad, Uganda…, cho đến các quốc gia châu Á như Philippines, Maldives… và ở vùng Cận Đông như Iran…

    Tại châu Âu, đại sứ quán Pháp cũng đã dịch ngay thông điệp, vốn viết bằng tiếng Anh, ra tiếng Pháp và công bố hôm 17/03.





    Bất chấp ý kiến của WHO !

    Trong bối cảnh như kể trên, loạt thông điệp tố cáo Mỹ mà Đại Sứ Quán Trung Quốc tại Paris đưa ra ngày 23/03 là bước kế tiếp trong một chiến dịch tuyên truyền xuyên suốt nhằm phủ nhận trách nhiệm ban đầu của Trung Quốc trong việc để xẩy ra đại dịch Covid-19 trên toàn cầu.

    Điểm đáng nói là ngành ngoại giao Trung Quốc vẫn tiếp tục tung lập luận tố cáo Mỹ trong bối cảnh Tổ Chức Y Tế Thế Giới (OMS/WHO) ngày 15/03 vừa qua, từng cho biết không có bằng chứng nào cho thấy Mỹ đã mang virus corona vào Trung Quốc.

    Trả lời nhật báo Mỹ Washington Times, Christian Lindmeier, một phát ngôn viên của tổ chức tại Genève (Thụy Sĩ) xác định là thuyết âm mưu về vai trò của Mỹ không hề được chứng minh.



    http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/2 ... g-my%CC%83
              
              
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Covid-19 : Địa chính trị không giới hạn trong đại dịch

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           






    Covid-19 :
    Địa chính trị không giới hạn trong đại dịch

    _______________________________________
    Thùy Dương _ 25 tháng 3 2020



              

    Hôm 22/03, theo lệnh tổng thống Nga Putin,
    nhiều bác sĩ quân y của Nga đã lên máy bay sang Roma hỗ trợ Ý chống dịch bệnh Covid-19.
    ALEXEY ERESHKO / RUSSIAN DEFENCE MINISTRY / AFP

              



    Cũng như những ngày qua, đa phần các trang bài của báo Pháp hôm nay dành để nói về dịch bệnh Covid-19 từ nhiều góc độ khác nhau.

    • Báo Libération quan tâm đến cuộc chiến giá dầu? cảnh báo về nguy cơ nhiễm bệnh của những người cao tuổi trong các viện dưỡng lão.
    • Còn báo Công Giáo La Croix không chỉ hướng sự chú ý đến người cao tuổi, mà quan tâm đến những nhóm người dễ bị tổn thương khác, như người vô gia cư và đặc biệt là mối đe dọa mà đội ngũ nhân viên chăm sóc y tế đang phải đối đầu.
    • Trong khi đó, báo Le Monde đi tìm lời giải thích về loại thuốc Plaquenil, nguồn cội của niềm hy vọng và nỗi ngờ vực về khả năng chữa khỏi bệnh Covid-19, đồng thời chú ý đến những thách thức đang đặt ra với chính quyền Pháp, nhất là tổng thống Macron, khi vừa phải đối phó với tình trạng khẩn cấp y tế, vừa chống khủng hoảng kinh tế, phải bảo vệ người làm công ăn lương, mà không làm tê liệt kinh tế đất nước.
    • Báo Le Figaro lược thuật lại quá trình virus conona nhấn chìm cả hành tinh trong vòng 3 tháng qua, đồng thời nói về lực lượng an ninh Pháp, những người đang lên tuyến đầu để đảm bảo lệnh phong tỏa được thực thi nghiêm túc.
    • Trong lĩnh vực kinh tế, Les Echos dẫn lời bộ trưởng Kinh Tế Pháp Bruno Le Maire, theo đó cuộc khủng hoảng do virus corona gây ra có thể sánh với khủng hoảng năm 1929. Les Echos cũng cho biết hoạt động kinh tế tại khu vực đồng euro đã sụt giảm nhanh hơn cả hồi năm 2008 khi xảy ra khủng hoảng tài chính.





    Covid-19 : Mặt trận địa chính trị của các cường quốc

    Dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành dữ dội trên thế giới, từ Á sang Âu, song đây lại là cơ hội để một số nước giành chiến thắng địa chính trị, nhất là Trung Quốc và Nga. Bài xã luận của báo Le Monde nhận định Matxcơva và Bắc Kinh đang tuyên truyền quá đà về công tác trợ giúp nhân đạo cho Ý, quốc gia đang bị dịch nặng nhất châu Âu. Còn Liên Hiệp Châu Âu đang phải học cách chiến đấu trên mặt trận này, với một kế hoạch trợ giúp kinh tế quy mô.

    Mở đầu bài xã luận, Le Monde nhấn mạnh, trong nỗi bất hạnh của dân tộc, nước Ý đã tạo ra một sức hấp dẫn không thể cưỡng lại đối với các cường quốc vốn đang tìm cách khôi phục lại uy tín qua công tác hỗ trợ nhân đạo. Trung Quốc hiện giờ đang vươn lên tuyến đầu. Vào ngày 14/03, khi số bệnh nhân Covid-19 gia tăng mạnh tại Ý, một chiếc máy bay của Hội Chữ Thập Đỏ Trung Quốc đã hạ cánh tại Roma, với sự hiện diện của phó chủ tịch của tổ chức và một số bác sĩ đã tham gia vào cuộc chiến chống dịch bệnh ở Trung Quốc, với nhiều máy trợ thở và 200.000 khẩu trang.

    Tin tức và hình ảnh về sự kiện này tràn ngập trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc, nhất là trên các ấn bản tiếng nước ngoài. Sự kiện trên cũng được ngoại trưởng Ý, Luigi Di Maio, thuộc Phong trào Năm Sao, ca ngợi như một chiến thắng của cá nhân ông. Ý là nước đầu tiên trong nhóm G7 hồi năm 2019 ký bản ghi nhớ thỏa thuận với chính quyền Bắc Kinh về dự án « Con đường tơ lụa mới ».

    Kế tiếp phải kể đến nước Nga. Hôm Chủ Nhật 22/03, căn cứ không quân quân Pratica di Mare của Ý đã chào đón 9 phi cơ Iliouchine của Nga. Theo một thông cáo chính thức của Ý, 9 phi cơ nói trên, "theo lệnh của cá nhân tổng thống Nga Putin" đưa đến Ý 100 bác sĩ quân y và tám đội y tế lưu động, với nhiều khẩu trang, găng tay, máy trợ thở và nhiều thiết bị y tế trong khả năng của họ. Các hình ảnh của lãnh đạo Ngoại Giao Ý có mặt tại sân bay để nói lời cảm ơn tới "nước Nga, tổng thống Putin và chính phủ Nga" đã được phát đi khắp thế giới.

    Cùng ngày, Cuba cũng điều 52 bác sĩ và y tá tới Ý trợ giúp nước này chống dịch bệnh.

    Theo Le Monde, những cử chỉ đoàn kết, tương thân tương ái này rõ ràng rất đáng được hoan nghênh, và công chúng thích thấy máy bay Nga vận chuyển thiết bị y tế hơn là oanh kích các bệnh viện ở Syria. Nhưng việc Nga sử dụng những hình ảnh đó vào mục đích tuyên truyền gợi nhắc rằng, trong đại dịch, địa chính trị không bị giới hạn. Thông điệp ngầm của lãnh đạo Ý Di Maio là những người bạn thực sự của Ý không phải là đồng minh vốn có trong Liên Hiệp Châu Âu, nơi mà tình đoàn kết cũng không được phát huy trong cuộc khủng hoảng di dân năm 2015. Trong cuộc khủng hoảng y tế hiện nay, chính việc Áo đóng cửa biên giới với Ý, sau đó đến lượt Berlin và Paris hạn chế xuất khẩu trang sang Ý chắc chắn là một phần lý do.

    Tuy nhiên, hôm thứ Hai vừa qua, chính quyền Đức thông báo các bệnh viện bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân người Ý. Tuần trước, Liên Âu cũng đưa ra các biện pháp trên quy mô lớn chưa từng có, để trợ giúp kinh tế cho các nước bị tác động mạnh vì dịch bệnh, trong đó có Ý. Khoản chi của Liên Âu lớn hơn rất nhiều so với số tiền Nga và Trung Quốc bỏ ra để giúp Ý.

    Le Monde nhấn mạnh, ngay cả khi sự đoàn kết của các nước châu Âu trong lĩnh vực y tế đã thất bại, điều cần thiết là các quốc gia này phải thể hiện tình đoàn kết về kinh tế, kể cả sau khi dịch bệnh được kềm chế. Và Liên Âu phải cho thấy rõ điều đó, dù không giỏi về tuyên truyền. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Ursula von der Leyen, mới nhắc lại là hồi tháng Giêng Liên Âu đã gửi 56 tấn dụng cụ thiết bị y tế trợ giúp Trung Quốc sau khi nhận được đề nghị của Bắc Kinh. Theo Le Monde, điều lạ lùng là sự trợ giúp của châu Âu lại không được truyền thông Trung Quốc ghi hình và đưa tin.




    Virus corona soi tỏ những bất bình đẳng xã hội

    Dưới góc độ xã hội, khủng hoảng coronavirus là dịp để chúng ta cùng nhìn nhận lại về sự bất bình đẳng.
    • « Cuộc khủng hoảng này làm cho xã hội thấy được những người lâu nay vô hình »,
    đó là nhận định của nhà xã hội học Camille Peugny, chuyên gia về bất bình đẳng xã hội, thuộc đại học Versailles-Saint-Quentin-en-Yvelines.

    Dịch bệnh Covid-19 cho thấy rõ sự phân chia trong thế giới :
    • Nhóm thứ nhất bao gồm những người có trình độ cao,
    • nhóm thứ hai gồm những nhân viên được trả lương thấp và không được bảo vệ tốt.
                
    • Trong khi những người « chiến thắng trong công cuộc toàn cầu hóa" được ngồi ở nhà,
    • thì những người phục vụ họ phải ra khỏi nhà để làm việc : nhân viên thu ngân, người giao hàng, nhân viên chăm sóc y tế, người thu gom rác, hiến binh và cảnh sát, thợ làm bánh mì.
    Nói một cách hình ảnh, giống như khi đi leo núi, những người làm công việc phục vụ là những người phải đi đầu để bảo đảm sự sống cho những người đi phía sau.

    Trả lời phỏng vấn của báo Libération, nhà xã hội học Camille Peugny nhấn mạnh, trong nền kinh tế toàn cầu hóa, hình mẫu lý tưởng là những người có bằng cấp cao, năng động và rất có giá trên thị trường lao động, nhưng thực tế là họ chỉ có thể hoạt động khi có một « đội quân » hỗ trợ âm thầm, giúp họ trông con sau giờ học, lau dọn nhà ở … Trong số đó, không thể không nói tới những nhân viên thu ngân phải làm việc tới tận 23h. Chuyên gia về bất bình đẳng nhấn mạnh cần nhìn nhận lại về vị trí của những người làm công việc phục vụ người khác trong xã hội hiện nay.

    Báo Le Monde cũng quan tâm đặc biệt và dành một bài phóng sự dài « Nước Pháp của những nhân viên thu ngân » để nói về công việc vất vả nhân viên thu ngân trong các siêu thị tại Pháp, những người phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm bệnh cao, do hàng ngày phải tiếp xúc ở khoảng cách gần với rất đông khách hàng người, trong bối cảnh người dân lo sợ thiếu nhu yếu phẩm nên đổ xô đến các siêu thị để mua sắm.

    Bất chấp nỗi sợ hãi bị nhiễm bệnh và làm lây bệnh cho cha mẹ già yếu hay con nhỏ, các nhân viên thu ngân, 90% là nữ giới, vẫn phải lao động không ngừng nghỉ trong điều kiện lao động không đủ tốt, nơi găng tay và khẩu trang làm họ vướng víu khó làm việc và cũng không đảm bảo an toàn cho họ. Le Monde ca ngợi họ là những « người lính » đang nỗ lực hết sức để xã hội được ăn uống và được sống, dù họ chưa được xã hội quan tâm nhắc đến nhiều.




    Thiên nhiên là mối đe dọa khủng bố sinh học lớn nhất

    Trong thời gian qua, có rất nhiều thuyết âm mưu theo đó virus corona được tạo ra trong phòng thí nghiệm. Trả lời phỏng vấn của báo Le Figaro, chuyên gia nhân học xã hội Frédéric Keck, thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc gia Pháp CNRS, cho rằng
    • rất khó để mọi người hiểu tại sao giới lãnh đạo y tế quốc tế phải huy động cuộc chiến chống một con virus, có thể lây lan sang người qua loài dơi và để lại những hậu quả không thể dự báo, vì người dân chưa có khả năng miễn dịch.
    • Nhưng việc nghĩ rằng loại virus này do con người tạo ra, nhằm khơi dậy nỗi sợ hãi và bán được thuốc hay khẩu trang, thì lại dễ dàng hơn đối với dân chúng.


    Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật, việc tạo ra một loại virus mới có thể lây sang người khó hơn so với việc để tự nhiên tạo ra các virus mới theo cơ chế đột biến và chọn lọc ngẫu nhiên. Các chuyên gia về virus đã nói, từ hồi xảy ra cuộc khủng hoảng SARS năm 2003,
    • "thiên nhiên là mối đe dọa khủng bố sinh học lớn nhất".


    Có một nỗi sợ hãi lớn về một cuộc chiến vi khuẩn ở Trung Quốc kể từ thời Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), khi người Mỹ sử dụng vũ khí sinh học do người Nhật sản xuất trong Đệ nhị thế chiến. Tại Hoa Kỳ, nỗi sợ hãi về một cuộc tấn công khủng bố của các loại virus, như bệnh đậu mùa hoặc bệnh than, đã tăng cao kể từ sau Chiến tranh lạnh và sau khi có tiết lộ rằng các nhà vi khuẩn học Liên Xô đã bán thông tin cho "các quốc gia bất hảo".

    • Tại châu Âu, thuyết âm mưu chủ yếu nhắm vào các ngành công nghiệp dược phẩm có thế lực (GSK, Sanofi, Roche … ). Những cáo buộc về xung đột lợi ích giữa các nhà khoa học và ngành dược phẩm đã diễn ra mạnh mẽ trong chiến dịch tiêm ngừa dịch H1N1 hồi năm 2009, dẫn đến sự mất lòng tin nghiêm trọng và kéo dài về việc tiêm phòng bệnh.
    • Ở Châu Phi, có tin đồn virus HIV và Ebola là do người Mỹ tạo ra để giảm dân số tại châu lục này. Cũng có giả thuyết ở Hoa Kỳ cho rằng virus HIV được phát minh để nhắm vào người đồng tính nam.


    Nhà khoa học của CNRS kết luận thuyết hành động có chủ ý thường dễ hiểu hơn các là kiến thức về cơ chế của sinh thái, tự nhiên.



    Bất chấp ý kiến của WHO !

    Trong bối cảnh như kể trên, loạt thông điệp tố cáo Mỹ mà Đại Sứ Quán Trung Quốc tại Paris đưa ra ngày 23/03 là bước kế tiếp trong một chiến dịch tuyên truyền xuyên suốt nhằm phủ nhận trách nhiệm ban đầu của Trung Quốc trong việc để xẩy ra đại dịch Covid-19 trên toàn cầu.

    Điểm đáng nói là ngành ngoại giao Trung Quốc vẫn tiếp tục tung lập luận tố cáo Mỹ trong bối cảnh Tổ Chức Y Tế Thế Giới (OMS/WHO) ngày 15/03 vừa qua, từng cho biết không có bằng chứng nào cho thấy Mỹ đã mang virus corona vào Trung Quốc. Trả lời nhật báo Mỹ Washington Times, Christian Lindmeier, một phát ngôn viên của tổ chức tại Genève (Thụy Sĩ) xác định là thuyết âm mưu về vai trò của Mỹ không hề được chứng minh.




    http://www.rfi.fr/vi/t%E1%BB%95ng-h%E1% ... E1%BB%8Bch
              
              
Hình đại diện
NTL
Bài viết: 1323
Ngày tham gia: Chủ nhật 17/05/15 14:20

Re: Dịch Covid-19 (SARS-CoV-2 / 2019-nCoV)

Bài viết bởi NTL »

*

Quê điên hiện đang dùng colchicine trên thử nghiệm để trị liệu covid-19.
Thuốc này làm giảm phản ứng viêm ở những bịnh nhơn bị bịnh goute (thống phong?)
Thử nghiệm trên 6 ngàn người, mà hiện tại quê điên chỉ có hơn 100 cases thôi, thành phải cầu viện các tỉnh bang khác góp sức. Có tin chi nú sẽ thông báo sau cho bà con biết.
Ba cái kêu bằng thuốc hiện giờ, cũng tỷ như người mù sờ voi thành chẳng đâ vào đâu ráo, cũng bởi dòng covid-19 tuỳ cùng chủng loại, nhưng khác hẳn anh em họ SARS của nó, không cách chi nhìn cho ra.

Tới nay thì... việc trung cộng đã mutating dòng virus để chế tạo võ khí sanh học đã được bàn tán nhiều hơn.
Lab vi sinh ở Vũ Hán thinh không... biến mất không dấu vết, nên bị hồ nghi đã thiên di đâu đó, hay đã bị xóa hẳn để thế giới khỏi tìm ra.
Sự việc trên 21 triệu người xử dụng điên thoại di động trước đây nay không mua services nữa, gây hồ nghi rằng, hoậc chúng đã ôm điện thoại về trời, hoậc chánh quyền CS lợi dụng trận dịch để khóa sổ luôn những người đối kháng.
Dịch Covid-19 phát xuất từ Vũ hán, nhưng không làm chết nhiều như ở các xứ khác.
Nghe nói nội ngày qua thôi, covid đã đốn gục gần 500 mạng người (493 precisely) ở Spain.
Thành ra... số nạn nhơn tại tàu có lẽ phải nhân nhiều lần hơn mới thiệt chánh xác.

Địa chánh trị là gì ?
Chữ nghĩa thời đại đỉnh cao có lẽ thành hổng thể đoán dza.
:rotfl:

*
Make the long story... short !
Hình đại diện
nắng thủy tinh
Bài viết: 3530
Ngày tham gia: Thứ sáu 15/05/15 06:14

Re: Dịch Covid-19 (SARS-CoV-2 / 2019-nCoV)

Bài viết bởi nắng thủy tinh »

Vụ 21 triệu sim card mất tích, N cũng mới đọc và nghe vài ngày trước, có thể lắm chứ, xứ chệt 1.4 tỷ mà số lượng người chết có vài ngàn là con số xạo, có một lần, n nhìn thấy một "núi" nhỏ thôi, toàn là cell phone, họ liệng thành một đống, nhìn là biết liền (clip đó trong các trang fb của bên tàu)

Mừng chị Ngô về nhà kể chuyện cho em út nghe :rotfl: :cafe: :flower:
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Dịch Covid-19 (SARS-CoV-2 / 2019-nCoV)

Bài viết bởi Hoàng Vân »

NTL đã viết: Thứ bảy 28/03/20 01:03 Địa chánh trị là gì ?
Chữ nghĩa thời đại đỉnh cao có lẽ thành hổng thể đoán dza.
          
  • Géopolitique
    l'étude des effets de la géographie (humaine et matérielle) sur la politique internationale et les relations internationales.

    Geopolitics
    the study of the effects of Earth's geography on politics and international relations.
              
Trả lời

Quay về “Sức khỏe - Thực phẩm”