Khi con mắt lớn hơn dạ dày

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Khi con mắt lớn hơn dạ dày

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           






    Khi con mắt
    lớn hơn dạ dày

    ___________________
    Phan Hạnh - 5/2018





    Theo quan niệm của người phàm tục,
    • ăn ngon mặc đẹp là sung sướng.
      Ăn được ngủ được là tiên.
      Ăn là quan trọng hàng đầu.
      Đói và thiếu ăn là cái khổ.

    Nhưng ăn uống bừa bãi thả giàn sẽ bị bội thực và đưa đến hậu quả tai hại.
    • Ăn quá nhiều [1] một vài lần sẽ làm tổn thương dạ dày và hệ thống tiêu hóa trong ngắn hạn;
    • ăn uống quá nhiều thường xuyên thành thói quen sẽ dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng dài hạn làm ảnh hưởng đến tính mạng.
    • Ăn no cành hông đến chết đã có xảy ra rồi.


    Trong trận đói năm Ất Dậu 1945 ở miền bắc Việt Nam, có những người chết không phải vì đói, mà chết vì ăn no bội thực.
    • Sau nhiều ngày không có gì ăn cả, họ quá đói.
      Do đó, khi được phát gạo, có người vội bốc nhai gạo sống xong uống nước khiến bụng trương phềnh lên rồi chết.
      Cũng có người vì ăn cơm quá nhiều nên bị bội thực mà chết.
    Dù sao cái chết của họ cũng đáng thông cảm và tội nghiệp.

    Ngược lại, có những người giàu sang thừa mứa nhưng vì quá tham ăn mà chết.
    Cái chết vì tham ăn được truyền tụng nhiều nhất là trường hợp của vua Thụy Điển Adolf Frederick (1710-1771), một vị vua “có tâm hồn ăn uống”. Bức tranh chân dung của ông đã cho thấy điều đó với vòng số 2 hơi “bị” dư kích thước. Ông mất ngày 12 tháng 2 năm 1771 sau một bữa ăn khổng lồ gồm có tôm hùm, trứng cá muối caviar, dưa cải bắp, cá mòi xông khói, rượu sâm banh, cộng thêm với món tráng miệng ưa thích nhất của ông là 14 cái bánh ngọt semla đựng trong bát sữa nóng.

              

              
    Đối với những người “có tâm hồn ăn uống”, thức ăn hấp dẫn ê hề bày trước mắt trên bàn tiệc thật khó mà bỏ qua.



    Con mắt lớn hơn dạ dầy

    Trước đây tôi cứ tưởng chỉ có người Việt mình dùng thành ngữ “Con mắt lớn hơn dạ dày”.
    Cho đến hôm đó khi đọc tin tức trên Internet, tôi thích thú mắc cười trước cái tin
    • “Eyes WAY too big for its belly: Giant python dies after gorging on a whole ANTELOPE”,
      tạm dịch:
      “Cặp mắt quá lớn hơn dạ dày: Trăn khổng lồ chết vì nuốt nguyên một con linh dương”.

    Ha ha! Thì ra trong Anh ngữ người ta cũng nói y chang như người Việt mình vậy.
    • Theo tin Yahoo News ngày 22 Tháng Chín 2016, một con trăn ở Ấn Độ vì tham ăn đã nuốt nguyên một con linh dương vô bụng để rồi không thể bò đi đâu được nữa và nằm chết sau đó. Con trăn dài 20 ft tưởng đâu vừa có một bữa ăn buffet đã điếu nào ngờ đó là bữa ăn cuối cùng trong đời nó.
      Sunil Kumar, một cư dân làng Baliavad ở Ấn Độ, nhìn thấy cảnh tượng khủng khiếp này và không tin ở mắt mình. Sunil cho biết con trăn nằm bên đường vặn vẹo thân mình như đang tìm cách nôn ra bữa ăn khó tiêu. Nhưng theo sự giải thích của R Senthilkumaran, Phụ tá Bảo quản Rừng, con trăn đã chết vì các vết nội thương thủng rách dạ dày.

    Các bạn có bao giờ thắc mắc là bằng cách nào loài trăn rắn với cái miệng và thân hình nhỏ lại có thể nuốt con mồi to hơn gấp bội? Liệu nó có bị mắc nghẹn không?
    Đương nhiên là không vì nhờ miệng và thân hình của chúng có sự cấu tạo đặc biệt. Một bài viết trên Internet giải thích:
    • “Miệng của người chỉ có thể mở to đến 30 độ, còn rắn thì đến… 130 độ. Nguyên do là đầu rắn và các xương hữu quan mở khép không giống như các động vật khác. Cằm rắn (tức hàm dưới) mở rất rộng xuống phía dưới, vì đầu rắn nối với mấy cái xương ở cằm, có thể cử động được, không giống với các động vật khác là gắn chặt với xương đầu, cố định không cử động. Hơn nữa, các xương của bộ hàm đều khớp động với nhau, không những xương hàm mà xương khẩu cái, xương cánh, xương ngang… đều nối với nhau bằng dây chằng rất đàn hồi, có thể mở rộng ra hai bên, vì vậy miệng rắn không những có thể mở ra thật to, mà còn mở được ra hai bên phải trái không bị hạn chế, do vậy rắn có thể nuốt những con mồi to hơn gấp nhiều lần miệng nó.
      Dù cho kiểu miệng của rắn rất khéo, nhưng trước khi nuốt thức ăn, loài bò sát này còn phải đem con mồi đã bắt gia công một phen. Nó bóp bóp, nặn nặn thành sợi dài, khi nuốt nhờ răng hình móc câu giúp đưa thức ăn vào họng. Ngực rắn không có xương mỏ ác xuyên tới xương sườn, nên xương sườn có thể tự do cử động, vì vậy thức ăn từ hầu xuống họng, vào thẳng nơi da bụng có thể phình to, đồng thời rắn còn tiết ra rất nhiều nước bọt, thật chẳng khác gì cho thêm lượng lớn “dầu nhờn”.
    Con trăn Ấn Độ này không “Ăn tham chết nghẹn” mà chết vì “Con mắt lớn hơn dạ dày”.




    Nhìn lại lịch sử, loài người đã tồn tại trên quả địa cầu này hàng trăm ngàn năm nay, nhưng nguồn thực phẩm chỉ tương đối ổn định nhờ nông nghiệp trong vòng mười ngàn năm trở lại đây thôi. Mặc dù dân số ngày càng tăng trưởng, nhưng nguồn thực phẩm cũng dồi dào hơn nhờ những tiến bộ khoa học.
    • Thức ăn càng phong phú,
      người càng ăn tợn.
    Và nhiều người có thói quen kỳ cục là “con mắt lớn hơn dạ dày”, nghĩa là vẫn muốn ăn dù đã no.
    Các cuộc nghiên cứu cho thấy trong các bữa ăn,
    • nếu thức ăn càng ê hề,
      thực khách càng cố ăn cho nhiều,
      nhất là ăn buffet mà người Việt mình gọi là “ăn bao bụng”, bụng còn chỗ chứa thì người cứ ăn.

    Tại các quốc gia phát triển, người dân càng ít nấu ăn tại nhà và càng mua thức ăn đã nấu sẵn ở tiệm, vì ngon miệng hơn nên cũng ăn nhiều hơn. Và thế giới này càng có nhiều người dư thừa trọng lượng. Ít có ai biết rõ nhu cầu năng lượng cơ thể của mình là bao nhiêu để ăn một số lượng thức ăn cho phù hợp; phần nhiều đều muốn ăn trừ hao hoặc ăn cho đã cơn thèm. Đó là chưa kể đến tâm lý “bỏ thừa mang tội”, đã bỏ tiền mua thì cố ăn cho hết mặc dù ăn cố lúc đã no thì không thể nào cảm thấy ngon và thú vị như lúc còn đói.

    Theo thống kê của cơ quan sức khỏe thế giới, ngày nay số người dư ăn đã vượt qua số người thiếu ăn. Và theo cơ quan này, điều đó cũng không phải là tốt hẳn cho sức khỏe toàn cầu, vì số năm sống khỏe mạnh bị giảm đi. Trong khi thế giới đã kiểm soát và ngăn chận được một số bệnh truyền nhiễm phổ biến cứu được hàng triệu trẻ em khỏi cái chết non thì ngược lại, sự ăn uống quá độ đưa đến tình trạng béo phì và làm giảm phẩm chất đời sống. Lần đầu tiên trên quy mô toàn cầu, tình trạng thừa cân đã trở thành vấn đề sức khỏe đáng quan tâm và báo động hơn là tình trạng suy dinh dưỡng.





    Thức ăn dư thừa quá nhiều

    Một số lượng lớn gánh nặng bệnh tật xảy ra vì tình trạng thừa mứa thức ăn, ăn quá nhiều và phì nộn. Thừa cân làm tăng huyết áp, gây đột quỵ, bệnh tim và ung thư, dẫn đến cái chết gián tiếp do ăn. Mặc dù tiến bộ y học giúp kéo dài tuổi thọ con người, nhưng sống dai dẳng mà thiếu phẩm chất trong bệnh tật cũng không phải là điều đáng mừng.

    Khi một người ăn quá nhiều quá sức, cơ thể bị tra tấn ra sao?
    • Động mạch bị tắc nghẽn?
    • Dạ dày phải làm việc quá mức làm cho cơ thể mệt mỏi ngủ mê và không bao giờ thức dậy nữa?
    • Sự thật là khi ăn quá nhiều, dạ dày rách tét bung vỡ ra, một cái chết dĩ nhiên là vô cùng đau đớn giống như bị tra tấn bằng cực hình khủng khiếp. Tuy hiếm, nhưng những vụ này lâu lâu vẫn có xảy ra.

    Tài liệu y học cho biết dạ dày con người có thể chứa khoảng 3 lít thức ăn là đầy ắp. Nếu hơn, theo phản xạ tự nhiên, nó sẽ đưa đến cảm giác nhợn muốn nôn mửa. Với những người có thói quen ăn uống quá độ, lâu dài phản xạ tự nhiên của họ bị lờn; dù dạ dày đã căng cứng mà họ vẫn cứ ăn vì hệ thống báo động đã hỏng. Họ mất đi cái cảm giác muốn nhợn, muốn nôn mửa. Họ càng ăn, dạ dày của họ càng nở rộng và trở nên yếu, không còn đủ sức để bóp thắt cho thức ăn mửa ra nữa.

    Sự gia tăng khối lượng của các chất trong ruột gây áp lực lên thành dạ dày, khiến cho các mô yếu đi và rách nứt, thức ăn trong dạ dày rỉ ra khỏi dạ dày và thấm vào các bộ phận khác của cơ thể, gây nhiễm trùng và cảm giác đau đớn. Người ăn quá no hay bị đau bụng khó chịu là thế. Thảo nào người ta hay nói “ăn no quá nứt bao tử”. Người gặp trường hợp nặng phải đưa đi nhà thương bơm ruột và điều trị.

    Có người mà sự thèm ăn của họ lấn át cả lý lẽ; đầu óc bảo ngưng mà cái miệng vẫn cứ ăn vì họ bị một chứng rối loạn về ăn uống bẩm sinh có tên là Prader-Willi syndrome [2], hội chứng Prader-Willi, khiến họ thường xuyên cảm thấy đói. Những người này có thể ăn suốt ngày mà vẫn không biết no và vẫn thèm ăn, không thể kiểm soát sự tăng trưởng trọng lượng cơ thể và đưa đến cái chết trước tuổi. Tai hại hơn nữa, đây lại là một chứng bệnh không có phương cách chữa trị.


    Một nghiên cứu ở Đức cho thấy
    • người ta ăn nhiều tại vì mắt họ nhìn thấy thức ăn hấp dẫn quá.
    • Cùng một loại thức ăn đó và cùng khẩu phần đó, nhưng người ăn khi bị bịt mắt sẽ ăn ít hơn.
    Mục sư khiếm thị Jorge Spielmann ở thành phố Zurich nảy ra ý tưởng kêu gọi thực khách hãy bịt mắt khi dùng bữa. Ý tưởng này gọi là “Dining in the Dark” không ngờ lại được ưa chuộng.

    Thế là từ hơn một thập niên vừa qua, có những nhà hàng ăn đặc biệt lần lượt mở ra tại các thành phố lớn trên thế giới. Các nhà hàng này hoặc có đèn sáng nhưng yêu cầu thực khách mang miếng nỉ che mắt khi dùng bữa, hoặc hoàn toàn trong bóng tối. Cũng có nhà hàng bình thường nhưng có một phòng riêng dành cho khách muốn dùng bữa trong bóng tối. Toronto cũng có một nhà hàng loại “Dining in the Dark” tên là “O.Noir” ở số 620 Church St gần đường Bloor St. Bạn nào muốn bớt ăn nhiều thì thử cách này xem có hiệu quả không nhá.




    Con mắt lớn hơn dạ dày là vậy đó. Nói cách khác, nếu thấy thức ăn có vẻ hấp dẫn, người ăn cảm thấy như bị thúc đẩy để lấy thêm và ăn nhiều hơn.
    Người ăn tham lý luận bừa rằng ăn cũng chết mà không ăn cũng chết, vậy thì thà chết no để khỏi làm con ma đói, ví dụ như bài thơ của Shel Silverstein [3] như sau:
              
    Pie Problem
    If I eat one more piece of pie, I’ll die!
    If I can’t have one more piece of pie, I’ll die!
    So since it’s all decided I must die,
    I might as well have one more piece of pie.
    MMM — OOOH — MY!
    Chomp — Gulp — ‘Bye.”

    (bạn đọc dư hiểu, người viết khỏi mắc dịch)

              
    May là người viết bị bệnh bao tử teo, mới ăn một chút đã cảm thấy no. Vì vậy hiếm khi nào người viết đi ăn buffet ở nhà hàng Mandarin uổng tiền.





    Phan Hạnh - 5/2018

    Chú thích:
    [1]
    Chứng tật ăn quá nhiều trong tiếng Anh có chữ “gluttony”, “glutton” nghĩa là người ăn tham.
    Ăn nhiều có thể tạm gọi là sự “đa thực”, sát nghĩa với chữ “polyphagia”, tiếng Anh gốc Hy Lạp, có nghĩa là ăn nhiều (poly = rất nhiều; phagia = ăn).
    Hoặc cũng có thể gọi đó là sự “cuồng thực”, sát nghĩa với chữ “hyperphagia” (hyper = quá hăng say; phagia = ăn).

    [2]
    Prader–Willi syndrome mang tên hai vị bác sĩ người Thụy Sĩ đã khám phá và công bố một cách tỉ mỉ chi tiết về hội chứng này năm 1956 ở Zurich. Andrea Prader (1919 – 2001) là một nhà khoa học Thụy Sĩ và bác sĩ nội tiết nhi khoa. Heinrich Willi (1900 – 1971), cũng tốt nghiệp y khoa tại Đại học Zurich. Ông làm việc tại Bệnh viện Nhi đồng Zürich cùng với bác sĩ Prader cho đến khi về hưu năm 1970.

    [3]
    Shel Silverstein (1930-1999) là một nghệ sĩ vẽ tranh hoạt họa, làm thơ thiếu nhi, viết nhạc người Mỹ. Các sách xuất bản của ông được dịch ra hơn 30 ngôn ngữ và bán hơn 20 triệu quyển.
Trả lời

Quay về “Tổng hợp”