Chẳng lẽ cá biển hại đàn ông?

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Chẳng lẽ cá biển hại đàn ông?

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Chẳng lẽ cá biển hại đàn ông?



    Chất béo omega-3 từ lâu vẫn được xem có thể làm giảm viêm và giúp ngăn ngừa các bệnh tim mạch. Nhưng một nghiên cứu mới đây lại phát hiện ra rằng, omega-3 làm tăng rủi ro ung thư tiền liệt tuyến. Dầu omega-3 có đầy trong hải sản. Chẳng lẽ đàn ông phải chia tay sớm với tôm cá mực bạch tuộc?



    Nghiên cứu này do Theodore Brasky của Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson ở Seattle (Hoa Kỳ) thực hiện (1) (2). Thực ra mục đích ban đầu của nghiên cứu này là để xác định xem selenium và vitamin E liệu có làm giảm rủi ro ung thư tiền liệt không, và nếu kết hợp với omega-3 thì hiệu quả thế nào.

    Chuyện bất ngờ, omega-3 mắc nạn


    Loại bỏ ăn cá omega-3 (có lợi ích về tim mạch) để tránh rủi ro ung thư tiền liệt tuyến là điều mà giới khoa học chưa ai dám phát biểu

    Kết quả là selenium chẳng ảnh hưởng gì, nhưng vitamin E có liên hệ đến việc làm tăng rủi ro ung thư. Và kết quả bất ngờ nhất, đó là omega-3 lại làm tăng rủi ro bị ung thư, và trong nhiều trường hợp ung thư ở mức rủi ro cao (phát triển nhanh).

    Bất ngờ chưa ngừng ở omega-3, nghiên cứu của nhóm Brasky còn phát hiện, những người có lượng chất béo trans trong máu cao nhất lại ít bị ung thư ở mức phát triển nhanh.

    Chất béo trans là loại chất béo mà khoa học ngán nhất, ngán hơn cả LDL (cholesterol xấu), được xác định là gây rủi ro bệnh tim mạch (3).

    Ung thư tiền liệt tuyến là loại ung thư phổ biến ở nam giới, tuổi càng cao càng dễ bị. Đa số ung thư này thường phát triển chậm, và bệnh nhân do tuổi tác cao, thường chết về bệnh khác hơn là do tiền liệt. Khoảng 1/3 trường hợp bệnh phát triển nhanh và di căn.

    Nghiên cứu của nhóm Brasky khá hoành tráng, với sự tham gia của gần 19.000 quý ông trên 55 tuổi, và kéo dài tới 7 năm. Máu của những người tham gia được phân tích để tìm mối liên hệ giữa chất béo từ thực phẩm và rủi ro ung thư tiền liệt tuyến.

    Kết quả là 1.668 được phát hiện là có ung thư, 1.533 trong số này ở mức phát triển chậm và 125 ở mức phát triển nhanh.

    Những người có mức omega-3 cao trong máu bị ung thư tiền liệt nhiều hơn với những người có mức omega-3 thấp. Đại loại trong máu càng nhiều omega-3 càng dễ bị ung thư.

    Kết quả cũng cho thấy, mặc dù không tìm thấy mối tương quan giữa mức omega-3 trong máu và ung thư tiền liệt rủi ro thấp (phát triển chậm), nhưng lại cho thấy những người có mức DHA cao nhất trong máu bị ung thư tiền liệt rủi ro cao (phát triển nhanh) gấp 2,5 lần so với những người có mức thấp nhất.

    DHA là một trong các loại omega-3. Trong dầu cá có 3 loại omega-3: eicosapentaenoic acid (EPA), docosahexaenoic acid (DHA) and docosapentaenoic acid (DPA), chủ yếu là EPA và DHA, và 2 loại này cũng thường có trong các viên dầu cá omega-3 (4).

    Một loại omega-3 khác, ALA (alpha-linolenic acid ) có trong dầu thực vật như dầu lanh, dầu cải, dầu đậu nành. Loại này coi như được “miễn trừ”, vì không đề cập trong 2 nghiên cứu trên.

    Chưa ai dám đụng tới cá omega-3

    Những kết quả này làm hốt hoảng mấy nhà sản xuất dầu cá omega-3, quảng cáo như thần dược. Còn giới khoa học ngạc nhiên, nhưng không phải tất cả đều đồng tình.

    Nghiên cứu của nhóm Brasky cho thấy mức omega-3 trung bình ở những người bị ung thư tiền liệt là 4.66%, còn ở những người khỏe mạnh (nhóm đối chứng) là 4.48%. Mức khác biệt 0,22% là quá nhỏ để “điểm mặt” omega-3 là thủ phạm.

    Và rằng, nghiên cứu không làm rõ được omega-3 là nguyên nhân gây ra ung thư tiền liệt tuyến. Con số 4,66% vẫn còn thấp hơn nhiều so với những người thường xuyên uống viên dầu cá omega-3.

    Và rằng, nghiên cứu cũng không chỉ ra rằng, omega-3 trong máu đến từ đâu, từ ăn cá, hay do uống viên dầu cá omega-3. Uống dầu cá thì người ta uống hàng ngày, chứ còn ăn cá không phải ngày nào cũng ăn…

    Nói chung khoa học còn ngần ngừ trước những phát hiện của nhóm Brasky, dù thừa nhận những thông tin đó là hữu ích cần nghiên cứu thêm. Nhưng loại bỏ ăn cá omega-3 (có lợi ích về tim mạch) hay khuyên người ta cứ ăn thêm chất béo trans (có hại cho tim mạch) để tránh rủi ro ung thư tiền liệt tuyến, là điều mà giới khoa học chưa ai dám phát biểu. Rủi ro chết về tim mạch nhiều hơn, trong khi ung thư tiền liệt có cái phát triển chậm (đa số), có cái phát triển nhanh. Ung thư tiền liệt tuyến hầu hết xảy ra ở những người có độ tuổi cao. Kiêng cử omega-3 e rằng chết vì tim mạch trước khi chết ung thư tiền liệt tuyến.

    Tôm cua cá mực, không chỉ là nguồn omega-3 mà còn là nguồn dồi dào protein, vitamin, khoáng.

    Không thể phủ nhận lợi ích của omega-3, nhưng cũng không thể không nhìn thấy mặt tối của nó. Nghiên cứu về thực phẩm là chuyện phức tạp, đan xen những chuyện tốt xấu, và phương pháp nghiên cứu vẫn còn nhiều hạn chế, vì con người không chỉ ăn một loại thực phẩm trong suốt thời gian nghiên cứu.

    Các nhà sản xuất thực phẩm chức năng chỉ biết thổi phồng một mặt lợi ích nào đó của sản phẩm để trục lợi, trong khi giới khoa học thận trọng hơn, họ vẫn khuyên nên dùng thực phẩm (thứ thiệt), và đa dạng, nay ăn thứ này, mai ăn thứ khác, chứ ít ai dám đặt cược vào thực phẩm chức năng như uống vitamin C thay cho ăn cam, sơ ri, hay uống viên omega-3 thay cho tôm cua cá mực.

    Vũ Thế Thành ([email protected])

    —–

    (1) Journal of the National Cancer Institute Plasma Phospholipid Fatty Acids and Prostate Cancer Risk in the SELECT Trial – https://academic.oup.com/jnci/article/1 ... d-Prostate

    (2) American Journal of Epidemiology Serum phospholipid fatty acids and prostate cancer risk: results from the prostate cancer prevention trial. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/21518693

    (3) Sướng vì chưa tính sổ chất béo trans – https://vuthethanh.com/2016/11/21/suong ... beo-trans/

    (4) Có cần phải uống omega-3?- https://vuthethanh.com/2017/03/12/co-ca ... g-omega-3/


    Nguồn: https://vuthethanh.com

              
Trả lời

Quay về “Tổng hợp”