Từ “thánh vật” đến “trận đồ bát quái”!

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5416
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Từ “thánh vật” đến “trận đồ bát quái”!

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Từ “thánh vật” đến “trận đồ bát quái”!





    Sau hai câu chuyện về “lời nguyền” ở Hà Tỉnh với những người lỡ động đến nhà thờ anh hùng Phan Đình Phùng, và chuyện Đề Thám đòi gươm, tuần này chúng ta nhắc lại chuyện báo oán của những “hồn ma bị nhốt trong trận đồ bát quái” ở thành Đại La.

    Thành Đại La là trung tâm của An Nam đô hộ phủ thời nhà Đường trong hai thế kỷ 8 và thế kỷ 9. Thành nằm ở vị trí giữa Thành Hà Nội và sông Tô Lịch, thuộc quận Ba Đình của Hà Nội hiện tại. Năm 1010 được vua Lý Thái Tổ đổi tên là Thăng Long thành.





    Thành được Trương Bá Nghi ra lệnh đắp từ năm 767 và qua nhiều đời sửa sang, trùng tu. Đến năm 866 được Cao Biền mở rộng, đắp lớn hơn, có chu vi 1,982.5 trượng (6,6 km); cao 2,6 trượng (8.67 m). Theo truyền thuyết, do thành xây đi xây lại vẫn bị sụt ở vùng sông Tô Lịch, Cao Biền đã cho trấn yểm tại đây để làm cho đất vững và chặn dòng long mạch của vùng đất này.

    Tháng Sáu năm 2001 Công ty liên doanh xây dựng VIC trúng thầu gói thầu gồm 7 dự án cải tạo hệ thống thoát nước Hà Nội (CPTA). Công việc nạo vét và kè đá bờ sông Tô Lịch thuộc địa phận làng An Phú – Phường Nghĩa Đô – Quận Cầu Giấy – Hà Nội giao cho đội thi công số 12 do Kỹ sư Nguyễn Hùng Cường làm đội trưởng. Việc thi công thực hiện theo mô hình giao khoán: đội trưởng tự bỏ tiền ra mua vật liệu, trả lương, hoàn tất từng hạng mục công trình sẽ được VIC thanh toán tiền.

    Ngay trong ngày động thổ, toán thi công đã phát hiện các chứng tích của “trận đồ bát quái” nên tạm ngưng việc thi công để giới khảo cổ học nghiên cứu. Đến tháng Tám năm 2002 công ty này mới tiếp tục thi công thì liên tiếp gặp họa.

    Tiền đã lỡ rót ra, không thể bỏ cuộc trong khi nguyên Giám đốc VIC là Nguyễn Quang Hưng không hề thông cảm mà liên tiếp gây sức ép, ông Nguyễn Hùng Cường lâm cảnh “đâm lao thì phải theo lao” để rồi tan nát gia đình.

    Tuy nhiên mãi đến năm 2007 câu chuyện mới được thuật lại trong phóng sự “Thánh vật ở sông Tô Lịch” kéo dài ba kỳ trên báo Bảo vệ Pháp luật của viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong các số 13, 14, 15 ra từ ngày 31 tháng 3 đến 14 tháng 4 năm 2007.

    Khỏi phải nói, những số báo này bán chạy như tôm tươi và khiến dư luận Hà Nội và các tỉnh thành lân cận sôi lên, người người nườm nượp đổ về đây cúng kiến. Việc này khiến Sở Văn Hoá Thông tin Hà Nội bị khiển trách và ngay lập tức Bộ Văn hóa – Thông tin áp dụng “biện pháp” bằng cách cách chức ông tổng biên tập tờ báo vì tội đăng bài có nội dung mê tín dị đoan. Ngày 9 tháng 5 năm 2007, Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa – Thông tin Việt Nam ký quyết định số 15/QĐ-XPHC xử phạt Tổng biên tập báo Bảo vệ Pháp luật, với số tiền phạt là 20 triệu đồng vì “thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống xã hội”.




    Lời người trong cuộc

    Sau đây là lời kể đầy đau khổ và hối hận của kỹ sư Nguyễn Hùng Cường:

    “Trước khi thi công, với tư cách chỉ huy công trường tôi có mời ông Phạm Ngọc Anh kỹ sư thủy lợi làm chuyên viên kỹ thuật. Ngay ngày đầu tiên khi khảo sát thực địa, ông Anh phát hiện một ngôi Đền rất lớn ở bờ sông phía An Phú. Đó là ngôi Đền Quán Đôi có từ thời Lý. Ông Anh nói luôn: ‘Cậu không nên nhận thi công đoạn sông này. Nguy hiểm lắm’.

    Rất ân hận, tôi đã không nghe theo lời khuyên này.

    Ngày 15/8/2001 tôi vừa làm lễ trong đền Quán Đôi, vừa cho máy xúc, máy ủi xuống bờ sông khởi công. Vừa thắp được mấy nén hương thì tự nhiên lửa trong nắm hương cứ bùng bùng cháy rực, đồng thời ngực tôi đau buốt. Mãi mới dập được lửa, cắm lên bát hương thì công trường báo có sự cố. Vái vội mấy vái, tôi chạy ra ngoài. Thì ra ngoài công trường sau khi đắp đê bơm nước ra, anh em phát hiện rất nhiều cọc gỗ lim đóng theo những hàng ngắn, bố trí rất lạ.

    Cũng là vô sư, vô sách, tôi chỉ huy cho máy nhổ cọc lên. Máy vừa nhổ được 2 chiếc cọc, thì tự nhiên như có một lực gì đẩy, chiếc máy xúc tự trôi xuống sông, không có cách gì giữ được. Đồng thời đê ngăn nước vỡ, nước tràn vào ngập kín chiếc máy xúc. Cũng gần như cùng lúc ấy có tiếng người hét lên. Trong đống bùn mà máy xúc đã xúc lên bờ có lẫn rất nhiều xương người, xương thú vật, rất nhiều đồ gốm, đồ sắt, đồ dùng như bát đĩa, dao, liềm, kim khâu, tiền đồng, tiền cổ. Biết là gặp chuyện lớn, tôi cho dừng thi công, yêu cầu công nhân gom tất cả đồ cổ, xương người lại và báo với Bảo tàng Hà Nội.

    Ông Phạm Kim Ngọc Gíam đốc Bảo tàng Hà Nội và nhiều nhà khoa học đã đến hiện trường thu nhặt cổ vật mang về bảo tàng. Tối hôm đó, anh Hùng, người lái máy xúc nhổ cọc, đang khoẻ mạnh vừa về đến nhà chợt lên cơn động kinh, mắt trợn, miệng sủi bọt mép, người cứ quay tròn như gà bị cắt tiết. Cả nhà anh Hùng biết có sự lạ, sắm lễ ra bờ sông vừa khóc vừa lễ. Thật sợ, vừa lễ xong, đốt vàng mã được một nửa thì điện thoại ở nhà báo tin anh Hùng đã tỉnh lại. Không biết làm cách nào, nghe bạn bè mách, tôi phóng xe đi Hải Phòng mời một thầy pháp nổi tiếng về trừ tà. Vừa nói chuyện với thầy, tự nhiên thầy trừng mắt: “Này, chỗ ấy âm khí nặng nề, sức tôi không trừ được”. Năn nỉ mãi thầy mới đi về HN mà cũng chỉ dám làm lễ cầu an ở bờ sông và ngay đêm đó về HP.

    Mấy ngày sau, Bảo tàng HN tổ chức một hội thảo khoa học, hội tụ rất nhiều các nhà khoa học cả về sử học, bảo tàng, tâm linh. Kết luận của giáo sư Trần Quốc Vượng được chấp nhận: Đây là trận đồ bát quái yểm trấn giữ cửa thành Đại La từ thế kỷ IX. GS cũng đề cập đến lực lượng âm binh tại đây và dặn tôi phảỉ cẩn thận kẻo ảnh hướng đến sức khoẻ và tính mạng công nhân.

    Tôi cùng anh em công nhân thu nhặt hết tất cả xương người liệm vào tiểu và chôn ở bờ sông, hàng ngày cắt cử người hương khói. Nhưng công việc không tiến triển được. Cứ đắp đê lên, lại vỡ. Anh em công nhân ở công trường thì luôn luôn mơ thấy ma quỷ và thường gặp tai nạn lao động. Vét được chút bùn nào lên thì cũng thấy xương người, có khi cả đầu lâu. Chúng tôi liệm hết vào tiểu đêm chôn gần đó.

    Một mặt tích cực đổi mới kỹ thuật thi công, mặt khác tôi vẫn tiếp tục mời thầy cúng trừ tà giải hạn. Nhưng tất cả các thầy bắc, nam đều bất lực. Công nhân toàn nằm mơ thấy những người mặc áo the, khăn xếp đánh đuổi không cho nằm. Nhiều người đã bỏ việc không dám ở lại. Anh Thương quê ở Nghệ An là công nhân xây lắp ngủ ở lán công trường, đêm nào cũng mơ thấy một bà cụ hiện lên nắm tóc đuổi đi và nói ‘Đây không phải chỗ kiếm ăn của mày, về quê mà sống’. Anh Thưởng không chịu bỏ đi, còn khuyên nhiều công nhân ở lại làm. Được 3 hôm vợ anh làm cấp dưỡng cho công nhân bị bỏng độ 3 toàn thân. Sợ quá anh đưa vợ đi bệnh viện và bỏ việc luôn”.


    Nhà sư, thầy pháp bó tay

    Kỹ sư Cường kể tiếp:

    “Đến tháng 11/2001 nhờ tích cực vận động tôi đã mời được thượng toạ Thích Viên Thành ở chùa Hương về làm lễ cúng cho tôi ở hiện trường. Vừa đến hiện trường thầy đã ngồi xuống nhắm mắt niệm phật. Niệm một lúc thầy đứng lên nói. Đây là trận đồ trấn yểm rất nguy hiểm. Vì các đệ tử thầy sẽ lập đàn tràng hoá giải. Sau đó thầy lập đàn tràng ở bờ sông hoá giải trấn yểm. Lễ xong thầy Thích Viên Thành nói với mọi người, ‘Mặc dù thầy đã cố hoá giải nhưng anh em phải cẩn thận, còn anh Cường thì phải chịu nhiều hậu quả, gia đình, anh em con cháu cũng gặp hoạ. Rồi buồn buồn thầy nói: vì cái đàn tràng này tính mạng thầy cũng khó giữ’. Ba tháng sau thầy Thích Viên Thành hoá.

    Các đệ tử nói trước khi mất thầy còn nói thầy mất vì trận đồ yểm ở sông Tô Lịch.

    Nhưng công việc cũng không tiến triển được. Đê đắp lên là vỡ, kè thép không vỡ thì nước sói từ dưới lên. Đặt đá xuống thì đá chìm ngỉm. Để kiểm tra địa tầng tìm kiếm biện pháp thi công mới tôi thuê một dàn khoan thăm dò đến khoan mấy mũi. Dàn khoan dựng ở giữa sông, đội khoan hạ mũi khoan. Lạ thay cứ hạ mũi khoan xuống một đoạn là mũi khoan gãy. Ba lần như vậy họ lẳng lặng tháo dàn khoan đi mất, không cần đòi tiền. Công nhân thì vẫn hoang mang vô cùng. Anh Hoàn quê ở Ninh Bình làm đốc công, có hôm vừa dẫm chân lên đầu cột gỗ thì ở quê nhắn lên bố anh ốm thập tử nhất sinh phải cấp cứu. Anh Nguyễn Văn Nông, thủ kho là người tích cực trong việc thu lượm các hài cốt và di vật thì mẹ bị tai biến mạch mãu lão. Sau khi thày Thích Viên Thành làm lề hoá giải yểm trừ, anh Trần Văn Lợi người Bắc Giang xông sáo nhất nhảy xuống lòng sông vét bùn, vừa lên bờ tắm rửa xong thì nghe tin nhà ở quê bị cháy rụi, một đứa cháu rất thân với anh đột nhiên chết.

    Các công nhân sợ hãi nghỉ việc cả. Chiều chiều đứng bên bờ sông hoang vắng lòng tôi bỗng chua xót. Tôi có tội gì đâu mà thánh thần hại tôi đến nỗi này….

    Lúc này một số báo chí đã nói tới những sự kỳ lạ xung quanh công trình sông Tô Lịch đoạn qua làng An Phú này. Bảo tàng Hà Nội, rồi Viện tâm lý, các nhà ngoại cảm cận tâm lý đều đã tổ chức các cuộc họp tại công trình. Kết luận cuối cùng là …. Không giải thích được. Phía các nhà sử học, khảo cổ học thì giải thích đây là di tích nằm trong quần thể chính của Tây thành Đại La (có thể là Ngọ Môn), nhiều người còn yêu cầu khôi phục di tích này, phía các nhà tâm linh dịch học, thì nói đây là một trận đồ trấn yểm tà ma, không cho xâm phạm kinh thành, vì là trận đồ cho nên đã giam giữ rất nhiều ma mãnh, những bộ xương người mà tôi đào được rất có thể là xương người bị tế sống chôn lúc làm lễ trấn yểm. Cũng theo họ tôi đã động đến trận đó, phá hủy nó, giải thoát cho bao nhiêu tà ma nên nó ám vào làm hại những người có mặt lúc đó, mặt khác thánh thần cũng oán giận việc làm của chúng tôi nên ra tay trừng phạt. Chuyện thánh thần ma quỷ thì không ai nhìn thấy, nhưng những sự rủi ro mà chúng tôi phải chịu đựng thì quá đáng sợ.

    […] Vì vốn liếng, vì sĩ diện của một kỹ sư xây dựng tôi bàn với anh em thân tín quyết tâm làm đến cùng. May thay có ông Nguyễn Trưởn Tiểu – Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị VIC ủng hộ tôi rất nhiều trong công việc (hiện nay ông Tiểu đang làm Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty xây dựng Hà Nội). Được sự giúp đỡ của ông, tôi đã mời được thầy Mão và cuối cùng đến 6.2002 ông Mão nhận lời lập đàn tràng giải trận độ bát quái cho tôi. Đàn lớn lắm, có đủ cờ phướn, hương án, lễ mặn, hoa quả có đủ. Trong danh sách chủ lễ có toàn bộ Ban Giám đốc công ty VIC, nhưng ông Hưng không đến dự. Cúng lễ hai ngày, hai đêm, hàng trăm người đến xem ầm ĩ một khúc sông. Cúng xong ông Mão nói với tôi: ‘Cậu đào khúc sông này là cậu khổ rồi. Bây giờ cậu có thể làm xong việc, nhưng nhà cậu sẽ gặp nhiều ta vạ lớn, cậu sẽ mất tất cả những gì quý giá nhất, an hem cậu sẽ tan gia, bại sản, gặp nhiều sự oan khuất. Tôi làm lễ cho cậu tôi cũng sẽ bị trả giá. Mặc dù tôi không chết nhưng e rằng sẽ khó được như trước’.

    Ngay sau khi ông Mão lễ xong, chúng tôi cùng về đến nhà, thì ông Mão ngất đi. Từ lúc đó trong gần nửa tháng người nhà ông Mão đưa ông đi khắp các bệnh viện, không bác sĩ nào biết ông mắc bệnh gì, còn ông Mão thì lúc mê lúc tỉnh, lúc thì kêu khó chịu trong người, lúc thì kêu đau đầu… Cứ vậy mãi sau ông mới khỏi, nhưng từ đó sức khỏe yếu hẳn đi. Trước đây tôi không tin là thầy Thích Viên Thành chết vì tai họa sông Tô Lịch, nhưng từ khi chứng kiến ông Mão ốm thì tôi tin rằng thầy Thích Viên Thanh chết vì ma tà sông Tô Lịch thật. Nhưng lạ nhất là từ lúc lập đàn tràng lần thứ 2 do ông Mão chủ lễ, công việc có vẻ suông sẽ hơn. Cừ dựng lên không bị phá vỡ nữa, kè đập cũng không bị sụt lỡ, chúng tôi đã làm được gần 150m dài, quá 1/3 đoạn sông tôi nhận. Đến đây thì tôi kiệt sức, vốn liếng vay mượn khắp nơi rồi không thể vay thêm được nữa. Tôi quyết đinh dừng công việc tại đây. Nhưng tai họa thì không dừng lại, vào đúng ngày tôi hết sạch tiền, định cho anh em nghỉ việc thì tự nhiên một anh công nhân lên cơn động kinh ngay tại công trường, miệng sủi bọt mép, mất hoàn toàn ý thức. Lúc tan cơn co giật anh vẫn mê sảng mồm lảm nhảm: ‘Trả tao đây, trả tao đây.’

    Ngay hôm sau tôi được tiếp một người quen mới từ Lào về. Đó là anh Tuấn một cán bộ ở Ủy ban dân tộc Trung ương. Năm trước, trong lúc chúng tôi đào trong trận bát quái anh có đến thăm và chọn trong các đồ cổ xúc ở dưới sông lên, xin một cái bát hoa cúc đời Lý Anh mang về bày ở trong nhà. Từng ngày ấy gia đình lục đục, làm ăn thất bại. Vừa rồi anh có đi công tác sang Lào, có một ông thầy cũng vừa nhìn thấy anh đã hốt hoảng: ‘Anh có cầm vật gì của người âm không?’. Anh trả lờ: ‘Không có ạ’. Ông thầy cúng lắc đầu: ‘Anh phải nhớ lại thật kỹ đi, tôi thấy sau lưng anh có rất nhiều người âm đang đòi anh cái gì đấy.Hình như là bát ăn cơm thì phải. Anh lấy của họ ở dưới sông làm họ không có bát ăn cơm. Anh phải trả họ ngay không thì gay go đấy.’

    Anh Tuấn nhớ lại chuyện cái bát sợ quá phải bỏ dở chuyến công tác, quay về Hà Nội sắm lễ vật làm lễ tạ tồi và trả cái bát vào lòng sông đúng chỗ tôi đã múc lên. Hôm đó là ngày 24.07.2002

    Chuyện còn rất dài, tai họa còn rất nhiều, ba ngày sau đó, bố đẻ tôi đột ngột ra đi và nhiều chuyện nữa đã xảy ra tôi sẽ kể chi tiết sau. […]

    Bố đẻ tôi ở quê là một người đàn ông trẻ khỏe hơn tuổi 70 của mình, ông vẫn làm việc và lao động như mọi tráng niên. Sau khi anh Tuấn trả cái bát về lòng sông đúng 3 hôm ngày 27.07.2003, bố tôi đi chơi về đang ngồi uống nước ở nhà đột nhiên đứt mạch máu não và chết ngay sau 6 tiếng đồng hồ cấp cứu.

    Đây là mất mát lớn nhất của cuộc đời tôi. Biết là mọi sự nguy hiểm đang rình rập, ngay sau khi đám hiếu bố tôi kết thúc, tôi ra ngay công trình, đào toàn bột tám hài cốt moi từ dưới sông đang chon tạm dọc bờ sông lên, rửa ráy sạch sẽ, xếp vào tiểu đẹp và làm lễ trọng, đưa toàn bộ lên nghĩa trang Bất Bạt an tang, cho mát mẻ vong linh người chết. Trong đau khổ mất cha, trước đàn lễ tôi vừa khóc vừa khấn rất to nhiều người nghe thấy: ‘Tín chủ xin các vong hồn tha thứ cho sự xúc phạm vào nơi yên nghỉ của các vong, nhưng tín chủ cũng chỉ là người làm thuê, thừa lệnh cấp trên mà làm, nay con đã sức cùng, lực kiệt, người thì chết, người thì ốm, tiền thì hết, nếu các vong có bắt tội thì bắt tội ông Nguyễn Quang Hưng giám đốc Công ty VIC và ông Nguyễn Trong Doanh Giám đốc dự án. Xin các vong nhẹ đỡ trừng phạt con”. Tôi cũng nói thêm, trong suốt thời gian xảy ra chuyện ở đoạn sông Tô Lịch này, hai ông Hưng và Doanh lúc nào cũng tỏ vẻ không tin và không hề có sự hỗ trợ giúp đỡ nào, thậm chí còn nhạo báng và gây thêm khó khăn cho công việc thi công của tôi.

    Và cũng thật đáng sợ, chỉ 2 ngày, sau khi tôi an táng toàn bộ 8 bộ hài cốt ở nghĩa trang Bất Bạt, trong chuyến công tác ở Quảng Bình, xe ô tô chở ông Nguyễn Quang Hưng cùng một số cán bộ công ty đã bị tai nạn. Chiếc xe Toyota bị phá hủy hoàn toàn. Ông Nguyễn Quang Hưng bị chấn thương nặng, gãy 3 chiếc xương sườn…. [… ]

    Còn nhiều chuyện nhỏ nữa cũng đều đáng sợ, nhưng nếu kể nữa e rằng chỉ làm bạn đọc bận tâm. Cũng có thể toàn bộ chuyện này chỉ là ngẫu nhiên mà rơi xuống số phận tôi, hoàn toàn không có yếu tố tâm linh, chỉ biết rằng theo cố GS Trần Quốc Vượng địa điểm mà tôi thi công là điểm giao hòa của 3 con sông cổ: Sông Tô Lịch, sông Thiên Phú và sông Nhuệ. Do vậy cấu tạo địa chất rất phức tạp và hình thành những vực sâu và rồi những vực sâu cũng được bồi lấp bởi mọi thứ đã từng trôi nổi trong 3 dòng chảy của con sông chính vì vậy việc thi công rất khó khăn. Nhưng cũng có thầy địa lý đã nói: đây là điểm giao hòa và là một huyệt phong thủy rất quan trọng. Vì vậy một thế lực nào đó đã lập trận đồ trấn yểm để huyệt này không phát được. Mọi việc tôi không biết rõ, nhưng chuyện của tôi và gia đình thì quá đau khổ.”
    * *


    Sự thật thế nào thì cần phải xét lại nhưng trấn yểm là việc có thật trong lịch sử.

    Ngày xưa người ta đồn Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu đã xây đài bát quái tại Hồ Con Rùa để trấn yểm thế long mạch và đó chỉ là lời đồn.

    Thậm chí ngày nay người Hà Nội vẫn còn truyền khẩu câu chuyện Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng trấn yểm đất Bắc. Theo những lời này thì hai lãnh tụ trên cho sửa đê sông Hồng và đắp đường ngăn Hồ Tây và Hồ Trúc Bạch cũng không ngoài mục đích trấn yểm đất: họ là người Trung, và nếu không trấn yểm thì họ sẽ không yên với những đồng chí Bắc Hà đang bị họ đè đầu cưỡi cổ. Thực hư chuyện này thì cần phải điều tra thêm.

    Nhưng trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên – quyển 5, Kỷ nhà Trần, do Hoàng Văn Lâu dịch, Hà Văn Tấn hiệu đính và Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản năm 1998 – có chép lại sự kiện diễn ra năm Đinh Mùi, 1247 (tập II trang 22): “Sai các nhà phong thủy đi xem khắp núi sông cả nước, chỗ nào có vương khí đế vương thì dùng phép thuật để trấn yểm, như các việc đào sông Bà Lễ đục núi Chiêu Bạc ở Thanh Hóa; còn lấp các khe kênh mở đườngngang dọc thì nhiều không kể xiết. Đó là làm theo lời Trần Thủ Độ.”

    Trở lại với chính quyền Sài Gòn, sau khi Phó chủ tịch Nguyễn Thị Thu chết bất đắc kỳ tử ở tuổi 53 mà dư luận đồn đãi là “bị “Đức Thánh Trần vật chết” ký lệnh dời lư hương, nay chính quyền này lâm cảnh bi đát hơn bao giờ hết.

    Ngày 7.3.2018 báo Tiền Phong đăng bản tin “‘Chưa bao giờ TPHCM thiếu nhân sự lãnh đạo như hiện tại” : Bên lề phiên họp diễn ra tại Hà Nội ngày 6/3, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Trần Vĩnh Tuyến chia sẻ những khó khăn của thành phố trong công tác cán bộ hiện nay. Theo ông Tuyến, chưa bao giờ TPHCM rơi vào tình trạng thiếu nhân sự lãnh đạo như hiện nay: “Đây là giai đoạn khó khăn nhất của thành phố về công tác cán bộ với những lý do hết sức khách quan”.

    Khó khăn thật! Sau khi bà Nguyễn Thị Thu đột ngột qua đời, đến phiên phó chủ tịch Huỳnh Cách Mạng lên cơn đau tim, còn phó chủ tịch Lê Văn Khoa thì đã nghỉ việc từ năm 2018 mà chưa có người thay thế, chính quyền mất một lúc ba phó chủ tịch.

    Đây có thể chỉ là sự trùng hợp nhưng tình trạng khó khăn ‘Chưa bao… như hiện tại” lại trùng hợp với việc dời lư hương đã có 52 tuổi đời, chắc chắn tin đồn “thánh vật” sẽ còn kéo dài và giới lãnh đạo tại đây sẽ còn bất an khá lâu về mặt tâm lý.

    Ngoài miệng nói là không tin nhưng hiện tại các quan chức cộng sản là bọn người mê tín hơn ai hết, tin răm rắp mấy ông thầy phong thủy và nhà quan chức nào cũng thiết lập một gian thờ đồ sộ. Những kẻ làm nhiều điều thất đức, chà đạp lên đầu dân và chà đạp lên nhau để thăng tiến thì luôn có tâm lý bất an, do đó nảy ra trò hối lộ thánh thần và mua chuộc tà ma.

    Chắc chắn mấy ngày nay giới quan chức này siêng năng cúng kiếng hơn ai hết, chạy đôn chạy đáo để “tầm sư giải hạn”.


    Phạm Hiếu


    Nguồn:http://vietluan.com.au


              
Trả lời

Quay về “Việt Nam”