Con Heo Đất của Mẹ Tôi

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Con Heo Đất của Mẹ Tôi

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    Con Heo Đất của Mẹ Tôi
    ____________________________
    19/02/2019



              

              


    Mẹ tôi qua đời vào áp ngày cuối năm âm lịch 1975, cho nên những ngày cuối năm là những ngày tôi nhớ mẹ nhiều nhứt. Nhớ công lao tảo tần, chắt chiu và vun vén của mẹ để lo cho gia đình đủ ăn đủ mặc. Chuẩn bị bước vào Năm Con Heo, nhớ mẹ, tôi thường liên tưởng đến con heo đất của mẹ.

    Nhà tôi bị phá sản trong những năm đầu của thập niên 1950. Nhiều mất mát lớn lao đã xảy ra cho gia đình. Trí nhớ của tôi vừa đủ bén nhậy để ghi lại một số biến cố. Tôi vẫn nhớ như in một buổi sáng nọ, sau một đêm nghe có nhiều tiếng súng nổ gần nhà, cả gia đình đã thức giấc trong sự bàng hoàng khi chứng kiến nguyên một đàn trâu bò được cột giữ trong vườn trước nhà đã ngã gục. Mãi sau này tôi mới được giải thích rằng những viên đạn hạ sát đàn súc vật của gia đình tôi đã được bắn ra từ một đồn lính Tây gần nhà thờ, chỉ cách nhà tôi khoảng một trăm thước.

    Rồi một buổi chiều khác, tôi vẫn nhớ mãi gương mặt hớt ha hớt hãi của cha tôi khi ông từ ngoài ruộng chạy về báo tin cho cả nhà biết rằng ruộng mía đường trên đồng Tây Cối cách nhà chừng 2 cây số cũng đã bị lính Tây nổi lửa thiêu rụi. Công cuộc kinh doanh của cha tôi coi như “tiêu tán đường”. Cha tôi chỉ còn giữ lại được vài miếng ruộng đủ để kiếm gạo cho cả nhà. Thời đó, lúa Thần Nông do Viện IRRI của Liên Hiệp Quốc (International Rice Research Institute, chuyên nghiên cứu về lúa có trụ sở đặt tại Phi Luật Tân) tìm ra chưa được du nhập vào Việt Nam. Cũng như các nông dân khác ở vùng quê tôi, cha tôi chỉ biết cậy dựa vào các giống lúa đặc sản của địa phương như Mắt Cu, Ba Thắc, Đồng Nai… Mỗi năm chỉ trồng được 2 mùa, nhưng những giống lúa địa phương này có sức kháng cự với rầy và sâu bọ cao cho nên thường cung cấp đủ lúa gạo cho người dân quê. Dĩ nhiên, cũng có những năm, do hạn hán hay vì một nguyên nhân nào đó, trắng tay hay phải “bán lúa giống” là chuyện thường xảy ra cho nhiều người trong đó có cha tôi.

    Ngoài chuyện trâu bò và ruộng mía bị lính Tây xóa sạch, gia đình tôi còn phải trải qua một chuyện buồn khác mà một đứa trẻ 4, 5 tuổi như tôi vẫn còn ghi tạc trong ký ức. Ông cố tôi để lại gia tài cho ông nội tôi vốn là con trai một trong gia đình. Gia tài này lại được ông nội tôi truyền lại cho cha tôi là con trưởng nam trong gia đình. Không phải là một cơ ngơi đồ sộ, nhưng gia tài ông cố tôi để lại gồm có một mảnh vườn đủ lớn để trồng đủ các loại cây ăn trái và 2 gian nhà, cả hai đều được lợp bằng ngói âm dương. Riêng gian nhà dưới lại được cất toàn bằng gỗ: cửa chính, cửa sổ bằng gỗ, tường bằng gỗ và 2 phòng ngủ cũng bằng gỗ. Do bị phá sản và nợ nần chăng, cha tôi đành phải bán gian nhà dưới. Tôi vẫn nhớ mãi một ngày nọ nhiều người đã kéo tới nhà tôi. Họ dùng đủ mọi dụng cụ để tháo gỡ ngôi nhà. Tôi đứng nhìn người ta đang đập phá nhà mình mà không hiểu sự gì đang xảy ra cho gia đình.




    Mới đây tôi có đọc được chuyện xảy ra ở Lộc Hưng như được tác giả Từ Thức bên Pháp và nhà báo Ngô Nhân Dụng của báo Người Việt ghi lại. Riêng tác giả Từ Thức viết rằng mỗi lần nghĩ đến chuyện đang xảy ra ở Lộc Hưng, ông không thể không nhớ lại hai hình ảnh:
    • “Thứ nhất, video quay cảnh một người cha trèo lên đống nhà sập, té lên té xuống, đi tìm những mảnh đồ chơi của con.
    • Thứ hai, hình một cháu gái áo đỏ buồn bã ngồi nhìn nhà mình bị kéo sập”.

    Tác giả Từ Thức tự hỏi:
    • “Cái gì diễn ra trong đầu một đứa bé nhìn cả thế giới của mình sụp đổ. Trong một xã hội bất nhân, tình cảm là một xa xí phẩm, còn ai bận tâm tới cái gì diễn ra trong đầu một đứa nhỏ?”


    Tôi ngắm kỹ hình của cô bé được truyền thông của người Việt hải ngoại gọi là “cô bé áo đỏ” ở Lộc Hưng. Nhìn em ngồi chống tay lên cằm, ra chiều suy nghĩ như một người lớn, tôi biết em đã tới tuổi “biết buồn”, biết đau với những mất mát của gia đình và của riêng em. Còn tôi, khi người ta đến tháo gỡ gian nhà dưới của gia đình, tôi còn quá nhỏ để biết đau, biết buồn với nỗi mất mát của gia đình và dĩ nhiên cũng chẳng hiểu tại sao gia đình phải lâm vào một hoàn cảnh bi đát như thế.

    Mãi sau này, khi lớn khôn một chút, tôi mới được cha tôi giải thích về nguyên nhân phá sản của gia đình. Cha tôi nói rằng ông có “lên núi” đi kháng chiến chống Tây một thời gian. Tôi chỉ nhớ mầy mậy là có những đêm khuya, trong nhà xuất hiện nhiều người mặc áo đen. Cha tôi theo Việt Minh mấy năm tôi không rõ và ông “dinh tê” về làng lúc nào tôi cũng chẳng biết. Sau này khi tôi có dịp nói chuyện với một số linh mục người Pháp đã từng điều khiển một trung tâm đào tạo linh mục, bí mật về cha tôi mới được vén mở. Số là ông anh thứ Sáu của tôi đã từng tu học tại trung tâm này. Đang học lớp Quatrième (tương đương với lớp đệ ngũ của chương trình Việt), anh tôi bị nhà trường đuổi về mà không đưa ra một lý do nào. Chuyện của anh tôi chỉ được làm sáng tỏ khi một linh mục người Pháp đã phá vỡ sự thinh lặng để cho tôi biết rằng sở dĩ anh tôi bị đuổi về là vì lúc đó đã có người tố cáo rằng cha tôi treo cờ Việt Minh trên nóc nhà thờ. Cha tôi hoàn toàn bác bỏ lời tố cáo này. Nhưng muốn hay không, cái giá mà ông phải trả vì những năm đi theo Việt Minh là sự phá sản ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình và con cái. Và hơn ai hết, mẹ tôi là người phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhứt.





    Cũng như cha tôi, về học vấn, mẹ tôi chỉ “tốt nghiệp bình dân học vụ”. Vậy mà tiếng Tây (bồi), bà cũng “ba xí ba tú” như gió. Sách nào rơi vào tầm tay bà cũng đọc ráo. Riêng về chuyện buôn bán làm ăn thì có lẽ mẹ tôi “lanh” không ai bằng. Thời đó mà bà đã đi ra vào Sài Gòn như cơm bữa, trong khi đó đối với rất nhiều người dân làng tôi, “Hòn ngọc Viễn Đông” này là một thế giới hoàn toàn xa lạ.

    Ngoài chuyện buôn bán, nguồn thu nhập chính của gia đình tôi, sau khi công việc làm ăn của cha tôi phá sản, là mấy con “heo đất” của mẹ tôi. “Heo đất” của mẹ tôi không phải là những cái “bủng bỉnh” bằng đất được nắn theo hình tượng con heo thường được người lớn mua cho trẻ con để tập chúng biết để dành tiền. “Heo đất” của mẹ tôi là heo bằng xương bằng thịt, nhưng vào những năm đầu của thập niên 1950, chưa có chuồng heo bằng xi măng cho nên quanh năm ngày tháng bị nhốt trong những cái chuồng được lợp bằng mái tranh và suốt ngày ủn ỉn bì bõm trên một nền đất lầy lội.

    Heo đất của mẹ tôi gồm có 3 chị nái thuần chủng địa phương. Thời đó các giống heo ngoại quốc như Yorkshire chưa xuất hiện ở Việt Nam, người dân quê tôi chỉ biết nuôi giống heo bụng trắng, lưng đen, nhỏ con nhưng được cái mắn đẻ và đẻ sai. Đi đứng thì lúc nào vú mớm cũng lòng thòng chấm đất.

    3 chị heo nái là 3 cái bủng bỉnh của mẹ tôi. Những đồng tiền cắc kiếm được từ đủ thứ công việc được mẹ tôi dồn vào việc mua cám, mua rau muống cho mấy chị heo. Một ít đất khô cằn được dùng để sản xuất khoai mì. Mì xắt lát phơi khô có lẽ là những món “cơm độn” khoái khẩu của heo. Cứ thế, heo lúc nào cũng “đủ ăn” và cứ đúng mùa theo sự tính toán của mẹ tôi để sinh con đẻ cái. Có lứa ra đời vào dịp Tết. Có lứa xuất hiện vào lúc con cái trong nhà tựu trường. Mỗi lứa heo con bán ra là món tiền bỏ ống của mẹ tôi, đủ để đắp đổi chi tiêu trong gia đình và cũng đủ để cho anh em chúng tôi được ăn và học. Heo đực được rước về nhà đúng lúc để làm nghĩa vụ truyền giống. Tôi được may mắn chứng kiến chu kỳ sinh đẻ của mấy chị heo nái. Có những đêm, mẹ tôi chong đèn để làm bà mụ cho mấy chị heo. Anh chị em chúng tôi quây quần xung quanh mẹ để hồi hộp theo dõi từng con heo con lọt lòng mẹ. Trẻ con nhà quê như tôi đâu cần phải học giáo dục sinh lý. Tắm sông thì ai cũng đều Adam và Eva như nhau. Thế nào là truyền giống và sinh sản thì đã có chú heo đực và mấy chị heo nái mách bảo.





    Mẹ tôi đã âm thầm dạy cho chúng tôi nhiều bài học. Nhưng bài học quan trọng hơn cả là xuyên qua mấy con “heo đất”, mẹ tôi đã cho thấy rằng biết dành dụm và tích lũy ai cũng có thể vượt qua được những nguồn cơn khốn khó.

    Thật ra, lúc nhỏ tôi cũng có nhiều lần được tặng cho một con heo đất. Nhưng heo đất của tôi là để ngắm cho đỡ ghiền hơn là để bỏ vào đó những đồng xu nhỏ. Lũ trẻ con nhà quê nghèo như tôi ít khi có tiền túi. Có chút đỉnh thì đem mua giây thun để làm ná bắn chim hay cước và lưỡi câu để câu cá, còn đâu mà bỏ ống. Một lần duy nhứt trong đời tôi có tiền rủng rỉnh trong túi là năm tôi lên 6,7 tuổi. Năm đó, không rõ từ đâu một con gà con lạc mẹ chạy vào vườn nhà tôi. Tôi xí được của trời cho. Con gà con được cho nhập bày với đám gà trong nhà. 6 tháng sau, nó trổ mã biến thành một chị gà mái. Nó cho tôi một bày gà con. Ba tháng sau, gần đến Tết, tôi nhờ bà chị cả bán bày gà giò lẫn gà mẹ. Tết năm đó, tôi trở thành “đại gia” giữa đám trẻ con nghèo.





    Tết đến tôi nhớ mẹ tôi. Năm con heo, hình ảnh những con “heo đất” của mẹ tôi lại trở về. Tôi không có thói quen bỏ ống nuôi “heo đất”. Nhưng càng thêm tuổi, tôi càng nghiệm ra rằng trong cuộc sống những tích lũy trong tinh thần như giá trị những nhân bản và đạo đức quan trọng và cần thiết hơn tiền bạc. Chỉ có những giá trị này mới thực sự mang lại an bình và hạnh phúc đích thực cho con người. Người ta có thể thừa hưởng của cải vật chất do gia đình để lại. Nhưng phải “tu thân tích đức”, phải tập tành từng ngày con người mới thực sự giàu có nhờ sống theo những giá trị nhân bản, tinh thần và đạo đức.

    Cả đời có lẽ tôi chỉ mới lập được 2 thành tích đáng kể là bỏ thuốc lá và chạy bộ mỗi ngày. Năm 1975, tôi rước vào người đủ mọi tật xấu, trong đó ghiền thuốc lá là điều tệ hại nhứt. Năm 1990, khi nhận ra thuốc lá đã cướp đi nhiều cái răng, đục khoét bao tử và làm cho tim lúc nào cũng đập loạn xà ngầu…tôi quyết tâm bỏ thuốc lá. Nhưng chỉ sau 3 tháng tôi đã “sa ngã” lại. Tôi lại đứng lên và lần này tôi đã cầm cự được 6 tháng. Nhưng cũng như dân ghiền thuốc lào, “chôn điều xuống lại đào điếu lên”, tôi lại càng hút bạo hơn…Phải trày vi tróc vẩy năm lần bảy lượt, sau đúng một năm kiêng khem, tôi mới thực sự giã từ khói thuốc. Tôi xem đây như một cuộc giải phóng vĩ đại nhứt trong cuộc đời. Không gì sung sướng bằng khi thấy mình không còn làm nô lệ cho khói thuốc nữa! Bởi một khi thoát ách nô lệ khói thuốc, tôi thấy chẳng có tật xấu nào có thể cám dỗ tôi được nữa.

    Tôi cũng có được một cảm nhận như thế khi tập được thói quen chạy bộ mỗi ngày. Cách đây 10 năm, bác sĩ tuyên án: tôi bị tiểu đường loại 2. Ý thức rằng đây là hậu quả của một cuộc sống thiếu kỷ luật, tôi thấy cần phải thay đổi cách sống. Tôi liền bắt tay vào việc chạy bộ mỗi ngày. Chỉ sau vài tháng, tôi đã tập được thói quen. Mặc dù không uống thuốc, kết quả lần thử máu nào cũng cho thấy bệnh tiểu đường đã được kiểm soát một cách tốt đẹp!

    Với 2 thành tích trên đây, tôi nghiệm ra rằng muốn bỏ một thói quen xấu và tập một thói quen tốt, cần phải tập luyện và tu luyện mỗi ngày. Chẳng có ai trong một sớm một chiều trở thành một người xấu và cũng chẳng có ai trong một ngày biến thành một người tốt. Một nhân cách lớn luôn là thành quả của những cử chỉ tử tế âm thầm và nhỏ bé được lập đi lập lại mỗi ngày.

    Mẹ tôi đã không trực tiếp giảng dạy cho tôi điều đó. Nhưng những con “heo đất” được mẹ tôi nuôi bằng những chắt chiu và hy sinh từng ngày lúc nào cũng gợi lên cho tôi bài học đó, nhứt là trong năm Con Heo này.





    Chu Thập

    http://vietluan.com.au/con-heo-dat-cua-me-toi/
Trả lời

Quay về “Tổng hợp”