Incivility và gas-lighting

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5410
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Incivility và gas-lighting

Bài viết bởi Bạch Vân »

    •           


      Incivility và gas-lighting





      Chữ này (incivility) có gốc Latin, incivilis, có nghĩa là 'không phải công dân'. Nhưng ngày nay, nó được dùng để định danh cho những hành vi xã hội khá phổ biến, mà tôi nghĩ có lẽ nên dịch là 'khiếm nhã'. Một hành vi khiếm nhã mang tính tâm lí khá phổ biến có tên là 'gas lighting'.

      Incivility
      Incivility là thuật ngữ chỉ những hành vi kém văn minh, thô kệch, vô lễ, thiếu tôn trọng người cao tuổi hay cấp trên, đe doạ cấp dưới, dẫn đến sự phá hoại văn hoá. Incivility còn được hiểu (ở phương Tây) là côn đồ văn hoá.

      Bạn bước vào building cùng một lúc với sếp của mình, bạn giữ cánh cửa mở cho sếp. Sếp bước qua ngon ơ nhưng không có một lời cảm ơn. Đến giờ giải lao buổi sáng (teabreak) bạn vào nhà bếp và phát hiện là bình trà trống trơn, tức là người sử dụng trước đó không buồn rót trà cho người kế tiếp. Đó là những hành vi khiếm nhã.

      Tôi ít khi nào giảng dạy, nhưng thỉnh thoảng có nhận hướng dẫn sinh viên và giảng trong các seminar. Qua các việc làm đó tôi hay nhận email của sinh viên, nhưng cách họ viết email làm tôi sốc. Chẳng hạn như họ mở đầu bằng chữ 'Hi' rồi theo sau là những yêu cầu như ông chủ yêu cầu đầy tớ. Có người tỏ ra có nỗ lực viết tên tôi nhưng thay vì viết hoa 'Nguyen' họ viết 'nguyen'. Tôi chú ý rằng hành vi khiếm nhã này chỉ thấy ở các sinh viên từ một vùng mà tôi không tiện nêu ra. Còn các sinh viên Á châu (kể cả Tàu) thì rất lịch sự và họ tỏ ra kính trọng cấp trên.

      Có nhiều người trẻ ở trong nước nghĩ rằng ở phương Tây bình đẳng, nên muốn nói gì thì nói, muốn chỉ trích ai cũng được. Sai lầm to. Xã hội phương Tây cũng có tôn ti trật tự, và cũng có truyền thống kính trên nhường dưới, nhứt là trong y khoa và khoa bảng. Môi trường khoa bảng và đại học có một đẳng cấp riêng, và cách xưng hô cũng như hành vi phải học để đối xử cho thích hợp. Trong hệ thống đẳng cấp đó người ta phân chia nhân viên thành thứ bậc kèm theo những danh xưng trước tên họ như Chancellor, Vice-Chancellor, Provost, Dean, Professor, Associate Professor, Senior Lecturer, Lecturer, Fellow, Doctor, v.v. Một lecturer không bao giờ dám tỏ ra vô lễ với một giáo sư, và giáo sư lúc nào cũng tỏ ra kính trọng cấp trên mình như Dean và Vice-Chancellor.

      Chúng ta không lạ gì chuyện các sếp ăn hiếp nhân viên dưới quyền. Nhưng một nghiên cứu mới nhứt ở Úc cho thấy có một tình trạng ngược lại: cấp dưới ăn hiếp cấp trên. Nghiên cứu này do ĐH La Trobe (Úc) và UBC (Canada) thực hiện trên 20 khoa trưởng các khoa như giáo dục, thương mại, và khoa học thuộc 8 đại học Úc. Trong số 20 khoa trưởng, có 18 người cho biết họ thường bị ăn hiếp. Cấp trên (tức hiệu trưởng và hội đồng trường) ăn hiếp đã đành, nhưng cấp dưới cũng ăn hiếp. Nói theo cách nói Việt Nam là 'trên đe dưới búa'.

      Gas lighting = thao túng tinh thần
      Ăn hiếp như thế nào? Các khoa trưởng này cho biết vì là giới khoa bảng, họ có học cao, nên cách ăn hiếp cũng rất tinh vi và có khi khá thông minh. Nó thường xuất hiện qua các hành vi vi hiếp (microaggression). Chẳng hạn như họ dùng internet để phao tin đồn nhảm về đời tư cá nhân hay hành vi của các vị khoa trưởng, hay họ gieo nghi ngờ về khả năng làm việc. Mặc dù chỉ là đồn nhảm và không có cơ sở, nhưng tâm lí người ta là muốn nghe chuyện tiêu cực nên họ bị dèm pha trong công việc.

      Những hành vi trên có tên là 'gas lighting'. Có thể dịch 'gas lighting' là những thủ đoạn thao túng tinh thần, với mục tiêu làm cho tinh thần của nạn nhân suy sụp. Đây là thủ đoạn mà giới chánh trị và công an hay sử dụng nhằm làm xói mòn và phá hoại thanh danh và uy tín của người khác bằng cách làm cho nạn nhân tự chất vấn về sự minh mẫn của họ.

      Thuật ngữ 'gas lighting' được bầu là phổ biến nhứt vào năm 2018, nhưng nó xuất phát từ một cuốn phim nhan đề 'Gaslight' vào năm 1944. Trong cuốn phim đó, người chồng làm cho vợ mình bị bệnh thâm thần bằng cách làm cho đèn ga lờ mờ, và nói với bà vợ rằng bà ấy đang bị ảo giác. Thủ phạm thao túng tinh thần thường dùng một số thủ đoạn như sau:

      • • Gieo nghi ngờ về trí nhớ. Mô tả một cá nhân như người mất hay kém trí nhớ, hay quên bằng những bình luận như 'Chị không nhớ chính xác một điều gì cả', hay 'Chị có chắc không, chị kém trí nhớ quá.'

        • Giấu diếm. Thủ phạm thường giả bộ rằng họ không hiểu những gì nạn nhân nói, hay không thèm trả lời. Họ thường dùng thủ thuật như 'Tôi không hiểu bạn nói về cái gì', hay 'Chị làm cho tôi lẫn lộn.'

        • Tầm thường hoá. Thủ phạm tỏ ra khinh miệt việc làm hay cảm giác của nạn nhân. Khi nạn nhân làm được một việc nào đó, thủ phạm có thể nói 'Đó là việc ăn ké', hay 'Vai trò của cô ấy chỉ là phụ tá thôi'. Khi nạn nhân tỏ ra quan tâm, lo lắng trước một vấn đề, thủ phạm thường xem nhẹ qua cách nói 'Chuyện nhỏ thế mà để tâm làm gì.'

        • Giả bộ quên. Thủ phạm không chỉ gieo nghi ngờ về trí nhớ của nạn nhân, mà còn giả bộ quên những sự kiện xảy ra. Họ thường từ chối rằng họ đã phát biểu câu nào đó, và tố cáo người khác là bịa chuyện.

        • Làm sao lãng. Một thủ đoạn khác là chuyển tiêu điểm của thảo luận và cố gắng làm cho nạn nhân không thể tín nhiệm được. Họ có thể dùng cách nói như 'Đó là một ý tưởng điên rồ mà anh bắt chước từ người khác', hay 'anh đâu có chuyên môn về việc đó mà bình luận.'

      Gas lighting không chỉ xảy ra ngoài xã hội mà còn trong cả giới y tế. Chẳng hạn như một số bác sĩ hay có thói quen lờ đi những mô tả triệu chứng của bệnh nhân với giả định rằng bệnh nhân chẳng biết gì hay có vấn đề về tâm thần. Họ hay nói rằng những triệu chứng đó là 'ở trong đầu chị', hàm ý rằng nó không có thật. Đó là một hành vi gas lighting. Có một nghiên cứu y khoa chỉ ra rằng bác sĩ có xu hướng nghĩ rằng những triệu chứng mà bệnh nhân mô tả liên quan đến bệnh tim mạch là do tâm thần của bệnh nhân không ổn định!

      Trong quan hệ tình cảm, gas lighting được dùng để đề cập đến những nhận xét về người mình yêu là 'điên', 'khùng'. Theo một nghiên cứu xã hội, có đến 33% những người bạn tình gọi người yêu mình là 'khùng'. Mặc dù nó phổ biến như thế, nhưng ở Mĩ 75% công nhân viên không biết đến nó. Chỉ có 19% công nhân viên biết định nghĩa của gas lighting!

      Trong cuộc sống hiện đại với đa quan hệ và đa truyền thông, khái niệm incivility và gas-lighting rất liên quan. Hiểu được hai khái niệm này giúp chúng ta thấy nó vô cùng phổ biến ở Việt Nam, và người ta dùng gas lighting để khống chế lẫn nhau, và cho thấy xã hội Việt Nam còn một khoảng cách đến chữ civility. Một xã hội văn minh cần cư xử tử tế với nhau và tránh gas-lighting vì đó có thể xem là một hành vi tội phạm.

      Nguyễn Tuấn

      Nguồn:https://www.facebook.com


                
Trả lời

Quay về “Nguyễn Tuấn”