Những Ngày Hè Năm Xưa

Trả lời
aovang
Bài viết: 68
Ngày tham gia: Chủ nhật 17/05/15 05:51

Những Ngày Hè Năm Xưa

Bài viết bởi aovang »

Những Ngày Hè Năm Xưa


Bãi biển Mỹ Khê cách Đà Nẵng chưa tới 10 cây số , mà sao lúc còn bé tí teo, cô thấy nó xa lắc xa...lơ...
Những năm trước 1960, đất nước thanh bình, gia đình cô làm ăn khá giả, Ba Mẹ cô biết hưởng, có xây nhà mát ở bên kia sông.

Cô còn nhớ mỗi năm, ngày cuối niên học, lãnh phần thưởng xong là Chú Tước tài xế đón các chị em cô, chở thẳng qua biển Mỹ Khê. Đã có O, chị của Ba qua trước sắp sọan chu đáo để các cháu ở chơi suốt hai tháng hè. O về ở với gia đình cô sau khi chồng và con qua đời, là một giai nhân của vùng Cam Lộ thời đó, lấy chồng con quan, nên gọi là Ấm. O Ấm hay kể cho con cháu nghe chuyện nhà chồng ở Bình Định, O cưỡi ngựa, bắn cung ngày xưa, đi đâu cũng có lính hầu, dượng Ấm thì lúc nào cũng mặc đồ tây màu trắng tinh... tụi nhóc quây quần ngồi nghe, mê tơi... Đến già, O vẫn còn đẹp lảo...
O phải chăn một lũ con nít từ 5 đến 13, 14 tuổi, vừa lo ăn uống, vừa trồng rau trồng cà suốt mùa hè. Cô nhớ ngày nào cũng chạy ra sau vườn vạch lá xem dưa hấu đã lớn chưa, chờ hoài, nhiều khi hết ngày hè, dưa còn chưa đỏ, chỉ biết đem vào nấu canh ăn như bầu bí mà thôi.

Muốn qua biển phải lấy cầu Trịnh Minh Thế, cái cảm giác đi qua cầu, nhìn sông nước mông mênh làm cô sờ sợ và chóng mặt, chú tài xế lúc nào cũng không quên dọa dẫm vài câu nên cô ngồi đàng hoàng và im thin thít.
Nhưng vừa xuống khỏi cầu, nhìn những rặng dương liễu ẩn hiện thấp thóang từ đàng xa sau làng chài cá An Hải là cả bọn bắt đầu hò reo, biết sắp tới nơi rồi.

Gia đình cô có thể xuống sớm vài tiếng đồng hồ, trước mấy đứa hàng xóm, nhưng đến 6 giờ chiều thì con nít nhà nào cũng có mặt đầy đủ, làm như ai cũng nao nức gặp mặt nhau ngày đầu mùa hè, làm như đến trễ hơn những đứa khác là sẽ mất tiếng nói trong buổi họp mặt bàn luận chương trình của hai tháng hè trước mặt...

Hàng xóm của cô, bên phải là nhà bác Lập, bên trái có bác Tuyên, cô chơi thân với Hồng Hoa, hơn cô một tuổi, còn lại là một đám con trai đông đảo, các anh lớn xấp xỉ tuổi hai chị lớn của cô và họ cũng ít ở lại suốt mùa hè bên biển.
Bác Lập có ba anh, Thi, Lễ, Ngôn, cùng trang lứa với chị Bé, chị Tí...Bên cô còn có mấy chị em bà con nên lúc nào cũng rộn ràng đầy con gái.
Hình như anh Thi thường làm trưởng đàn, anh là hướng đạo sinh nên tháo vát và có nhiều sáng kiến.

Mùa hè của đám con nít rất bận rộn, buổi sáng tắm biển thật sớm, chơi đùa trong nước cho đến khi mặt trời lên cao trên đỉnh đầu, nắng bắt đầu gắt thì người nhà gọi về ăn cơm.
Cơm trưa xong, thường cả bọn lên rừng hái sim và bẻ hoa xương rồng để tối về kết vương miện mang trong các màn vũ văn nghệ.
Có những hôm cả đám đi bộ dài dài trên bãi đến tận chân núi chùa Non Nước. Lúc đi thì hăng hái, nhưng giờ về lần nào cũng thất thểu vì đường xa ơi là xa... mấy đứa nhỏ như cô bắt đầu mè nheo, các chị phải thay nhau cỏng vài đoạn.

Nếu đi ngược về đầu kia là đến bãi Tiên Sa. Nghe đến tên Tiên Sa là đã thấy đẹp rồi, cô thường chạy theo mấy anh mấy chị hỏi, hồi xưa có tiên hiện xuống đây thật à ? Nhưng biển Tiên Sa thì toàn những hòn đá to nhỏ chiếm gần hết bãi, thường bọn cô hay đến đây bắt sò ốc hơn là tắm biển.

Còn bãi Mỹ Khê thì ôi thôi, quá rộng chổ để bày binh bố trận, nào là tổ chức văn nghệ buổi tối, có mời dân làng ra xem, hoặc bày những sinh hoạt thể thao có phát giải, và kêu gọi trẻ em trong làng An Hải tham gia.
Quà thưởng là giấy vở học trò, do nhà anh Thi là trường tư thục biếu tặng, hoặc kẹo bánh từ những gia đình khác ủng hộ...
Đối với người dân làng chài, bọn cô được xem như văn minh hơn, và là những người hảo tâm nên rất được dân làng quí mến.
Bên cô có chị Bé đảm nhiệm mấy màn múa hát, các bài Khúc Ca Ngày Mùa hay Ngày Hạnh Phúc, Gạo Trắng Trăng Thanh, năm nào cũng xào đi xào lại.
Anh Thi thì hay đóng kịch, mà anh lớn nhất nên cứ phải làm Vua. Cô tức cười và nhớ mãi lúc anh vuốt râu phán “...Toàn dân nghe chăng ? Sơn hà nguy biến...” mà không có...râu...
Khỏi nói rồi, lâu la và lính khố thì chỉ có cô với em Hải, em Hương đảm đương. Hồng Hoa lâu lâu còn được làm công chúa...

Những buổi sáng, trời trong veo, biển êm ả với những đọt sóng lăn tăn, cô hay theo O ra biển sớm. Hình như O chỉ muốn tắm biển lúc mặt trời mới lên, chắc O sợ nắng làm đen da.
Cô là đứa nhỏ nhất nên ngủ với O, đi đâu O cũng phải canh chừng, vì có một lần cô suýt bị sóng cuốn trôi, cô không nhớ gì nhưng cả nhà hay nhắc lại chuyện ngày cô suýt chết đuối. Eo ơi, cũng sợ chứ.

Cô nhớ hoài một buổi sáng, ra biển, cô nhìn thấy sóng vổ vào bờ và khi nước rút ra, trên cát còn lại những hòn sỏi lấp lánh như kim cương, mà cô chưa từng thấy qua bao giờ. Chạy đến gần thì mới biết đó là những con sò bóng láng màu hồng nhạt, bị sóng đẩy vào bờ, hằng hà sa số, chân cô dẫm lên sò đau buốt, cô ngồi xuống quýnh quáng hốt đầy sò vào hai lòng bàn tay nhỏ, rồi lúp xúp chạy lên thả trên cát khô... Hai O cháu thay nhau lượm sò chất đầy một núi nhỏ, thế là buổi trưa hôm đó mọi người được ăn sò hấp, cháo sò...sò...bảy món.

Nhóm nghỉ hè còn một cái thú khác là tắm biển những đêm sáng trăng, cô còn nhỏ quá nên O không cho theo các anh chị ra biển buổi tối, có khóc lóc lắm thì được O dắt ra bãi bắt còng và đùa đùa mang về rang ăn. Bắt đùa đùa cũng là một cái thú, cô chỉ chờ sóng đánh vào bờ, khi nước rút ra thì nhìn thấy trên cát ướt hình một mũi nhọn, cô chạy bay đến, vọc tay vào cát là trăm lần như một cô bắt được một con đùa đùa mập ú. Đem về, rang muối với bơ tỏi ngon hết biết.

Từ nhà mát đi xuống biển phải qua một khoảng đất trồng đầy cây dương liễu, nhờ đó mà có bóng mát để những hàng quán mọc lên như nấm, nhất là thời quân đội Mỹ bắt đầu hiện diện rầm rộ ở Đà Nẵng... Cô rất ghét đi ngang khoảng đất này vì trái thông rơi đầy, vùi trong cát, những lúc đạp phải vì quên mang dép, dằm có thể đâm sâu vào lòng bàn chân đau điếng...
Cây dương liễu không đẹp như các cây thông bày bán trong mùa Noel ở Bắc Mỹ, thân cây cao vút, cành lá thì không xum xuê nên không bóng mướt, nhưng cũng đủ để nghe tiếng thông reo vi vu trước gió.
Những lần đi nghỉ mát ở Cuba hay Bahamas sau này, cô vẫn thường so sánh những rặng thông nơi đây với rừng thông của ngày xưa. Cô chưa bao giờ tìm lại được hình ảnh của bãi biển Mỹ Khê thân yêu.


Những làng chài lưới có các ngày lễ hội cúng quảy thật rình rang. Dân làng rất thành tâm và thờ phượng thần linh cung kính, họ nói Cá Ông giúp những người ra biển đánh cá, có những câu chuyện được kể đi kể lại rất nhiều là thần đã kéo giúp chiếc ghe đi lạc về đến bến...Cô ít dám lai vãng ở chổ đình thờ vì khói hương nghi ngút, nên phong cảnh âm u...

Nhưng rồi cô cũng biêt được không phải biển lúc nào cũng đẹp, cũng dịu hiền...một ngày biển động đã gây cho cô dấu ấn sâu đậm mà đến bây giờ, nhắm mắt lại cô vẫn còn thấy rõ ràng những xác người trắng hếu được kéo lên từ những cơn sóng lớn... Hôm đó, có gần 5, 6 người bị sóng cuốn trôi, dân chài nhào ra biển cấp cứu và kéo vào, cứu sống được vài người. Có hai anh học trò bạn cùng trường chị Ba của cô bị chết đuối, ai nấy đều kinh hoàng...

Càng lớn cô càng ít về nhà mát, hơn nữa với thời gian, gia đình bác Lập dọn vào Saigon, một vài nhà đã bán lại cho chủ mới. Có thêm những căn nhà mát xây theo kiểu sang trọng như ở Đà Lạt...
Một người bạn của Ba mẹ cô mướn lại căn nhà để kinh doanh quán nhậu chắc là phục vụ cho quân đội đồng minh.
Cô nhớ lần cuối cùng chạy xe gắn máy cùng bạn bè trở lại chốn cũ, thấy căn nhà sàn với nhiều cửa sổ lộng gió của mình được sơn mới với những con sóng màu xanh, bọt biển trắng xóa, y như trên hình bìa các đĩa hát Beach Boys, cô hết tìm thấy những dấu tích ngày xưa, những tháng ngày hè của một thời....
Những ngày hè thơ dại trôi qua mau...cho đến năm cô 16 tuổi...

Năm đó cô đang học Seconde, bên chương trình Việt là lớp đệ tam. Trong mấy đứa bạn thân, cô chịu chơi nhất. Chịu chơi đây là không phải cô chì, hay cô chiến đâu... là vì cô chịu khó chơi, cái gì mới cũng muốn thử, và dám thử. Chỉ nói về xe gắn máy thôi đấy...nhé.
Chẳng qua là vì Ba cô buôn bán nhiều thứ nên có lúc công ty nhập cảng xe gắn máy. Thời đó, Honda, Yamaha là hai nhãn hiệu bán chạy nhất, thấy trong đám hàng hóa có chiếc mini lambretta, công ty ngọai quốc gửi về giới thiệu hàng mới, nhìn ngộ ngộ, cô năn nỉ Ba cho cô làm của. Đúng là con cưng nên đòi gì được đó, vậy là cô có thêm chiếc xe mới toanh lái cùng đường dợt le với bạn bè.
Bạn cô còn có đứa chưa lái vững xe đạp nữa là, vì con gái nhát gan, nói chi đến leo lên xe gắn máy. Nhớ nhỏ Quân ngày đầu mua xe Yamaha, lái ra đường còn phải nhờ cô đi kèm cho yên tâm... vậy mà cô bắt nó thực tập chạy xe ngoài xa lộ, về sau nhuyễn nhừ...như vậy mới biết là cô ngon lành đến cở nào.
Cũng nhờ cô có chiếc mini mà lúc anh Lễ về Đà Nẵng chơi trước khi đi du học, cô tình nguyện làm tài xế “xe lam” cho anh....

Gia đình anh Lễ dọn về Sàigon gần 6 năm thì phải, thời gian đủ để cô lột xác không còn là con bé đen thui như mọi, vì phơi nắng suốt mùa hè ở Mỹ Khê nữa, mà bây giờ cô đã thành một thiếu ...nữ ... ngỗ... ngáo...
Phút đầu gặp lại cô, thấy anh rất ngạc nhiên và thích thú, anh xoa đầu cô y như hồi cô còn bé tí, nghiêng đầu nheo mắt nhìn cô như để tìm lại nét quen thuộc nào đó của cô ngày xưa.
Cô thấy vui vui khi anh Lễ nhìn cô chăm chú, cô biết mình đang trổ mã, ở trường cô đã bắt đầu nhận được thư tỏ tình để vào hộc bàn lúc giờ ra chơi...như vậy là mình cũng phải...thế nào... mới có người dòm chứ ...
Cô tủm tỉm cười với anh:
- Sao? bộ Ti lạ lắm hở ? anh thì chẳng thấy lớn hơn hồi xưa lắm đó...nha...
Trời đất, cô cũng không ngờ mình phóng ra một câu.. vô duyên và hỗn hào như thế... nhưng cô đang thành thật nghĩ vậy, vì anh Lễ không cao lớn thì đúng hơn.
Anh gầy nhom và nhỏ con, cô thấy anh chẳng beau gì cả. Và có thể vì vậy mà cô khỏi cần làm dáng làm duyên với anh.
Ngày đầu, cô làm tài xế, hôm sau, anh dành lái xe và cô được đóng vai du khách, rong chơi hang cùng ngõ hẻm, cứ như chưa hề biết đến thành phố này. Mà thật vậy, tự thuở nào đến giờ, nhà thì toàn con gái, em trai còn nhỏ xíu, có ai dẫn cho đi ta bà như thế này đâu...

Mười sáu tuổi, thời đó chưa được gọi là lớn, ít ra đối với gia đình cô. Hơn nữa, cô là gái út nên lúc nào cũng bị các chị đè đầu, dạy dỗ...nhiều khi ức lắm...
Phải nói rằng bốn chị lớn của cô đều ngoan, cô ba gai nên bị dợt dài dài là đúng rồi...nhưng đi xe đạp mấy chị còn lái thua cô thì nói chi đến xe gắn máy, anh Lễ có muốn rủ chị nào đi chơi ngoài cô chắc cũng hơi khó a.....
Anh Lễ khoái ăn hàng, à, mục này thì cô cũng hạp với anh. Anh nói chuyện tếu...anh đàn hay...nghe anh kể anh có lập ban nhạc trẻ ở Saigon, có cô ca sĩ Bibi trong nhóm rất dễ thương, anh nói sẽ giới thiệu cho cô làm bạn vì biết cô cũng thích nhạc trẻ.
Hai tuần qua nhanh, đến ngày anh đi, cô biết mình có buồn.... Buổi chiều cuối cùng anh chở cô đi hết con đường Độc Lập của phố chính, chạy ra bờ sông ngồi nhà thủy tạ, vừa gặm cánh gà chiên bơ, nhìn qua bên kia sông, nhắc lại những ngày hè vui chơi bên nhà nghỉ mát.

Dạo này quân đội đồng minh đã xử dụng nguyên bãi biển để làm căn cứ gì đó, nên những bãi tắm công cộng bị dời về chổ xa hơn, cô không dám rủ anh trở lại biển Mỹ Khê vì tình hình không được ổn.

Lần này anh về lại Đà Nẵng là để thăm bà con trước khi anh đi Mỹ du học. Anh tặng cô một cuốn Salut Les Copains, tháng mới nhất, cô cảm động đến rụng rời...vì thuở đó, đám bạn bè của cô mê tờ báo nhạc trẻ này của Pháp hơn cả mê...giai nên coi như cô trúng số.
Anh cũng không ngờ cô thích tờ báo đó đến thế...mà không thích sao được, chổ cô ở, muốn có báo này mỗi tháng, phải đặt cọc trước và đắt ơi là đắt, mua một tờ, cô phải nhịn ăn quà đến mấy lần...
Anh hứa về Saigon anh sẽ mua trước cho cô một năm...ui da, ông anh dễ thương...quá....
Cô thích nhất trong tờ báo là trang giữa, mỗi tháng có hình của một ca sĩ nổi tiếng đương thời, cô treo đầy trên tường trong phòng riêng, nào Christophe, Adamo, Sylvie Vartan... nhớ nhất là tấm hình của anh chàng Antoine Muraccioli, ốm nhách, cao nhồng như Mick Jagger...ôi, cô cũng mê Mick như điếu đổ...(bây giờ ... vẫn còn mê) Cô nhớ, mỗi lần Ba vô phòng, đều nhìn hình Antoine, rồi lắc lắc cái đầu, phê bình...cái thằng nào mà xấu như...khỉ vậy,cũng treo !!!
Cô nhận đều đều báo anh gửi qua nhà sách Xuân Thu, anh cũng gửi thư cho cô rất đều và anh bắt đầu tâm sự cũng rất nhiều...

Rồi không biết từ bao giờ, cô và anh mất liên lạc. Cô quên bẳn những bạn bè thân thương xưa từ những ngày hè năm cũ...cho đến một hôm, xong người khách cuối của ngày, cô sửa sọan về với chồng con thì điện thọai reo, nghe giọng nói rất lạ, muốn kiếm cô...
Thì ra là anh Lễ, gọi hỏi thăm có phải là Ti ngày xưa không ? anh tình cờ đọc Báo Làng Văn, thấy quảng cáo văn phòng của cô .
Cô mừng quá, như vừa tìm gặp một món đồ quí giá thất lạc từ lâu...
Nghe tiếng anh reo bên kia đầu dây, cô biết anh đang vui lắm.
Cô khoe với anh cô vừa có con gái đầu lòng, thương thương lắm, còn anh, sao rồi, vợ con gì chưa? anh trả lời mới vừa ly dị, con gái đã 6 tuổi...cô chưa biết nói năng những lời an ủi, và cô cũng chẳng biết nói ra có thừa thải hay không...
Hai anh em cho nhau số phone và địa chỉ để liên lạc, nhưng rồi, cô không nhận được thêm một tin tức nào từ anh về sau...
Nếu như bây giờ cô biết anh ở đâu, cô sẽ nói với anh rằng từ ngày anh giới thiệu cho cô quen Bibi, đến nay cô vẫn còn liên lạc đó....

Chị Ngân Hà mến,
Mình đang đi trốn chuyện hôm nay, chị đã viết vậy, ai cũng có gánh nặng oằn vai, còng lưng và nặng trĩu trong tim... Hai chị em mình tìm về những gì tươi đẹp để hít hà, tìm chút hương xưa mà vui sống tiếp... Cứ vậy đi nha..., ngủ ngon nhé...


Áo Vàng

(Trích trong tuyển tập Giữa Những Tờ Thư)
Truyện ngắn Áo Vàng
Trả lời

Quay về “Giữa những tờ thư”