Dấu giày qua thời gian

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Dấu giày qua thời gian

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Dấu giày qua thời gian



    Giày đá banh buổi ban đầu làm từ da thú, khoảng nửa ký lô, nhưng gặp lúc trời mưa giông bão tuyết, tăng gấp đôi ba lần, thành ra “nặng như chì”. Giày da trước kia thường được may có cổ cao vượt mắt cá nhằm bảo vệ cổ chân cầu thủ.



    Giày đá banh ADIDAS khoảng giữa thế kỷ 20



    Ngày nay, giày đá banh làm từ các loại nhựa dẻo hỗn hợp, dễ lau chùi, lại ít tốn kém. Ðôi giày hiện đại tuy để lộ mắt cá chân, dễ gây thương tích, nhưng có lợi điểm nhẹ nhàng, thoải mái, giúp chạy lẹ, dễ kiểm soát banh, nên được giới cầu thủ ưa chuộng hơn giày da.



    Giày đá banh đầu thế kỷ 20



    Ngược dòng thời gian, quy định thành văn đầu tiên của Hiệp Hội Ðá Banh (Anh Quốc) Football Association (FA), năm 1891, có điều khoản cho phép giày đá banh được gắn “đinh” dưới đế, nhằm giúp cầu thủ bớt bị trượt ngã. Khách hàng đặt mua giày ngày càng nhiều, nên từ đầu thế kỷ 20, bắt đầu xuất hiện các nhãn hiệu lớn như GOLA (Anh), HUMMEL (Ðan Mạch), hay VALSPORT (Ý). Năm 1924, hai anh em người Ðức, Adolf và Rudolf Dassler lập xưởng đóng giày mang tên “Gebruder Dassler Schuhfabrik” (Anh ngữ: Dassler Brothers Shoe Factory). Chính hai anh em nhà Dassler nảy ra sáng kiến “vặn ốc” những chiếc “đinh” vào đế giày, là kỹ thuật hiện vẫn còn áp dụng. Ðến năm 1948, anh em nhà Dassler ai đi đường nấy, người em Adolf lấy tên giày ADIDAS, người anh Rudolf sáng lập PUMA — là hai nhãn hiệu bá chủ thị trường vật dụng thể thao, cách riêng là giày đá banh, trên toàn thế giới tới tận ngày nay.



    Quảng cáo giày đá banh đầu thế kỷ 20




    Cũng vào khoảng này, thời gian hậu Ðệ Nhị Thế Chiến, đá banh phát thịnh trở lại. Các hãng đóng giày gặp thời, và kỹ thuật, mẫu mã giày đá banh bắt đầu thay đổi thấy rõ. Các cầu thủ gốc Nam Mỹ Châu La Tinh thường thích mang giày gọn nhẹ, không chỉ để bảo vệ bàn chân, mà dễ kiểm soát banh, cho họ tung hứng trái banh đủ kiểu cách, làm mê hoặc cầu trường. Cầu thủ Âu Châu thực dụng hơn, thường bị nhạo là “chân gỗ”, nhưng vẫn không kém thành công. Ðơn cử World Cup 1954 trên đất Thụy Sĩ, lúc tất cả cầu thủ đội banh quốc gia Tây Ðức đồng loạt mang chiếc giày ADIDAS tên là “Argentina”, có gắn dàn “đinh” bằng “nylon” được “vặn ốc” vào đế giày, đã giật cúp vô địch. Trận chung kết trời mưa ướt sũng, trong khi cầu thủ Hungary tuy khéo léo hơn, nhưng liên tục bị trợt té lạch bạch khắp sân, thì các chân sút người Ðức vẫn trụ chân vững vàng, chung cuộc thắng 3-2.



    Kiểu giày đá banh qua thời gian




    Từ thập niên 1960 trở về sau, không còn thấy giày đá banh cổ cao trên mắt cá nữa. Giày nhẹ, mềm dẻo ngày càng thịnh hành. Thập niên này cũng chứng kiến ADIDAS trở thành cái tên bá chủ. Kỳ FIFA World Cup 1966 tại Anh Quốc, có tới 75% cầu thủ mang giày ADIDAS, bỏ xa các đối thủ còn lại như PUMA, ASICS (Nhật), JOMA (Tây Ban Nha), hay MITRE (Anh Quốc)… Tới lúc này, hầu như giày đá banh chỉ toàn màu đen. Từ 1970, giày đa sắc lần đầu tiên ra mắt trên sân cỏ nước Anh, cũng là lúc có thêm các tên tuổi mới gia nhập làng giày đá banh thế giới: UMBRO (Anh), LOTTO (Ý), hay KELME (Tây Ban Nha)… Có ba lý do chánh đưa tới chuyện giày đá banh đa sắc: TV hình màu ngày càng phổ thông; các chân sút ngôi sao thích phô diễn cá tánh; và nhu cầu tài trợ quảng cáo.



    Lionel Messi (Argentina) quảng cáo giày ADIDAS




    Kỳ World Cup 1966 ở Anh có hai siêu sao mang giày may riêng cho mình, đi đâu cũng không quên… khoe với báo giới để làm mát lòng nhà sản xuất: Thủ quân Bobby Moore #6 của Anh (đôi giày ADIDAS Diamant) và huyền thoại Bồ Ðào Nha Eusebio #13 (đôi giày PUMA King). Cầu vương Pele thì điệu nghệ cả trên sân cỏ lẫn trước ống kính TV quảng cáo. Giày đá banh hiệu PUMA lại khiến cả thế giới lên đồng một phần cũng vì Pele mang trong chân suốt cả 3 lần giúp Brazil giật cúp vàng FIFA World Cup (Thụy Ðiển 1958, Chile 1962, và Mexico 1970). Ðặc biệt, suốt kỳ World Cup 1970 trên đất Mexico, Pele được thưởng ngân phiếu $125,000 chỉ để mang giày PUMA. Hình ảnh TV còn để lại tới nay cho thấy, giữa sân cỏ World Cup, không ít lần Pele #10 quỳ xuống… thong thả cột dây giày… để ống kính truyền hình thu trọn hình ảnh đôi giày PUMA King.



    Cristiano Ronaldo (Bồ Đào Nha) quảng cáo giày NIKE



    Ðầu 1980, ADIDAS trình làng đôi giày tên “Copa Mundial” từng được Diego Maradona chiếu cố, đã làm mưa làm gió thị trường giày đá banh thế giới suốt cả thập niên tiếp theo. Ðến 1990, cũng chính ADIDAS ra mắt giày “Predator” chinh phục giới cầu thủ toàn cầu, nhờ có dán 3 miếng cao su dùng làm vợt ping-pong, giúp tăng tốc độ và lực xoáy của trái banh. Lúc này, vẫn PUMA và ADIDAS khống chế thị trường giày đá banh, nhưng bắt đầu manh nha hai tên tuổi mới: REEBOK (Anh), và nhất là NIKE (Hoa Kỳ) với màn ra mắt ngoạn mục tại kỳ FIFA World Cup 1994 diễn ra tại U.S.A. Tới năm 1998, NIKE lại tung ra đôi giày mới “MERCURIAL VAPOR” bán chạy như tôm tươi, có lẽ chỉ kém ADIDAS “Copa Mundial” (1980) và ADIDAS “Predator” (1990).



    Neymar (Brazil) quảng cáo giày PUMA



    Từ đầu thế kỷ 21 tới nay, ba hiệu giày đá banh phổ thông nhất là ADIDAS, PUMA và NIKE, dẫn đầu thế giới không chỉ về doanh số, mà cả trong sáng tạo kỹ thuật, lẫn mẫu mã. Năm 2006, lần đầu tiên kỹ thuật tia Laser được áp dụng làm giày đá banh. Chiếc giày đá banh đã tiến triển rất xa so với trăm năm trước. Ngày nay, “mốt Customize” của giới cầu thủ lại có vẻ lấn lướt: đủ màu đủ sắc, có in tên, số áo, thậm chí cả khẩu hiệu.

              

              
    Trần Trí Dũng


    Nguồn:https://baotreonline.com



              
Trả lời

Quay về “Văn hóa - Xã hội - Kinh Tế”