Vitamin D: Liệu pháp“bị bỏ quên” giúp cải thiện hệ miễn dịch hiệu quả

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Vitamin D: Liệu pháp“bị bỏ quên” giúp cải thiện hệ miễn dịch hiệu quả

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




    Vitamin D:
    Liệu pháp“bị bỏ quên” giúp cải thiện hệ miễn dịch hiệu quả

    _______________________________
    Trọng Nguyên _ 14/03/20




    Khi nhắc đến việc vitamin có thể giúp con người nâng cao hệ miễn dịch, rất nhiều người sẽ nghĩ ngay đến vitamin C. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế lại cho rằng vitamin D cũng đóng một vai trò rất quan trọng cho hệ miễn dịch...




    1. Nguồn gốc vitamin D

    Cơ thể bạn có thể sản xuất vitamin D một cách tự nhiên khi tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời. Tuy nhiên, bạn cũng có thể nhận được nó thông qua một số loại thực phẩm và viên uống bổ sung để đảm bảo đủ lượng vitamin D trong máu. Nó là một nhóm gồm nhiều dạng vitamin tan trong chất béo, bao gồm vitamin D1, D2 và D3.




    2. Vai trò của vitamin D trong hệ miễn dịch

    Vitamin D có một số chức năng quan trọng: giúp xương và răng tăng trưởng và phát triển bình thường, cải thiện sức đề kháng chống lại một số bệnh. Một lượng đủ Vitamin D sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm bằng cách tăng cường hệ thống miễn dịch bẩm sinh của bạn.

    Đối với hệ miễn dịch, Vitamin D hoạt động như một loại công tắc trong cơ thể con người, nó có thể bật hoặc tắt các gen và các quá trình mà cơ thể của bạn cần để duy trì sức khỏe. Nó kích hoạt phản ứng chống vi sinh vật mạnh mẽ, cho phép bạn chống lại vi khuẩn hay virus nhanh chóng và hiệu quả trước khi “kẻ xâm lược” có thể gây bệnh cho bạn.

    Năm 2009, Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ cảnh báo rằng mức vitamin D thấp có liên quan đến tăng nguy cơ mắc cảm lạnh và cúm mùa. Nó cũng làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng. Ngoài ra, lượng vitamin D thấp có thể làm cho tình trạng bệnh tự miễn trở nên tồi tệ hơn.

    Mặc dù đây là một vitamin quan trọng nhưng trong một nghiên cứu tại Hoa Kỳ cho thấy 36% thanh thiếu niên khỏe mạnh và 57% người trưởng thành ở nước này không có đủ lượng vitamin D cần thiết cho cơ thể. Các nghiên cứu khác ước tính khoảng 1 tỷ người trên toàn thế giới không có đủ lượng Vitamin D cần thiết và thậm chí tỷ lệ thiếu vitamin D thực sự còn cao hơn do mức Vitamin D được khuyến nghị trước đó thực sự quá thấp.




    3. Tại sao chúng ta thiếu vitamin D?

    Có 3 lý do chính dẫn đến cơ thể thiếu vitamin D:

    Phơi nắng không đủ: do lối sống hiện đại, chúng ta ít dành thời gian đi dưới ánh nắng mặt trời. Ngoài ra, chúng ta lại mặc áo chống nắng làm giảm hấp thu 90% lượng vitamin D tự nhiên do sợ ung thư da. Trong khi có một số vùng trên thế giới, người dân lại rất khó hấp thụ vitamin D tự nhiên bởi ảnh hưởng của địa lí dẫn đến việc không có hoặc có rất ít ánh nắng mặt trời.

    Giảm hấp thu vitamin D do thiếu chất béo: vì vitamin D tan trong chất béo, do đó chế độ ăn cần có chất béo và đường ruột phải có khả năng hấp thụ chất béo. Nếu bạn bị rò rỉ ruột vì nhiễm trùng, độc tố và các thực phẩm gây viêm như gluten thì khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng và vitamin của bạn có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
    Chế độ ăn thiếu vitamin D: rất ít thực phẩm chứa vitamin D một cách tự nhiên. Các loại thực phẩm giàu vitamin D bao gồm: cá hồi, cá mòi, lòng đỏ trứng, tôm, hàu, ngũ cốc, sữa chua, sữa tươi nguyên kem, pho mát, sữa đậu nành, nấm, đậu phụ, nước cam, v.v.



    4. Bổ sung vitamin D như thế nào?

    Để có thể bổ sung vitamin D bạn cần phải tắm nắng, hoặc bổ sung thông qua thực phẩm. Mặc dù vậy, cơ thể khó có đủ lượng vitamin D cần thiết mỗi ngày chỉ thông qua các cách trên, vì vậy bổ sung vitamin D qua đường uống có thể giúp hệ miễn dịch của bạn trở nên “mạnh mẽ”.

    Năm 2017, một nghiên cứu phân tích các thử nghiệm lâm sàng tiền cứu cho thấy dùng vitamin D làm giảm tỷ lệ mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khoảng 42% ở những người có mức 25-hydroxy vitamin D (vitamin D3) cơ bản thấp (dưới 25 ng / mL) trước đó.

    Xét nghiệm máu là phương pháp đơn giản được sử dụng để kiểm tra nồng độ vitamin D trong cơ thể, được gọi định lượng chất chuyển hóa 25-hydroxyvitamin (Vitamin D3). Các hướng dẫn gần đây của Viện Y học Hoa Kỳ yêu cầu nồng độ vitamin D trong máu phải đạt 20 ng/mL thì mới đủ để giúp cơ thể có xương khỏe. Tuy nhiên, một số bác sĩ cho biết nên nâng lên mức cao hơn, khoảng 30 ng/mL, để đảm bảo cơ thể nhận đầy đủ các lợi ích của vitamin D.

    Các phân tích cũng cho thấy rằng uống vitamin D hàng ngày hoặc mỗi tuần có hiệu quả hơn so với dùng liều lớn hơn một lần hoặc mỗi tháng. Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà nghiên cứu nhận thấy bổ sung vitamin D liều cao hàng tháng không ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính ở người cao tuổi có lượng vitamin D thấp.

    Theo Viện Khoa học Nông nghiệp và Thực phẩm Hoa Kỳ, khuyến nghị mới dựa trên các đơn vị quốc tế (IU) mỗi ngày cho vitamin D3 là:

    • Trẻ em và thiếu niên: 600 IU
    • Người lớn đến 70 tuổi: 600 IU
    • Người lớn trên 70 tuổi: 800 IU
    • Phụ nữ có thai hoặc cho con bú: 600 IU

    Vitamin D liều rất cao có thể làm tăng mức canxi trong máu, gây tổn thương cho các mạch máu, tim và thận do đó, Viện Y học Hoa Kỳ khuyến cáo mức tối đa là 4.000 IU vitamin D3 mỗi ngày.



    5. Một số lưu ý khi bổ sung vitamin D

    Nên uống kèm vitamin D với vitamin K, Vitamin E và Vitamin A, (viên vitamin tổng hợp) vì chúng cũng hoạt động phối hợp với Vitamin D.

    Nếu bạn có tiền sử nhạy cảm với gluten, bệnh Celiac, rò rỉ ruột, đã cắt bỏ túi mật hoặc bất kỳ vấn đề đường ruột nào khác làm giảm khả năng hấp thụ chất béo thì khi uống Vitamin D bạn nên bổ sung muối mật như Bilex để hỗ trợ quá trình phân hủy và tiêu hóa chất béo, protein và tinh bột. Điều này giúp bạn đạt được mức Vitamin D tối ưu.

    Nếu bạn có tiền sử bệnh lý nền như tim mạch, rối loạn nhịp tim, ung thư v.v bạn nên tham khảo bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng vitamin D.

    Vì Vitamin D là một vitamin tan trong chất béo, nó được tích trữ trong cơ thể chúng ta và có thể quá nhiều theo thời gian. Nếu bạn đang bổ sung với liều cao (hơn 5.000 IU mỗi ngày), bạn nên kiểm tra nồng độ vitamin D trong máu sau mỗi 3 -6 tháng trong khi bổ sung.

    Khi các các tin tức cập nhật về sự nguy hiểm của dịch Covid-19 và số người mắc bệnh tăng lên một cách chóng mặt làm nhiều người cảm thấy “hoảng loạn”. Hãy bình tĩnh! Hệ miễn dịch của bạn cần được tăng cường bằng các biện pháp đơn giản và hiệu quả như: tập thể dục, nghỉ ngơi, thư giãn, ăn uống thực phẩm phù hợp và bổ sung các vitamin cần thiết nhé!

    Tất cả những thông tin trên chỉ có tính chất tham khảo, trước khi sử dụng vitamin D bạn nên tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế.



    Mỹ Tâm




    https://www.ntdvn.com/suc-khoe/vitamin- ... 21174.html
Trả lời

Quay về “Sức khỏe - Thực phẩm”