Một bài học cay đắng

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Một bài học cay đắng

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Một bài học cay đắng




    Kể từ khi phát hiện ra âm mưu xâm nhập của công ty Huawei tại Úc, nước Úc đã bắt đầu một tiến trình cảnh báo cả thế giới về mối nguy Trung Quốc. Có thể nói không sai rằng chính Úc là quốc gia đã khơi mào cho cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

    Tuy nhiên Úc vẫn rất khôn khéo trong quan hệ với Trung Quốc và xác định rõ rằng vấn đề thương mại giữa Úc và Trung Quốc là vấn đề quan trọng nhất mà Úc cần lưu tâm. Hiện tại Úc vẫn là quốc gia xuất siêu sang Trung Quốc và nếu kinh tế Trung Quốc suy yếu chắc chắn nền kinh tế Úc sẽ bị ảnh hưởng xấu.

    Nhưng về mặt chính trị Úc đã tỏ ra quyết liệt ngăn chận cuộc xâm lăng mềm của Trung Quốc và chận đứng các hoạt động gián điệp của Trung Quốc tại Úc. Một trong những trận chiến quan trọng của Úc là chận đứng việc xâm nhập của Trung Quốc vào các trường đại học, vốn là những trung tâm nghiên cứu và phát minh của Úc. Một trong những việc quan trọng cần làm là giám sát chặt chẽ việc các sinh viên Trung Quốc tham dự vào những chương trình nghiên cứu quan trọng của Úc. Việc này làm chúng ta nhớ lại một bài học cay đắng.

    Tháng 11 năm 2000, bốn viên chức của chính quyền tỉnh Jiangsu đến Sydney để gặp một khoa học gia Úc tên là Shi Zhengrong. Sau đó trong một buổi tiệc tại nhà riêng của Shi ở Beacon Hill, trưởng đoàn đại diện của chính quyền Jiangsu đã ngỏ lời mời Shi trở về Trung quốc làm việc.

    Shi đến Úc du học trước khi xảy ra sự kiện Thiên An Môn, Shi đã trở thành công dân Úc và thành lập gia đình với hy vọng rằng cuộc đời sẽ trôi đi bình an với vợ con. Tuy nhiên trước lời đề nghị của chính quyền Trung quốc, Shi quyết định đánh một ván bài liều.

    Mùa đông năm 2001 Shi cùng vợ và đứa con trai 7 tuổi lên máy bay rời khỏi nước Úc. Sau đó cả gia đình đến thành phố Wusi, thủ phủ của tỉnh Jiangsu. Trong vòng 5 năm Shi trở thành một trong những người giàu nhất Trung quốc. Shi và chính quyền thành phố Wusi đã hợp tác thành lập công ty Suntech Power Holdings Company. Công ty này đã trở thành công ty đầu tiên tại Trung quốc có tên trên thị trường chứng khoáng New York. Hiện nay công ty Suntech của Shi trị giá 6 tỷ đô la và là nhà sản xuất kính năng lượng mặt trời lớn hàng thứ hai trên toàn thế giới.

    Shi Zhengrong sinh năm 1963 trong một gia đình nông dân sinh sống trên một cù lao giữa dòng song Yangtze. Dưới thời Mao, gia đình của Shi hiếm khi có đủ cơm ăn. Do nghèo quá, cha mẹ Shi phải mang Shi cho một gia đình nông dân khác làm con nuôi. Lớn lên Shi học rất giỏi và trong những năm 1980 đã được chính quyền cấp học bổng theo học đại học ngành quang học tại Mãn Châu.

    Nước Úc đã phát triển kỹ thuật về năng lượng mặt trời nhiều thập niên trước khi Shi trở thành công dân Úc. Những tài năng về năng lượng mặt trời của Úc không chỉ nằm trong vấn đề là nước Úc có ánh nắng chan hòa quanh năm. Trong thập niên 1970 công ty Telecom Úc đã dùng những trạm trung chuyển chạy bằng năng lượng mặt trời để chuyển sóng điện thoại đến những vùng xa xôi.

    Telecom Úc không phải là nhà sáng chế kính năng lượng mặt trời. Trong thập niên 1940 công ty Bell ở Hoa kỳ đã sáng chế những tế bào silicon để biến năng lượng mặt trời thành điện năng. Kỹ thuật này đã được ứng dụng trong ngành khoa học không gian và phi thuyền vũ trụ. Do vị trí của mình, Úc đã trở thành nơi thử nghiệm hầu hết các sáng chế sử dụng năng lượng mặt trời. Và trong những thời điểm đó xuất hiện một nhà nghiên cứu người Úc. Đó là Martin Green.

    Giáo sư Green vốn là một nhà khoa học về điện và nhận ra rằng việc chế tạo những tế bào quang điện có khả năng biến năng lượng mặt trời thành điện năng là một lĩnh vực có nhiều hứa hẹn. Năm 1974 Green thành lập nhóm nghiên cứu điện mặt trời tại đại học NSW và bắt đầu nghiên cứu chế tạo các tế bào quang điện silicon. Năm 1983 chính phủ Hoa kỳ thông qua Bộ năng lượng bắt đầu chính thức tài trợ cho Green trong nghiên cứu về quang điện.

    Khi tài trợ của chính phủ Hoa kỳ giảm dần vào những năm 1980 thì nhóm nghiên cứu của Green lại tiếp tục nhận được sự tài trợ hậu hĩnh của chính phủ liên bang Úc. Những thành công về nghiên cứu khoa học của Úc cho thấy rằng về mặt tài chính, các nhà khoa học Úc không thể nào có thể nhận được những nguồn tài trợ lớn lao như ở Trung quốc và Hoa kỳ. Tuy nhiên việc đầu tư vào đúng người đúng chỗ chính là đặc điểm của vấn đề nghiên cứu khoa học tại Úc.

    Nhóm nghiên cứu của Green được xem là một trong những nhóm khoa học gia làm việc hiệu quả nhất vào giai đoạn đó. Một trong những tiến sĩ đầu tiên làm việc dưới quyền Green là Bruce Godfrey vào những năm 1970. Khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, Bruce chuyển sang làm việc cho công ty Tideland Signal của Hoa kỳ. Công ty này là công ty hàng đầu trên thế giới trong việc chế tạo các thiết bị hàng hải dùng năng lượng mặt trời. Tideland Signal đồng ý đặt nhà máy của họ tại Sydney để tạo điều kiện cho Bruce Geofrey làm việc. Công ty này là nơi đã sản xuất ra hàng loạt những nhà khoa học trẻ về năng lượng mặt trời. Người sáng chói nhất trong đó là Stuart Wenham. Chính Stuart Wenham là người đã giúp Bruce thiết lập hệ thống sản xuất các tế bào quang điện cho công ty Tideland Signal. Đây là những tế bào quang điện hoạt động hiệu quả nhất trên thế giới. Sau đó Stuart Wenham đã trở thành tiến sĩ khoa học dưới sự dìu dắt của Green.

    Giáo sư Stuart Wenham mô tả Green như là một nhà lý thuyết và nghiên cứu về điện mặt trời xuất sắc nhất thế giới. Wenham và Green đã sáng chế ra một thiết bị đơn giản để làm cho tế bào quang điện đón nhất ánh nắng mặt trời đến mức tối đa. Thiết bị này sau đó được xem là một trong 100 sáng chế nổi bật nhất của nước Úc trong thế kỷ 20. Các tế bào quang điện này chuyển được 20% năng lượng mặt trời thành năng lượng điện.

    Tuy nhiên về mặt thương mại thiết bị này không mang lại nhiều thành quả về tài chính. Từ năm 1985 nhóm nghiên cứu của Wenham và Green đã thu hút được những sinh viên xuất sắc nhất tham gia nghiên cứu và một trong số những nhân vật này là chàng sinh viên nghèo đến từ Yangzhong ở Trung quốc.

    Năm 1989, Shi làm việc tại khoa vật lý của trường đại học NSW và được giáo sư Martin Green hướng dẫn nghiên cứu quang điện và làm luận án tiến sĩ. Shi đã hoàn tất luận án tiến sĩ với thời gian nhanh nhất chưa từng có trong lịch sử của trường đại học NSW.

    Tuy nhiên trình độ khoa học của Shi không giúp gì nhiều cho ông trên con đường doanh nghiệp cho đến khi Shi được tuyển dụng vào làm việc trong ngành công nghiệp này tại Úc. Năm 1995 Wenham và Green quyết định thương mại hóa thiết bị tế bào quang điện đặc biệt của họ. Shi được tham gia làm việc trong dự án này với sự bảo trợ của công ty Pacific Power, vốn là công ty điện lực của chính phủ NSW.

    Công ty Pacific Powar đồng ý đầu tư 47 triệu đô la với nhóm của Wenham và Green để thành lập công ty sản xuất pin mặt trời có tên là Pacific Solar. Phòng thí nghiệm của công ty là một tòa nhà nhỏ ở vùng Botany nơi các mục đích của các kỹ sư là làm sao chế tạo một tế bào quang điện từ kích thước của một máy ipod thành một pin mặt trời với kích thước của một chiếc tivi LCD cở lớn. Shi được bổ nhiệm là phó giám đốc đặc trách các công tác nghiên cứu dưới quyền quản trị của Green và Wenham.

    Tiền bạc và khoa học là hai lĩnh vực rất khác nhau. Tuy nhiên trong kinh doanh sự kết hợp đúng đắn giữa khoa học và tiền bạc sẽ tạo ra những thành tựu ngoạn mục. Công ty mới thành lập phải tính từng ngày cho đến khi họ không còn tiền để nghiên cứu nữa. Do đó công ty phải chịu một áp lực rất lớn là họ phải tạo được một sản phẩm mới có thể bán được trước khi ngân sách cạn kiệt.

    Sau 3 năm làm việc với Pacific Solar, Shi cho rằng ngân sách của công ty không còn cầm cự được bao lâu nữa. Shi chủ trương rằng thay vì cố gắng tạo ra những viên pin mặt trời hoản hảo nhất, công ty nên sản xuất những pin mặt trời với số lượng lớn để thay thế cho kỹ thuật đã lỗi thời nhắm thu lợi nhuận cho công ty có đủ ngân sách để tiếp tục nghiên cứu. Cùng lúc Shi nhận ra rằng kỹ thuật quang điện dùng trong chương trình không gian của Hoa kỳ đã hết hạn bảo lưu theo luật bản quyền trí tuệ. Shi cho rằng nếu dùng kỹ thuật này kết hợp với nguồn nhân công rẻ mạt tại Trung quốc sẽ tạo ra được những pin mặt trời rẻ tiền và từ đó có điều kiện để hoàn thiện hơn kỹ thuật này.

    Trong khi các công ty sản xuất pin mặt trời tại Hoa kỳ và Đức tìm cách tự động hóa thiết bị sản xuất, thì ngược lại Shi lại phi tự động hóa các hoạt động sản xuất pin mặt trời của mình. Vào năm 2000 các nhà máy của Suntech dùng hàng trăm công nhân được huấn luyện để lắp những tấm kính silicon bằng tay. Những công nhân này được đối đãi tốt. Họ được ăn ngũ tại công ty và được huấn nghệ đàng hoàng. Trong khi Trung quốc vẫn còn đang là một quốc gia sản xuất những mặt hàng chất lượng kém rẻ tiền nhất thế giới, thì Trung quốc lại cũng là một quốc gia sản xuất những tấm pin mặt trời rẽ nhất thế giới.

    Năm 2001 Shi đệ trình một dự án doanh nghiệp lên cho chính quyền thành phố Wuxi trong đó Shi đưa ra ý kiến sản xuất những tấm pin mặt trời giá 5 đô la cho mỗi đơn vị điện sản xuất (Watt) xuống còn 3 đô la. Trong vòng hai năm giá sản xuất chỉ còn là 2.8 đô la với sự giúp sức của hơn 300 công nhân.

    Trong khi đó công ty Pacific Solar gặp khó khăn. Sau khi Shi ra đi công ty Pacific Power từ chối cung cấp tài chính cho công ty Pacific Solar nữa. Pacific Solar tìm nhà bảo trợ mới từ Ý tuy nhiên nổ lực sản xuất pin mặt trời tại Úc thất bại vì giá thành sản xuất quá cao. Năm 2005 khi Suntech có tên trên thị trường chứng khoán New York, Pacific Solar tìm kiếm nguồn đầu tư mới. Công ty Q-Cells một công ty hàng đầu của Đức đồng ý mua kỹ thuật của Wenham và Green và sản xuất những thiết bị pin mặt trời mong tại vùng Thalheim, một vùng thuộc Đông Đức trước đây. Nhưng công ty này vẫn không thể so sánh được với sức sản xuất vũ bão sản phẩm có giá cực rẻ của Suntech. Năm 2010 Shi mua lại một phần của công ty Q-Cells. Hành động này đã làm cho kỹ thuật tiên tiến của Úc đi thẳng vào dây chuyền sản xuất của công ty Suntech và khiến cho nhiều khoa học gia và kỹ sư của Úc trở thành những nhân vật hàng đầu của Suntech.

    Có người nói đây là thành tựu của khoa học và nền giáo dục Úc. Nhưng thật ra Úc đã ra công đào tạo và cung cấp cho Trung Quốc một nhà khoa học, một nhà tỷ phú, góp phần làm cho Trung Quốc lớn mạnh đến nỗi giờ đây Úc phải trực diện đối mặt với mối nguy từ Trung Quốc.

    Ls Lê Đức Minh


    Nguồn:http://vietluan.com.au


              
Trả lời

Quay về “Tổng hợp”