Ăn kiểu đó tổn đức lắm

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Ăn kiểu đó tổn đức lắm

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Ăn kiểu đó tổn đức lắm






    Tôi đã suy nghĩ về vấn đề này rất nhiều trước khi viết bởi chắc chắn bài viết sẽ đụng chạm đến không ít người. Nhưng nếu chúng ta cứ yên lặng, hoặc chỉ hăng hái nhảy vào phẫn nộ cái quần lót dưới chiếc áo dài hoặc một câu nói thậm xưng về nhan sắc hình thể thì rồi cũng chẳng ai buồn nói nữa. Cái xấu, cái bất thiện luôn luôn có đó và chỉ chực chờ hiển lộ, lây nhiễm và cái đáng sợ nhất là thái độ bàng quan của con người, đặc biệt là những người may mắn có thể nhìn thấy được những hiểm họa đó.

    Không để các bạn chờ lâu hơn, tôi xin nói thẳng vào chủ đề: Quảng cáo điều trị lang băm lừa lọc kiếm tiền trên sức khỏe và tính mạng người bất hạnh. Một thứ nấm độc hay bẫy người tràn lan trên phương tiện truyền thông, lá cải có và chính thống có (rất nhiều).

    Với tất cả sinh viên ngành Y thì lời thề Hyppocrate luôn chứa đựng những điều thiêng liêng. Trong đó có một cụm từ “to abstain from doing harm” nghĩa là tỉnh thức tránh không làm hại người. Tôi không đi sâu vào vấn đề này nhưng cũng không khó để có thể hiểu rằng với một người thầy thuốc, được trang bị trong tay kiến thức Y khoa và được bệnh nhân đặt hết niềm tin vào, thì việc hại tha nhân là hoàn toàn có thể nếu người thầy thuốc đó vô đạo. Nguyên tắc đó dù trong Lời thề Hyppocrate hoặc trước đó nữa là Trước tiên, không được làm hại (First, do no harm hay Primum non nocere) là một nguyên tắc tối cao, một lời nhắc nhở, một lời cảnh tỉnh. Tôi không nói tất cả thầy thuốc, ở Việt Nam và trên thế giới, đều luôn luôn tuân thủ lời răn đó. Nhưng đó là nguyên tắc tối hậu, không chỉ ứng cho người làm nghề Y.

    Mấy hôm nay, tôi có theo dõi một số chia sẻ về việc những người nào đó, thông qua sự xảo ngôn của mình, đã lừa lọc những người bị bệnh nan y vô phương cứu chữa. Họ biết rằng họ đang lừa nhưng họ vẫn an nhiên với những chiêu lừa đó. Tôi, từ trước khi bước vào nghề Y, cũng đã kiểm chứng một số người cho là có khả năng chữa bệnh chó dại khi đã phát nhưng rồi tất cả đều chết trong đau đớn tàn khốc và người sống cũng không còn lại mấy đồng để mà sống tiếp. Ung thư cũng vậy. Tôi không dám khẳng định chắc chắn là tất cả mọi trường hợp ung thư từ bệnh viện đưa về đều chết trong thời gian dự đoán của bác sĩ. Cuộc sống huyền diệu sẽ có những điều vượt trên cả khoa học. Tuy vậy, những trường hợp đó là siêu siêu hiếm gặp. Đa phần các trường hợp “chữa khỏi, khỏe ù ù” là từ lời đồn thổi của những người mong muốn giúp người khác mà khả năng nhận định thì hạn hẹp cộng với thói quen thêm gia vị của người mình. Cái tôi muốn nói là có rất nhiều người, dù biết mình chẳng có chút năng lực nào mà vẫn cố cách lừa lấy đi những đồng tiền còm cõi cuối cùng của người bệnh. Họ sinh sống trên sức khỏe và sinh mạng kẻ khác. Ăn như vậy thì tổn đức lắm. Một con sư tử hay một con sói không bao giờ săn mồi quá mức nhu cầu của cái dạ dày và bản năng sống của nó. Những kẻ lọc lừa mang dáng vẻ người này sẽ chẳng bao giờ dừng lại cho dù con mồi, nạn nhân của họ dẫu quằn quại trong nghèo khổ cùng kiệt cũng đã cung cấp cho kẻ săn mồi một cuộc sống thừa mứa, dư dả. Các bạn dễ dàng hiểu rằng tôi đang muốn làm một phép so sánh về cái ác. Nếu tận mắt chứng kiến những hậu quả tan nát và rùng rợn cùng những lệch lạc về điều trị của nạn nhân thì các bạn mới cảm nhận rõ rệt nhất về sự bất nhân.

    Giờ nói thêm về những người có học, được phép sử dụng trí tuệ, quyền năng được xã hội cho phép để kiếm tiền bằng cách vô tình đi hại cộng đồng mà những thực thể này được sinh ra từ đó và có sứ mệnh phục vụ. Các bạn hãy lướt qua các tờ báo mạng có “uy tín” và có lượng độc giả truy cập cao, tôi không chỉ đích danh tờ báo nào, thì sẽ không chút khó khăn để thấy các quảng cáo cực kỳ ngu xuẩn, nguy hại nhan nhản khắp nơi, ở những nơi bắt mắt nhất:
    - Ông Ổi tai biến liệt giường phải bò, nhưng chỉ cần dùng một loại này …
    - Bà Xoài suy thận giai đoạn cuối, bệnh viện phải chạy (thận) nhưng chỉ cần làm điều này mỗi tối…
    - Doanh nhân Mít đái tháo đường hai mươi năm nhưng chỉ cần một loại trái cây này…
    - Nếu không bỏ ra một phút đọc bạn sẽ hối tiếc cả đời…
    Tất tần tật là thần dược, là thần y, là thần thang. Ngay cả thuốc tiên cũng không bằng. Nếu không tin hãy để lại số điện thoại, chữa không khỏi không lấy tiền. Những câu nói chắc như đinh đóng cột ấy đủ sức để câu rút vĩnh viễn những người dân bần cùng, nhẹ dạ cả tin khi họ đang chới với trong cái tâm lý hoang mang có bệnh thì vái tứ phương. Có một số câu hỏi được đặt ra:
    - Ai có năng lực và tư cách pháp lý để thẩm định những lời quảng cáo nổ như bom hạt nhân đó?
    - Có ai, người phụ trách quảng cáo, thư ký tòa soạn, ban biên tập của các báo khi nhận những đồng tiền quảng cáo này lại ý thức được rằng mình đang tiếp tay gây hại cho chính đồng bào mình hay không?

    Những quảng cáo lừa lọc, vô liêm sỉ kiểu đó không còn rụt rè bẽn lẽn nữa mà nó đã hiên ngang đứng cùng với những bài báo, những phóng sự tâm huyết của những người làm báo chân chính. Có khi trên cùng một trang, những quảng cáo ấy lại được lặp đi lặp lại. Thực là kinh khủng. Nó đang nhanh chóng góp phần làm nguy hại đến nhận thức về sức khỏe và điều trị của chính đồng bào mình, không loại trừ có cả người thân của những người ký quyết định cho đăng quảng cáo đó. Tôi có một người bà con lớn tuổi hơn tôi nhưng về vai vế thì gọi tôi bằng chú. Người này đến tìm tôi, tôi dẫn đến chuyên gia gan mật của bệnh viện. Bác sĩ này buồn bã lắc đầu. Tôi khuyên chân tình là thôi về sống với quê nhà được ngày nào vui ngày đó và đừng nghe lời người ta rỉ tai mà chạy đi cúng kiến, xin thuốc thầy này thầy kia cho mất thời gian, hao sức khỏe và tốn tiền vô ích. Tầm một tháng sau, có người gọi điện cho tôi với vẻ đắc thắng là bệnh viện chạy là sai, bác sĩ đó cũng sai, tôi lại càng sai khi khuyên người nhà mình như vậy. Mặc dù chính bệnh nhân không cầu thuốc đó đây nhưng người nhà vẫn đi và vẫn mang thuốc về và “ảnh khỏe ru. May chứ không mà tin chú thì coi như tiêu rồi”.

    Đó là cách đây hai tháng. Hôm qua là tuần 49 ngày.

    Nếu người ta vì không hiểu biết mà gây hại thì cũng đã gieo một nhân xấu. Biết mà lừa thì tổn đức không biết để đâu cho hết. Có trí thức, có quyền lực nhưng vì đồng tiền mà đi tiếp tay cho cái xấu, cái làm hại đồng loại thì không biết lấy gì gột rửa cho sạch. Đức Dalai Lama thứ XIV có nói; “Nếu có thể thì hãy giúp đỡ người khác. Còn nếu không giúp được thì ít nhất cũng không nên hại ai (If you can, help others; if you cannot do that, at least do not harm them). AT LEAST DO NOT HARM THEM của một bậc chân tu hay FIRST, DO NO HARM của ngành Y quả thực không xa nhau mấy. Bởi đơn giản, đó là nguyên tắc đạo đức cơ bản nhất mà dù là một người không học, một ông lang vườn, một thầy thuốc tây y, một người viết, một nhà quản lý đều biết. Tầm càng cao thì cái HARM càng lớn nên càng phải cẩn trọng suy xét mình. Nhân quả là quy luật chắc chắn vận hành cho dù bạn đứng ở quan điểm tôn giáo nào.

    Tôi viết đã dài và bài viết nặng nề quá nên xin phép mượn một tấm ảnh mùa thu rất đẹp ở bang Vermont by Micheal Matti để khẳng định một điều là tôi vẫn tin vào thiên lương của nhân loại.

    Lê Minh Khôi




    https://www.facebook.com/macdai.leminhkhoi



              
Trả lời

Quay về “Tổng hợp”