Cuộc hội ngộ thật cảm động giữa một gia đình thuyền nhân và vị ân nhân đã cứu họ 41 năm trước

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Cuộc hội ngộ thật cảm động giữa một gia đình thuyền nhân và vị ân nhân đã cứu họ 41 năm trước

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Cuộc hội ngộ thật cảm động giữa một gia đình thuyền nhân và vị ân nhân đã cứu họ 41 năm trước




    Trong lịch sử định cư của người tị nạn Việt Nam phải nói là chúng ta có nhiều người để mang ơn. Đầu tiên phải nói là Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, kế đến là các quốc gia ở vùng Đông Nam Á cho phép tạm cư, các cơ quan thiện nguyện, các tổ chức tôn giáo và những quốc gia đã nhận mở rộng vòng tay nhận người tị nạn định cư…

    Nhưng bên cạnh đó còn có những ân nhân đã cứu rất nhiều người Việt tị nạn trên biển trong một một thời gian dài ít được nhắc đến – đó là những công ty hàng hải, những thuyền trưởng, thủy thủ đoàn… Những người tị nạn này phần lớn được cứu trong lúc đang lâm nguy trên biển.
    Mặc dầu không có một thống kê nào chính xác cho biết số người tị nạn VN được tàu vớt là bao nhiêu, nhưng con số đó chắc chắn không phải nhỏ. Vào thời điểm cuối năm 1978, người viết cũng được tàu vớt mang vô Singapore. Trại tị nạn Singapore lúc đó có khoảng 1000 người, chỉ gồm những người được tàu vớt. Tại đây người tị nạn đến-đi liên tục kéo dài trong nhiều năm. Đó là chỉ tính Singapore chưa kể còn có Hồng Kông, Thái Lan, Nhật… cũng cho người được tàu vớt tạm cư.



    Chiếc ghe vượt biên của gia đình ông Vũ Ngọc Tấn và những người khác,
    chỉ dài có 9 mét, trước khi được tàu vớt


    Chiếc ghe sau khi được cứu và những người trẻ năm xưa


    Đối với những công ty hàng hải, vớt người tị nạn là một sự hy sinh không nhỏ. Không chỉ có tốn kém về tài chánh mà còn thời gian, đôi khi còn gặp nhiều rắc rối khác nhất là đối với những quốc gia không có chính sách nhận người tị nạn.

    Mặc dầu biết trước những phiền toái như thế nhưng vì lòng nhân đạo một số truyền trưởng tàu buôn bất chấp rủi ro vẫn cứu vớt người tị nạn VN giữa biển khơi khi nhìn thấy sinh mạng của họ đang lâm nguy.

    Nhờ có những tấm lòng nhân đó mà người Việt ngày nay có mặt khắp nơi trên thế giới. Cộng đồng người Việt ở Na Uy, Hòa Lan, Đan Mạch là những nơi tiêu biểu được hình thành từ người tị nạn được tàu vớt, ngoài ra có những xứ xa xôi như Argentina, Brazil, Uruguay,… thậm chí Do Thái cũng có người tị nạn Việt Nam.

    Tối Chủ Nhật vừa qua, 8 tháng 9, tôi vinh hạnh được mời tham dự một buổi hội ngộ thật cảm động giữa một gia đình tị nạn Việt Nam ở Sydney với một vị ân nhân, từng là thuyền trưởng một chiếc tàu buôn của Anh, đã cứu họ 41 năm trước.

    Điều đặc biệt ở gia đình tị nạn này là họ vẫn giữ liên lạc với vị ân nhân trên trong suốt nhiều năm mặc dầu sống xa nhau hơn nửa vòng trái đất. Và điều làm tôi cảm động nhất trong buổi hội ngộ này là lòng biết ơn của thế hệ hai dành cho vị ân nhân này.



    Thuyền trưởng Alistair Watson và ông bà Vũ Ngọc Tấn
    tại buổi hội ngộ ở Sydney tồi Chủ Nhật vừa qua, 8/9/2019



    Đại diện của gia đình tị nạn này là ông Vũ Ngọc Tấn, một khuôn mặt quen thuộc trong cộng đồng người Việt ở NSW, từng là thành viên của BCH NVTD/NSW trong nhiều năm. Trước 1975 ông là bác sĩ quân y của Sư đoàn 18. Sau 75, cũng giống như mọi sĩ quan khác ông đi tù 3 năm tù và vượt biên ngay sau khi ra khỏi tù. Sang đến Úc ông học lại y khoa và hành nghề tại Bankstown từ nhiều năm qua. Cho đến bây giờ mặc dầu đã 75 tuổi ông vẫn còn làm việc. Ông Vũ Ngọc Tấn là một người thuộc thế hệ đàn anh mà tôi luôn dành một sự kính trọng.

    Ông Tấn rời khỏi Việt Nam một mình cùng với gia đình người chị ruột có 2 đứa con nhỏ (2 và 5 tuổi) vào cuối tháng 4 năm 1978. Sau bốn ngày trên biển thì được tàu vớt. Theo lời ông kể lại là nếu như không được tàu vớt thì chiếc ghe của ông khó thể sống sót bởi vì lúc đó tàu đã bị vô nước, máy thì rất tệ, còn biển thì đang sóng lớn.



    Gia đình ông bà Vũ Ngọc Tấn bao gồm ba thế hệ



    Còn vị ân nhân nói trên là ông Alistair Watson, người Anh. Vào thời điểm đó, ông Watson đang là thuyền trưởng của chiếc tàu hàng mang tên “Sibonga” của công ty “The Bank Line” trụ sở ở London. Lúc đó ông chỉ mới có 34 tuổi, vừa được thăng chức thuyền trưởng.

    Dựa trên report mà thuyền trưởng Watson gởi về cho công ty, chúng ta có thể biết đại khái như sau:
    Vào lúc 2 giờ 30 phút trưa ngày 2 tháng 5, 1978, tại tọa độ 60.18’N. 1030.43’E (ngoài khơi Mã Lai), Thuyền trưởng Watson nhìn thấy một chiếc tàu nhỏ đang đánh tín hiệu SOS. Ông quyết định tiến đến gần, lúc đó ông chỉ muốn đến để giúp thức ăn, nước uống, dầu nhớt và chỉ hướng để chiếc họ đi tiếp. Nhưng khi đến nơi, nhìn thấy chiếc ghe đang bị vô nước, máy rất tệ (it is leaking badly and the engine was in very poor condition), ông nghĩ là chiếc nghe này không thể đi tiếp và quyết định phải cứu những người tị nạn này bằng cách đem họ lên tàu lớn và chở họ đến Bangkok.



    Kim Vũ, trưởng nam của ông bà V.N. Tấn, thay mặt cho 3 thế hệ đang nói lời cám ơn đến
    ông Watson



    Tại cảng Bangkok, nhân viên Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc xuống tàu phỏng vấn những người tị nạn. Chính phủ Thái chỉ đồng ý cho lên bờ những người nào đã được các nước nhận cho định cư. Kết quả trong số 38 người tị nạn, 21 người có thân nhân ở những nước khác được cho lên bờ Bangkok để chờ đợi đi định cư. Trong số 21 người này có gia đình của ông Vũ Ngọc Tấn được nhận đi Úc vì ông có thân nhân ở đó. Còn lại 17 người không có thân nhân, nước Anh nhận cho định cư nhưng tàu Firbank phải mang họ đến Hồng Kông. Tổng cộng thời gian chiếc tàu hàng “Firbank” mất cho 38 người tị nạn này là khoảng 2 tuần chưa kể những phí tổn khác.



    Thuyền trưởng Watson nhận quà lưu niệm từ gia đình ông V.N. Tấn



    Khi được hỏi là cứu những người tị nạn này, cá nhân ông có gặp khó khăn với công ty không, thuyền trưởng Walson cho biết việc cứu người tị nạn dĩ nhiên là tốn kém khá nhiều đối cho công ty, nhưng ông không gặp rắc rối gì cả vì ông chủ của công ty này là một người giàu lòng nhân ái và công ty của ông có truyền thống là tôn trọng những quyết định của thuyền trưởng.

    Đối với 17 người tị nạn đi Anh, ông Watson vẫn giữ liên lạc với họ trong 41 năm qua và thỉnh thoảng họ vẫn gặp nhau. Ông và ông Tấn vẫn giữ liên lạc với nhau từ đó và họ xem nhau như những người bạn thân tình.

    Có một điểm khá giống nhau giữa ông Tấn và ông Watson, là mặc dầu hai ông đều trên dưới 75 nhưng cả hai đều trẻ trung, khỏe mạnh, minh mẫn, yêu đời… phải nói là hiếm có những người ở độ tuổi này được như vậy.

    Hiện tại ông Watson đã về hưu, và sống ở “Lake District”, một thành phố nhỏ chỉ có 12 ngàn dân nằm ở phía bắc của nước Anh, gần biên giới Scotland. Người vợ của ông đã qua đời 2 năm trước đây.

    Lần này, nhân dịp ông Watson trên đường đi Tây Tây Lan thăm gia đình, sẵn dịp ghé Sydney thăm gia đình ông Tấn. Họ gặp lại nhau trong không khí ấm cúng thân tình. 41 năm trôi qua nhưng lòng biết ơn của những tị nạn này vẫn không phai nhạt. Trong buổi hội ngộ lần này không chỉ có những người mà ông Watson cứu 41 năm trước mà còn có sự hiện diện đầy đủ của người thuộc thế hệ thứ hai và thứ ba, những người mà thời điểm 1978 chỉ mới có vài tuổi hoặc chưa ra đời.
    Những người trẻ này lớn lên ở Úc nhưng họ ý thức được nhờ ai mà họ có được những cơ hội và thành đạt ở xứ sở này như ngày hôm nay.

    Thay mặt cho gia đình, thay mặt cho những người thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba, cháu Kim Vũ, con trưởng của ông bà Vũ Ngọc Tấn (cũng đang hành nghề bác sĩ như cha), đã gởi đến vị ân nhân của họ những lời như sau:

    • “Welcome to Australia, and thank you for coming all this way and deep into our culture to spend time with our family and friends.
      As you know, we are eternally indebted to you with a debt that cannot be repaid, for the lives of everyone on that boat.
      When my father was on that boat, he was 35, as I have now learned you were 34. I am now turning 35 this month.
      The people you rescued have had children, and we have had children.
      Through God and your help they were given opportunities to live and make lives that they would never have been able to live, without the grace God have them through you.
      They have not wasted this opportunity, while it has not been easy for every person, everyone has worked hard with the chance they were given.
      And now we can say thank you, as a family and a community now if several generations and counting of people who have been impacted by you, and have gone on to impact the people and the world around them. So I would like to raise a toast, and thank God and Captain Alistair Watson, for all that you did that day.”

      “Xin chào đón ông, và cám ơn ông đã đi thật xa để đến đây thăm gia đình chúng tôi và những người bạn.
      Như ông đã biết, chúng tôi có một món nợ rất lớn với ông không thể nào trả được, đó là mạng sống của những người trên chiếc tàu vượt biên 41 năm trước.
      Lúc đó cha tôi mới 35 tuổi, bây giờ tôi mới biết lúc đó ông chỉ có 34 tuổi, vào tháng này tôi được 35 tuổi giống như cha tôi lúc đó.
      Những người mà ông cứu vớt lúc đó có con cái và những đứa trẻ lúc đó bây giờ đã có gia đình và có con.
      Nhờ ơn Chúa và sự giúp đỡ của ông mà họ có cơ hội sống sót và có một cuộc sống tốt đẹp như ngày hôm nay.
      Những người đó không để mất cơ hội, mặc dầu không phải dễ dàng đối với tất cả mọi người nhưng họ cố gắng hết sức để không phí phạm cơ hội quý giá đó.
      Và bây giờ cho tôi được nói cám ơn ông, như một thành viên của gia đình, của cộng đồng, và nhiều thế hệ tiếp nối bị tác động bởi nghĩa cử nhân ái của ông. Họ sẽ sống và cố gắng tác động đến người khác và thế giới chung quang giống như ông đã tác động họ.
      Chúng ta xin nâng ly, xin cám ơn Thượng Đế và cám ơn Thuyền trưởng Alistair Watson cho tất cả những gì ông đã làm cho chúng tôi ngày hôm đó.”

    Đáp lại lời của cháu Kim, thuyền trưởng Walson nói: “Tôi rất sung sướng và hãnh diện được đến đây để gặp lại quý vị và được biết là tất cả quý vị có một cuộc sống ổn định và những người thuộc thế hệ thứ hai bây giờ đã có gia đình hạnh phúc và thành đạt ở xứ sở này. Hành động cứu vớt quý vị 41 năm trước, đối với tôi đó là một trong những điều hãnh diện nhất trong suốt thời gian đi làm việc của tôi. Nhờ vậy mà tôi có cơ hội hiểu rõ hơn hoàn cảnh của những người tị nạn Việt Nam và có những tình bạn tốt như anh Tấn. Tôi ước mong được cơ hội gặp lại quý vị và xin chúc quý vị tất cả những điều tốt lành nhất.”

    Khi chia tay ông Watson, tôi nói với ông: “Mặc dầu không phải là một thành viên của gia đình này, nhưng với tư cách là một người tị nạn, một người Việt Nam, cho tôi được gởi đến ông một lời cám ơn đã cứu những người đồng hương của tôi.”, ông Watson nhắc lại lời mà ông đã nói: “Việc giúp họ đối với tôi là một diễm phúc.” Tôi tin là ông nói thật từ đáy lòng mình khi ông nhìn thấy những những người mà ông cứu năm xưa bây giờ có một cuộc sống ổn định, gia đình hạnh phúc, không phải chỉ có họ mà còn ở thế hệ thứ hai.

    Xin cám ơn bác sĩ Vũ Ngọc Tấn đã thay mặt cho một số người tị nạn không có cơ hội để nói lời cám ơn đến những ân nhân trên bước đường đi tìm tự do.

    Xin cám ơn cháu Kim Vũ, một người trẻ thuộc thế hệ thứ hai. Nhờ được tham dự buổi họp mặt này mà những người tị nạn như chú được học hỏi từ cháu những điều thật quý giá: Một khi được người nào đó cứu sống thì đừng nên để phí cơ hội đó và hãy tiếp nối hành động của vị ân nhân đó đến những người khác và thế giới chung quanh, không phải chỉ có thế hệ này mà còn phải truyền đạt cho các thế hệ tương lai.


    Sydney 11/9/2019
    Phạm Hoài Nam


    PS:
    Thuyền trưởng Watson nhờ Việt Luận chuyển lời là ông muốn liên lạc với các thuyền nhân được tàu Sibonga vớt và mất liên lạc với ông trong 41 năm qua. Quý vị gởi về email của Việt Luận: [email protected] , chúng tôi sẽ chuyển cho ông Watson.



    Nguồn:http://vietluan.com.au



              
Trả lời

Quay về “Tổng hợp”