Trang 1/1

Bố trí đảng viên tham gia tôn giáo là thuộc danh mục “bí mật nhà nước”

Đã gửi: Thứ hai 04/01/21 16:22
bởi Hoàng Vân
  •           




    Bố trí đảng viên tham gia tôn giáo
              
    là thuộc danh mục
    “bí mật nhà nước”

    ____________________________
    Thứ Năm, 31/12/2020 - 07:45 — minh-luat




    Một quyết định gần đây của Thủ tướng Chính phủ đã
    • trực tiếp thừa nhận Đảng Cộng sản Việt Nam có hoạt động “cài cắm” đảng viên vào các tổ chức tôn giáo
    • và quy định đây là một danh mục “bí mật nhà nước”.


    Tại Quyết định số 1722/QĐ-TTg quy định về Danh mục bí mật nhà nước của Đảng, do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành hôm 3/11/2020, có hiệu lực kể từ ngày ký, tại Điểm c, Khoản 7, Điều 3 của Quyết định này có nội dung quy định “đảng viên được cấp có thẩm quyền lựa chọn, bố trí, tranh thủ trong tôn giáo chưa công khai” là thuộc danh mục bí mật nhà nước.

    Theo quy định này, tất cả các văn bản của cấp ủy, cơ quan đảng về việc lựa chọn, bố trí đảng viên tham gia tôn giáo, tranh thủ lực lượng cốt cán đặc thù, cốt cán phong trào trong tôn giáo, đều là tài liệu có cấp độ Mật, được bảo vệ sau cấp độ Tối mật và Tuyệt mật theo quy định của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.

    Như vậy, đúng như dư luận đồn đoán lâu nay, Quyết định số 1722/QĐ-TTg là một văn bản pháp lý đầu tiên chính thức thừa nhận Đảng Cộng sản Việt Nam có hoạt động “cài cắm” đảng viên vào các tổ chức tôn giáo. Thông qua thẩm quyền phê duyệt danh sách nhân sự trước các kỳ bầu cử của các tổ chức tôn giáo, đảng có thể can thiệp vào công tác bầu cử nội bộ tôn giáo bằng cách “lựa chọn, bố trí” đảng viên chưa công khai nắm giữ các vị trí chủ chốt trong các tổ chức tôn giáo.





    Cài cắm để lũng đoạn và chi phối

    Các thành viên Mác-xít vô thần “đội lốt tu hành” để nắm giữ các vị trí cốt cán trong các tổ chức tôn giáo là điều không gây bất ngờ. Như công chúng từng biết đến một Phó Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam khi qua đời được truyền thông nhà nước loan báo ông có huy hiệu…50 năm tuổi Đảng.

    Nhiều người nhận định tình trạng này gắn liền với các “tôn giáo quốc doanh” được chính quyền lập ra sau năm 1975 nhằm xóa bỏ các tổ chức tôn giáo đã tồn tại từ trước - nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền, để đưa người của đảng tham gia vào ban lãnh đạo điều hành trong các giáo hội do nhà nước lập ra.

    Điều này dẫn đến nhiều tôn giáo lớn tại Việt Nam đều có các tổ chức giáo hội đối lập nhau, chẳng hạn như:
    • Giáo hội Phật giáo Việt Nam đối lập với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất;
    • Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo đối lập với Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy;
    • Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam - là một tổ chức chính trị xã hội dù không đặt vào vị thế đối lập trực tiếp với Hội đồng Giám mục Việt Nam, nhưng lại là chiếc loa tuyên truyền của đảng cầm quyền nhắm vào tín hữu Công giáo.

    Các chức sắc và tín đồ không đồng ý gia nhập vào các giáo hội do nhà nước thành lập (hoặc hậu thuẫn thành lập) luôn bị đặt ngoài vòng pháp luật, bị ngăn cấm hành đạo.

    Bề ngoài, nhìn vào đời sống sinh hoạt tôn giáo tại Việt Nam dường như được tự do và đa nguyên, nhưng bên trong lại là một sự đàn áp hết sức tinh vi. Chính quyền thực hiện chính sách “cài cắm” nhân sự vào chức vụ lãnh đạo cấp cao trong giáo hội nhằm lũng đoạn và chi phối các tổ chức tôn giáo, biến các tôn giáo trở thành công cụ phục vụ cho mục đích chính trị của đảng cầm quyền.





    Các vòng kiểm soát tôn giáo

    Khi ông tổ của học thuyết Chủ nghĩa Cộng sản nhận định “tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”, từ ý định tiêu diệt tôn giáo nhưng bất thành, các thành viên Cộng sản ngày nay thi hành sách lược “cho phép tồn tại trong sự kiểm soát”.

    Một mặt, người Cộng sản thừa nhận tôn giáo đóng vai trò quan trọng hữu ích trong xã hội, nhưng mặt khác họ cố gắng kiểm soát và định hướng tôn giáo, thông qua việc lựa chọn và bố trí đảng viên bí mật trở thành chức sắc lãnh đạo tôn giáo.

    Không khó để nhận diện ra tình trạng này khi có không ít các vị chức sắc lãnh đạo tôn giáo bị chỉ trích vì thường xuyên có các các quan điểm và phát ngôn như báo cáo viên tuyên giáo.

    Bên cạnh việc cài cắm nhân sự bí mật, đảng Cộng sản cũng duy trì một hệ thống quản lý kiểm soát tôn giáo một cách công khai và chặt chẽ.
    • Ở cấp Trung ương có Ban Tôn giáo Chính phủ trực thuộc Bộ Nội Vụ,
    • cấp Tỉnh có Ban Tôn giáo tỉnh thuộc Sở Nội Vụ,
    • cấp Huyện có Phòng Nội Vụ
    • và cấp Xã có Phó Chủ tịch xã kiêm nhiệm phụ trách công tác tôn giáo.
    • Ngoài ra, còn có các An ninh tôn giáo từ cấp Bộ cho đến Huyện hoạt động công khai lẫn bí mật.

    Tất cả các hoạt động tôn giáo theo quy định của luật pháp Việt Nam, đều phải thông qua sự phê duyệt và cấp phép của chính quyền.

    Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cũng tham gia vào quá trình theo dõi và giám sát hoạt động các tổ chức tôn giáo và áp lực các tổ chức tôn giáo trở thành một thành viên của Mặt trận như là một điều kiện để được nhà nước công nhận và cấp phép hoạt động.

    Tất cả các vòng kiểm soát tôn giáo ở Việt Nam nhằm đảm bảo rằng, các tổ chức tôn giáo cần tuân thủ chính sách, đường lối và chủ trương của đảng vô thần, và không một tổ chức tôn giáo nào có khả năng thách thức đến sự cầm quyền của đảng Cộng sản Việt Nam.



    https://www.rfavietnam.com/node/6636