Thời trang Giải Cấu

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Thời trang Giải Cấu

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    Thời trang
    Giải Cấu

    ____________________________
    Phạm Đức Thân _ 12/2020








    Mùa mua sắm cuối năm đang diễn ra. Thỉnh thoảng bắt gặp quần áo trông khá lạ lùng: chắp vá, mặt vải bên trong lại may lộn ra ngoài.....xin đừng nghĩ là may lầm. Thực ra đây là một phong cách thời trang ít người biết. Bài này giúp độc giả hiểu rõ phong cách này, mở rộng chọn lựa trang phục.



              

              


    Thời trang giải cấu (deconstruction fashion) là phong cách được gán cho tác phẩm của các nhà thiết kế thời trang Rei Kawakubo, Karl Lagerfeld, Martin Margiela, Ann Demeulemeester, Dries Van Noten... Chúng trông như chưa hoàn tất, thiết kế đang thử nghiệm, sản phẩm dang dở. Trang phục thường có đường may hiển lộ, viền mép thô kệch, các phần tử xếp đặt hình như không thống nhất hữu cơ, nhìn thiếu thoải mái, thuận mắt, có khi vải lót bên trong được dùng làm mặt ngoài... Nghĩa là nó thách thức quan niệm truyền thống quy ước về cái đẹp. Nhưng nó phá vỡ cái ổn định của thời trang bằng kết quả sau cùng là một vẻ đẹp mới lạ, khác hẳn cái đẹp xưa cũ.

    Người Pháp bảo đây là phong cách Phá Hủy (La mode Destroy), theo nghĩa là tháo gỡ trang phục, và hiển lộ vẻ đẹp vô chức năng. Giải cấu trong thời trang là một tuyên ngôn chống thời trang, hoặc cổ võ phi nguyên tắc, để nhà thiết kế được tự do sáng kiến. Có vẻ như nó có liên quan với giải cấu luận của triết gia Pháp Derrida.

    Derrida không coi giải cấu luận là phương pháp phê bình, phân tích hoặc hậu cấu trúc (post-structualism) mà chỉ như là một khảo hướng đọc và viết để bóc trần những bất ổn trong ý nghĩa của các văn bản triết học, văn học. Nó khảo sát cấu tạo của tư tưởng Tây phương, xem lại nền tảng cũng như khái niệm, tức là thách thức, đối kháng và làm lung lay những chân lý phổ quát.





    Các kiến trúc sư, nhà làm phim, nhà thiết kế mỹ thuật... vơ lấy nó như một phương cách để thực hành lý thuyết mới... Rồi các nhà bình luận truyền thông cũng thoải mái dùng nó để chỉ sự phân tích và phê bình, biểu tượng của hậu bán thế kỷ XX cho những thay đổi và biến thái mạo hiểm nhằm xác định và tháo gỡ những hình thức văn hóa của thời hiện đại. Một nổi loạn cuối thập niên 80, tháo gỡ thời trang, phá hủy truyền thống trong khi bước sang kỷ nguyên mới.

    Nhờ triển lãm của các nhà kiến trúc giải cấu tại Viện Bảo Tàng Nghệ Thuật Hiện Đại (The Museum of Modern Art) ở Nữu Ước năm 1988 mà cụm từ "thời trang giải cấu" chính thức bắt đầu xuất hiện. Kiến trúc và thời trang có nhiều tương đồng về thuật ngữ cũng như hoạt động: cấu trúc, hình thể, chất liệu, tạo tác... cho nên Martin Margiela chia sẻ với các nhà kiến trúc về phân tích cấu trúc.

              

              

    Margiela dùng vải lót mặt trong lấy từ trang phục cũ đem ra mặt ngoài, cho nó một đời sống mới, nghĩa là áo trông giống lộn trái như một dạng tự thân chính đáng. Trang phục của ông kết hợp các chất liệu không ăn khớp, vải lót bằng lụa đi với vải thun jersey, và người ta có thể nhìn thấy cơ chế bên trong của cấu trúc trang phục như zipper, các nếp xếp li....qua chất liệu trong suốt. Hoặc là jacket cũ được tháo gỡ, cắt xén, xắp xếp cách khác, đổi vài chi tiết và may lại. Hoặc là các đường may, viền áo được đảo ngược, phơi bầy ra mặt ngoài.

    Nếu công nhận thợ cắt may đã thao tác các công đoạn để thiết kế nên trang phục cho thân xác, thao tác này nằm bí mật sau trang phục, thì Margiela quả là đã tiết lộ các bí mật này ra ngoài. Với ông, trang phục là một kiến trúc trang bị thân xác và ông giống như nhà kiến trúc đi tìm hiểu tiến trình và cơ chế của cấu trúc. Việc phá vỡ, tháo bỏ này chính là tiến trình của sáng tạo mang tính chất phân tích cao. Nhà thiết kế giải cấu vẫn có thể hiển lộ cái đẹp hấp dẫn của thời trang qua phụ kiện tô điểm, vẻ hoành tráng hào nhoáng, ảo giác, huyễn tưởng... Phá vỡ để tái tạo, giải cấu và cấu trúc thiết yếu là như nhau.






    Thời trang giải cấu có thể giải thích như là trong tinh thần đổi mới liên tục của thời trang, hòa nhập với trào lưu chống thời trang (anti-fashion) mà Vivienne Westwood, Jean-Paul Gaultier, Gianni Versace, John Galliano đã đi tiên phong. Những nhà thiết kế này đã đem ảnh hưởng của văn hóa bên lề (đường phố, graffiti, hộp đêm, câu lạc bộ....) vào thời trang cao cấp (haute couture) qua kết hợp tân kỳ các họa tiết, hở hang táo bạo, dùng hàng da -- vật liệu chính của nhóm S/M ( Sado/Masochism: bạo khổ dâm) -- bên cạnh hàng vải, xem nhẹ chức năng và độc quyền vốn có của thời trang. Ngôn ngữ của họ có tính phản kháng về giới tính, chính trị, giai cấp.

    Thời trang giải cấu phản ánh tinh thần thời đại (zeitgeist) trước những xáo trộn kinh tế, chính trị, môi trường và thẩm mỹ. Chính trị Âu Châu còn phân hóa, chưa ổn định sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ. Kinh tế suy thoái gây căng thẳng xã hội, xuống cấp nhiều thứ. Nguyên vật liệu môi trường không còn dồi dào như trước kia. Khẩu hiệu 4R (reduce, reuse, recycle, recover : tiết giảm, tái dụng, tái chế, phục hồi) ảnh hưởng đến thời trang, cho nên xuất hiện kiểu trang phục chắp vá, tái chế, phục hồi... là điều dễ hiểu.

    Tính triệt để của thời trang giải cấu, trình bầy một vẻ đẹp mới
    • qua cái xấu,
      cái phi nguyên tắc,
    còn là hợp thời với trào lưu giải cấu luận,
    • nhiều tiêu cực,
      ít tích cực khẳng định,
      đặt vấn đề hơn là trả lời.
    Nhờ tinh thần đó thời trang giải cấu được tự do thử nghiệm mặc dù có bị chỉ trích là phản mỹ thuật, không xuất phát từ thực tế mà nặng thử nghiệm về lý thuyết thẩm mỹ, không nhất quán, mỗi người mỗi ý.

              

              

    Thật ra cần phân biệt: thời trang lý thuyết trên sàn diễn (catwalk) và thời trang thực tiễn trong các tiệm. Trang phục trình diễn nhấn mạnh đến một chủ đề hay phong cách đặc biệt thì có tính triệt để. Chúng thường chỉ dành cho bảo tàng viện hoặc một số rất ít khách hàng đủ khả năng đặt mua. Một số kiểu đem ra bán tại tiệm thường là đã được thay đổi cho phù hợp với thẩm mỹ và khả năng của đại chúng.

    Các nhà bình luận thường tự động gán ghép nhãn hiệu cho các nhà thiết kế, trong khi chính các người này nhiều khi chẳng biết mình thật ra thuộc vào loại nào.
    • Vd.
      Phản ứng trước cái rườm rà, xa xỉ, huê dạng của thời trang, một số nhà thiết kế như Giorgio Armani, Zoran, Calvin Klein, Miuccia Prada, Jill Sander... cũng đã tháo bỏ cấu trúc, xem xét, và tái tạo theo một cấu trúc mới giản dị: tự nhiên thoải mái, bãi bỏ những phụ độn, tô điểm rườm rà vô ích... nhưng lại được coi như thuộc phái tinh giản (minimalism).

    Thời trang thay đổi không ngừng, nhưng do sản xuất thặng dư, mode sau không đuổi mode trước mà chúng cùng hiện hữu, mặc dù mãi lực thị trường có khác nhau. Thời trang giải cấu hơi có tính triệt để, quá khích và tuy có bị phê phán, bị các mode sau qua mặt, nhưng đến nay vẫn còn ảnh hưởng. Trên quảng cáo hiện nay của vài nhà thiết kế như Diesel, Forever 21, All Saints...vẫn có mảng thời trang cấu trúc với đầy đủ đặc trưng của nó: lộn trong ra ngoài, xẻ rách, vá víu, phối hợp lộn xộn....trông thật quả là...xấu một cách rất mỹ thuật.





    Rõ ràng giải cấu trong thời trang cũng như triết học
    là đối thoại,
    ở đây là giữa nhà thiết kế, thợ cắt may và khách hàng,

    là hỏi hơn đáp,
    và vẫn còn sức lôi cuốn, hấp dẫn.






    Phạm Đức Thân
    (Tham khảo chính: Deconstruction Fashion, Alison Gill trong Fashion Theory A Reader trang 489-509) .

    http://art2all.net/tho/phamducthan/pdt_ ... iaicau.htm
Trả lời

Quay về “Phạm đức Thân”