Thời trang thanh lịch

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20015
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Thời trang thanh lịch

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    Thời trang
    thanh lịch

    ____________________________
    Phạm Đức Thân


              

              






    Trước kia thời trang chỉ dành cho quý tộc, người giầu có, và thường lòe loẹt, quá lố. Viết về thời trang chủ yếu là phê bình xấu đẹp.

    Theo dòng lich sử, thái độ này thay đổi vì không chỉ phụ nữ, kẻ có tiền để ý thời trang mà đàn ông, người bình dân, trẻ già đều chú ý đến quần áo, tạo nên một kỹ nghệ lớn lao, một trung tâm kinh tế trong xã hội. Thời trang trở thành yếu tố văn hóa quan trọng với tin tức hàng ngày trên truyền thông, các trình diễn mỗi mùa ở Paris, Milan, New York, Tokyo... của các nhà thiết kế nổi tiếng. Thời trang nghiễm nhiên là một phần của lịch sử xã hội và văn hóa; là cần thiết để hiểu hiện tượng thế giới.

    Người ta bắt đầu nghiên cứu thời trang về đủ mọi mặt: triết học, tâm lý, xã hội, thẩm mỹ... Phải chăng quần áo có ngôn ngữ của nó, nói lên điều gì đó về giai cấp, phái tính, kinh tế...bằng một biểu tượng thật rõ ràng và hấp dẫn. Thời trang không phải chỉ để chống khí hậu, bảo vệ cơ thể, che dấu chỗ cần kín đáo, mà trở thành một làm đẹp, một căn cước cho biết tôi là ai, hoặc tôi muốn người khác nghĩ tôi là ai.

    Thời trang phổ biến trên thế giới hay chỉ có ở phương Tây?
    Nó biến chuyển theo lịch sử thế nào?
    Mỹ cảm thay đổi ra sao?
    Nó có ảnh hưởng tới các lãnh vực khác không? Ví dụ: Do tính đổi mới liên tục của thời trang mà các tư tưởng, quan niệm của triết học, văn học, kỹ thuật...cũng luôn đi tìm cái mới. Thời trang mở rộng nghĩa thành "khuynh hướng, theo thời".

    Về phương diện kinh tế chính trị, ít người hiểu sâu xa động cơ của Tây Phương dưới chiêu bài phong trào nữ quyền thế giới, hô hào giải phóng phụ nữ Hồi khỏi lệ thuộc đàn ông, được tự do ăn mặc, trang điểm, bỏ khăn choàng, áo chùm. Nếu thành công thì lợi nhuận của tư bản Tây Phương sẽ là bao nhiêu tỉ với số đông đảo phụ nữ Hồi. Đừng ngây thơ nghĩ họ tử tế.

    Mỹ cảm thay đổi theo thời đại. Ví dụ lớn nhất trước mắt là giầy. Hơn chục năm trước sneakers chủ yếu là giầy thể thao, phổ thông ở Mỹ, giầy da cổ điển đủ kiểu vẫn là diện đúng. Đi du lịch mà thấy du khách mang sneakers, thì biết ngay là dân Mỹ. Ngày nay sneakers là thời thượng, với nhiều cách tân phối hợp với da, mà Gucci, Prada, Ferragamo... cũng sánh vai với Nike, Addidas... Gần đây Hội Chợ Sneakers ở Bắc Mỹ buôn bán mới cũ đủ kiểu, có đôi giá $8,000. Chưa kể bây giờ giầy với những đinh nhũ kim loại, nam nữ đều có đi.

    Thời trang phát triển rất mạnh, là môn học trong trường, mảng sách phong phú, đề cập đủ các mặt: lịch sử, thẩm mỹ, các nhà thiết kế, cẩm nang ăn mặc đẹp, các bảo tàng y phục, người mẫu, vẽ kiểu, chất liệu mới phát minh, mua sắm, bảo trì..... Xã hội có bệnh mới compulsive shopping (nghiện mua sắm). Theo nhiều người shopping cũng còn tác dụng giải stress, làm hưng phấn, giảm bớt buồn chán. Học sinh sau giờ học cũng vào mall để shopping. Dần dần đa số trở thành nô lệ thời trang (fashion victim) chẳng mấy chốc.






    Giữa những biến đổi không ngừng của thời trang, có một nghệ thuật ăn mặc thanh lịch mà thời đại nào cũng đánh giá cao. Trong lịch sử thời trang đi tiên phong và nổi bật nhất là George Bryan (Beau) Brummell (1778-1840), người đã rút ra khỏi Đoàn Kỵ Binh Thứ Mười vì bị từ chối không cho mặc bộ đồng phục do chính ông thiết kế.

    Từ đó đến nay, hơn 200 năm trôi qua, nhiều mốt đã thăng trầm, nhưng cái chuẩn mực ăn mặc đẹp thì vẫn giống cái thời mà người ta tin rằng Beau có đôi găng tay tuyệt hảo là nhờ đã đặt một thợ may làm ngón cái, một thợ khác làm các ngón kia và một thợ thứ ba làm bàn tay. Nghĩa là như Beau đã nhận xét :
    • " Nếu người ta quay lại nhìn anh thì anh không phải ăn mặc thanh lịch, mà hoặc quá cứng nhắc, quá chật hoặc quá mốt"..

    Thật vậy Beau đã để lại di sản:
    • đơn giản một cách nghệ thuật, không thể chê vào đâu được.
    Đó chính là cái trường tồn trong mọi biến đổi của thời trang, vì không có mốt nào bền vững.

    Trước Brummell thiên hạ ăn mặc diêm dúa, lòe loẹt như con công, đàn ông cũng như đàn bà. Beau đến Luân Đôn và đơn giản, tiết chế trở thành khẩu hiệu của thời trang thanh lịch. Beau đã trở thành huyền thoại ngay khi còn sống. Người ta đồn rằng giầy ông đánh bóng bằng xi pha với rượu champagne. Đầu tóc ông do ba người làm: một thái dương, một đỉnh đầu, và một trước trán. Ông không chịu ngả mũ ngoài đường khi gặp phụ nữ vì sợ đội lại sẽ không lệch đúng góc. Ông quả thật có cái mỹ cảm gần như thiên tài. Thi sĩ Byron phải thừa nhận rằng quần áo ông mặc vừa vặn cứ như thể là do chính thân xác nghĩ ra.

    Bí quyết của Beau là tự nhiên có tính toán,
    • vì nghệ thuật tuyệt hảo nào cũng không hiển lộ
      mà như tự phát một cách thành đạt, thỏa mãn thích đáng; và điều này chỉ đạt được nhờ động não.
    Ngay cái khăn tay nhét túi áo vét cũng phải thò ra miệng túi một cách rất tự nhiên nhưng có nghệ thuật. Tất nhiên cái bí quyết đó cũng cần một số điều kiện khác hỗ trợ để ăn mặc thanh lịch, đẹp đẽ: vóc dáng cân đối, có mỹ cảm và tiền bạc. Dẫu sao tùy hoàn cảnh, mỗi người có thể tìm hiểu, suy nghĩ và chọn lựa để ăn mặc đẹp, lịch sự hơn trước, mà không nhất thiết phải như Beau
    • chuẩn bị ba giờ để mặc quần áo
      và thay đổi y phục một ngày ba lần.






    Không có quan niệm thống nhất về y phục.
    • William Hazlitt nghiêm khắc cho rằng kẻ nào coi y phục là một phần chính của con người mình thì kẻ đó giá trị không hơn bộ đồ đang mặc.
    • Mac Beehohm quan niệm trang phục chỉ tạo được hình ảnh nổi bật khi chủ nhân ý thức đủ về quần áo và không bị chia trí vì gia đình và công việc.
    Phải công nhận rằng mặc dù quần áo không tất yếu làm nên con người, nhưng chúng nếu đẹp và thích hợp với người mặc thì có thể tạo cảm giác tự tin và hài lòng. Có người còn cho rằng chúng làm người mặc phấn khởi, và cư xử lịch sự hơn.

    Y phục đã mặc rồi còn tạo cho nó một nước sơn bảo đảm.
    • Carlyle cảnh cáo đừng nên tin vào lòng dạ kẻ coi khinh quần áo cũ.
    • Rupert Brooke cũng ca tụng cái mùi vị thân quen của quần áo cũ.
    Nhưng ngày nay nhằm gia tăng lợi nhuận giới sản xuất khuyến khích, hô hào người ta dùng y phục thời gian ngắn rồi bỏ, mua cái mới, cho nên chỉ còn một số ít người được hưởng cái thú nâng niu thân mật này.

    Thât ra hấp dẫn của quần áo cũ một phần ở chỗ hầu như người ta có thể tin tưởng vào chúng. Nếu hỏng không nhiều có thể sửa để tiếp tục sử dụng. Quần áo mới dẫu sao cũng có một phần thử nghiệm, may rủi, không biết có ưng ý không, cho dù cùng kích cỡ, cùng nhà thiết kế. Quần áo cũ, nếu là hàng tốt, đã trở nên đúc khuôn theo vóc dáng người mặc một cách rất ăn ý. Cho nên nhiều thợ may nổi tiếng chỉ bằng lòng sau khi khách hàng đã mặc thử y phục một thời gian ngắn và trở lại để xem có cần sửa chữa chỗ nào cho thật thích hợp không.

    Mỗi người có vóc dáng, tính khí riêng, cho nên chính mình phải tự chọn quần áo cho mình.
    • Phụ nữ có khuynh hướng theo mốt,
    • trong khi đàn ông ăn mặc sành điệu hiểu rằng không có cái gì giá trị lại bị lỗi thời,
      một tác phẩm tuyệt hảo của thợ may giỏi là phi thời gian.



    Nhìn chung nét thanh lịch nằm riêng ở mỗi cá nhân, không ai giống ai, không ai bắt chước được ai. Mỗi người phải tự tìm hiểu, vun trồng và hãnh diện duy trì.
              
    Thanh lịch không cần phải khoe cho mọi người thấy,
    không cần phải tốn thật nhiều tiền bạc.
    Đơn giản, tự nhiên, đầy nghệ thuật.
    Đó là bí quyết trang phục thanh lịch.

              




    Phạm Đức Thân

    http://www.art2all.net/tho/phamducthan/ ... nhlich.htm
Trả lời

Quay về “Phạm đức Thân”