Ý nghĩa của Thời trang

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20030
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Ý nghĩa của Thời trang

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    Ý nghĩa của
    Thời trang

    ____________________________
    Phạm Đức Thân


              

              





    Thời trang là hiện tượng ảnh hưởng nhất trong văn minh Tây Phương kể từ thời Phục Hưng. Nó đã len lỏi vào mọi hoạt động của con người hiện đại và gần như trở thành bản tính thứ hai (do xã hội áp lực, chứ không phải do tự nhiên) của mọi người. Tuy quan trọng như vậy, nhưng vì tính chất ngắn hạn, mong manh, đôi khi còn cho là tầm phào, thời trang ít được nghiên cứu nghiêm túc, mà thường chỉ xuất hiện những cẩm nang ăn mặc đẹp. Bài này thử bàn sơ về ý nghĩa của thời trang dưới các góc cạnh tư tưởng, nghệ thuật, lịch sử, xã hội, tâm lý... hy vọng góp phần tìm hiểu con người và thời hiện đại.



    Thời trang (fashion) theo nghĩa hiện nay chỉ bắt đầu vào thế kỷ 19 với cách mạng kỹ nghệ, gia tăng dệt vải, phát minh máy khâu...khiến có thể sản xuất đại trà, đáp ứng cũng như phát triển may mặc trong lối sống hưởng thụ của giai cấp tư sản mại bản mới thành hình.

    Trước đó chỉ có thể gọi là phục trang (clothing), giai cấp quý tộc có chú ý đến trang phục nhưng không thành phong trào. Còn dân chúng thì bị hạn chế bởi những qui định khắt khe về ăn mặc: chỉ được sử dụng kiểu loại, chất liệu vải, mầu sắc... cho phép. Làm vậy triều đình muốn phân biệt giai cấp rõ ràng, và giáo hội muốn giáo dân sống giản dị, không xa hoa dễ dẫn tới thiếu đạo đức.

    Nhất là sau những thánh chiến, giáo dân thu hoạch nhiều chiến lợi phẩm là tài sản, vật dụng, vải vóc, đá quý... từ phương Đông, muốn phô trương ra ngoài bằng nếp sống xa hoa, trụy lạc.

    Nhưng thói thường, càng cấm đoán thì càng kích thích vi phạm, và người ta luôn luôn nhìn lên, bắt chước giai cấp cao hơn. Như Adam Smith đã nhận xét
    • "Chúng ta có khuynh hướng ngưỡng mộ, rồi bắt chước người giầu sang và người danh tiếng, khiến họ có thể tạo nên, hoặc dẫn tới cái gọi là thời trang".
    Nhất là các cuộc cách mạng của dân chúng đã làm suy giảm sức mạnh của triều đình cũng như giáo hội, Người dân được tự do ăn mặc và dần dần phát triển thành phong trào mạnh mẽ, ảnh hưởng sâu rộng đến độ thời trang không phải chỉ trong lối sống mà lan sang cả trong nếp suy nghĩ về triết học, khoa học, chính trị....




    Thời trang đã được dân chủ hóa. Ai cũng có thể sử dụng nó như một nhận diện của mình, hay muốn người khác nghĩ về mình như vậy. Thời trang không còn chỉ là để che dấu lõa lồ, bảo vệ thân thể chống lại nóng lạnh, muỗi ong... mà trở thành một chỉ dấu thông tin phục vụ những dụng đích quan yếu trong đời sống.

    Thời trang làm cảm thấy tự tin, hài lòng khi ngắm nhìn mình trong gương, cũng như khi ra ngoài cho người khác ngắm và ngắm người khác. Trước đây chỉ giới giầu có mới sở hữu trang phục cao cấp, độc đáo (haute couture), ngày nay quần áo may sẵn (prêt-à-porter) rất phong phú đa dạng cũng cho phép người mặc, qua chọn lựa tinh tế, tìm được nét riêng cho mình giữa mọi người. Cho nên mới xuất hiện những phong cách Jacqueline Kennedy, Audrey Hepburn, Diana, Gary Grant... để cho thấy, thời trang có thể mua, nhưng phong cách (style) đòi hỏi năng khiếu.

    Nghịch lý của thời trang là ai cũng cố gắng đồng thời vừa giống vừa không giống đồng loại: một đàng tự đồng hóa mình với tầng lớp trên, và đàng khác tự tách mình ra khỏi tầng lớp dưới.

    Thời trang cho những cách thế để biểu lộ, tăng cường, khởi động, hoặc che giấu tâm trạng.
    • Khi buồn mặc mầu đậm, lúc vui diện mầu sặc sỡ;
    • chưa kể buồn có thể mặc sặc sỡ để phấn chấn tinh thần hoặc che giấu nỗi buồn.
    • Tẻ nhạt, buồn chán hoặc bị stress, người ta có thể xuất hiện với quần áo liên tục thay đổi, hoặc đi mua sắm vì hầu như ai cũng luôn luôn cảm thấy còn thiếu quần áo.


    Anh ngữ có cụm từ 'nothing to wear" để chỉ cái tâm lý này. Nó không có nghĩa là "không gì để mặc" mà chỉ cái tâm trạng của người dù có cả ngàn quần áo, khi cần mặc đi đâu, vẫn than thở không chọn được cái ưng ý, vì.... chưa đủ quần áo! Thảo nào phân tâm học khuyên người ta chữa bệnh nhàm chán, căng thẳng bằng cách đi shopping.

    Thời trang giúp biểu thị, xử lý tốt đẹp thích nghi trong giao tế xã hội. Người quen biết thì đã rõ rồi, nhưng với người lạ thì chỉ có thể nhờ vào vẻ bên ngoài để mà ứng xử thích nghi, tùy theo giầu hay nghèo, đạo hay đời, thầy hay thợ...
    • Oscar Wilde đã bảo,
      • "Chỉ người nông cạn mới không thẩm định qua vẻ bên ngoài".
    • Immanuel Kant luôn luôn là một "bậc thầy thanh lịch của Nghệ Thuật", diện kẻng với giầy khóa bạc, áo sơmi lụa, đã từng tuyên bố
      • "Thà làm anh ngốc trong thời trang còn hơn là làm anh ngốc chẳng biết thời trang."
    • G.W.F.Hegel cũng cho rằng chống lại thời trang là điên ngốc.
    • Karl Marx cũng chỉ vì thường lưu chiếc áo choàng tại tiệm cầm đồ mà có lần không được cho vào Thư Viện Anh với lý do ăn mặc thiếu nghiêm túc.


    Thời trang còn quan trọng ở chỗ cho biết ít nhiều tính cách con người, vì rằng luôn luôn vẫn có người làm theo lời khuyên bảo của cổ nhân
    • "Y phục xứng kỳ đức"
    , hoặc nhắc nhở của Epictetus
    • "Trước hết, hãy tìm hiểu rõ mình là ai, sau mới theo đó mà ăn mặc".
    Dĩ nhiên cũng có người chả để ý đến ăn mặc, cho là tầm phào, đôi khi còn là lừa phỉnh, như đã được cảnh báo trong câu "chiếc áo không làm nên thầy tu".
    • Socrates xưa ờ Athen được biết nhiều đến như là một ông già đi chân đất, ăn mặc lôi thôi lếch thếch, bẩn thỉu do ít tắm rửa, hơn là một triết nhân. Ngày ông bị xử chết, bạn bè cho một áo dài tươm tất, ông châm biếm,
      • "Cả đời tôi đã mặc những quần áo này chả sao hết mà bây giờ bạn lại bảo chúng không đủ tốt để mặc lúc lìa đời.".
    • Albert Einstein cũng ý kiến
      • "Nếu chúng ta cảm thấy xấu hổ vì quần áo xoàng xĩnh, bàn ghế cũ mèm,
        thì chúng ta càng nên xấu hổ hơn vì những ý tưởng tầm thường và triết lý vụn vặt".
    • William Hazlitt còn kết án
      • "Kẻ nào coi trang phục như là một phần chính của con người mình thì kẻ đó không có giá trị hơn chúng".






    Nếu trước đây giai cấp thấp bị hạn chế bởi những qui định về ăn mặc, nhà cửa, lối sống... để giai cấp thống trị đặc quyền dùng thời trang như một xác định giá trị xã hội của mình, thì ngày nay dân chủ hơn và nổi bật là hiện tượng thời trang trở thành chỉ dấu rõ nét nói lên tình trạng kinh tế, giai tầng xã hội. Cho nên mới có phân biệt thời trang dân thầy (white collar) khác dân thợ (blue collar). Kẻ giầu có mới đủ tiền bạc mua hàng xa xỉ, đắt giá như Gucci, Hermès, Prada... để phô trương ngoài đường hay trên facebook... Nói theo ngôn ngữ hiện đại trong xã hội Trung Hoa, Việt Nam ngày nay thì thời trang là phương tiện "khẳng định đẳng cấp " của tư bản đỏ. Phân biệt giai cấp cũng thấy rõ trong đặc quyền dùng kiểu sọc riêng trên càvạt của (cựu) sinh viên của một đại học Anh.

    Thời trang có những phong cách riêng của từng nhà, từng vùng, từng nhóm và qua chúng có thể giúp nhận biết ngoài đẳng cấp như vừa nói, mà cả chủng tộc, trình độ văn hóa nữa.
    • Phong cách Armani, Gucci, YSL, Ý, Anh, Pháp... đắt tiền và cao cấp hơn phong cách CHAPS, Kenneth Cole, Mỹ đen, Sì (Spanish) của người văn hóa không cao và tiền bạc không nhiều.
    • Cũng vậy, các phong cách Hippie, Punk, Hiphop, Skinhead, Streetstyle.... thường là rẻ tiền, thấp văn hóa, thuộc giới trẻ, mặc dù thỉnh thoảng một đôi nét của phong cách đường phố cũng được các nhà thiết kế đưa lên xử dụng trong dòng chính. Vd. xẻ rách chỗ này chỗ kia đã thấy xuất hiện trên quần jean cao cấp, giá 2, 3 trăm dollar.






    Thời trang có thể mang khuynh hướng chính trị.
    • Xưa Napoleon qui định dùng lại các kiểu trang phục của chế độ cũ nhằm hỗ trợ tính cách chính thống của chế độ mới.
    • Mao, Castro, Kim... mặc trang phục kiểu đặc biệt để chứng tỏ khác đế quốc tư bản.
    • Quốc Gia (vàng) Cộng Sản (đỏ), Cộng Hòa (đỏ), Dân Chủ (xanh) đều có mầu sắc phân biệt.
    • Nam Việt Nam sau 1975, thiên hạ thường mặc quần áo tầm thường giản dị như vô sản, vì ăn mặc tươm tất sợ bị gán cho là tư sản mại bản, có thể bị đưa đi cải tạo.
    • Phong trào nữ quyền ở Âu Mỹ có thời cực đoan, phụ nữ đòi tự do, không lệ thuộc đàn ông, phản kháng bằng cách không trang điểm, không làm tóc, không mặc đồ lót, ngay cả không cạo lông.


    Mặc y phục của người khác giới (cross dressing) đã có từ xưa, nhưng họa hiếm. Vd. George Sand (nữ sĩ Pháp) thường mặc quần, jacket, hút thuốc lá, xì gà... để tỏ ra ngang hàng nam giới. Ngày nay với cách mạng tình dục, người đồng tính công khai thể hiện khuynh hướng tình dục, thường dùng trang phục như một chỉ dấu. Nhất là phái nam, sặc sỡ hoa hòe hoa sói, dễ nhận biết hơn phái nữ.
    • Ellen DeGeneres ( show tv) hiếm mặc váy, hầu như luôn luôn mặc quần và jacket, nhưng ít người biết bà là lesbian.
    • Nhưng Elton John (nhạc sĩ Anh) luôn luôn diện chải chuốt, với jacket đủ mầu xanh, đỏ, tím, vàng.. sơmi hoa văn sặc sỡ, thêm kính mầu hồng, xanh... cho thấy rõ ông là gay.


    Quần áo nhà binh, công an cảnh sát cũng là trang phục có mầu sắc chính trị, chứng tỏ uy quyền được chính phủ ủy nhiệm, dân chúng phải tuân hành mệnh lệnh của họ. Huy hiệu, phù hiệu, dải băng đeo ở cánh tay... đều có thể là thời trang bày tỏ khuynh hướng chính trị. Như gần đây hàng chữ MAGA (Make America Great Again) trên mũ, áo... là dấu hiệu của người ửng hộ Donald Trump.

    Thời trang còn là phương tiện của nhà tu hành nói lên đạo giáo của mình.
    • Áo chùng thâm đen là thuộc Thiên Chúa Giáo.
    • Áo cà sa là thuộc Phật Giáo, còn phân biệt các mầu nâu, vàng hay đỏ tùy tông phái khác nhau.
    Ngay trong một tôn giáo, người ta vẫn không bỏ được phân chia giai cấp, vì trang phục mũ áo... còn khác nhau tùy theo phẩm trật, chức vụ trong giáo hội.

    Thời trang cũng là cách biểu thị rõ nét nguồn gốc dân tộc. Mỗi dân tộc có một kiểu trang phục đặc biệt. Dù sống trong xã hội Tây Phương, một số người vẫn giữ y phục cổ truyền của dân tộc. Có người chỉ mặc trong dịp lễ hội dân tộc. Cũng có người trong đời sống thường nhật chỉ giữ lại một vài nét đặc trưng như
    • vấn khăn (Ấn độ),
    • choàng đầu, che mặt (Hồi giáo)
    • mũ cap (Do thái)....
    để nhấn mạnh đến bản sắc, phong hóa, giá trị của dân tộc.

    Thời trang còn làm dễ dàng giao tiếp xã hội trong các dịp lễ lạc tiệc tùng như đám cưới, đám tang, sinh nhật, tân niên... Nhờ ăn mặc theo thói quen qui định trong những dịp này, người ta cảm thấy thoải mái, thân quen, không lạc lõng vì có vẻ ai cũng như ai, đều ăn mặc tề chỉnh, đúng cách, đậm hay lợt, đen hay trắng, giản đơn hay kiểu cọ... tùy theo là dịp buồn hay vui.

    Thời trang có thể là trò giải trí cho người có thì giờ và tiền bạc, thử nghiệm nhiều kiểu loại, và chứng tỏ mình khá giả, nhàn hạ. T shirt là y phục bị lạm dụng nhất, tha hồ cho người ta in tranh khôi hài, hình thần tượng, hoặc đủ mọi khẩu hiệu để bầy tỏ ý kiến. Giới trẻ cũng đôi khi tự do thử nghiệm mọi hình thức để đi tìm căn cước cho mình, coi thời trang như trò giải trí. Hiện tượng Streetstyle, Hippie, Punk, Skinhead, Hiphop...là một xác định cá tính đặc biệt của giới trẻ, cũng như kiểu quần áo xẻ rách chỗ này chỗ kia coi như là một hình thức phản kháng lề thói xã hội.

    Chưa kể có người còn là nô lệ hay nạn nhân thời trang (fashion victim) luôn luôn tìm mua sắm cái mới vừa xuất hiện trên thị trường, miễn sao cho thật nhiều, chẳng cần để ý đến phẩm. Thời trang ngày nay biến thành kỹ nghệ bạc tỉ, Thảo nào Burberry vừa qua thản nhiên đốt bỏ hàng ế ẩm trị giá hơn 30 triệu dollar chỉ vì muốn giữ giá, không chịu bán on sale. Hơn trăm năm trước Thorstein Veblen đã chỉ ra cái thói tiêu dùng khoa trương (conspicuous consumption) phí phạm vô nghĩa này của giai cấp nhàn hạ trong quyển The Theory of the Leisure Class..

    Nhìn rộng hơn thời trang còn phản ánh tình trạng chính trị, kinh tế của một quốc gia vì nó cũng nổi trôi theo vận nước. Khi hòa bình, kinh tế phát triển thời trang nở rộ mọi kiểu loại, hoa văn sặc sỡ. Lúc chiến tranh, kinh tế suy thoái, thời trang có tính hạn chế, giản đơn. Mặt khác thời trang cũng còn thay đổi theo thời tiết nóng lạnh, mưa nắng của mỗi mùa, mỗi ngày, mỗi buổi.






    Thời trang dù muốn hay không luôn luôn hàm chứa ý nghĩa phái tính và tình dục.

    Từ ngàn xưa đã có phân biệt trang phục khác nhau giữa nam nữ thật ra không ngoài mục đích cơ bản là khơi dậy bản năng tình dục, vì có thế khác biệt thân thể mới được lộ rõ. Như Havelock Ellis đã chỉ ra
    • "Một trong những hấp dẫn tình dục lớn nhất sẽ bị mất, và mức quan trọng cực kỳ của quần áo cũng biến đi ngay nếu nam nữ phục trang giống nhau, đồng nhất y phục như vậy chưa bao giờ xẩy ra trong bất cứ dân tộc nào"..

    Vừa kín vừa hở cũng là cách kích thích mạnh. Nhưng hở nhiều hay ít, nhấn mạnh chỗ nào (ngực, mông, đùi, cẳng chân hay hạ bộ..) là những điểm rất khác biệt tùy theo phong tục, tập quán, thời điểm...của mỗi dân tộc. Thông thường, sau một thời gian che kín để tích lũy được đủ vốn kích thích, thì cho hở ra sẽ tạo được tác dụng mạnh. Và người mặc lợi dụng đúng lúc để biểu lộ chủ ý gợi tình của mình.

    Trang cụ hình ống tô điểm hạ bộ trong y phục cổ truyền mà đại diện một dân tộc thiểu số mặc trong Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vừa qua, có thể làm nhiều đại diện khác ngạc nhiên. Có lẽ họ không biết rằng cách đây vài trăm năm, quý tộc Âu Tây đã có cái cod-piece trông cũng khác lạ không kém. Đó là chỗ phùng lên như nửa trái banh bầu dục ngay nơi hạ bộ của chiếc quần đàn ông, được độn và tô điểm mầu sắc hấp dẫn, có khi còn đính thêm dải vải sặc sỡ hoặc vàng ngọc, đá quý, không ngoài mục đích "khoe của", kích thích tình dục.





    Trang phục thường có kiểu dáng đẹp đẽ, mầu sắc, hoa văn sắc sảo.. để hấp dẫn người tiêu thụ. Các công đoạn thực hiện cũng tương tự như bên hội họa, điêu khắc. Vẽ bản phác họa trên giấy trước rồi thực hiện từng bước trên vải, trên người mẫu.

    Các nguyên tắc thẩm mỹ để thiết kế quần áo cũng không khác hội họa: hài hòa, đối xứng, tương phản, tiết tấu, trọng điểm...

    Phải công nhận trang phục trình diễn trong show, hoặc do khách hàng "haute couture" đặt may đặc biệt, thường là tuyệt mỹ. Thành thử có người cho thời trang là một nghệ thuật, có thể sánh ngang với hội họa, điêu khắc... Cũng còn có những bảo tàng viện thời trang của các nhà thiết kế, cơ sở văn hóa nữa; điều này tạo thêm chỗ dựa cho ý kiến trên.

    Thật ra cùng lắm chỉ một số trang phục trình diễn mới có thể tạm cho là nghệ phẩm, còn thời trang nói chung, với sản xuất đại trà, chủ yếu thương mại, lợi nhuận là chính, vẫn thường được coi là loại thủ công (craft) hơn là nghệ thuật.






    Trang phục chuyên chở nhiều thông tin như đã tạm liệt kê trên kia cho thấy chúng rất quan trọng, ảnh hưởng đến thái độ đối với chính bản thân và với tha nhân.

    Thời trang rất hấp dẫn vì đánh đúng tâm lý con người thích cái mới. Nguyên tắc, yếu tính của thời trang là đổi mới, đổi mới không ngừng.

    Đổi mới thì trong lãnh vực nào cũng có: triết học, khoa học, nghệ thuật, chính trị... Vào thế kỷ 17 trước Công Nguyên, vua Thành Thang (Trung Hoa) đã nhắc nhở "nhật tân, hựu nhật tân" (mới mỗi ngày, tiếp tục mới mỗi ngày). Nhưng đổi mới của thời trang không giống đổi mới trong các lãnh vực khác, chúng thường chậm chạp, nhằm bổ túc, cải thiện, hoặc cách tân, dựa trên logic hợp lý, chính đáng. Đổi mới trong thời trang hoàn toàn không cơ sở, không dựa vào một tính chất cần yếu đặc biệt nào đó để đổi mới y phục. Phi lý ở chỗ đổi mới chỉ vì cần có cái thay thế cái đã có trước, chứ không phải để cải thiện, cải tiến, làm cho hữu dụng hơn...

    Như Walter Benjamin đã tóm tắt
    • "Thời trang là lập đi lập lại hoài hoài cái mới".
    Cho nên thời trang là mong manh, chết yểu, chả có gì cố định để mà quan tâm cái thứ tầm phào.

    Tương tác mạnh mẽ với các hoạt động khác ngoài xã hội nhưng thời trang ít tham khảo chúng để tìm hứng cho cái mới, mà chủ yếu thường tìm trong thời trang quá khứ, hay trong thời trang ngoại quốc. Cho nên có hiện tượng chu kỳ, tái chế: sau một thời gian biến mất, một số đặc điểm cũ lại được lôi ra xử dụng nguyên si hoặc thay đổi ít nhiều. Đổi mới chỉ là để có cái mới thay thế cái cũ, chứ không phải đổi mới hoài hoài là để đi tìm một thời trang lý tưởng.

    Trước đây mốt nào vừa ra là ít lâu sau có mốt khác thay thế. Ngày nay đổi mới liên tiếp khiến tiêu thụ không kịp, các mốt sống chung, bổ túc, hòa lẫn với nhau. Thời trang thay thế trở thành thời trang tích lũy, trang phục hiện nay tràn ngập, dư thừa chẳng biết sẽ dẫn tới đâu.

    Xét cho cùng, thời trang có công lớn, qua tính đổi mới liên tục, cấp bách, ngắn hạn đã kích thích tinh thần đổi mới trong cá nhân cũng như xã hội về mọi mặt tư tưởng, khoa học, nghệ thuật, chính trị... Trong tinh thần đó, phải chăng thời trang có góp công phần nào trong việc sụp đổ chế độ Cộng Sản ở Nga (chính sách đổi mới của Gorbachov), và phát khởi Cách Mạng Xanh, Cách Mạng Vàng... trên thế giới?

    Phải chăng chỉ vì muốn đổi mới mà dân Mỹ đã bầu lên một Tổng Thống... không giống ai, hậu quả chưa biết tốt hay xấu?


              
    Vậy thì đừng bảo thời trang là tầm phào!

              




    Phạm Đức Thân

    http://www.art2all.net/tho/phamducthan/ ... itrang.htm
Trả lời

Quay về “Phạm đức Thân”