Con đường từ Phi Châu qua Nam Mỹ đến Ukraine

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Con đường từ Phi Châu qua Nam Mỹ đến Ukraine

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




              
    Con đường từ Phi Châu qua Nam Mỹ đến Ukraine
    ______________________
    Trần Anh Kiệt - 16/06/2018

    ____
              









    Cơ hội nào đã đưa tôi đến ba nơi khác lạ không có chút liên quan về địa lý, lịch sử nhưng lại cùng có những biến cố trọng đại vang dội trên thế giới?
    • Trước tiên là Rwanda, trên lục địa Phi Châu, nơi xảy ra cuộc tàn sát người Tutsi bởi người Hutu,
    • kế đó là Pérou, Nam Mỹ Châu, nơi có ông tổng thống gốc Nhật đã thành công trong việc dẹp 25.000 quân phiến loạn cộng sản nhưng lại bị bỏ tù 25 năm
    • và sau cùng là Ukraine, cựu thành viên của Liên bang Sô Viết, nơi đã phát đi những đám mây phóng xạ trên toàn cõi Âu Châu do rò rỉ nhà máy điện nguyên tử Tchernobyl.
    Ở mỗi nơi, tôi đều có một kỷ niệm nho nhỏ nhưng khó quên.

    Tôi đến các nơi ấy với tư cách đại diện của Hydro-Québec International (HQI) để thẩm lượng bằng con số chính xác các khía cạnh quản trị kỹ thuật, tài chính và thương mại của các công-ty điện lực muốn tư nhân hóa ngành điện lực để đem lại hiệu năng kinh tế cao hơn theo khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới (Word Bank). Những đối thủ cạnh tranh với HQI mà tôi thường gặp trong các cuộc đấu thầu quốc tế là các Công ty Điện lực: Pháp, Đức, Ý, Tây ban nha.

              

              

    I
    Rwanda không khác các nước ở Tây Phi Châu, nơi mà tôi có kinh nghiệm làm việc nhiều năm, có danh xưng là Nước có ngàn ngọn đồi (Pays des mille collines). Thủ đô Kigali khí hậu mát mẻ nhờ ở độ cao như Đà lạt, trồng nhiều cây khuynh diệp. Nếp sống có vẻ hiền hòa nhưng có những đợt sóng ngầm tranh chấp chủng tộc giữa người Tutsi gốc du mục, làm nghề chăn nuôi và người Hutu gốc nông dân trồng trọt.

    Đợt sóng ngầm trở thành sóng thần tsunami cuốn đi tám trăm ngàn tính mạng con người trong 3 tháng do các chính trị gia quá khích đầu độc dân trên làn sóng truyền thanh, sau cái chết của hai vị tổng thống Rwanda và Burundi gốc Hutu. Người Hutu cho rằng phe nổi loạn Tutsi đóng binh ở biên giới Ouganda (FPR: Front Patriotique Rwandais) đã phóng hỏa tiễn làm nổ phi cơ của hai vị tổng thống lúc đáp xuống phi trường Kigali nên phát động một trận chém giết kinh hoàng người Tutsi và cả người Hutu ôn hòa. Làm sao phân biệt hai sắc dân cùng là đồng bào với nhau? Đó là do chính quyền thuộc địa cũ, nước Bỉ, cho ghi loại sắc tộc vào thẻ căn cước của mỗi người.

    Vào năm 1993, một năm trước khi xảy ra thảm trạng, tôi cùng đại diện các Công ty điện lực Pháp, Đức, Ý, Tây ban nha và Bỉ có mặt tại phòng hội Công ty Điện lực Rwanda lúc 9 giờ sáng để chờ đợi vị Tổng Giám đốc đến trình bày và cung cấp các tài liệu về việc tư nhân hóa ngành điện, khuyến khích các công ty ngoại quốc đầu tư để làm chủ công ty điện và phát triển nó vì tài nguyên quốc gia hạn hẹp không đủ vốn để đầu tư mà đi vay thì rất khó khăn. Ngân hàng Thế giới khuyến khích giải pháp nầy.

    Thời khắc trôi qua hết buổi sáng mà không thấy bóng dáng ông Tổng Giám đốc hay một nhân viên cao cấp nào khác. Sau cùng, chúng tôi biết được là Nghiệp đoàn Điện lực đình công chống tư nhân hóa ngành điện và toàn bộ chúng tôi bị bắt làm con tin không được ra khỏi phòng họp. Đại diện Điện lực Pháp là người tự tin nhất vì chính quyền Rwanda lúc ấy rất thân Pháp và trong quân đội của họ có nhiều cố vấn Pháp.
    • Không sao đâu, rồi chúng ta sẽ được thả ra thôi.
      Nhưng trong lúc chờ đợi, chúng ta sẽ làm gì?
    Chúng tôi đã biến những giờ khắc đáng lẽ phải lo âu thành một cuộc mạn đàm về văn chương, lịch sử, hội họa, âm nhạc, điện ảnh.
    • Đại diện Điện lực Pháp ăn nói hấp dẫn nhất.
      Anh say mê nói về các biến cố đặc biệt trong cách mạng 1789 và về Napoléon Bonaparte. Hoàng đế có tình yêu say đắm với Joséphine, không quên viết thư cho nàng dù trên chiến trận.

      Điện lực Ý lên tiếng:
      Napoléon sinh ra ở đảo Corse trước kia dưới quyền cai trị của nước Ý. Corse chỉ được xem như lãnh thổ của Pháp vào năm 1789. Lúc ấy ông đã 20 tuổi. Vậy chính nước Ý đã nuôi nấng cho nước Pháp một vị hoàng đế lừng danh.

      Tôi cùng Đại diện Điện lực Pháp cùng tần số với nhau vì cả hai đã phải nhét vào đầu những áng văn thơ của 5 thế kỷ văn chương Pháp để có thể đậu Tú tài I.
      Anh Pháp hỏi tôi thích văn sĩ nào?
      • _ Chateaubriand!
        Văn xuôi của ông viết như là một bài thơ.
      Tôi lại thích cái vẻ lãng mạn của ông ngồi trên ghềnh đá trông ra khơi nhớ đến người chị của mình, rất thương em nhưng lại trốn tránh em để vào tu viện. Một ông thầy văn chương của tôi nói rằng cô ấy muốn tránh một mối tình tội lỗi ngấm ngầm trong tâm tư. Vì ảnh hưởng của Châteaubriand, tôi rất ghét những bài thơ tự do lạc điệu của TTT. Làm thơ tự do như Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, TTKH đầy chất lãng mạn, giai điệu bổng trầm thấm sâu vào tâm hồn. Có ai không biết đến Hổ nhớ rừng, Một mùa đông, Hai sắc hoa ti-gôn?

      Tôi khoe với anh Điện lực Pháp là quyển tiểu thuyết tiếng Pháp đầu tiên mà tôi đọc lúc 14 tuổi là Graziella của Lamartine, kể chuyện một chàng lãng tử đến một hòn đảo ít dân cư tạo ra một mối tình lãng mạn với một thiếu nữ ngây thơ rồi lại bỏ đi "dấn bước giang hồ". Vài năm sau, anh trở lại thì thiếu nữ đã chết. Chàng đứng trước nấm mồ hồi tưởng lại những phút giây hạnh phút trong quá khứ. Lamartine viết lên bài thơ bất hủ "Les premiers regrets" (Niềm hối tiếc ban đầu). Câu chuyện nầy được Song-An Hoàng Ngọc Phách phóng tác thành "Tố Tâm" và Lê Văn Trương lấy ý viết "Hận nghìn đời". Nhưng Lamartine đã thi vị hóa một chuyện tình. Thực ra, vài năm sau, khi trở lại đảo xưa thì chàng lãng tử biết được nàng thiếu nữ kia đã có chồng và một đàn con nhỏ!

      Khi nói đến điện ảnh, chuyện đầu tiên mà tôi phát biểu là tôi không muốn thấy những thần tượng nữ của tôi đóng phim đến ngày tóc bạc.
      • "Mỹ nhân tự cổ như danh tướng, bất hứa nhân gian kiến bạch đầu"
        (Từ thưở xưa, người thiếu nử đẹp giống như vị tướng giỏi không muốn nhân gian thấy mình bạc đầu).
      Tôi có dịp kể cho các bạn "con tin" của tôi nghe hai phim khắc sâu vào ký ức của tôi từ lúc thiếu thời là Vacances romainesLa Valse dans l'ombre.
      • Phim thứ nhất kể chuyện tình của một nàng công chúa và một chàng ký giả cùng qua một đêm vui chơi trên chiếc vespa chạy vòng thành phố La mả. Nét đẹp ngây thơ hồn nhiên của Audrey Hepburn in sâu trong ký ức của anh học sinh trung-học thường hay viếng hai rạp chiếu bóng Long Thuận và Lê Lợi ở Saigon.
      • "Vũ điệu trong bóng mờ" là một chuyện tình thật đẹp nhưng bi thảm. Đứng bên thành một chiếc cầu, vị đại tá người Anh tóc pha sương nhớ lại người yêu đã tự tử trên cầu nầy. Hai người đã làm lễ thành hôn cấp tốc trước khi chàng ra chiến trận (đệ nhị thê chiến). Nàng đọc báo nhận được tin sai chàng đã chết. Trước hoàn cảnh kinh tế khó khăn thời chiến, nàng đã trở thành gái điếm. Khi thanh bình trở lại, hai người yêu gặp lại nhau, chàng giới thiệu với nàng gia đình quý tộc của chàng. Nghĩ rằng cái dĩ vãng xấu xa của mình sẽ bị bộc lộ làm hại đến tương lai của người yêu, nàng đã tìm cái chết. Hai tài tử Vivien Leigh và Robert Taylor, đẹp như thiên thần, đã làm rơi nước mắt bao khán giả qua nhiều thế hệ. Thật không thua gì Bản Tình ca Mùa Đông hay Nấc Thang Thiên Đàng của Hàn Quốc sau nầy!


                

      Silvana Mangano                                                              Sophia Loren                      Gina Lollobrigida

                

      Anh Điện lực Ý cùng thế hệ với tôi thích nhắc đến những tài danh của nền điện ảnh Ý thời vàng son như
      • Silvana Mangano (mũi nhọn), Sophia Loren (ngực to), Gina Lollobrigida (đẹp toàn diện).
      Tôi cùng ý thích với anh Ý về các cô đào. Tôi hỏi:
      • _ Nhưng anh có biết Gina làm gì sau khi ngưng đóng phim lúc còn quá trẻ?
        _ Nàng đi chu du khắp thế giới để chụp ảnh, hobby của nàng.
        _ Thế nàng có qua Phi Châu không?
        _ Tôi không biết.
        _ Vậy tôi kể cho anh nghe một chuyện lý thú về thần tượng của chúng mình.
        _ Kể đi.
        _ Đến Nam Phi (Afrique du Sud), cô Gina gặp Christiaan Barnard, người bác sĩ đầu tiên giải phẫu thay tim nổi tiếng khắp thế giới. Thế rồi cô qua một đêm cuồng nhiệt với anh bác sĩ. Nhưng không hiểu do đâu mà một tờ báo điện ảnh tiết lộ là sáng ra cô vĩnh biệt anh ta, trần truồng khoác lên mình chiếc áo choàng bỏ đi!
        Từ ấy Gina Lollobrigida không còn là thần tượng điện ảnh của tôi vì trước đó tôi tưởng cô ta rất chung thủy với anh chồng bác sĩ Milko Skofic. Tại sao cô ta lại thích bác sĩ thế!

      Điện lực Tây ban nha muốn tránh nói về nhà độc tài Franco nên chuyển hướng về Pablo Picasso. Dường như đa số chúng tôi dốt về hội họa nên không hứng thú muốn nghe. Chỉ khi đề cập tới Leonard de Vinci với tác phẩm La Joconde (Mona Lisa) thì mọi người đồng loạt thán phục thiên tài nầy vừa là họa sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư, nhưng lại đặt câu hỏi về đời sống cô độc của ông. Ông có yêu thầm một phụ nữ quý tộc nào không?

      Điện lực Đức ít nói dù nước Đức có vô số nhân tài âm nhạc, triết học, khoa học, kỷ thuật. Nhưng kẹt nhất là hai vị nổi tiếng Einstein và Karl Marx dù ở Đức nhưng gốc Do thái. Tôi bèn gợi ý nói về Von Braun, cha đẻ hỏa tiễn V1, V2 bắn qua Anh quốc làm rung chuyển Luân đôn. Sau chiến tranh, ông qua Mỹ đóng góp nhiều cho các chương trình không gian của Mỹ. Nhưng Điện lực Đức lại muốn xoay qua âm nhạc cổ điển có người phụ họa là Điện lực Pháp. Vì kiến thức eo hẹp, tôi yên lặng nghe. Tôi chỉ biết một số nhỏ những bản nhạc bán cổ điển đã thành kinh điển được phổ biến rộng rãi: Alla Turca của Mozart, Lettre à Élise, Moon Light, Symphonie no 5 của Beethoven, Nocturne của Chopin, Danse hongroise No 5 của Brahms, những bản Valses của Strauss v.v…

      Điện lực Bỉ tránh nói về tranh chấp giữa người Wallons nói tiếng Pháp và Flamands nói tiếng Hòa lan nhưng anh cho chúng tôi biết nhiều về thành phần chủng tộc ở Rwanda, nước nầy được Hội Quốc Liên tiền thân của Liên Hiệp Quốc đặt dưới sự giám hộ của Bỉ sau đại chiến thế giới thứ nhất. Dưới sự cai trị của Bỉ, người Tutsi được Bỉ nâng đỡ nhiều trong việc học hành và giao cho nhiều vị trí quan trọng trong quân đội. Dù chỉ chiếm 14% dân số, so với 80% Hutu, người Tutsi lúc nào cũng muốn lãnh đạo đất nước. Do đó luôn luôn có sự tranh chấp ngấm ngầm giữa hai sắc tộc.


    Trời sắp tối, chúng tôi đã bị giữ làm con tin 8 tiếng đồng hồ. Bỗng nhìn qua cửa kính của phòng họp, Điện lực Bỉ reo vui:
    • Có một quân nhân mang phù hiệu quân đội Bỉ, cấp bậc đại tá tiến vào Công ty Điện lực. Chắc là họ đến giải thoát cho chúng ta!
    Nửa tiếng đồng hồ sau, cửa phòng mở toang, vị đại tá bước vào. Sau khi giới thiệu, Điện lực Bỉ ngẩn ngơ. Tuy mang phù hiệu Bỉ cũng là phù hiệu quân đội Rwanda nhưng vị đại tá là người Pháp làm cố vấn trong quân đội Rwanda (FAR).
    Dù Bỉ hay Pháp có gì là quan trọng đối với Canada của tôi, ta hãy kiếm một quán ăn ngon để thỏa mãn cái bao tử đang kêu gào sau khi nhịn buổi ăn trưa.

    Việc đấu thầu bất thành, tôi trở lại Montréal nhận nhiệm vụ khác. Hơn một năm sau, tôi nhận được một bức thư kêu gọi giúp đỡ của cựu Tổng Giám Điện Lực Rwanda gởi cho 6 Công ty Điện lực từng đến Rwanda đấu thầu. Ông cho biết ông thoát chết trong cuộc tàn sát người Tutsi xảy ra năm 1994 và chạy qua Pháp, đời sống rất khó khăn. Tôi đã chuyển thư cho HQI tùy nghi giúp đỡ. Hai năm sau tôi nhận được tin vị Tổng Giám Đốc qua đời ở Paris vì bịnh Sida.




    II
    Ông TGĐ HQI đẩy chồng hồ sơ trước mặt tôi, nói:
    • " Trong chính sách tư nhân hóa ngành điện, chính phủ Pérou quyết định bán tất cả nhà máy sản xuất điện, đa số là thủy điện. Họ giao cho Ngân hàng Thế Giới làm tư vấn trong việc mua bán nầy. Ngân hàng Thế Giới nhờ HQI giúp cho họ một chuyên viên kỹ thuật để cùng với chuyên viên tài chánh của họ thẩm lượng dự án, moa đề cử toa đi."
    Thế rồi tôi phải đi ngay đến Washington để cùng với anh chuyên viên của Ngân hàng Thế Giới bay đến Lima, thủ đô của Pérou. Pérou từng được thế giới biết đến như là cái nôi của nền văn minh da đỏ Incas.

    Lúc tôi đến thì Tổng thống là ông Alberto Fujimori, người gốc Nhật. Trước khi đắc cử Tổng thống năm 1990, ông là kỹ sư canh nông, có qua Pháp học vật lý sau đó đậu Master về toán ở Mỹ và được làm Viện trưởng một trường đại học. Ông làm Tổng thống 10 năm, dẹp tan 25.000 quân cộng sản theo Mao (Sentier lumineux). Phiến quân cộng sản nầy đã ám sát 20.000 người trong vòng 12 năm. Tuy nhiên trong cuộc chiến nầy, phía chính quyền có nhiều vi phạm trầm trọng quyền làm người nhìn dưới khía cạnh một nền dân chủ pháp trị trong khung cảnh thanh bình. Ông bị kêu án 25 năm tù. Cuối 2017 ông được thả trước thời hạn với lý do bệnh nặng không còn sống được bao lâu.

    Trong nội thành, thủ đô Lima rất hiện đại, không thấy bóng một cột điện, tất cả dây điện cao thế, hạ thế, được chôn ngầm dưới đất, nhưng khi ra ngoại ô thì mới thấy cảnh nghèo nàn. Pérou là một xứ núi non, có ngọn núi cao hơn 6.600m. Chuyện đầu tiên của chúng tôi là đi thăm các nhà máy thủy điện. Ngồi trên chiếc Land Rover, tôi ngắm nhìn phong cảnh đẹp, tin tưởng vào tài lái xe của người bản xứ. Nhưng kìa! Sao chiếc xe cứ lao vút quanh những con đường đèo nhỏ hẹp tiến lên núi cao mà anh tài xế không chịu giảm tốc độ. Kìa, cây thánh giá bên đường, tiếp theo một đoạn đường ngắn lại một cây thánh giá khác. Tôi bắt đầu sợ hãi. Anh bạn Ngân hàng Thế Giới biết tiếng Tây ban nha hỏi:
    • _ Sao có nhiều thánh giá bên đường như thế, có phải là nghĩa địa không?
      _ Không, đó là để kỷ niệm những người đã chết vì tai nạn nơi đó!

              

              
    Bây giờ tôi không còn bình thản ngắm phong cảnh mà chỉ xem chừng sự xuất hiện của các cây thánh giá bên đường. Nhưng Chúa đã gìn giữ tôi, nhớ lời nhà tôi thường nói. Hơn hai tiếng đồng hồ đứng tim, tôi mới đến được nhà máy thủy điện ở độ cao 1000m. Sau buổi làm việc mệt nhọc, tôi lại phải chịu nhiều lần thót tim khi chiếc xe đổ dốc xuống đèo trên đường về. Bây giờ thì tôi học tiếng Tây ban nha nhắc nhở tài xế giảm tốc độ mỗi khi đi đến đoạn đường nguy hiểm:
    • ralentizar.
    Anh bạn Ngân hàng Thế Giới của tôi nói:
    • " Chưa hết! Ta sẽ còn viếng ba nhà máy nữa."
    Tôi tự hỏi không biết chúng nó ở độ cao bao nhiêu và có bao nhiêu cây thánh giá cắm dọc theo đường đèo! Nhưng sau cùng tôi cũng giữ được tánh mạng trở về Canada. Lại miệt mài làm phúc trình kỹ thuật. Ăn tiền cố vấn của Ngân hàng Thế Giới thật khó khăn và nguy hiểm. Nhớ tới lúc bị làm con tin ở Rwanda bàn chuyện văn chương thật là thoải mái.




    III
    Số phận của tôi gắn liền với phong trào tư nhân hóa ngành điện trên thế giới. Xứ Ukraine sau khi thoát khỏi Liên Bang Sô-Viết thành quốc gia độc lập lại gọi thầu quốc tế bán tất cả hệ thống phân phối điện của mười thành phố lớn. TGĐ HQI lại giao cho tôi sứ mạng đi thẩm lượng sự khả thi xem HQI có thể đầu tư có lợi hay không. Một câu trả lời cần đến sự nghiên cứu bao nhiêu dữ kiện kỹ thuật, thương mại, tài chính. Tôi nói:
    • _ Tôi không biết tiếng Ukraine hay tiếng Nga thì làm sao làm việc.
      _ Đừng lo, đa số tài liệu họ đã dịch ra tiếng Anh.
      _ Nhưng làm sao tiếp xúc với con người để đặt câu hỏi?
      _ Moa cho một ông tướng Canada làm thông ngôn cho toa!
      _ Tôi nghe không lầm?
      _ Phải, một ông tướng Canada hồi hưu gốc người Ukraine. Moa phải trả thù lao khá cao.
    Được hân hạnh có một ông tướng đi theo làm thông ngôn thì làm sao từ chối! Tôi không dám hỏi thiếu tướng hay đại tướng nhưng nghĩ Canada không có nhiều tướng như VC nên tôi đoán chắc là thiếu tướng. Ông tướng rất khiêm tốn, dễ thương có lẽ vì không còn ở vị trí quyền lực chẳng khác nào VC Nguyễn Tấn Dũng khi hết quyền vào chùa lễ Phật cho báo chí chụp ảnh và chúc các đồng chí làm người tử tế.

    Ông tướng đi đến đâu cũng được nể trọng khi đưa ra danh thiếp. Ông nhanh nhẩu nói ngay tôi là đại diện của Hydro-Québec Canada chớ không phải ông. Cái công ty nầy thật có uy tín ở nước ngoài. Sau khi được giới thiệu với các giới chức Điện lực Ukraine, tôi bắt gặp những ánh mắt ngạc nhiên nhưng lễ độ. Sau khi nghiên cứu tài liệu, tôi mới hiểu tại sao một nước có trình độ kỹ thuật thật cao như Ukraine vừa thoát khỏi chế độ cộng sản lại hối hả đi bán tài sản của mình cho tư nhân trên thế giới. Lý do rất đơn giản:
    • các công dân xã hội chủ nghĩa không chịu trả tiền điện.
      Chỉ có 40% khách hàng trả tiền, 60% tiền bán điện xem như nợ không đòi được.
    Ở Phi Châu, những nơi tệ nhất chỉ mất tối đa 30%. Không những tiền điện mà cả tiền sưởi cũng cho không. Số là ở Kiev, thủ đô Ukraine, có nhiều nhà máy sản xuất hơi nước dẫn theo đường ống phân phối đến các đơn vị gia cư để sưởi.
              

              
    • Mười ngày ở Kiev thật thoải mái. Đường sá rộng thênh thang, băng qua đường phải xuống đường hầm. Thang cuộn métro xuống thật sâu vào lòng đất.
    • Nhà máy điện nguyên tử Tchernobyl bị rò rỉ, cách 200 km, đã bị chôn vùi dướp lớp bê tông nhưng dấu vết di hại của phóng xạ vẫn còn.
    • Cái mánh mung xã hội chủ nghĩa dường như chưa chấm dứt. Nhà nước đang rất cần và quý đô-la. Tôi vào quán ăn, thực đơn bằng tiếng Anh giá gấp đôi thực đơn tiếng Ukraine. Bồi bàn không chịu làm thông ngôn cho tôi ăn giá rẻ. Nhưng tôi nhờ có Mc Donald với giá phải chăng giúp đỡ phần nào cho cái túi tiền.


    Cám ơn Điện lực Ukraine đã giúp tôi khỏi phải dự phóng tài chánh dài dòng cho HQI. Với tỉ lệ thu tiền điện 40% thì tất nhiên công ty sẽ phá sản. Tại sao ta phải nhảy vào đầu tư. Ta có thể thay đổi thói quen xã hội chủ nghĩa làm biếng trả tiền hay không? Xếp HQI cũng đồng ý với tôi. Tôi cám ơn ông đã cho tôi một ông tướng thông ngôn tuyệt vời. Ông nói:
    • _ Thôi, toa thu xếp trở lại quê hương sa mạc của toa đi. Họ đang cần toa, Monsieur Afrique.







    Trần Anh Kiệt
              

              
Trả lời

Quay về “Trần anh Kiệt”