Hoài niệm châu Phi

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Hoài niệm châu Phi

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    Hoài niệm châu Phi
    ______________________
    Trần Anh Kiệt


              

    Yaounde - thủ phủ của Cameroon

              
    Tôi đến Phi châu vào giữa thập niên 1980 với tư cách chuyên viên của Hydro-Québec được sự tài trợ của Cơ quan Viện trợ Canada (ACDI) và Ngân Hàng Thế giới (World Bank) sau này. Những tưởng chỉ ở trên lục địa này 2 năm, cuộc hành trình lại kéo dài tới 14 năm, dẫn tôi đến nhiều nước ở Tây Phi Châu. Chặng đường đầu tiên của tôi là Cameroon.



    ***
    Một hôm rảnh rỗi sau khi ăn trưa tại Công Ty Điện Lực Cameroon, Tako ngồi tâm sự với tôi. Anh ta chịu hết nổi thằng em họ từ làng quê ngang nhiên xách bọc quần áo đến ngụ nhà anh, nó nói là lên tỉnh thành để kiếm việc làm. Anh có bổn phận phải lo cho nó ăn uống đầy đủ rồi nó nằm phơi bụng ra ngủ không chịu giúp đỡ việc gì trong nhà. Chỉ tội cho cô vợ người Đức của anh tuy bị phiền lòng cũng phải ép bụng tuân theo “tục lệ” của quê hương người chồng. Tôi hỏi:
    • – Sao anh không đuổi nó đi?
      – Không được, đây là tục lệ nước tôi, phải giúp đỡ bà con trong làng, nhất là tôi đã đi du học ở Đức, lại làm Công ty Điện lực lương cao, họ tưởng tôi giàu lắm.
      – Nhưng nếu anh đuổi nó đi thì sao? Lấy cớ là người vợ Đức của anh không bằng lòng.
      – Làm thế, tôi sẽ vĩnh viễn không thể về làng vì tên này sẽ đi rao truyền là tôi vô lương tâm, mất gốc, không tôn trọng truyền thống giúp đỡ bà con. Tôi sẽ bị họ khai trừ.
      – Về làng thật quan trọng đối với anh như thế sao?
      – Đương nhiên. Cha mẹ, ông bà, cô bác ở đó, có cả mấy đứa em họ biếng nhác như tên này. Rồi cả lũ sẽ kéo lên nhà tôi! Làm sao tôi sống nổi với vợ tôi đây. Nếu tôi làm mất lòng chúng, chúng sẽ nói xấu tôi làm cho cha mẹ tôi mất mặt với làng xóm. Thằng Kuo bạn của tôi không biết tìm đâu ra tiền vừa xây cho cha mẹ nó một cái nhà khá to. Chắc cha mẹ tôi cũng đang chờ đợi tôi làm như vậy.


    Không cần đến giáo lý Khổng Mạnh, người Phi Châu cũng có hiếu đạo và tình gia đình rất mạnh như người Á Châu. Có lẽ đó là bản chất mà Thượng đế ban cho con người trước khi xã hội làm cho nó biến thái. Theo truyền thống bộ tộc của Tako, người con xa quê ra tỉnh thành sinh sống, ai cũng dành dụm tiền để gởi về quê cho cha mẹ, ông bà. Những người làm ăn thành công ở tỉnh thành thì lúc già cũng quay về làng xây một ngôi nhà to để hãnh diện với bà con. Người nhà quê, ít nhất là ở những nước mà tôi đã đi qua, không làm ra tiền nhưng họ vẫn sống thoải mái. Tôm, cá, khoai mì, khoai lang, bắp, chuối plantain, các loại đậu, nuôi gà lấy trứng; ở phía bắc thì nuôi cừu. Tiền ở tỉnh thành gởi về là để chi cho quần áo, vật liệu xây cất, trang bị nhà cửa. Chỉ cần mái lá tranh, tường đất, dưới tàn cây baobab cũng có được những giấc ngủ ngon lành. Những cảnh đói khát ở một vài nước Phi Châu mà truyền thông cho ta thấy, là do hạn hán và chiến tranh kết hợp. Sự gia tăng dân số phi mã và các nhu cầu mới thời hiện đại làm cho đời sống ở Phi Châu khó khăn hơn.

    Tôi hỏi tiếp Tako:
    • – Nhưng sao anh lại du học ở Đức mà không ở Pháp như đa số người ở đây?
      – Đương nhiên là nhờ học bổng của Đức. Anh cũng biết là vào thế kỷ 19, Cameroon là thuộc địa của Đức. Sau Đệ Nhất Thế Chiến, Đức thua trận, Hội Quốc Liên (Société Des Nations) tiền thân của Liên Hiệp Quốc, giao lãnh thổ phía đông của Cameroon cho Pháp giám hộ và lãnh thổ phía tây cho Anh Quốc. Vì thế, khi độc lập và thống nhất hai miền, Cameroon là nước có hai ngôn ngữ hành chánh, giáo dục là Pháp và Anh như Canada. Nhưng thổ ngữ thì có đến 252 loại.


    Tako là du học sinh tại Tây Đức, học hành thực sự, có khả năng, chớ không phải có bằng cấp hữu nghị mà mấy nước cộng sản cấp cho sinh viên các nước chậm tiến. Tệ nhất là bằng cấp Liên Xô. Tôi gặp những người có bằng Tiến-sĩ Liên Xô ở Phi Châu thật không khác gì Tiến sĩ Liên Xô ở Việt Nam. Đúng là bằng dởm. Dường như họ học cùng một trường sau này gọi là Đại học Lumumba, tên của người thủ tướng thiên tả của nước Congo (Bỉ) bị sát hại.

    Tôi và Tako cùng có một kỷ niệm đáng tức cười tại Pháp ở thời điểm mà nước Pháp bị bọn khủng bố cánh tả quá khích đặt chất nổ nhiều nơi nên có hệ thống an ninh thật chặt chẽ.
    • Khi du học xong trên đường về nước, Tako ghé Paris, bỏ valise trong casier hành lý tại một ga xe lửa, sau đó đi dạo chơi. Không ngờ chiếc đồng hồ đánh thức cổ xưa của anh để trong valise dội ra tiếng tíc-tắc khá to. Bọn khủng bố đặt bom nổ chậm! Thế là toán cảnh sát đặc biệt đến can thiệp cho nổ tung cái casier đựng valise của anh. Tako chỉ còn ứa nước mắt xếp “tàn-y” lên đường về Cameroon không có chút quà cáp nào cho gia đình. Dường như anh cũng được bồi thường chút ít sau đó.

      Tôi thì may mắn hơn. Từ Phi Châu về nghỉ hè, đến phi trường Charles De Gaulle, tôi mướn chiếc Volvo đi xuống Paris dạo chơi. Lúc đem hành lý lên xe lại bỏ quên dưới đất cái attaché-case đựng tất cả giấy tờ tiền bạc có cả sổ thông hành. Lúc đến thành phố Paris vào khách sạn tìm carte de crédit thì hỡi ôi, tôi bỗng nhiên trở thành vô sản! May mà tâm linh còn sáng suốt, trở lại chỗ mướn xe sau 3 tiếng đồng hồ. Bãi đậu xe cho thuê vắng vẻ. Bỗng một người lao công có vẻ gốc Á Rập đến hỏi tôi:
      • có phải ông bỏ quên cái attaché-case không?
        - Vâng
        - Tôi đã lượm nó đem giao cho cảnh sát phi trường.
      Thế rồi, tôi phải chịu đựng cơn thịnh nộ của anh chỉ huy cảnh sát:
      • – Ông có biết rằng chúng tôi sắp cho nổ tung cái attaché-case này không? Thôi kiểm lại xem có thiếu món gì của ông không, khóa đã hư.
    Tôi thật biết ơn người lao công Á Rập ở phi-trường không tham lam giấu cái attaché-case của tôi làm của riêng. Bây giờ thì tôi biết là Mạnh Tử và Jean Jacques Rousseau có lý khi nói “nhân chi sơ tính bản thiện”. Nếu không bị xã hội làm hư, bản chất tự nhiên của con người rất tốt.
    Nhà tôi cũng đồng ý với tôi vì khi lênh đênh, bập bềnh giữa biển, lâm râm sám hối, chuẩn bị lên gặp mặt Chúa ở Thiên đàng, thì bà được một chiếc tàu Indonesia vớt lên, mà thuyền trưởng là người Hồi giáo đối xử rất tốt với bà.






    Hôm nay chiều thứ Bảy, vợ chồng tôi tới nhà Frère Lý ăn cơm. Ông là kỹ sư tốt nghiệp điện tử ở Bỉ, đi tỵ nạn thành công dân Úc. Nhân dịp dòng Frères des Écoles Chrétiennes ở Québec có mở một trường Trung học Kỹ Thuật ở Douala, Cameroon, ông qua đó dạy học và đặc trách phòng thí nghiệm điện. Ông không ở trong nhà dòng đầy đủ bơ, sữa, rượu ngon mà cùng với một Frère người bản xứ thuê một căn nhà nhỏ, tự nấu ăn. Có lẽ vì thèm mắm muối tương cà.

    Khách mời hôm nay lại có cô Giang trẻ đẹp từ Pháp qua, có chồng là một kỹ sư điện. Cô tốt nghiệp đại học hai năm (IUT) có việc làm tốt ở Paris nhưng phải bỏ công việc theo chồng. Cô trở thành bạn thân của gia đình tôi. Nhà tôi nhận xét với giọng buồn rầu:
    • – Thật khổ cho cô gái Việt đẹp đẽ như thế, có học thức và nghề nghiệp vững chắc lại đi lấy người chồng Á Rập này khổ cả cuộc đời. Anh ta là người Ai Cập có chủ trương đa thê.
      – Ai Cập thì đã sao! Lại kỳ thị! Em không nhớ người Á Rập đã giữ dùm attaché-case của anh ở phi trường Charles De Gaulle hay sao?
      – Không phải kỳ thị, nhưng vì anh này quá tệ. Có lần anh ta về Pháp công tác không để lại tiền cho cô Giang tiêu xài làm cô bấn loạn phải đến mượn tiền em. Anh biết món ăn mà cô ấy thích nhất và ăn thường xuyên là gì không? Là trứng gà chiên vì đơn giản và hợp với lúc thiếu tiền do anh chồng khắc nghiệt. Cô ta nói ăn trứng chiên lúc nào cũng ngon.
      – Vậy cơ duyên nào khiến cho cô phải lấy người chồng Á Rập này?
      – Cô ấy nói:
      • ”Lúc tỵ nạn mới qua không lâu, em còn non nớt cứ tưởng hắn là người Pháp chính hiệu. Vả lại hắn da trắng, ăn nói rất hay lại không phải Hồi Giáo. Có lẽ Hồi Giáo lại tốt hơn.”
      – Vì sao?
      – Vì như thế hắn sẽ không uống rượu. Hằng ngày hắn về nhà rất trễ cứ la cà mấy quán bar ở Douala không biết có cặp mấy cô da đen hay không.


    Chỉ vài tháng sau, cô Giang bỏ về Pháp, không biết có còn tiếp tục sống với người chồng Á Rập hay đã chia tay.

    Chuyện của cô Giang luôn luôn ám ảnh nhà tôi, tạo thành một thành kiến xấu đối với người Á Rập. Hãy nghe bà ấy dạy con:
    • ”Mẹ có người bạn thân tên cô Giang lấy chồng Á Rập rất khổ, hôn nhân khó bền vững.
    • Con cẩn thận. Cháu cô Thi đẹp đẽ dường nào bị nó dụ dỗ ăn ở có con, khi nó vào được quốc -tịch nó bỏ rơi không thương tiếc.
    • Có một cô Québécoise lấy một người Saudi Arabia, có một đứa con theo hắn về nước. Chịu không nổi sự khắc nghiệt của người chồng, cô ta muốn đem con trở về Québec. Nhưng theo luật các xứ Á Rập, các con thuộc về nhà chồng không thể theo mẹ. Đã mười năm nay không giải quyết được vấn đề bắt con, cô bắt buộc tiếp tục ở lại sống với người chồng và… đẻ thêm mấy đứa bé! Nhan sắc tàn phai, ngày về Canada cùng với con trở thành vô định!
    • Ở Pháp, với hơn bốn triệu người Á Rập, có mấy ngàn vụ kiện của phụ nữ Pháp lấy chồng Á Rập có con, bị chồng đem con về nước không trở qua. Chính phủ Pháp cũng đành bất lực không can thiệp gì được.”


    Phụ nữ Việt lấy chồng người da đen sống ở Phi Châu không có nhiều. Tôi được biết vài trường hợp.
    • Khi vừa mới đến Sénégal, vợ chồng tôi đi chợ bản xứ quan sát giá cả đồ ăn. Đang mãi mê nhìn xem các thổ sản, bỗng nghe sau lưng có tiếng: Một hai, một hai, một hai… theo nhịp bước quân hành. Quay nhìn lại té ra là một cụ già nhe răng cười, đầy thiện cảm. Hỏi chuyện mới biết khi xưa ông có theo đoàn quân viễn chinh Pháp đóng ở Việt Nam. Thế rồi ông giới thiệu cho chúng tôi mấy quán ăn VN và một anh bếp người bản xứ thật giỏi. Anh biết nấu các món ăn Pháp lẫn Việt, đặc biệt là anh làm nước mắm, tỏi, ớt, chanh, đường đúng cân lượng để ăn với cá chiên, rau luộc, xoài sống thì tuyệt diệu. Nhờ anh ta mà nhà tôi được rảnh rỗi học đàn, học vẽ. Những tưởng hưởng được hạnh phúc lâu dài, nào ngờ sau một tháng khi kiểm lại cái freezer thì nào thịt, nào cá, nào tôm, nào mực, đã biến mất phân nửa. Chúng tôi đã gặp phải tên trộm đạo thứ dữ! Hỏi mấy người bạn Pháp thì họ cũng thở dài. Bếp mà ăn cắp thì không thế nào đỡ được. Nó ăn cắp để nuôi cả gia đình hàng chục người. Đừng đụng tới hắn vì hắn chủ động giữ vệ sinh cho thức ăn của mình! Đành nói chia tay với người bếp giỏi tham lam. Thế là nhà tôi phải lặn lội chen chân đi chợ bản xứ có người giúp việc xách giỏ theo sau hộ vệ. Vì có thói quen mua đồ sale ở Montréal để tồn trữ, bà cảm thấy thích thú khi chi có 2 đô la để có một kí-lô thịt bò filet mignon, còn rau cải thì năm mười xu đủ ăn cả ngày. Vào siêu thị của Pháp, giá mắc gấp 3 lần.

      Nhớ lại lúc ở Mali, xứ hoàn toàn Hồi Giáo không bán thịt heo ngoài chợ, chúng tôi phải vào nhà quê mua nguyên một con heo nhỏ, chờ đợi họ xẻ thịt làm sạch sẽ đem về bỏ vào freezer ăn nhiều tháng. Đó là nhờ các quán ăn VN chỉ dẫn. Các bà chủ quán hầu hết là vợ của các người lính Phi Châu trong đoàn quân viễn chinh Pháp. “Hoàng đế” Bokassa nước Trung Phi tìm con rơi ở VN cũng ở trong số đó. Khi hết chiến tranh sau 1954, các người lính trở về nước mang theo vợ VN. Đa số các ông đều lên ngạch sĩ quan và cưới thêm vợ bản xứ. Các bà phải tung ra lập quán ăn VN để có lợi tức nuôi con. Họ kiếm sống được nhờ món chả giò mà người Phi Châu rất thích. Họ du nhập cả nước mắm, hợp khẩu vị của người bản xứ có thói quen ăn mặn.

    Trong các nước ở phía tây Phi Châu, nước Sénégal thu hút nhiều du khách nhất vì khí hậu mát mẻ lại có một bờ biển dài hướng ra Đại Tây Dương. Tôm cá thừa thãi, nhưng họ chi biết phơi cá khô. Do đó, Liên Hiệp Quốc viện trợ chuyên viên VN qua dạy họ làm nước mắm. Hiện nay có vài làng ven biển sản xuất được nước mắm như ở VN. Nhà tôi cũng làm nước mắm tại gia để trên sân thượng, sau đó bỏ trong container chở về Montréal ăn được mấy năm. Nước mắm thương mại ở Montréal không thể so bì về phẩm chất với nước mắm ”nhĩ” tại gia của nhà tôi. Một anh bạn rành nước mắm Phan Thiết cũng nhìn nhận điều đó.
    Du khách Nhật rất thích khí hậu tốt ở Sénégal nên chính phủ Nhật Bản thương lượng với nước này viện trợ cho họ cả tỷ đô-la đổi lại việc cho phép Nhật xây dựng nhiều làng dành cho người già của Nhật sang ở. Sénégal đã từ chối. Nghĩ tới VC nhắm mắt ký tên nhượng địa cho Tàu phù mà đau lòng.

    Trong những trường hợp mà tôi biết, đa số con cái của mấy người lấy chồng lính Phi Châu khá thành công khi lớn lên. Các cô gái nhờ có nước da nhạt nên dễ kiếm chồng có địa vị tốt. Nước da nhạt là một tiêu chuẩn đẹp ở Phi Châu. Vì thế có nhiều phụ nữ dùng mỹ phẩm hóa học làm cho da bớt đen giống như Michael Jackson đã biến thành da trắng.
    • Ở Mali, có một người lai Việt làm chủ bút một tờ báo lớn,
      môt người khác làm đại tá Giám đốc cảnh sát.
    • Ở Bénin có một người lai Việt làm cố vấn Tổng Thống Phủ (Ghi chú: tôi nói về chuyện hơn 20 năm trước).
    • Gần đây nhất, tôi quen một người lai Việt làm Giám Đốc Tài Chánh Công ty Điện lực Guinée. Anh có vợ Liên Xô theo anh về Guinée, họ có ba con. Mẹ anh là người Hà Nội thuở xưa không chịu theo cha anh về Phi Châu. Bà lập lại gia đình với người VN. Khi tìm được tung tích mẹ, anh rất mừng, chiều lòng bà đủ mọi thứ. Anh đã phải tốn cho bà rất nhiều tiền vì hoàn cảnh nghèo khổ ở VN. Hiện anh di dân qua Canada ở Ottawa, đậu MBA, đã có việc làm.




    Tuy Phi Châu là địa điểm du lịch mà người Âu Châu rất thích, nhưng tôi không khuyến khích bạn bè tới đó vì rủi ro bị mắc bệnh sốt rét rất cao. Hầu như 90% dân số ở các nước mà tôi đến đều có mầm bệnh sốt rét. Vì sao?
    Vì dù ở thành phố, họ thường trở về làng quê nơi có nhiều muỗi anophèle hiện diện nên bị lây bệnh.
    Tôi dùng chữ lây bệnh là vì bản thân muỗi anophèle không có nọc độc. Nó chỉ chích người có mầm sốt rét rồi đem truyền qua ngay cho người lành mạnh. Cho nên, bí quyết tránh sốt rét của gia đình tôi là lưới phủ quanh nhà, máy lạnh xua đi muỗi dữ, không ở gần người bản xứ lúc trời tối ở nơi có nhiều muỗi.
    Cẩn thận như thế mà tôi vẫn bị sốt rét khi đi thăm mỏ vàng ở Mali để bắt điện cao thế cùng với một người kỹ sư bản xứ. Vì thiếu chỗ ngủ, tôi được sắp xếp ở chung phòng với anh này. Anh nói với tôi:
    • trước kia tôi bị sốt rét nhưng tôi đã du học mười năm ở Pháp làm sao còn mầm bệnh.
      – Nhưng gần đây anh có về làng không?
      – Có.
    Thôi rồi! Khi rời mỏ vàng về lại Bamako, tôi đã phải trải qua một trận sốt rét kinh hoàng. Tôi nguyền rủa anh kỹ sư nói phét. Nhưng hắn cũng đang rên xiết như tôi!




    Mãi nói chuyện về con người và môi trường, tôi chưa kể ra một thử thách khá thú vị trong nghề nghiệp chuyên môn của tôi. Nó liên quan đến cái say mê đá bóng trên toàn lục địa Phi Châu. Đó là trận chung kết tranh giải vô địch ở Âu Châu được truyền hình vào giờ cao điểm tiêu thụ điện.

    Từ thứ dân đến Tổng Thống ai cũng say mê theo dõi trận đấu. Nếu có cộng sản, chắc chúng nó không bỏ dịp này để cướp chính quyền như VC trong Tết Mậu Thân. Buổi sáng, các báo đều in tựa lớn nhắc nhở giờ bắt đầu trận banh. Buổi chiều khi tan sở, mọi người từ giã nhau bằng câu: Hẹn tối nay nhé! Không phải hẹn gặp nhau để nhậu mà để cùng nhau xem truyền hình tại gia. Khi trời bắt đầu tối thì đường sá vắng vẻ bất thường, các chiếc taxi màu vàng biến mất. Đây là ngày mà các bà vợ cô đơn hớn hở đón tiếp các ông chồng hay lạc lối về sớm với gia đình để… xem đá bóng!

    Để tránh mọi biến cố bị cúp điện trong lúc diễn ra trận đá bóng, tôi đã cho kiểm tra tất cả khả năng sản xuất của các nhà máy điện. Mức cung sát với mức cầu vì một số máy điện ngừng để bảo trì. Sắp đến giờ cao điểm, tôi đích thân hiện diện tại Trung Tâm Điều Hợp Điện Năng, nơi tôi có thể theo dõi từng phút mức sản xuất của từng nhà máy và mức tiêu thụ của khách hàng. Hai bên lúc nào cũng phải cân bằng.

    Tôi có đường dây điện thoại trực tiếp với Giám đốc Đài truyền hình. Khi sắp đến giờ khai diễn trận đấu, TV của dân chúng lần lượt bật lên, mức tiêu thụ điện vọt lên nhanh chóng sắp vượt qua khả năng sản xuất. Hệ thống điện có thể hoàn toàn sụp đổ vì mất cân đối cung cầu. Thay vì phải cúp điện một vài khu vực để giảm mức cầu, tôi yêu cầu Giám đốc Đài truyền hình cho lệnh chạy trên màn hình liên tục:
    • “Yêu cầu khách hàng phải cúp tất cả máy lạnh, quạt máy, tủ lạnh và các trang bị đang xử dụng điện để giảm áp lực cho sản xuất.”
    Đương nhiên phải trừ ra cái TV. Vì mê bóng đá, sợ bị cúp điện, khách hàng ngoan ngoãn vâng lời. Mức tiêu thụ giảm xuống trong khoảnh khắc vừa đủ khả năng sản xuất của cảc nhà máy, không khu vực nào bị cúp điện. Mọi người phải chịu nóng nực vì thiếu máy lạnh và quạt máy nhưng được theo dõi toàn bộ trận đá bóng, hỉ hả vui cười.
    Riêng tôi, tôi tránh bị ông Tổng Thống mê đá bóng đuổi về Canada.





    Trần Anh Kiệt

Hình đại diện
NTL
Bài viết: 1323
Ngày tham gia: Chủ nhật 17/05/15 14:20

Re: Hoài niệm châu Phi

Bài viết bởi NTL »

*

Haha...
Bài ni lượm bên úc hở ? Đi chi mà xa dữ dzậy trời. Tác giả nó chính là anh năm của lú hổng khác.
Từ hồi hưu tới nay, anh năm làm vườn và viết lách, kể chuyện phi châu.
Nhà năm anh em thì chết hết ba, chỉ còn chị năm và con em chỉ, nhưng hai chị em hổng hạp tánh nhau, ngồi nghe chỉ nói tới câu thứ ba là phải đứng lên ngay tắp lự đậng tránh tranh cãi.

Chị năm có ăn học, giáo sư lý hóa Chu Văn An. Hồi qua đây lấy chồng địa vị cao trong xã hội - anh năm chớ ai nữa - thì chị ăn không cà rờn, rồi lo chuyện bao đồng thiên hạ. Chị năm là nhà trí thức uyên bác, văn chương chữ nghĩa bao gồm, thông thái về mọi lãnh vực, nhứt là lãnh vực... tôn giáo !
Mà rồi qua bên phi châu, ở nhà hưỡn quá nên chị năm chờ chồng đi mần về đậng mở máy. Lắm khi giữa đêm đang ngủ thì chị sực nhớ quên báo cáo một vấn đề chi đó trog ngày, thế là chị uýnh chồng thức dậy đậng nghe tiếp. Tía biểu mày ngủ ngày thức đêm, nhưng thằng nọ bàn ngày đi mần, phải cho nó ngủ chớ. Anh năm nghe miết cũng quen rồi, thành hổng phàn nàn chi ráo, mà cũng hổng hiểu anh có nghe thiệt hông nữa nha.

Hồi bên phi châu, họ sống như ông hoàng bà chúa, người ăn kẻ ở chật nhà luôn. Chỉ hai vợ chồng mà tới 8 người giúp việc - trong đó có 2 bác tài, một cho chồng và một cho vợ - Anh chị năm tiệc tùng liên miên với yếu nhơn chánh phủ và với ngoại giao đoàn, sống đời trưởng giả phong lưu đúng nghĩa. Lẽ ra anh năm còn tiếp tục ở bển nữa, cho dù đã tới tuổi hưu (anh là chuyên gia điện lực thứ dữ, và còn là thành viên C.A của worrd bank), nhưng rồi phải về vì hoàn cảnh gia đình... bên vợ - nhưng anh vẩn tiếp tục lâu lâu qua bển vài bữa 1 tuần, trong chức vụ chuyên gia cố vấn. Thành ra rồi... cuộc đời chị năm là cuộc đời high jet, theo chồng lòng vòng thê giới .

Giữa hai vợ chồng nớ thì lú thương anh năm hơn, bị vì chị năm thường làm lú cao huyết áp về những vấn đề thông thái của chỉ. Chị năm gần tướng công hơn, mỗi lần có chi thì bàn với tướng công. Tiếng là bàn nhưng thiệt ra chị năm, như lệ thường, quyết định trong ngoài hết thay thảy, cần người approve cho tiếng nói (với em chỉ) mạnh hơn..
Gần đây chị năm nhảy xổ sang mua bán nhà cửa tại Florida. Lúc kinh tế mỹ còn xìu rìu, chị mua hàng chục cái nhà, giao cho nhà thầu sửa sang rồi mướn hãng địa ốc trông coi chuyện sang nhượng. Chừ thì nhà lên giá gấp ba, gấp tư.
Tướng công có chùm chìa khóa cái condo sát bờ biển của chị năm, khi mô thích cứ vô ở, nhưng hai đứa cũng không có dịp, vì bà nội nay bịnh nặng rồi.

Chuyện chị năm là chuyền dài nhơn dân tự vận, chuyện của nhà thông thái thiếu audience nên khí tồn tại não.
Chỉ cần nhắc tới chị năm thôi là lú đã sanh ứ hự ! Trước khi mất, tía dặn dò quí nữ dữ dội luôn, thành chừ tướng công... lãnh đạn ! Anh năm phải theo vợ về VN đậng cải táng mồ mả anh hai anh tư, dời từ nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi về Biên hoà khi nghĩa trang ni bị cha1nh quyền sửa lợi thành "cung văn hoá thiếu nhi" chi đó, vụ ni y hình có kể rồi heng.

Ngày vui làng xã ôi !
Make the long story... short !
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Hoài niệm châu Phi

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          


.... :D ... à à .. thì ra là anh 5. Chị cho tui gởi lời thăm hỏi anh 5 dễ thương .. :allright: :flower: ....



          
Trả lời

Quay về “Trần anh Kiệt”