mẹ và chị và cha

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

mẹ và chị và cha

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    mẹ và chị và cha




    giàu nghèo đều có hàng chè tàu xanh




    Từ bé, tuần nào tôi cũng được chị đưa đi thăm mộ mẹ. Tôi không còn sợ hãi những chiều nắng quái trên đồi. Nhờ vòng tay ấm của chị, các cồn mồ biến thành những sân chơi trường mẫu giáo. Huế không có nghĩa trang kiểu tây phương Saigon với các ngôi mộ sắp xếp cạnh nhau như cá hộp.

    Bước ra khỏi thành phố, ta thấy ngay các vùng chôn mồ mả, nhất là phía đồi cao như Nam Giao, Ngự Bình. Mồ mả xoay hướng khác nhau tùy sự đặt để của các thầy địa lý (phong thủy) qua các la bàn bát quái với các lằn quẻ âm dương. Đa số là các mộ đất như nắm xôi in trong chén rồi đổ ra mâm. Một thành quách cao không quá bụng chạy vòng quanh các bánh xôi ấy như ôm thương người nằm xuống.

    Tôi thích những cành hoa sim dại, những cành bông trang đỏ có trái xanh nhai chát chát. Những cành chủi có mùi thơm gần giống dầu khuynh diệp bẻ về làm chổi rành quét sân. Có những lần ham bẻ cành, tôi đã ngả vào bụi lùm làm chị ngỡ tôi bị ma thu.

    Cho đến giờ nầy, tôi vẫn vô lý nghĩ trên đồi vắng nơi chôn mẹ chỉ có hai chị em. Đứa bé trong tôi không sống xa khỏi vòng tay của chị và một nấm mộ mà người nằm bên dưới không có trong đầu óc tôi một hình ảnh nào ngoài danh từ mẹ với quyến luyến của trí tưởng và tâm hồn trẻ thơ, tình cảm tự nhiên trời đất dành cho một đứa bé. Chị tôi đã làm chủ không gian vật thể và tâm cảm của tôi.

    Một lần tôi thấy sự hiện diện vô biên của chị. Chúng tôi không bao giờ đem theo nải chuối, bó hoa hay gói bánh cúng mẹ. Vỏn vẹn một bó nhang thơm và một hộp diêm, chị giữ rất kỹ. Hôm ấy sao tôi thích cái hộp diêm quá, có hình con bướm vàng tươi. Chìu em, chị cho tôi giữ. Đi ít lâu tôi bỏ vào túi quần, túi thủng đến nơi may chỉ còn một cây và cái hộp. Lấy bao nhang mồi lửa thì một que đã đủ. Nhưng gió quá, chiếc nón lá không đủ che nên lửa tắt.

    Ở mỗi nơi chôn mả, có một lều tranh, nhà ông trùm. Đất chôn thì không của ai nhưng ông trùm bao thầu sửa mộ, thắp nhang cho những đám mới chôn. Từ mộ mẹ đến ông trùm khá xa. Nơi ấy mới có lửa. Trời khá chiều, chị bảo tôi đứng tại chỗ, chị đi đốt nhang.
    "Em đứng đây không sao, có mẹ đây"; vừa nói chị vừa chỉ tay vào nấm mộ. Tôi vâng lời đứng một mình. "Có mẹ đây", tôi nghe mãi trong tai, tôi chăm chú nhìn vào nắm đất tròn như bánh xôi. Mẹ đâu? mẹ như thế nào? tôi chẳng mường tượng ra ngoài một niềm thương bao la. Tôi thấy tôi chỉ đứng một mình, không có mẹ như chị nói, còn chị cũng không có đây. Tôi run sợ. "Chị đâu? chị đâu?" tôi la to hoảng hốt.

    Tôi chạy về phía nhà ông trùm. Đâu có lối đi, chỗ cao chỗ thấp. Sợ quá tôi chạy băng lên một nấm mộ; tôi té đầu chúi xuống, hai chân trên đỉnh mồ của ai. Tôi sợ quá nên nằm yên tuy không thương tích gì. Lúc sau tôi thấy một bóng ma giữa ban ngày tay cầm cây đuốc mặc chiếc áo trắng dài đi rất nhanh. Tôi hét lên giữa cái hoang vắng của buổi chiều. Bóng ma cũng hét to rồi chạy xa, tay vẫn cầm cây đuốc. Tôi ngồi dậy nhìn bóng ma thì ra là chị trong chiếc áo trắng. Cây đuốc chính là bó nhang đang đỏ cháy trong gió chiều. Tôi chạy theo chị về nơi mộ mẹ. Lúc ấy chị đang bàng hoàng hoảng hốt vì không thấy tôi, tưởng ai bắt mất hay ma thu vào bụi cây.

    Bó nhang thắp từ nhà ông trùm cháy trong gió đã hơn một nửa. Chị cúi xuống cắm vào mộ đất bên cạnh những chân nhang cũ đã phai màu. Cắm nhang xong mà chị vẫn ở trong tư thế ấy một lúc lâu trong khi tà áo theo gió bay cùng chiều với khói hương. Chị quay về phía tôi nói:
    "Chị khấn mẹ rồi đấy! em lạy mẹ đi, em xin mẹ tối nay mẹ về cho chị nằm mơ thấy mẹ về, em lạy mẹ đi".

    Tôi thấy chị tôi khóc. Tuy chỉ có hai chị em trên đồi vắng, tôi thấy chị thẹn, lấy tà áo chùi mắt nói bâng quơ: “Khói nhang làm chị chảy nước mắt”. Khói nhang đâu?! gió bạt khói đi mất, bay là là ngang mặt đất. Tôi chấp tay trên ngực lâm râm khấn nguyện trước khi ra về.

    Nắng chiều còn sót lại trên tà áo trắng và chiếu óng ánh trên nón lá bóng dầu rái chị cầm tay và tay kia nắm tay tôi. Thỉnh thoảng hai chị em ngừng lại vì bó cây tôi kẹp nách sụt lên sụt xuống. Đường đất mịn như phấn hoa trời rải xuống; những đôi chân nhỏ in lên chầm chậm như buổi chiều. Lần nào đi thăm mộ cũng đi trong im lặng. Im lặng như những khe nước nhỏ mà trong chạy qua các khu mồ mả với những bụi dứa gai xanh chai trong mùa hạ khô ráo.

    Sau khi băng qua ngọn đồi, chúng tôi đến con đường cái đã hư nát từ lâu và không xe cộ. Bắt đầu có nhà cửa lưa thưa, đôi cảnh chùa tịch mịch, cây cối nhiều hơn. Đến một ngã ba đường chị ngừng lại. Tôi đặt bó cây xuống đất và ngồi lên như nệm êm. Đường rất vắng; chẳng ai nói gì. Mặt chị buồn lại, ra vẻ muốn khóc. Tôi chả dám hỏi mà cứ nhìn mãi đằng xa ngõ mà chúng tôi sẽ không đi khi về nhà, tưởng tượng như nó đưa đến một vùng xa lạ ngoài vòng tay của người chị bên cạnh.



    mồ mã quanh Ngự Bình nay đã đi dời khá nhiều



    "Cách đây gần chín năm, chị nói, ở ngã ba đường nầy chị đã bồng em trên tay vái mẹ lần cuối trước khi mẹ chôn xuống đất. Đây, ngã ba nầy". Nói xong chị cầm tay tôi kéo dậy đi về kẻo tối.

    Ở Huế trong tang lễ có phần tế đạo trung, cúng ở ở ngã ba đường. Quan tài được hạ ngay giữa trục lộ. Giờ nầy ý nghĩ của nó tôi chưa hiểu; nhưng có điều chắc là nhờ nó mà phu đám được nghỉ sau một đoạn đường gánh nặng. Đối với gia đình có lẽ để níu kéo thời gian bên dưới và bên trên mặt đất. Tiếng chiêng tiếng mõ vang lên bên những câu kinh tụng kinh tán; thân nhân quì lạy theo nghi thức do các nhà sư điều khiển.
    Chị cho biết lúc ấy tôi chưa được một tuổi, bà vú ẳm tôi theo đám tang. Nhưng trong các lễ ở mộ hay giữa đường, vì là ngoại tộc, vú không thể ắm tôi đến lạy trước vong hồn của mẹ; chị phải bế trong đôi tay nhỏ bé. Những lúc nghiêng mình trước quan tài mẹ, chị như sẵn sàng thả tuột đứa em xuống đất.

    Cầm tay tôi đi được mấy bước, chị ngừng ngay giữa ngã ba đường, nơi trước đây đặt đám tang tế lễ, rồi quay lưng về đoạn đường vừa đi. Theo tôi, chị nhớ lại đám tang ngày nào đi qua đấy. Đúng rồi, bao giờ chị cũng dẫn tôi đi và về một lối, không rẽ ngõ khác dù khẩn cấp, đi theo con đường đám ma của mẹ.




    bông xanh cùng ngũ sắc và sim tím khắp các cồn mồ



    Một hôm tôi chạy từ ngoài ngõ vào bếp, vừa chạy vừa gọi: "chị ơi". Chị đang bực mình vì bếp lửa nhen chưa cháy mà nồi gạo đã vo sẵn. Mặc kệ, tôi kéo bừa chị ra cỗng.
    "Chị ra đây nhanh lên, nhanh lên kẻo đi mất".
    "Cái gì thế?"
    "Cái đám ma, chị nói cho em nghe đám ma của mẹ có như thế nầy không?”

    Chị không còn bực tức mà trông buồn lắm. Tôi thả tay ra thì chị nắm tay tôi. Hai chị em đứng lặng thinh. Đám tang đi qua, chị quay vào nhà, tôi đi theo tận bếp. Chị nói:
    " Thì cũng vậy. Mà lớn hơn, đông hơn. Hồi ấy cha danh vọng lắm; mẹ chết cha bỏ hết công việc. Có khác là không thấy ai bồng một đứa bé như em hồi đó".

    Đám tang trên theo cung cách đặc biệt của xứ Huế. Một phần chưa có lệ đưa đám bằng xe hơi, một phần ai cũng thích kiểu đưa đám bằng cách gánh với một số phu đám lực lưỡng với sắc phục riêng, đứng đầu là một ông lão đi thụt lùi, lưng thắc dung vải đỏ, tay cầm đôi sanh gõ nhịp điều khiển bằng những khẩu lệnh riêng. Người đó gọi là chấp lệnh. Chỉ có yên lặng trừ tiếng sanh và lệnh truyền.

    Hai thân gỗ lớn, chạm hình rồng sơn son thếp vàng chịu cho một khung đám lung linh với các nghi môn mà màu chính là vàng. Khung cửa hẹp có màn che vén qua một bên để lộ cái hòm sơn đỏ với các cây đèn cầy màu trắng bên trên. Bảy cây đèn xếp theo hình Đại Hùng Tinh (hệ thống Bắc Đẩu) mà dân gian gọi là sao bánh lái. Nhưng xếp ngược, tượng trưng việc xếp bánh lái ngừng nghỉ như người chết ngừng nghỉ cuộc sống.

    Nói một ông lão dẫn đầu, nghĩa là dẫn đầu phu đám. Thật ra đi đầu là một tràng phan ghi chữ Hán móc vào đầu một cây tre nhỏ bên trên còn chút lá xanh, theo sau bởi một hương án. Tràng phan bằng vải phất phơ như một linh hồn còn đâu đó bên trong hay bên ngoài cái hòm hay vương vấn lòng người đi tiễn về vùng núi đồi trên kia.
    Tôi hỏi chị đám tang mẹ có cái phan ấy không, chị đáp:
    "Có chứ, quan trọng nhất, linh hồn của mẹ nằm trong đó, sao lại không. Nhà nghèo làm bằng giấy. Hỏi mãi hỏi hoài".
    Trước đó mấy hôm khi theo cha cắt xén hàng rào chè tàu, tôi cũng thấy một đám ma đi qua, tôi định hỏi như hỏi chị hôm nay nhưng không dám. Cha đứng trên cái ghế thấp, hai tay cầm cái kéo lớn gần bằng mình tôi, chăm chú cắt những nhánh chè tàu chỉa ra như hàm râu. Lá chè rụng xanh cả lối vào. Tôi thấy rất xa cha vì cái mặt đăm chiêu bao giờ cũng suy nghĩ và đang lo một cái gì. Thế giới của cha không phải là thế giới của trẻ thơ. Thế giới của tôi là vòng tay của chị.

    Sau khi mẹ chết, cha bỏ hết mọi chuyện ngoài đời, bỏ ngang, lui về sống với chút tiền bạc tích lũy từ trước; sống với cái vốn học thức của mình. Cha học chữ Hán qua khỏi cấp cử nhân trong chế độ thi cử của triều đình Huế. Khi Quốc Tử Giám đóng cửa, cha học tiếng Pháp và ra Hà Nội học kinh doanh. Với cái chết đột ngột của mẹ, cha rất buồn và tìm đọc văn chương Pháp nhờ vốn ngoại ngữ sẵn có.

    Rồi một sáng, một nhà tu trẻ trong chiếc áo nâu đến thăm, tay cầm một cuốn sách chữ Hán nhờ cha đọc và dịch. Bọn tôi không biết sách gì mà chỉ biết sau đó cha không ăn cơm tuy vẫn ngồi ở đầu bàn như thường lệ. Trưa đó cha không ngủ mà lục lọi trong tủ tìm ra một miếng đá, dày bằng hộp diêm, to bằng nửa tờ giấy. Cha bảo chị đem ra thau nước, ngồi xuống rửa sạch bụi. Tôi đứng xem, thấy một miếng đá xám có vân trắng, có mặt khuyết cạn và ở góc có chỗ trũng sâu. Cha lấy khăn chùi sạch rồi để miếng đá bóng loáng lên bàn.

    Cha lại đi tìm cái gì nữa. Chừng 10 phút sau, cha bảo chị qua bên kia cầu nhà chú Bốn người Tàu bán thuốc bắc xin viên mực xạ và mượn vài cây bút lông. Hai chị em đi và đem về số đồ vật cha muốn có.
    Lúc đó tôi mới biết phiến đá là nghiên mực. Cha lấy ra mấy tờ giấy rồi viết chữ Tàu to nhỏ trên xuống và phải qua. Viết xong cha ngã lưng vào ghế, mắt lim dim. Lát sau cha gọi chị: "Con qua chú Bốn lần nữa mượn cái hộp son đỏ". Đoạn cha vào tủ lục lọi nữa.

    Tôi lại theo chị qua tiệm thuốc bắc, đem về cái hộp bằng sừng hay bằng ngà to bằng hộp diêm. Cha đã đứng sẵn ở cửa tay cầm một cái gì to bằng ngón tay trắng ngà. Cầm hộp son, cha đến ngay bàn mở ra, rồi lấy cái ống trăng trắng ấy chấm vào rồi đóng lên tờ giấy có chữ Tàu mới viết. Hồi nãy tôi biết bút nghiên là gì, bây giờ biết thêm triện son là gì.

    Cha đi vào chỗ bàn thờ, đặt tờ giấy xuống trông rất ngượng ngập rồi đi ra ngay. Sau nầy tôi thấy cái ngượng ngập ấy như cái ngượng ngập khi tặng người yêu đôi vầng thơ vụng dại. Lúc ấy tôi không biết cái gì; thấy chữ Tàu tôi nghĩ như những sớ điệp viết trên tờ giấy vàng rất lớn mà các nhà sư quỳ xuống đọc khi tụng kinh cầu siêu hay khi kỵ mẹ. Lớn lên, tôi đoan chắc đó là một bài thơ viết tặng mẹ, mẹ đã chết từ bao giờ. Cha tôi làm thơ!

    Sự xuất hiện của nhà sư trẻ làm cha nhớ kho Hán học. Cha thích viết chữ Tàu trên những tờ giấy vàng nhạt, tờ nầy qua tờ nọ. Cha lại thích uống trà. Những bộ tách trà trong tủ kính đem ra sử dụng thường ngày. Chị nay có thêm việc mới là ướp trà. Cha dạy chị ướp trà sói, trà lài v.v.... Còn tường vi thì hái bỏ ngay vào bình uống tươi. Có lần chị bỏ trà vào hoa sen nở trong bể cạn rồi túm miệng lại, vào nhà nấu nước rồi trở ra lấy. Ngoài ra chị còn học cách tỉa thủy tiên ngày Tết, những củ thủy tiên như củ hành tây. Từ dạo ấy cha không mặc áo quần tây nữa. Chị xếp những áo veste, áo gilet, ca vạt... vào tủ. Cha mặc áo lam hay áo nâu như các đạo sĩ, trầm ngâm bên án thư. Thế giới của cha xa vời tuy tôi thường theo chị hầu cha như ướp trà, pha trà hay mài mực...

    Lại một ông khách trẻ đến thăm làm thay đổi đời sống của cha. Vào một chiều, một người khá trẻ đi cùng vợ tự giới thiệu là con của người bạn học với cha ở Hà Nội. Cha đem những tờ giấy vàng nhạt đầy chữ viết cho xem. Ông khách bảo mình tây học không biết chữ Hán nên mượn về cho bố đọc. Hai ngày sau cặp vợ chồng ấy trở lại, mang theo mấy cuộn giấy cứng, mấy cây thước dẹp, một số dụng cụ văn phòng đối với tôi rất lạ. Sau một hồi nói chuyện, cha gọi chị đem ra một bộ áo quần tây, một đôi giày. Mặc áo quần xong, cha đi mãi tới chiều mới về.

    Thấy cha về, bọn tôi rất mừng vì trưa nay lần đầu tiên cha không ăn cơm nhà. Từ ngoài đi vào, cha cầm cây bút chì vẽ trong không trung, dáng suy nghĩ, đi thẳng vào bàn lấy khoanh giấy ra, vẽ rất say sưa. Tôi chẳng biết là gì, sao cứ thấy sợ hãi, cha xa mình quá. Tôi hỏi chị cha làm gì thì được biết vẽ kiểu nhà. Hồi học ở Hà Nội tuy theo ngành kinh doanh, cha có khiếu về kiến trúc, đã viết rất nhiều về bộ môn nầy, cũng như đã sửa một số đồ án. Ông bạn cũ biết khả năng nên muốn nhờ vẽ nhà cho người con tức là ông khách tây học nói trên.

    Cha bỏ hẵn lối ăn mặc nâu lam, trở về các bộ áo quần tây và thường bỏ ăn trưa. Bàn cha làm việc đầy bút chì, thước, quanh chỗ ngồi là những ống giấy dựng vào tường như một tiệm sách. Cha cũng đem về nhà những cuốn sách chữ Pháp in hình rất đẹp. Lúc cha đi vắng, hai chị em lấy xuống, trải chiếu ngồi xem chỉ chỏ cái nầy cái nọ.

    Vào một trưa cha về lần đầu tiên không có cây bút chỉ trong tay. Lần nầy là một cây bút lông rất lớn. Ca bảo chị đem cái thau nhỏ múc một phần ba nước. Cha cầm hai hay ba viên mực Tàu bẻ nhỏ quẳng vào. Cha đến bàn, kéo lơi cái cà vạt, dáng ưu tư như mỗi khi viết chữ Tàu. Cha đứng dậy cầm cái thau mực và cây bút vào bàn thờ và bảo chị đem ra một cái ghế thấp. Tôi đi theo.

    Bàn thờ là một khu vực bao quanh bởi ba bức tường và phía trước bởi một bức mành tre thưa. Ở giữa mành vẽ một chữ thọ tròn màu vàng cùng hai con rồng lớn. Bức tường đối diện với mành the có vẽ qui phụng và các loại hoa trang trí khác. Hai bức tường kia chỉ sơn vôi trắng. Trưa ấy cha viết trên hai bức tường nầy những dòng chữ Tàu lớn cũng trên xuống và từ phải qua như trên những tờ giấy vàng nhạt, có khác là không có triện son.

    Cha lui ra ngồi ở bàn. Chị pha ấm trà đem lên để nhẹ rồi đi xa. Chị vào bàn thờ lấy cái thau và cây bút lông đi rửa và giao tôi nhiệm vụ cất cái ghế cha đứng viết trên cao.

    Nhân đó tôi đứng trên ghế nhìn xem trên bàn thờ có những gì. Từ trước tôi chỉ biết nơi đó có cái gì linh thiêng; lạy mẹ thì cứ đứng ngoài chắp tay lên ngực; thấy người lớn chưng dọn lên đấy thức cúng và trái cây. Lần nầy tôi thấy bức ảnh của mẹ lộng kính, phủ bởi một khăn đỏ viền vàng đã cũ. Tôi lấy cái khăn ra khỏi ảnh. Tôi nhìn rất kỹ thấy có nhiều nét giống chị. Tôi lấy khăn phủ lại và đem cái ghế đi. Tôi tìm ngay chị để so sánh có thật giống như ảnh mẹ không; quả giống tuy có nhiều nét giống cha. Giá như tôi đã xem hình mẹ trước khi đi thăm mộ lần kia tôi đã không hét lên vì không tìm được mẹ khi chị đi vào nhà kia đốt nhang và đã không té nhào làm chị hoảng sợ.

    Sau lần viết trên tường, cha ở nhà thường hơn tuy vẫn tiếp tục công việc với các cây bút chì. Tôi không thấy cha viết trên các tờ giấy vàng nhưng nhiều buổi sáng, cái nghiên đá có dấu mài mực còn tươi; có lẽ vào giờ khuya khi tôi ngủ, cha viết tức là làm thơ.



    chữ Tàu và triện son



    Khoảng gần một năm sau, ngủ dậy tôi thấy cha đã ngồi ở bàn, mặc áo lam. Trên bàn không còn bút chì, thước, giấy cứng. Cái nghiên đá dằn lên một xấp giấy vàng dày cộm. Chị đem bình trà lên. Cha không nói gì mà nhìn chị rất lâu rồi cúi đầu. Tôi nhìn chị, chị rất giống mẹ. Cha ngẩng đầu quay qua chỗ chị đứng, vẫy tay gọi:
    "Hôm nay ăn gì? Này con, chiều nay nấu ăn như thường. Con nấu bữa cơm chay cúng mẹ rồi đem xuống ăn. Cúng sớm một chút".

    Hôm đó cha đi dạo trong vườn, lui tới nhiều lần cạnh hàng dậu chè tàu cắt gọn. Cha không viết vẽ gì mà trông thản nhiên; tôi không còn cảm giác sợ hãi. Vì vậy tôi không theo chị ra chợ mà ở nhà. Trưa ấy, ăn cơm xong cha ngủ trưa. Tôi lại ở trong bếp giúp chị nấu bữa cơm chay.

    Khi nắng chiều còn nhiều, mọi việc đã xong. Chị đưa cổ cúng lên bàn mời cha vào cúng. Cha đứng rất lâu bên trong phía trái; phía phải là hai chị em tôi. Một bầu không khí bùi ngùi. Khi cây nhang gần cháy hết, cha bảo chị xuống bếp gắp mấy cục thang đỏ vào cái lò trầm nho nhỏ. Cha đến bàn lấy thỏi trầm nhỏ bằng ngón tay bỏ vào, rồi dùng tay quạt cho trầm cháy. Trầm hương tỏa ra cả nhà rất ấm cúng; mà cũng ngậm ngùi lắm.

    Cha trở lui bàn, cầm xấp giấy vàng dưới cái nghiên đá, đến bàn thờ đưa cả xấp mồi cháy nơi cây đèn cầy rồi đốt trong cái chuông đồng ở phía phần thờ Phật.

    Chiều hôm ấy, một chiều ăn cơm chay.

    Cha đã chuẩn bị rồi chăng? Hai hôm sau như một định mệnh, cha chết trong một tai nạn khi đi xem người ta xây cất một ngôi nhà lầu do cha vẽ kiểu. Chị lên trường nội trú đón hai anh về chịu trang. Từ đó chị đảm trách mọi việc. Hai anh không đi nội trú nữa.

    Từ khi cha chết, tôi thấy gần cha và nhớ nhất những phút đăm chiêu của cha. Càng ngày tôi càng thấy thích thú nét đặc biệt đó: ngồi thừ ở án thư không màng cơm nước. Càng thích khi hiểu những suy tư ấy dành cho mẹ. Tôi vẫn tin cha tìm gặp nơi chị những nét mặt của người vợ chết đột ngột như cha chết đột ngột trong một tai nạn đơn giản.
    Mẹ mất từ hồi nào tôi không biết, tôi không thắc mắc; chỉ biết mẹ nơi chị, chị còn đó. Nhưng cha chết, tôi cứ suy nghĩ mãi về cuộc đời của cha nhất là các suy tư dành cho mẹ. Giá như cha không đốt những tờ giấy vàng, tôi đã học chữ Hán hay nhờ người dịch để biết những ý nghĩ sau những dòng mục đen. Chị thì chất phát, suốt ngày lo cho cha và em; hai anh học nội trú, còn tôi quá nhỏ nên không ai biết cha giao dịch với ai để tìm hiểu; ngoài ra khi mẹ mất, cha bỏ hết các công việc ngoài xã hội.
    Ngày kỵ đầu, một người bạn của cha đến cúng, giải thích cho chị hai bài thơ viết trên tường. (Chị nói lại về sau). Ý nói cha buồn vì chưa làm gì cho mẹ mà mẹ đã chết; khuây khỏa trong việc vẽ kiểu nhà cho người ta, thì biết mình không xây được nhà cho vợ. Chúng tôi chỉ nghe thế thôi, không ai biết chữ Hán. Có lẽ hôm đốt những tờ giấy vàng, cha quên cạo những chữ trên tường.

    Sau một thời gian vào Nam học và làm việc, tôi trở về Huế trong một dịp công tác. Tình cờ tôi ghé ở lại nhà một người quen. (Gia đình tôi anh em đã đi lính trú đóng tại các tỉnh và lập gia đình tại chỗ, chị tôi lấy chồng xa, ngôi nhà cũ đã bán từ lâu). Tối hôm ấy trời mưa, cái mưa quen thuộc của xứ Huế nhưng mới lạ với tôi sau thời gian dài xa thành phố nầy. Tôi ngủ không được; chủ nhà cũng thức uống café. Nhà có một tủ sách rất lớn với những cuốn sách dày cộm nhưng thiếu ánh sáng, như bỏ quên.
    Tôi tò mò đến xem thì ở ngăn cao nhất có một tập rất lớn, to bằng tờ nhật báo. Đó là những họa đồ của ngôi nhà tôi đang trọ. Ký ước về cha làm tôi mang cả tập ra phòng khách xem cho rõ. Ngạc nhiên dưới một chữ ký có đề tên cha, kèm thêm mấy chữ "kiến trúc sư tài tử" bằng tiếng Pháp. Ở gần kề có một chữ ký khác, của một kiến trúc sư kèm con dấu. Bên dưới là chữ ký của một người Pháp thuộc cơ quan công chánh.
    Tôi không hiểu thể lệ thời Pháp thuộc về các công trình xây cất. Nhưng tôi vẫn tin rằng họa đồ nầy do cha thiết lập nhưng để được ty công chánh chấp thuận, phải đệ nạp bởi một kiến trúc sư hành nghề hợp pháp.
    Theo diễn dịch riêng của tôi, đây là tác phẩm của cha, vẽ như vẽ nhà cho người vợ, tuy trên thực tế là nhà người ta. Vẽ với tâm hồn, như viết một tập thơ.

    Tôi đến đã tối nên không thể nhìn tổng quát ngôi nhà cũng như không thể đi khắp bên trong. Tôi chăm chú xem các bản vẽ chi tiết. Cùng với các đường nét trong phòng tôi đang ngồi, sơ khởi đồ án ấy cho biết một dung hòa giữa hai lối kiến trúc đông và tây; phối hợp sự tiện nghi và nét nhu mì.

    Sáng hôm sau tôi nói rõ ai vẽ nhà nầy và xin ông bạn cho phép xem ngôi nhà tỉ mỉ hơn. Việc nầy cũng đưa đến nhận xét dung hòa nói trên. Trong mưa phùn xứ Huế, tôi đứng ở hành lang tưởng nhớ khuôn mặt của cha khi ngồi vẽ các họa đồ, tưởng nhớ những tách trà chị pha. Cái vườn cũng có hàng chè tàu tuy không cổ kính như nhà cũ, nó ăn tiệp với các đường nét hoa viên Tàu và Tây.

    Sau tách café đen đậm và mấy điếu thuốc Bastos, tôi từ biệt anh bạn. Chủ nhà tiễn tôi đến cỗng. Tôi ngập ngừng và ngậm ngùi ngõ ý mượn họa đồ chụp giữ một bản kỷ niệm và nghiên cứu thêm.
    Chủ nhà đồng ý và điện thoại cho ty điền địa, cơ quan duy nhất có máy chụp lớn. Chẳng may máy hư. Tôi nằn nì cho tôi đem đi Saigon tháng sau đem trả. Chủ nhà không chịu:
    "Gia bảo anh ạ. Nếu máy in được tôi cũng phải đi theo anh chụp rồi đem về. Thôi để lần sau."

    Trưa hôm ấy tôi ra phi trương vào Nam. (Ít lâu sau là tết Mậu Thân, cái Tết oan khiên cho thành phố trầm lặng nầy; ngôi nhà nầy trúng đạn cháy sạch. Nhà nầy không có lầu, nghĩa là cha không chết ở đây).

    Xe tòa tỉnh đưa tôi về sân bay trong mưa phùn. Con đường qua An Cựu, qua Dạ Lê thật buồn tênh. Gió lạnh lắm, cái lạnh để thấy cái nóng của Saigon sau mấy giờ bay. Gần quận Hương Thủy, xe tôi ngừng lại nhường cho một đám cưới nhà quê đi qua, ngay khi tôi đang tưởng nhớ cảnh chị pha trà cho cha ngồi viết hay vẽ.

    Cái đám cưới! Mà đám cưới nào chẳng có cô dâu, một người con gái như những người con gái khác trong đó có chị tôi, hình ảnh của mẹ. Ngồi trên xe, tôi rụt cổ lại, hai tay kéo cao cố áo khoác, tôi cúi mặt xuống gầm xe không dám nhìn đoàn người mặc áo màu trước mắt. Cái đám cưới. Chị tôi đi lấy chồng xa, lâu lắm tôi không gặp mà thư từ cũng thưa.

    Tôi đến phi trường đúng giờ nhưng máy bay trễ. Mưa rất ít, mưa phùn, mưa lạnh lắm, lạnh sẽ mất ở Saigon sau chuyến bay. Ruột gan tôi bị đảo lộn bởi cái đám cưới kia. Tôi mong máy bay đến gấp đem tôi đi khỏi mãnh đất của ray rức, của thời gian, cho tôi xin cái xô bồ của Saigon.

    May quá, con chim sắt nhỏ tám chỗ ngồi chỉ trễ nửa giờ. Tôi ngả người ngủ trong chiếc ghế nệm êm và thức dậy trong cái nhà cha vẽ kiểu. Tôi đoan chắc mấy năm về trước, khi ngồi vẽ nhà nầy, cha vẫn thấy mẹ đang ngồi trước cây bút chì. Cha vẽ một ngôi nhà cho mẹ, mẹ đã mất.

    Kiểu nhà ấy nói lên một dung hòa trong kiến trúc như cuộc đời cha dung hòa trong tính tính, dung hòa giữa Hán học và Tây học. Một dung hòa giữa đời sống xã hội có danh vọng và một nét bút mực Tàu tặng người vợ đã chết, còn sót lại vài nét nơi đứa con gái. Cha buồn đã không làm gì cho mẹ như nói trong bài thơ trên tường. Tâm cảm ấy có thể đã dày vò cha cho đến hai ngày trước khi chết, thản nhiên đi lại trong vườn chờ đến chiều cúng mẹ bữa cơm chay cuối cùng.

    Phần tôi, tôi không nghĩ cha đã không làm gì cho mẹ. Tuy mẹ mất từ lâu tôi không biết, tôi đoán cha đã đem cho mẹ một sự dung hợp, căn cứ vào những dung hợp nói trên. Một dung hợp giữa xã hội thời ấy đòi hỏi người vợ như một công cụ của gia đình và tình thương xây dựng bởi một mẫu người phóng khoáng và có chút tây học. Nếu cha đã bất nhân với mẹ thì cần gì có lối sống bất thường như vậy. Cha có thể lấy vợ khác, mẹ đã chết rồi mà. Cha có thể làm việc ấy khi mẹ còn sống vì luật pháp và phong tục thời ấy chấp nhận đa thê.




    Ninh Hòa (thuộc Khánh Hòa, Nha Trang)



    Những suy nghĩ về ngôi nhà làm tôi quên đường bay nhồi lên xuống. Tôi thấy êm ả và yên ôn với ý nghĩ cha đã làm cho mẹ cái gì êm ả. Từ đáy sâu của lòng mình vẫn dội lên những giây phút sợ hãi. Cái sợ ấy làm tôi thấy mình nhỏ lại đang sống trong vòng tay của chị, bên cạnh cái đăm chiêu của cha.

    Tôi hoảng sợ, nhìn qua bên trái mới biết từ Huế, người ngồi bên cạnh là một thiếu nữ rất đẹp, có thể đang làm việc ở tòa tỉnh. Tôi hỏi:
    "Bây giờ ngang đâu rồi cô".
    "Thưa không biết nhưng bên dưới là bờ biển".
    " Nha Trang đó" tôi nói với tất cả chắc chắn.
    "Sao ông biết, ông có nhìn xuống đâu mà biết".
    "Tôi biết chứ. Nha Trang, bờ biển Ninh Hòa đấy, chị tôi ở đấy, chị tôi lấy chồng lính ở đấy đã lâu".

    Cô ta nhìn tôi một cách lạ lùng, có lẽ cho tôi điên rồi. Tôi thấy ngượng, mà thôi giải thích làm gì. Tôi giờ nầy vẫn sống trong vòng tay của chị, người chị là mẹ và có nét giống mẹ. Tôi đã mất đi cảm giác sợ cha mới trổi dậy lúc nãy với ý nghĩ chị đang ở bên bờ biển Nha Trang. Tôi ngã người ra lưng ghế êm nhắm mắt ngủ.

    Và tôi ngủ ven bờ biển dưới kia nơi có chị đang sống với nhà chồng. Người chị ấy, người chị có vòng tay rộng lớn hơn vũ trụ của tôi, người làm chủ không gian tâm cảm của tôi, người mẹ thực sự từ khi cha chết.-


    Tôn thất Tuệ

    Nguồn:http://tonthattue.blogspot.com



              
Trả lời

Quay về “Tôn thất Tuệ _ Những dòng không đâu”