Thơ Pablo Neruda- Nhạc Nguyễn Ðức Quang,những tình ca cuối đời của một nhạc sĩ

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Thơ Pablo Neruda- Nhạc Nguyễn Ðức Quang,những tình ca cuối đời của một nhạc sĩ

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Thơ Pablo Neruda- Nhạc Nguyễn Ðức Quang, những tình ca cuối đời của một nhạc sĩ





    Nhạc sĩ Nguyễn Ðức Quang mất ngày 27 tháng 3 năm 2011, đến nay là 8 năm. Thời gian qua thật nhanh nhưng tuy tác giả đã không còn nhưng tác phẩm với đời sau vẫn còn sống và còn nhiều ảnh hưởng.

    Nói đến ông là nói đến dòng nhạc chan chứa tình người, tình yêu quê hương, kêu gọi dấn thân phục vụ, đả phá bất công, giả dối và áp bức. Nhạc của Nguyễn Ðức Quang thể hiện phần nào tâm tình của thế hệ thanh niên Việt Nam trưởng thành trong giai đoạn từ giữa thập niên 60 và 70, một giai đoạn vô cùng bi thương của đất nước. Những bài hát như Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ quen thuộc với khơng khí kích động của những buổi trình diễn. Ðã có nhiều tác giả phát biểu cảm tưởng về một nhạc sĩ có nhiều cống hiến cho gia tài âm nhạc Việt Nam. Những buổi tưởng niệm có đông người yêu mến ông tham dự. Từ những nhạc phẩm theo những chủ đề khác nhau đến những sinh hoạt trình diễn trải dài suốt chiều dài địa lý của nước Việt Nam trước năm 1975 đến những nơi có người Việt Nam định cư trên toàn thế giới sau năm 1975, ông vẫn là một người hăng say trong mục đích của mình. Trầm ca, những bài ca khai phá, những khúc nhạc thanh xuân hay lời nguyện cầu hạnh phúc, là những ca khúc của một nhạc sĩ yêu đời yêu mình và luôn luôn tìm sự lạc quan trong cuộc sống vốn dĩ đã nhiều chông gai của một dân tộc bị đẩy vào một thời thế chiến tranh. Trong những lần phỏng vấn lúc nhạc sĩ Nguyễn Ðức Quang còn sinh thời, chúng tôi đã có dịp hỏi để ông trả lời về tâm tư của một người sáng tác cũng như những ca khúc đã được hình thành theo một quá trình như thế nào để tạo thành nhưng cống hiến cho dân tộc cho đất nước.

    Nếu nói là biết một cách đích xác thì tôi không biết rõ. Nhưng qua những câu chuyện ông nói với tôi qua những ngày gặp gỡ thì có nhiều dự tính và đều ở mức đã gần như thực hiện xong phần lớn. Như tổ chức những đêm du ca ở San Jose, ở Washington DC, và hình như cả Âu Châu và Úc Châu, thực hiện những CD và DVD…

    Và nhất là ông sáng tác nhạc mới, nhất là nhạc tình… Cũng như những dự tính để phát triển phong trào du ca trong các khuôn viên đại học hoặc các môi trường của giới thanh niên Việt Nam ở hải ngoại…

    Nhạc tình.

    Trước đây ông cũng đã sáng tác nhiều ca khúc tình yêu như những bài viết ở thời kỳ sáng tác đầu tiên thuở học trò ở Ðà Lạt hay những tình khúc phổ từ thơ Nhất Tuấn, Nguyễn Tất Nhiên, Nguyễn Ngọc Thạch…

    Nguyễn Ðức Quang có những ca khúc phổ từ thơ được nhiều người biết đến, mà nếu gọi là những ca khúc có đời sống lâu dài gấp bội đời sống thực của tác giả thì cũng đúng. Thơ và nhạc hình như đã hòa hợp với nhau trong những âm hưởng của trái tim. Thơ của những tâm hồn yêu nhau và nhạc của điệu rung trong trái tim đã thành tình khúc tuyệt vời.

    Nguyễn Ðức Quang không phải chỉ là người thao thức với thời cuộc mà sáng tác của ông còn mở ra từ những rung động thực của trái tim để tạo thành cao trào của tuổi trẻ. Và tình yêu, vẫn là những nét đẹp trong gia tài âm nhạc của ông.

    Những tình khúc đầu đời viết từ Ðà lạt của nhạc sĩ Nguyễn Ðức Quang? Ðà Lạt, thành phố sương mù, của một nơi mà con người và thiên nhiên như cùng hòa nhịp với những tụng khúc của hồ Than Thở, của thác Cam Ly, của những dốc cao của những hàng thông rì rào nhạc gió. Ở đó, có nhiều thi sĩ và nhạc sĩ đã bước những bước chân đi nghệ thuật đầu đời để từ môi trường thích hợp với nghệ thuật gần gũi với ý thức thẩm mỹ tuyệt vời ấy tạo thành những sáng tác giá trị.

    Thơ Pablo Neruda

    Nhạc Nguyễn Ðức Quang- Những bản nhạc cuối cùng và cũng cuối đời của một nhạc sĩ du ca. Không biết đó có phải là một sự kiện lạ? Nhưng rõ ràng là một cái duyên, trước hai ngày nhạc sĩ Nguyễn Ðức Quang bị vào nhà thương khởi đầu cho một chuyến ra đi vĩnh viễn, ông đã hát hai bản nhạc mới sáng tác của mình trong một buổi họp mặt nhân dịp nhạc sĩ Trần Quang Lộc từ Việt Nam qua. Hai bản nhạc ấy là những lời ngỏ của trái tim tràn ngập tình yêu phổ từ thơ của Pablo Neruda, một thi sĩ người Chile đoạt giải Nobel văn chương của Hàn Lâm Viện Thụy Ðiển năm 1971.

    Và hai bản nhạc ấy đều là những tình khúc có lẽ tha thiết nhất lúc cuối đời của anh. Trong khi hát, anh đã trong hứng khởi vô hạn của một người đang yêu và dưới đôi mắt và suy nghĩ của những người nghe, nhạc sĩ đang trở lại những thuở yêu nhau đầu đời của những con dốc cũ những hẻm phố xưa của thành phố sương mù Ðà Lạt. Không một ai có thể ngờ rằng chỉ sau đó hai ngày anh lại bị đột quỵ và hôn mê cho tới khi vĩnh viễn rời bỏ trần thế. Tôi nhớ sau buổi họp mặt đến nửa đêm rất khuya, anh đã lái xe chở anh chị Nguyễn Ðình Toàn và Trần Quang Lộc về nhà. Anh còn hứa hẹn sẽ tham dự vào nhiều chương trình khác trong thời gian sắp tới. Lúc ấy, hình như những căn bệnh cũ đã tưởng tuyệt căn rồi và những cuộc giải phẫu tim những lần trước đã thành quá khứ. Anh hát, vung tay múa chân diễn tả ý nghĩ của mình thật vui vẻ sống động. Trong khi Trần Quang Lộc hát những bản trầm lắng hơn thì anh như đang trong một buổi hò hẹn nào mà nhạc và thơ cùng có một hứng khởi và một tâm sự.

    Hình như, nhạc sĩ trong những phút giây cuối cùng của mình rất yêu cuộc sống. Và anh đã lôi cuốn những người thân, những bằng hữu với một tinh thần lạc quan trong sáng. Hai tình khúc phổ từ thơ Pablo Neruda cũng xác tín điều ấy. Nhan đề của hai bài thơ là lời ngỏ nồng nàn của trái tim. “Anh thích em lặng thinh”“Em là của anh” là những thông điệp tình yêu tha thiết trao gửi. Ðúng là lời tuổi trẻ. Là tiếng nói thiết tha, của một trời tình yêu. Buổi tối hôm đó, mọi người lắng nghe ngôn ngữ trẻ trung của thời đôi tám của nỗi lòng dàn trải theo từng cung bậc âm thanh.

    Với “Em là của anh” lấy ý từ bài thơ “In My Sky at Twilight” của Pablo Neruda:

    • “Khi ánh nắng khuất sau đường chân trời

      Em là bóng mây

      Em là áng mây

      Mà anh trót yêu mà anh trót yêu

      Em là của anh

      Người em có đôi môi ướt

      Ðã gặp nhau đi đâu về đâu

      Ðem theo mộng ước

      em là của anh em là của anh

      những chiều chạy quanh chạy quanh

      em là hiện thân

      làm anh hụt hơi

      những đêm trăng ngời

      vòng tay lả lơi

      những đêm miệt mài

      dường như có ai

      em là người em

      của chuyện mốt mai

      có em bên mình

      ngồi kể xưa sau

      em là vì sao

      nhốt trong âm nhạc

      rộn ràng riêng anh

      em là hồn anh

      rồi một chiều quanh

      nhan sắc mùa xuân…”

    Mở đầu bài hát, nhạc sĩ vào đề: “Ðọc bài thơ của Pablo Neruda”
    , nhan đề “Khi ánh nắng khuất sau đường chân trời” thì thấy cũng thường thường chưa tạo được cảm xúc gì mấy. Nhưng khi gặp câu “Em là của anh” thì tự nhiên bật ra cảm xúc. Hợp tình hợp lúc tôi viết nhạc cho lời thơ này như một cách để thể hiện tâm tư mình lúc đó…”

    Anh đã hát, đôi mắt linh động và hình như cả con người anh, thân thể anh, tâm tư anh, là một, của những phút giây sống thực đến lạ kỳ.

    Bản nhạc thứ hai “Anh thích em lặng thinh”cũng lại là những lời ngỏ của đôi lứa yêu nhau, là điệu thở thầm thì của những người đến với nhau. Trong đêm khuya, gần nhau mà sao xa quá. Trời đất, trăng sao, sắc mầu, hơi thở,…tất cả như xa xôi mà cận gần. Thi sĩ và nhạc sĩ như cùng nhau ở trong một giây phút nào tận cùng của cuộc sống, là giọt nước chắt đến mức vô cùng tinh tuyền như giọt sương long lanh của một đêm gần lụn tới bình minh

    • “Anh thích em lặng thinh

      tựa như ta xa cách nhau

      em nghe tiếng anh thật xa

      mà anh không sao tới gần

      mà anh không sao bắt kịp

      có đi tìm hoang vu

      sớm như là đôi mắt em

      mầu huyền nhung xa quá

      giống y như nụ hôn

      vẫn phong kín hồn em

      đâu đây dáng em thật xa

      anh không sao bắt kịp

      có đi tìm hoang vu

      về ngơ ngác xa vắng

      dấu chân vào nơi thinh lặng

      có phải lúc đó anh đang nói chuyện

      với một sắc mầu

      là hơi thở rộn

      một vì sao khuya xa thật xa

      em thật là giấc ngủ

      em là cánh cửa

      em là hơi gió

      là hơi gió quặn thở đêm qua

      em là hơi sầu quạnh quẽ bao la

      là vùng quê hương êm đẹp

      nụ cười xanh ngát chưa xa…”


    Tôi tiếc là chưa có dịp để hỏi tại sao anh lại chọn thơ Pablo Neruda để phổ nhạc. Chắc có nhiều nguyên do lý thú lắm. Còn tôi, tôi biết thi sĩ này là một khuôn dáng nghệ sĩ đặc biệt từ trong đời sống thường nhật đến đời sống văn chương, từ khuynh hướng chính trị đến đời sống tình dục, từ thơ tình yêu đến thơ khích dục…

    Chính ông, Pablo Neruda đã tự gọi mình trong thơ:

    • “trong thời gian ngắn ngủi này

      tôi sẽ chẳng bao giờ quan tâm tới những kẻ khác

      mà tôi sẽ tự mở toang mình ra rồi khép kín mình lại

      với kẻ thù bội bạc nhất của tôi là Pablo Neruda”.


    Ông đã viết rất nhiều thể thơ, kể cả thơ khích dục như trong tuyển tập thơ “Twenty Poems of Love and a Song of Despair”, một thể thơ siêu thực. Theo truyền thuyết, đáng lẽ năm 1964 ông đã đoạt giải Nobel văn chương nhưng vì tình báo Mỹ trong lúc cuộc chiến tranh lạnh đang ở cực độ nên vận động để Jean Paul Satre đoạt giải. Nhưng Sartre đã từ chối giải thưởng vì cho rằng Pablo Neruda xứng đáng hơn mình. Năm 1971, Pablo Neruda mới chính thức đoạt giải văn chương này. Theo Feinstein, tác giả của “Pablo neruda: A Passion for Life” thì đó có thể chỉ là chuyện bịa đặt.

    Trong tiểu sử của ông, Pablo Neruda là một người nhút nhát, thiếu tự tin lại xấu trai. Nhưng sự trác tuyệt về thơ văn khiến cho ông có sự hấp dẫn với phụ nữ và trong đời ông có nhiều mối tình độc đáo. Ông là người rất mê gái và may mắn là được gái mê lại. Mối tình đầu của ông với một thiếu phụ Chile có vóc dáng khuôn mặt hơi hao hao giống tài tử Greta Garbo của Hollywood là một mối tình bốc lửa cũng như mối tình thất bại với Albertiba Azocar đã là một tình sử tạo ra cho ông những bài thơ tình nổi tiếng. Ông còn có mối tình với một phụ nữ Miến Ðiện tên là Josic Biss và cũng là một chuyện tình thật lãng mạn. Ông có lúc còn yêu đương mùi mẫn với cả cô cháu vợ là Alicia. Ông có ba đời vợ, Người vợ đầu là một phụ nữ Hòa Lan cưới năm 1930 và ly dị năm 1936. Người vợ thứ hai là một nữ họa sĩ Argentina cưới năm 1943 ly dị năm 1955. Người vợ cuối là một ca sĩ người Chile và là nguồn cảm hứng để ông viết tập thơ nổi tiếng Một Trăm Bài Thơ Tình.

    Tập thơ thứ hai của ông “Twenty Poems of Love and a Song of Despair” đã mang tên tuổi của ông thành một hiện tượng thi ca. Hoàn toàn khác biệt với tập thơ đầu tay, những bài thơ này là những bước chân tiền phong khai phá của người sáng tạo. Thơ dù là thơ tình nhưng đã vượt qua những khuôn khổ của thơ tình bóng gió, của những cảm xúc mờ ảo và xác thịt chỉ là những gợi hình gián tiếp. Thơ của Pablo Neruda trong tập thơ này có chất tính dục, thách thức với các khuôn mẫu tình ái cổ truyền. Thơ được diễn tả không phải của hình ảnh người đàn bà lãng mạn mà là hình ảnh sống động của cảm xúc tình dục, là những vùng thân xác không còn là úp mở trong thơ nữa. Thơ có những hình ảnh của lột trần thân thể như trong bài “Thân thể phụ nữ”:

    • “Thân xác đàn bà

      những ngọn đồi trắng

      những bắp vế tuyệt ngần

      em tựa như thế trong thế giới của thân xác gọi mời

      Tôi bắp thịt cầy sâu cuốc bẩm

      Thô lỗ ấn sâu vào trong em

      Và làm cho đứa con trai nhaỷ vọt ra

      Từ nơi thảm sâu trong lòng đất…”


    Thơ với Pablo Neruda chỉ là những cuộc thử nghiệm. Ông đã xuất bản hơn bốn chục tập thơ và có nhiều quyển được dịch ra hàng mấy chục ngôn ngữ hoặc có những tập thơ bán được tới hàng triệu cuốn. Thơ tình của ông, theo nhiều nhà phê bình nhận định, là những áng văn chương tuyệt vời và có ảnh hưởng đến đại chúng, nhất là với dân tộc thuộc vùng Nam Châu Mỹ La Tinh. Ariel Dorfman, một giáo sư đại học Chile, một nhà tranh đấu nhân quyền, một nhà văn, nhà thơ, nhà báo nổi tiếng đã kể lại chuyện ông mang thơ Pablo Neruda đi tán gái. Ông yêu thầm nhớ trộm một cô gái xinh đẹp kiêu kỳ và lớn hơn ông 5, 6 tuổi. Ông đang loay hoay không biết làm cách nào tỏ tình thì một người bạn hiến kế là dùng thơ Neruda… Một hôm ông thu hết can đảm đến gần bên cô gái và đọc thầm cây thơ “puedo escribir los versos mas tristes esta noche”. Cô gái kiêu kỳ kia đốp chát liền “Lại thơ Neruda! Veite poemas de Amor. Cậu là chú bé thứ năm đọc cho chị nghe trong tháng này đó nhé! Tại sao cậu bé không tìm đọc Una Canción Desesperada?” Câu chuyện kể ấy cho thấy rằng thơ của ông đã ảnh hưởng đến đại chúng biết bao tập thơ tình “Veinte poemas de armor y una canción desesperada” đã bán hàng chục triệu bản và được coi như là bản tình ca tuyệt vời của nhân loại.

    Thơ của Pablo Neruda có nhiều loại, nhiều phong cách sáng tạo tiền phong khác nhau. Thơ của ông thay đổi và trong chủ đích cố gắng vượt qua chính mình, không bao giờ muốn đi trên một con đường có dấu chân qua. Chân dung của Pablo Neruda cũng đa dạng, là một trí thức thiên tả, một chính khách luôn hô hào tranh đấu cho người nghèo nhưng lại giàu có và sinh sống xa hoa. Ông còn là một ứng cử viên cho Ðảng Cộng Sản cho chức vụ tổng thống Chile và cũng là một người đã thần tượng hóa Stalin, một lãnh tụ Nga khát máu. Có người đã so sánh Neruda với Tố Hữu của Việt Nam vì những câu thơ xưng tụng quá lố.

    Nhưng, tóm tắt lại, dù có những vai trò khác nhau, ông vẫn là một thi sĩ của tình yêu, của những mối tình muôn đời miên viễn. Và có lẽ suy nghĩ như thế nên nhạc sĩ Nguyễn Ðức Quang đã phổ nhạc thành những tình khúc cuối đời của mình. Người nghệ sĩ, dù là thi sĩ hay nhạc sĩ, cũng đều có chung trái tim luôn luôn dồn dập nhịp thở tình yêu…





    Nhạc sĩ, nhà thơ Hoàng Ngọc Tuấn ở Úc đã phát biểu trong ngày tưởng niệm Nguyễn Ðức Quang:

    “Tháng 12 vừa rồi, khi tôi cùng anh Nguyễn Hưng Quốc đi sang Mỹ để tham dự một cuộc hội thảo. Tôi đã gặp anh Nguyễn Ðức Quang. Ðó là lần cuối cùng tôi gặp anh Quang. Chúng tôi có một ngày với nhau, đi ăn phở, đi dạo chơi, và khi trở về khách sạn, anh Quang và tôi nói chuyện với nhau rất nhiều.

    Anh Quang nói gì? Anh khoe rằng anh đã viết nhiều tình ca. Anh có hát cho tôi nghe một bản tình ca anh phổ thơ của Pablo Neruda và một số bài hát khác, nhưng rất tiếc là tôi không xin được một copy, vì ngày hôm ấy chúng tôi không có dịp về nhà anh để lấy.

    Anh nói với tôi thế này: “Cậu thấy đấy, cả đời tôi viết nhạc cho xã hội. Ðến cuối đời rồi, ngay cả nhà tôi cũng không còn nữa. Vậy mà bây giờ tôi lại viết tình ca”.


    Tôi nói với anh: “Anh bắt đầu yêu lại à!?” Anh đáp lại “Sao không?” và anh có vẻ tươi tắn lắm. Anh bảo: “Một nhạc sĩ thì có nhiều đề tài để viết. Tình yêu là một đề tài lớn. Tiếc rằng tôi quá bận rộn với cuộc sống xã hội nên tôi đã tự hứa một lúc nào đó tôi sẽ ngồi xuống để viết tình ca. Suốt đời tôi, tôi viết nhạc cho xã hội. Tôi chỉ viết có dăm bản tình ca. Ví dụ như bài Bên Kia Sông mà người ta hát nhiều ấy lại là thơ của ông bạn Nguyễn Ngọc Thạch. Còn tôi thì tôi không có tự giác viết tình ca. Ðến bây giờ, không còn ai chung quanh, thì tôi mới nghĩ rằng có lẽ…tình yêu rất cần thiết.

    Rồi anh nói với tôi rằng anh sinh ra như một người không may mắn cho nên anh không có điều kiện học đàn. Tôi nói: “Anh đâu cần như thế…” Anh bảo “Cậu nói đùa đấy chứ! Nếu tôi biết chơi đàn thật hay thì nó sẽ mở ra những ý nghĩ âm nhạc rộng lắm”.


    Tôi nói: “Không, anh Quang. Những ca khúc của anh đã gắn liền với một phần của lịch sử. Và anh đã làm tròn nhiệm vụ của anh đối với cái phần lịch sử ấy. Mỗi người có một sự nghiệp âm nhạc khác nhau. Có những người sinh ra để đi vào nhạc viện và họ viết âm nhạc kinh điển, để lại cho trường học. Có những người sinh ra để đi vào lịch sử. Họ đi vào lòng cuộc đời, vào lòng người…Nhưng ca khúc của anh đã bám vào trái tim của con người…”

    Quả thật, nhạc của Nguyễn Ðức Quang đã ở trong trái tim và khối óc của những người Việt Nam tha thiết với đất nước với dân tộc. Một ví dụ, như bản nhạc Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ đã suốt mất chục năm, qua nhiều thời kỳ thăng trầm củ lịch sử vẫn được cất lên, nhất là từ giới trẻ, một biểu lộ của lòng yêu nước nồng nàn và dù qua bao nhiêu gian khó vẫn bền lỏng vững chí với hai chữ Việt Nam linh thiêng.

    Tôi đã vào youtube để xem những clip ghi lại những cuộc biểu tình ở trong nước của thanh niên, sinh viên chống bọn bá quyền Trung Quốc. Dù bị cấm đoán, dù bị công an đánh đập hành hung như lời nhạc vẫn cất lên hào hùng của những người yêu nước. Tôi thú thực đã nổi gai cảm xúc khi nghe bản nhạc ấy, cất lên với những thanh âm dõng dạc, vô úy:

    • “Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn

      Ðường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang

      Kê sau bàn chân gông xiềng của thời xa xăm

      Ðôi mắt ta rực sáng theo nhịp xích kêu loang xoang.

      Ta khua xích kêu vang dậy trước mặt mọi người

      Nụ cười muôn đời là một nụ cười không tươi

      Nụ cười xa vời nụ cười của lòng hờn sôi

      Bước tiến ta tràn tới tung xiềng vào mặt nhân gian …”


    Việt Nam Quê hương Ngạo Nghễ còn có những điệp khúc làm lay động lòng người. Nguồn gốc dân tộc với tự hào từ ngàn năm đã kết tinh trong dòng máu kiêu hùng bất khuất. Bon xâm lăng phương Bắc đã bao lần thất bại nhưng vẫn âm mưu thôn tính nước ta. Chính quyền trong nước, một hình thái của bán nước cầu vinh Lê Chiêu Thống, Mạc Ðăng Dung…, đã ngăn cấm, đàn áp những người yêu nước nói lên tâm cảm của mình. Dù xích xiềng, dù đàn áp man rợ, truyền thống Việt Nam vẫn ngạo nghễ muôn đời:

    • “Máu ta từ thành Văn Lang dồn lại

      xương da thịt này cha ông miệt mài

      từng giờ qua cười ngạo nghễ đi trong đau nhức khôn nguôi

      Chúng ta thành một đoàn người hiên ngang

      Trên bàn chông hát cười đùa vang vang

      Còn Việt Nam triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng”.

    Nhạc sĩ Nguyễn Ðức Quang sáng tác bản nhạc này vào năm 1966, khi chiến tranh Việt Nam đang trong cao điểm ác liệt nhất. Và bản nhạc này đã nhanh chóng trở thành nổi tiếng trong giới thanh niên sinh viên ở các thành phố lớn của miền Nam một thời. Sau ngày 30 tháng tư năm 1975, bản nhạc bị cấm và hoàn toàn vắng bóng trong sinh hoạt âm nhạc ở trong nước. Bỗng nhiên, bài hát đã được nghe lại bản nhạc này một cách công khai trên đường phố Sài Gòn của những người trẻ tham gia những cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Có những người trẻ sinh sau năm 1975 hình như xa lạ với nhạc sĩ Nguyễn Ðức Quang nhưng vẫn hát với cả tấm lòng. Có người trẻ đã phát biểu anh yêu thích bản nhạc này vì bản nhạc có đầy đủ những nét bi thương của dân tộc nhưng vẫn tràn đấy niềm tự hào của những người yêu nước không vì bạo quyền đàn áp mà sợ hĩa nao lòng.


    Nguyễn Mạnh Trinh



    Nguồn:http://vietluan.com.au


              
Trả lời

Quay về “Nguyễn mạnh Trinh”