Từ Hồi Ký Dương Văn Ba đến Hồi Ký Không Tên Lý Quý Chung

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Từ Hồi Ký Dương Văn Ba đến Hồi Ký Không Tên Lý Quý Chung

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Từ Hồi Ký Dương Văn Ba
    đến Hồi Ký Không Tên Lý Quý Chung







    Dương Văn Ba là thứ trưởng Bộ Thông Tin và Lý Quý Chung là tổng trưởng Bộ Thông Tin trong nội các hai ngày của Tổng Thống Dương Văn Minh và Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu. Cả hai đều là dân biểu của Hạ Nghị Viện thời Việt Nam Cộng Hòa cùng có một hành động “quậy” (chữ của Hồ Ngọc Nhuận) làm nát bét chính trường miền Nam theo chủ trương của Cộng sản Bắc Việt. Cả hai cùng viết hồi ký, một là để kể công lao hai là để than thân trách phận bị dẹp bỏ một cách không nương tay sau khi Cộng Sản chiếm được miền Nam.

    Ðáng lẽ, tôi cũng không nên phí thời giờ để đề cập đến hai tập hồi ký này làm gì vì về phương diện văn chương hoặc tư tưởng cả hai đều là những luận điệu chủ quan sai lạc, lập lờ giữa con buôn chính trị giả hình nấp dưới chiêu bài yêu nước. Hồi ký của những tên “điếm đàng” thời cuộc có lẽ chẳng có một chút giá trị gì. Nhưng, suy nghĩ kỹ một chút, tôi muốn đối chiếu giữa những điều mà cả hai tiết lộ để tìm ra những điều cần phải thận trọng khi nghe những chiêu bài như hòa giải hòa hợp dân tộc mà hiện giờ Cộng Sản đang sử dụng. Hồi Ký “Những Ngã Rẽ” của Dương Văn Ba, “Hồi Ký Không Tên” của Lý Quý Chung, “Ðời- Chuyện những người tù của tôi” của Hồ Ngọc Nhuận, “Ngô Công Ðức Tự Bạch” của những tên tuổi đồng hội đồng thuyền nhưng đố kỵ nhau và khi cùng mô tả một sự kiện thì viết khác nhau nhiều khi đến mức trái ngược nhau nữa. Từ những tiết lộ này, chính tình miền Nam lúc đó bầy nhầy bát nháo ra sao và những nhân vật của lúc đó thời cơ chủ nghĩa ra sao và thủ đoạn gian hùng thế nào. Tuy còn phải kiểm chứng lại, qua những trang hồi ký cá nhân nhưng ít ra cũng phản ảnh được một phần nào lý do khiến miền Nam bị thua trận. Trong khi quân đội tận tình chiến đấu giữ từng tấc đất ngoài chiến trận thì ở hậu phương, bọn chính khách “quậy”, bọn trí thức “chồn lùi”, tạo rối ren bất ổn và là một nguyên nhân đã làm chế độ Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ.

    Hồi ký “Những Ngã Rẽ” của Duơng Văn Ba gồm 224 trang bao gồm trong 20 chương mà chương 1 là “Chuyện Thời Mới Lớn” bắt đầu cuộc đời từ xứ Bạc Liêu và chương 20 cuối cùng là “Vài chuyện nhỏ về ông Nguyễn Văn Linh, người đã ra lệnh bắt tôi”. Dương Văn Ba kể về gia thế của mình, thời niên thiếu đi học xong dạy học ra sao. Rồi tiếp theo là đi làm báo, rồi ứng cử dân biểu một nhiệm kỳ kỳ thứ hai thất cử bị truy lùng vì tội trốn lính. Sau đó gia nhập nhóm của Ðại Tướng Dương Văn Minh, ẩn núp trong tư dinh tuy vẫn viết báo và hoạt động chính trị. Khi Dương Văn Minh lên làm Tổng thống, Ba được cử làm Thứ Trưởng Thông Tin trong chính phủ hai ngày cuối tháng Tư. Ðược miễn cải tạo sau 30 tháng 4 năm 1975, Ba cùng với Ngô Công Đức, Hồ Ngọc Nhuận làm báo Tin Sáng, một tờ báo “kiểng” của chế độ Cộng sản trong một giai đoạn ngắn. Tin Sáng đóng cửa vì “hoàn thành nhiệm vụ” Dương Văn Ba đi buôn, làm gỗ rừng ở Lào mượn danh nghĩa của tỉnh Minh Hải giàu sụ nhưng bị vướng vào vụ Cimexcol Minh Hải và bị xử tù chung thân, tài sản bị tịch biên. Ở tù Cộng sản 7 năm thì được thả sớm mà Dương Văn Ba cho rằng là nhờ hắn làm nhiều việc tốt(?). Dương văn Ba kêu oan nhưng rất sơ lược trong hồi ký này chỉ gần hai chục trang trong chương 20 cuối của cuốn sách. Trong khi Hồ Ngọc Nhuận viết cả mấy trăm trang trong cuốn sách “Chuyện Một Vụ Án” (Vụ án CIMEXCOL-Minh Hải) để minh oan cho Ba nhưng cũng để gỡ tội vì y cũng bị dính dáng vào. Qua những thời kỳ lên voi xuống chó của Ba, chất con buôn gốc Hoa gian hùng thời cơ là nguyên nhân cho một cuộc đời hiện tại đang hấp hối trong nghèo túng mà một độc giả khi đọc xong đoạn tin Dương Van Ba đang hấp hối đã thốt ra “ác giả ác báo”. Không biết như vậy có ác miệng không?

    Dù sao Dương văn Ba cũng trong cảnh gần đất xa trời…

    Viết về tình trạng báo chí của Việt Nam trước và sau ngày 30 tháng tư năm 1975, là một đối chiếu xu nịnh đến hàm hồ, tha hồ chê bai chế độ cũ và tâng bốc một nền báo chí quái đản cả bảy trăm tờ báo mà chỉ có một tòa soạn của Ðảng toàn trị chuyên chế.

    Viết về báo chí miền Nam trước năm 1975, Ba chửi bới: “Tự do báo chí thời chế độ cũ là một thứ tự do lừa phỉnh, không nên hình nên dáng cóp nhặt và sao chép không đúng chính hiệu của các nước phương Tây. Thực tế mà nói hoàn toàn không có tự do báo chí thời Ngô Ðình Diệm và thời kỳ Nguyễn Văn Thiệu. Ở hai thời kỳ đó nhật báo đã phát triển từ số lượng 4, 5 tờ (thời Diệm) lên tới số lượng vài ba chục tờ (thời Thiệu) tư nhân quả thật trong chế độ cũ có quyền làm chủ báo. Nhưng những ông chủ báo thời đó cũng chỉ là nhà tư bản, nhà chính trị hay tay sai của các nhà chính trị, nhà tư bản núp ở bên trong. Thời Diệm đảng Cần Lao Nhân Vị cũng xuất bản nhật báo. Thời Thiệu có rất nhiều tờ báo của chính quyền trá hình….”

    Viết về báo chí miền Nam sau năm 1975, Ba tâng bốc theo đúng bài bản của những tên theo đuôi nịnh bợ: “Cuộc giải phóng và chiến thắng hoàn toàn ở miền Nam của lực lượng cách mạng, của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng, của Ðảng Cộng sản Việt nam đã lật qua những trang hoàn toàn mới cho nền báo chí Nam Việt Nam và nền báo chí đó sau thời kỳ non trẻ đã lần hồi chuyển tải được những nội dung chân thật những kêu đòi mới của dân chúng sau cách mạng, nền báo chí của miền Nam Việt Nam cũng có tác động thay đổi cung cách báo chí cứng ngắc khuôn sáo giáo điều của nền báo chí miền Bắc trong suốt thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc. Hiện nay giữa báo chí Sài Gòn và báo chí Hà Nội đã có nhiều sự thay đổi so với 30 năm về trước.”

    Trong hồi ký “Những Ngã Rẽ” Dương Văn Ba thú nhận về sự liên lạc với Việt Cộng (hay là một cách tâng công): “Sau tết Mậu Thân, khoảng tháng 4 năm 1968, MTGP miền Nam tỉnh Bạc Liêu Sóc Trăng có cử người quan hệ móc nối tôi. Người trực tiếp làm việc đó, thân cận với tôi, nhà sư trẻ Thích Quảng Thiệt tục danh Nguyễn Thái Hạo.

    Quảng Thiệt mặc dù còn nhỏ tuổi, nhưng ăn nói hoạt bát, khéo giao dịch. Màu áo già lam mở rộng nguồn giao du đi lại của ông ta với chính quyền. Cửa dinh Tỉnh trưởng thỉnh thoảng mở rộng đón ông ta vào để nghe tường trình về nguyện vọng của dân. Lợi dụng nhãn hiệu thầy tu, Quảng Thiệt chơi với đủ hạng người trong xã hội. Từ Phó Trưởng Ty Cảnh sát Bạc Liêu phụ trách Cảnh sát đặc biệt Ðặng Thành Lý tới Ðại tá Tỉnh trưởng Bạc Liêu, các sĩ quan an ninh tiểu khu, an ninh Sư đoàn 21, đâu đâu cũng có vóc dáng đi lại của nhà sư trẻ. Miệng luôn luôn lớn tiếng giải bày các oan ức của dân, Quảng Thiệt lúc đó cũng là cái loa tuyên truyền cho các hoạt động dân cử của tôi. Nhưng sâu sắc hơn, Quảng Thiệt âm thầm nhiều lần đi vào bưng dự các cuộc họp của Ban Dân Vận Mặt Trận với tư cách đại diện tôn giáo. Có lần Thiệt nói: “Chú Ba Quốc, chú Năm Quân đánh giá tốt vai trò dân biểu của anh. Các chú nói anh cứ đà ấy mà tiếp tục làm. Các chú muốn gặp trực tiếp anh để bàn cụ thể về tình hình”. Tôi trả lời: “Gặp họ tôi sẵn sàng nhưng phải làm lúc thuận lợi và phải ngụy trang khéo. Ðể bọn An ninh Sư đoàn 21, bọn Phòng nhì Tiểu khu biết được là không hay”. Tạm thời có cần gì xin họ cứ nói qua Thầy.”






    Dương Văn Ba chống Mỹ, ghét Mỹ nhưng lại cũng thích liên lạc với Mỹ. Anh ta kể trong hồi ký: “Tháng 6 năm 1970, tôi quyết định đi thăm nước Mỹ một mình. Trước khi đi tôi tìm gặp dân biểu Trần Ngọc Châu còn bị giam giữ tại khám Chí Hòa. Nói là giam giữ thật sự Trần Ngọc Châu vẫn được thường xuyên liên lạc với bên ngoài. Nự dân biểu Kiều Mộng Thu có lúc là người tình của Châu mỗi tuần đều vào khám Chí Hòa tâm sự với Châu nhiều giờ…

    Tôi cho anh Châu biết tôi dự định đi Mỹ và nhờ anh giới thiệu với các bạn bè Mỹ. Thời gian Trần Ngọc Châu làm Tỉnh trưởng tỉnh Bến Tre anh chơi thân với John Paul Vann một trùm tình báo Mỹ ở vùng 4. Châu cũng là bạn thân của Daniel Ellsberg, người tiết lộ và xuất bản bộ sách “Pentagon Papers” gây chấn động nước Mỹ. Trần Ngọc Châu cho tôi địa chỉ của Daniel Ellsberg dặn khi tôi đến Nhật Bản hãy điện tín cho Ellsberg biết tin để ông ta ra sân bay đón tôi…

    Vợ chồng Daniel Ellsberg lập ngay chương trình làm việc cho tôi sau khi đưa tôi về một khách sạn nhỏ sát bờ biển. Tối hôm đó Daniel đãi tôi ăn bít tết bò Mỹ, uống ruợu vang đỏ của Mỹ. Daniel hỏi thăm tình hình của Trần Ngọc Châu tôi nói: “Sức khỏe của anh Châu khá tốt. Nhưng khi nào Thiệu sụp đổ Châu mới ra khỏi khám Chí Hòa”. Tôi hỏi Daniel: “Anh có giúp cho chúng tôi làm cho Thiệu sụp đổ được hay không?”. Daniel cười và nói: “Tôi sẽ đưa anh đi gặp Tướng Haig và Tiến sĩ Kissinger để anh nói điều đó với họ”. Tôi hỏi ngược lại Daniel: “Có thật tôi có thể gặp Henry Kissinger không?”. Daniel trả lời: “Những người bạn của tôi có thể làm được việc đó…””.


    Hồi Ký Không Tên của Lý Quý Chung xuất bản năm 2004 và tái bản lần thứ hai sau 7 năm. Nếu xét về văn chương thì đây là một cuốn sách thường thường thôi (của một ký giả lâu năm nhưng chuyên viết về thể thao thì cũng chẳng đáng chú ý mấy). Nhưng về tư liệu, thì một người như Lý Quý Chung, có lúc đã thành một khuôn mặt lịch sử trong những biến cố chính trị quan trọng thì dù chủ quan, hay theo gió phất cờ, hoặc vẫn chưa tỉnh ngộ cho đến khi gần chết, cũng có thể làm người đọc lắng đục lóng trong để thấy được bản chất của những người Cộng Sản và những người bị sa vào mê hồn trận của chủ nghĩa này.

    Hồi Ký Không Tên đã được đăng tải trên web- site Talawas trước khi được in thành sách. Và ở trong tác phẩm được in có nhiều phần bị cắt bỏ nhất là chương Lý Quý Chung kể chuyện về những ngày miền Nam sau 1975, với những nhân xét về thực trạng của một thời tồi tệ nhất trong lịch sử Việt Nam.

    Rào trước đón sau, Lý Quý Chung viết trước khi làm một người kể chuyện:

    “Tôi không có tham vọng viết lại lịch sử miền Nam Việt Nam trước 1975. Khoảng thời gian tôi lớn lên và hoạt động tại Sài Gòn từ thập niên 1960 cho đến khi kết thúc chiến tranh (tháng Tư năm 1975) là một thời kỳ biến động phức tạp. Miền Nam là một bức tranh có đủ màu sắc, từ sáng đến tối, màu này chồng lên mầu kia, sự kiện này che lấp sự kiện kia, chi tiết này chen lấn chi tiết nọ. Thật không dễ dàng nắm hết “cái thần” của bức tranh ấy nếu chúng ta chỉ có một cái nhìn đơn giản. Những chuyện kể của tôi xuất phát từ chỗ đứng và sự cảm nhận của riêng cá nhân tôi do đó chắc chắn không tránh khỏi sự hạn chế. Nếu những điều tôi ghi lại trong Hồi Ký này có thể giúp người đọc hiểu rõ thêm về về một số sự kiện xảy ra tại miền Nam trước năm 1975 thì đó là hơn sự mong mỏi của tôi. Còn nếu có điều chi thiếu chính xác tôi rất mong nhân được những phản hồi và góp ý…”

    “Góp ý” thì không thể vì tác giả Hồi Ký Không Tên đã mất cách nay gần chục năm rồi. Nhưng “phản hồi” thì có bởi ở vị trí của một người đọc những trang sách, tôi dễ dàng tìm được những khuôn mặt chính trị giống như Lý Quý Chung. Những người ấy, ở thời điểm hôm nay, sau khi đã nếm đủ mùi của chế độ Cộng sản, có người tỉnh ngộ, nhưng vẫn còn có kẻ u mê vẫn cãi chầy cãi cối về cái nghĩa của lạc đường và lầm đường. Họ sống và lớn lên ở một xã hội của chế độ miền Nam nhưng lại không những không đóng góp mà còn phá hoại chế độ ấy. Chế độ miền Nam ấy lại là một mô hình xã hội mà những người miền Bắc cho rằng tốt đẹp hơn vạn lần chế độ hiện hữu.

    Lý Quý Chung có nói về “chỗ đứng” của mình. Vậy ông ta là ai? Có phức tạp để nhận định không? Lúc nhỏ là một cậu ấm con quan, học trường Tây, lớn lên là sinh viên học dang dở ở Học Viện Quốc Gia Hành Chánh. Bỏ học, đi viết báo rồi thời thế đưa đẩy làm dân biểu đối lập của chế độ VNCH ba nhiệm kỳ rồi làm Tổng trưởng Thông Tin trong nội các mấy ngày của Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu và Tổng Thống Dương Văn Minh. Và là một người trong cuộc của ngày 30 tháng Tư và chứng kiến những ngày miền Nam sụp đổ. Sau 1975, làm thân cây cảnh trang trí cho chế độ, viết báo với sở trường là ký giả thể thao cho tờ Tin Sáng. Như vậy, đỏ hay vàng, hay da cam? Là một người yêu nước chống chiến tranh hay chỉ là một anh chàng đón gió trở cờ lập công với Cộng sản và chạy theo danh lợi? Ðọc Hồi Ký Không Tên, có lẽ người đọc sẽ có kết luận.

    Lý Quý Chung đã viết một cách khá thành thực về cách cư xử của người cha ruột với ông:
    “… Những sự kiện căng thẳng dồn dập xảy đến khiến cha tôi bị lên huyết áp và đột quị tưởng đâu không qua khỏi. Ông bị liệt nửa thân mình, méo miệng, không nói được. Bác sĩ quen ở bệnh viện Triều Châu, anh Nguyễn Văn Mẫn, đã từng là thị trưởng tự phong ở Ðà Nẵng trong thời kỳ Phật Giáo Miền Trung nổi lên chống chính phủ quốc gia đã giúp cha nói lại được nhưng phải di chuyển bằng xe lăn. Một trong những câu nói đầu tiên sau thời gian ông bị bặt tiếng nói là nói với tôi- khi tôi đứng bên giường chăm sóc ông. Giọng ông giận dữ “Tao không muốn gặp mày nữa. Gia đình mày đã ra thế này mà mày còn viết báo cho Cộng sản. Cha mày từ mày”. Chưa bao giờ cha tôi đối với tôi giận dữ và dùng những lời lẽ như thế. Những chuyện xảy ra cho gia đình tôi đã biến cha tôi từ một người hồ hởi đón chào cách mạng nô nức chờ bạn bè đi kháng chiến trở về biến thành một người ác cảm với Cộng sản và từ luôn con trai của mình…”

    Ông Lý Quý Phát là cha của Lý Quý Chung, cựu phó đô trưởng Sài Gòn thời VNCH, đến năm 1974 mới về hưu, tuy không bị đi học tập cải tạo nhưng bị đánh tư sản và ép buộc đi kinh tế mới. Dù thiên tả, dù có bạn bè đi theo Cộng sản làm chức lớn, lại có con góp công cho chế độ mới nhưng vẫn bị cư xử tệ bạc và lúc bấy giờ mới thấy được cái ý vị của “Bánh Vẽ”.

    Lý Quý Chung bước vào chính trường nhờ Võ Long Triều. Trong hồi ký của Lý Quý Chung y viết: “Võ Long Triều là thầy dùi một trong những đầu mối tập họp quân cho tướng Kỳ. Người tài trợ cho các ứng cử viên dân biểu được ông Triều tập hợp là tướng Kỳ chứ không ai khác. Rất có thể ông Kỳ đã lấy tiền từ quỹ đen dành cho thủ tướng để chi. Trong số người được ông Triều đưa vào danh sách ứng cử có tôi (LQC). Ông Triều lúc đó vừa là người đứng đầu một tập họp chính trị có tên là Phong Trào Phục Hưng Miền Nam. Với sự hỗ trợ tích cực phía sau của thủ tướng Kỳ, ông Triều và những người bạn thân thiết của ông như Hồ Ngọc Nhuận, Hồ Văn Minh, Hoàng Ngọc Tuệ, Ðỗ Ngọc Yến, Trần Văn Ngô còn thành lập một phong trào hoạt động xã hội có tên là Phong Trào Phát Triển Quận 8. Phong trào này nhằm hô hào chính quyền và dân chúng góp tay biến các khu ổ chuột thành những khu dân cư khang trang…”

    Thành dân biểu nhờ Võ Long Triều nhưng khi tướng Kỳ thất thế thì quay ra vào phe đứng giữa với chiêu bài tranh cử “Một miền Nam trung lập trong một Ðông Dương trung lập”. Lý Quý Chung liên lạc và giao du với những tên VC nằm vùng như Phạm Xuân Ẩn, Huỳnh bá Thành, Triệu Công Minh, Huỳnh Tấn Mẫm và chứa chấp trong nhà tên sát nhân đã tham dự vào việc ám sát giáo sư Nguyển Văn Bông là Nguyễn Hữu Thái… Theo thời thế, Lý Quý Chung gia nhập vào nhóm Dương Văn Minh cùng với những Vũ Văn Mẫu, Lý Chánh Trung, Hồ Văn Minh, Trần Ngọc Liễng, Hồng Sơn Ðông, Dương Văn Ba, Hồ ngọc Nhuận, Nguyễn Hữu Chung.

    Chung gia nhập vào Lực lượng Hòa Giải Dân Tộc của Vũ Văn Mẫu và với tư cách là đại diện báo chí cho Dương Văn Minh đến chùa Ấn Quang gặp sư Trí Quang sau đó nhờ Trí Quang giới thiệu đến gặp Tăng Thống Thích Tịnh Khiết và Thích Huyền Quang tại chùa Từ Ðàm.

    Sau cùng, khi Duơng Văn Minh lên làm tổng thống, Chung được cử làm Tổng trưởng Thông Tin và là nhân chứng trong ngày đầu hàng ô nhục ấy.

    Trong Hồi Ký Không Tên thì Lý Quý Chung viết:

    “Người bước ra khỏi phòng trước tiên là tổng thống Dương Văn minh. Ði sát bên ông Minh là Thiếu tá Hoa Hải Ðường. Tiếp theo là Thủ tướng Vũ Văn Mẫu. Ông Minh và ông Mẫu rất bình tĩnh, sự bình tĩnh của hai ông cũng truyền sang tôi. Tôi trao cái cặp da xách tay của tôi cho Dân biểu Thạch Phen rồi mạnh dạn bước theo. Chúng tôi vừa bước ra hành lang để đi đến đại sảnh thì ở đầu kia thấy có nhiều bộ đội cầm súng và hô to “Mọi người giơ tay lên”. Ông Minh, ông Mẫu và tôi cùng mọi người đi phía sau đều nhất loạt giơ tay. Ra đến đại sảnh tôi thấy có nhiều người mặc thường phục cũng có mặt lẫn với bộ đội. Tôi nhận ra một số khuôn mặt quen thuộc đã từng hoạt động báo chí hoặc các phong trào đấu tranh học sinh sinh viên. Tôi nhớ hình như có các anh Nguyễn Vạn Hồng (tức Cung Văn), Triệu Bình, Nguyễn Hữu Thái, Huỳnh Bá Thành, Huỳnh Văn Tòng… Ai đó tôi không nhớ rõ chạy đến ôm tôi và nói trong sự mừng rỡ tột cùng “Mình thắng rồi” trong lúc hai tay tôi vẫn giơ cao trong tư thế đầu hàng…”

    Hồi Ký Không Tên có thố lộ tâm cảm của Lý Quý Chung về chế độ mói không? Và có hiểu biết gì về bản chất của chế độ Cộng sản không? Ông ta khẳng định: “Ba mươi năm trong chế độ mới tôi “đứng” được qua các giai đoạn cực kỳ gay go của đất nước và của cả bản thân mình vì tôi tin ở con đường mình đã chọn lựa. Không phải là một đảng viên Cộng sản nhưng tôi tin vào những lý tưởng xã hội tốt đẹp cho bất cứ xã hội nào muốn tiến lên công bằng và nhân bản hơn. Tôi vẫn giữ niềm tin đó ngay cả sau khi chế độ Cộng sản ở Liên Xô và Ðông Âu bị sụp đổ. Những sai trái và lệch lạc ở những nơi không thể vùi lấp những giá trị vĩnh cửu của chủ nghĩa xã hội nhân bản.”

    Và Lý Quý Chung đã xin xỏ để làm đảng viên nhưng bị bỏ lơ. Ông ta kể lại trong hồi ký:

    “Trong lá thư gửi cho ông Võ Văn Kiệt, tôi có bày tỏ với ông nguyện vọng ngày nào đó trở thành đảng viên Ðảng Cộng Sản Việt Nam. Theo tôi đó là nguyện vọng bình thường của một người tán đồng Ðảng Cộng Sản Việt Nam, nhìn nhận quá trình của Ðảng Cộng Sản Việt Nam vì nước vì dân có cộng giành độc lập và thống nhất cho Tổ Quốc. Tôi nghĩ mình sẽ phục vụ tốt hơn cho đất nước trong tổ chức và cương vị của một đảng viên. Tôi có nói với ông Kiệt việc nêu nguyện vọng ấy là một thái độ chính trị trung thực với chính mình còn việc được kết nạp hay không là vấn đề khác.

    Anh Tống Văn Công nghe tôi kể chuyện này có nói “Thế thì anh mới đi theo ngọn cờ dân tộc của Ðảng Cộng Sản còn ngọn cờ xã hội chủ nghĩa thì sao?”. Ðúng là Ðảng Cộng Sản Việt Nam chinh phục tôi trước hết bởi lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh cho độc lập dân tộc nhưng mặt khác tôi cũng tìm thấy ở chủ nghĩa Mác – theo cách tiếp thu của tôi – những nguyên lý định hướng cho cuộc sống và thái độ chính trị của mình…”


    Trong khi Ðảng Cộng sản chỉ còn là một bóng ma đen tối trên thế giới và bao nhiêu người bỏ Ðảng vì tỉnh ngộ thì lại có một người u mê đút đầu vào rọ. Ngây thơ, ngu dốt, chạy theo thời thế, hay là một thằng điên. (Xin lỗi, tôi đã quá lời với một người đã quá cố!). Nhưng quả thật khi tôi đọc những hàng chữ này không ngăn được sự phẫn nộ. Một người đã ăn bánh vẽ của chiêu bài Cộng sản mà vẫn chưa hiểu được bản chất của chế độ độc tài toàn trị tay sai của Liên Xô và Trung Hoa. Ðã bị cha từ bỏ vì theo Cộng sản, gia đình bị ly tán bởi anh em ruột thịt phải vượt biên để khỏi cùng cảnh ngộ thiên đường đỏ với Lý Quý Chung. Ðời sống cá nhân thì suy sụp, bán dần mòn đồ vật trong nhà để tiêu xài. Làm việc thì bị nghi kỵ dòm ngó. Thế mà đến lúc gần cuối đời viết hồi ký mà vẫn chạy theo danh lợi xin xỏ vào đảng để tỏ lòng trung thành và cầu khẩn đặc ân. Thế mà, Cộng sản vẫn từ chối. Nhưng, Lý Quý Chung còn may mắn hơn những người đồng hội đồng thuyền như dân biểu đối lập Dương văn Ba thời VNCH bon chen danh lợi để rồi bị chế độ mới tặng thưởng cho bản án 20 năm tù… Ngẫm cho cùng, kẻ gió chiều nào xoay chiều đó có tương lai tốt đẹp đâu cho phận theo đóm ăn tàn…


    Nguyễn Mạnh Trinh



              
Trả lời

Quay về “Nguyễn mạnh Trinh”