Hai mươi năm văn học miền Nam: phỏng vấn nhà thơ Nguyên Sa

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Hai mươi năm văn học miền Nam: phỏng vấn nhà thơ Nguyên Sa

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           






    Hai mươi năm văn học miền Nam:
    phỏng vấn nhà thơ
    Nguyên Sa

    ______________________________
    Nguyễn mạnh Trinh - 24/04/2018





              


    Nguyên Sa và Hoàng Hải Thủy - năm 1995 tại Santa Ana, California

              





    Nhà thơ Nguyên Sa từ trần vào ngày 18 tháng tư năm 1998 đến nay là đúng 20 năm. Nhưng thơ của ông thì không cũ tuổi và lúc nào cũng sống trong lòng người yêu thơ.

    Bài phỏng vấn này hoàn tất ngày 24 tháng 6 năm 1998, kỷ niệm 100 ngày mất của nhà thơ Nguyên Sa. Một bữa, nghe lại cuốn băng cassette phỏng vấn, tự nhiên có một điều gì xúc cảm. Âm thanh ấy, tình ý ấy, vẫn còn nhưng, người trả lời cuộc phỏng vấn đã đi xa, thật xa rồi. Thời gian qua thật nhanh và cuộc đời sao ngắn ngủi. Mới ngày nào, vùn vụt đã qua mấy chục năm. Lúc ấy và bây giờ, sao khoảng cách vời vợi. Mới đó, mà nay đã thành kỷ niệm. Mới đó, mà bây giờ cỏ mộ đã xanh rì. Mới đó mà đã ngút mắt thời gian. Tiếng nói, giọng cười như hiển hiện một ngày nào, xa rồi nhưng tưởng như của thuở nào gần gũi.

    Nguyên Sa là một tác giả lớn của văn học Việt Nam. Bài phỏng vấn này của một kẻ hậu sinh muốn ở trong một phạm vi nhỏ bé nào đó, phác họa lại một phần sinh hoạt văn học của một thời đại rất đặc biệt của dân tộc chúng ta. Qua nhà thơ Nguyên Sa, chúng ta sẽ có nhiều tài liệu xác thực về thời kỳ văn học ấy…






    Ðây là phần đầu của bài phỏng vấn đuơc đăng lại như một đóng góp nhỏ cho công trình nhìn lại hai mươi năm văn học miền Nam:

    Nguyễn Mạnh Trinh:
    • Anh đã làm thơ từ bao giờ và động lực nào thúc đẩy anh làm thơ?


    Nguyên Sa:
    • Tôi đã trình bày trong một bài văn nhan đề “Lễ cầu hồn cho một thời hạnh phúc” đăng trong tạp chí Ðời.

      Tôi làm thơ rất sớm bởi có hai động lực thúc đẩy tôi làm thơ. Thứ nhất là cuộc gặp gỡ nhà văn Phan Trần Chúc trong thời thơ ấu của tôi. Ông đã rèn luyện tôi làm thơ và làm cho tôi sự mê thích thi ca đã có sẵn từ trong nội tâm tôi. Tôi là bạn thân thiết với con trai ông Phan Trần Chúc và tôi thường hay đến nhà ông Phan chơi. Ông Phan thấy tôi thích thi ca nên thường ra đề tài để tôi làm thơ và nhiều thể loại, lúc thì thơ bảy chữ, lúc tám chữ, khi thì thơ tả tình, khi thì thơ tả cảnh. Mỗi buổi sáng khi gặp ông, tôi nạp 5 bài thơ, theo đề tài và thể loại tương tự như những bài thơ đã nổi tiếng của các thi nhân Việt Nam từ xưa tới nay, từ Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan, đến Xuân Diệu, Huy cận, Lưu Trong Lư… Tôi đã tập làm thơ trong những hoàn cảnh như vậy. Ông Phan đã chỉ vẽ cho tôi những điều sai sót và những điều đắc ý mà người làm thơ phải chú tâm, để ý đến. Nó như những điều căn bản để bước vào ngưỡng cửa thi ca.

      Ðộng lực thứ hai là tôi có nhiều bạn bè thân hữu văn chương đã gây ra tinh thần ganh đua thảo luận như Hoàng Anh Tuấn, Lê Trạch Lựu, Ðỗ Long Vân,… từ thời tuổi trẻ. Những buổi thảo luận văn chương ấy đã giúp tôi nhìn thấy rõ nét ý hướng sáng tạo và biết mình phải làm điều gì để đi nhanh đi mạnh hơn trên con đường sáng tác thi ca.


    Nguyễn Manh Trinh:
    • Với tư cách của một nhà văn lớn sinh hoạt rất lâu trong khoảng thời gian hơn 40 năm văn học, có biến cố thi ca nào của anh được ghi nhớ nhiều nhất và có ảnh hưởng trường cửu lâu dài về sau?


    Nguyên Sa:
    • Nói chung theo tôi nghĩ thì hầu hết những bài thơ tôi làm và đem in hầu hết đều có xúc động của riêng tôi. Nếu có những bài thơ không phải xuất xứ từ xúc cảm và không tới, tôi không phổ biến.

      Những bài thơ đã đăng tải tất cả đều phát xuất từ một biến cố trong đời sống tôi và chứa đựng cả môi trường sinh hoạt như dạy học, đi lính, làm báo… hoặc những xúc cảm về tình yêu, tình bạn hay âm nhạc.

      Từ năm 1950 đến năm 1958 thơ dính liền với cuộc sống tôi và những bài thơ tôi làm đều khởi đi từ những cảm xúc rất mạnh mẽ về tình yêu. Sau năm 1963, tôi làm thơ bế tắc. Sau cuộc đảo chính tổng thống Ngô Ðình Diệm, chiến tranh lan tràn và khắc khoải lửa khói bao trùm hết cả mọi vấn đề. Tôi chưa bị động viên và chiến tranh không trực tiếp trong tôi. Tình yêu với những suy tưởng của nó, bị chiến cuộc chi phối bỗng mơ hồ…

      Năm 1968, tôi bị động viên rồi năm 1975 bị giải ngũ như tất cả các quân nhân khác. Trong khoảng thời gian ấy tôi làm thơ nhiều và mạnh với những cảm xúc bắt nguồn từ chiến tranh và đời sống người lính. Chiến tranh ám ảnh cùng khắp, từ đời sống cá nhân đến đời sống xã hội. Cảm xúc có thật bật ra từ đời sống khởi nguồn thi ca và làm cho tôi thấy sung mãn và viết được nhiều hơn.

      Từ năm 1975 đến năm 1982, tôi không viết ra được những câu nào ra hồn ưng ý. Lại bế tắc. Viết mà giống như những điều mình đã viết, đôi khi còn kém trước thì đâu phải là sáng tác nữa. Sau ngày tị nạn năm 1975, có một số bạn khác làm thơ bi hài. Còn tôi, tôi không làm được. Sinh kế hàng ngày chi phối rất mạnh, tôi vội vàng lao vào đó nên không đủ suy tưởng sâu sắc cho văn chương. Thời gian bị gò bó, thiếu những suy tư để cảm hứng từ đó nảy ra nên trong thời kỳ này tôi không viết được mấy khi.

      Năm 1982, tôi nghĩ đến văn chương nhiều hơn và cảm xúc đã đến từ đời sống tị nạn và âm nhạc. Âm nhạc đến với tôi thật tình cờ. Cảm hứng đam mê nó đối với tôi cũng mạnh mẽ y như tình yêu và chiến tranh và tác động đủ mạnh để tôi làm thơ.

      Nhìn lại tất cả thời kỳ 40 năm cầm bút của tôi, những biến cố về tình yêu, chiến tranh và âm nhạc đã thành nguồn cảm hứng cho thơ tôi.


    Nguyễn Mạnh Trinh:
    • Anh đã làm nhiều bài thơ lục bát hoặc bảy chữ có âm hưởng Trung Hoa với những hình ảnh thiên nhiên của Giang Nam, Tô Châu (như Tô Châu dạ Khúc, như Tháng Tám Riêng), tôi nghĩ rằng những âm hưởng về biến cố đời sống phải có một cái gì khác in rất sâu và đậm. Vậy anh có thể cho độc giả biết một vài kỷ niệm của riêng anh đã tạo thành tiềm thức và bật ra thành những bài thơ nói trên?


    Nguyên Sa:
    • Lớp tuổi chúng tôi có những người bị đào luyện trực tiếp và đơn thuần bởi thi ca Trung Hoa và thi ca cổ điển Việt Nam. Bên cạnh còn có những người bị ảnh hưởng nặng của thi ca Tây phương trong đó có tôi. Dù vậy thi ca Trung Hoa cũng có ít nhiều ảnh hưởng đối với tôi.

      Mây gợi nhớ đến xiêm y và hoa tưởng đến người. Hình ảnh của Lý Bạch làm tôi ngạc nhiên thích thú, dùng đồ vật đặt trước con người để so sánh. Trong thi ca Việt Nam thường thường hình ảnh của người gợi nhớ đến vật như nhìn vào áo xiêm nghĩ đến mây, nhìn khuôn mặt người đẹp nghĩ đến bông hoa. Tựu chung, dù xuôi hay ngược cả hai đều có ý so sánh và liên tưởng. Những hình ảnh ấy đã ảnh hưởng đến thơ văn tôi thì hồi còn nhỏ, lúc tập tành làm thơ với ông Phan Trần Chúc. Tôi suy nghĩ đến cấu trúc của hình ảnh và thấy được vị trí quan trọng của liên tự “như” đứng giữa hai điều so sánh, vật thể và người. Từ đó tôi thấy có thể đổi được vị trí của những hình ảnh được so sánh làm cho có ấn tượng hơn, có thể đổi liên tự “như” bằng từ khác cũng có ý so sánh nhưng sắc nét hơn.

      Trong văn chương cổ điển Việt Nam đã có nhiều trường hợp dụng công như thế. Thí dụ như trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du “mây thua nước tóc, tuyết nhường mầu da”. Ðáng lẽ trong ngôn ngữ thông thường, tóc đẹp như mây thì cụ đổi lại mây thua nước tóc, da đẹp như tuyết thì cụ đổi là tuyết nhường mầu da. Từ chữ “như” liên tự đã thành chữ nhường động từ và tạo được cảm giác mạnh nổi bật được những hình ảnh so sánh. Ðiều ấy, những thầy giáo văn chương ở trung học gọi là linh động hóa hay nhân cách hóa.

      Sau đó với những nhà thơ tiền chiến như Xuân Diệu, Huy Cận,… các ông ấy xóa liên tự. Thí dụ như câu thơ “lòng anh mở với quạt này”. Ðáng lẽ, lòng anh mở ra như quạt này, nhà thơ bỏ mất chữ như. Tấm lòng mở ra với quạt phe phẩy, mỗi nan quạt giống như một con chim, mười tám nan quạt phe phẩy nên có hàng trăm con chim bay ra. Từ đó “trăm con chim mộng về bay đầu giường” Tại sao lòng anh mở ra như cánh quạt phe phẩy lại có hàng trăm con chim mộng tụ họp về bay đầu giường. Có phải cánh quạt mở ra giống như trăm con chim nhạn bay quẩn đầu giường “như” đã làm câu thơ mạnh hơn, gợi hình hơn và mờ ảo hơn. Tôi muốn diễn tả như thế để nói lên được sự gắn bó của thi ca hôm nay với thi ca cổ điển nói chung và thi ca Trung Hoa nói riêng trong suy nghĩ tôi. Ðó là lý do tại sao tôi đang ở Mỹ mà mơ hồ hình ảnh Tô Châu, Giang Tử, Phù kiều,… Lý Bạch, Ðỗ Phủ cũng như Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến luôn luôn có những ảnh hưởng đối với những nhà thơ hôm nay, nếu họ yêu và tìm được những điều mới lạ đó khi sáng tác.

      Một hình ảnh khác, in rất sâu trong trí nhớ tôi là cảnh tượng của Hà Nội buổi chiều trong khoảng thập niên 1940. Lúc đó tôi mới chừng mười hai, mười ba tuổi. Quân đội Nhật Bản đóng quân ở Hà Nội và theo thông lệ, mỗi buổi chiều đều có người sĩ quan cưỡi ngựa và những người lính đi bộ duyệt binh trong thành phố qua những cửa ô như ô Quan Chưởng… Họ vừa đi diễn hành vừa hát các bài ca hùng tráng hay trữ tình như Tô Châu Dạ Khúc. Bài hát này có ảnh hưởng trong lớp các nhà thơ tiền chiến như Hồ Dzếnh… Tôi ở lớp nhỏ hơn không bị ảnh hưởng trực tiếp nhưng lại là một hình ảnh ăn sâu vào tiềm thức, mỗi khi nhớ lại dường như rất rõ ràng không sót một chi tiết nào.

      Khi làm bài thơ Tháng Tám Riêng tôi không nghĩ đến những câu thơ Hồ Dzếnh, không nhớ đến thơ Lý Bạch, thơ Ðỗ Phủ mà tôi nghĩ đến bài hát Tô Châu Dạ Khúc. Kỷ niệm trẻ thơ về đoàn quân Thiên Hoàng những hoàng hôn ở Ô Quan Chưởng. Một hôm từ một bài hát nói về đời sống một người ca sĩ đến liên tưởng một băng nhạc mà tôi sẽ thực hiện có bản nhạc Tô Châu Dạ Khúc, tôi làm bài thơ đó như một sự kiện đánh dấu một xúc cảm có thực. Những hình ảnh trong thơ chỉ là những khuôn cửa để mở ra những suy tưởng tiếp theo.

      Bài thơ dù là một tác phẩm văn chương nhưng có ngộ nhận là mô tả một người và bắt nguồn cảm xúc từ một người. Bài thơ ấy có nhiều nguồn cảm xúc. Thơ không phải là một sản phẩm kỹ nghệ. Cái bánh làm bằng bột và đường, không thể khác hơn. Nhưng thơ thì lại khác có những nguồn chi phối và hiện diện lúc phân tán lúc tập trung… đã tạo thành thơ.


    Nguyễn Mạnh Trinh:
    • Bài Tháng Tám Riêng có nhiều người cho rằng không phải nói về những người ca sĩ mà chỉ nói về độc nhất một ca sĩ thôi và riêng một mà thôi. Vậy điều đó có đúng không?


    Nguyên Sa:
    • Tôi vừa trả lời. Nói thêm về bài thơ Tháng Tám Riêng có một điều ít người để ý là trong thơ tôi có nhiều danh từ miền Nam và danh từ tôn giáo. Trong thi ca Việt Nam rất ít được xử dụng nhưng khi được dùng thì rất lạ và hay. Lúc trước Hàn Mặc Tử đã dùng nhiều ngôn từ của Thiên chúa Giáo trong thi ca của ông nhưng những danh từ miền Nam thì thường hiếm thấy. Tôi dùng nhiều từ ngữ miền Nam như “nãy giờ” như “bữa, rồi đời” hay danh từ Thiên Chúa Giáo như “cách riêng”. Tôi đã có tất cả thời gian trưởng thành và làm việc ở miền nam tôi dạy học và đã học lại từ học trò tôi những ngôn từ mộc mạc đáng yêu ấy.

      Trong Tháng Tám Riêng, tôi viết: “Anh ru em ngủ cách riêng”. Cách riêng là một từ ngữ Công giáo. Tại sao lại ru em ngủ cách riêng? Ông Huy Cận ru em ngủ “lòng anh mở với quạt này”. Tôi dùng cách riêng. Tôi không nói, tôi đã dùng cái không mô tả được để diễn tả mạnh mẽ cái mô tả được, vì cái bao la bà lớn rộng của liên tưởng.

      Thi ca nếu dùng những chữ đắc địa, bài thơ sẽ rực rỡ hơn. Tại sao chúng ta không sử dụng những từ ngữ ấy để diễn tả.

      Thêm một thí dụ nữa “Ðắp lên mười ngón hao gầy. Cây trong giấc mộng mang đầy trái thơ”… Hình ảnh của mười ngón hao gầy cũng giống như cây trồng trái thơ trong mộng. Ngón tay đó đêm nằm mộng giống như cây có trái thơ, sự so sánh đã thấy rõ nhưng không qua liên tự “như”. Sự đứt đoạn cố y ấy mở ra được nhiều ý tưởng tiếp theo rộng bao la hơn và nhạy cảm hơn.

      Ðó là vấn đề kỹ thuật và tôi nghĩ đó là một phương cách để có những bước tiến cho thể lục bát nói riêng và thi ca Việt Nam nói chung.


    Nguyễn Mạnh Trinh:
    • Trở lại những thời điểm mà anh sáng tác, từ năm 1956, trong một bài viết đăng trên tạp chí Sáng Tạo (hình như nhà văn Mai Thảo đăng lại trong một số báo Văn xuất bản ở hải ngoại) “Nỗi cô đơn của người cầm bút hôm nay”. Anh đã viết về tâm tư của người cầm bút nối tiếp thế hệ trước. Tâm sự ấy kể lại sự chiếm lĩnh trận địa văn học một cách dễ dàng bởi sự vắng mặt của những người cầm bút lớp trước.

      Bây giờ, nhìn lại những suy nghĩ ấy, anh có cảm tưởng gì? Và những nhận xét ấy có phù hợp với hiện tại của văn học Việt nam tại hải ngoại sau năm 1975?


    Nguyên Sa:
    • Khi tôi còn ở Việt Nam và cả bây giờ, khi viết văn tôi có thói quen của những người sinh hoạt trong văn chương Pháp. Ðó là tôi làm hết sức công việc của mình rồi lùi lại suy nghĩ viết về những công việc ấy. Ở Việt nam ít có những cuốn sách viết về những kinh nghiệm đã trải qua của từng cá nhân như ông tổng thống viết về đời chính khách hay ông thương gia viết về những bài học của mình lượm lặt được từ đời sống và công việc thực tế. Không có những kinh nghiệm thành văn ấy sẽ không có sự chuyển tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ở Mỹ, ở Pháp nghề nào ngành nào cũng đều có người viết về những điều gặt hái được qua kinh nghiệm để truyền bá và phổ cập.

      Tôi giữ thói quen ấy. Lúc tôi làm thơ, lúc tôi ngừng lại để suy nghĩ về hoàn cảnh của người làm thơ viết văn. Sung sức thì tôi làm thơ, yếu sức thì lại viết văn xuôi. Tôi không coi rẻ văn xuôi nhưng tôi là một người làm thơ và viết văn xuôi như một phương pháp tập thể thao để giữ gìn nội lực. Tôi viết triền miên đủ loại và trong đó có một bài mà anh Trinh vừa đề cập tới. Ðó là bài viết về hoàn cảnh những người cầm bút sau năm 1954.

      Lúc đó, nhìn lại thì đíng thật. Hồi trước văn chương Việt Nam có Nguyễn Tuân, Nam Cao, Văn Cao, Khái Hưng, Nhất Linh,… Khi tôi trở về nước và bắt đầu biết văn, nhìn quanh quẩn chỉ thấy một tiền trường trống vắng. Không có bóng dáng nào đáng kể của lớp trước, chỉ có những người đồng trang lứa như Mai Thảo, Doãn Quốc Sỹ, Thanh Tâm Tuyền… thôi. Cũng còn vài người như Nhất Linh, nhưng lẻ loi không tạo được thành nhóm văn chương để sinh hoạt trong môi trường nghệ thuật lúc ấy.

      Chúng tôi đã thành những người chủ động trên văn đàn và chúng tôi rất sợ. Chúng tôi sẽ phải canh tốc độ của mình để có vận tốc thật nhanh. Nhưng vẫn có sự lo lắng bởi rủi ro trong lớp người cầm bút chúng tôi toàn cả những người chạy chậm cả thì sao chạy đua với những người độc cước cả, thì làm sao biết mình khá hay không khá. Bài viết “Nỗi cô đơn của người cầm bút hôm nay” đã ghi chép lại những điều tôi lo âu cho cho thế hệ cầm bút chúng tôi. Trong cuộc chạy đua với những người một chân mà hãnh diện tưởng mình chạy vô địch thì phiền lắm. Vắng những người lớp trước chúng tôi không thể trông vào một đối tượng nào để mình có thể canh tốc độ được. Và như thế, đó là điều luyến tiếc chúng tôi không có những đối tượng để mình có thể ganh đua. Tôi nghĩ rằng tất cả những ai tin tưởng vào công việc làm của mình và yêu thích nó đều thích tranh tài một cách lương thiện thể thao chứ không phải là mong bị tiêu diệt hết đặng chỉ còn lại một mình cho nó sáng lên thì buồn cười lắm. Tôi thâm tâm vẫn mong mỏi có nhiều người giỏi để mình chạy cho bằng hay hơn họ và vẫn nghĩ đó là điều tốt đẹp. Tôi lo lắng thành ra mới viết bài đó.

      Còn bây giờ tình trạng văn học có như thế không thì tôi nghĩ thế hệ nhà văn nhà thơ Việt Nam ở hải ngoại bi đát hơn. Số người cầm bút viết văn vắng mặt thất lạc chắc chắn đông hơn năm 1954 và bây giờ văn đàn ở trong tay họ thì họ càng gặp nhiều gay go hơn để canh cho vừa đúng tốc độ không hơn thì cũng bằng với những người ở thế hệ trước. Với hiện trạng báo chí bây giờ đăng một bài viết một bài thơ quá dễ. Có quá nhiều báo và tạp chí và cũng có nhiều người viết. Ðăng báo xong, nhìn lại những người vắng mặt ngày xưa chúng ta hãy tưởng tượng xem nếu những người thế hệ trước hiện diện ở đây họ đọc những bài chúng ta viết liệu họ có chấp nhận không, có cùng ngôn ngữ tiếng nói không có chung tốc độ chạy không? Những điều ấy mới quan trọng, chứ việc đăng hay không đăng trên báo chí chẳng là vấn đề quan trọng. Tình trạng anh em cầm bút bây giờ bi đát hơn là vĩnh cửu sống trong hoàn cảnh ấy. Hơn thế nữa càng ngày càng thiếu văng người thức giả phán xét văn chương chính xác hơn. Tôi có cảm giác rằng càng về sau càng ít người yêu văn chương của quê mẹ hơn và người viết cũng cảm thấy cô đơn nhiều hơn. Cô đơn ấy là thân phận của người cầm bút lưu vong cô đơn trước thượng đế, trước vũ trụ, cô đơn vì ngộ nhận, vì tình yêu… Nỗi niềm cô đơn ấy thế hệ cầm bút bây giờ phải chịu đựng nặng nề hơn thế hệ của chúng tôi thời kỳ trước năm 1975.


    Nguyễn Mạnh Trinh:
    • Trong văn chương Việt Nam lãnh vực nhận định phê bình văn học dường như không sầm uất và phồn thịnh như lãnh vực thơ và truyện. Riêng anh trước 1975 đã viết những loạt bài đăng trên báo (và sau hình như có in thành sách) như “Một mình một ngựa” hay “Bông hồng cho văn nghệ”. Có nhận xét dùa nghịch là anh cầm thanh long đao cỡi ngựa Xích Thố để làm công việc trừ gian diệt bạo.

      Bây giờ hồi tưởng lại những cảm xúc nhất thời trong không gian thời gian lúc đó anh có ý nghĩ gì? Một cách chi tiết anh có thể cho độc giả biết một vài trường hợp ngộ nhận?


    Nguyên Sa:
    • Nhà văn, khi chấp nhận là người của đám đông thường hay bị chụp mũ ngộ nhận. Người thì bị chụp mũ là không đạo đức, người thì bị áp đặt là Cộng sản, thiên tả…

      Tôi có lúc cũng bị lâm vào trường hợp ấy. Tôi ra Huế chấm thi, về Sài Gòn viết một truyện ngắn về trường thi có cô giáo Huế dễ thương thì bị chụp mũ là gian díu với cô giáo ấy. Dù rằng nhân vật cô giáo ấy hoàn toàn trong tưởng tượng và không có trong thực tế. Chủ đích của tôi khi viết truyện ngắn ấy là muốn phản đối lại cái không khí đạo đức quá chật hẹp chi phối quá mạnh đời sống ở thành phố Huế. Và sự phản kháng chính là tình yêu để đối đầu với sự đè nén bảo thủ. Tôi bị chụp mũ vô đạo đức.

      Khi tôi làm bài thơ Tuổi Mười Ba, Bộ Quốc Gia Giáo Dục gọi lên cảnh cáo vì có nhiều người bảo thế là vô luân. Mười ba tuổi thì biết gì mà yêu với đương. Thực ra bài thơ trên chỉ là tình yêu không dám ngỏ ra, nhiều khi còn có ở trước tuổi mười ba nữa.

      Còn nhiều trường hợp bị chụp mũ nữa, từ vấn đề chính trị đến phương diện văn hóa, từ sinh hoạt văn chương đến công việc báo chí. Phần lớn những người đứng ngoài văn chương hoặc vào văn chương mà không có khả năng dễ có khuynh hướng chụp mũ những người có khả năng. Thơ tự do, lúc mới ra đời cũng bị chửi bới chụp mũ nặng nề là lố lăng, là sản phẩm của những bọn không biết làm thơ. Thơ tự do thực ra rất khó làm và chính ở trong sự không âm điệu lại chứa đựng những âm điệu ngầm chứa rất sáng tạo và quả thực nó không phải là sản phẩm của những người không hiểu luật thơ, không biết về bằng về trắc…

      Ðối với tất cả những điều chụp mũ ấy, thường thường chúng ta có hai phản ứng. Một là thái độ rất Ðông phương không thèm để ý tới và không trả lời không ý kiến. Thứ hai là mình phát biểu với tinh thần thảo luận khiêm tốn thận trọng. Tôi lựa chọn phản ứng thứ hai và tôn trọng người đối thoại để cho họ có cảm giác là đang nói chuyện với một người yêu kính họ. Tôi nghĩ đó là phương cách tạo ra sự thông cảm và giải tỏa được phần nào sự ngộ nhận trong dư luận, Tinh thần nhân bản đó đã thúc đẩy tôi làm công việc ấy chứ không phải là trừ gian diệt bạo.

      Tôi yêu người đối thoại nên mới làm công việc đó mặc dù đôi khi tôi thấy được ác ý của đối tượng ấy. Nếu thấy không khí nóng bỏng nặng nề tôi tạm ngừng sợ rằng mình đi quá đà và trong lòng không thù oán không giận hờn. Tôi nhớ một người trong loạt bài ấy đề cập đến là nhà văn Phạm Công Thiện, có thảo luận trong tương kính. Sau khi sang Mỹ, nhớ lại thời xưa tôi đã làm một bài thơ tặng Phạm Công Thiện (Bài thơ nhan đề là “Nói chuyện phải quấy với Phạm Công Thiện”).


    Nguyễn Mạnh Trinh:
    • Trở lại khoảng thời gian bắt đầu từ năm 1955 khi anh từ Pháp về có lẽ đề tài tình yêu là chính trong thi ca anh. Nhưng bên cạnh đó vẫn có những ý tưởng về thời thế thời sự. Anh có hồi tưởng nào về thời kỳ ấy để độc giả mường tượng được bối cảnh lịch sử của nền văn chương lúc bấy giờ?


    Nguyên Sa:
    • Thực sự đời sống lúc ấy thật đẹp. Thành phố Sài Gòn không có xe hơi nhiều, loại xe hơi như 2CV là đẹp là chiến rồi. Tôi đi dạy học bằng xe đạp, 6 tháng sau khi trở về nước tôi mua được chiếc xe gắn máy hiệu Capri. Một hôm trời mưa to tôi đi ngang qua bưu điện ở đường Hai Bà Trưng tôi trú mưa leo lên cửa sổ đứng. Cửa sổ cao lắm không có chắn hồi trẻ tôi còn khỏe mạnh nên nhảy vọt lên được và đứng ngắm cảnh rất là thú vị. Hoặc khi trời mưa xe bị chết máy tôi đẩy xe thật nhanh để nổ máy rồi vọt đi, những kỷ niệm nhỏ ấy làm tôi vẫn nhớ Sài Gòn.

      Cuộc đời thuở ấy thật đẹp đối với một người từ hải ngoại về. Tôi nhìn mọi sự việc rất lạc quan vì cuộc sống không có gì gay go. Buổi sau giờ học, lúc ra chơi, tôi ra sân đá bóng với học trò và bị cụ hiệu trưởng Vũ Ngô Xán gọi lên cảnh cáo. Giờ chơi phải ngồi trong phòng giáo sư không được ra sân đá bóng lung tung beng như thế. Tôi ăn thịt bò khô ở ngoài sân trường, rất khoái nhưng bị cảnh cáo. Tôi sống một cuộc sống tự do như thế học trò rất thích nhưng bị phê bình là đi quá khoảng cách cần thiết có giữa học trò và thầy giáo như khoảng cách cần thiết có giữa binh si, hạ sĩ quan và sĩ quan. Nhà trường cũng quan niệm y hệt như quân đội phải có sự phân biệt đâu ra đó mới dễ chỉ huy. Nhưng vì tôi không quan niệm như vậy và sống như vậy.

      Còn hỏi cái gì gây ra xúc động nhiều ngoài tình yêu tôi thấy không có. Sau năm 1954, trận Ðiện Biên Phủ mới chấm dứt chiến tranh xong và hội nghị Genève chia đôi đất nước. Ở miền Nam tình hình an ninh êm mả không có phá đường không có phục kích. Hai bên tương đối tôn trọng hiệp ước Genève. Ban đêm có thể lái xe một mình đi Vũng Tàu, Tây Ninh mà không áy náy lo sợ. Ðồng bạc rất có giá trị lương thầy giáo thừa sinh sống. Một buổi sáng Chủ Nhật đi chơi ăn phở tiêu pha các thứ mà không tốn quá hai chục bạc mà lương tháng của mình tới hơn bốn ngàn đồng. Kinh tế thì đang phát triển tốt đẹp và năm 1956 không nghe ai chỉ trích chính phủ bao giờ. Chính phủ Ngô Ðình Diệm và các đảng phái đối lập còn trong vòng trăng mật.

      Tình hình chính trị nội bộ sau căng thẳng hơn. Năm 1960 chiến tranh mới bắt đầu động viên trở lại trong lúc năm 1956 thì cho quân đội giải ngũ. Tôi lúc ấy còn trẻ, mới 24 tuổi nên thời thế đối với tôi khá đơn giản. Hơn nữa tôi không phải là người am hiểu về chính trị lúc đó nên không biết rằng trên mặt nước êm ả còn có nhiều đợt sóng ngầm. Vì sống trong sự an tâm như vậy thời sự lúc ấy tôi không để ý nhiều lắm…






    Nguyễn Mạnh Trinh.

    http://vietluan.com.au/hai-muoi-nam-van ... nguyen-sa/
Trả lời

Quay về “Nguyễn mạnh Trinh”