Giáng Sinh – Kỷ niệm thơ và nhạc

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Giáng Sinh – Kỷ niệm thơ và nhạc

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Giáng Sinh – Kỷ niệm thơ và nhạc




    Nguyễn Mạnh Trinh (NMT): Hôm nay thời tiết đã vào mùa đông và lòng người cũng như ảnh hưởng theo. Chúng ta lại có thêm một Giáng Sinh ở xứ người và hình như bất cứ ai trong chúng ta đều có những nỗi niềm riêng tư, những kỷ niệm không quên về thời điểm ấy. Từ quê nhà sang đến xứ người, trong tâm tư dồn chứa bao nhiêu điều tích lũy, có khi muốn nói mà chưa diễn tả hết. Cũng may, chúng ta còn có những nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ, cảm chung nỗi niềm và dùng nốt nhạc, câu thơ, lời văn để chia sẻ với chúng ta. Những lần trước, chúng tôi trong mục Tản Mạn Văn Học đã nói về những dòng nhạc, những bài thơ, những truyện ngắn và tác giả của nó qua chủ đề Giáng Sinh. Thật khó mà lột tả hết được những tâm tư của người Việt Nam xa xứ, với tấm lòng sùng kính tin tưởng vào những đấng tối cao luôn che chở bảo bọc con người vượt qua được những chông gai hiểm trở của dòng đời. Qua văn chương, tôn giáo không những chỉ có sự cứu rỗi mà còn có tính thiết thực của niềm tin khi con người nhiều khi lâm vào cảnh cùng đường tận lối. Mà, với dân tộc Việt Nam và thời thế Việt Nam thì chuyện đối diện với hiểm họa nguy nan là chuyện bình thường của một đất nước chiến tranh và một thời thế xoay chuyển đến tận cùng cuộc sống.

    Nhã Lan (NL): Với chúng tôi, Nguyễn Mạnh Trinh và Nhã Lan, ngày Giáng Sinh đã để lại nhiều kỷ niệm mà mỗi khi thời tiết giao mùa với những cơn gió lạnh thổi về lại nhắc nhở trong tâm. Với anh Nguyễn Mạnh Trinh, những ngày Giáng Sinh trong đời đã để lại dấu ấn trong những bài thơ anh đã làm. Những câu thơ ấy, không biết có hay có gợi cảm không thì Nhã Lan không biết nhưng chắc chắn một điều là những cảm giác chân thực của một người đã trải qua và đã sống với. Còn với Nhã Lan, thì ngày Giáng Sinh cũng nhắc Nhã Lan đến những bản nhạc không thể nào quên trong đời. Khi còn ở trong nước, nôn nao chờ ngày lên đường vượt biên hay ngày chúa ra đời ở ngôi nhà thờ trên đảo Galang hoặc ngày chị em đoàn tụ của Giáng Sinh đầu tiên xứ người, tất cả với những bài thánh ca đã nghe, đã hát, đã lắng sâu trong cầu nguyện và thành một kỷ niệm luôn ghi khắc trong đời.

    Thưa anh Trinh, hôm nay chúng ta nói chuyện về thơ, văn, nhạc nhân ngày Giáng Sinh. Nhã Lan là một tín đồ Thiên Chúa giáo, thành ra ngày Giáng Sinh với Nhã Lan có ý nghĩa thiêng liêng lắm. Còn anh Trinh, là người theo đạo ông bà thì ra sao? có cảm nghĩ gì về ngày lễ Noel Thiên Chúa ra đời?

    NMT: Ðúng tôi là một người như phần đông mọi người Việt Nam theo đạo thờ cúng ông bà. Nhưng, với tôi ngày Giáng Sinh cũng có ý nghĩa khá trang trọng.

    Với đại đa số dân chúng, coi như một ngày lễ lớn của dân tộc và đó là một nét văn hóa đẹp, Ngày lễ Noel như một ngày lễ của tất cả mọi người không phân biệt tôn giáo. Trong sinh hoạt xã hội và cả sinh hoạt về văn học, ngày lễ ấy có một vị trí rất quan trọng. Mặc dù Thiên Chúa Giáo mới du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ 19 cho tới nay, nhưng lễ Giáng Sinh đã trở thành một ngày lễ nhân gian của cả nước. Và riêng với tôi, thì có ý nghĩ rằng tôn giáo nào cũng tốt cũng dạy người ta làm việc thiện và điều phải nên những ngày lễ hội là những ngày nhắc nhở tất cả mọi người đi trên con đường tu thân tu tập ấy.

    NL: Thời điểm này là thời điểm của nhạc Giáng Sinh. Ở khắp nơi đều vang vang những bản nhạc quen thuộc. Nghe nhạc, biết là mùa Giáng Sinh về. Anh Trinh có thể liệt kê những bản nhạc ấy?

    NMT: Ðáng lẽ Nhã Lan phải là người trả lời câu hỏi này. Làm xướng ngôn viên, phát thanh cả hàng trăm chương trình nhạc chủ đề Giáng Sinh hoặc nhạc do thính giả yêu cầu rồi mà lại “bán cái” cho tôi. Nhưng không sao, trong cái trí nhớ khá hạn chế của tôi thì xin kể:

    Về nhạc ngoại quốc hay thánh ca Giáng Sinh quen thuộc với ngưới Việt Nam thì White Christmas, Holy Nights, Santa Claus is coming to town, Jingle Bells, Feliz Navidad, The Little Drummer Boy, Ave Maria… Còn nhạc Việt thì nhiều lắm. nào Ðêm Thánh Vô Cùng, Ðêm Ðông Lạnh Lẽo Chúa Sinh Ra Ðời, Mùa Sao Sáng, Chiều Bên Giáo Ðường, Kinh Chiều, Bài Thánh Ca Buồn, Tà Áo Ðêm Noel… Còn nhạc phổ từ thơ thì Tha La Xóm Ðạo, Mimosa Thôi Nở, Nguyện Cầu, Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím,..

    Nhã Lan có thấy không khí của Giáng Sinh trong ngần ấy những bài hát không? Trên truyền hình, trên đài phát thanh, trên những chương trình DVD, CD… hay trong quán cà phê, trong các thương xá,mọi nơi mọi chỗ, không khí Giáng Sinh tràn đầy trong những dòng nhạc ấy.

    NL: Có một bản nhạc Giáng Sinh nào gây cho anh cảm xúc khi chợt nghe lại những ngôn ngữ đã một thơì không quên ấy không?

    NMT: Với tôi có một bản nhạc Giáng Sinh nhiều liên hệ quan trọng đến thời sự Việt Nam. Nhắc đến bài hát ấy, là nhắc đến những ngày tháng không thể nào quên của cuộc chiến Việt Nam. Chúng tôi muốn nói đến bản nhạc White Xmas của nhạc sĩ Irving Berlin được phát trên hệ thống truyền thanh Hoa Kỳ ngày 30 tháng tư năm 1975 như một mật hiệu để bắt đầu cho chiến dịch Frequent Wind để di tản bằng không vận tất cả những người Mỹ ra khỏi Việt Nam. Sau khi đại sứ Martin tỏ ý muốn dời lại thời giờ di tản thì Bộ Trưởng Ngoại Giao Henry Kissinger ba phút sau ra lệnh phải thực hiện ngay và bản nhạc như một mật hiệu khởi đầu.

    NL: có phải bản nhạc có những câu câu như:

    • “The sun is shining, the grass is green
      The Orange and palm trees sway
      There’s never been such a day
      In Beverly Hills, L.A.
      But it’s December the twenty-fourth-
      And I am longing to be up North”


    Và bản tạm dịch như sau:

    • “Mặt trời rực rỡ, đồng cỏ xanh non
      những cây cam và cây cọ đong đưa
      Không bao giờ là ngày đó
      ở Beverly Hills, Los Angeles
      Nhưng là ngày 24 tháng mười hai
      Và tôi ước ao ngược lên phương Bắc..”


    Nhạc sĩ Irving Berlin đã viết bản nhạc này như thế nào?

    NMT: Có rất nhiều tài liệu nói về thời gian và nơi chốn mà nhạc sĩ đã sáng tác ra bản nhạc này. Một tài liệu thì nói rằng ông đã sáng tác nhạc ở bên bờ hồ tắm của khách sạn Baltimore ở thành phố Phoenix tiểu bang Arizona năm 1940. Ông đã sáng tác bản nhạc này suốt một đêm và đã nói với người thư ký riêng của mình “Giật đi cây bút của anh và đóng lại bản nhạc. Tôi thực sự đã viết một bản nhạc hay nhất trong số những bản đã viết – nhưng, tôi đã viết một bản nhạc tuyệt vời nhất so với những bản nhạc của bất cứ một nhạc sĩ nào.” Và với chúng ta, những người Việt nam, có phải bản nhạc này đã đánh dấu những ngày bi thảm nhất của cuộc chiến không? Một bản nhạc Giáng Sinh lại có một liên hệ với lịch sử !!!

    NL: Có một bài thơ nào của anh viết về những ngày Giáng Sinh ở Sài Gòn khi Cộng Sản Bắc Việt đã chiếm trọn được miền Nam?

    NMT: Tự biên tự diễn về mình là một điều không nên. Nhưng dù sao đây là kỷ niệm thực của mình nên “liều mạng” đọc và biết đâu có những người cùng cảnh ngộ lúc ấy chia sẻ.

    Tôi nhớ lại Sài Gòn những ngày của năm 1979. Thành phố của hoang tàn, của những dãy phố im lìm trong đêm tối khi bị cúp điện từng vùng. Thành phố của những căn nhà bị niêm phong khi chủ của nó vượt biên hay bị đuổi đi vùng kinh tế mới. Sài Gòn của ngăn sông cấm chợ, của đổi tiền hai ba lần, của những đêm tối đe dọa tiếng xét hộ khẩu tiếng bắt giam người vô tội. Sài Gòn, thành phố của đêm đen và bóng tối…

    Thế mà đêm Giáng Sinh, cả Sài Gòn xuống đường. Bạo lực cũng không ngăn được tiếng thánh ca và nhạc Giáng Sinh. Khu vực từ Chợ Bến Thành đến bến Bạch Ðằng đặc cứng những người. Họ ra đường, mặc quần áo đẹp, để như người con gái xanh xao sửa lại nhan sắc cho bớt tang thương cho vơi đi buồn nản. Tôi ở trong đám đông, đứng bên hang đá ở Vương Cung Thánh Ðường, cầu nguyện cho một chuyến ra đi. Hình như tôi thấy hình tượng Chúa bị đóng đinh trong thánh giá khổ nạn xa xưa và tôi thấy thân phận Việt Nam thấp thoáng. Thành phố vẫn đỏ khé mầu cờ, nhưng là những ngọn cờ chết không lay động theo gió. Những người dân thành phố, trong đêm thánh, tưởng như mình mang trên đầu mão gai buốt lạnh của sự hành xác. Mọi người xuống đường mang trái tim của tình thương làm vũ khí chống lại bạo tàn. Tôi tìm lại bước đi của chúng tôi của những năm trí nhớ. Tôi trốn vào trong đám đông che tông tích để như giòng sông tìm về biển mẹ. Nếu có một lúc nào nhớ lại, thì làm sao quên những buổi tối mất điện, bên ngọn đèn dầu vặn nhỏ leo lét sáng với những khuôn mặt buồn thiu quanh sạp bán thuốc lá lẻ, những câu chuyện thầm thì của những cuộc sửa soạn ra đi. Sài Gòn, ban đêm tuy tăm tối nhưng đợi một bình minh của chuyến khởi hành ra khơi thách đố cùng thiên tai và nhân họa.

    Nhã Lan đọc giùm bài thơ được không?

    NL: Bài thơ Giáng Sinh ở Sài Gòn.

    • Hãy xuống đường và mặc áo mới.
      Chiếc áo ngày chúa bị đóng đinh
      Còn khô vệt máu
      Hãy xuống đường và xưng tội
      Thân phận Việt Nam.
      Âm như dao sắc
      Thánh ca xoáy tròn
      cấu da nỗi đau có thực.
      Giáng Sinh ở Sài gòn
      Con phố không còn gió
      Ngọn cờ ủ ê.
      Lặng lẽ.
      Giáng Sinh ở Sài Gòn
      Thắp trong mắt mỗi người ngọn nến nửa đêm
      Ðầu mang vòng gai buốt
      Hân hoan hành xác mình
      Giáng Sinh ở Sài gòn.
      Mọi người ùa ra đường
      Cầm trái tim
      Làm vũ khí.
      Lời đồng dao của quỉ
      Bắt đầu chuông báo tử mùa xuân.
      Hát cho rõ tiếng guốc nàng.
      Hai mươi năm trẻ dại
      Hát và thở ký ức chàng
      Thác reo lũng gió
      Hát và vỗ tay thế kỷ chúng ta.
      Khúc hoan ca thinh lặng
      Hát và long lanh hạt lệ
      Giáng Sinh ba mươi năm trí nhớ.
      bây giờ nửa đêm
      phơi khô dây hạnh phúc
      ngọn nắng phai phai
      ru tôi tóc sợi.
      Bây giờ ở Sài gòn
      Tôi trốn vào đám đông
      Mặt nạ che tông tích
      Tự hỏi có phải là dòng sông
      Trôi qua những ấu thơ tinh nghịch
      Cánh cửa khuya đóng lại bình minh.
      Giáng Sinh ở Sài gòn
      nhớ ly cà phê gạo rang đắng chát.
      Cho cũ một ngày.
      Ngọn đèn dầu nhỏ tăm tối
      Sao không thắp hỏa châu
      Sân ga không tàu đợi
      Giáng Sinh ở Sài gòn.
      Ngực khan đám đông đau
      Than vừa ngún
      Bếp đỏ lửa rồi bè bạn ta ơi
      Giáng Sinh ở Sài gòn
      Sống lại chính chúng ta
      Hàng hàng lớp lớp
      Tôi phục sinh, anh phục sinh
      Từ dòng máu giọt


    NL: Có một bài thơ được phổ nhạc cũng nói về một mối tình đêm Noel. Và mỗi mùa Giáng Sinh lại được hát như một tình khúc của dang dở. Anh Trinh biết bản nhạc và bài thơ này không?

    NMT: Bài thơ ấy của nhà thơ Nhất Tuấn trong tập Truyện Chúng Mình như một câu chuyện kể lại bằng thơ, rất mộc mạc nhưng lại gần gũi với cuộc đời thường. Cũng là chuyện một chàng trai quỳ bên tượng chúa cầu nguyện cho có được giai nhân cùng mình chung sống đến cuối đời. Nhưng lại là cuộc chia phôi. Vì người tình đã bỏ đi. Thơ man mác, tuy chỉ buồn thôi và vắng giọt nước mắt. Thơ nén trong tim những nỗi buồn bằng ngôn ngữ đơn sơ..

    • “Con quỳ lạy Chúa trên trời
      để cho con thấy được người con yêu
      đời con đau khổ đã nhiều
      kể từ thơ dại đủ điều đắng cay
      số nghèo hai chục năm nay
      xây bao nhiêu mộng trắng tay vẫn nghèo
      mối tình đầu chót bọt bèo
      vì người ta thích chạy theo bạc tiền
      âm thầm trong mối tình điên
      cầm bằng Chúa định nên duyên bẽ bàng
      bây giờ con gặp được nàng
      không giàu, không đẹp không màng lợi danh
      chúng con hai mái đầu xanh
      chắp tay khấn nguyện trung thành với nhau
      thề nhau sóng gió bể dâu
      để yêu… trước cũng như sau… giữ lời
      Người ta lại bỏ con rồi
      Con quỳ lạy Chúa trên trời thương con”


    NL: Mỗi lần khi Giáng Sinh về, nghe lại bản nhạc ấy, tự nhiên Nhã Lan lại nghĩ tới một người bạn cũng có một mối tình dang dở như vậy. Nhã Lan là con chim xanh của hai người và cũng là người trong đêm Noel thấy những giọt lệ của người bạn khóc cho giấc mơ tình yêu không trọn. Người bạn ấy, ở trong nhóm của Nhã Lan ở Sài Gòn, đã từng quỳ bên hang đá cầu nguyện đã từng tay trong tay một mối tình nồng nàn tuổi trẻ. Nhưng người con trai đã đi vượt biên với gia đình của một người con gái có ghe ở Vũng tàu. Và nàng ở lại, mỗi lần đến mùa Giáng Sinh nghe lại bản nhạc cũ vơí lòng đau xót vô cùng…

    Nhưng thôi, buồn quá. Ðổi đề tài đi. Thi ca là nghề của anh. Nhưng Giáng Sinh thì còn phải có nhạc mới đủ lệ bộ. Anh nghĩ sao về kỷ niệm với thánh ca và với nhạc Giáng Sinh?

    NMT: Tôi biết Nhã Lan là một tín đồ Công giáo thuộc đạo gốc và có niềm tin tôn giáo rất mạnh mẽ. Hơn nữa cô là người đã sinh hoạt trong các ca đoàn từ thuở bé và trên phương diện truyền thông là người xướng ngôn viên đã lựa chọn và thực hiện nhiều chương trình nhạc Giáng Sinh đặc sắc. Như vậy, thì tôi biết rằng cô có rất nhiều kỷ niệm với dòng nhạc Giáng Sinh này. Tôi hỏi ngược lại cô. Nhã lan có ý nghĩ gì về những bản nhạc Giáng Sinh của kỷ niệm mình?

    NL: Từ khi còn ở trong nước là một cô bé ngây thơ đến lúc trưởng thành định cư và sống ở hải ngoại, tôn giáo luôn là niềm tin thiêng liêng của Nhã Lan và là một động lưc giúp cho Nhã Lan có đủ tinh thần và đủ sức vượt qua được những khắc nghiệt và trở ngại của cuộc đời mình. Mỗi lần đến lễ Giáng Sinh, nghe những bản nhạc, tự nhiên trong lòng thấy nao nức một tâm cảm nào khá lạ. Dường như có một sự phù trợ nào khiến mình đứng vững được trong cuộc sống. Ngay cả trong khi bị bệnh tật, khi xem lễ hay cầu nguyện, vẫn có một niềm tin vào ngày mai. Những nốt nhạc hay những câu ca, có lúc không phải của riêng đời sống hiện hữu này, mà còn vang vọng trong nỗi niềm linh cảm bao la của Nhã Lan.

    NMT: Tản Mạn văn học kỳ trước, Nguyễn Mạnh Trinh và Nhã Lan nói về những bài thơ kỷ niệm. Bây giờ, là tới phần kỷ niệm của Nhã Lan về nhạc Giáng Sinh, một đề tài mà tôi nghĩ khán thính giả sẽ được nghe những suy nghĩ riêng tư của Nhã Lan có vẻ hơi cá nhân nhưng lại có nhiều điểm tương đồng với suy nghĩ và đời sống của nhiều người trong chúng ta.

    Chúng ta có cùng cảnh ngộ của những người bị ảnh hưởng của thời thế mà trôi dạt ra tới hải ngoại. Ở trong nước, thì lưu vong trong chính đất nước, xã hội mình. ở lại, không có tương lai. Mà ra đi vượt biên thì là cả một cuộc mạo hiểm phó thác tính mệnh cho Trời Ðất và các bậc thiêng liêng trên cao. Rồi khi sang tới xứ người, thân phận người lưu lạc, làm lại cuộc đời với hai bàn tay trắng. Ðời sống ấy, tâm tư ấy có lẽ là của chung người tị nạn Việt Nam,

    NL: Nhã Lan là một tín đồ Thiên Chúa Giáo. Với đức tin của mình, trong cuộc đời đã có những phù hộ thiêng liêng để vượt qua những khó khăn của mình.

    Trước khi vượt biên, sống với cha mẹ và gia đình ở Sài Gòn, như những gia đình mà chế độ mới gọi là “ngụy” đã phải chịu đựng những đe dọa nặng nề cả về phần sinh hoạt đời thường lẫn đức tin tôn giáo. Mọi người dân thành phố Sài Gòn (bị đổi tên là thành HCM) là đối tượng cho một chính sách trả thù tàn độc. Sau hai lần đổi tiền, là một phương cách bóc lột để dân chúng nghèo đi. Rồi kế hoạch đánh tư sản rồi chuyện ngăn sông cấm chợ, kinh tế èo uột vì các ngành kỹ nghệ không có nguyên liệu lại không đủ chuyên viên và nhân viên kỹ thuật. Công an kiểm soát chặt chẽ người dân, tất cả những sĩ quan viên chức chế độ cũ bị bắt giam mang đi biệt tích. Thanh niên mới lớn thì nào chế độ nghĩa vụ quân sự cho phía nam và nghĩa vụ lao động cho phái nữ. Học đường thì với chính sách hồng hơn chuyên, thay môn công dân giáo dục bằng môn đạo đức xã hội chủ nghĩa. Tóm lại, mọi người dân miền Nam lúc đó phải chịu đựng một tai nạn ghê gớm có nhiều khi độc hại hơn chế độ diệt chủng. Hoàn cảnh ấy khiến một phong trào vượt biên tìm lẽ sống như một kế sách cuối cùng của những người dân bị dồn vào đường cùng. Câu mà người dân Sài Gòn thường nói là nếu cây đèn đường mà biết đi thì cũng phải tìm đường vượt biên hoặc truyền miệng: “Vượt biên một làm mồi cho cá, hai là má nuôi, ba là nuôi má" nghĩa là một là chết, hai là bị tù cho má nuôi và ba là thành công gửi tiền về nuôi má.

    NMT: Tôi trong thời gian ấy cũng ở Sài Gòn với thân phận một tù cải tạo vừa mới “ra trại”. Cho nên rất rành chuyện mà Nhã Lan kể. Nhưng trường họp của cô, thì chuyện vượt biên ra sao và có kỷ niệm gì đáng nói?

    NL: Gia đình Nhã Lan là đạo gốc nên thường xuyên hàng tuần đi lễ nhà thờ để cầu nguyện. Và Nhã Lan cũng gia nhập các đoàn thể như Thiếu Niên Thánh Thể và cũng tập hát ở ca đoàn hoặc đọc kinh Thánh để giúp cho các cha làm lễ. Gần nhà của Nhã Lan có hai nhà thờ. Một là nhà thờ Bắc Hà ở đường Lý Thái Tổ và một là nhà thờ Vinh Sơn ở đường Trần Quốc Toản đối diện với Viện Hóa Ðạo cũ. Gia đình Nhã Lan thường đi lễ ở nhà thờ Vinh Sơn và riêng Nhã Lan thì cũng đi tập hát ở ca đoàn này.

    NMT: Nhà thờ Vinh Sơn? Có phải là cha xứ ở nhà thờ này bị bắt trong vụ công an tấn công vào nhà thờ ?

    NL: Theo báo chí lúc đó và loa tuyên truyền của phường thì mô tả đây là một cuộc bạo loạn của những người thuộc chế độ VNCH chống lại chính quyền Cộng Sản đang cai trị. Nhưng, Nhã Lan nghe những tin đồn lúc ấy thì đây là một cuộc dàn cảnh của công an để triệt hạ tôn giáo. Nhà thờ Vinh Sơn sau biến cố bị tấn công ấy, số tín đồ đi xem lễ thưa thớt thấy rõ vì mọi người sợ những tai bay vạ gió. Công an thành phố, công an quận, công an phường và cả công an khu vực thường xuyên tra xét hạch hỏi những tín đồ đi xem lễ và ghi vào sổ đen tên tuổi những người này. Lúc ấy, Nhã Lan là một thiếu nữ trong ca đoàn nhưng cũng bị để ý và hăm dọa. Có lần cả ca đoàn gồm mười mấy anh chị em đang tập hát với cha Minh thì bị công an hạch hỏi, đòi bắt giam tất cả về phường vì tội tụ họp bất hợp pháp. Cha Minh là một linh mục trẻ, tính tình điềm đạm nhưng cũng rất cương quyết, khiếu nại lên ban tôn giáo quận và rốt cuộc thì chỉ bị cảnh cáo thôi chứ không bị giam cầm…

    Cha Minh bị bắt sau này vì đã làm lễ ngày Giáng Sinh cho tín đồ mà không xin phép chính quyền địa phương. Sau khi làm lễ Giáng Sinh xong, ông bị bắt và ghép tôi phản động chống lại chính quyền nhà nước.

    NMT: Có phải cha Minh là Linh mục Nguyễn Quang Minh trong vụ án nhà thờ Vinh Sơn không? Theo những tài liệu được phổ biến thì tổ chức Dân Quân Phục Quốc mà người đứng đầu là ông Nguyễn Việt Hưng, một thiếu tá QLVNCH và cố vấn là Luật sư Nguyễn Khắc Chính ra tuyên ngôn gồm 11 điểm, định rõ quốc hiệu, quốc kỳ, quốc ca, dự định thành lập chính quyền phục quốc và kết hợp các quân nhân của QLVNCH thành lập lực lương vũ trang, in và rải truyền đơn và in tiền giả để có phương tiện tài chánh cho các hoạt động yểm trợ. Ngày 10 tháng 2 năm 1976, thủ lãnh Nguyễn việt Hưng bị bắt và đêm 12 rạng ngày 13 tháng 2 sau thì nhà thờ Vinh Sơn bị bao vây và tấn công bắt đi cha Nguyễn Hữu Nghị và Nguyễn Xuân Hùng (tức Ali Hùng, người bị gán tội là bắn chết một cán bộ công an của thành phố Sài Gòn) và hai người nữa. Còn Cha Nguyễn Quang Minh và Luật sư Nguyễn Khắc Chính thì bị bắt về sau.

    NL: Nhã Lan là một nhân chứng cho những người dân ở lân cận bị lo sợ bởi một chính sách khủng bố tinh thần của chính quyền và công an. Gia đình Nhã Lan thấy không thể nào tiếp tục sống ở Sài Gòn được nên tính chuyện vượt biên, xé lẻ từng người theo ưu tiên cần thiết. Ðầu tiên là người anh, trong tuổi nghĩa vụ quân sự đi trước qua ngã đường bộ ở Cam pu Chia rồi sau đó mới lần lượt đến Nhã Lan và người anh rể.

    Noel năm 1978 là chuyến đi đầu của anh trai Nhã Lan. Cả gia đình đang nóng lòng chờ đợi tin tức nhưng vẫn tổ chức trong nhà lễ nửa đêm trang trọng coi như một lễ cầu nguyện thiêng liêng để cầu an bình cho gia đình. Vì lúc đó, chính sách của Cộng sản là “rối đạo phá đời” nên không có lễ Giáng Sinh và một ông cha quốc doanh về làm cha xứ thay linh mục Nguyễn Quang Minh bị bắt, đã tuân hành mọi chỉ thị lệnh lạc của chính quyền địa phương và mọi sinh hoạt tôn giáo bị giới hạn. Không còn ca đoàn tập hát Thánh ca và tín đồ xem lễ cũng thưa thớt vắng vẻ.

    NMT: như vậy đêm Noel ở nhà của Nhã Lan chắc đặc biệt lắm?

    NL: Ở nhà cũng có hang đá Noel, cũng có nhạc Giáng Sinh, nhưng hang đá thì nhỏ và nhạc Thánh ca cũng nhỏ tuy réo rắt trong lòng. Nhã Lan vẫn nhớ bài Cao Cung Lên trong đêm hôm ấy như một kỷ niệm không quên. Hai cha con Nhã Lan bên hang đá nhỏ xíu đơn sơ, nghe tiếng nhạc của nhạc sĩ Hoài Ðức tức linh mục Lê Ðức Triệu, thầm thỉ bên tai, để thấy một niềm tin tưởng vô biên trong chuyến ra đi sắp tới. Chúa đã truyền cho hai cha con Nhã Lan sự mầu nhiệm linh thiêng. Nguyên do là trong gia đình thì cha mẹ Nhã Lan đã có ý hướng khác nhau về chuyện vượt biên. Cha Nhã Lan thì chủ trương chỉ cho con trai đi thôi vì sợ bị đi nghĩa vụ quân sự. Còn Nhã Lan là con gái thì ở lại với cha mẹ bởi vì nghĩa vụ lao động đi thanh niên xung phong chưa gắt gao lắm. Nhưng mẹ Nhã Lan thì cương quyết phải cho cả gia đình lần lượt vượt biên để tránh khỏi cảnh sống khổ sở mất tương lai hiện tại. Sở dĩ cha Nhã Lan có ý hướng như vậy vì thương con gái ốm yếu sợ không chịu nổi sự khổ sở nhạc nhằn khi vượt biên bằng đường bộ qua Cam Pu Chia đến biên giới Thái lan. Còn Nhã Lan, thì có nhiều bạn bè cùng trang lứa đã vượt biên thành công tạo sự nao nức qua những bức thư gửi về. Không ngờ cho đến ngày Giáng Sinh này thì cha Nhã Lan lại đổi ý. Mỗi lần nghe bài hát Cao Cung lên là Nhã Lan lại xúc động nhớ đến tình cha yêu con bao la, và nhớ đến ơn Chúa Trời đã thay đổi đời mình.

    NMT: Ðược biết nhạc sĩ Hoài Ðức tức Linh mục Lê Khắc Triệu (1922-2007) đã bị giam tù 10 năm từ 1977 đến 1987 qua các trại tù ở Tân Kỳ (Hà Tĩnh) Phú Sơn (Bắc Thái) và Thanh Cẩm (Thanh Hóa). Ông đã sáng tác nhiều bản nhạc được gọi là những “ca khúc thầm” viết trong tù như Cho Đến Bao Giờ, Con Thức Trông Cậy Chúa, Hỏi Toàn Cầu, Lạy Chúa Ðừng Trách Mắng Con, Nếu Chúa Không Ơn Lại, Ngồi Bên Bờ Sông Babylon. Hầu hết là những bài thánh ca hay Thánh Vịnh hợp xướng. Riêng bản nhạc Cao Cung Lên là tác phẩm rất giá trị, vượt thời gian không gian như nhạc sĩ Duy Tân đã nhận xét: “tác phẩm có những dòng giai điệu như ‘điểm trúng huyệt đạo cảm xúc’ của giáo dân khiến nhiều người hát tưởng như từ chính lòng mình phát ra. Ðó là đỉnh điểm cao nhất của nghệ thuật sáng tác”.

    NMT: Ðó là kỷ niệm của Nhã Lan với bài Cao Cung Lên. Còn bài hát nào là kỷ niệm của cuộc đời Nhã Lan ?

    NL: Vượt biên tới Thái Lan rồi Nhã Lan được vào sống ở trại Sikiew rồi đến đảo Galang Indonesia năm 1980. Tới Galang, tinh thần thấy phấn chấn hơn và đời sống cũng dễ chịu hơn. Ban ngày đi học Anh ngữ, mỗi tuần nhận được một bao nylon lương thực do Cao Ủy Liên Hiệp Quốc phát đầy đủ gạo, thịt hộp và các túi gia vị nên cũng đủ ăn. Những người có gia đình ở ngoại quốc gửi thư bảo đảm kèm đô-la ở trong thì đời sống đầy đủ sung túc hơn. Nhã Lan đã có một đêm Giáng Sinh đầy kỷ niệm ở Galang trong đời mình. Mỗi lần nghe bản nhạc Hang Bê Lem, một bản nhạc Giáng Sinh quen thuộc của nhạc sĩ Hải Linh là Nhã Lan lại thấy rộn rã và nhớ đến kỷ niệm dễ thương của đời mình.

    NMT: Có phải bản nhạc hang Bê Lem này được nhạc sĩ Hải Linh điều khiển Hội Ca Vịnh Nhà Thờ Chánh Tòa Phát Diệm hợp xướng và trình diễn lần đầu tiên năm 1945 không? Và bài hát này đã thành bất tử như nhận xét của linh mục Kim Long: “Có thể nói đêm Giáng Sinh mà không hát “Hang Bê Lem” của Hải Linh thì thấy thiếu một cái gì đó vì nó có âm hưởng riêng và diễn tả được tâm tình của con người phải có khi đón chờ Chúa, gặp gỡ Chúa trong đêm hồng phúc.”

    NL: Ðể Nhã Lan kể lại kỷ niệm đẹp của mình qua bản nhạc Hang Bê lem và đêm Giáng Sinh ở Galang. Ðời sống của người tị nạn cứ đều đặn trôi trong sự đợi chờ ngày đi định cư và sự chán nản vô vị ấy cũng bớt đi khi mọi người tị nạn trên đảo chờ đợi những ngày Giáng Sinh và đầu năm tết nguyên đán. Riêng Nhã Lan là một tín đồ Công Giáo nên sự đón chờ càng nôn nao hơn. Là thiếu nữ nên cũng biết làm đẹp nên mang chiếc áo dài mang theo khi vượt biên ủi thẳng băng bằng cái bàn ủi có đầu con gà ở trên cũ kỹ. Một chị lớn tuổi hơn hình như có một tình ý với ai đó mà chưa tiện hẹn hò nên rủ Nhã Lan đi xem lễ vọng nửa đêm. Mọi người đi như chảy hội trên đường lên nhà thờ ở trên đỉnh đồi cao ngất và không khí vui tươi chan hòa trên các khuôn mặt đang mỏi mòn chờ với đợi.

    Chắc anh Trinh cũng đã ở đảo Galang nên cũng biết phong cảnh nên thơ của nhà thờ Galang. Tuy được xây cất bằng vật liệu nhẹ nhưng có nhiều công sức của giáo dân trên đảo nên cũng tạo được một vẻ hùng vĩ mà lãng mạn cho toàn cảnh của thánh đường. Ðuờng đi lên nhà thờ có những bậc thang có tay vịn, tấp nập người dự lễ. Những tà áo dài tung bay trong gió đêm. Những bộ quần áo đẹp nhất của người trên đảo dự trù cho ngày ra đi định cư được đem ra mặc. Những thướt tha yểu điệu. Những đôi mắt âm thầm lời hẹn hò. Trong ánh sáng rừng rực của hàng đuốc tre tự tạo bằng cây quấn giẻ tẩm dầu hôi mà hàng tuần được Cao ủy phát để đun bếp nấu ăn. Mọi người nao nức trong tiếng hát Giáng Sinh cao vút. Trong khung cảnh ấy, bên cạnh người chị đang lúng túng đi kiếm người mà chị có tình ý, Nhã Lan vô tư hơn, nghe tiếng nhạc như mở hội trong lòng mình. Dường như Nhã Lan như nghe tiếng nhạc sĩ Hải Linh phát biểu: “Tôi phải thú nhận rằng tôi không có sáng tác gì cả vì chỉ có một Ðấng Tạo Hóa tối cao mới thực sự sáng tác mà thôi. Còn tôi cũng như bao nhiêu người khác thì không dám nói là mình sáng tác. Tôi chỉ có “sàng tạc” được một đôi bài. Sàng là sàng qua lọc lại, tạc là dựa vào một mô thức đã có sẵn để chế biến …như người tạc tượng vậy.” Bắt chước lời tâm sự của nhạc sĩ Hải Linh, Nhã Lan tôn vinh Thiên Chúa và tán tụng Quê Huơng Việt Nam. Nhã Lan phải cảm tạ Thiên Chúa suốt ngày, suốt cuộc đời mình vì Ngài đã cho Nhã Lan biết được một thứ ngôn ngữ tế vi và phổ quát của nhân loại. Nhã Lan cũng phải luôn luôn tán tụng quê hương vì đã dưỡng dục chính bản thân mình. Nhã Lan không thể nào quên ca khúc đã đi vào tâm tưởng của mình mỗi bận Giáng Sinh về, ca khúc Hang Bê Lem bất tử của hồng ân Thiên Chúa.

    NMT: lễ Giáng Sinh đầu tiên của Nhã Lan ở Hoa Kỳ ra sao? Có bài hát nào là kỷ niệm đáng nhớ?

    NL: Năm 1980, sau khi ở Galang, anh chị em Nhã Lan định cư ở các tiểu bang xa nhưng rồi tất cả lại về tụ họp và sinh sống, học hành, làm việc ở Nam Cali, mà có người gọi là thủ đô của dân tị nạn Việt Nam. Lẽ dĩ nhiên, tâm tư cũng khác, suy nghĩ cũng khác với những thời gian trước nhưng mọi người trong anh em Nhã Lan vẫn có niềm tin tưởng vào ngày mai ở một đất nước tự do và đời sống sẽ mở ra những hy vọng. Xem lễ vọng nửa đêm ở nhà thờ Saint Barbara tràn ngập đồng hương, nghe bản nhạc Ðêm Thánh Vô Cùng, Nhã Lan thấy biết bao cảm xúc. Giây phút ấy là một kỷ niệm không quên trong đời

    Bản nhạc Ðêm Thánh Vô Cùng nguyên bản bằng tiếng Ðức của linh mục người Áo Josef Mohr vói phần giai điệu của nhạc sĩ organ Franz Xaver Gruber sáng tác năm 1818 là một ca khúc Giáng Sinh nổi tiếng với tầm vóc nhân loại được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu vượt qua biên giới các quốc gia được chuyển ngữ thành 300 ngôn ngữ khác nhau. Bản Việt ngữ hình như do nhạc sĩ Hùng Lân. Mỗi Giáng Sinh, tại mọi nơi chốn, mọi quốc gia nhạc “ Silent night” vang vọng không gian và rộn rã trong lòng mọi người.


    Nguyễn Mạnh Trinh | Nhã Lan


    Nguồn:https://sangtao.org


              
Trả lời

Quay về “Nguyễn mạnh Trinh”