Ba Người Khác và Tô Hoài: Tiểu thuyết hay hồi ký?

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5416
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Ba Người Khác và Tô Hoài: Tiểu thuyết hay hồi ký?

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Ba Người Khác và Tô Hoài:
    Tiểu thuyết hay hồi ký?






    Nhà văn Tô Hoài qua đời ngày 6 tháng 7 năm 2014 tại Hà Nội. Ông là một tác gỉa lớn của văn học Việt Nam với những tác phẩm như Dế Mèn Phiêu Lưu Ký, O Chuột, Trăng Thề, Nhà Nghèo trước 1945 và Miền Tây, Cát Bụi Chân AI, Chiều Chiều, Ba Người Khác sau 1945 trong gần 200 tác phẩm đã in. Riêng Ba Người Khác là một tác phẩm đã gây ra chấn động một thời trong giới cầm bút và lan ra cả quần chúng nữa..

    Ba Người Khác” là tác phẩm của nhà văn Tô Hoài viết xong năm 1992 với nhan đề là “Chuyện Ba Người” nhưng không được in, mãi đến năm 2006 thì mới được xuất bản.

    Có người nhận định, nhà văn Tô Hoài “sám hối” khi viết Ba Người Khác bởi vì muốn phát biểu lên cái sự thật đen tối để mọi người ghê tởm và viết là khai thật để người đọc thấy bàng hoàng. Nhưng lại có sự phản bác. Nếu viết để “sám hối” thì tác giả phải cảm thấy có tội, vậy nhà văn có thấy mình tội lỗi không. Nhà văn Tô Hoài đã trả lời: “Không”. Trả lời câu hỏi của nhà thơ Văn Long, ông trả lời: “Tôi viết thì nói chung và nói riêng đều viết như thế, bao giớ cũng viết bằng cái thực tế nhất định cộng với một chút mơ màng. Ba Người Khác cũng thế, tôi chỉ là anh Bối thôi. Anh Bối không biết gì nhưng anh Bối đi cải cách ba lần nên viết được. Tôi đi cải cách ba nơi thuộc Thanh Hóa (Hậu Hiền, Nông Cống, Ba Làng). Mấy nơi như thế đội của tôi được tiếng là đánh địch giỏi, có thành tích nên được điều ra Hải Dương vùng tập kết 200 ngày, địch mới rút, không qua giảm tô mà làm ngay cải cách. Nói như thế để thấy được tôi viết về thực tế cộng một cái gì mơ màng chung quanh. Nhân vật tôi miêu tả, nhân vật trung tâm cuộc cải cách tôi lấy thực tế từ trước và sau thời cải cách tôi lấy thực tế từ hai nơi Nông Cống và Hải Dương, hầu như nhân vật tên và hoạt động rất thật. Có những đoạn, vấn đế tôi gán ghép, ví dụ như phần Ðình làm trang trại đại đồng, đoạn trước và sau thời cải cách, có đoạn thực tế nhưng tôi vá đáp lại. Cái nhân vật như là Huỳnh Cự, thì sau cải cách rồi Cự về bộ đội, một hôm tôi nghe đài Sài Gòn nói 2 giờ chiều nay là Đại tá Huỳnh Cự đi họp chống Cộng ở Ðài Loan về sẽ nói chuyện, tôi lạ quá. Ðến 2 giờ chiều tôi nghe đài Sài Gòn thì đúng là Huỳnh Cự thật, nó vẫn nói “thưa đòm bào”… Tôi làm tòa án nhưng không giết ai, nên sau tôi vẫn về Nông Cống Hải Dương bình thường… Tôi cải cách cũng hiền lành thôi nên vẫn về đó. Năm ngoái năm kia trên báo Tiền Phong đã in ảnh tôi chụp với rễ chuỗi ngày xưa”



    Như vậy, nói nhà văn Tô Hoài viết Ba Người Khác để “sám hối” thì cần phải nhận định lại…

    Có người nhận xét trong khi Nam Cao viết tiểu thuyết như viết tự truyện thì Tô Hoài viết tự truyện như viết tiểu thuyết. Phạm Xuân Nguyên sau khi đọc xong Ba Người Khác nhận định: “Nhưng mà đọc trong sách thấy cứ như một trò đùa số phận. Một vô thức lịch sử. Một chứng điên tập thể. Và rồi cuộc sống cứ trôi xuôi theo quy luật vốn có, những gì phá đi thì phải làm lại, đánh mất thì phải tìm lại, quẳng đi thì phải lấy lại…”

    Thành ra, sự vô cảm đã thành quen thuộc trong xã hội. Cái ác đã thành bình thường. Người ác, không phải bị tàn mạt như số phận ba anh đội mà hầu như tất cả những anh đội “ghê gớm” khác đã thành những người nắm uy quyền nhất trong chế độ thí dụ như trong tiểu thuyết Thời Của Thánh Thần của Hoàng Minh Tường cùng viết về thời cải cách ruộng đất.

    Có phải Tô Hoài viết tự truyện mình với chủ đích:

    “Viết hồi ký là một cuộc đấu tranh tư tưởng để thấy ra sự thực. Nhưng thấy ra sự thực được hay không còn tùy ờ tài năng người viết. Sở dĩ nói đấu tranh tư tưởng là vì phải nói ra sự thực trong trang viết hồi ký của mình. Thế nhưng như quyển Mười Năm của tôi, tôi bị phê bình, và tôi rút kinh nghịêm…”

    Nhà văn Tô Hoài đã trả lời phóng viên của báo Tuổi Trẻ như vậy. Có nhiều người thắc mắc tại sao viết hồi ký là cuộc đấu tranh tư tưởng. Không hiểu như vậy thì sự thực sẽ có giá trị nào khi người viết phải tự mình cảnh giác để chọn lựa những chi tiết để không phải bị kiểm điểm?

    Tô Hoài có lẽ là một người được hưởng nhiều ân sủng của chế độ. Trong thời bao cấp, xuất bản một cuốn sách không phải là chuyện dễ dàng mà ông cứ in hết cuốn này đến cuốn khác hầu như không ngừng nghỉ. Ði thực tế lao động trong nước thì năm thì mười họa nhưng đi ra nước ngoài thì luôn luôn, hầu như năm nào cũng có. Ông còn là bí thư đảng đoàn hội nhà văn và quyền sinh sát cũng khá lớn dù ông vẫn cứ phân bua rằng là một thứ “quyền rơm vạ đá”. Dù cho ông cũng có lúc bị phiền nhiễu một chút như khi in cuốn Mười Năm, hoặc Cát Bụi Chân Ai, Chiều Chiều... Nhưng rồi thì vẫn là chuyện vèo qua không có hậu quả nào ghê gớm như trường hợp Nhân Văn Giai Phẩm. Thành ra có một nhà văn đã nhận xét là nhà văn Tô Hoài đã vừa được ăn được nói lại được gói mang về…

    Thời gian vừa qua, tiểu thuyết “Ba Người Khác” của Tô Hoài đã gây ra dư luận trong giới phê bình và sáng tác trong nước. Tác phẩm này đã hoàn tất từ 11 năm trước và qua khá nhiều chạy vạy mới được nhà xuất bản Ðà Nẵng ấn hành.

    “Ba Người Khác” có không gian và thời gian của vùng quê Bắc Việt lúc có phong trào cải cách ruộng đất, một biến cố đã làm thay đổi cả xã hội Việt Nam. Có lẽ, là một đề tài khá nhạy cảm nên sự “đấu tranh tư tưởng” khi viết của tác giả Tô Hoài lại càng mãnh liệt hơn? Ðọc “Ba Người Khác”, độc giả dường như thấy tác giả chủ tâm dùng thời hiện tại hơn là thời quá khứ và trong phong cách ấy, mới thấy được kỹ thuật kể chuyện của tác giả. Kể chuyện mình mà tưởng như kể chuyện của ai, cái khách quan lạ lùng ấy với tất cả những nét vô lương đi gần với bản năng khiến tội lỗi bị trôi tuột đi và những chuyện xảy ra thì cũng là “tự nhiên “của một thời kỳ lịch sử như vậy.

    “Ba Người Khác” có ba nhân vật, ba khuôn mặt của anh “đội cải cách”, tuy học vấn, đời sống khác nhau nhưng cùng một tính tình: tham ăn háu uống dâm dục và tàn ác. Huỳnh Cự, đội trưởng, tàn ác, bất lương. Ðội phó Bối, xưng tôi trong tiểu thuyết, cũng thủ đoạn, cũng gian dâm, đã xử tội biết bao nhiên người mà vẫn leo lẻo cho rằng mình vô can. Người thứ ba là đội Ðình, cũng y chang dù có bị xui xẻo hơn, nửa đường bị gán cho tội là Việt Quốc và suýt mất mạng. Hình như, tất cả bơi trong biển ác, và, lúc gần cuối truyện, kết luận: “Chúng tôi đều nhơ nhớp cả, có gì mà nói…”.

    Thật ra, cái kết cuộc kẻ ác bị đền tội không đúng với thực tế của Việt Nam sau cải cách ruộng đất. Không phải tất cả các anh đội cải cách đều bị tàn mạt như đội Cự, đội Bối, đội Ðình. Mà, hầu như những đảng viên Cộng sản trung kiên và thân tín đều có dính dáng đến cải cách ruộng đất và về sau là nồng cốt của chế độ. Phong trào sửa sai chỉ là bề ngoài, dù phải mang cái oai danh của tướng anh hùng Ðiện Biên Võ Nguyên Giáp để xoa dịu công phẫn của các nạn nhân. Mục đích chỉnh cán chỉnh quân đã đạt được, đã hy sinh được những thành phần dù có công lao với kháng chiến nhưng là mục tiêu của cuộc đấu tranh giai cấp phải diệt trừ…

    Viết về những tệ nạn, Tô Hoài rất tự nhiên trong khi mô tả những cảnh hoang dâm. Trai thì những ông đội mà quyền hạn thì “nhất đội nhì giời” nhưng dâm dục thì vô dộ và tham ăn háu uống. Gái thì những “rễ”, những “chuỗi”, những cô dân quân, lúc nào cũng điên lên vì xác thịt và những toan tính lợi dụng. Những cô Ðơm, cô Duyên… mà chỗ làm tình ở mọi nơi mọi chỗ và ở bất cứ lúc nào đêm hay ngày, sáng hay tối. Họ làm tình với nhau ở bụi cây ven đường, ở góc rạ trong sân, ở trong nhà cô Ðơm bên người mẹ tàn tật, trong nhà cô Duyên bất kể ông bố điếc. Dữ dội hơn nữa là trong lán gác của dân quân, đội Bối đã làm tình với không phải chỉ một cô. Tả tự nhiên, không xen lẫn cảm giác, trần trụi và như là một cách thế để “bình thường hóa” tội ác.

    Ba Người Khác: tiểu thuyết hay hồi ký? Cái thực và cái ảo phân biệt thế nào? Những câu hỏi làm nổi bật ra cái hiện thực khó tưởng tượng mà vẫn xảy ra. Có người nói, với Chiều Chiều hay Cát Bụi Chân Ai, chất hồi ký rõ ràng hơn. Còn với Ba Người Khác, nhân vật xưng Tôi đóng quá nhiều vai trò, lúc thì là người chủ xướng tội ác, lúc lại là chứng nhân, khi là người kể chuyện nhưng có lúc là người tự thú Chữ Tôi qua từng câu chuyện của những thời điểm khác nhau biểu lộ suy nghĩ không phải của riêng một người mà hình như phản ánh của nhiều người…

    Tô Hoài, một khuôn mặt lớn của văn học trong nước, một người được nhà văn Bùi Bình Thi xưng tụng là một trong “Tứ Ðại Lão Gia” của tạp chí “Tác Phẩm Mới” cơ quan chính thức của Hội Nhà Văn cùng với Nguyễn Ðình Thi, Chế Lan Viên, Xuân Diệu. Ông cũng là người đã in tới 150 tác phẩm, một số lượng sách to lớn khó tưởng tượng nổi. Thử suy nghĩ trong thời kỳ bao cấp, sách in phải chờ đến lượt xoay vòng, có hội viên hội Nhà Văn chờ suốt cả đời mới được in có nửa cuốn, nghĩa là in chung với tác phẩm của cây bút khác. Thế mà, Tô Hoài có tới 150 đầu sách…

    Theo tiểu sử được phổ biến, ông tên là Nguyễn Sen, sinh năm 1920 tại làng Nghĩa Ðô, ngoại thành Hà Nội. Ngoài cương vị của một nhà văn, ông còn là Tổng Thư ký Hội Nhà Văn, hay Chủ tịch Hội Văn Nghệ Hà Nội. Ông sống một đời nửa cán bộ, nửa văn chương, theo những người thân cận ông như Vương Trí Nhàn thì ông là một người khôn khéo nên đã vượt qua được nhiều khó khăn và mặt nào cũng được đãi ngộ xứng đáng. Dễ gì mà một nhà văn xuất ngoại như đi chợ… Thế mà, hình như, vẫn phảng phất những điều khác thường, ngỡ như phải làm những việc mà mình miễn cưỡng.

    Xuân Sách, trong Chân Dung Nhà Văn đã phác họa:

    “Dế mèn lưu lạc Mười năm

    Ðể O chuột phải ôm cầm thuyền ai.

    Miền Tây sen đã tàn phai

    Giăng Thề một mảnh lạnh ngoài Ðảo Hoang.”


    Dế Mèn Phiêu Lưu Ký, Mười Năm, O Chuột, Miền Tây, Giăng Thề, Ðảo Hoang, đều là tên các tác phẩm của Tô Hoài. Sen là danh tánh của ông mà Xuân Sách lại hạ bút Miền Tây sen đã tàn phai. Tại sao một người thành đạt như vậy lại mô tả bằng những phác họa hơi phảng phất niềm bất mãn như thế? chắc ông có một tâm sự nào tương tự?

    Vương Trí Nhàn kể lại:

    “… Cho đến lần ấy, nhân buổi chiêu đãi ở nhà xuất bản nọ, có mặt cả mấy nhà văn cỡ bự, Nguyễn Khải liền tính chơi trò vỗ mặt, đọc thẳng cho các vị ấy nghe. Trước những lời rào đón của Nguyễn Khải, nhà văn X. ra vẻ xởi lởi: – Ðọc đi xem nào, cái lối viết anecdote này, nước nào chẳng có?.

    Tô Hoài thì dè dặt hơn, chỉ mủm mỉm cười, như có vẻ không tin mà lại như có vẻ chờ đợi

    – Tính cách mình thì hơi khó nắm bắt đấy!

    Thế là cánh cửa đã mở. Nguyễn Khải vừa đọc, vừa thăm dò phản ứng. Quả nhiên trận lôi đình nổi lên, nhưng nhà văn X. đành cố kiềm chế, chỉ nghiêm mặt hỏi:

    – Loại thơ này có lợi cho ai nhỉ?

    Ðến lượt Tô Hoài, nghe được ba phần tư bài thơ, Tô Hoài đã xua xua tay:

    – Thôi đủ rồi! Thế là biết tài nhau rồi.

    Và ông lảng sang chuyện khác….”


    Xuân Sách có nhắc đến tiểu thuyết “Mười năm”. Tác phẩm này đã gây nhiều phiền toái cho Tô Hoài. Cuốn này viết về thợ dệt Hà Ðông trong khoảng thời gian tiền chiến từ 1936-1945. Truyện kể về những người sinh hoạt trong những hội ái hữu, hội tương tế nhưng bên trong là hoạt động cho Việt Minh. Cũng có những đề tài quen thuộc về căm thù giai cấp, về tỉnh ngộ theo lý tưởng, rồi móc nối để hoạt động. Tóm lại là một tiểu thuyết viết rất đúng đường lối của Ðảng theo như đề cương văn hóa đã vạch ra.

    Thế mà không hiểu sao, cuốn sách lại bị phê bình nặng nề mà tiêu biểu nhất là bài viết của tướng Trần Ðộ đăng trên tạp chí Văn Nghệ Quân Ðội. Mười Năm bị nhận xét là một tác phẩm vá víu, rất tệ về nội dung bệnh hoạn, xa rời giai cấp, tư tưởng lạc hậu không bắt kịp được sự tiến bộ của đất nước. Tác giả bị quy chụp có dụng ý bêu xấu lãnh tụ, là một bước lùi nguy hiểm về nhận thức chính trị. Tóm lại, toàn là những cú phê bình trời giáng. Và, rốt cuộc, tác giả Dế Mèn Phiêu Lưu Ký phải xin đi thực tế lao động để qua đi cơn bão tố chết người… Mấy năm trước, năm nào trên trang nhất của nhật báo Nhân Dân ngày đầu năm đều có bài bút ký đầu xuân đăng kèm với ảnh, một vinh dự lớn để dành cho những lãnh tụ. Thế mà, sau tác phẩm ấy, đã hết những lời rao cho một tác phẩm để đời “hiện thực xã hội chủ nghĩa”, một tiểu thuyết dài hơi và mới lạ so với những đề tài về nhà quê hay loài vật quen thuộc và sở trường.

    Trong “Cát Bụi Chân Ai”, Tô Hoài viết:

    “Những chuyện Nhân Văn và thời kỳ hữu khuynh, cơ quan bị lũng đoạn đối với tôi đã chôn vùi lâu rồi. Nhưng chưa phải đã dứt. Chuyến đi Lai Châu cũng là cho được khuây khỏa mà thôi. Tiểu thuyết Mười Năm của tôi mới phát hành – một trong những ấn phẩm cuối cùng của Hội Nhà Văn. Lập tức các báo mổ sẻ phê bình. Quất mạnh và lý lẽ nhất, bài của Như Phong trong ban biên ủy báo Nhân Dân in trên báo ấy và bài của Trần Ðộ trên tạp chí Văn Nghệ Quân Ðội. Ðấy cũng là một quyển sách còn sót lại thúc đẩy đóng cửa nhanh nốt nhà xuất bản Hội Nhà Văn.

    Rồi Võ Hồng Cương thường trực Hội Văn Nghệ tổ chức một trận phê bình miệng. Nhà văn, nhà lý luận phê bình, nhiều cán bộ giáo vụ trường Ðảng và tỉnh ủy Hà Ðông tham dự. Mười Năm cuốn tiểu thuyết bộ ba của tôi viết về quang cảnh và con người quê tôi vùng nghề thủ công phía bắc thành phố vào ba thời kỳ nối nhau. Tiểu thuyết Quê nhà, nhà xuất bản Tác Phẩm Mới in khoảng thập kỷ 70. Sự việc cuối thế kỷ trước sau hai lần quân Pháp hạ thành Hà Nội, các làng ngoại thành vẫn nổi lên. Tiểu thuyết Quê người, cuốn truyện dài đầu tay xưa kia tôi viết cùng thời với những Dế mèn Phiêu Lưu Ký, Giăng thề, O Chuột. Quê tôi, lĩnh lụa nghề tổ bị lụn bại, người làng bỏ đi tha hương đất khách quê người. Tiểu thuyết Mười Năm cũng như một tiểu thuyết tự truyện, một nhóm thanh niên trong làng nhen nhúm phong trào chống đối đưa tới cách mạng.

    Tiểu thuyết Mười Năm được viết ra những năm đó tôi còn về ở Nghĩa Ðô làng tôi. Văn Cao làm bìa, Văn Cao đã bắt đầu vẽ bìa để sinh sống. Làn nước chảy đìu hiu dưới chân cầu, thời gian trôi, ‘mười năm “nước chảy qua cầu…”

    Thế mà, bị đấu đá. Như Phong phê bình nặng nề “Mười năm” có thể là một cuốn tiểu thuyết khá, vì đấy cũng là một thực tế ở làng quê tác giả và chính tác giả. Nhưng nó đã được chuẩn bị và sáng tác trong thời kỳ Nhân Văn lũng đoạn nên bị ảnh hưởng xấu. Các nhân vật cán bộ cách mạng bị bóp méo đến thảm hại…”


    Và, tác giả Chiều Chiều đã bị kiểm thảo tơi bời. Ông đã mô tả lại cảm giác lúc ấy:

    “… Ðầu tôi nặng trĩu mưa gió chỉnh huấn. Lúc lặng im vẫn lo vẩn vơ. Không biết nên thế nào, cũng không khuây khỏa nhẹ nhàng được. Việc không đáng nghĩ mà đâm ra nghĩ. Xưa kia đi làm, cái nghề bán giày Bata kiếm nổi đồng tiền mửa mật ra, rồi viết văn cũng là đi làm, tôi theo đuổi lý tưởng từ những ngày bóng tối. Không có cách mạng tôi làm sao nên người như bây giờ. Làm sao tôi lại có thể nghiêng ngả, có thể bị lũng đoạn được nhỉ? Ở rừng ra, đi cải cách rồi về bắt tay vào những công tác rất quen mà cũng rất mới mẻ này, nay mới được hơn một năm. Tôi hữu khuynh, tôi bị anh em bốc lên phổng mũi Triệu Tử Long, tôi bị khuynh đảo, tôi bị xỏ mũi mà không hiểu, chậm hiểu, không tự biết. Phải thế không? Tôi không tin tôi đến nỗi đù đờ thế. Ngày trước và cả khi ấy, Như Phong vẫn cho tôi là “thằng ngoại ô láu cá, văn chương thì đẽo gọt”. Có thể thế. Tôi sinh ra nơi thành phố với làng mạc lẫn lộn, thế lực chánh lý không khạc ra lửa như trời đất làng Ðại Hoàng của Nam Cao, ở quê tôi túi bạc đâm toạc tờ giấy, có tiền là có cả, bấy lâu tôi lăn lóc trong khóe đời ấy…”

    Thời tiền chiến Tô Hoài viết “Tự Truyện” và “Cỏ Dại”, kể chuyện về cuộc đời mình, với những chi tiết khá thành thực của một thằng bé tinh quái nghịch ngợm lêu lổng. Hình như ông không sợ những nét tô đen bất hảo của mình và tỏ ra rất tự tin ở mình khi đem viết ra bút mực. Chính thái độ chân thành ấy đã làm cho độc giả cảm động. Tô Hoài vào nghề văn chỉ với đam mê làm hành trang. Anh thợ cửi Nguyễn Sen học lực chưa xong bậc tiểu học là một trời một vực so với các nhà văn tốt nghiệp tú tài, cử nhân như các nhà văn thưộc nhóm Tự Lực Văn Ðoàn chẳng hạn. Nhưng ông đã phải tự học và đọc sách để bồi đắp vào chỗ khiếm khuyết ấy. Rảnh lúc nào ông trau dồi lúc đó. Nhưng, căn bản vẫn là khả năng văn chương thiên phú trời dành. Thiếu gì vị khoa bảng, viết một câu chưa thông. Ở Tô Hoài là một nỗ lực để tạo ra được một gia tài đồ sộ đặc sắc…

    Tô Hoài trước 1975 viết những truyện về loài vật có nét riêng biệt, với giọng văn dí dỏm tinh nghịch và khám phá được nhiều khía cạnh của trẻ thơ. Ở những tác phẩm như “O Chuột”, như “Dế mèn Phiêu Lưu Ký”, như “Truyện loài Vật”, Tô Hoài mang kỹ thuật mượn loài vật để ám chỉ đến loài người, phản ánh những thủ đoạn đối xử với nhau của thời kỳ nhiều điên đảo đảo điên.

    Phê bình gia Vũ Ngọc Phan trong Nhà Văn Hiện Ðại đã nhận xét:

    “… Ông không giống một nhà văn nào trước ông và cũng không giống một nhà văn nào mới nhập tịch làng văn như ông. Truyện của ông có tính chất nửa tâm lý, nửa triết lý. Mà các vai lại là loài vật. Mới nghe tương tự như truyện ngụ ngôn nhưng thật không có tính cách ngụ ngôn chút nào: ông không phải một nhà luân lý, chuyện của ông không thể răn đời, nó là những chuyện tả chân về loài vật, về cuộc sống của loài vật tuy bề ngoài ra vẻ lặng lẽ nhưng phần trong có lắm cái ồn ào vui cũng có mà buồn cũng có.

    Tác phẩm đầu tiên của Tô Hoài và cũng là một tập tiêu biểu cho lối văn đặc biệt của ông, một lối văn dí dỏm, tinh quái đầy những phong vị màu sắc của thôn quê. Cái tinh ma và cái phác thực có lẽ được gặp nhau ở chỗ này…”


    Những truyện tình của Tô Hoài lại có phong vị riêng. Tới bây giờ, ở tuổi tôi, những không gian thời gian ấy đã thật xa lạ. Nhưng, khi đọc lại, một thời đã qua như sinh động lại và có nhiều nét ghi đậm trong hồi tưởng. Những nhân vật nửa quê nửa tỉnh, những người sống trong một giai đoạn giao thời, tất cả có mặt trong văn chương của ông và nhắc lại một thời kỳ đã qua. Cách bầy tỏ tình yêu cũng ở trong những giới hạn so với bây giờ là cả một trời một vực xa cách. Trong truyện Quê Người cách hẹn hò của đôi nhân tình, anh Cu Hơì vơí cô Ngây, cũng thực đặc biệt. Chàng mang hoa ngọc lan thơm phức nửa đêm vứt vào khung cửi dệt của nàng như một cách hẹn hò. Sau câu hát ví, nàng tắt đèn ra bên hàng rào và hai người tâm sự với nhau qua hàng phên thưa, tay nắm tay nhìn nhau, và chỉ có thế nhưng thơ mộng và trong sáng như vằng vặc trăng sao trên trời… Hay mối tình của anh chàng giáo kiết, trong Giăng Thề, yêu người không thành vì thân phận ngheò nàn chỉ biết than thở cùng vầng trăng làm nhân chứng. Dường như, có bóng dáng của anh thợ cửi Nguyễn Sen trong đó, của nỗi niềm bi phẫn khôn nguôi trước những bất công trong buổi giao thời. Và muôn đời cái nghèo cái khổ cứ bám theo bám mãi những người lỡ sinh một thời đại bất ưng…

    Với “Chiều Chiều” và “Cát Bụi Chân Ai”, Tô Hoài lại tỏ ra thật thành thực khi kể về những người bạn đang cùng sống một thời và cũng đang cùng chung một công việc. Năm 1990 ông viết Cát Bụi Chân Ai và năm 1997 ông viết Chiều Chiều, không biết có phải là chủ ý hay vô tình mà lồng trong đó những tâm tư là lạ. Của những điều bất đắc dĩ, không muốn làm mà vẫn phải làm. Và, có những việc thấy không phải lẽ mà vẫn phải thỏa hiệp. Sống trong một thời thế như vậy, muốn sống còn không thể khác hơn. Kể cả những người văn nghệ sĩ được coi là thành đạt trong chế độ như Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân…

    Thỉnh thoảng mới có trường hợp mà Tô Hoài kể lại:

    “ Tôi đưa tờ báo Nhân Dân ngày 12 tháng Ba năm 1958 có bài của tôi đề là “Nhìn Lại Một Số Sai Lầm trong Bài báo và trong Công tác”.

    Nguyên Hồng cầm xem chỗ qua loa chỗ chăm chú.

    …Nguyên Hồng buông tờ báo xuống. Rồi Nguyên Hồng xua xua tay nói như hét vào mặt tôi: – Tiên sư mày thằng Câu Tiễn! Ông thì không, Nguyên Hồng thì không.

    Nguyên Hồng quì xuống trước mặt tôi rồi cứ phủ phục thế, khóc thút thít…”


    Vương Trí Nhàn có một nhận định khá chính xác trong trường hợp trên:

    “…Ðại khái có thể hình dung như cái cảnh đứa bé bị buộc phải quỳ thì cũng quỳ đấy song mắt vẫn liếc về phía mọi người đùa bỡn. Xá gì chuyện này quỳ cho xong nợ tí nữa lại tha hồ tung tẩy…”

    Khốn nỗi, Tô Hoài đâu phải trẻ con và chẳng lẽ chẳng có một chút gì tự trọng khi viết lời tự thú tội như sự ví von trên.

    Vương Trí Nhàn viết tiếp:

    “Có một thoáng gì đó như là một chút hư vô trong con người thực dụng Tô Hoài chăng? Một nhận xét như thế là đầy mâu thuẫn nhưng biết sao được, con người chúng ta trong những năm này bị bao sức mạnh xâu xé, kể sao cho xiết! Một chút khinh bạc có từ rất sớm (bản thân Vũ Ngọc Phan vốn rất hiền từ cũng phải nhận ra và lên tiếng cảnh cáo khi đọc Quê Người, O chuột…) cái khinh bạc ấy hẳn không bao giờ mất hẳn. Cộng thêm vào đó là bao nhiêu ngọt bùi cay đắng đã đến trong đời một người viết văn, một người cán bộ, những phút bốc đồng và những lần tỉnh mộng, những lầm lỡ và man trá xen lẫn vào giữa những chân thành ngây thơ cuộc bể dâu diễn ra ngay trước mặt. Khi đã trải tất cả những sự đó rồi, cái hư vô sẽ như một thứ ánh áng mờ mờ giúp cho người ta sống nhẹ nhõm hơn và tự do hành động hơn. Lúc này hư vô đã trở thành một điều kiện bắt buộc để sống, hư vô là một thứ thuốc an thần cho như ng kẻ ham hành động, nhưng lại hoàn toàn tỉnh táo để hiểu rằng hành động của mình cũng rất có thể chỉ là vô nghĩa.”

    Sống trong một môi trường như thế, liệu nhà văn cón có tâm trí dể sáng tạo hay không? hay để hư vô như “ánh sáng mờ mờ” dẫn dắt để một con đường độc đạo hiện ra. Ðó là văn chương phải đạo, để mọi chuyện nhẹ nhõm, tha hồ in sách, tha hồ xuất ngoại, tha hồ có danh, có quyền, có lợi. Tuy vậy, vẫn có điều vướng víu trong thâm tâm, muốn ngỏ nhưng ngại và nhát. Ăn cơm mới kể chuyện xưa, về “những lần tỉnh mộng, những lầm lỡ và man trá xen nhau”, ít ra nói lên vài sự thực cũng làm nỗi niềm vơi bớt. Làm người Việt Nam đã khó mà còn làm nhà văn mà nhà văn nổi tiếng lại càng thập phần khó nhọc … Tôi lại nhớ đến câu trả lời của ông Hoàng Ngọc Hiến khi Talawas hỏi về những chuyện tiêu cực khó hiểu và khó tưởng tượng xẩy ra ở trong nước “Cái nước mình nó thế”…


    Nguyễn Mạnh Trinh.



    Nguồn:http://vietluan.com.au

              
Trả lời

Quay về “Nguyễn mạnh Trinh”