Văn chương ám chỉ và chân dung 100 văn nghệ sĩ

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Văn chương ám chỉ và chân dung 100 văn nghệ sĩ

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Văn chương ám chỉ
    và chân dung 100 văn nghệ sĩ




    Tố Hữu, một lãnh tụ văn học của chế độ Cộng sản trong nước có lần đã lên án nặng nề những hiện tượng văn học mà ông gọi là văn chương ám chỉ. Trong vai trò của một người lính gác văn chương, ông nêu lên những điều mà ông cho là những “nói xa nói gần” để phê phán chế độ trong mục tiêu phản động chống đối. Nhà thơ, được mệnh danh là đao thủ văn chương Tố Hữu ấy, có khi cũng là mục tiêu của văn chương ám chỉ…

    Hình như đời sống thường ngày rất có ảnh hưởng đến đời sống văn chương. Nhất là, ở trong một nền văn học như của miền Bắc trước năm 1975 và cả nước sau này. Môi trường sáng tác cũng như những nét sinh hoạt của những người cầm bút nếu được trình bày lại một cách sống động tự nhiên sẽ phác họa được chân thực những chân dung văn học. Ở một cuộc sống khép kín và bị kiểm soát một cách có hệ thống của miền Bắc và sau này cả nước Việt nam xã hội chủ nghĩa, ở trên một khía cạnh nào đó, những văn nghệ sĩ có những nét tiêu biểu. Khi tất cả mọi người trong xã hội phải mặc “đồng phục”, cái ăn cái ở đều bị quy định theo những xếp hạng, những tiêu chuẩn chung thì cái riêng của mỗi cá nhân người cầm bút được nhìn ngắm và nhận xét dể phác họa thành thơ chân dung, một thể thơ đặc biệt của một thế thời đặc biệt.

    Những bài thơ cô đọng, ngắn gọn, mà mỗi câu thơ là những nét cọ chấm phá một vóc dáng, một khuôn mặt từ trong cái chung của hoàn cảnh xã hội để làm rõ ràng hơn cái riêng của mỗi cá nhân người cầm bút. Và trong phong cách mô tả ấy có những ẩn ý kèm theo có lúc mơ hồ, có lúc rõ nét nhưng gợi đến một sự phê phán ngầm trong từng nét phác họa.

    Thơ chân dung có lẽ đặc biệt nhất phải kể đến Xuân Sách, tác giả của “Chân Dung Nhà Văn”. Trong tác phẩm này ông dùng thơ để phác thảo chân dung tự họa mình và 99 người nghệ sĩ trong giới nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học, họa sĩ, nhạc sĩ, kịch tác gia… được coi là đại diện cho nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thơ có giọng bông đùa trêu chọc nhưng không phải là để giỡn chơi mà còn có những suy tư sâu sắc với những nhận xét bất ngờ có lẫn vị đắng và vị chua của cuộc sống hiện thực. Nó biểu hiện và trong một ý định ngầm nào đó phản ánh một đời sống kỳ lạ của những văn nghệ sĩ Hà Nội trong thời bao cấp và thời đổi mới, như một chứng tích tuy đã qua nhưng vẫn còn để lại những hậu quả cho đến bây giờ.




    Nhà Văn Xuân Sách



    Thực ra, không phải Xuân Sách là người đầu tiên viết những bài thơ phác họa chân dung. Thời tiền chiến, trong lúc thịnh thời của Tự Lực Văn Đoàn, trên báo xuân Ngày Nay năm 1940, nhà thơ Thế Lữ ký bút hiệu Lê Ta và nhà thơ Tú Mỡ đã mở mục Minh Niên Giáng Bút mượn lời của một bà đồng cốt mang khăn chầu áo ngự để “phán” về các nhà văn đồng nghiệp đồng thời. Theo chính Thế Lữ và Tú Mỡ giới thiệu thì trong những lời phán này có những ngôn từ, những chi tiết, những ý nghĩa có liên quan đến tâm tính hay công việc của những người được đề cập đến. Do đó dù không nêu đích danh nhưng độc giả sẽ rất dễ dàng nhận ra chân dung người được phác họa. Những bài thơ này ít được truyền tụng bởi vì trong cách phác họa có sự thiên lệch không công tâm. Phác họa “bồ nhà” như Hoàng Đạo, Khái Hưng thì đầy thiện cảm và nhiều nét đẹp trong khi viết về những người “không cùng phe” thì nhiều xiên sỏ, phê phán như viết về Tam Lang, về Nguyễn Công Hoan, về Lê Văn Trương, về Lan Khai… Hơn nữa, là lối viết của người bề trên muốn thống trị và độc tôn văn đàn nên gây phản cảm cho độc giả. Mặc dù, cũng có những nét thú vị hay hay gợi tính tò mò hoặc những chi tiết mang lại nhiều bất ngờ nhưng nói chung những bài thơ chân dung này chỉ tạo được những chấn động tức thời ngắn hạn và không tạo sự thích thú sâu lắng lâu dài.

    Cùng thời với Xuân Sách có Vương Trí Nhàn cũng viết chân dung tác giả nhưng ở thể văn xuôi. Tác phẩm Cây Bút Đời Người đã phác họa 12 chân dung văn học như Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Xuân Diệu, Nhị Ca, Thanh Tịnh, Nguyễn Thành Long, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Tế Hanh, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Nghiêm Đa Văn,… Ở cái nhìn của một độc giả tinh tế và của một nhà phê bình văn học, Vuơng Trí Nhàn đã phác họa những chân dung tác giả mà phần lớn là hình thành một khuôn mặt trên bình diện văn chương.

    Vương Trí Nhàn viết về muc đích của mình khi viết Cây Bút & Đời Người. “May mắn trong nghề làm phê bình của tôi là luôn được sống và làm việc gần các nhà văn, nhà thơ, đủ để bị thôi thúc bởi ý nghĩ bên cạnh các bài thơ, cuốn truyện thì các nhà văn còn thường xuyên sáng tác ra một tác phẩm độc đáo khác, đấy chính là tính cách của họ. Người đời đôi khi thành kiến, đám người viết văn chẳng qua chỉ là một bọn dông dài. Trong khi một số đồng nghiệp của tôi (nhất là các nhà giáo) lại có xu hướng lý tưởng hóa những người viết, xem cây viết nào cũng tâm huyết đầy mình. Phần tôi, tôi nghĩ, ngoài đời có bao nhiêu kiểu người thì trong văn chương cũng có bấy nhiêu kiểu người cầm bút có thánh thần lẫn ma quỷ. Và trừ một số tài năng sáng chói, thì phần lớn người cầm bút cũng có cái tầm thường lẫn chỗ cao quý. Rồi điều quan trọng hơn, mỗi con người có một tư cách một số phận. Không phải chỉ những tài năng lớn mới có một cuộc đời thú vị, những nhà văn tạm gọi là bình thường cũng có cách phấn đấu riêng những bi kịch riêng. Những cuộc làm người của họ trong văn chương cũng rất đáng ghi chép lại…”

    Vương Trí Nhàn viết “Xuân Sách hay là một đặc sản văn chương” để phê bình Chân Dung Nhà Văn. Có nhiều người cho rằng ông đã có thiên kiến khi viết bài này. Thí dụ như đã nhận xét về con người Xuân Sách: “So với Xuân Thiều, bản thảo Xuân Sách lại còn suôn sẻ hơn. Nó là dấu ấn của một người tự tin và cũng dễ dàng bằng lòng với mình.

    Đều đặn chân phương biết thân biết phận nhưng lại có một chút gì đó hơi hèn hèn thế nào… đấy là tinh thần toát ra qua nét chữ ở cuốn sách khổ nhỏ Chân Dung Nhà Văn đã in. (Thông thường bản thảo đưa xuống nhà in là qua đánh máy, lần này Xuân Sách đã viết trực tiếp rồi chuyển cho Lữ Huy Nguyên)

    Phần lớn các nhà văn công tác ở tạp chí Văn Nghệ Quân Đội sinh năm 1930. Đặt bên những người này Xuân Sách chỉ kém hơn có hai ba tuổi. Nhưng sao so với họ, tôi cứ cảm thấy anh lép vế rõ rệt. Phần thì tại anh về sau, tức là mãi năm 1960 mới gia nhập tập thể này mà đó là lúc tất cả đã định vị. Và cái chính là anh thiếu tuổi trẻ oai hùng… Xuân Sách hiểu điều đó. Khi bị người ta lãng quên, anh không đòi hỏi. Nói chung anh có lối sống bình thản của người gọi là biết thân biết phận không lông bông mơ tưởng hão huyền. Cái nhìn đằm hơn về thế sự. Sự thông cảm dễ dàng với những cái tầm thường. Khả năng đơn độc trên con đường mình chọn cho riêng mình.”


    Có người cho rằng tuy Xuân Sách phác họa chân dung mỗi cá nhân từng người nhưng thâm ý muốn phác họa lại cả một thời văn học cả hai mặt trong và ngoài trái và phải. Những bi kịch có khi không phải của riêng một người mà còn là của chung một thế hệ cầm bút viết văn trong khoảng hơn ba mươi năm. Nguyễn Khải dường như cũng hiểu điều đó nên viết:

    “Không ngờ Xuân Sách cũng khôn ngoan mà về già lại có tính toán lẩm cẩm cho in những đoạn thơ giễu một thời thành tác phẩm văn học chủ chốt của đời mình. Bữa nọ ở Hà Nội có một ông bạn thuộc giới quân nhân chẳng biết đọc được ở đâu tập Chân Dung bảo tôi nửa đùa nửa thật: “Các ông xấu xa như thế mà luôn đòi dạy bảo thiên hạ thì buồn cười quá.” Tôi chỉ biết cười gượng thôi vì xấu hổ quá, xấu hổ cho mình, cho bè bạn, cho cả giới.”

    Còn chính Xuân Sách thì cũng giãi bày thành thực tâm tư của mình khi viết Chân Dung Nhà Văn:

    “Trước đây khi còn là lính ở địa phương, cái xã hội nhà văn đối với tôi đầy thiêng liêng bí ẩn. Đây là những con người dị biệt rất đáng ngưỡng mộ, rất đáng yêu mến, dường như họ là một siêu tầng lớp trong xã hội. Mỗi cử chỉ, mỗi hành động, lời nói của họ có thể trở thành giai thoại, và cả tật xấu nữa dường như cũng đứng ngoài vòng nhận xét thông thường… Tóm lại đó là thế giới đầy sức hấp dẫn đối với một người say mê văn học và tấp tểnh nuôi mộng viết văn như tôi.

    Khi tôi được về Hà Nội vào cơ quan văn nghệ dù là ở quân đội tôi bắt đầu đi vào cái thế giới văn chương mà trước kia tôi mơ ước.

    Điều tôi nhận ra là, ngoài cái phần tôi hiểu trước đây, thì cái thế giới nhà văn còn có những chuyện khác. Đó là cái mặt đời thường, cái mặt rất chúng sinh, và chúng cũng góp phần quan trọng làm nên các tác phẩm và tính cách nhà văn. Khi tôi đã tìm hiểu được những ứng xử, những tính cách của những nhà văn, ngoài những tác phẩm mà tôi thường ngưỡng mộ, tôi cứ băn khoăn tự hỏi “Sao thế nhỉ, với bề dầy tác phẩm như thế, với vị trí trong xã hội như thế, trong lòng người đọc như thế, sao họ còn ham muốn những thứ phù phiếm đến thế… Một chức vụ, một quyền lực, một chuyến đi nước ngoài… mà đã ham muốn thì phải mưu mẹo, phải dối trá và nhất là phải sợ hãi. Vì vậy chân dung của họ không thể bỏ qua. Hơn nữa, nếu “Vẽ” được chính xác những chân dung đó, thì bộ mặt xã hội thời đại mà họ đang sống cũng qua đó mà hiện lên.

    Nói về đồng nghiệp cũng là nói về mình. Cái hay cái dở của một người cũng là của một thời. Câu thơ “Từ thuở tóc xanh đi vỡ đất. Đến bạc đầu sỏi đá chửa thành cơm” đâu chỉ là số phận của một nhà thơ. Hơn ai hết, tôi nghĩ nhà văn là đại diện của một thời, là lương tri của thời đại. Đã đành là khó ai vượt qua được thời đại mình đang sống không dễ nói hết công khai những điều suy nghĩ. Nhưng cũng thật đau lòng và xấu hổ khi những nhà văn bán rẻ lương tâm, còng lưng quỳ gối trước quyền uy, mê muội vì danh lợi. Có lẽ đó là động cơ thúc đẩy tôi viết, nếu có nói quá cũng dễ hiểu. Cái con quỷ ám nếu có thì cũng là ảnh hưởng những cảm xúc ấy, nỗi đau chung ấy. Nhiều nghịch lý vốn tồn tại trong cuộc đời cũng như nghệ thuật. Tiếng cười nhiều khi phát xuất từ nỗi đau. Những bài thơ chân dung đã có cuộc sống riêng của nó. Không phải kỳ lạ nhưng cũng độc đáo. Nó được lan truyền đến nay đã 30 năm. Đã có nhiều bài “khảo dị”, nhiều bài “ngoài luồng” cũng được gán cho tác giả, bây giờ in ra cũng coi như một sự đính chính. Nó cũng là một “cái gì đó” như có người đã nói nên mới tồn tại được nếu có ích thì tác giả lấy làm mãn nguyện.”


    Nhà văn Nhật Tuấn thì cho là những bài thơ này là “chân tướng” của những nhà văn được phác họa bởi vì cái bộ mặt thực được hiện rõ ràng cả hai bề ngoài và bề trong.

    Với “Chân Dung Nhà Văn” những bài thơ vẽ lại những khuôn mặt tiêu biểu của các tác giả hiện đại. Và một người được phác họa là diện mạo văn chương Hoài Thanh. Một nét độc đáo với nhiều châm chích mỉa mai:

    • ‘Vị nghệ thuật nửa cuộc đời.

      Nửa đời sau lại vị người ngồi trên

      “Thi nhân” còn có chút duyên

      Lại vò cho nát, lại lèn cho đau

      Bình thơ đến thuở bạc đầu

      Vẫn chưa thể tất nổi câu ân tình

      Giật mình mình lại thương mình

      Tàn canh, tỉnh rượu, bóng hình cũng tan,”

    Kể cũng đau cho nhà phê bình cự phách qua cái nhìn quan sát của nhà thơ!!!

    Viết “Thi Nhân Việt Nam”, Hoài Thanh có cái dũng lược của một người yêu thi ca và sẵn sàng vì công tâm mà không ngại sự yêu ghét của những người bị phê phán. Đó là thời kỳ văn học mà Thực dân Pháp còn ngự trị trên đất nước ta. Dù trong gông xiềng nô lệ mà vẫn viết được những nhận định trong sáng và làm nổi bật được một thời kỳ văn học nhiều khai phá với những công trình thi ca rực rỡ.

    Sang thời kỳ văn học kháng chiến chống Pháp đến văn học Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thì nhà phê bình Nguyễn Đức Nguyên tức Hoài Thanh lại đổi tính. Nửa đời trước thì vị nghệ thuật nhưng nửa đời sau “lại vị người ngồi trên”. Hồi trước, Hoài Thanh khen thơ mới với những kiện tướng như Thế Lữ, Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng,…thì sau này nhà phê bình lại khen hết mực những Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Trường Chinh,… những “lãnh đạo” nắm quyền sinh sát cả nước. Hoài Thanh khen thơ Nguyễn Ái Quốc để nịnh Hồ chí Minh cũng như khen thơ Sóng Hồng để lấy lòng Trường Chinh… Phải chê bai cái đã qua để làm nổi bật lên cái thời bây giờ dù thơ Hồ Chí Minh nhiều khi vay mượn hoặc nôm na một cách quái dị hay thơ của Trường Chinh tức nhà thơ Sóng Hồng chỉ là những kêu gọi hoặc phẫn nộ giả trá viết để làm tròn cái chủ tâm chính trị…

    Năm 1951, Hoài Thanh viết và in “Nói chuyện thơ kháng chiến” và sau này chép lại nguyên văn trong “Toàn Tập Hoài Thanh” năm 1999. Đề cập đến thời kỳ ấy, ông viết: “Trong cuộc chiến tranh nhân dân của chúng ta, tiếng súng, tiếng nhạc, tiếng thơ cùng hòa điệu. Thơ gắn liền với vấn đề tư tưởng, vấn đề công tác, vấn đề hành động… “Nhà phê bình thời tiền chiến đã lột xác để thành nhà phê bình khác đem văn chương phục vụ những mục tiêu chính trị. Trong chương “Nhìn lại thơ cũ 1932-1945”, ông đã tự kiểm điểm những điều đã viết từ trước và nhiều khi đã tỏ ra tự khe khắt và nghiêm khắc khác thường đến khó hiểu. Ông gọi những bài thơ đã trích dẫn và bình chọn trong Thi Nhân Việt Nam là “loại thơ cũ tư sản và tiểu tư sản “Cũng như” Thơ mới có cái yếu đuối vị kỷ vì nó đã tách cái tôi riêng của nó, hay nói đúng hơn, cái tôi riêng của giai cấp nó ra ngoài cái ta chung của dân tộc, của nhân loại..”

    Và “Ngày trước hay bây giờ những câu thơ buồn nản hay mộng mơ vẩn vơ cũng đều là bạn đồng minh của giặc. Giặc chỉ có thể xây dựng cơ đồ của chúng trên phần bạc nhược của con người. Chúng ta có không dám làm người thì chúng nó mới có khả năng làm giặc… “Hay… những vần thơ buồn tủi bơ vơ ấy là những vần thơ có tội, nó xui người ta buông tay cúi đầu, do đó làm yếu sức ta và làm lợi cho giặc….”

    Nhận xét như thế, Hoài Thanh đã gom chung tất cả những người cầm bút thời trước là “giặc”. Cũng như, sau này Trần Trọng Đăng Đàn đã phê phán tàn mạt hai mươi năm văn học miền Nam (1954-1975) để đạt danh hiệu tiến sĩ và thành một cái loa đánh phá vùi dập những giá trị văn chương không phải của riêng Miền Nam mà của cả dân tộc.

    Nhận xét của Xuân Sách bằng thơ có lẽ là những tiếng kêu của lương tri cho không phải riêng Hoài Thanh mà cho cả giới cầm bút trong nước?

    Xuân Sách là một người ngoài đời rất thân với nhà văn Nguyễn Khải.

    Nguyễn Khải (1930-2007) là một nhà văn mà con đường sáng tác đã đi theo thời sự một cách rõ nét. Khi miền Bắc đang có phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, ông có tiểu thuyết “Xung Đột”, “Mùa Lạc”. Khi cuộc nội chiến Nam Bắc ở giai đoạn khốc liệt nhất thì ông có ký “Họ sống và chiến đấu”. Sau năm 1975 , khi miền Bắc chiến thắng ông có tiểu thuyết “Cha và con, và..”, “Gặp gỡ cuối năm”. Khi rộ lên phong trào đổi mới, lại có “Hà Nội trong mắt tôi”. Và khi gần lìa dời có tiểu thuyết mang vóc dáng tự truyện “Thượng đế thì cười “ và tùy bút chính trị “Đi tìm cái tôi đã mất”. Sự theo sát thời sự như thế nên con đường quan lộ cũng thênh thang và trong đời sống văn học cũng như thường ngày, ông là một người khôn khéo, biết tùy thời, tiến lui nhịp nhàng. Nhiều người đã có những nhận xét khá đặc biệt về ông. Như Xuân Sách , đã phác họa:

    • Cha và con… và họ hàng

      hết bay mùa thóc lẫn Mùa lạc

      cho nên Chiến sĩ thiếu lương ăn

      Họ sống chiến đấu càng khó khăn

      Tháng ba ở Tây nguyên đỏ lửa

      Tháng tư còn đi xa hơn nữa

      Đường đi ra đảo đường trong mây

      Những người trở về mấy ai hay

      Xung đột mỗi ngày thêm gay gắt

      Muốn làm Cách mạng nhưng lại dát.”


    Xuân Sách đã dùng tên các tác phẩm đề mô tả chân dung Nguyễn Khải: ‘Cha và con, và..”, “Mùa Lạc”, “Chiến sĩ”, “Họ sống và chiến đấu”, “Tháng ba ở Tây Nguyên”, “Xung Đột”, “Cách mạng”. Câu kết “muốn làm cách mạng nhưng lại dát” đúng nhưng chỉ biểu lộ một phần tâm tính Nguyễn Khải.

    Dương Tường, một người biết rõ về Nguyễn Khải đã thổ lộ:

    “Nguyễn Khải, như tôi đã cảm nhận, là một “ca” đặc biệt và phức tạp nữa. Trong Khải luôn luôn có hai con người. Một Nguyễn Khải khôn khéo giả dối và một Nguyễn Khải thành thật trắng trợn. Một Nguyễn Khải hèn nhát và một Nguyễn Khải khinh ghét tay Nguyễn Khải hèn nhát kia. Và sự tranh chấp giữa hai con người ấy không bao giờ ngã ngũ. Vì thế tôi đón nhận bài tùy bút “Đi tìm cái tôi đánh mất” với mối quan tâm đặc biệt, thầm mong đó có thể là một cái gì giống như “tiếng hót của con thiên nga”…”

    Nhưng Vương Trí Nhàn thì nghĩ khác:

    Thế tại sao Nguyễn Khải lại viết “Đi tìm cái tôi đã mất”? Theo tôi, trường hợp này cũng giống như Chế Lan Viên viết “Di Cảo Thơ” hay Tố Hữu tâm sự với Nhật Hoa Khanh. Thực chất cái việc các ông “cố ý làm nhòe khuôn mặt của mình” như thế này là cốt để xếp hàng cả hai cửa. Cửa cũ, các ông không bao giờ từ. Còn nếu tình hình khác đi, có sự đánh giá khác đi, các ông đã có sẵn cục gạch của mình ở bên cửa mới. (Bạn đọc có sống ở Hà Nội thời bao cấp hẳn nhớ tâm trạng mỗi lần đi xếp hàng và không sao quên được những cục gạch mà có lần nào đó mình đã xử dụng.)

    Rồi Vương Trí Nhan đã kể những lới nói giả dối ra sao như Nguyễn Khải thường tỏ ra coi thường các giải thưởng văn học nhưng thực tế thì lại khác, ông rất bực mình khi có ai phụ họa theo bởi vì ông là người ham hố chức tước và giải thưởng nhất. Hay khi Nguyễn Khải tự đánh gía sự nghiệp văn học của mình như “Cái tài sản tinh thần thâu góp một đời ấy về già nhìn lại thì chỉ là một cái kho chứa đủ tạp nhạp chẳng có giá trị gì” chỉ là một câu tự khiêm nhường mà nói ra nhưng ông lại nghĩ khác .

    Và Vương Trí Nhàn cho rằng sự tranh chấp giữa hai con người Nguyễn Khải chỉ là một trò trình diễn trên sân khấu. Thực tế ông hòa hợp với cả hai, tùy theo trường hợp tiến hay lùi, ông đưa ra con người này hay con người khác để làm hàng. Và “lối nghĩ này đã giúp ông thành công chói lọi trong suốt đường đời, và cho đến chung cục của đời sống ông vẫn giữ, không tự khác mình đến một mili-mét”.


    Xuân Sách không quên Tố Hữu, người lãnh đạo giới văn học nghệ thuật ở miền Bắc và sau 1975 cả trong nước. Thi ca của ông này chỉ có mục đích phục vụ cho đường lối chính trị mà ông ta theo đuổi và bắt ép cả giới văn học nghệ thuật tuân theo. Ông làm thơ cổ võ ồn ào minh họa cho các chủ trương đường lối của Đảng, ca ngợi lãnh tụ quá đáng đến nỗi thờ phụng. Nếu xét về nghệ thuật thì chẳng có giá trị gì. Nhạc sĩ Văn Cao đã nói thẳng vào mặt Tố Hữu đại ý thơ kiểu hò vè ca dao của Tố Hữu thì có giá trị gì mà đọc và chính vì câu nói này mà bị hành hạ suốt cả đời. Tố Hữu đã được Xuân Sách mô tả:

    • “Ta đi tới đỉnh cao muôn trượng

      mắt trông về tám hướng phía trời xa

      chân dép lốp bay vào vũ trụ

      lúc trở về ta vẫn là ta!



      Từ ấy trong tôi bừng tiếng hát

      Trông về Việt Bắc tít mù mây

      Nhà càng lộng Gió thơ càng nhạt

      Máu ở chiến trường Hoa ở đây.”


    Xuân Sách đã dùng tên nhan đề những tập thơ của Tố Hữu: Ta Đi Tới, Việt Bắc, Gió lộng, Việt Nam Máu và Hoa để nói về tác giả của nó: tham vọng, thủ đoạn, giả dối, chức thì lớn nhưng thơ thì nhạt, bởi cái tâm không tốt.

    Tố Hữu cũng là một mẫu người “nịnh trên nạt dưới” đã viết những câu thơ ô nhục như viết thơ khóc lãnh tụ đỏ Stalin: “Tiếng đầu lòng, con gọi Stalin. Thương cha thương mẹ thương chồng / Thương mình thương một, thương ông thương mười”.

    Và, trong đám nịnh thần làm thơ tôn vinh Hồ Chí Minh có Tố Hữu đứng đầu:

    • “Nhớ chân người bước lên đèo

      Người đi rừng núi

      Trông theo bóng người

      Lòng ta ơn Bác đời đời..”

      Hay: “Bác ơi tim Bác mông mênh thế

      Ôm cả non sông, mọi kiếp người

      Bác để tình thương cho chúng con

      một đời thanh bạch chẳng vàng son

      mong manh áo vải hồn muôn trượng

      hơn tượng đồng phơi

      những lối mòn…”

    Xuân Sách đã “VẼ” lại và phác họa các chân dung một cách độc đáo như thế. Không phải chỉ riêng một chân dung mà còn là những nét chung mang của cả một thời đại văn học mệnh danh là hiện thực xã hội chủ nghĩa… Những câu thơ bắt đầu được truyền tụng ấy suốt mấy chục năm cùng những bài ca dao, những truyện “phóng dao” hay những câu chuyện tiếu lâm chung quanh các nhân vật lãnh đạo đã tạo thành một nền văn học dân gian mà vũ khí của người bị trị, bị đàn áp là châm biếm mỉa mai, một hành động đấu tranh tiêu cực nhưng cũng là chứng tích của một thời kỳ tệ mạt của dân tộc. Chân Dung Nhà Văn của Xuân Sách đã được in thành sách trong cái tâm tư ấy chăng?./.

    Nguyễn Mạnh Trinh.


    Nguồn:http://vietluan.com.au


              
Trả lời

Quay về “Nguyễn mạnh Trinh”