Lại Thanh Hà: Từ “Inside Out& Back Again” đến” Listen Slowly”.

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5417
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Lại Thanh Hà: Từ “Inside Out& Back Again” đến” Listen Slowly”.

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Lại Thanh Hà: Từ “Inside Out& Back Again”
    đến” Listen Slowly”.





    Tác phẩm đầu tay của Lại Thanh Hà là “Inside Out & Back Again” được giải thưởng National Book Award năm 2011 về văn chương dành cho thiếu nhi. Tập thơ này làm cô nổi tiếng, có nhân vật chính là cô bé Kim Hà với những ý nghĩ hồn nhiên. Vẫn là hành trình gập ghềnh của một gia đình tị nạn. Vẫn là những nỗi niềm của một tuổi thơ lớn lên giữa những nếp sống xa lạ mà ngôn ngữ khác biệt đã tạo thành những rào chắn để tiến đến sự cảm thông với những người chung quanh. Tác phẩm viết về một câu chuyện của một cô bé Việt Nam tị nạn lúc mười tuổi tên Kim Hà. Nhưng, một điều đặc biệt, là tác giả đã viết tiểu thuyết bằng thơ. Cô tả người, tả tình, tả cảnh bằng những vần thơ Anh ngữ có chất hóm hỉnh trộn lẫn với cảm xúc để chuyên chở một cách linh động tâm tình của những người phải bỏ xứ ra đi sống ở nước ngoài.




    Nhà văn Lại Thanh Hà



    Một người Việt Nam tị nạn viết về những ngày ấu thơ của mình giữa một thế giới lạ lẫm mà có rất nhiều điều phải đã sống qua mới cảm nhận được. Cô bé đã khám phá được một thế giới mà mình phải bước vào, phải quen thuộc và sống với. Những ý nghĩ trong veo, có sự nghịch ngợm của một tâm thức hiếu động đã tạo thành sức hấp dẫn cho người đọc bản xứ vốn rất hiếu kỳ với những trường hợp hội nhập của những người tị nạn khởi đầu sự nghiệp với hai bàn tay trắng.

    Ở tác phẩm thứ hai, “Listen, Slowly”, là một chuyện kể của một cô bé tên là Mai trong một thế hệ tị nạn sống và lớn lên ở xã hội Hoa Kỳ học hỏi về ý nghĩa thực tế của danh từ quen thuộc “gia đình” này. Với những điều trải nghiệm đuợc từ cuộc sống, so sánh giữa hai nếp sống, một ở quê nhà của những người thân và một của mình đang sống ở Hoa Kỳ, cô bé hiểu được một phần nào sự liên hệ của mình với một nơi chốn mà cô đã có một cuộc nghỉ hè bất đắc dĩ.





    Mai là một bé gái sinh đẻ và lớn lên ở tiểu bang California. Nhưng năm nay, cô không được hưởng một mùa hè thú vị ở thành phố biển Laguna Beach như đã dự trù. Mà, thay thế vào đó là cuộc du lịch về Việt Nam với bà ngoại. Bà trở về quê hương với mục đích tìm kiếm tông tích và những điều đã xảy ra với người chồng của bà mất tích trong cuộc chiến vừa qua. Cha mẹ của Mai thì nghĩ rằng đây là một cơ hội tốt để cho cô con gái cưng của mình học hỏi và hiểu biết về tập quán phong tục của dân tộc mình. Nhưng với Mai, cuộc sống ở Việt Nam là của những người cùng tông tộc nhưng không phải của chính cô. Khí hậu Việt Nam thì nóng, lại có những mùi vị khó chịu và là một nơi chốn cuối cùng mà cô muốn đến để sống. Bên cạnh những ngôn ngữ khó khăn để nói và hiểu, cô bé này cũng chẳng biết gì về địa lý hay những phong tục địa phương và thậm chí cũng không biết dược mối liên quan họ hàng máu mủ với những thân quyến ở đây. Nhưng Mai đã cố gắng trong cuộc du lịch để làm quen và tìm hiểu để tìm ra được để quân bình giữa hai thế giới rất khác biệt nhau.

    Tác phẩm thứ hai này được phát hành vào năm 2015. Và lần này có một sự thay đổi bút hiệu. Lần trước với tác phẩm “Inside Out & Back again”, tác giả là Thanhha Lai, không có dấu. Còn với “Listen, Slowly” thì tác giả là Thanhhà Lại, có dấu như chữ Việt Nam.

    Trong một cuộc đối thoại với Rachel Martin, tác giả “Listen, Slowly” đã nói về tác phẩm thứ hai của mình, với cả sự chân thành cũng như sự khích động khó tránh được khi nói về những điều mà cô tâm đắc.

    Rachel Martin: Mai là một cô bé 12 tuổi sống ở Nam California với sở thích khoái ăn fish tacos và cũng có ám ảnh về các cậu trai cùng tuổi. Cha mẹ cô gọi tên cô bằng tên Việt Nam nhưng cô lại không có nhiều liên quan đến xứ sở của cô- như là khi cô cùng bà ngoại trở về Việt Nam để tìm kiếm tông tích của người ông bị mất tích trong cuộc chiến vừa qua. Mai là nhân vật chính của tiểu thuyết mới “Listen, Slowly” Ðó là câu chuyện cho tuổi thơ của một tác giả đã đoạt giải National Book Award Thanhhà Lại, và bắt đầu khi bà ngoại của Mai cảm thấy một chút hy vọng sẽ tìm được người chồng sau một thời gian mất tích dài.

    Thanh Hà Lại: Mùa hè mẹ tôi nhận được lá thư nói rằng cha tôi có thể vẫn còn sống hoặc chúng tôi có nhiều tin tức về cha tôi, mẹ tôi quyết định trở về Việt Nam. Và đây là lần đầu tiên bà trở về quê hương mình kể từ khi chiến tranh chấm dứt năm 1975 và mẹ tôi cần một người đi cùng. Và cha mẹ của Mai tình nguyện đề cử Mai để đi một chuyến du lịch mà Mai không hề muốn

    Martin (cười): Mai cũng không có phản ứng gì.

    Lai: Tuyệt đối là không nhưng cô bé không vui. Cô càu nhàu than phiền nhưng hầu như tất cả suy nghĩ trong đầu cô là cô hiểu rằng nói nhẹ nhàng sẽ tốt hơn là la lối lớn tiếng. Cô nêu ra vài lý do như cô đã phải chịu đựng một chút không vừa ý và tìm hiểu quá ít về liên quan giữa chính cô và những người thân thuộc ở Việt Nam Nhưng trước khi khởi hành chuyến trở về, cô bé Mai đã hết sức bất mãn.

    Martin: Hãy cho chúng ta một vài chi tiết về một cô gái 12 tuổi ở Nam California…

    Lai: Cô bé biết rằng mình thuộc dòng giống của truyền thống Việt Nam và cô đã chưa có dịp nào sẵn sàng để nói tiếng nói ấy dù cha mẹ cô cố gắng cho cô đi học lớp Việt ngữ vào ngày thứ Bảy cuối tuần và những trường lớp ấy có nhiều ở Orange County nhưng cô không đến học. Nhưng có một điều đã ràng buộc cô với truyền thống văn hóa Việt là bà ngoại mà cô gọi là Bà. Cô yêu Bà.

    Martin: Và với giọng nói nào dễ dàng để truyền đạt?

    Lai: Có biết rằng tôi đã tự tưởng tượng tôi là cô bé mười hai tuổi và tôi đang lớn lên được nuông chiều có thể sinh hư ở Laguna Buach, Và tôi ăn thức ăn Việt Nam hầu như mỗi cuối tuần ở Littke Sàigòn. Ðó là điều rất chính xác để tôi trở thành một người khác.

    Martin:
    Nhưng giọng nói của của một nhân vật khác thì không giống. Và nhiều điều để tôi nghĩ rằng cô đã hiểu rõ vấn đề bởi vì thỉnh thoảng đã dùng mẫu chữ italics ỏ trong sách.

    Lai: Ðúng như vậy.

    Martin: Vậy điều gì cô muốn biểu lộ khi đã dùng mẫu chữ ấy?

    Lai: Với những hàng chữ mẫu italics để tôi viết bằng chữ Việt Nam và tôi đã dịch ra Anh ngữ để người đọc có thể hiểu. Và tôi thực sự muốn chia sẻ với những bạn đọc hiểu được ngôn ngữ Việt Nam nhưng lại nói tiếng Anh. Khi nói một ngôn ngữ khác dĩ nhiên không phải là dùng chữ nghĩa khác biệt. Cái “body language” sẽ khác đi khi nói với ngôn ngữ ấy. Sẽ đi xa hơn là tôi nói bởi vì tôi hiểu được cả hai ngôn ngữ và sẽ thay đổi tùy thuộc vào ngôn ngữ đang nói. Và tôi thực sự muốn đạt được kết quả ấy. Tôi rất vui khi viết như vậy.

    Martin: Tác phẩm đầu tiên của cô đã đoạt giải thưởng National Award. Ðó là một tác phẩm bán tiểu sử kể lại câu chuyện của chính cô khi cô vừa 10 tuổi và là một cô bé vừa trải qua một cuộc chiến đến tị nạn ở Hoa Kỳ. Và cô đã viết tác phẩm này trong hình thức những chương sách ngắn liên tục giống như những vần thơ.

    Lai: Ðúng như vậy.

    Martin: Nhưng tác phẩm này thì khác. Cô viết theo thể cách kể chuyện truyền thống. Tại sao cô thay đổi phương cách viết như thế?

    Lai: Tôi có nhiều lý do hợp lý để viết tác phẩm “Inside Out and Back Again” theo thể cách thi ca. Ông có biết, từ năm tiếp năm rồi tiếp năm cứ thế tôi không bao giờ có “voice” đúng giọng và tôi đã phải viết một tiểu thuyết khác. Cuối cùng một ngày tôi đứng ở sân chơi của học sinh ở Central Park và đột nhiên những hình ảnh bắt đầu trở lại với tôi. Nó là một hình ảnh thoáng qua rất nhanh và thật sắc bén, y hệt như mầu sắc của đỏ và vàng của món hot dogs. Và tôi nhận ra tôi trở lại trong nội tâm của một cô bé đang đứng ở sân trường ở Montgomery, tiểu bang Alabama, ngày đầu tiên tôi đến xứ sở này. Và tôi nghĩ đây chính là cái “voice” của tôi. Tôi cũng chẳng hiểu cái gọi là thơ ấy là cái gì và tôi cũng chẳng có ý kiến nào về âm điệu của giòng văn mà tôi viết trong cả năm trời. Ðiều ấy nói cho bạn biết chỗ nào tâm trí tôi ở đó. Tôi đã nghĩ thế nào khi cảm giác rằng cô bé ấy nghĩ về Việt Nam. Bây giờ, ngay lúc này trong chữ nghĩa của Mai trong “Listen, Slowly” Cô bé ấy không suy nghĩ về Việt Nam mà cô đang suy nghĩ về ngôn ngữ độc hại như rắn của Anh ngữ…

    Martin: (Cười).

    Lai:
    Và như thế tôi cần- cần thiết những câu chữ.

    Martin: Ðã có rất nhiều con chữ, cả những câu văn dài.

    Lai: (cười) Vâng, thật nhiều ý tưởng, thật nhiều con chữ.

    Martin: Nhưng cuốn sách này bắt đầu từ câu chuyện của một cô bé không phải tị nạn và sinh ra ở đất nước này. Và khi lớn lên thì bắt đầu hiểu rằng nơi chốn nào mà cả gia đình đến định cư. Cô đã dụng công thế nào khi nhìn ngắm đời sống ơ Việt Nam qua con mắt quan sát của cô bé ấy?

    Lai: Tôi có nhiều cháu trai và cháu gái sinh ra sau khi chiến tranh ở Hoa Kỳ và tôi hiểu những gì chúng nghĩ. Việt Nam với chúng có nhiều hấp dẫn. Ðó là nơi chốn tôi sẽ trở về sau khi học xong đại học. Tôi hỏi mấy đứa cháu nghĩ gì về Việt Nam? Trả lời là ở đó có thể ăn được món ăn này hoặc món ăn khác và có thể cưỡi voi ở trên vùng cao nguyên và như vậy là OK rồi. Nhưng với tôi, cần có một cuộc “evolution” sau chiến tranh. Ðó là những điều xảy ra như một phần của tiến trình hồi sinh. Bạn sẽ đến một đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh để bắt đầu là một đất nước cho khách du lịch, Theo tôi, điều đó chẳng có gì là không hợp lý cả

    Martin: Tác phẩm được gọi là “Listen, Slowly” được viết với tác giả Lại Thanh Hà. Cô nói chuyện vói chúng ta từ studio ở New York. Cám ơn cô đã nói chuyện với độc giả chúng ta.

    Với một cuôc phỏng vấn khác với Hồng Hoa, phóng viên đài VOA, nhà văn nữ gốc Việt Lại Thanh Hà lại tỏ ra cởi mở và phóng khoáng hơn.

    Hồng Hoa: Khi mà chị move qua Mỹ là năm 10 tuổi đúng không?

    Lại Thanh Hà: Ðúng rồi lúc đó 10 tuổi

    Hồng Hoa: Vậy thì khi đó chị học lớp 3?

    Lại Thanh Hà: Lúc đó chưa xong lớp 4 là đi.

    Hồng Hoa: Chắc là lúc đó chị cũng đã quen với việc là suy nghĩ rồi nói chuyện giao tiếp tất cả bằng tiếng Việt, vậy thì…?

    Lại Thanh Hà:
    Ðúng rồi, lúc đó là bắt đầu viết văn rồi tất cả bằng tiếng Việt. Nhưng qua đây là cái óc 1, 2, 3 là chuyển thành tiếng Anh không. Lúc qua đây thì không biết nói một câu tiếng Anh, không nói Hello được nữa.

    Bây giờ thì mình ở đây, cho nên cái óc phải suy qua tiếng Anh rồi mình bắt buộc phải viết tiếng Anh thì mới sống ở cái xứ này được. Ỏ nhà thì vẫn nói tiếng Việt với mẹ, tại vì mẹ Hà cho đến nay vẫn nói tiếng Việt, mà chỉ nói được mấy câu tiếng Anh thôi. Thành ra ở nhà Hà nói tiếng Việt nhưng nói rất ít còn phần lớn óc chuyển qua tiếng Anh hết để đi học rồi.

    Hồng Hoa: Vậy khi lúc chị mới qua Mỹ thì chị có gặp khó khăn gì không và đó là những khó khăn nào?

    Lại Thanh Hà: Khó khăn là không biểu lộ được những gì mình biết. Với lại cái này là lúc mình đến Montgomery, Alabama, ở đây họ chưa thấy người Á Ðông bao giờ. Thanh Hà là người đầu tiên mà những đứa học trò 10 tuổi ở đây thấy người Á Ðông đầu tiên. Họ chưa bao giờ thấy ai mà tóc đen da vàng và đứng đó mà không biết nói tiếng Anh. Lúc này chiến tranh Việt Nam ở trên TV Mỹ rất nhiều, thành ra họ cứ tưởng tượng Hà là những đứa mà họ thấy ở trên TV. Nên chắc chắn là chúng nó chọc, kéo tóc, làm đủ trò hết. Tại mấy đứa học trò cảm thấy lạ. Mà lúc này xã hội Mỹ chưa có phong trào là phải đưa tay ra mừng đón tất cả người mới đến. Lúc này là lúc Alabama mới có civil rights nên lúc đó chưa có ai hiểu là người lạ đến và mình phải làm gì với người đó.

    Hồng Hoa: Chị học trường đại học nào?

    Lại Thanh Hà:
    Lúc học đại học lần đầu thì là University of Texas at Austin tại vì lúc đó gia đình đang ở Texas, lớn lên ở Fort Worth. Khi đi học ở Austin thì học ngành báo chí (journalism). Công việc viết báo đầu tiên ngay ở Orange County Register.

    Hồng Hoa: Vậy thì bằng cách nào mà chị chuyển từ báo chí sang sự nghiệp viết lách?

    Lại Thanh Hà: Tại vì Hà viết báo cho Orange County khoảng chừng một năm rưỡi. Trong cái năm rưỡi đó là mình hiểu mình muốn làm cái gì. Journalism, báo chí. Không phải là viết văn mà là chạy ra lấy tin tức thật nhanh chạy về gõ bài cái gì cũng rất nhanh. Thanh Hà càng viết thì Thanh Hà càng hiểu là mình không muốn chạy ra lấy tin. Mình chỉ muốn ngồi đó, o bế câu mình viết cho đến khi đạt tới mức tốt nhất mình có thể viết. Cái đó không phải là journalism báo chí, cái đó mình phải ra viết văn. Rồi từ đó Thanh Hà nghĩ là nghề đó không phải của mình. Thanh Hà làm 18 tháng thì Thanh Hà hiểu như vậy. Thành ra nếu mà mình cứ làm rồi 20 năm nữa mình cũng không thích nghề này hơn đâu. Cho nên Hà bỏ nghề đó chuyển đến Boston. Ở đó Hà đi bưng bê đĩa làm đủ việc để bắt đầu viết truyên ngắn. Khi viết xong thì bắt đầu mình nộp vào nơi gọi là literal magazine. Sau đó có mấy bài được họ in. Từ đó khuyến khích mình viết. Khi đó mình viết dở kinh khủng mà vẫn tiếp tục viết. Cuối cùng cứ duy trì và cố gắng viết khoảng 9 năm. Hà đi lấy bằng MFA (Master of Fine Arts) về Creative Writing ở trường New York University.

    Hồng Hoa: Cuốn sách “Inside Out and Back Again” của chị được trao giải thưởng trong hạng mục Young People Literature (văn học cho người trẻ), đối với độc giả trẻ như vậy thì tại sao chị lại chọn đề tài viết về một phần trong cuộc đòi của chị, đây là một cái gì đó thiên về hiện thực, sự thực, hơn là một câu chuyện tình lãng mạn hay có cái gì đó ảo ảo?

    Lại Thanh Hà: Trước hết truyện “Inside Out and Back Again” là kết quả của quá trình viết văn 15 năm. Trước khi viết truyện này, Thanh Hà ngồi đó 15 năm, viết một cuốn truyện khác không phải cho người trẻ mà là cho tất cả mọi người, nhưng mà viết không thành. Thanh Hà cứ hỏi chính mình là tại sao câu chuyện này không khớp vào với nhau và các câu văn không đi đúng với truyện. Cứ thế cố gắng, và cuối cùng thì biết là truyện kia mình viết cũng là một gia đình từ Việt Nam di cư qua Mỹ và tất cả những gì xảy ra với họ. Cốt chuyện cũng giống như vậy nhưng mà nó không hợp với truyện. Cuối cùng thì Hà nghĩ ra, tại vì khi mà mình viết dùng những câu văn mình nghĩ là cho người lớn thì lại không hợp với óc của một đứa bé 10 tuổi và cũng không hợp với một người gang nghĩ bằng tiếng Việt. Sau đó Hà bắt đầu viết từ những câu nhỏ ít dùng chữ mà để miêu tả hình ảnh hơn. Từ đó hiện ra một đứa bé 10 tuổi và hoàn toàn khớp với cách viết này và từ đó câu chuyện ra đời.

    Thành ra Hà lấy một truyện khác mình đang viết đưa thành một câu chuyện nhỏ hơn. Mà Hà cũng không biết là mình đang viết cho trẻ em, Hà cứ viết thôi. Ðến lúc đi tìm nhà in và nộp bản thảo thì chính họ phải nói với Hà là đây là truyện cho người trẻ và họ sẽ in ra và quảng cáo nó theo đối tượng người trẻ như vậy. Trước đó là Hà cũng không biết là Hà viết cho ai, Hà chỉ biết đây là câu chuyện của đứa bé này và mình cần viết như vậy.

    Còn tại sao Hà viết giống như thật mà không phải là chuyện khác? Là vì sau 15 năm Hà mệt quá rồi Hà không muốn phải đi nghiên cứu tìm hiểu nữa mà muốn làm cái gì đó mà mình biết trong đầu mình.

    Hồng Hoa:
    Trong câu chuyện đó có bao nhiêu phần trăm hiện thực hoàn toàn và bao nhiêu phần trăm hư cấu?

    Lại Thanh Hà:
    Phải nói là 80% là mình tạo ra. Tại vì Hà từ Việt Nam qua, bố vẫn mất tích. Có bà mẹ phải nuôi nhiều đứa con. Còn ở ngoài đời thì Hà có chín anh em lận. Có sáu người anh, hai người chị, Hà là em út. Nhưng mà vì có quá nhiều người, không thể đưa hết vào một cuốn sách được thành ra phải “tẩy” ra và gộp sáu ông anh lại thành có ba người anh. Rồi phải “tẩy” đi hai người chị để truyện này về một đứa con gái sống trong một gia đình đầy con trai. Rồi ngoài đời thì có việc đi trên tàu để qua đây nhưng mà lúc trên tàu có con gà với con búp bê tất cả những điều đó là do Hà tạo ra hết…

    Qua hai cuộc phỏng vấn mà tôi trích dẫn ở trên, độc giả có lẽ cũng đã nhận diện được chân dung của người viết, trung thực và tấm lòng của một người lớn lên ở xứ người nhưng vẫn còn giữ được tâm thái Việt Nam. Tôi nghĩ chính điều ấy đã làm cô viết văn cho độc giả bản xứ đọc nhưng tạo được nét đặc biệt riêng để trở thành một người viết văn được cảm tình của giới cầm bút và có tác phẩm đoạt được giải thưởng văn chương và góp mặt vào văn đàn quốc tế.

    Nguyễn Mạnh Trinh.


    Nguồn:http://vietluan.com.au


              
Trả lời

Quay về “Nguyễn mạnh Trinh”