Haruki Murakami, từ giải Nobel văn chương đến The New Academy 2018.

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Haruki Murakami, từ giải Nobel văn chương đến The New Academy 2018.

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Haruki Murakami, từ giải Nobel văn chương đến The New Academy 2018.




    Danh sách tác giả được đề cử cuối cùng gồm có 4 người: Neil Gaiman (Anh), Maryse Conde (Đảo Guadeloupe thuộc địa Pháp ở vùng biển Caribean), Haruki Murakami (Nhật) và Kim Thúy (người Canada gốc Việt tị nạn).



    Năm nay, 2018 không có giải Nobel văn chương. Lý do vì có những sự kiện gây tai tiếng từ những nhân vật quan trọng của giải. Như ông Jean- Claude Arnault, một nhiếp ảnh gia người Pháp một nhân vật nổi tiếng trong giới trí thức khoa bảng Thụy Điển bị cáo buộc quấy rối tình dục với 18 phụ nữ ở những mức độ nghiêm trọng khác nhau. Ông Arnault là chồng của một nhà thơ nữ thành viên của Hàn Lâm Viện Thụy Điển, Katarina Frostenson. Hai vợ chồng có sự hợp tác với Viện Hàn Lâm Thụy Điển trong một số dự án văn học nghệ thuật mà kinh phí được cung cấp. Có những tai tiếng tài chánh cũng như trong việc chọn lựa người đoạt giải có sự tiết lộ từ ông Arnault.

    The New Academy 2018 là giải thưởng thay thế cho giải Nobel Văn Chương năm 2018. Cũng dược trao giải vào tháng 10 năm nay, nhưng thay vì danh sách ứng cử được giữ bí mật và chỉ có một số nhân vật trong hội đồng tuyển chọn biết thì một ủy ban đề cử gồm hơn 100 nhân vật văn học Thụy Điển nhờ các thư viện lập danh sách đề cử. Có 47 tác giả được đề cử trong đó có các ứng viên hàng đầu như Cormac McCarthy, Margaret Atwood, Amos Or, Haruki Murakami… Và cũng có các khuôn mặt mới như Sofi Oskanen, Olga Tokarczuk, Nnedi Okarafor…

    Neil Gaiman được tuyên dương là “một ngôi sao sáng trong dòng văn học giả tưởng”. Tác giả Mỹ Stephen King gọi ông là “kho tàng của những chuyện kể”. Và Gaiman cũng là một ngôi sao nhạc rock của dịng văn chương huyền ảo.

    Maryse Conde là một ngôi sao sáng của văn học vùng Caribean, với những tác phẩm như Desirada và Segu, có 15 tác phẩm được dịch ra Anh ngữ và nhiều ngôn ngữ khác. Sinh trưởng ở đảo Guadeloupe nhưng sống ở Phi Câu 10 năm ở Guinea, Ghana và Senegal. Sau khi ly dị chồng sống ở Paris.

    Kim Thúy một nhà văn gốc Việt tị nạn sinh sống ở Canada, với tác phẩm Ru mang đậm màu sắc hương vị Việt Nam. Tác phẩm này được dịch ra 27 ngôn ngữ nhưng chưa có bản Việt ngữ. Có lẽ vì đề tài người vượt biển nhạy cảm với giới dịch giả trong nước.

    Haruki Murakami được nêu lên như một tên tuổi tác giả, dịch giả nổi tiếng nhất của The New Academy 2018.

    Mục đích của giải The New Academy 2018 là tìm kiếm một nhà văn kể câu chuyện về “những con người trên khắp thế giới”. Trong khi mục đích của giải Nobel Văn chương là để tôn vinh”những tác phẩm xuất sắc theo định hướng lý tưởng”.

    Nhà văn Haruki Murakami tuyên bố xin rút khỏi giải The new Academy 2018,thay vào đĩ là lịng biết ơn với việc đã được lựa chọn, tuy nhiên ông muốn tập trung vào việc sáng tác của mình, tránh xa sự chú ý của giới truyền thông và có nguyện vọng được rút tên khỏi giải.

    Chúng tôi viết bài này trong khi chờ đợi kết quả của giải The New Academy 2018. Dĩ nhiên với nhà văn Kim Thúy, tôi mong cô đoạt giải. Thế giới đã biết đến và nhìn nhận những thành quả của người Việt Nam, nhất là những người tị nạn. Cách nay nhiều năm khi tác phẩm Ru của Kim Thúy được nhiều người biết đến, tôi đã viết bài giới thiệu với lòng mong muốn được thấy những thành quả rực rỡ của những người trẻ Việt Nam trên văn đàn thế giới.

    Hôm nay, viết bài này trong lúc trông chờ kết quả của giải The New Academy. Hy vọng, tôi sẽ viết được một bài viết theo chủ đích ấy về nhà văn Kim Thúy.

    Riêng về tác giả Haruki Murakami, tôi thấy ông hình như ít có duyên với giải Nobel văn chương. Bao nhiêu lần trong danh sách đề cử “final list” cuối cùng nhưng người khác đoạt giải. Tôi muốn tìm hiểu sự kiện với một gợi ý tình cờ khi tôi đọc mấy bài viết về việc tuyển chọn tác giả văn học cho giải văn chương Nobel 2016 vào ngày đầu tháng 10. Tôi đọc tiểu thuyết của Haruki Murakami và chờ mong ông đoạt giải thưởng này. Nhưng, mấy năm gần đây, tên tuổi ông chỉ ở trong vòng tuyển chọn cuối nhưng không có tên chung tuyển. Những cuộc phê bình chọn lựa của các cơ quan truyền thông trên thế giới nhiều khi có chung cảm giác bất ngờ ấy.

    Riêng tôi, có lúc đã nghĩ rằng nhiều khi có sự phân biệt văn hóa giữa Ðông và Tây phương? Tuy là ý nghĩ thoáng qua nhưng tôi cũng thử tìm hiểu các tác giả Nhật Bản đã đoạt giải Nobel văn chương trong quá khứ để may ra hiểu được vấn đề khá tế nhị này.

    Nhà văn Kawabata Yasunari đoạt giải Nobel văn chương năm 1968 và nhà văn Kenzaburo Oe đoạt giải Nobel văn chương năm 1994 là những chọn lựa của Hàn Lâm Viện Thụy Ðiển nhằm vinh danh những chân dung tiêu biểu của văn học các nước Ðông phương. Nhưng, tại sao lại có những “trục trặc” với Karuki Murakami? Cũng như cũng đã có với nhà văn Mishima, cũng đã có tên trong chung cuộc giải thưởng nhưng không bao giờ đoạt giải cho đến khi ông tự sát vào năm 1970.

    Bài viết này có thể coi như một cuộc tìm kiếm từ chân dung những tác giả nổi tiếng ấy, cũng là dịp “ghé qua” một nền văn học Nhật Bản với nhiều nét đặc thù nổi bật trong sinh hoạt văn học thế giới.

    Nhà văn Kawabata Yasunari là tiểu thuyết gia Nhật Bản đầu tiên đoạt giải Nobel văn chương năm 1968. Hơn thế nữa ông đã mang nền văn hóa Ðông Phương đến các nước phương Tây với những nét phác họa đầy biểu tượng và sâu sắc. Qua tác phẩm của ông những phản ánh nhiều phương diện văn hóa Nhật đã trở thành những kinh điển cho những người tìm hiểu. Thi ca hình như là cốt tủy và lắng đọng trong văn phong và ngôn ngữ của ông.

    Ông viết những loại truyện rất ngắn mà ông gọi là truyện ngắn trong lòng bàn tay: “Tuổi trẻ trong đời nhiều nhà văn thường dành cho thơ ca, còn tôi, thay vì thơ ca, tôi viết những tác phẩm nhỏ gọi là truyện ngắn trong lòng bàn tay. Hồn thơ những ngày trẻ tuổi của tôi sống sót trong những câu truyện ấy”.

    Hàn Lâm Viện Thụy Ðiển đã vinh danh ông: “Từ kỹ thuật tài năng, với sự xúc cảm lớn lao biểu hiện bản thể của tâm hồn Nhật Bản”.

    Tiến sĩ Anders Usterling trong bài diễn văn cũng vinh danh ông “là người tôn vinh nét đẹp huyền ảo với hình ảnh u uẩn của hiện hữu trong đời sống thiên nhiên và trong định mệnh con người. Với tư cách nhà văn ông đã truyền đạt một nhận thức văn hóa có tính thẩm mỹ và đạo đức cao bằng một phong cách nghệ thuật độc đáo và đóng góp vào cầu nối tinh thần Ðông Tây theo phương cách riêng ông…”

    Trong diễn từ Nobel văn chương năm 1968, nhà văn Kawabata Yasunri đã đọc một tiểu luận “Sinh ra từ vẻ đẹp Nhật Bản” để nói về tâm hồn và văn hóa Nhật Bản với nhiều nét tượng hình cho nhiều phương diện biểu trưng cho tâm cảm Ðông phương tuy trầm mặc u uẩn nhưng có nhiều nét sống động ẩn khuất.

    Ông đã nhắc đến những thiền sư như Dogen, Ryoukan, Ikkyu, Shinran, những thi sĩ như Myoe, Saigyo, Murasaki Shikibu, Sei Shonagon, Izumi Skikibu…với những tư tưởng Thiền Tông và những bài thơ phác họa lại đời sống tâm linh trải qua từ nhiều thời đại văn học Nhật Bản.

    “Thiền sư Myoe và Saigyo thường trao đổi thơ và những ý nghĩa thi ca với nhau”. Cứ mỗi lần thiền sư Saigyo đến là bắt đầu câu chuyện về thơ. Ông nói: “Tôi có cái nhìn của tôi về thơ. Và tôi ngợi ca hoa, chim cu, tuyết, mặt trăng – nói chung các hình ảnh khác nhau. Nhưng thực chất tất cả những cái đó chỉ là vẻ ngoài đập vào mắt và dội vào tai. Nhưng dù sao thì những câu thơ chúng ta viết ra chẳng lẽ không phải là những châm ngôn ngụ ý? Khi ta nói về hoa thì ta đâu nghĩ đó là những bông hoa thật sự. Khi ta ca ngợi trăng ta đâu nghĩ đó là mãnh trăng thường tình. Hãy hình dung khi chúng ta có cảm hứng và những câu thơ tuôn ra. Cầu vồng rực rỡ trước mắt và hình như bầu trời luôn trống rỗng kia bỗng đổi màu. Mặt trời bỗng sáng rực đầy ánh sáng và bầu trời trống rỗng cũng vằng vặc sáng trưng theo. Nhưng tự bản thân bầu trời không tự phát ánh sáng và cũng chẳng đổi mầu, và chúng ta, trong tâm hồn chúng ta, giống như bầu trời kia chúng ta tô điểm mọi vật trong các mầu sắc khác nhau không để lại dấu vết. Chỉ có thơ ca như vậy mới thể hiện được Chân Phật.

    Trong những lời này có thể thấy tư tưởng của Nhật Bản, hay đúng hơn của Phương Ðông về “Hư Vô” và trong những tác phẩm của tôi các nhà phê bình cũng tìm thấy cái Hư Vô đó. Nhưng cái Hư Vô này hoàn toàn không phải cái mà người ta thường hiểu ở chữ chủ nghĩa hư vô (nihilism) của Phương Tây. Tôi nghĩ đó là do những cội rễ tinh thần của chúng ta khác nhau. Những câu thơ chân dung đích thực ca ngợi vẻ đẹp bốn mùa xuân hạ thu đông của Dogen chính là Thiền”.


    Ba tác phẩm của Kawabata Yasunari được Ủy Ban Giải Thưởng Nobel năm 1968 dẫn chứng khi trao giải là “Xứ Tuyết” (Yukiguni), “Ngàn Cánh Hạc” (Sembazuru) và “Cố Ðô” (Koto). Sáng tác của ông đề cập đến chủ đề bao gồm tình yêu, nỗi cô đơn, cái chết, sự đau khổ. Ông có văn phong mênh mang huyền ảo vừa tràn đầy dục tính vừa lại có chất lãng mạn của một đời sống pha lẫn giữa hư và thực. Một số người cho rằng ông tự tìm đến cái chết vì cảm thấy thất vọng, vì bế tắc trong sáng tác và vì những tác phẩm viết thời gian sau này không vượt qua được những tác phẩm đã đưa tên tuổi ông vang lừng trên thế giới. Ông chết để như một cách thế giữ mãi được vị trí đỉnh cao văn chương của mình.

    Nhà văn Yukio Mishima đã quyết định kết thúc đời mình bằng nghi thức seppuku với thanh kiếm của một võ sĩ đạo ông tự mổ bụng moi gan và chết một cách đau đớn. Cái chết của ông xuất phát từ sự thất bại của Hiệp hội Lá Chắn bao vây Cục Phòng Vệ Nhật Bản năm 1970. Hiệp Hội này chủ trương phục hưng tinh thần võ sĩ đạo Bushido ngợi ca chủ nghĩa quốc gia và ủng hộ Nhật Hoàng.

    Hai năm sau, nhà văn Yasunari Kawabata trong một căn phòng nhỏ ven bờ biển Zushi nhà văn mở khí gas và lặng lẽ rời khỏi trần thế. Ông không để lại một lời trăn trối nào.

    Nhà văn Kenzaburo Oe giải Nobel văn chương năm 1994 với lời tuyên dương của Hàn Lâm Viện Thụy Ðiển đại ý ông như ở trong thế giới của tưởng tượng, nơi đời sống thực và đời sống huyền ảo đông đặc lại thành một thể loại của những hình ảnh lộn xộn của những quan niệm nhân bản hiện nay.

    Trong diễn từ “Sinh ra từ tính đa nghĩa của Nhật Bản” của ông, như là một nối tiếp bản diễn từ “Sinh ra từ vẻ đẹp của Nhật Bản” của nhà văn Yasunari Kawabata giải Nobel văn chương năm 1968.

    Trong diễn văn nhận giải thưởng, ông đã phát biểu: “Bằng cách chia sẻ những ẩn dụ cũ kỹ, quen thuộc nhưng sinh động, tôi đã tự xếp hạng mình cùng chung hàng ngũ với các nhà văn Nam Chi Hà của Nam Hàn và Trịnh Nghĩa và Mạc Ngôn, cả hai ở Trung Quốc. Ðối với tôi, tình anh em trong văn học thế giới chính là nằm trong những tương quan như vậy, với những giao thiệp cụ thể… Giờ đây tôi hết sức lo lắng cho số phận của những nhà văn Trung Quốc tài năng đó, những người đã bị tước đoạt tự do của họ từ sự kiện Thiên An Môn với cuộc đàn áp ngày 4 tháng 6 năm 1989…”

    Hàn Lâm Viện Thụy Ðiển khẳng định: “Một đề tài xuyên suốt các tác phẩm của Kenzaburo Oe là bi kịch gia đình cùng tình thương và trách nhiệm đối với người con trai đầu Hiraki sinh ra đã bị dị tật. Kenzaburo Oe đã sáng tạo ra một thế giới tưởng tượng đầy chất thơ, đã mô tả tình trạng đau đớn trong khổ cảnh của con người thời hiện đại bằng sự cô đọng những ngụ ngôn và đời sống hiện thực. Ðồng thời ông cũng mô tả thành công quan hệ của con người trong một thế giới hỗn độn, một thế giới mà ở đó trí thức, tình cảm, giấc mơ, dã tâm, thái độ đã hòa quyện với nhau một cách thật kỳ diệu…”

    Trong diễn văn đọc tại buổi lễ trao giải, Kenzaburo Oe phát biểu: “Phong cách viết của tôi khởi nguồn từ những vấn đề cá nhân sau đó gắn kết chúng với xã hội, với cuộc đời và thế giới này. Với tư cách nhà văn tôi phải thừa nhận rằng chủ đề chủ yếu của các tác phẩm của tôi là phong cách gia đình tôi đã học cách sống với đứa con tật nguyền”.

    Ông kết luận: “Giải thưởng này đúng ra phải trao cho Hikari con trai tật nguyền của tôi. Tôi sẽ tập trung nỗ lực để Hiraki tỏa sáng trên vòm trời âm nhạc. Tôi hy vọng âm nhạc của Hiraki sẽ mãi mãi là thứ thần dược để chữa lành nỗi đau nhân thế”.

    Buổi lễ mừng giải thưởng Nobel văn chương của ông là một ngày hội vô cùng đặc biệt. Các nhạc sĩ hàng đầu của đất nước Phù Tang với các nhạc khí đủ loại đã biểu diễn 10 tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ trẻ Hikari Oe người con trai tật nguyền người đã khiến Kenzaburo Oe tìm được một con đường trong sáng tác văn chương và khiến con trai của ông được tái sinh.

    Kenzaburo Oe là nhà văn dù sau khi đoạt giải văn chương cao quý nhất vẫn tiếp tục chứng minh năng lượng sáng tác dồi dào của mình với những tác phẩm đầy tính thách thức như “Death on Water” được xuất bản năm 2008.

    Tài sản văn chương đồ sộ của Kenzaburo Oe gồm 60 tác phẩm nhưng có một số chỉ phổ biến ở Nhật Bản và chỉ một số được dịch ra Anh ngữ, Pháp, Trung Hoa và Ðức. Những tác phẩm đó như A Personal Matter, Seventeen, Hiroshima Notes, Sexual Humans, The Silent Cry, Teach Us to Outgrow Our Madness, Rouse Up O Young Men of The New Angel, An Echo of Heaven, A Quiet Life, A Healing Family, The Changing, Death by Water…

    Trong “A Personal Matter” (Một nỗi đau riêng), tác giả mô tả nỗi đau đớn của người cha khi có một đứa con trai bị tàn phế vì não bộ bị phóng xạ nguyên tử làm bại não. Hình ảnh của cậu con trai Hiraki luôn luôn hiện diện trong tác phẩm này. Hơn thế nữa còn là chủ yếu của hơn mười tác phẩm của ông như Father, Where are you Going?, Teach Us to Outgrow Our Madness, The Day He Himself Shall Wipe My Tears Away…

    Kenzaburo Oe nói về những kinh nghiệm sáng tác của mình: “Tôi là kiểu nhà văn viết đi viết lại bản thảo nhiều lần. Tôi rất hào hứng sửa chữa mọi thứ. Nếu bạn nhìn những trang bản thảo của tôi bạn có thể thấy có rất nhiều chỗ tôi đã sửa đổi. Vì thế một phương pháp sáng tác chính của tôi là “lập lại sự khác biệt” Tôi bắt đầu một tác phẩm mới trước hết bằng việc tìm một cách tiếp cận mới đối với tác phẩm mà mình vừa hoàn thành-tôi cố gắng chiến đấu với cùng một đối thủ thêm một lần nữa khi sáng tác. Trên bản thảo là kết quả của quá trình chiến đấu này, tôi lại tiếp tục làm việc tỉ mỉ. Tôi có một lịch trình làm việc giống y như một phu chữ- cứ viết rồi xóa, rồi thay đổi- khiến những dấu vết của bản thảo cũ biến mất. Tôi coi tác phẩm của mình là một chính thể của những khác biệt bên trong sự lập lại. Tôi vẫn thường nói sự công phu này là điều quan trọng nhất mà một người viết tiểu thuyết phải học. Edward Said đã viết một cuốn sách rất hay có nhan đề Musical Elaborations trong đó ông đã phân tích ý nghĩa của sự công phu trong tiến trình sáng tác của những nhà soạn nhạc vĩ đại như Bach, Beethoven và Brahms. Nhờ công phu này những nhà soạn nhạc ấy đã tạo nên những cảm quan mới…”

    Trong tác phẩm “Okinawa Notes” nhà văn Oe đã coi những người lính Nhật Hoàng trong thế giới chiến tranh lần thứ hai là những kẻ sát nhân từng gây nên các vụ tự sát đồng loạt giữa những thường dân ở hòn đảo này khi quân đội Hoa Kỳ tấn công vào đây năm 1945. Những nhận định đó khiến ông bị một cựu sĩ quan của quân đội Nhật Hoàng và một người anh em của một viên chỉ huy binh lính Nhật thời đó kiện ra tòa với lý do trong cuốn sách của Kenzaburo Oe các sĩ quan bị mô tả như là những con người vô nhân tàn bạo. Nhưng tòa án qua chánh án Toshimasa Fukami đã bác đơn và phán quyết rằng quân đội Nhật Hoàng trong thời gian ấy có dính líu tới những vụ giết người hàng loạt ở Okinawa.

    Nhật Bản đã có hai nhà văn đoạt giải Nobel văn chương như đã đề cập ở trên. Nhưng còn người thứ ba đã nhiều lần lọt vào chung tuyển nhưng tới năm nay, 2016, vẫn chưa đoạt giải. Tại sao lại có sự trục trặc như thế với nhà văn Haruki Murakami, một tác giả rất nổi tiếng của Nhật Bản? Ông là một tiểu thuyết gia, một dịch giả văn học nổi danh nhất hiện nay ỏ trong và ngoài nước Nhật. Từ thời điểm nhận giải thưởng Nhà Văn Mới Gunzo năm 1970 đến nay, ông đã viết và có tác phẩm được dịch ra 38 ngôn ngữ trên thế giới. Sách của ông được kể là một trong những tác giả best-seller của thế giới.

    Haruki Murakami đã chịu ảnh hưởng rất lớn từ văn hóa Tây phương đặc biệt là âm nhạc và văn học. Ông lớn lên cùng với hàng loạt tác phẩm của các nhà văn Hoa Kỳ như Kurt Vonnegut và Richard Brautigan và sự ảnh hưởng này lại chính là một đặc điểm giúp ông phân biệt và khác với những nhà văn Nhật Bản khác. Văn học Nhật thường chú trọng đến vẻ đẹp của ngôn từ do đó có thể khiến cho nhà văn bị giới hạn khả năng diễn đạt và bị trở nên cứng nhắc và đóng chặt trong khuôn khổ. Trong khi đó, phong cách của Haruki Murakami thì khoáng đạt và uyển chuyển nên tạo được vẻ riêng của tác phẩm của ông.

    Murakami học về nghệ thuật sân khấu tạo Đại học Waseda ở Tokyo. Ở đó ông gặp Oko, người sau này là vợ ông. Ban đầu ông làm việc trong một cửa hàng bán băng nhạc nơi mà một trong những nhân vật chính của ông trong tiểu thuyết Norwegian Wood, Wanatabe Toru đã làm việc. Một thời gian ngắn trước khi hoàn thành việc học, ông mở một tiệm cà phê chơi nhạc jazz có tên là Peter Cat tại Kokunbunji, Tokyo và trông nom quản lý từ 1974 đến 1982. Nhiều tiểu thuyết của ông lấy bối cảnh âm nhạc và nhan đề để cùng nói đến tên một bản nhạc nào đó như Danca, Dance, Dance (của ban nhạc Steve Miller) hay Norwegian Woods (của ban nhạc The Beatles) hay South of The Border, East of the Sun (ghép từ nhan đề hai bản nhạc).

    Haruki Murakami viết tác phẩm đầu tay của ông khi vừa 29 tuổi. Ông nói rằng đột nhiên ông nảy ra ý tưởng muốn viết cuốn tiểu thuyết đầu tay “Hear the Wind Sing” khi đang xem một trận baseball. Trước đó ông chưa bao giờ cầm bút viết văn. Ông chỉ là một người bình thường điều hành một jazz club và chưa bao giờ sáng tác cả. Trong khi đang xem một trân bóng giữa hia đội Yakuit Swallows và Hiroshima Carp thì cầu thủ người Mỹ Vace Hilton lên đánh banh và khi anh này vừa đang được trái banh thứ hai thì Murakami bỗng nhận ra mình có khả năng viết văn để kể một câu chuyện. Về nhà ngay tối hôm đó ông vắt đầu viết tác phẩm đầu tiên và hoàn tất trong vòng vài ba tháng, ban ngày làm việc ở quán bar, ban đêm viết. Ông làm việc thất thường nên có khi câu văn rời rạc và nhiều chương sách ngắn và cụt ngủn. Hoàn tất xong ông gửi tác phẩm đến một cuộc thi văn học và đoạt được giải nhất. Tuy cuốn sách ngắn nhưng lại chứa đựng nhiều đề tài gợi ý cho những cuốn tiểu thuyết về sau.

    Haruki Murakami nổi tiếng trên thế giới với danh hiệu tiểu thuyết gia của thể loại hiện thực huyền ảo với phần hư cấu của một thế giới khác lạ nhiều ẩn khuất nội tâm cũng như những xúc động bồng bột cuồng dại. Ông viết văn như một cách thế tìm kiếm lại chính mình, chính danh tính mình. Nhiều khi nhân vật ấy là những kẻ lạ lùng trong cuộc sống hiện tại và hay đi vào hồi tưởng lại những mảnh ký ức xa xôi như một người lạc lõng vào hoang đảo nơi thế giới hoang sơ chưa có buớc chân người. Một điều đặc biệt, từ ý tưởng đến cách hành văn, ông lại có nét Tây Phương nên độc giả ở ngoài nước Nhật Bản cũng có thể chia sẻ và hiểu được mà không cần thiết phải quen thuộc với văn hóa xứ Phù Tang. Ngôn ngữ của ông là ngôn ngữ nhân bản của cả thế giới vượt qua các biên cương địa lý.

    Tác phẩm nổi bật nhất của Haruki Murakami là “Norwegian Woods”, một hiện tượng kỳ lạ là 4 triệu bản được in ra và cứ trung bình có 7 người Nhật thì có một người là độc giả của cuốn tiểu thuyết này.

    Nhân vật của Norwegian Woods là Toru Watanabe khi nghe lại một bản nhạc của ban nhạc The Beatles mà người tình cũ ưa thích lại nhớ lại mối tình đầu của mình với Naoko, người yêu của người bạn thân nhất là Kizuki. Hồi ức ngay lập tức mang anh trở lại những ngày còn là sinh viên 20 năm trước ở Tokyo, những ngày mà cuộc sống lênh đênh của tình bạn phức tạp, của tình dục buông thả, của đam mê cuồng dại. Và cũng từ hồi nhớ ấy anh trở về cái thời kỳ mà một cô gái mạnh khỏe Modori đã buộc anh phải chọn lựa cuộc đời mình cho quá khứ hoặc tương lai.

    Tuổi trẻ của Norwegian Woods là nỗi cô đơn luôn bị dằn vặt giữa hưởng thụ dục tính và nỗi u uẩn tâm linh của mối tình tay ba một chàng hai nàng: Toru-Naoko-Midori. Họ tự khám phá chân dung mình, và đôi khi giữa tình yêu mà họ tưởng là phải có giữa đàn ông và đàn bà, giữa dâm dật khoái lạc và ý tưởng hướng thượng vị tha. Họ thấy mình lạc vào một cõi trống vắng rất mênh mang của nỗi niềm Nhật Bản hiện tại. Và cuộc tình tay ba này đã lôi cuốn cả triệu độc giả vào một thế giới rất lạ lùng nhưng cũng rất gần gũi.

    Tác phẩm “The Wind-Up Bird Chronicle” với cuộc chiến đấu của nhân vật chính Okada Touru chống lại người anh ác quỷ Wataya Noboru để giải cứu cho người vợ Kumiko bị giam cầm trong một mê cung. Anh vốn là một người hiền lành chất phác nhưng đã phải đi vào một thế giới huyền hoặc siêu hình và đối phó với trở ngại để giải quyết những giây phút khó khăn khi dòng chảy xoắn ốc của thời gian bị cạn kiệt dần và những mốc lịch sử cứ hỗn loạn đâm sầm vào nhau. Cuốn sách như một nghiên cứu sâu xa về tình dục về bạo lực và những trạng thái rất phức tạp của cuộc sống con người mà ký ức là những lãnh địa lúc ẩn lúc hiện và vô cùng khó khăn để nắm bắt được.

    Tác phẩm “Kafka on the Shore” với nhân vật Kafka Tamura mới 15 tuổi đã quyết định bỏ nhà ở Tokyo ra đi để thoát khỏi lời nguyền khủng khiếp của người cha trù mạt số kiếp mình. Trong khi đó ở bên kia quần đảo thì ông già lẩn thẩn Nakata cũng quyết định dấn thân vào cuộc phiêu lưu. Hai số phận đan xen vào nhau để trở thành một tấm gương phản chiếu lẫn nhau. Trong khi đó trên quãng đường đi thì những sự kiện của thực tại lại thì thầm lời quyến rũ. Khu rừng đầy những người lính vừa thoát qua khỏi cuộc chiến tranh, và những con cá như mưa rớt từ trên trời xuống… Tác phẩm đầy những sự kiện hư cấu đầy nét hoang đường như mở đầu cho một thế kỷ 21 nột cuộc du hành tuy đầy biến cố sóng gió nhưng lại tràn đầy tính hiện đại và cả chất lãng mạn mơ mộng của văn học Nhật Bản.

    Tác phẩm 1Q84 là tiểu thuyết đầu tiên mà Haruki Murakami thử thách mình với chủ đề khá mạo hiểm về các nhóm tôn giáo thiểu số-một vết đen chàm nhức nhối ở Nhật Bản từ cuộc tấn công khủng bố Aum Shinrikyou năm 1995. Tổ chức tôn giáo viễn tưởng trong tiểu thuyết. Sakigake, cố gắng tái kết nối với những linh hồn của đất được biết đến với cái tên Người Tí Hon. Cuốn tiểu thuyết có bố cục trải dài từ những cuộc tái ngộ của cặp nhân vật chính, đôi bạn tâm giao: tay ám sát đàn ông bạo hành, che giấu thân phận dưới danh tính giáo viên thể hình, thần đồng toán học dưới danh tính một tay viết lách, Tiểu thuyết này đào sâu vào xung đột giữa tư tưởng chính trị và tôn giáo trong nội tâm của con người. Khi giải thích chủ ý cuốn tiểu thuyết, tác giả muốn cảnh báo mọi người về nguy cơ của chủ nghĩa chính thống và khuynh hướng xuất hiện các giáo phái trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu của thế giới hiện nay.

    Những tác phẩm khác của Haruki Murakami cũng rất nổi tiếng trên thế giới và được dịch ra nhiều ngôn ngữ, có những cuốn xuất bản tới cả triệu ấn bản. Như “Pinball”,” A Wild Sheep Chase”,” Hard-Boiled Wpmderland and the End of the World”, “Dance, Dance, Dance”, “Soth of the Border, West of the Sun”, “Spunik Sweeheart”, “Afyrt Dark”, “Colorless Tsukuru Tazaki and His Tears of Pigrimage”. Và các tuyển tập truyện ngắn “The Elephant Vanishes”, “After the Quake”, “Men Without Women”, “Blind Willow, Sleeping Woman”.

    Với tác phẩm đồ sộ như thế, với ảnh hưởng sâu rộng trong văn giới Nhật Bản và thế giới, tại sao HarukiMurakami lại nhiều lần dù ở trong danh sách chọn lựa cuối cùng nhưng vẫn chưa đoạt giải. Ðã 5 năm liên tiếp như vậy. Có dư luận lý giải rằng lý do là sách của ông bán chạy quá và có số độc giả hâm mộ rất đông. Nhìn lại lịch sử của giải Nobel văn chương đặc biệt là giai đoạn gần đây dễ thấy các tác giả được giải thưởng không phải là những nhà văn best-seller mà là thường những tác giả theo đuổi những đề tài và phong cách khác thường lạ lẫm hoặc những chủ đề nặng nề có tính cách chính trị. Văn phong của ông không phù họp với tiêu chuẩn ấy.

    Ðó có thể là một lý do. Và có thể còn nhiều lý do khác. Tuy thế, Haruki Murakami đã từng phát biểu về giải Nobel văn chương:

    Tôi không muốn đoạt giải thưởng. Vì như vậy sự nghiệp của bạn đã xong xuôi rồi”. Không hiểu ông có thực lòng không khi phát biểu như vậy. Và những người ái mộ ông có thể kỳ vọng vào những tác phẩm khác mới và gây được nhiều biến động trong làng xuất bản thế giới với những kỷ lục cao hơn cả bề nội dung lẫn hình thức.

    Nguyễn Mạnh Trinh


    Nguồn:http://vietluan.com.au

              
Trả lời

Quay về “Nguyễn mạnh Trinh”