Lily Hoang, nhà văn nữ gốc Việt, tác giả “Changing”

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Lily Hoang, nhà văn nữ gốc Việt, tác giả “Changing”

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Lily Hoang, nhà văn nữ gốc Việt, tác giả “Changing”




    Có người hỏi những lớp trẻ gốc Việt Nam sống ở các xã hội Tây Phương chịu ảnh hưởng gì từ những nền văn hóa cổ truyền? Thường, câu trả lời là có chịu một số ảnh hưởng từ lớp cha mẹ với những kinh nghiện sống đã trải qua. Từ những cuộc đổi dời, vì thời thế xoay chuyển, vì sống ở một xứ sở khác lạ, vì chịu ảnh hưởng của nền văn hóa và giáo dục bản xứ, nên cách nhìn đời sống đã khác và cách cảm nhận với cuộc nhân sinh cũng đổi thay.

    Nhưng ở tác giả Lily Hoàng lại là một biệt lệ. Cô rất trẻ, sinh năm 1981 ở Hoa Kỳ, thành phố San Antonio, tiểu bang Texas. Cha mẹ cô đã di tản sang Hoa Kỳ và sống ở đây từ năm 1975. Cô tốt nghiệp MFA từ đại học Notre Dame năm 2006 và hiện đang dạy học tại St. Mary’s College ở Indiana. Những bài viết của cô thường được đăng tải trên Black Warrior Review, Quarter After Eight, Fairy Tale Review, Action Yes, Trope and Half & Altar. Tác phẩm Parabola đoạt giải The Chiasmus Press năm 2006 và tác phẩm “Changing” đoạt giải PEN/Beyond Margins năm 2009.

    Chịu ảnh hưởng của nền giáo dục cũng như văn hóa Âu Tây bản xứ, nhưng những tác phẩm cô viết lại là những suy ngẫm bắt nguồn từ văn minh cổ đại. Như khi cô viết “Changing”, gợi hứng từ bộ sách kinh điển rất lâu đời của người Trung Hoa: Kinh Dịch (mà tây phương gọi là I Ching). Tác phẩm này chứa đựng cả một hệ thống tư tưởng triết học rất thâm thúy và có thể áp dụng vào tất cả mọi phương diện của cuộc sống con người. Nhà xuất bản Fairy Tale Review giới thiệu “đây là câu chuyện tuyệt vời về nước Mỹ của thế kỷ 21”.

    “Changing” là câu chuyện của Jack& Jill được chia thành 64 chương bên cạnh tên mỗi chương là ký hiệu theo 64 quẻ của Kinh Dịch.





    Các biểu tượng của Kinh Dịch là nằm trong tập hợp của 64 tổ hợp của các đường trừu tượng gọi là quẻ. Mỗi quẻ bao gồm 6 hào được biểu diễn dưới dạng các đoạn thẳng nằm ngang. Mỗi hào này có thể là Dương là một đường liền nét hay Âm là đường đứt nét bao gồm 2 đoạn thẳng cách nhau một khe nhỏ.Với 6 đoạn thẳng này được đặt lên nhau từ dưới lên trên trong mỗi quẻ này thì tính ra có 2 lũy thừa 6 hay 64 tổ hợp của hào và như vậy là có 64 quẻ.

    Mỗi quẻ có biểu tượng là tổ hợp của hai tập hợp nhỏ hơn gồm 3 đường gọi là quái, Như vậy có 2 lũy thừa 3 tức là 8 quái khác nhau. Mỗi quẻ tượng trưng cho một trạng thái, tiến trình chuyển dịch hay sự thay đổi có thể xảy ra. Khi quẻ được gieo bằng một trong những phương thức của bói toán bằng Kinh Dịch thì mỗi hào có thể là tĩnh hay động. Hào động có thể có sự thay đổi từ Âm sang Duơng hay ngược lại để tạo thành một quẽ khác. Việc giải nghĩa của quẻ được gieo ban đầu dựa trên sự cân nhắc và nhận định xem xét các thay đổi đó. Có hai hình thức Tiên thiên bát quái của Hà Ðồ từ thời Phục Hy và Hậu Thiên Bát Quái của Lạc Thư từ đời Văn Vương.

    Có bát quái tượng trưng cho vạn vật. Càn tượng trưng cho Trời, độ số theo Hà Ðồ Lạc Thư là số 9. Ðoài, tượng trưng cho đầm hồ, độ số 4.Ly tượng trưng cho lửa, độ số 7. Chấn utợng trưng cho sấm sét, độ sồ2. Tốn tượng trưng cho gió, độ số 6. Khảm tượng trưng cho nước, độ số 1. Cấn tượng trưng cho núi, độ số 8. Khôn tượng trưng cho đất, độ số 3.

    Ba hào dưới của quẻ gọi là nội quái, được coi là sự thay đổi ở bên trong và ba hào trên gọi là ngoại quái coi như là xu hướng thay đổi bề ngoài. Sự thay đổi chung của quẻ là xét đến liên kết động của những thay đổi bên trong và bên ngoài.

    64 quẻ từ số 1 đến 31 là Thượng Kinh bắt đầu với hai quẻ Càn, Khôn tức trời và đất nên gọi là “đạo của Trời Ðất”. Quẻ từ 31 đến 64 bắt đầu bởi hai quẻ Hàm (tình yêu) Hằng (vợ chồng) gọi là Hạ Kinh hay “đạo của vợ chồng”.

    Quẻ số 1 là Thuần Càn bắt đầu và quẻ cuối, quẻ 64 là Hỏa Thủy Vị Tế.

    Kinh Dịch có ảnh hưởng sâu xa trong giới học giả Trung Hoa. Người Tây phương biết đến Kinh Dịch tương đối muộn nhưng cũng thấy có nhiều văn nhân nghệ sĩ đã xử dụng Kinh Dịch trong tác phẩm của mình như John Cage, Philip K Dick, Dead Perez, hay George Harrison của nhóm Beatles..

    Một nhà văn nữ trẻ đã viết về Kinh Dịch và đã dám đi sâu vào những vấn đề phức tạp của đời sống. Lily Hoàng đã nói về tác phẩm của mình:

    “Tôi nhớ rõ đến mồn một có lần theo mẹ để xem bói Dịch ở Houston, Texas. Bản thân tôi cũng để ý nhiều đến những truyền thuyết hiện đại. Với tôi đó là những câu chuyện tử vi tướng số nhưng quan trọng hơn vẫn là những vấn đề trí tuệ, tâm lý và bản tính nữa. Và những câu chuyện trở thành huyền thoại trong thời hiện đại cũng diễn giải cuộc đời người ta giống như cách mà Kinh Dịch diễn tả.

    Tôi dùng Kinh Dịch làm cấu trúc để kể chuyện để có thể trút vào đó những trải nghiệm của một người Mỹ gốc Việt thế hệ thứ hai”.


    “Changing” là một tác phẩm mà những chất liệu tạo nên có chất sâu lắng phức tạp nhưng lại được diễn giải đơn giản và có nét cận gần cuộc sống. Nếu gọi đây là một tuyển truyện, hay một tập sách đẫm nét thi ca, hay là một hợp tuyển đầy nét lãng mạn, hay là một tác phẩm triết học, tất cả đều có lý lẽ cho nhận định ấy.

    Trong “Changing” có thể là những chuyện kể hoang đường, về thời vận, và là những phiên bản chuyển thể từ Kinh Dịch. Lily Hoàng đã viết và kể chuyện ma quỷ với nghệ thuật diễn tả độc đáo tuy có chất hoang tưởng lại liên hệ và gần gũi đến đến hiện thực của cụôc nhân sinh.

    Ở cả hai trạng thái, hiện thực và huyền ảo, câu chuyện của một cô bé gái với những hồi tưởng thú vị mang lại những thời kỳ cũ xưa của gia đình cô. Vận số con người có những chu kỳ thay đổi và trong sự chuyển dịch ấy, cuộc sống đã mang lại những ý nghĩ mới những suy niệm cho những bước chân đi về phía tìm kiếm từ cõi cũ xưa. Tác giả đã tìm lại được không gian và thời gian của căn nhà quá khứ với nhiều lay động tâm tư tuy sự thay đổi có nét đẹp của cuộc sống đã qua đi. Ảnh hưởng của những ngôn ngữ của chiêm tinh học, của những “thoán từ” hay “thập dực” có từ ngàn xưa, tác giả “Changing” đã tạo ra một phong cách viết tân truyện mà khởi thủy lại là những nét cổ điển của Kinh Dịch.

    Một nhà phê bình nhận xét về “Changing”: “Trong những câu văn bóng bẩy, trong cú pháp mạnh bạo chuyên chở nhiều hình tượng, Jack & Jill như đi trượt từ đỉnh dốc xuống và xuống mãi đến lãnh địa của phức tạp từ những hình thái cổ điển. Ðây là một tác phẩm truyền kỳ độc đáo của thế kỷ 21 là biểu trưng của nghệ thuật viết tân kỳ với một tâm thái mới…”

    “Changing” có thể được coi như là một quyển Kinh Dịch do chính Lily Hoàng viết ra mà mỗi chương sách được trình bày bàng hình thức văn bản độc đáo phối hợp giữa văn và thơ để chuyên chở những suy niệm có tính triết học cũng như mang theo những nhận thức phát khởi từ chính cuộc sống. Cuốn sách mở đầu với chương đầu tiên “Creation” tức quẻ Thuần Càn của Dịch lý với 6 vạch liền và chuyên chở bằng 6 đoạn văn, mỗi đoạn chừng hơn một trăm chữ liên tiếp nhau và không hề dùng dấu chấm để phân cách. 64 quẻ là 64 chương sách, từ những câu chuyện dẫn đền những quẻ Thuần Khôn, Thủy Lôi Truân, Sơn Thủy Mông,.. để về tới Hỏa Thủy Vị Tế tức là ở trạng thái chưa hoàn toàn kết thúc của sự biến dịch, một tình huống mà Lily Hoàng gọi là Before Completion.

    Tác giả tự mình bộc bạch về “Changing”: “Ðây chỉ đơn giản là một bản dịch mới của Kinh Dịch. Nhưng “Changing” không dễ đọc. Nó là cả thơ và tiểu thuyết, là sách nghiên cứu triết học và truyện cổ tích nữa”.

    Có những ý tưởng bộc lộ một cách trực tiếp và người đọc đã được hướng dẫn để suy ngẫm về những điểm khác nhau hoặc giống nhau giữa những sự kiện và những tượng quái của Kinh Dịch. Những chi tiết về Ðời sống của Người Cha hoặc Người mẹ và những cư dân ở Houston; hoăc Anh hoặc Chị mà cả hai người đã phải đối phó với phận số; hoặc là một cô gái bé nhỏ (mà nhân vật này có thể xoay chuyển thành người kể chuyện).

    Tuy nhiên, người ta thấy có ảnh hưởng của truyện truyền kỳ Âu Tây giống như của nhân vật Hansel và Gretel- là Jack & Jill- với một thay đổi quan trọng. Những dị biệt được biến dạng đi để Jack và Jill bắt đầu trở thành Hansel và Gretel. Jill được trình diện sau đó là một cô bé gái sống với người đàn bà ở trong đôi giày. Thường thường những truyện kể được dàn dựng để chứng minh rằng phái tính và quyền lưc là những đây buộc của phận số. Luôn luôn, dây buộc ấy tỏa thành liên quan giữa người kể với người đọc để từ những kinh nghiệm riêng trở thành chung của người đọc.

    Trong chương đầu của cuốn sách là chương “Creation”, tác giả viết: “Ðó là câu chuyện về Jack & Jill để tôi làm rõ ràng không mơ hồ thật sự Jack & Jill đi lên trên đỉnh nhưng Jack không phải luôn luôn là Jack & Jill không phải luôn luôn là Jill & tôi cũng không luôn luôn là tôi & bạn thân yêu cũng không phải luôn luôn là bạn”. Từ đó người kể chuyện mang chính câu chuyện của mình vào trong dòng văn của một nhân vật lớn tuổi hơn, như cô đã sử dụng Kinh Dịch rộng rãi hơn. Trong phương cách này, Changing đã thành một kiểu mẫu của một bộ máy kể chuyện, ở trong và ở ngoài văn bản, mang những truyện được sản sinh thành những lời tiên tri với những ý nghĩa nhiều khi phải vận dụng suy tư và không dễ dàng để làm rõ nghĩa.

    Ở một thể cách viết văn khác là từ cuốn sách “Parabola” là tác phẩm đầu tay của Lily Hoàng đoạt giải The Chiasmus Press. Ðây là một tiểu thuyết mà tác giả đã dụng công sử dụng nhiều thể loại kể chuyện khác nhau để có thể bao trùm được những ý tưởng bao la nhân bản của kinh nghiệm sống kiếp người. Ðộng tác đơn giản của một con bướm là vỗ cánh để bay và từ ý nghĩ ấy những trang nhật ký của “Parabola” khởi đầu. Từ những hình ảnh tô vẽ lại của những truyện thần thoại tân kỳ hiện đại, tiểu thuyết Parabola được dệt bằng những thể loại văn chương, những công thức toán học và những hình ảnh liên quan mà tất cả nằm trên một đường cong parabol với những điểm đứng tạo thành từ nhiều tiêu điểm nối tiếp của những giao điểm tượng hình bằng những truyện kể. Tiểu thuyết của Lily Hoàng tạo cho người đọc cảm giác thoải mái với những hình ảnh chụp của giây phút thoáng qua của một cô gái Mỹ gốc Việt đặt bên cạnh những nguyên lý toán học của Pythagore tin tưởng vào những con số đặt ở phía phải bên cạnh những biểu lộ vật lý của vật thể trái ngược với những chỉ số thông minh IQ hoặc những thử nghiệm về thân thể hay tâm lý. Thông tuệ, thách đố, buồn phiền và hảo tâm, là những tận cùng của đường cong biểu diễn parabol, người đọc đã trải qua thật nhiều cảm giác và có thể chấm dứt từ nơi khởi đầu, từ tác đông đơn giàn của con bướm vỗ cánh để bay.

    Trong blog “Experimental Fiction/ Poetry”, Lily Hoàng đã trả lời một câu hỏi về tác phẩm “Parabola” của mình đại ý:

    – Tôi rất thích thú với nhiều vị trí đã sử dụng với ý định là tạo truyện trong truyện, đến nỗi y hệt như giống một con búp bê gỗ của Nga. Tôi đã suy nghĩ một cách rất đặc biệt về chương 3 của tác phẩm. Có phải là liên quan đến bất cứ phương cách nào mà cô thích thú để phác họa bố cục mà phân cảnh…

    – Tôi không chắc chắn có hiểu biết gì về truyện trong truyện. Tôi chỉ có thể nói, từ đó, tôi đã viết tốt hơn với những mảnh như thế. Ðặc biệt như bây giờ, tôi cảm thấy rất khó khăn khi viết một điều gì diễn tả dài quá 500 chữ. Nhưng khi tôi viết “Parabola”, tôi đang ở trong chương trình học MFA, và nhà trường muốn sinh viên viết một truyện ngắn phải là một truyện ngắn đúng như truyền thống. Tất cả những chương sách của tác phẩm này là thể hiện của ý định ăn gian hệ thống này bằng cách đặt những mảnh nhỏ vào bên cạnh và nhìn ngắm xem sự đặt để này có tác dụng ra sao. Như khi tôi đã dàn dựng trong bố cục tôi đã xử dụng 2 lần, hoặc 3 lần những phương cách kỹ thuật. Hai ví dụ đầu, với xếp đặt ngắn gọn trong hình dạng của kỷ hà học, trong dụng ý sao cho sự thực được bầy tỏ dễ dàng và là mặt kính phản chiếu thiên nhiên trên thế giới. Ðó cũng là sự khó khăn làm nổi bật sự việc ấy. Tôi chỉ muốn một cách thật giản đơn làm thế nào phản ánh được cảm giác của những điều tưởng không có năng lực thực hiện nổi. Ví dụ thứ ba -truyện của thực thể đen- phải có chất hoang đường rõ ràng. Tôi cố gắng thêm vào một chút vui tươi trong chương sách này khi có thể, có khi trở lại với sự tự mãn căn bản. Tôi đã cho tất cả những tín chỉ cho A Humument của Tom Philips. Ðó là ý tưởng để tạo dựng ra một bố cục mới từ những chi tiết được đánh dấu bằng cách gạch dưới hàng chữ của nội dung nguyên thủy. Tôi đã tìm kiếm được trong 95 phần trăm của phiên bản nguyên thủy để tạo thành một bố cục mới…”

    Trả lời câu hỏi có sự tương quan nào giữa tự truyện có tính chất tiểu sử và tác phẩm “Parabola”, Lily Hoàng trả lời:

    “Vâng, có nhiều mảnh tự truyện ở trong tác phẩm của tôi. Tôi không chối rằng có nhiều người Mỹ gốc Việt đã kể chuyện như thế kể cả tôi. Cha tôi đã bị tai biến mạch máu não. Mẹ tôi bị ung thư ruột. Ðó là những mảnh sự thực ở đây nhưng nó đã thành tiểu thuyết hư cấu. Ðó có thể nói cường độ thêm hoặc giảm bớt đi. Tôi giả dụ rằng giống như nhiều người viết trẻ, cuốn sách có thể lột tả những nỗi niềm lo lắng của tiểu sử tôi, nhưng đó không phải là tất cả sự thực như câu hỏi. Thật ra tôi có thêm vào nhiều chi tiết để tạo thành một tiểu thuyết hay, những suy nghĩ thật giản dị mà không ngờ tới được.

    Nói về gia đình mình, Lily Hoàng tâm sự:

    “Gia đình tôi! Chỗ nào để bắt đầu bây giờ. Tôi đã cố gắng để đánh vật với những vấn đề của gia đình đã từ rất lâu mà tôi còn nhớ, Hai cuốn sách đầu của tôi là những biên niên sử của cuộc tranh đấu của một cô bé Mỹ gốc Việt với cha mẹ độc đoán nhưng đầy tình thương. Ðể khỏi phải nói về gia đình của mình, tôi sẽ nói với bạn về hai chuyện vặt sẽ tạo ra nhận định về gia đình tôi. Một là khi tôi đã hoàn tất xong chương trình hậu đại học ở đại học Notre Dame, mẹ tôi muốn tôi đến học một trường khác tốt hơn cho bằng tiến sĩ bởi vì trường đại học Notre Dame không đồng đẳng cấp với trường Yale hoặc Harvard mà người Việt Nam đã quen nghe danh tiếng, không như tên Notre Dame ít ai biết (và sau khi đó, dĩ nhiên, tôi đã giải thích cho mẹ tôi biết là tôi không cần thiết để học chương trình tiến sĩ). Thứ hai, mẹ tôi luôn nhắc nhở tôi rằng tôi phải trở thành một đại sứ vĩ đại. Bên cạnh đó, bà cho rằng rất nhiều người học Anh ngữ là những đại sứ. Ba là cha tôi luôn nhắc nhở tôi học y khoa và ông nghĩ rằng cả gia đình sẽ rất vui vẻ khi tôi theo học để thành bác sĩ.

    Tất cả những chuyện vặt ấy biến cha mẹ tôi thành những hung thần trong khi họ có tràn đầy tình thương với tôi. Giản dị là họ không thể thích ứng vào đời sống ở Mỹ. Họ muốn tôi trở thành một trong những phần tử tốt nhất của người Mỹ nhưng lại toàn phần là người Việt Nam. Ðiều đó không thể nào thực hiện được nhưng dường như họ không nhận định được điều ấy. Họ không hiểu biết gì về văn chương tôi, và họ cũng chẳng có chút nào trân trọng về chữ nghĩa này (tôi chắc chắn rằng đã có rất nhiều nhà văn phải chịu trường hợp này). Cha mẹ tôi, tuy nhiên, chỉ hiểu được giá trị của tên tôi được viết hoa. Và họ sẽ thất vọng khi tôi đề cập đến một phần khác của câu hỏi. Tôi được sinh ra ở thành phố San Antonio tiểu bang Texas. Bởi vì cả hai cha và mẹ tôi đều bận đi làm khi tôi đang tuổi lớn nên hầu như tất cả thời giờ của tôi đều ở nhà của một người quen. (Trong nhiều gia đình của cộng đồng thiểu số, đó là nơi đứa trẻ được chăm sóc và trông coi. Với tôi là nhà của me Thu. Bà là người mẹ thứ hai của tôi. Me là tiếng Việt Nam chỉ mẹ). Tôi là đứa trẻ bé bỏng nhất dưới sự chăm sóc của bà. Tôi là đứa trẻ lớn lên nói hai ngôn ngữ từ lúc đứa bé khác đã đến tuổi vào trường. Tôi cũng chẳng hiểu sự khác biệt giữa hai ngôn ngữ và khi tôi bắt đầu vào trường tôi là đứa trẻ nói cả hai tiếng Anh và Việt. Ðó không phải là cách làm quen để có bạn bè tốt nhất. Lớn lên, tôi không có giọng phát âm đúng của Anh ngữ. Ðó cũng là những điều đã ôm chặt tôi về tất cả so sánh được với lòng yêu thương mà nhiều nhà văn đã có kinh nghiệm.”


    Khi được hỏi về những sở thích lúc tuổi thơ của mình, Lily Hoàng Kim Ly trả lời với cung cách của một cô bé Việt Nam:

    “Cha mẹ tôi đã cho tôi những truyện kể với những truyền kỳ thích thú. Khi tôi còn nhỏ, tôi có những cuốn kể chuyện song ngữ Mỹ-Việt. Mẹ tôi đã đọc cho tôi nghe. Mỗi ngày bà đọc và tôi đọc nhái theo. Ðó là một cách học không đúng mấy. Rồi khi gặp những đứa nhỏ hai tuổi đọc dễ dàng những chữ ấy thì tôi đọc không được, dĩ nhiên. Tôi có trí nhớ về những chữ ấy nhưng tôi đã học như một cô bé nhỏ tuổi thông minh sớm nhưng lại xa rời với đời sống thực. Như thế tôi không có nhiều bạn bởi vì đã có một hàng tào ngôn ngữ bao quanh và bên cạnh đó tôi còn là một đứa bé rất e thẹn trong đám đông. Cha mẹ tôi đã làm thấm thấu nỗi sợ tôi sẽ nổi trội mọi người khác trong khi xếp hạng với những người giống tôi. (Tôi đã vẽ lại hình ảnh của cha mẹ tôi với ánh sáng không rực rỡ lắm nhưng thật ra ông bà không tệ lắm. Thật sự như vậy). Là một đứa trẻ tôi sử dụng tự điển trong một thời kỳ dài. Rất vui. Tôi đã xem rất nhiều phim ảnh Trung Hoa.”

    Lily Hoàng. Một nhà văn nữ Mỹ gốc Việt có nhiều sắc thái đặc biệt. Sống và lớn lên trong môi trường giáo dục Tây phương nhưng tác phẩm lại biểu hiện lối suy nghĩ thâm trầm của Ðông Phương và dám phiêu lưu để đề cập tới những vấn đề huyền ảo của những nếp sống từ thời cổ đại xa xưa. Tác phẩm của cô là sự đối chiếu giữa đời sống thực và đời sống huyền ảo. Với những tác phẩm đã xuất bản: Parabola, Changing, The Evolutionary Revolution, Morkery of a Cat, Unfinished Stories by Lily Hoang, Invisible Women và là phụ tá tổng biên tập của nhà xuất bản Syarcherone Books, cô là một nhà văn trẻ được để ý của văn giới Hoa Kỳ.

    Nguyễn Mạnh Trinh


    Nguồn:http://vietluan.com.au


              
Trả lời

Quay về “Nguyễn mạnh Trinh”