Đọc “Trăng Rọi Sông Dài” Truyện ngắn Trần Bạch Thu

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5417
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Đọc “Trăng Rọi Sông Dài” Truyện ngắn Trần Bạch Thu

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Đọc “Trăng Rọi Sông Dài”
    Truyện ngắn Trần Bạch Thu






    Với tôi, thành phố Kontum có nhiều kỷ niệm. Đơn vị tôi đồn trú ở phi trường Cù Hanh ở Pleiku nhưng thường ghé B15, một căn cứ Lôi Hổ ở đầu thị xã hay đến phi trường sửa chữa phi cơ cấp tốc để có thể bay trở về phi đạo Pleiku. Những năm 1970, việc đi lại giữa Pleiku và Kontum khá dễ dàng yên ổn, có nhiều khi chúng tôi lái xe về trên quốc lộ buổi chiều, khi các con ngựa sắt đặt trên mặt đường nhựa đã được kéo ra để kiểm soát lưu thông và coi như giới nghiêm không cho xe cộ qua lại và chúng tôi phải xuống xe keo con ngựa sắt để đi qua..Tuổi trẻ ham vui, nhiều khi cũng bốc đồng. Nhưng đến mùa hè đỏ lửa năm 1972 thì quốc lộ 14 là bãi chiến trường tàn bạo nhất với hàng ngàn chiến sĩ hai bên bị hy sinh. Ở Kontum, tôi gặp một người bạn. Năm 1967, cùng học đại học, tôi vào lính trong khi người bạn ấy còn đi học và tốt nghiệp đại học nhưng phải vào quân trường Thủ Đức và ra trường về một trại biên phòng của Biệt Động Quân. Anh cười nói mình bị “cọp liếm”. Gặp nhau tại câu lạc bộ B15, hai đứa mừng vui khôn xiết. Và tôi nhớ có làm một bài thơ tặng anh khi chia tay. Mấy tháng sau nghe tin anh tử trận. Bài thơ này đã bao nhiêu năm, tôi vẫn còn nhớ. Bài Kontum, Bài Thơ Cũ. Gửi và để tưởng niệm H. Người bạn cũ đã nằm xuống.

    • Lưng rượu đế đủ soi hồng khuôn mặt.

      Chiều đã rơi từ ngọn lá cuối đồi

      Nghiêng cánh võng bỗng nghe trời rất chật

      Đất trải dài muôn dặm thưở rong chơi.

      Bạn cây súng đi vào đời chém giết.

      Gót giày sô lầm lũi chốn không vui

      Đã bao lần chào bạn bè vĩnh biệt

      Đời đao binh ngắn ngủi thế mà thôi

      Thuở mơ mộng lúc dập vùi nắng gió

      Chuyện riêng tư vụn vặt đủ vài câu

      Vào lửa khói trái tim mình vụn vỡ

      Thế xuân thu tuồng diễn đã từ lâu

      Vài ngụm đắng kệ trời quay đất chuyển

      Súng cầm tay chờ giặc cứ lai rai

      Cánh hoa dại nhắc muôn vàn kỷ niệm

      Sao cay nồng chưa đủ ấm ngày mai.

      Mày cứ pháo xá gì cơn bão dạt

      Nón sắt tao ngạo nghễ vẫn mái đầu

      Đêm nến thắp ngọn hỏa châu hiu hắt

      Sinh nhật ai máu đỏ giữa canh thâu.

      Đường truông núi bao nhiêu năm chất ngất

      Tuổi chiến chinh vào xương máu bàng hoàng

      Mai về phố với hồn chai lạnh ngắt

      Mua vội ngày vui son phấn miên man

      Khúc quân hành tưởng từ lâu quên hát

      Sao vầng trăng thiên cổ mãi mong chờ

      Rồi lên núi tiếp tháng ngày phiêu bạc

      Tìm lại mình đi lạc một cơn mơ.

    Bài thơ ấy làm tôi nhớ Kontum. Và hôm nay giở những trang sách của một người Kontum, Trăng Rọi Sông Dài của tác giả Trần Bạch Thu, tôi lại liên tưởng đến những tháng ngày thuở ấy. Thành phố cao nguyên có lẽ sống ở đó thì buồn nhưng xa thì lại nhớ. Nắng ở đó, mưa ở đó như thầm thì đến nhiều nỗi niềm, nhiều tâm sự. Của những người vì bổn phận lưu lạc đến những chân trời xa, những vùng đất mới. Với Kontum, dù là người khách lạ nhưng mỗi khi nhớ đến người đến cảnh lại thấy chạnh lòng. Đọc những truyện ngắn của Trần Bạch Thu tôi có cảm giác của một kẻ tha hương ngộ cố tri, dù trước đây chưa hề quen biết.

    Đường Lên Cao Nguyên từ Pleiku lên Kontum tuy không chập chùng nhưng với tác giả là một cuộc khởi đầu với tâm cảm bâng khuâng:

    • “Sáng sớm hôm sau hai anh em xách va li leo lên xe lam ra ngã tư Biển Hồ đón xe Daihatsu đi Kontum. Trời lạnh căm căm, gió thổi bụi đỏ bay mù mịt, ngồi trên xe chật cứng mà lại hay. Đỡ lạnh. Xe bắt đầu ra khỏi thành phố, hai bên đường nhà cửa bám đầy đất đỏ, lên xuống, quanh co càng lúc càng thưa dần và từ từ đi sâu vào vùng núi. Đi được một đỗi, Quang bảo sắp tới dốc Chu Pao, nhìn từ xa thấy mấy chiếc xe tăng bị bắn cháy còn nằm nguyên bên đường, dưới đất còn vương vãi hàng đống sắt cháy đen. Mọi người trên xe im lặng, hình như đã quá quen thuộc. Tôi nghiêng người nhìn ngoái lại cả một đoạn đường ngắn trước khi tới chân dốc rải rác hai bên đường không biết cơ man nào là vỏ đạn.

      Xe bắt đầu lên dốc hơi lạnh thấm vào người nghe hơi rờn rợn. Hai bên vách núi cao ép sát bên đường phả đầy khí núi, dốc không cao lắm nhưng quanh co và nguy hiểm, trên đỉnh dốc chung quanh dầy dặc những tảng đá lớn nhỏ kết lại với nhau giống như những đường hầm chi chít ở trên không. Chỉ mười phút là xe đã qua bên kia đỉnh dốc, đường đi tương đối bằng phẳng xa xa bóng núi vây quanh mờ nhạt, thoáng thấy một vùng bình nguyên lấp lánh màu ánh bạc. Cạnh bên đường về phía bên trái có một nghĩa trang nằm trên một vạt đất thấp, phủ đầy cỏ xanh rì, phía trước dựng một tấm bia cao vừa tầm một thân cây trên khắc hai hàng chữ theo hàng dọc:

      Chư Pao ai oán hờn trong gió

      Mỗi một khăn tang một tấc đường”


    Tác giả lên trấn nhậm cao nguyên với tên mới. Phó Kontum. Có lẽ đó là danh tánh lạ của một gia phả mới nào có phải? Tôi cũng tưởng thế nếu không đọc một đoạn văn của Phạm Thành Châu về cái tên tuổi mang danh họ Phó này:

    • “Ông nói tiếng Nam lại họ Phó? Họ này hiếm lắm. Ông ra Huế bao lâu rồi? Chắc đi công tác?

      Tôi vừa đến Huế hôm qua. Tôi có họ khác tên khác, nhưng trước đây người ta gọi tôi như thế, như một biệt danh. Trước bảy lăm, Thừa Thiên Huế có nhiều người họ Phó. Mỗi quận có một người họ Phó. Phó quận Nhứt, Phó Quảng Điền, Phó Nam Hòa..

      Hắn nói giọng đều đều trong khi cô bác sĩ đè cái ống nghe lên lưng hắn:

      Ông hít mạnh vào… Thở ra từ từ... Không có gì đáng lo. Như vậy là ở Huế có nhiều người họ Phó? Nhưng tôi chưa gặp hay biết ai có họ đó bao giờ

      Sau bảy lăm, mấy họ đó bị tru di tam tộc rồi bác sĩ.

      Ông nói chi lạ rứa! Có ai bị tru di gì đâu?

      Tru di từ từ…”.


    Ông Phạm Thành Châu viết vậy chứ gia phả của các cựu sinh viên Quốc Gia Hành Chánh vẫn đấy những tên tuổi họ Phó lẫm liệt. Những Phó Tuy Hòa Đỗ Tiến Đức, Phó Kiến Hòa Trần Huỳnh Châu, Phó Phú Yên Lôi Tam, rồi Phó Vũng Tàu Nguyễn Bá Trạc, Phó Lộc Ninh Đinh Bá Tâm, Phó Quảng Nam Nguyễn Chí Thiệp,… Những sinh viên Quốc Gia Hành Chánh khi ra trường thường đảm nhận chức vụ phó quận hoặc phó trưởng ty ở các tỉnh địa phương do đó gia phả họ Phó càng ngày càng nhiều thêm cho đến ngày oan nghiệt 30 tháng 4 năm 1975. Nhưng Cộng sản làm sao tru di nổi?

    Và bây giờ, qua tác phẩm Trăng Rọi Sông Dài tôi gặp Phó Kontum Trần Bạch Thu. Ông là một phó tỉnh trưởng thuộc vào hàng trẻ nhất chỉ có 25 tuổi. Ông viết vì: “Từ lâu lắm trong những năm tháng còn lưu đày trên đất Bắc, tôi có một mong ước là sau này nếu có dịp sẽ cố gắng ghi lại những mẫu chuyện những cảnh đời mà mình đã trải qua để làm kỷ niệm. Dần dà theo thời gian lại quên mất cho đến khi nhận ra… Lão niên đã tới trước ngõ. Ngoảnh lại buồn cho thân thế. Có những hôm dậy sớm sực nhớ bèn viết ít dòng, chỉ để vậy. Thực ra viết về những hồi tưởng hay ký ức mà tuổi của mình còn nhớ được là một điều may mắn. Rồi sau khi mỗi lần gửi bài viết đi, may mắn hơn nữa khi được bạn bè anh em thân tình hồi đáp với những xúc cảm chân thành qua những điều mình viết khiến mình xúc động không kém để tiếp tục cho đến ngày hôm nay…”

    Đọc những trang sách, tôi có cảm giác là nghe một người kể chuyện đời, chuyện mình bằng phong cách diễn tả mộc mạc. Những sự kiện dù có lúc chứa nhiều chi tiết gay cấn nhưng tác giả vẫn bằng ngôn ngữ thật thà nên tạo cho người đọc cảm giác được nghe về chuyện người thực việc thực.

    Đời sống của một người Việt nam bình thường trong một thời đại đầy biến cố dĩ nhiên cũng đủ những tình tiết bi hài đến mức khó tưởng tượng huống chi ở một vai trò công chức có nhiều trọng trách trong một tỉnh miền núi với bóng dáng chiến tranh luôn đe dọa thảm kịch. Thế mà, tác giả Trần Bạch Thu đã kể về những giai đoạn của cuộc đời mình từ lúc tuổi thơ đến khi đi học rồi làm việc trong chính quyền tỉnh với sự chân thành. Sau năm 1975 hơn mười năm tù rồi trở về quê quán nhưng cũng vẫn trong tình trạng giam lỏng trong nhà tù lớn hơn. Tác giả kể, hình như nén những cảm xúc nhưng chính cái nét thật thà của những người quê quán miền Nam ấy làm người đọc liên tưởng nhiều hơn đến số phận chung của những người chung số phận của bên thua trận sau ngày mất nước.

    Cùng chịu chung số phận của những người chung hàng ngũ mà bọn Cộng sản xách mé gọi là ngụy quân ngụy quyền, những người tù trở về đã là những đối tượng của một chính sách hành hạ vô nhân đạo của chế độ thắng trận:

    • “Trong thời gian quản chế, thỉnh thoảng công an khu vực còn dẫn theo du kích khám nhà, rọi đèn pin vào tận giường ngủ để kiểm soát. Nửa đêm mà nghe tiếng chó sủa là mẹ tôi thức suốt đêm cho tới sáng vì lo sợ không biết sáng mai tôi có bị gọi lên làm việc chầu chực cả buổi để viết bản tự kiểm, kê khai hôm qua đi đâu, làm gì, kể cả khi đi dự đám tang của người thân. Thập thò tin đồn, không chấp hành tốt thì chẳng những không được trả quyền công dân mà còn bị bắt đi cải tạo lại là hết đời.

      Công ăn việc làm không có, đời sống vô cùng túng quẫn. Quản chế tại địa phương là một sự giam lỏng và hạ nhục người tù cải tạo trở về khiến cho không ít người sợ liên lụy không dám quan hệ. Đã khó lại càng khó hơn để tìm kiếm việc làm mưu sinh.

      Sống đến gần nửa đời người không có đoạn đường nào bi thương đến như thế này. Chiều tối mẹ chạy chờ về ra sau võng tìm con, móc trong túi áo bạc màu chìa cho con mấy điếu thuốc Đà Lạt mới mua trên đầu ngõ trước khi về nhà. Không còn gì để nói được nữa. Tôi vĩnh viễn bỏ thuốc lá. Thầm nghĩ chỉ còn có một con đường…”


    Thế nhưng, chàng phó tỉnh ngày xưa cũng có một mối tình mà hoàn cảnh và thời gian không làm chia rẽ được. Mười năm xa nhau, cả hai cùng quay cuồng trong cơn sóng dập vùi của đời sống ở hai phương trời cách xa nhau. Một đi tù trở về sống vùng đồng bằng Cai Lậy, một thì sống hẩm hiu với gia đình ở thành phố cao nguyên bụi mù. Tác giả kể lại chuyện tình của mình mà những đồng môn QGHC cho là một chuyện tình thời hậu chiến:

    • “Quản chế gần nửa năm không nghe tôi nói gì về chuyện lập gia đình với người mà tôi đã thưa với ba mẹ là định xin cưới hỏi hồi cuối năm 1974 và cho đến nay cô ấy vẫn còn chờ đợi. Một hôm mẹ bảo, tội nghiệp người ta đã chờ gần mười năm rồi còn gì.

      Tôi thầm kêu trời làm sao đây.

      Cuối cùng mẹ quyết định cùng em gái tôi ra Kontum làm đám hỏi mà không có chú rể vì công an địa phương không cấp giấy đi đường với lý do là còn trong thời gian quản chế tại địa phương. Mẹ kêu trời không thấu nhưng vẫn đi và lễ hỏi đơn giản đã được tổ chức chu đáo với sự tham dự của nhiều người quen cũ của tôi.

      Ba tháng sau, bác Thông lần đầu tiên vào Nam cho biết sự tình, nhất là vì tin dữ đồn xa “chú rể tù cải tạo về đã bị tê liệt”. Có người đi buôn chuyến đồn về tới chợ Kontum quả quyết rằng đã thấy “ông Phó” ngồi xe lăn bán vé số ở Hồ Con Rùa. Vì từ xưa đến nay chưa từng có đám hỏi nào mà không có chú rể. Dọc đường bác còn bị gạt thay vì xuống ngã ba Cai Lậy, lơ xe quên gần tới ngã ba Cổ Cò mới nhớ và ngừng xe lại cho xuống rồi bảo đón xe đò đi ngược trở lại mà không thối lại tiền.

      Bác Thông đã bán một vạt đất vườn để lấy tiền xin phép chính quyền đi Sài Gòn chữa bệnh, nhưng kỳ thực là muốn vào quê tôi cho biết hư thực. Trước khi đi cả gia đình cầu nguyện và bác còn gặn hỏi con gái nếu tin đồn là thật thì sao.

      Con vẫn thương anh ấy.

      Khi bác đến Cai Lậy mừng vui không thể tả. Ngoài tình đồng liêu còn thêm tình gia đình. Bác đắc chí với câu “anh hùng đoán giữa trần ai mới già”. Điều trước tiên bác trình bày với gia đình là xin cho tôi được theo đạo Công giáo. Ba mẹ tôi đồng ý…”


    Và đã có một chuyến trở về thành phố đáo nhậm ngày xưa để… cưới vợ. Chuyến trở về như một kết thúc đẹp của một mối tình chung thủy:
    “Chuyến xe đò chở khách rời ga Diêu Trì rẽ theo con đường quốc lộ 19 lên Pleiku vào những ngày mùa hè nóng bức. Ngọn Tháp Chàm vẫn trơ gan cùng năm tháng. Qua khỏi cầu Bà Di trời bắt đầu mát dịu, xe chạy bon bon đường đi buổi sáng rất vắng. Tiếng xe máy nổ đều đều. Tôi quay mặt ra phía ngoài cửa sổ ngóng gió phả vào mặt, gió thổi ù ù nghe vui tai. Xa xa những xóm nhà nằm dưới chân núi nhổi bật lên giữa đồng ruộng mênh mông ở cuối chân trời. Lòng rộn vui khi qua đây, theo đường lên cao nguyên, trở lại Kontum sau mười năm.

    Đến Pleiku trời vừa chạng vạng, thay vì nghỉ lại ở nhà trọ, may mắn có chuyến xe hàng lên Kontum, tôi xin quá giang đi ngay trong đêm. Trời tối đen khi xe vừa ra khỏi thị trấn, dọc hai bên đường rải rác nhà cửa mọc lên thành từng cụm, đèn điện sáng choang. Không nhận ra đèo Chu Pao ở đâu. Đoạn đường như ngắn lại vì xe chạy nhanh mà cũng có khi do cảm giác vì đã đi qua những đoạn đường dài Nam Bắc. Nay trở về chốn cũ thấy mọi thứ đều nhỏ hẹp chăng?

    Gío đêm cao nguyên lạnh buốt, vẹt ánh đèn xe phía trước rọi thủng màn sương khói dầy đặc, không thấy được gì cả ngoài mặt đường và chỉ canh theo đồng hồ mà đoán chừng là xe đi đến đâu. Biết là sắp đến nơi khi có khách quá giang xuống ngã ba Phương Hòa. Nhìn thấy dãy phố chen chúc vây quanh ngã ba mà xúc động dâng trào. Nhớ những ngày đầu tiên lên Kontum cách nay hơn mười năm tôi đã từng ở nơi đây với gia đình bạn Q. Những cái tên thân quen cả đời mình vẫn nhớ. Giờ không biết ra sao, sau cuộc bể dâu.

    Khi xe đến đầu cầu Dakbla, đèn điện hai bên thành cầu sáng mờ đục soi bóng lờ mờ phố núi Kontum rực sáng ở phía trước. Cảnh vật khác xưa nhiều nhưng vẫn còn nhận ra dãy phố cũ đầu đường nhà bác T. (mà Tây thường gọi là Ovaltine) Tôi xuống xe đi dọc theo đường Nguyễn Huệ ngang qua nhà thờ Tân Hương là tới dốc xuống nhà. Ngõ cũ giăng hàng rào kẽm gai thưa trống, cột gỗ xiêu vẹo, bóng dài ngã theo vệt sáng lù mù từ trong cửa sổ chiếu hắt ra, gần cây vú sữa bên hông nhà. Tôi đứng trước nhà gọi vọng vào một hồi lâu. Trâm ra mở cửa ngỡ ngàng ôm chầm lấy tôi mà nước mắt như mưa

    Đường qua ngõ nhà em mười năm trước

    Dốc Tân Hương vằng văc bóng trăng soi…”


    Không phải tác giả chỉ nặng tình với quê vợ Kontum mà ông còn nhiều ký ức về nơi ông sinh trưởng. Truyện ngắn Một Cơn Gió Lốc với những nhân vật của một thời binh lửa đầy những biến cố có thể làm thay đổi vận mạng của nhiều người. Những nhân vật như Tư Bang hay hai đứa con của ông Hương Cả Tam là Chín Kiến và Mười Năng, đã xoáy tròn trôi dạt theo con lốc cuốn thời thế từ thời Việt Minh đến những năm bắt đầu nền Đệ Nhất Cộng Hòa. Rồi nền Đệ Nhị Cộng Hòa, rồi ngày miền Nam sụp đổ, những nhân vật ấy là nét phác họa một nếp sống của người dân quê với nhiều cá tính đặc biệt của miền châu thổ sông Cửu Long. Thời thế đã phân hai những mảnh đời, người bên này kẻ bên kia, người Quốc gia kẻ Cộng sản nhưng trong thâm tâm họ vẫn là mơ ước của những nông dân quen sống bên bờ ruộng bến sông và những phong tục lâu đời truyền lại.

    Một truyện ngắn khác Người Thợ Vẽ Bên Dốc Cầu Quay lại là một câu chuyện có nét triết lý Phật giáo. Từ cái nghiệp của người cha là ông Lý đã lợi dụng tiền của và thế lực để hãm hại và dụ dỗ những người con gái còn trinh tiết nên người con dù cố gắng tu thân tích đức bằng cách tu hành hoặc làm việc thiện ứu giúp người nghèo bịnh hoạn. Nhưng hoàn cảnh đưa đẩy phỉ cạo đầu quy y như một phương cách xám hối

    “Gần hơn nửa đời người, Đạo Hiệp cũng dang tay hành hiệp cứu đời và thương người khốn khổ. Cuối cùng rồi cũng sa vào vòng tục lụy nghiệp đời lẩn quẩn. Lúc sau này thường hay nhắc đến gia đình ông thợ mộc mù ở xứ đạo Cồn Bà, Gò Công có người con gái xin giúp việc nhà năm xưa tên Nhạn, người tình của Đạo Hiệp và đứa con nhỏ bây giờ thất lạc không biết ra sao? Nhớ đến câu chuyện kể ở chợ Tầm Vu hồi mấy chục năm về trước. Thăng trầm thế sự cũng nhiều, Đạo Hiệp quyết định rũ áo đi tu trở lại. Hôm làm lễ xuất gia khất thực dưới sự chứng kiến của một ít người thân, Đạo Hiệp xuống tóc và rơi nước mắt khi tận tay đốt ba toa thuốc gia truyền và con triện in mộc đỏ hiệu An Tế Đường. Sư thầy thấy thế bèn buột miệng:

    Họa phúc khôn lường. Dứt nghiệp từ đây.

    Đạo Hiệp chậm rãi từ từ đi sâu vào trong hậu liêu rồi khuất dạng.”


    Có những truyện ngắn của Trần Bạch Thu mà tôi thấy bàng bạc hình bóng người Mẹ Việt Nam khi ông kể về cuộc đời của mình. Là tự truyện cũng đúng bởi vì hình như tất cả các chi tiết đều chân thật và phát khởi từ một tâm cảm đầy thương mến. Ai cũng có một bà mẹ và chính lúc cần thiết nhất Mẹ đã như gà mái xỏe cánh bảo vệ con thơ khi con gặp khó khăn trắc trở trong đời.

    Trần Bạch Thu kể: “…Ra trường tôi lại nhận nhiệm sở ở tỉnh địa đầu miền cao nguyên, xa thật rồi còn gì… và ngay cả địa danh mẹ cũng chưa từng được nghe bao giờ.

    Mẹ sốt ruột lắm bèn về tuốt trong Thanh Hòa ra sau vườn nhà cố ngoại lấy một cục đất cứng gói trong lá chuối khô và buộc lại cẩn thận rồi đem về nhét vào trong va li, dặn tôi khi ra tới nơi, hôm đầu tiên trước khi tắm, ngâm cục đất trong thau nước cho tan, chờ lóng cặn rồi pha vào nước tắm

    để Thần Hoàng bổn địa che chở không bị chói nước hay vướng ma thiêng nước độc trong vùng. Thương mẹ tôi là y theo như vậy.

    Gần hai năm sau tôi về thưa với mẹ xin cưới vợ người Kontum, điều đầu tiên mẹ hỏi:

    Con có pha cục đất trong nước để tắm không?

    Có chứ má.

    Sau đó tôi trỉnh bày rằng gia đình cô ấy là người Công Giáo và chưa nói gì tới việc tôi sẽ vào đạo như gia đình cô ấy mong muốn. Chỉ nghe có bấy nhiêu đó thôi mà mẹ đã ứa nước mắt.

    Không được đâu con.

    Rồi biến cố ngày 30 tháng Tư xảy ra, thời cuộc đổi thay, xã hội xáo trộn kể từ khi Cộng sản tràn về chợ quận, chùa chiền đình miếu bị thu hẹp phạm vi hoạt động. Nhà thờ Cai lậy bị dỡ bỏ làm sân phơi thóc cho Hợp tác xã. Thánh lễ Chúa Nhật được cử hành trong nhà nguyện ở tuốt phía sau, gần mấy đìa rau nhút. Giáo dân thưa thớt. Thầy pháp biến mất. Bùa ngãi hết linh.

    Trong hoàn cảnh khó khăn như vậy mẹ không còn đi chùa hay cúng vái gì nữa. Chỉ lạy Phật ở nhà, khấn nguyện thầm và hàng năm cố gắng đi vía Bà trên Núi Sam, Châu Đốc để thỉnh bùa cầu mua bán sao cho gia đình đủ ăn và thăm nuôi con đang tù cải tạo. Nhưng lệ ăn chay một tháng sáu ngày cho cả gia đình mẹ vẫn giữ như xưa. Lần sau hết khi tôi đi tù cải tạo tưởng đâu một vài tháng rồi về, đâu ngờ đằng đẵng mười năm ngoài Miền Bắc. Tôi còn sống sót trở về mới hay mẹ đã nguyện ăn chay trường.

    Đến khi tôi lập gia đình lại theo nghi thức đạo Công Gíao khiến cho nhiều người nghi ngại. Riêng mẹ tôi đây có lẽ là lần đầu tiên trong đời mẹ mới tham dự một thánh lễ ở nhà thờ. Tôi hỏi ‘mẹ thấy thế nào?’. Mẹ thở dài bảo: ‘Thương con nên má đành chịu thôi!’…”


    Ôi lòng mẹ hy sinh cho con như biển trời..

    Tôi đọc xong cuốn sách. Gập lại những trang. Tự nhiên lòng thấy bâng khuâng. Không biết có phải vì tác giả viết chân chất quá hay không mà tôi thấy kỹ thuật xử dụng chữ nghĩa quá mức có thể làm loãng đi xúc cảm cho người đọc. Và tôi, như đã chia sẻ với tác giả những cảm xúc chân thật của một tấm lòng chân thành với đời dù bất cứ hòan cảnh nào…

    Nguyễn Mạnh Trinh.


    Nguồn:http://vietluan.com.au




              
Trả lời

Quay về “Nguyễn mạnh Trinh”