Thảo Trường, nhiều năm đọc lại

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Thảo Trường, nhiều năm đọc lại

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Thảo Trường, nhiều năm đọc lại





    Nhà văn Thảo Trường qua đời ngày 26 tháng 8 năm 2010 đến tháng Tám năm nay là tám năm. Bài viết này như một nén nhang thơm để tưởng niệm một nhà văn đã góp công rất lớn cho nền văn học nghệ thuật Việt Nam. Những tác phẩm của ông, ở hai mươi năm văn học miền Nam và ở hơn ba chục năm văn học hải ngoại, đã phản ánh được một thời thế của một thời đại Việt Nam mà mọi người bị cuốn đi trong những dòng lịch sử đầy biến động. Tâm sự của ông là của những người phải tham dự vào những cuộc biến thiên và dòng đời lôi theo không cưỡng lại được.

    Có một câu hỏi mà khi ông còn sinh thời tôi định sẽ phỏng vấn ông khi dự tính mời ông lên đài truyền hình Hồn Việt trong chương trình Tản Mạn Văn học của mình. Ông đã nhận lời nhưng rồi vì lý do này, lý do nọ nên không thực hiện được. Câu hỏi đó tới bây giờ tôi vẫn còn thắc mắc. Tại sao ông không viết như dự định một cuốn trường thiên tiểu thuyết về một thời kỳ lịch sử Việt Nam mà ông là một nhân chứng sau khi ra tù và định cư ở Hoa Kỳ? Thay vào đó là những truyện ngắn mà ông cho là “nhốt một thời lỳ lịch sử vào những truyện ngắn.”. Những truyện ngắn này đã được in trong tuyển tập “Những Miểng Vụn Của Tiểu Thuyết” và tác phẩm này được chôn theo quan tài của ông như một tài sản quý báu nhất mang theo khi từ giã cõi đời. Tôi nghĩ câu hỏi này sẽ rất thú vị cũng như những câu hỏi khác mà tôi đã phỏng vấn ông trong bài ghi chép lại được trích đăng trong tác phẩm này. Từ ngữ “nhốt lịch sử vào những truyện ngắn” xem ra mở những cánh cửa của một thế giới mà một người thâm trầm hóm hỉnh như ông muốn bày tỏ.

    Nếu suy nghĩ theo lối thông thường thì trường thiên tiểu thuyết như một bức tranh vĩ đại mà trong đó cuộc sống lịch sử được tạo dựng lại với tất cả những khía cạnh phức tạp của nó. Trường thiên tiểu thuyết ít ra cũng phải bề dầy hàng ngàn trang như bộ “Chiến tranh và Hòa Bình” của Leon Tolstoy, với những nhân vật và cuộc đời của họ biểu trưng cho cả một thế thời giông bão. Ngược lại, ở Thảo Trường, thì ông lại dùng những truyện ngắn để chuyên chở cả một thời kỳ lịch sử. Chỉ chừng vài chục trang giấy, ông có tham vọng phác họa lại một thời đại lịch sử. Có lúc ông cảm thấy đó là một công việc khó khăn dễ dàng đưa đến sự thất bại và băn khoăn trong tâm trạng không tin tưởng mấy vào sự thành công mà trong các cuộc phỏng vấn biểu lộ. Kể chuyện chiến tranh, có khi ông dùng ngôi thứ nhất xưng “tôi”, có khi ở ngôi thứ ba. Nhưng ở bất cứ vị trí nào, mẫu nhân vật ấy vẫn là tổng hợp của nhiều khuôn mặt và có vẻ quen thuộc với thời đại chúng ta. Và, hình như ông có vẻ không được vừa lòng lắm vì dù sao ở khuôn khổ một truyện ngắn khó lòng chuyên chở được tất cả sắc thái của một thời đại. Dù rằng, với trường thiên tiểu thuyết, ông không phải là người xa lạ. Trường thiên tiểu thuyết Bà Phi đã được sáng tác khi ông còn ở Việt Nam dày hơn 2000 trang và là một tác phẩm gây nhiều phản ứng cho độc giả. Truờng thiên này đăng trên nhất báo Tiền Tuyến và nội dung của nó đụng chạm và mổ xẻ nhiều bộ mặt thưc của xã hội nên đã tạo nhiều áp lực gây ra sự nhức đầu cho chủ nhiệm /chủ bút nhật báo Tiền Tuyến, một cơ quan báo chí chính thức của QLVNCH.

    Lần đầu tiên tôi gặp nhà văn Thảo Trường ở Hoa Kỳ khi tôi đưa ông đến gặp nhà thơ Nguyên Sa ở Irvine. Tôi thấy ông là một người có nụ cười hiền nhưng đôi mắt có nét hóm hỉnh pha chút ngạo đời. Tôi biết ông là nhà văn có cộng tác với các tạp chí Ðất Nước của Nguyễn Văn Trung và Trình Bày của Thế Nguyên, Diễm Châu như tác giả “Vài ngày Làm Việc ở Chung Sự Vụ” kể lại. Có lần tôi hỏi ông có phải nhóm này chủ trương phản chiến không và Thảo Trường có phải là một nhà văn chủ hòa thì được trả lời là mỗi người có những chủ kiến chính trị riêng và cùng cộng tác chung với một tạp chí, một tờ báo không có nghĩa là chung chính kiến. Nhà văn Thảo Trường là một quân nhân và qua những tác phẩm của ông nhìn ngắm chiến tranh tuy không có sự cổ võ chém giết nhưng cũng không có những ý tưởng thiên tả. Có thể nói, ông là một nhà văn dấn thân trong cái suy tư của một người nặng lòng với tình tự đất nước. Ông viết về những thực trạng dân tộc và tâm tư của một người phải bị bắt buộc sống trong thời thế như vậy. Về sau này, có những lần tôi cùng với anh Long Ân ở sau vườn nhà ăn cơm trưa và nói chuyện với ông thì nhà văn Thảo Trường vẫn cho là mình xa lạ với từ phản chiến. Ông chỉ viết với một chủ kiến và ý định “tôi làm tác phẩm là để đời”.

    Bây giờ, đọc lại tác phẩm của ông, nhất là tuyển tập “Những miểng vụn của tiểu thuyết” tôi thấy rõ cái ý định ấy. Trả lời câu phỏng vấn của tôi: “Anh có nhiều thời kỳ cầm bút khác nhau, trước và sau năm 1975 là cái mốc phân cách. Vậy mục đích khi cầm bút có thay đổi không đối với anh?”, nhà văn Thảo Trường khẳng định:
    “Không. Trước năm 1975 tôi viết cũng chỉ muốn tác phẩm của mình để đời. Mười bảy năm sau 1975 không viết là vì bị chế độ chính trị khống chế. Nay thay đổi hoàn cảnh có thể viết được thì lại tiếp tục. Không có gì thay đổi cả. Ðiều này có nghĩa là chế độ chính trị không bắt tôi im được mãi, họ chỉ cản trở tôi được một giai đoạn thôi.”

    Từ tác phẩm đầu tay là tập truyện ngắn Thử Lửa gồm 13 truyện ngắn xuất bản năm 1952, lúc ông vừa hơn hai mươi tuổi đã bắt đầu bộc lộ những suy tư của một người trẻ trong thời đại mà cuộc chiến tranh đang bộc phát và mường tượng được tình cảnh của những người ngơ ngác trước những nẻo đường lịch sử và đã bắt đầu nhuốm chất bi quan. Ðến “Chạy Trốn”, một truyện vừa thì khuynh hướng dấn thân đã rõ nét. Những nhân vật chạy trốn chính mình, chạy trốn một cuộc chiến vô nghĩa, chạy trốn những giả trá đời sống, chạy trốn khỏi cuộc chiến đang tăng cường độ. Chạy trốn nhưng lại vẫn phải tham dự dù châu thân đầy thương tích.

    Ðến những tác phẩm sau như “Người Ðàn Bà Mang Thai Trên Kinh Ðồng Tháp” hay “Viên Ðạn Bắn Vào Nhà Thục”, chiến tranh đã được quan sát từ những góc cạnh nhân bản nhất. Dù không thích chiến tranh, nhưng ông khác biệt với những tác giả nằm vùng ngụy hòa. Ông vẫn tự mình vạch ra một chiến tuyến dù bất đắc dĩ.

    Ðến những tác phẩm xuất bản ở hải ngoại thì nỗi niềm suy tư vẫn tồn tại và lại càng được sâu lắng hơn từ những kinh nghiệm bản thân. Những cuộc đổi đời. Những thân phận dù chiến thắng hay chiến bại vẫn là những bi kịch pha lẫn hài kịch. Hậu quả một cuộc chiến, không phải chỉ ảnh hưởng đến một thế hệ mà còn đến nhiều thế hệ sau nữa. Dù thực tế có xóa nhòa nhưng ở hai bên chiến tuyến vẫn có sự phân cách dù ngay cả khi họ làm tình với nhau như trong truyện “Mây Trôi” với một cặp là chị đảng viên với anh sĩ quan tù cải tạo và một cặp khác là chị góa phụ Cộng Hòa và anh phế binh bộ đội Cộng sản bị mù mắt. Những mối tình của thời hậu chiến vừa có nét thực của đời sống hiện tại vừa có chất bi hài của một thời đại lạ lùng…

    Những suy tư và dồn nén từ cuộc sống tạo cho ông sức ép cho văn chương. Như vậy, với tác giả Thảo Trường, công việc cầm bút là một công việc không thể nào ngưng được. Bởi vì, tâm tư ấp ủ và nấu nung nếu không giải tỏa ra sẽ thành một bùng vỡ không thể nào chịu đựng được. Viết là một cách thế giải tỏa hữu hiệu nhất cho tâm tư.

    Khi đề cập đến phong cách viết của mình, tác giả “Những Miểng Vụn của Tiểu Thuyết” bày tỏ:

    “Tác phẩm là sáng tạo, nhưng đây đó có những chuyện giống giống người này người kia hay nhân vật trong truyện xưng tôi thì cũng không có nghĩa nhân vật là tác giả. Tất cả những gì mà cuộc sống của tôi đã trải qua, những gì mà tôi chứng kiến, những gì mà tôi nghe kể lại và những gì mà tôi đọc được ở sách vở thì đều có thể là chất xúc tác khi xây dựng tác phẩm. Có khi tôi lượm nhiều mẫu đời vụn ở nhiều nơi nhiều lúc sắp đặt vào một nhân vật. Ðã có một người anh họ nói đùa với tôi “Coi chừng kể cho nó nghe nó lại “phang” mình vào trong truyện thì bỏ mẹ!”. Cũng có khi tôi đem những cái mà mình gán vào một nhân vật nào đó, như là mình cho mượn vậy, bởi vì chính mình, đã có khi phải đi mượn những mối tình của người khác đặt vào chỗ của mình. Riêng đời tôi, tôi chưa làm tác phẩm nào tự thuật. Tôi không có ý định viết hồi ký.”

    Thực ra, hình bóng của tác giả lúc nào cũng phảng phất trong từng truyện. Cái quá khứ thật dài từ khi nhập ngũ vào lính đến lúc thành tù binh cải tạo đã trở thành một mảnh đất cực kỳ phì nhiêu cho bông hoa văn chương nở rộ. Tù mười bảy năm, trải qua bao nhiêu nỗi đoạn trường, thì hỏi sao thời gian ấy không ảnh hưởng khi cầm bút. Hay thời gian trong quân ngũ trước kia, lăn lóc từ chiến trường này đến sa trường nọ, biết bao nhiêu là chuyện đáng nhớ. Hay thời gian ở xứ người, một ông già lưu lạc bỡ ngỡ trước hiện tại mà tầm mắt thì luôn ngoái nhìn lại quá khứ. Cái vốn sống tích lũy được của một đời người có khi là động lực để viết nhưng cũng có khi là nỗi ám ảnh không rời.

    Thành ra, không lấy làm lạ khi ông nhiều khi nhìn ngắm cuộc sống bằng con mắt đa nghi và với nụ cười chua chát. Mà sao không chua chát cay đắng cho được khi thời thế như những vệt roi hằn in trên da thịt mỗi khi đụng đến lại bỏng rát. Nhưng dù chua chát tình đời, dù thiên hạ vẫn đầy ứ những quân gian tà, tâm của ông vẫn soi rọi vào phần thiện hơn là phần độc ác. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo, có khi loài vật đối xử với nhau còn tốt đẹp hơn loài người, vẫn có những tấm lòng hào hiệp, vẫn có những người nắm tay cứu vớt người cơ nhỡ. Và không phải trong những hoàn cảnh khốn cùng nhất, con người sẽ quay mặt bỏ mặc nhau mà không giơ tay một phần chia sẻ khốn khó. Khác với nhiều tác giả viết về tù ngục Cộng sản, ông không chú trọng vào việc kể tội chế độ hiện hữu mà chỉ kể lại những chuyện thực đã xảy ra bằng phong cách của một người coi mọi chuyện trên đời như một trò đùa. Có nét của trạng thái cam chịu và cũng có nét của người đã có quá nhiều thất vọng nên bất cứ chuyện nào xảy ra cũng đều chấm dứt bẳng câu “kệ mẹ nó”. Bất cần và cứ để mặc dòng đôi trong cái khôi hài hóa mọi chuyện….

    “…Tôi lẩn thẩn tìm ra cho mình một cách sống mà tôi gọi đùa là “chủ nghĩa dựa cột”, biết thì thưa thốt không biết thì dựa cột mà nghe, ai nói gì làm gì thây kệ người ta, ông bà mình dạy thế “Kệ mẹ nó!” tôi thường tự nhủ với mình thế mỗi khi phải chứng kiến những cảnh trái tai gai mắt xung quanh mình. Ðược xếp chỗ nằm ngay sát cầu tiêu, tôi cũng thấy là một cái hay, đó là một chỗ không ai dòm ngó. Một mảnh đất xấu ít có nguy cơ bị xâm lấn. Mùi hôi khai ngửi riết rồi cũng quen sẽ không còn cảm thấy hôi khai nữa. Ðúng ra, nếu chú ý đến nó thì sẽ nghe thấy hôi nhưng nếu lắng nghe tất cả mọi nơi thì chỗ nào cũng hôi cả, thế cho nên lại phải áp dụng sách “kệ mẹ nó” cho qua tất cả …” (trong truyện ngắn “Khẩu hiệu”).

    Ðời sống của tác giả Thảo Trường như bàng bạc trong từng dòng chữ của ông. Ngày xưa Hàn Dũ đời Ðường đã nói “Bất đắc kỳ hình tắc minh” (Ðại phàm vật nào cũng vậy, không được bình yên thì kêu. Cỏ cây vô thanh, gió thổi nên kêu; nước kia vô thanh, gió xô nên kêu… Vàng đá vô thanh, đánh gõ nên kêu. Người ta đối với lời nói cũng vậy có sự bất đắc dĩ sau đó mới phát ra lời, giọng ca cũng mang tâm tư, tiếng khóc cũng chứa hoài niệm. Phàm buộc ra đằng mồm mà thành thanh âm đều do có sự bất bình chăng?).

    Có người đã luận thêm ra cho rằng các tác phẩm văn học đều phát sinh từ mâu thuẫn giữa tác giả và xã hội. Với Thảo Trường, xã hội này là của chế độ mới, của những người chiến thắng. Và, bản thân tác giả là người bị thua trận và đời sống bị hạ thấp xuống đến nỗi ông đã có những ý nghĩ so sánh với loài vật như những con bò của trại tù. Dù, đã nhiều năm trôi qua, nhưng những hồi ức ấy cứ canh cánh trong lòng và bất cứ một ý nghĩ nào, một suy tưởng nào cũng đều có những mảng đời sống của những ngày tù ngục chen vào. Khi sống ở Hoa Kỳ, trong gia đình yên lành nhưng vẫn vướng bận những suy tư của ngày lao ngục cũ.

    Thường thường trong những thời đại đặc biệt, văn chương phản ánh thời thế và từ những trang sách ấy, những lớp người đi sau sẽ hiểu được tâm tư nỗi niềm của chung một thế hệ trong thời đai lịch sử ấy. Nhưng có quan niệm ngược lại, chỉ có con người muôn thuở là một đề tài chính yếu và trường cửu. Còn những vấn đề khác của những con người chỉ riêng trong một giai đoạn chỉ là nhất thời không có giá trị lâu dài. Nhà văn Thảo Trường nhận định:
    “Tôi không thấy gì là ngược lại cả. Ðúng là con người lớn và trường cửu đối với con người. Chỉ khi nào không còn con người nữa thì may ra lúc đó vấn đề mới… nhỏ đi và tầm thường. Tác phẩm có thể giúp cho người ta hiểu được vào giai đoạn ấy ở nơi ấy cái thời thế ấy nó như thế. Vài ba trăm năm nữa hậu duệ của chúng ta có khi phải đào xới nơi này nơi khác để tìm kiếm những di chỉ hoặc là phải đi lục tìm sách vở báo chí tài liệu trong các thư viện để xem cái nền văn minh Cộng sản nó là cái gì. Nếu thế thì một tác phẩm văn nghệ cũng có thể chứa đựng một thế giới riêng trong cái thời đại tác giả đã sống. Mở truyện Kiều ra đọc chúng ta biết được cái thời thế mà cụ Tiên Ðiền đã sống. Vấn đề này lớn quá và phải nói dài, có lẽ phải hỏi các vị giáo sư hay các nhà nghiên cứu phê bình văn học…”

    Trong những nhân vật của nhà văn Thảo Trường, bàng bạc hình dạng của người lính, người tù và người lưu lạc của một thời đại đặc biệt Việt Nam. Mà, hình bóng người tù hình như lúc nào cũng xuất hiện không ở mặt này thì cũng ở góc cạnh khác. Nếu nói về những ngày ở Mỹ của ông mà dùng từ “hội nhập” thì e không chính xác lắm. Có lẽ, còn lâu lắm, những người như “ông già” Thảo Trường hội nhập được vào xã hội chuyển động tới mức chóng mặt ở xứ sở này. Mặc dù, ông là một HO may mắn, không phải đánh vật với sinh kế hàng ngày. Lúc trước khi nhà văn Long Ân còn sống, khi đến chơi ở nhà ông, anh thường gọi đùa ông là một HO “happy”. Nhưng, câu tả chân “trong héo ngoài tươi” hình như vẫn đúng. Những tiếng thì thầm trong bụi tre gai ông vẫn còn nghe. Những đau đớn của người ông vẫn còn cảm thấy. Và có lúc ông đã tuyên bố ông viết văn là công việc “để đời” tương tự như việc khắc họa chân dung từ một chứng nhân lịch sử cho đời sau.

    Thảo Trướng có những nhân vật đặc thù trong tác phẩm của ông. Như đứa bé sinh thiếu tháng mà người mẹ không biết cha của nó là ai, ở bên này hay phía bên kia của “Người đàn bà mang thai trên kinh Ðồng Tháp”. Hay đứa bé là kết quả của một cặp tù nhân làm tình với nhau giữa hai hàng rào kẽm gai và người mẹ kiên quyết giữ lại đứa con dù bị đấm đá giữa lúc mang thai của đám công an lòng dạ độc ác và trơ trơ như gỗ đá của “Những đứa trẻ đầu thai giữa hàng rào”. Ở Việt Nam chỉ có trẻ sơ sinh mà bị tù tội vì mẹ của nó bị án…

    Thảo Trường kết luận những câu chuyện bằng những dòng nhắn tin. Như đùa, như thật, ông hí lộng và tạo ra một cuộc đối thoại với nhân vật của mình. Có thể coi như một thông điệp, dù có thể rớt vào hư vô; nhưng cũng là thông điệp để gửi cho lớp sau như “cậu thanh niên ra đời sẩy thai thiếu tháng, mang họ nhờ” của truyện “Khẩu hiệu” hay “cậu nhỏ mang dòng họ cùng với tôi, hai mươi năm nữa” của “Người đàn bà mang thai trên kinh Ðồng Tháp”. Tác giả muốn gửi theo cả những mảnh đời bị lốc xoáy theo chiến tranh. Một cuộc chiến kỳ quặc mà cả kẻ gây ra và người cam chịu đều trở thành nạn nhân…

    Khi đề cập đến động lực đầu tiên thúc đẩy cầm bút thì ông giãi bày:

    “Hình như đầu tiên là nhân vật. Tôi vớ được một nhân vật nào đó ngoài đời làm cho tôi chú ý, nó bắt tôi phải suy nghĩ xung quanh nhân vật đó và những sự kiện lời nói và hành động tình tiết cùng những băn khoăn mang những ý nghĩa của đời sống, có lý hay phi lý. Rồi có khi những ý nghĩ của mình bay về quá khứ hay mịt mùng ở một nơi xa xôi nào đó, ý nghĩ bay đi lộn lại quần thảo một hồi xong có khi sắp xếp để đấy, rồi một lúc nào đó nó lại xẹt ra, lại quần thảo. Những cơn vật vã như thế sẽ nảy sinh nhiều vấn đề, nói khác đi là có lúc nó sẽ nảy ra đề tài, một đề tài hay nhiều đề tài, loại bỏ và chọn lựa… cho đến khi sự xúc cảm đem đến cho mình niềm thích thú thì dùng bút pháp riêng của mình mà thể hiện nó ra. Cũng có khi phải “cất” nó nằm yên trong “bộ nhớ” ở trong đầu mình nhiều năm, thời gian cất đi để dành này có thể “nó” còn được nhào nặn thêm qua nhiều suy tư nữa. Trường hợp những truyện ngắn hình thành mà tôi phải “cất đi” lâu nhiều năm là những hình thành trong thời gian ở tù Cộng Sản. Qua Mỹ tôi mới thể hiện nó ra. Bây giờ tôi cũng đang đi tìm nhân vật. Tôi tìm trên đường phố ngõ hẻm, và các thành phố Mỹ…”

    Một năm sau ngày ông từ trần, tôi mang lại tất cả những cuốn sách của ông đã bắt đầu đóng bụi đem ra lau chùi sạch sẽ xếp lên kệ sách mà tôi hay xử dụng hàng ngày và đọc lại. Mỗi buổi sáng, trước khi đi làm mang theo một cuốn và đọc với tâm tưởng nhớ lại và hình dung một nhà văn đã ra đi. Có lúc, giữa buổi ăn trưa, nhìn ánh nắng lung linh qua lớp cửa kính thấy sinh viên đi lại tấp nập phía dưới tự nhiên thấy một điều gì sâu lắng lắm phát khởi từ trang sách. Cảm giác ấy như là một cách hồi tưởng lại phần đời đã qua mấy chục năm rồi nhưng hình ảnh của bạn bè đồng ngũ, của những người đã cùng bản thân mình trải qua một thời đại không thể nào quên, như những người muôn năm cũ có lúc đột ngột trở về…

    Nguyễn Mạnh Trinh


    Nguồn:http://vietluan.com.au


              
Trả lời

Quay về “Nguyễn mạnh Trinh”