Andrew Lam, từ “Birds of Paradise Lost”, “The Perfume Dreams” đến “East Eats West”

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Andrew Lam, từ “Birds of Paradise Lost”, “The Perfume Dreams” đến “East Eats West”

Bài viết bởi Bạch Vân »

          

  • Andrew Lam, từ “Birds of Paradise Lost”, “The Perfume Dreams” đến “East Eats West”




    Tác giả Andrew Lam, một nhà văn Mỹ gốc Việt đã viết về quy trình diễn tiến của suy tư mình qua các tác phẩm đã sáng tác và ra mắt: “Khi tôi viết Perfume Dreams, đó là nỗ lực của trái tim muốn thấu hiểu nỗi đau của những người vượt biển, những người Việt Nam sống sau chiến tranh. Bởi vì tôi phải dằn vặt với câu hỏi tại sao tôi sống sót trong khi nhiều người khác thì bị kẹt lại hoặc chết ngoài biển. Có thể nói cuốn sách là một trách nhiệm đạo đức tôi phải làm.

    East Eats West thì là sự hân hoan về văn hóa khi tôi nhìn thấy thế giới chuyển từ hoàn toàn Tây sang hỗn hợp Ðông-Tây như ngày nay. Ðó là một cách lý giải xã hội vui và vì vậy giọng văn mang tính cách chào mừng.

    Birds of Paradise Lost là tổng hợp những câu chuyện về nhiều nhân vật bị kẹt trong quá khứ, hiện tại và tương lai, giữa đau thương và cá tính mới. Mỗi người trong số họ đều cố gắng lý giải cuộc sống hiện tại của mình trên đời. Ðó là vấn đề về tâm linh. Còn hiện tại tôi chưa biết cuốn tiểu thuyết tới sẽ đi theo hướng nào…”


    Tháng 5 – 2013, Andrew Lam ra mắt tập truyện ngắn đầu tiên, “Birds of Paradise Lost”. Trước đó ông đã có hai tác phẩm biên khảo là “The Perfume Dreams”“East eats West”.

    Tập truyện ngắn xuất bản năm 2013 gồm 13 truyện ngắn được chọn lọc với tính hơi trào phúng mỉa mai nhưng đầy cảm xúc của những mảnh đời được ghi chép lại với tính biên niên đầy những nỗi thống khổ, hân hoan, can trường của những người đến Hoa Kỳ lập lại cuộc đời mới. Andrew Lam đã mô tả bằng những nét phác họa khá độc đáo của những cư dân đến từ Việt Nam rời bỏ đất nước đến định cư tại vùng vịnh San Francisco. Dĩ vãng với những ký ức về chiến tranh và những hậu quả mà tội ác, bắt bớ, trại giam cải tạo, khu kinh tế mới, của những cuộc vượt biển và những con tàu chìm đắm ngoài biển khơi mang theo bao nhiêu mạng sống con người, của những tên hải tặc tàn bạo – đã hiện diện thường trực và sâu sắc trong những truyện ngắn mà tính nhân bản tràn đầy và đẫm ngập cảm giác. Với phong cách diễn tả gây nhiều kinh ngạc cho độc giả phác họa những mảnh đời của những người họ tưởng rằng đã đi qua những thời kỳ của ác mộng chiến tranh và cơn hồng thủy cuốn trôi đi tất cả.

    Có những sự kiện đi trở về chương trình truyền hình trong khuôn khổ những lời thú tội của kẻ đã ăn thịt người, vào một quán ăn Việt Nam như là một cựu quân nhân đã tham dự chiến tranh Việt Nam với những bí mật đáng hổ thẹn và ăn khớp với một nhân dáng kỳ quặc mang dấu vết hội chứng Tourette (một bệnh chứng tại bộ óc gây ra có thể vì di truyền hoặc môi trường sinh sống), chiến đấu để cố gắng chống lại những bi đát sâu thẳm.

    Birds of Paradise Lost là biểu hiện của những chuyến viếng thăm đầy ấn tượng mạnh mẽ nhưng tràn đầy tình cảm với những phân cách, biểu hiện từ những sai lầm khởi đầu và khám phá từ cuộc chiến đấu của những người đi tìm một đời sống khác với nơi quê hương mà họ đã rời bỏ.

    Andrew Lam đã được nhiều người biết đến từ vai trò của một ký giả, chủ bút của New America Media, một cơ quan về truyền thông của sắc dân thiểu số mà tổng cộng có đến 250 thành viên gồm các tờ báo, đài phát thanh, đài truyền hình. Thế nhưng, trong năm 2013, ông lại xuất bản một tác phẩm mới mà trong nội dung là quá khứ của người tị nạn Việt Nam, vang vọng lại từ những truyện ngắn với những nhân vật có cá tính của người tị nạn và đến đất nước mới với bàn tay trắng để bắt đầu đi trên một quãng đời gai góc ở xứ người.

    Trong cuộc phỏng vấn của ký giả Anna Challet, tác giả “Birds of the Paradise Lost” đã nói về tác phẩm của mình.

    Trả lời câu hỏi ông đã làm việc rất nhiều năm trong sự nghiệp của một ký giả nhưng tại sao lại xuất bản tập truyện ngắn này, Andrew Lam phát biểu:

    “Tôi đã viết truyện ngắn từ hai mươi năm đến giờ, có lúc ngưng nghỉ có lúc tiếp tục, từ khi tôi đang học trong lớp sáng tác của chương trình Creative Writing tại đại học San Francisco State University. Dù sau này tôi chọn sự nghiệp là ký giả và nhà biên khảo, tiểu thuyết vẫn là người tình đầu của tôi và tôi không bao giờ rời bỏ nó và dù cho đó là một con đường không dễ dàng để sinh tồn được với nó. Tuyển tập truyện ngắn này là công sức của tất cả nỗi yêu thương cũng như tận tâm tận sức, và khi nào tôi tìm được những thời gian ít bận rộn của công việc ký giả thường ngày, tôi lại viết một truyện ngắn hoặc là khác hơn, ít nhất cũng tạo được bố cục của tính chất đề tài, và sưu khảo thêm những ý tưởng liên quan đến những vấn đề còn lúng túng. Sau hai mươi năm và hơn 30 truyện ngắn, 13 truyện đã được chọn lựa và tuyển tập ra đời. Từ đó trở đi, những lời giới thiệu nồng hậu của các tác giả như Maxime Hong Kingston, Gish Jen, Robert Olen Butler, Oscar Hijuelos, và nhiều người khác đã khích lệ tôi rất nhiều.”



    Tác giả Andrew Lam


    Tại sao ông đã viết rất nhiều bài biên khảo cũng như những bài không có tính tiểu thuyết từ khi đến Hoa kỳ từ Việt Nam và ông có cảm nghĩ gì khi mang những kinh nghiệm của đời sống thực vào trong nhân vật của tiểu thuyết? Andrew Lam trả lời:

    “Vâng, tôi luôn luôn phát biểu rằng “non fiction” hay “fiction” có một chút giống nhau như giữa kiến trúc với hội họa trừu tượng. Trong “non-fiction”, bạn có thể giữ trung thực từ những dữ kiện lịch sử, có thể là trên bình diện cá nhân con người hay quốc gia. Ở “fiction” có thể là bạn sẽ đi vào một thế giới mơ mộng ảo mà bạn sáng tạo ra, nhưng những nhân vật đã có tính chất rất tự do. Họ không làm những gì bạn muốn họ làm, họ gặp những trở ngại, họ hút sách, họ chiến đấu vật vã với những điều tốt đẹp, và làm những điều không tốt đáng xấu hổ mà bạn không muốn các con trẻ làm.. Nói một cách khác, bạn có thể tạo ra những bối cảnh, như người gieo hạt – trong trường hợp của tôi là bối cảnh của người Việt tị nạn. Khi những nhân vật tròn trịa đã được hình thành, họ sẽ không giảng giải bạn về lịch sử và họ đã hiểu biết sai lầm ra sao. Họ sống đời sống của họ, làm những công việc mà họ không hề mong ước và có thể làm cho bạn cười to hoặc kêu khóc vì những nhược điểm hoặc thiếu sót rất nhân bản của họ”.

    Tại sao tác giả lại chọn nhan đề của tuyển tập truyện ngắn là “Birds of Paradise Lost”, Andrew Lam giải thích:

    “Ðó là nhan đề của một trong 13 truyện ngắn trong sách, và là truyện ngắn nói về nỗi chết, sự hận thù và tự hy sinh thân mình cho lý tưởng. Trong truyện ngắn này, người kể chuyện có một bạn thân muốn tự thiêu tại Washington D.C. và để lại một lời nói là ông thù ghét những người của chế độ Việt Nam Cộng Sản và muốn dùng cái chết của ông để cảnh tỉnh dư luận và chấm dút những tội ác do chính quyền này gây ra. Nhưng ông cũng từ giã người bạn thiết khi về San Francisco, và sau đó đã làm xôn xao dư luận vì cái chết của ông. Ðó có phải là một hành động ái quốc? Một du khách đi ngang qua đã chụp được tấm ảnh của một người đang trong biển lửa và trong ánh lửa ấy đã nhắc người kể chuyện đến hình ảnh của một loài chim trên thiên đường đã mất. Một loài hỏa điểu, một cánh phượng hoàng trong lửa khói.”

    Anna Challet hỏi: “Rất nhiều nhân vật của truyện ngắn mà ông viết hình như có nỗi bận tâm ám ảnh về thời gian như nói về tương lai (truyện The Palmist), hiện giờ vô phương trở lại quá khứ (truyện Bright Clouds Over the Mekong), sống trong nỗi hãi sợ không dứt về những điều kinh ngạc của giây phút hiện tại có thể mang đến (truyện Step Up and Whistle). Ông có thường tự mình tìm kiếm về những nhân vật đã phấn đấu để chạy đua vật vã với thời gian?”

    Andrew Lam trả lời: “Tôi không có ý định theo phương cách trên, nhưng thật sự là quá khứ đã có hiện diện trong những nhân vật của Birds of Paradise Lost. Có thể điều ấy không tác dụng lắm. Rồi nhiều người đã có những kinh nghiệm sống về sự tổn thương: chạy trốn khỏi Việt Nam, nhìn thấy trước mặt có người bị giết- hoặc thừa hưởng những tổn thương từ kinh nghiệm của những người chạy trốn khỏi quê hương. Như vậy quá khứ luôn luôn xuôi chảy trong hiện tại. Tương lai thì hẳn nhiên có thể khả hữu sự tha tội và có thể khả hữu rằng họ sẽ chinh phục những chiều hướng ám ảnh của quá khứ mà họ có thể bắt đầu hàn gắn. Không phải tất cả những điều họ đã làm, dĩ nhiên, giống y hệt như đời sống thực…”

    Trong “Birds of Paradise Lost”, tác giả có kể và mô tả một số phận đầy bi kịch của một sĩ quan QLVNCH ở Hoa Kỳ. Khi phóng viên đài RFA hỏi nếu cuốn sách được dịch ra tiếng Việt thì có thể gây ra những đụng chạm tới cộng đồng người Việt ở hải ngoại không, anh cười: “Nếu đụng chạm thì tốt chứ sao, văn chương mà hay thì phải gây ra đụng chạm. Mà những chuyện tôi viết là sự thật tôi thấy trong khi tôi làm nhà báo, cũng như những chuyện của gia đình tôi, của đại gia đình tôi. Sự thật thì phải đụng chạm, nhưng đụng chạm thì mới làm người ta suy nghĩ tìm ra cái mới, cái mới cho cộng đồng…”

    Nhà văn Hoa kỳ gốc Trung Hoa, Maxime Hong Kingston, đã viết về Birds of Paradise Lost:

    “Ðọc Andrew Lam và sưởi ấm với ngôn ngữ yêu thương và lòng trắc ẩn với tha nhân của ông, cả hai hiển hiện ở đây và ở từ nơi chốn nào thật xa xôi. Ông nhắc nhở chúng ta rằng có một lịch sử chung mà chúng ta có thể cười đùa hay than khóc cùng nhau”.

    Andrew Lam còn có hai tác phẩm đáng kể. Năm trước, ông vừa cho ra mắt tác phẩm “East Eats West” gồm 21 bài viết về những cảm nhận của một nhà văn Mỹ gốc Việt, một người đứng giữa hai nền văn hóa, một của Ðông phương truyền thống dân tộc và một của Tây phương mới mẻ của đất nước định cư. Trả lời câu hỏi là tại sao lại đặt nhan đề tác phẩm của mình như một cách “chơi chữ tinh nghịch” như thế thì chính tác giả Andrew Lâm giải thích như sau: “Ðông ăn Tây” rút từ một bài thơ ngày xưa của nhà văn người Anh Rudyard Kipling nói về mối liên hệ giữa đông và tây. Ðông là đông và tây là tây, chẳng bao giờ hiểu nhau. Nhưng bây giờ tôi muốn” chơi chữ” để chứng tỏ rằng đông tây chẳng những hiểu nhau mà còn yêu thương nhau nữa.”

    “East Eats West” là tác phẩm thứ hai của Andrew Lâm. Tác phẩm đầu tay là tuyển tập những bài nhận định nhan đề “The Perfume Dreams” với chủ đề là những nỗi khó khăn của người Việt tị nạn ở thuở ban đầu nhập cư vào xã hội tây phương.






    Sinh trưởng trong một gia đình thuộc hàng danh giá, Andrew Lâm là con trai của trung tướng Lâm Quang Thi, Tư lệnh Tiền Phương Quân Đoàn I thời chiến tranh trước năm 1975. Anh sinh năm 1964 ở Việt Nam và đã học trung học tại Lyceé Yersin ở Ðà Lạt. Năm 1975, anh cùng gia đình di tản sang Mỹ sau ngày 30 tháng tư. Sau đó anh học tại đại học UC Berkeley môn sinh hóa để chuẩn bị thi vào trường y khoa. Nhưng anh đã bỏ dở dự định vào trường thuốc và nhập học chương trình học viết văn và sáng tác văn chương tại San Francisco State University. Trong khi đang theo học anh bắt đầu cộng tác với Pacific News Service và năm 1993 đã đoạt giải Outstanding Young Journalist Award The Society of Professional Journalists.Trong chương trình của PBS với WETA in 200X đã nói về 3 câu chuyện của những người Hoa kỳ trở về thăm đất nước quê hương của mình trong đó có Andrew Lâm với “My Journey Home” viết lên tâm tư của một người về nơi cố thổ của mình.

    Andrew Lâm là chủ biên của trang web New America Media và cũng là ký giả và đã viết nhiều truyện ngắn đặc sắc. Anh còn là người thực hiện chương trình thường xuyên của đài National Public Radio “All Things Considered”.

    Với tác phẩm đầu tay, Andrew Lâm đã được đón nhận khá nồng hậu từ văn chương dòng chính. Nhà văn Maxine Hong Kingston đã nhận xét về Perfume Dreams: “Lâm đã viết với sự trung thực của một ký giả chân chính và với xúc cảm mạnh mẽ của một người kể chuyện về nơi sinh thành của mình”.

    Library Journal Review viết: “Trong những tiểu luận phong phú đầy sức sống được tuyển chọn ấy, Lâm, một bỉnh bút có uy tín và một bình luận gia xuất sắc của National Public Radio, đã viết những nhận định làm nổ tung ra sự thực từ căn cước của những người được gọi là Việt kiều (những người Việt Nam sinh sống ở hải ngoại) định cư ở Hoa Kỳ. Ngày 28 tháng tư năm 1975, cậu bé con 11 tuổi và gia đình rời khỏi Sài Gòn trên một chiếc vận tải cơ C-130 đông nghẹt người đúng hai ngày trước khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ khi quân Cộng sản tiến vào. Ngày ấy Lâm đã hiểu rằng đó là ngày bắt đầu ở Hoa Kỳ hồi sinh một cuộc đời mới. Cha của Lâm, một tướng lãnh của quân lực Nam Việt Nam, sau đó ít lâu, đoàn tụ với gia đình ở California, nơi mà họ bắt đầu làm lại cuộc đời từ đẳng cấp thấp nhất của xã hội và họ đã phải nỗ lực để hoàn thành giấc mộng Mỹ quốc. Nhìn ngắm sâu sắc chính mình và những người cùng trang lứa, Lâm đã tìm kiếm “sự hôn phối giữa hai mảnh sống khác nhau và luôn luôn có những chuyện kể trái ngược”. Anh đã trích dẫn lời phê bình của nhà nghiên cứu văn hóa Edward Said là ông này đã minh chứng rằng một sự vượt quá giới hạn của quốc gia phải là một sự không thể từ chối mang theo quá khứ nhưng lại suốt đời vật vã quanh quẩn làm việc với nó. Lâm, người đã thừa nhận rằng mái ấm gia đình có thể mang theo từ đất nước mình. Khi người đó tìm thấy ở đó những tâm cảm tràn đầy từ những trang nhật ký của thái độ tự tìm kiếm để đến kết luận rằng một căn cước cá nhân sẽ không thể nào sửa chữa được nhưng nó sẽ mở rộng ra đến tận cùng…”.

    Andrew Lâm trong tác phẩm của mình thường có hình ảnh những người thân trong gia đình. Thí dụ như trong “Notes of a Warrior’s Son” hay “My Father’s Army Uniform”… Những chi tiết đời sống có khi là sự thực của đời Lâm. Khi bắt đầu sống ở Hoa Kỳ vào lúc hơn 10 tuổi, Lâm đã chỉ nói tiếng Anh và không nói tiếng Việt. Cứ như thế khoảng 5 năm đầu tiên. Nhưng khi đến tuổi teen, anh lại bắt đầu ngạc nhiên và tìm hiểu về quá khứ của mình. Anh muốn giải thích lịch sử của chính mình qua cuộc sống. Vì thế, tác phẩm của anh bắt nguồn từ chính cuộc sống và nhận thức của anh phản ánh chính sự thực của một người tị nạn và phải cố gắng để hiện diện và có mặt trong một quốc gia đa văn hóa như Hoa Kỳ. Anh không chủ tâm đề cập đến chính trị và cũng không muốn tạo ra sự thương xót của người đọc qua những điều đã viết. Có thể trong đó, là hình ảnh thoáng qua của chiến tranh. Nhưng, phần đông là cuộc sống hiện tại, là những điều đang đến đang xảy ra với nhãn quan của một người nhạy cảm. Lâm muốn sáng tạo ra những khuôn mẫu nhân vật có thể bị thay đổi vì cuộc chiến nhưng không phải là nạn nhân. Anh chủ tâm làm sống lại những ký ức về cuộc chiến đã qua, với tầm nhìn của một người đang sống trong thời đại toàn cầu hóa, khi mà truyền thông đã thành những cây cầu liên lục địa nối liền những khoảng cách địa lý xa xôi.

    Ðọc Perfume Dreams, đọc những trang tiểu luận, có nhiều người Việt Nam đã nhận xét rằng có cảm giác tương tự như đã đọc trong ký ức của họ. Lâm đã lớn lên và trưởng thành giữa hai nền văn hóa đôi khi đối nghịch nhau có lúc bổ xung cho nhau. Tiểu luận của Lâm có thể là những mảnh riêng quan trọng của văn chương bởi vì nó phát xuất từ tình cảm nồng nàn của người Mỹ gốc Việt với hai nguồn gốc văn hóa khác biệt, giữa hiện đại và truyền thống, giữa hai thế hệ trẻ già, và giữa cả chiến tranh và hòa bình. Nếu có người nào khăng khăng không chấp nhận sự hòa đồng hoặc cứ khư khư gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc thì hãy đọc Perfume Dreams để thấy được nỗ lực của những người đi định cư cố gắng hội nhập với xã hội bản xứ nhưng vẫn giữ gìn bản sắc của văn hóa cổ truyền. Perfume Dreams đề cập đến nhiều mặt, nhiều góc cạnh của những kinh nghiệm tị nạn và định cư của người Việt Nam. Những sự kiện đã xảy ra và không thể xảy ra, những bất hạnh và những hạnh phúc, những thành công và những thất bại, những tiêu cực và những tích cực, tất cả đã được nhìn ngắm sâu sắc và bày tỏ rõ ràng cuộc sống của người Việt Nam ở nơi xứ lạ quê người. Xác định bản sắc của người Việt Nam sống trên đất Mỹ không phải là công việc dễ dàng mà là một công việc đòi hỏi suy nghĩ sâu sắc để tìm ra những khía cạnh phức tạp. Andrew Lâm, với tư cách của một người vừa là chứng nhân của thời đại, vừa là một cách thế tự soi mình để phản chiếu được những tiềm ẩn trong cuộc sống đặc biệt của những người đi lập nghiệp từ bàn tay trắng. Duy trì được hai nền văn hóa, hai loại ngôn ngữ, hài hòa được đời sống trong gia đình và ngoài xã hội, phải đòi hỏi một nghệ thuật sống. Và, viết ra được những tâm thức ấy, có thể là một phương cách để nhận định bản sắc rõ nét hơn…

    Tác phẩm thứ hai, “East eats West”, viết về những cảm nhận của một người trẻ đang đứng giữa những ngã đường của hai nền văn hóa đông và tây. Từ những khác biệt để đi đến đồng thuận, từ những thu lượm đến loại bỏ, từ những đặc thù đến những thông thường, tất cả cuộc sống được phơi bày và nhìn ngắm với sự linh động và thái độ trung thực.

    Trong những bài viết của tác phẩm, cuộc sống muôn màu hiện ra với người tị nạn. Andrew Lâm kể chuyện đạo Cao Ðài ở bên nước Mỹ như một biểu trưng của tôn giáo. Nhưng anh cũng nói và viết về phở, một món ăn của người Việt dần dần trở thành một món ăn được quốc tế hóa.Viết về thực phẩm, về chả giò, về nước mắm,… có phải là viết về những biểu tượng văn hóa dân tộc. Văn hóa biểu hiện từ những góc cạnh của nếp sống. Phim ảnh chẳng hạn. Andrew Lâm đã nhận thấy những nét Á Ðông đã xuất huện trên phim ảnh cùa Hollywood. Võ thuật, yoga, tình yêu Ðông Phương, tất cả dần dần trở thành quen thuộc trong đời sống, đa dạng, trộn lẫn vào nhau như thành phẩm của đa văn hóa. Có những phim Kung Fu mà người Mỹ trắng đóng vai chính, cũng như có phim hoạt họa của người Nhật bên cạnh phim của Disney. Những món ăn Việt Nam như phở đã được trở thành thông dụng đến nỗi TV Mỹ đài Food Channel Network dạy mọi người phương cách nấu phở. Cũng như người Tây Phương đã biết ăn nước mắm hoặc để nấu hay pha chế. Người Á Châu phương đông đã đem theo văn hóa đặc thù của họ.

    Từ nhà bếp đến võ đường, từ dục tính đến lòng tự trọng, từ phim ảnh đến âm nhạc, “East Eats West” đã như ánh đèn soi tỏ trên cây cầu nối liền hai đầu địa cầu thành một thế giới của những người di dân. Trong thế giới này, là hỗn hợp của những tinh chất hòa tan và trộn lẫn với nhau từ những phần tử của tư tưởng, của mùi vị, của thể loại để thành hợp chất của tương lai. Nhưng cũng có những khoảng trống giữa hai đầu địa cầu dù chúng ta đang ở trong giai đoạn bắt đầu toàn cầu hóa, giữa đông và tây còn có nhiều khe hở hoặc những chồng chất lên nhau để có một tính chất chung. Nối tiếp mục đích của tác phẩm đầu tay “The Perfume Dreams”, tác phẩm “East Eats West” tiếp tục những khám phá về người Việt lưu vong ở thời điểm không những đông tây thay đổi như thế nào mà còn thay đổi hoán chuyển lẫn nhau nữa. Sống động và gắn bó, tác phẩm này khảo sát để tìm hiểu từ ý nghĩa của biên giới mù mờ về đặc tính của người thiểu số. Một phần từ ký ức, một phần từ suy tư, một phần từ văn hóa của nhân loại học, “East eats West” đã phóng chiếu cái nhìn về tây phương trong khi một chân còn ở đông phương…

    Andrew Lâm sinh sống ở thành phố San Francisco nên trong những bài viết của anh đã biểu lộ nhiều đặc thù của thành phố vịnh nổi tiếng này. Khi còn nhỏ, anh đã ngắm nhìn một cách say mê những ngôi nhà chọc trời lấp lánh ánh nắng và trong một phút hứng thú bất đồng anh đã hứa rằng khi lớn lên sẽ phải đến ở trong những ngôi nhà chọc trời ấy. Một cảm giác lạ lùng của Lâm và anh đã nói rằng dù anh là người thuộc sắc dân thiểu số nhưng cá nhân anh dường như không có cảm giác như vậy. Có thể nói San Francisco là thành phố của sắc dân Á Châu vì hơn 1/3 dân số là người Mỹ gốc Châu Á. Sinh hoạt phản ánh văn hóa riêng. Thực phẩm, tiệm ăn, phim ảnh, giải trí,… của những sắc dân khác nhau tạo thành một tiểu thế giới đủ mọi sắc tộc. Người ta đã nói rằng thành phố này có tới 114 loại ngôn ngữ được nói ở đây. Việt Nam, Trung Hoa, Ấn Ðộ, chen lẫn với nhau nên được gọi là thành phố của những người di dân.

    Viết một tác phẩm như “East Eats West”, Andrew Lâm muốn gửi gấm theo những hàng chữ viết tâm sự của mình khi trả lời phỏng vấn của phóng viên đài VOA:

    “Tôi cũng có những câu hỏi mà không tìm ra được giải đáp nên mới viết sách. Lớn lên ở đây mình nửa đông nửa tây, về nhà thì nói tiếng Việt, trong sở thì nói tiếng Mỹ, nên tôi thấy rằng viết văn nối liền được hai thái cực đó. Cái câu hỏi mình là ai từ nhỏ đến lớn vẫn theo đuổi tôi. Có khi cha mẹ nói rằng “mày cao bồi, mày quá Mỹ”. Nhưng khi chơi với người Mỹ thì họ lại nói “mày exotic quá”. Nhiều khi bị cảm tưởng là người không hiểu được mình. Bởi vậy nhiều khi cảm thấy là không những xã hội Mỹ tạp chủng mà ngay cả cá nhân cũng thấy là mình tạp chủng nữa. Từ đó mà tôi muốn viết về cá nhân mình để tìm tòi xem cái gì của mình là tây, cái gì là đông”.

    Trả lời câu hỏi đại ý theo quan điểm của anh thì tác phẩm này là một sự trộn lẫn hay là một sự hòa nhập giữa phương đông và phương tây, Andrew Lâm nói:

    “Cả hai. Tôi thấy có nhiều người qua Mỹ mà họ không chấp nhận bất cứ một cái gì của Mỹ hết. Cả trong gia đình tôi có những người lớn tuổi không nói tiếng Mỹ, không nghe người Mỹ nói chuyện, cái gì của Mỹ cũng chê hết, còn cái gì của Việt Nam đều khen cả. Ngược lại thì có những người thuộc thế hệ trẻ hơn không chịu nói tiếng Việt, không muốn nói gì đến dĩ vãng và lịch sử của mình hết. Tôi thấy hai thái cực đó đều sai, bởi vì cả hai đều đã in hằn trong thâm tâm, trong tiềm thức, mình phải chấp nhận sự thay đổi và cũng phải nhớ đến nguồn cội của mình. Kết hợp cả hai mới là đúng, theo như tôi nghĩ. Cả đông lẫn tây đều phải sống chung với nhau thì mới là văn hóa thật sự.”

    Nguyễn Mạnh Trinh


    Nguồn:http://vietluan.com.au

          
Trả lời

Quay về “Nguyễn mạnh Trinh”