Ngày chia đôi đất nước và Tâm sự người xa xứ

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Ngày chia đôi đất nước và Tâm sự người xa xứ

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Ngày chia đôi đất nước và Tâm sự người xa xứ






    Hơn nửa thế kỷ trước, những năm giữa thập niên 50, những người miền Bắc di cư vào Nam với nỗi ngậm ngùi. Thơ, văn, nhạc, hình như cũng chuyên chở nhiều tâm sự, của “nhớ về Hà Nội”, của tâm tình hoài niệm vô bờ. Và sau hơn hai mươi năm, thì những người Việt lưu vong xứ người lại bồi hồi nhớ về một đất nước đã xa, một thành phố Sài Gòn đã mất tên và thành kỷ niệm. Những bộ môn nghệ thuật kể trên lại được khắc ghi lại từ những cảm hoài mênh mông, từ những nỗi niềm ấp ủ của những người yêu quê hương đất nước và luôn ngóng về nơi chốn đó với cả những tấm lòng. Bao nhiêu năm qua, những văn thi nhạc sĩ Việt Nam từ những cuộc đổi dời với những tác phẩm đánh dấu những thời kỳ đặc biệt của lịch sử Việt Nam.

    Tháng 7 mỗi năm có ngày 20 là thời điểm nhớ về một giai đoạn lịch sử cũ, mà có người đã gọi là thời kỳ của người di cư. Cũng như sau này, ngày 30 tháng tư năm 1975 đã thành ngày của những người di tản bỏ nước ra đi. Tất cả, cũng là của những người trốn chạy chế độ Cộng sản đi tìm dân chủ tự do.

    Tại sao lại có sự nhớ lại lịch sử trong ngày 20 tháng 7 mỗi năm?

    Ðó là ngày mà các phe liên hệ gồm các phái đoàn Anh, Hoa Kỳ, Nga Xô Viết, Trung Cộng, Pháp, Việt Công, Lào, Campuchia ký hiệp ước Genève chia đôi đất nước Việt Nam ở vĩ tuyến 17. Phái đoàn Việt Nam Quốc gia mà bác sĩ Trần Văn Ðỗ là trưởng phái đoàn không chịu ký để phản đối việc chia cắt đất nước. Sau đó là cuộc di cư vĩ đại của hơn một triệu người miền Bắc di cư vào Nam và đã làm thay đổi cả xã hội miền Nam về nhiều mặt kinh tế, chính trị, giáo dục, và cả văn học nghệ thuật nữa. Và như vậy, chúng ta mới có những tác phẩm văn thơ nhạc “Nhớ về Hà Nội” đánh dấu một thời kỳ đặc biệt của văn học sử Việt Nam

    Nếu có người nói đó là cuộc di cư của chữ nghĩa thì chúng ta sẽ có nhận định ra sao? Ðó là một cách nói. Nhưng, xét trên thực tế, ngày 20 tháng 7 năm 1954 có thể coi như bắt đầu cho hai mươi năm văn học miền Nam, một giai đoạn văn học đáng kể từ tính chất khai phóng cũng như có những thành tựu mà chính những người đối nghịch chính kiến cũng không thể phủ nhận. Nền văn học ấy đã có những cuộc lên đường của những tác giả lừng lẫy, đã có những công trình sáng tạo nghệ thuật biểu trưng được tâm tình của một thời đại đầy biến chuyển của một đất nước chiến tranh.

    Hình như lịch sử Việt Nam đầy những chuyến đi bất đắc dĩ và những thành phố là nơi đã chứng kiến những cuộc chia ly. Rất nhiều người đồng ý với nhận định ấy.

    Những thành phố của chia ly. Sài Gòn, sau năm 1975. Hà Nội, sau năm 1954. Những thành phố của hoài niệm trong thời gian ấy. Năm 1954, hàng triệu người rời bỏ miền Bắc xuôi nam tìm tự do, cuộc di cư vĩ đại của những người ghê sợ Cộng sản. Năm 1975, Cộng sản chiếm toàn bộ đất nước. Hàng trăm ngàn người di tản ra ngoại quốc sau đó đến từng đợt vượt biển của hàng triệu người. Không gian, thời gian, của những biến cố kể trên, đã thành môi trường và động lực thúc đẩy văn nghệ sĩ để tạo thành những tác phẩm văn chương hay âm nhạc phản ánh tâm tình thời đại.

    Trong văn chương và âm nhạc Việt Nam, chắc có nhiều tác phẩm về đề tài này? Dĩ nhiên là rất nhiều. Những bài viết của nhà văn Mai Thảo trong “Ðêm Giã Từ Hà Nội”, Thanh Tâm Tuyền trong “Ung Thư”, Dương Nghiễm Mâu trong “Quyên, Dĩ vãng và Hà Nội”, Hồ Hữu Tường trong “Phố Sinh Từ”, Vũ Bằng trong “Thương Nhớ Mười Hai” và “Miếng Ngon Hà Nội”,… Những bài thơ của Vũ Hoàng Chương, Ðinh Hùng,Thanh Nam, Hoàng Anh Tuấn, Nhất Tuấn, Hà Huyền Chi,… mở ra một thế giới Hà Nội của hoài vọng, của nỗi niềm. Rồi những bài thơ phổ nhạc mà thơ nhạc đã phối hợp và bổ túc cho nhau thành những tuyệt tác và có tuổi thọ văn chương nghệ thuật miện viễn…

    Có những bản nhạc đã có đời sống trường cửu vượt qua được thời gian với những đề tài hoài niệm về những thành phố vĩnh viễn cách xa. Ðó là một đặc tính của âm nhạc Việt Nam. Một dòng nhạc hoài niệm kéo dài suốt nửa thế kỷ đã cho chúng ta những bản nhạc để đời. Những bản nhạc mà tuổi thọ của nó dài hơn tuổi thọ của chính tác giả sáng tạo ra nó. Nhạc sĩ có khi khuất bóng từ lâu, nhưng nhạc phẩm vẫn còn sống, còn được hát và còn được thính giả nghe và hâm mộ. Qua một thời gian, qua sự đãi lọc, bản nhạc có thể tồn tại được phải có sức lôi cuốn từ ngôn từ và điệu nhạc. Và nhất là, phù hợp với tâm tư của từng thời kỳ, của hoàn cảnh mỗi người khi nghe âm điệu nhắc lại những phần đời sống đã qua.

    Thời gian mới di cư vào Nam, tôi còn nhỏ lắm và đang học tiểu học.

    Năm 1954, gia đình tôi di cư vào Nam. Ðang học ở một trường tiểu học mà một số học sinh là người Bắc, lạ người lạ cảnh, tâm tư như tờ giấy trắng, nhưng tôi vẫn nhớ như in bài hát mà tôi đã gân cổ hát trong giờ sinh hoạt học đường. Lúc ấy, hào hứng tin tưởng xiết bao. Bản nhạc “Về miền Nam” của Trọng Khương nhắc lại tôi ngày thơ ấu:

    • “Ðứng vùng lên nào bao thanh niên yêu nước

      Hướng về đây miền Nam thân yêu nắng sáng

      Theo vết chân người xưa ta tiến lên đường đi

      Bao nắng mưa sương gió nào ngại chi.

      Sông nào cắt đứt đôi nơi

      Sông nào xé nát tim tôi

      Sông nào bóp chết thương yêu Việt Nam ơi!…”


    Bản nhạc mà tuổi thơ tôi đã hát say sưa như vậy đã tạo nhiều cảm xúc cho tôi. Bài hát ấy, với tôi, tự nhiên nhắc và nhớ đến những khuôn mặt ấu thơ. Những cô giáo, thầy giáo khai tâm tuổi nhỏ. Cùng với ngôn từ và điệu nhạc, là bước chân trở về. Ðó, lãnh địa thiêng liêng của đời người, mà dần dần thời gian đi qua, in sâu trên tiềm thức. Ðất nước mới, mở ra những lạc quan, như tuổi xanh ngây thơ nhưng thật nhiều ước vọng… Bài hát như một dây chuyền để bắt đầu cho một chuỗi liên tưởng. Vô tình, bài hát như một contact để mở một mạch điện cho khúc phim đời sống riêng tôi…

    Dòng nhạc hoài niệm ấy chắc còn rất nhiều bản nhạc làm cho tôi cảm khái như bản “Về Miền Nam”. Nhưng những bài hát khác, thường là những nỗi buồn, ngâm ngùi hướng vọng về chốn quê xa. Hàng trăm ca khúc có chung giòng nhạc. Không phải chỉ với bài hát ấy, mà còn nhiều bài hát khác, nhiều phim truyện khác, nhắc nhớ lại thời kỳ đặc biệt của đất nước. Một cách khái quát, theo bài thuyết trình “Love and Longing at the Border: Songs On Both Sides of the 17th Parallel” của Jason Gibbs trong seminar của Popular Culture Association tại thành phố San Antonio, tiểu bang Texas thì có tới 18 ca khúc của những người di cư nhớ về quê hương cũ đã xa. Như: “Bắc Một Nhịp Cầu” của Hoàng Trọng, lời Hồ Ðình Phương, “Biệt Hải Phòng” của Phó Quốc Thăng, “Chờ Anh Em Nhé” của Xuân Tiên, lời Nhật Bằng, “Chuyến Ðò Vĩ Tuyến” của Lam Phương, “Giấc Mơ Hồi Hương” của Vũ Thành, “Hận Ly Hương” của Anh Hoa và Ngọc Lang, “Hướng về Ðất Bắc” của Phó Quốc Thăng, “Hướng Về Hà Nội” của Hoàng Dương, “Lá Thư Gửi Mẹ” của Nguyễn Hiền, lời Thái Thảo, “Mộng Ngày Hồi Hương” của Hoàng Trọng, Hồ Ðình Phương, “Sầu Ly Hương” của Lam Phương, “Thu Ly Hương” của Nhật Bằng và Ðan Thọ, “Tình Cố Ðô” của Lam Phương lời Mạnh Thương, “Về Bến Xưa “của Nguyễn Hiền, lời Thiện Huấn, “Vọng Cố Ðô” của Ðan Thọ Nhật Bằng, “Xa Quê Hương” của Ðan Thọ, Xuân Tiên, “Xuân Ly Hương” của Phó Quốc Lân.. Nhưng danh sách ấy chưa đầy đủ lắm, còn thiếu một cách đáng kể: “Mưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội” của Phạm Ðình Chương, thơ Hoàng Anh Tuấn, “Thương về 5 Cửa Ô Xưa”, thơ Tạ Tỵ, nhạc Y Vân, “Mùa Hoa Nở” của Cung Tiến…

    Hình ảnh của thành phố Hà Nội chắc in sâu trong trí nhớ của tôi qua những bản nhạc mà tôi đã nghe trong một khoảng thời gian dài. Trong những bài hát ấy, Hà Nội như một hình tượng của nhung nhớ. Thành phố ấy, phải rời bỏ đi xa với nỗi đau đớn tận cùng. Hà Nội ơi! Có phải là tiếng kêu thảng thốt của trái tim vỡ vụn. Không phải với tôi mà chung của rất nhiều người, Hà Nội thành thánh địa của hồi tưởng. Lúc học trung học, hai thành phố gợi cho tôi nhiều ấn tượng và mê đắm nhất là Paris và Hà Nội. Lúc đó, tôi chỉ mong có ngày đặt chân đến. Paris của cậu bé Vincent trong sách “Cours De Langue et De Civilisation “của giáo sư Mauger mở ra biết bao nhiêu ảnh tượng kỳ thú. Còn Hà Nội, là “Ðêm Giã Từ Hà Nội” của Mai Thảo, là “Ung Thư” của Thanh Tâm Tuyền, hay nhạc “Hướng Về Hà Nội” của Hoàng Dương.

    Có người hỏi tôi khi di cư vào Nam là lúc còn rất nhỏ. Thế mà, tại sao tôi lại nhung nhớ bồi hồi một cách tận cùng như vậy khi nghe lại những bản nhạc ấy.

    Bởi vì từ nhạc, tôi cảm thấy nhiều điều. Không gian xa cách ngàn trùng. Thời gian chia ly vời vợi. Ðời sống bỗng lênh đênh chia hai giữa buồn nhớ và hy vọng. Sẽ có một ngày trở về, có phải? Nhưng cuộc sống như giòng nước trôi đi lạnh lùng. Xa xứ và ly hương, như dòng sông Bến Hải chia đôi đất nước.

    Nhiều bản nhạc cũng gây ra rung động cho tôi như thế? Bởi vì, đó là tâm tưởng chung của một thế hệ phải chịu những biến chuyển nghiệt ngã của thời thế. Như lời ca từ của “Chuyến đò vĩ tuyến” của Lam Phương: “Ðêm nay trăng sáng quá anh ơi, sao ta lìa cách bởi dòng sông bạc hai màu…”. Hay trong “Bắc một nhịp cầu” của Hoàng Trọng, lời Hồ Ðình Phương: “Lạnh lùng phương Nam mơ bóng cây xanh ven hồ. Ngậm ngùi phương Bắc trông lúa xa xăm mong chờ. Vì một dòng sông xóa mờ. Tình đời lìa đôi bến bờ…”. Hoặc ở trong “Vọng Cố Ðô” của Ðan Thọ và Nhật Bằng: “Hà Nội ơi! Xa cách muôn trùng dương. Những lúc sương chiều xuống. Tìm đâu bóng Hồ Gươm lòng bao mến thương…”. Và với “Mùa Hoa Nở” của Cung Tiến: “Chiều mưa thương nhớ đến bao giờ. Ðường về nẻo Bắc xa mờ, mơ hồ. Ðàn chim gieo thương nhớ. Câu tiếng nước nhà…”…

    Những bản nhạc ấy, trôi theo dòng sông âm nhạc và liên tiếp nhau để thành một thời đại hoài niệm, mà tiếng kêu tha thiết vẳng lên từ nơi chốn đã vời xa: Hà Nội. Tiếng hát, lời ca, không còn đơn thuần là ca khúc mà đi xa hơn, để thành chia sẻ, kỷ niệm của một phần của đời người. Bao nhiêu năm, với bao nhiêu ban nhạc thính phòng hoặc đại chúng, được trình diễn từ những ca sĩ tuyệt vời, những bản nhạc ấy vẫn sống, từ thời hòa bình tạm thời đến cuộc chiến khốc liệt. Mấy chục năm, vẫn không phai cảm xúc trong lòng khán thính giả…

    Dòng nhạc hoài niệm hình như tới bây giờ vẫn còn hiện hữu trong nền âm nhạc Việt Nam? Vâng, đó là một trớ trêu của lịch sử đất nước. Năm 1975, cơn hồng thủy lại đến với dân tộc Việt Nam. Ðất nước thống nhất, hòa bình nhưng trại tù mở ra khắp nước. Kinh tế lụn bại, chính tình hà khắc, dân chúng đói khổ. Rồi đánh tư sản, rồi vơ vét tiền của người dân khiến hàng triệu người bỏ xứ ra đi tìm đất sống.Những chuyện phim như Chúng Tôi Muốn Sống, Ðất Lành,.. bỗng thành hiện thực. Và, giòng nhạc hoài niệm lại tiếp nối. Tâm tư, nỗi niềm của thế hệ, của thời đại lại phản ánh rõ nét. Ở hải ngoại, ngóng về quê hương, về Sài Gòn với tấm lòng tan nát. Nốt nhạc lời ca thành tiếng vọng gửi về qua khoảng cách của hai bờ đại dương.

    Hình ảnh của Hà Nôi đậm nét trong văn thơ nhạc của những người di cư vào miền Nam lập đời sống, sự nghiệp mới. Thành phố ấy biểu trưng cho quê hương đã xa, cho thời gian đã qua nhưng đôi khi muốn trở mình hồi sinh sống lại. Những con đường, những hẻm phố, của 36 phố phường ngày xưa, của ăn Bắc mặc Kinh, của một thời văn hóa dân tộc là tinh chất của những năm dựng nước và giữ nước. Nói về Hà Nội, quả là một câu chuyện miên man mà thời gian một hai tiếng đồng hồ chẳng đủ cho những người khao khát nắng gió quê nhà luôn hướng vọng về một thành phố đã xa. Hình như có những bản nhạc có xuất xứ từ ngôn ngữ thơ viết về Hà Nội và trở thành một vài bài hát tiêu biểu.

    Một bài thơ được phổ nhạc của một thi sĩ cho rằng thơ và nhạc có những đặc tính khác nhau nên ở những bài thơ được phổ nhạc tinh chất thi ca bị giảm sút đi và không còn là thơ tinh tuyền nữa.Thế mà, ông có một bài thơ được nhạc sĩ Y Vân phổ nhạc và là một bản nhạc coi như tiêu biệu cho dòng thơ nhạc hoài niệm về Hà Nội. Ðó là thi sĩ Tạ Tỵ và bài thơ được phổ nhạc “Thương Về 5 Năm Cửa Ô Xưa”.

    Bài thơ như một kỷ niệm đẹp của một thời thế đã xa, của một quê hương đã khuất. Chuyển thể thành nhạc lại thành những giai điệu tha thiết của nhớ thương nhắc lại những nơi chốn đã qua làm rung động tâm tình người xa xứ. Thuở ấy, những nhung nhớ của tâm hồn hoài niệm cứ mãi khắc khoải tâm tư, thì bây giờ nơi xứ lạ vẫn ngóng về Biển Đông để tìm ra một tấc lòng rưng rưng theo nhịp tim sóng vỗ. Bài thơ Tạ Tỵ như những âm vang đồng vọng của những người khi nghĩ đến quê nhà lại xót xa thắt ruột.

    Bài thơ “Thương về 5 cửa ô xưa” có những câu như:

    • “Tôi đứng bên này vỹ tuyến

      Thương về 5 cửa ô xưa

      Quan Trưởng đêm tàn dẫn lối

      Ðê cao hun hút chợ Dừa

      Cầu Rền mưa dầm lầy lội

      Gió về đã buốt lòng chưa?

      Yên Phụ đôi bờ sóng vỗ

      Nhị Hà lấp lánh sao thưa

      Cầu Giấy đường hoa phượng vỹ

      Nhớ thương biết mấy cho vừa…”

    Bài thơ này do Y Vân phổ nhạc mà nghe từ giọng hát Lệ Thu thì không có giây phút nào tuyệt vời hơn.

    Có một bài hát mà một thời được hát với tất cả tâm tình của người đang trong hoàn cảnh của ngày tháng Hà Nội sắp mất và chọn sự ở lại với những khúc mắc trong lòng. Ðó là bản nhạc Huớng Về Hà Nội của nhạc sĩ Hoàng Dương. Ðọc một đoạn viết của nhà văn Nguyễn Ðình Toàn để có thể hiểu được tâm sự của người nhạc sĩ:

    “Thế nhưng hoàn cảnh lịch sử cũng đóng một vai trò quan trọng đối với bài hát của Hoàng Dương. Ðó là những ngày tháng Hà Nội sắp mất.Người ta đang sửa soạn ký với nhau một hiệp định chia đôi Việt Nam ở một nơi nào đó gọi là Genève. Hà Nội trong những ngày tháng ấy giống như một cơ thể mắc chứng hoại huyết. Xanh xao. Vàng vọt. Người ta bỏ đi. Người ta chạy trốn. Người “bên ngoài” (hậu phương) đã về trộn với người bên trong (Hà Nội). Người ta hân hoan, người ta sợ hãi. Úp úp. Mở mở. Hà Nội bị xé đôi bằng nỗi vui mừng và kinh hoàng thâm nhập cùng một lúc vào lòng người Hà Nội trước khi nó thuộc về cái phần đất nước bị cắt đôi. Hà Nội đẹp. Hà Nội buồn. Hà Nội lãng mạn hay thực tế cũng sẽ mất như như những đám sương mù tháng bảy đang xóa bỏ nó. Người ta phải nói lời giã từ Hà Nội. Gọi hồn Hà Nội. Hoàng Dương đã chọn ở lại Hà Nội. Bài hát của ông có cái xa và cái gần Hà Nội. Có cái ngọt ngào của một bản tình ca, cái não nùng của một cuộc chia lìa. Cho người ở lại dấu nó trong lòng. Cho người ra đi hát như một lời gọi vói…”

    Bản nhạc Hướng Về Hà Nội có những lời thiết tha như:

    • ”Hà Nội ơi! Hướng về thành phố xa xôi.

      Ánh đèn giăng mắc muôn nơi

      Áo màu tung gió chơi vơi

      Hà Nội ơi! Phố phường giãi ánh trăng mơ

      Liễu mềm nhủ gió ngây thơ

      Thấu chăng lòng khách bơ vơ

      Hà Nội ơi! Những ngày vui đã ra đi

      Biết người còn nhớ nhung chi

      Hết rồi giây phút phân ly

      Hà Nội ơi! Dáng huyền tha thướt đê mê

      Tóc thề thả gió lê thê

      Biết đâu ngày ấy anh về…”


    Huớng Về Hà Nội là lời của người chọn sự ở lại. Thế còn những người ra đi thì sao? Có mơ mộng gì đến ngày trở về không?

    Bài Giấc Mơ Hồi Hương của nhạc sĩ Vũ Thành là tiếng lòng thổn thức của tâm tư ấy. Theo một bài viết của tác giả Quỳnh Giao thì lời ca của Giấc Mơ Hồi Hương phát xuất từ một bài thơ mà nhạc sĩ Vũ Thành không nhớ tên tác giả.

    • “Ðau đớn nhìn Hà Nội

      khuất dần sau sương rơi

      sông Nhị Hà sôi nổi

      cầu Long Biên xa rồi

      mắt nhìn hình ảnh cuối

      lòng thương nhớ khôn nguôi

      nghen ngào tâm sự cũ

      thôi rồi Hà Nội ơi!”

    Vậy ca từ của Giấc Mơ Hồi Hương có tương tự gì với lời thơ ở trên không? Nếu nói rằng có ảnh hưởng để cảm hứng thì có nhưng tương tự thì không.

    • “Lìa xa thành đô yêu dấu

      một sớm khi heo may về

      lòng khách tha hương vương sầu thương

      nhìn em mờ trong sương khói

      bước đi nhưng chưa nỡ rời

      lệ sầu tràn mi, đượm men cay đắng biệt ly

      rồi đây dù lạc ngàn nơi

      ta hướng về phía xa vời tìm mộng xưa lãng quên tháng ngày tàn phai…”

    Nhạc sĩ Thanh Trang có một nhận xét khá dí dỏm nhưng chính xác:

    “Cùng thời niên thiếu tôi rất yêu thích những bài hát của cố nhạc sĩ Vũ Thành như “Nhặt cánh sao rơi”, “Nhớ bạn”. Tôi để ý thấy trong những bài hát của mình, ông Vũ Thành chả bao giờ dùng chữ “em” khi nói đến hình ảnh một người con gái. Chữ “em” hiếm hoi mà ông xử dụng thì lại để chỉ… Hà Nội trong bài “Giấc Mơ Hồi Hương”.”

    Tác giả Quỳnh Giao cũng viết: “Vũ Thành quả là người khiêm tốn, vì với Quỳnh Giao lời ca của “Giấc Mơ Hồi Hương” sâu xa và mới hơn ý của bài thơ nguyên thủy.Thời đó gọi thành phố Hà Nội là “em” mà không là mới sao? Và lãng mạn quá đi chứ!”.

    Có một bản nhạc mà một nhà phê bình âm nhạc gọi là cây cầu bắc giữa hai thành phố, hai chốn, hai nơi, hai phận đời và hai kiếp người.

    Phạm Ðình Chương phổ nhạc thơ Hoàng Anh Tuấn: “Mưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội”, một bài hát mà mỗi khi người di cư nghe lại quặn đau. Hình như, thơ Hoàng Anh Tuấn và nhạc Phạm Ðình Chương đã quyện vào nhau để trở thành những cảm giác của những người cùng tâm sự chia sẻ với nhau chung một nỗi niềm…

    Trong thơ Hoàng Anh Tuấn có nhiều thành phố: Paris, Sài Gòn, Ðà Lạt, San José… Nhưng, tập thơ cuối đời và độc nhất của ông lại là “Yêu em, Hà Nội”. Ðó có phải là một sự kiện đặc biệt? Thực sự cũng dễ hiểu.

    Trong thi ca Hoàng Anh Tuấn, muôn đời miên viễn trong tâm tưởng vẫn là Hà Nội. Chẳng phải riêng trong vô thức, là hình bóng người tình muôn thuở. Mà cũng chẳng phải là tình cảm đầu đời với một nơi chốn từ đó đã sinh ra và lớn lên. Thơ ông với Hà Nội, là nỗi bí nhiệm của tổng hợp những nỗi niềm của người từ nơi chia xa nhớ về. Nó không đơn thuần là tình yêu đầu đời và cũng không đơn thuần là hoài niệm về tuổi thơ. Mà, là tất cả, từ ấn tượng không phai nhạt. Từ tâm tư của trái tim cảm lụy. Của những “ngôn ngữ trời cho” của một bất thần vụt đến của thơ.

    Chúng ta có thể dẫn chứng một vài bài của “Yêu em, Hà Nội”.

    Những bài thơ Hà Nội, có nỗi thiết tha, có ngữ ngôn bình dị và tự nhiên không một chút làm dáng nào. Thơ như thể một cánh buồm phăng phăng vẫy vùng trong cái cao rộng của đất trời, của những phương trời tuy mịt mù khói sóng nhưng gần cận thân quen. Thơ phá vỡ đi cái biên giới hữu hạn của không gian, thời gian. Hà Nội dệt bằng những bài thơ, mềm như nắng và nhẹ như mây trời. Trong thơ Hoàng Anh Tuấn.

    Hà Nội, kỷ niệm:

    • “…xin trở lại thuở ngày xưa tinh nghịch

      cầm tay nhau ngày đó để xa nhau

      để ước ao khi thương nhớ nghẹn ngào

      được cầm lại bàn tay rm công chúa

      khung cửa sổ mở ra trời yêu cũ

      chẳng khuất vào sợ khuất dáng em xưa

      một nỗi buồn thoáng Hà Nội mùa thu

      vẽ từng nét tình yêu em hương cốm.”


    Với bài thơ mà nhạc sĩ Phạm Ðình Chương đã phổ thành ca khúc thì là một bài thơ, được tháp cánh bằng nhạc, khi được đọc hoặc hát lên, tạo thành một xúc cảm mãnh liệt. Bài thơ “Mưa Sài Gòn, mưa Hà Nội” được phổ nhạc bởi nhạc sĩ Phạm Ðình Chương, mà có người đã cho là tình khúc hoài niệm hay nhất trong những bản nhạc buồn. Những câu thơ cứ ngân vang, rưng rưng trong lòng người xa xứ. Những cơn mưa, mưa ngoài trời và mưa trong hồn:

    • “Mưa hoàng hôn

      trên thành phố buồn gió heo may vào hồn

      thoảng hương tóc em ngày qua

      ôi người em Hồ Gươm về

      nương chiều tà

      liễu sầu úa thềm cũ nằm mơ hiền hòa

      thương màu áo ngà

      thương mắt kiêu sa

      hiền ngoan thiết tha…”..


    Hai phương trời. Hai tâm tư. Quê hương Hà Nội đã xa từ quá khứ. Tự nhiên những hạt mưa buốt lạnh. Mưa của hoàng hôn, của những nỗi buồn cuối ngày của thi sĩ và nhạc sĩ…

    Nguyễn Mạnh Trinh.


    Nguồn:http://vietluan.com.au


              
Trả lời

Quay về “Nguyễn mạnh Trinh”