Từ “Ánh sáng và Bóng Tối” đến “Where the Ashes Are”

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20038
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Từ “Ánh sáng và Bóng Tối” đến “Where the Ashes Are”

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    Từ
    “Ánh sáng và Bóng Tối”

    đến
    “Where the Ashes Are”.

    ____________________________________
    Nguyễn mạnh Trinh - 05/2018






    • Từ một hồi ký về lao tù Công sản của người cha Hoàng Liên “Ánh Sáng và Bóng Tối”
      đến một tác phẩm của người con “Where the Ashes Are”,

    một thời thế lịch sử của dân tộc Việt Nam đã được phác họa đầy nét nhân bản và nêu rõ được tâm tình của một thời đại đầy dông bão.

              

              
    Với người cha, tác giả Hoàng Liên, hồi ký là một thể loại văn chương thích hợp để ghi chép lại những cảnh đời khác thường nhất là kể lại những năm tháng đoạn trường tù ngục. Cũng như các tác giả khác cũng viết về một đề tài đã tạo được những thiên hồi ký lao tù có giá trị như
    • Đại Học Máu của Hà Thúc Sinh,
      hay Đáy Địa Ngục của Tạ Tỵ,
    những tác phẩm ấy như những chứng liệu để lớp hậu sinh hiểu được những bi thảm của lịch sử dân tộc.

    Tác giả Hoàng Liên là một tù nhân Cộng Sản đến 12 năm rưỡi, một thời gian dài để ông hiểu được đến tận gốc rể một chế độ độc tài sắt máu. Ông bị giam giữ nhiều nơi nhiều chỗ,
    • từ mật khu ở vùng rừng núi Thừa Thiên
      đến Bắc Việt như những trại Thanh Liệt, Hà Đông, Thái Nguyên, Hoàng Liên Sơn, Hà Tây, Nam Hà, Vĩnh Phú, Thanh Hóa
    Phần đông thời gian đằng đẵng kể trên là bị cùm trong các chỗ biệt giam vây kín chung quanh bởi những bức tường thẳm đen ghê rợn.

    Như ông diễn tả:
    • “Nghĩ đến màu sắc, hương vị và âm thanh của cuộc sống ngoài xã hội, tôi chợt nhớ đến một người bạn mù và cảm thông sâu sắc với anh. Trong đêm dài dằng dặc của cuộc đời, anh đã nhiều lần tỏ ý khao khát những màu sắc, hình dáng mà anh đã nhìn thấy trước khi đôi mắt bị một tai nạn làm cho hoàn toàn bị hư hỏng. Nhưng có lẽ tôi còn chịu nhiều thiệt thòi hơn anh. Từ mấy năm nay, sống cô đơn trong ngục thất âm u, tôi như bị mù và câm. Mù vì không mục kích cuộc sống bên ngoài, câm vì không nói với ai. Có những đêm khuya thao thức, tôi tự nói thầm với chính mình: tôi lo sợ rằng, vì từ lâu không được sử dụng khả năng ngôn ngữ của tôi có thể bị thui chột đi. Chỉ từ khi bắt đầu làm thơ và ngâm nga những bài thơ cũ, tôi mới yên tâm về mặt này…”


    Và như thế, chúng ta hiểu được rằng chính văn chương đã tạo thành một cứu cánh cho đời sống của tác giả Hoàng Liên. Những nhận xét, những suy tư, cấu thành trong Ánh Sáng và Bóng Tối chính là những điều kiện để sống còn, để con người vượt qua được cái thinh lặng ghê khiếp và cô đơn đến tuyệt vọng. Trong những điều diễn tả, dữ kiện đời sống từ con người, sự vật, từ cỏ cây, hoa lá không phải chỉ đơn thuần là những dữ kiện, mà hình như, mỗi mỗi đều có chứa chất linh hồn riêng. Và tất cả cùng đồng vọng trong tâm hồn tác giả. Trong 3 trang sách, tác giả mô tả tỉ mỉ đời sống của một đàn kiến (trang 276-279). Đối với người bình thường ở ngoài đời, thì công việc nhìn ngắm, quan sát như thế quả là trẻ con vụn vặt. Nhưng, ở vị trí một người suốt ngày chỉ nhìn thấy bốn mặt tường và đời sống phẳng lỳ đen thẳm kéo dài suốt từ tháng này qua năm nọ, chúng ta mới thấy được tấm lòng yêu đời sống của tác giả Hoàng Liên như thế nào…

    Rồi một đoạn văn khác ở trang 264-266 thuật lại những giây phút say mê theo tiếng nhạc vĩ cầm từ bên trại tù gần cạnh của tác giả. Ở đó, chúng ta lại thấy được tấm lòng say mê với nghệ thuật với âm nhạc của một người tù cấm cố, nằm co trong một góc tối để mơ tới những chân trời tươi thắm êm đềm. Có lẽ, với những lãng mạn ấy, người tù mới có thể sống còn trước đời sống nghiệt ngã cô đơn mà tổ chức cai ngục tạo ra để khủng bố và đè bẹp ý chí đối kháng của người tù. Nằm ép rệp trong xà lim, đời sống bên ngoài chỉ là mơ hồ, thật là xa cách và con người chỉ đành bám lấy đời sống bằng những liên hệ thật nhỏ nhoi, rất mong manh nhưng là cái phao bám để người tù thấy mình còn hiện hữu trong cuộc sống.

    Đoạn văn tả người tù trong phòng tối ngắm nhìn tàu lá đu đủ như một cách để liên lạc với đời sống bên ngoài và bước khỏi cái không gian chật hẹp bực bội của phòng giam. Chiếc lá như một biểu hiện của đời sống và được nâng niu bởi tấm lòng rất người, rất nhân bản. Những người đã từng bị tù biệt giam chắc hẳn thông cảm với người tù Hoàng Liên lúc ấy. Đời sống bên ngoài quý báu biết bao, từ tiếng nói tiếng cười vọng lại, từ hoa lá, từ giọt nắng rưng rưng bên ngoài, từ tiếng chim sẻ ríu rít. Chiếc lá đu đủ, ở trường hợp khác chỉ là chiếc lá vô nghĩa nhưng ở đây với người biệt giam nó lại chứa đựng những cõi sống nào ẩn khuất ở đó,tuy gần cận bên mình mà sao nghe xa xôi vạn lý…

    Cuốn hồi ký Ánh Sáng và Bóng Tối khá dầy, với
    • 565 trang dàn trải trong một bố cục
      gồm 8 chương sách
      vẽ lại thời gian 12 năm rưỡi tù ngục
    của tác giả Hoàng Liên. Khởi đầu từ lúc bị bắt ở Tòa Đại Biểu Chính Phủ ở Huế rồi bị mang vào giam ở trong rừng núi của mật khu Thừa Thiên. Sau đó bị áp giải về Bắc qua con đường mòn Hồ Chí Minh với những cuộc tập kích tàn bạo của Không quân Hoa Kỳ. Ra Bắc từ ngày đầu tiên trong trại giam Thanh Liệt, Hà Đông đến những xà lim biệt giam của trại Phú Sơn, Thái Nguyên, Phú Thủy, Hoàng Liên Sơn, Hà Tây, Nam Hà, Vĩnh Phú, Thanh Hóa.

    Ở đâu thì cũng giống nhau, đói khát cơ cực và luôn luôn lúc nào cũng bị đe dọa bởi bóng dáng những người cai ngục. Sống trong xà lim một mình thì khổ sở vì cô đơn thèm khát ngày tháng bên ngoài nhưng khi được giam chung thì lại bị những khổ sở khác lao động vất vả, ăng ten báo cáo và cai tù dằn vặt xỉ vả đánh đập.

    Từ những ngày tháng tù đầy ấy, biết bao nhiêu là câu chuyện ly kỳ còn hơn trong tưởng tượng của tiểu thuyết và khó có thể xảy ra ngoài đời.
    • Như chuyện tình giữa một người tù hủi với một tù nhân nữ xinh đẹp (Sinh Hủi và Tuyết).
    • Hay trong trại giam mà có cả trẻ em bởi vì người mẹ bị tù giam phải mang con vào tù vì ở ngoài không còn thân nhân để chăm sóc.
    • Hoặc chuyện được tha mà không được thả hoặc được thả mà bị giữ lại không lý do.
    Những sự kiện ấy như bình thản kể lại rất chân thực không một chút cường điệu. Với giọng ôn tồn khách quan không phấn khích đã gây cho người đọc những chia sẻ thấm thía. Từ sự thực đã có nét lôi cuốn tự nhiên. Nhất là tác giả chỉ là người kể chuyện, không phẩm bình nhưng chính thái độ ấy lại có tính cách thuyết phục nhiều hơn. Độc giả nhiều khi đã có những suy tư ý nghĩ liên tưởng từ những hàng chữ viết.

    Hồi ký Ánh Sáng và Bóng Tối không chủ ý phê phán nhưng một cách gián tiếp từ mô tả sự thực đã làm rõ nét hơn tính phi nhân bản của xã hội miền Bắc. Từ phác họa con người qua ngôn ngữ, nếp sống, thói quen, đến nêu rõ bộ mặt thực của con người qua cung cách ứng xử với nhau để mường tượng đến đời sống nghèo nàn tăm tối và bị cùm kẹp nặng nề. Sinh hoạt của con người trở thành sinh hoạt của những bộ máy lạnh lùng và mọi cảm tính đều bị giấu kín và triệt tiêu. Tiếp xúc với người chung quanh hay nhìn ngắm cảnh vật, tác giả đã lồng tâm tư riêng của mình vào trong cách diễn tả nên văn chương của ông có cá tính và linh hồn riêng biệt. Cái lá, đàn kiến hay cảnh dọc đường mòn Trường Sơn hay cảnh tượng nhìn từ cửa sổ xà lim, mỗi mỗi sự kiện đều được quan sát nhìn ngắm kỹ lưỡng và dẫn dắt đến những suy tưởng sâu xa hơn, sinh động hơn. Mượn cảnh để nói về người, với một tâm hồn, làm sinh động những vật vô tri vô giác để thành biểu hiện tâm tư nồng nàn cảm giác.

    Trong hơn năm trăm trang sách, có nhiều đoạn tả cảnh rất đẹp bằng lời văn trong sáng và ngôn ngữ gợi hình.
    • Như đoạn tả cảnh buổi trưa trong tù nhìn ra sân (trang 203),
      cảnh ở trên đường di chuyển từ trại tù này sang trại tù khác (trang 343-345)
      như cảnh đường phố Hà Nội (trang 373)
      cảnh tượng tù Ba Sao (trang 391)…
    Đặc biệt, khi tả cảnh tác giả thường hay đối chiếu giữa cùng một cảnh nhưng một của quá khứ một của hiện tại. Như so sánh giữa ánh sáng và bóng tối, để làm nổi bật cái tâm cảm buồn rầu nhưng vẫn phải cố gắng phấn đấu để có thể sống còn. Cảnh vật trong một thoáng chạnh lòng chỉ là một cái cớ để nhớ lại và hồi tưởng. Sự đối chiếu như thế làm tăng thêm nỗi bùi ngùi và thành một màu đen xám bàng bạc bao phủ ngày tháng. Người tả cảnh như để gửi gấm theo tâm sự của mình.

    Nhất là khi tả những ngày tháng trong xà lim với nỗi cô đơn, một mình ngao ngán với bốn bức tường, như nằm trong tịch cốc để tham thiền con người hay lan man suy luận và có khuynh hướng đi gần đến triết luận. Do đó trong một khía cạnh phân tích nào đó chúng ta bắt gặp những nét triết lý tiềm ẩn trong phong cách diễn tả.

    Nhưng triết lý ở đây chẳng phải là những luận thuyết xa vời. Nó không đóng khung trong sách vở mà mở rộng ra từ đời sống và đó là nét sinh động riêng của tác giả Hoàng Liên. Triết lý, nghĩ cho cùng ở ngày tháng lao tù là phương cách sống còn để vượt qua những nghiệt ngã của cuộc sống.

    Thêm một bước nữa, triết lý thăng hoa thành những câu thơ đọc lẩm nhẩm trong óc hay những ý nghĩ về những áng văn chương như truyện ngắn, truyện đời sống lạnh lẽo thăm thẳm. Do đó chúng ta hiểu được tại sao những ý tình nồng đượm manh nha thành hình. Có phải đó là một phản ứng tự nhiên để làm đầy chuỗi thời gian vô vị và tìm kiếm một vài tia nắng ấm áp hiếm hoi trong đời sống lạnh lẽo thăm thẳm. Do đó chúng ta hiểu được tại sao những ý tình nồng đượm gói ghém trong tác phẩm này. Suy tư thực, đời sống thực đã có giá trị của nó để vô tình tạo thành một siêu kỹ thuật diễn tả đến tận cùng cảm giác.

    Trong tác phẩm, dù bất cứ hoàn cảnh nào tâm trạng nào chúng ta vẫn thấy hiển hiện chân dung tác giả. Ôn tồn, thiết tha và yêu đời sống nhưng vẫn nghiêm chỉnh son sắt với chính kiến của mình. Vững vàng, dù trong bất cứ hoàn cảnh đe dọa nào.
    • Đối với những người cai ngục đáng lẽ ông phải bày tỏ hận thù, phải phác họa thành những bản mặt quỷ sứ hắc ám thì ông vẫn vẽ lại trung thực không phê phán và nhiều chất khách quan. Chính sự làm chủ được tâm cảm nên những điều ông diễn tả lôi cuốn được sự chia sẻ của độc giả.
    • Còn đối với sự đói khát khổ sở của người tù, ông không cố tình chủ tâm đào sâu vào những sự kiện và hồ sơ của những trại khổ sai Cộng sản. Sự thực đã sẵn chẳng cần cường điệu. Hồ sơ về tù ngục Cộng Sản đã đầy chặt những tàn ác và vô nhân qua những chứng tích sống và nhân chứng sống.
    Ánh Sáng và Bóng Tối của tác giả Hoàng Liên đã nổi bật trong những chứng tích ấy.






              

              
    Chúng ta đã đọc chuyện người cha Hoàng Liên. Và bây giờ chúng ta đọc chuyện người con. Nguyễn Quí Đức và tác phẩm Where the Ashes Are.

    Với người Hoa Kỳ, Việt Nam sau chiến tranh có lẽ còn là một thế giới lạ lùng gợi nhiều tính hiếu kỳ. Ðất nước ấy, đã có sự hiện diện của người Mỹ suốt hơn hai chục năm. Hội chứng Việt Nam ở nhiều người đã tham gia cuộc chiến có lúc là một vấn đề khá khúc mắc phức tạp cho những chương trình nghiên cứu về xã hội, về lịch sử, về chính trị…

    Có rất nhiều sách viết về đề tài này. Những chính khách, những nhà nghiên cứu và cả những chứng nhân nữa. Họ đã trải qua một thời chiến tranh và vẫn còn phải chịu đựng những hậu quả. Có thể, là những cựu chiến binh Mỹ, và cũng có thể là những người tị nạn Việt Nam. Họ viết với kinh ngiệm sống trực tiếp của cuộc đời họ.

    Nguyễn Quí Ðức đã viết “Where the Ashes Are” bằng kinh nghiệm của chính anh và gia đình anh.
    Câu chuyện xoay quanh ba nhân vật:
    • Cha của Ðức,
      mẹ của Ðức
      và chính Ðức.
    Năm 1968, khi chiến cuộc Việt Nam đang ở trong tình trạng khốc liệt nhất,
    • Ðức chỉ là một cậu bé 9 tuổi.
      Lúc đó cha của Ðức là một viên chức hành chánh cao cấp nhất ở miền Trung với chức đại biểu chính phủ.
      Còn mẹ của Ðức là hiệu trưởng một trường nữ học.
    Nhưng, sau biến cố Tết Mậu Thân thì ở Huế, cha của Ðức bị bắt và bị đưa ra Bắc theo con đường Hồ Chí Minh. Ông là viên chức VNCH cao cấp nhất bị bắt và trên con đường bị giải giao ra Hà Nội ông là chứng nhân sống động nhất của những bí mật mà chế độ Việt Nam Công sản cố che giấu với những trận mưa bom khốc liệt của pháo đài bay B-52 hay những cái chết của tù binh Mỹ bị chết thí dụ như trường hợp người tù binh mang tên Godwin. Và từ đó, Ðức đã không gặp mặt cha mình trong khoảng thời gian 16 năm.



    (Cha của Ðức là ông Nguyễn Văn Ðãi, tức nhà văn Hoàng Liên tác giả của tập hồi ký “Ánh Sáng và Bóng Tối”, một tác phẩm viết về tù ngục Cộng Sản rất chân thực nhưng sâu sắc. Ông là một viên chức chính quyền VNCH bị Việt Cộng bắt trong biến cố Tết Mậu Thân ở Huế và giải giao ra Bắc giam trong nhà tù mệnh danh là Hà Nội Hilton. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt, ông đã cố gắng để sống còn và văn chương chính là cái phao cho đời sống nghiệt ngã ấy.
    • Ông kể lại từng chi tiết đời sống, với phong thái bình thản không bị cảm xúc lôi kéo vào sự mô tả cường điệu quá đáng.

      Ông nhìn thấy rõ cái chất phi nhân của hệ thống lao tù Cộng Sản và cũng quan sát nhận định về những con người coi tù đại diện cho chính sách phi nhân mang con người hạ thấp xuống hàng súc vật với tất cả những phương tiện rất khoa học.

      Ông viết về sự thực mà tưởng như đùa, chuyện thực mà tưởng là hài hước.
      • Như tù bỗng thành công nhân, họ được báo là đã ra khỏi nhà tù nhưng vẫn bị chỉ định sống ở một nơi để làm việc, không được ra khỏi trại, không được về nhà, không được đi đâu cả là trường hợp “tù được tha mà không được thả”.
      • Hoặc là trường hợp tù nữ có thể được phóng thích với điều kiện lấy chồng trong tù. Ðó là trường hợp các nữ tu sĩ.
      • Hay chuyện tù nhân được đi phép vì nhà cầm quyền chưa muốn thả…
      Nhà văn Hoàng Liên đã đem tấm lòng với văn chương cùng với sự ham sống để tạo thành động lực cho một nghệ thuật viết cao độ của “Ánh Sáng và Bóng Tối”.


    Mẹ của Ðức, di chuyển gia đình vào Ðà Nẵng rồi vào Sài Gòn trong đó có con gái bị tật nguyền tên Diệu Quỳnh. Gia đình trong tình trạng suy sụp về sinh kế và cuối cùng mẹ của Ðức phải bán phở dạo trên đường phố để nuôi con. Ðức thì rời khỏi Sài Gòn với gia đình người cậu năm 1975 và sinh sống những ngày đầu tiên ở Hoa Kỳ tại Ohio.

    Nguyễn Quí Ðức đã viết về những ngày đầu tiên ấy với tâm cảm của một người đi ngược trở lại cuộc sống mình:
    • “Tôi ghét thậm tệ cái cảm giác áy náy như bị phạm một lỗi lầm nào đó khi từ bỏ gia đình, cha mẹ và em gái ở lại Việt Nam để ra đi.
      Tôi cũng vô cùng thù ghét tại sao tôi không thể kiếm ra được việc làm và không có một người thân thuộc nào để tâm sự trò chuyện hoặc liên hệ với.
      Tôi cũng ghét tình trạng bị lệ thuộc vào người em họ về tiền bạc, về thực phẩm, về xe đạp, nghĩa là tất cả những phương tiện để sống.
      Tôi cũng chẳng thích thú gì với sự ngăn nắp và phương pháp của năng lực mạnh mẽ đã tạo thành đời sống ở nước Mỹ một cách nhân tạo.
      Tôi ghét cái xứ Ohio. Mùi vị của những cánh đồng cỏ xanh ngát có lúc mang tôi về ký ức của cái nóng nung người của mùa hạ miền Trung Tây và nỗi buồn của những kẻ bị lưu đầy.”


    Sau đó Ðức di chuyển về California nơi anh học trường đại học California State University at San Diego. Anh học về ngành truyền thông. Sau đó lên San Jose nhận một công việc ở sở xã hội năm 1979. Tiếp theo là làm việc thiện nguyện tại trại tị nạn người Việt ở Indonesia. Năm 1984, gia đình Ðức đoàn tụ tại Mỹ. Cha của Ðức bị tù trong 12 năm và thêm bốn năm chờ đợi làm hồ sơ tị nạn để rời khỏi Việt Nam. Ðức viết:
    • “Ở tuổi 25, sau một thời gian tám năm xa cách, bây giờ tôi đã có cha mẹ gần gũi với mình.”
    Ðã có yếu tố chính trị để làm gia đình Ðức đoàn tụ. Dù rằng bây giờ, ở trong nước, những người Cộng sản cuồng tín điên rồ tàn phá đất nước và bưng bít dư luận. Nhưng, Ðức nghĩ rằng đất nước và dân tộc Việt Nam vẫn còn hiện hữu. Chế độ VNCH đã bị sụp đổ nhưng quốc gia Việt Nam vẫn còn.

    Elisabeth Sherwin trong The David Enterprise đã viết:
    • “Where the Ashes Are” đã cung cấp cho độc giả Hoa Kỳ với những góc cạnh nhìn ngắm hiếm có của kiến giải đã bị cho là đã mất thời gian tính quá dài. Chúng ta muốn quên toàn bộ cuôc chiến tranh Việt Nam trong khi người Việt Nam lại gọi là chiến tranh của người Mỹ, và bây giờ những người tị nạn vẫn còn chiến đấu để tạo những biến cố có thể thay đổi ngược lại tình thế của đất nước họ và tạo dựng một đời sống dân chủ tự do…

      Ðức, như một ví dụ, là người hình như không chấp nhận hội nhập vào đời sống của dòng chính Hoa Kỳ. Sau hơn 20 năm định cư tại đây và sau 5 lần trở lại về thăm nhà, Ðức muốn sống 6 tháng ở Việt Nam. Quyết định này làm ngạc nhiên nhiều người. Cộng đồng người Mỹ gốc Việt nghi ngờ sự trở về của Ðức. Nhà cầm quyền Việt Nam Cộng sản thì từ chối thừa nhận Ðức là một du khách mà làm công việc của một ký giả. Ðức phải trở về thăm nhà làm du khách với cái túi mang theo đô la của mình.”


    Và Sherwin nói rằng Ðức đã điện thoại nói chuyện từ nhà riêng ở San Francisco:
    • “Tôi phải cố gắng để dẹp đi những hàng rào ngăn cấm ở đó và ở đây. Tôi cần sự giúp đỡ của mọi người.”
    Và anh tiếp
    • “Văn chương có thể nào có một vị trí để hòa giải và hàn gắn?”,
      (Có lẽ,câu hỏi ấy, Nguyễn Quí Ðức phải hỏi với những người trong ban tuyên huấn của Ðảng Cộng Sản Việt Nam. Họ có thực tâm muốn hòa giải và hàn gắn thưc không? Hay chỉ là một chiêu bài để phục vụ cho chế độ đương quyền muốn thống trị cả về chính trị, kinh tế, văn hóa ở hải ngoại mà thôi…).


    Năm 1989, Ðức đã ngỏ ý với cha mẹ anh là sẽ trở về Việt Nam. Và hai ông bà cụ sợ rằng Ðức sẽ bị bắt. Nhưng Ðức đã về lại Việt nam, làm bổn phận của một người anh trong gia đình mang hài cốt của người em gái Diệu Quỳnh đã mất trước đây.

    Trong một bài phỏng vấn Nguyễn Quí Ðức “Giữa những lằn ranh”, anh đã trả lời câu hỏi thời gian đầu tiên ra sao khi trở về nước sau mười mấy năm cách biệt đất nước:
    • “Tôi trở lại Việt Nam năm 1989 với vai trò là một ký giả hành nghề tự do. Trở về nước, mọi chuyện đều bị kiểm soát bởi hệ thống an ninh của Ðảng, bị theo dõi 24/24 mỗi ngày và sẽ có thể bị trình diện để trả lời với công an bất cứ lúc nào. Tôi đã phải gặp những thân hữu một cách bí mật và thật tình không thể nào thực hiện những cuộc phỏng vấn bất ngờ với mọi người như công việc của tôi đòi hỏi…

      Năm 1991, tôi lại trở về Việt Nam. Tôi làm nhiều công việc khác nhau như đến thăm các họa sĩ trong nước để nhìn ngắm các tác phẩm hội họa, thời giờ khác dành cho những chương trình phát thanh, hoặc công việc khác là viết script cho các bộ phim hoặc gặp gỡ các tác giả để cung cấp những chi tiết cho công việc thực hiện biên niên sử. Chính quyền có lẽ không ưa thích các việc làm của tôi dù không chính thức cấm đoán nhưng có lúc tôi bị ở trong tình trạng giam cấm lỏng cả tuần lễ ở khách sạn. Thời gian đó đã tạo thành một hồ sơ cá nhân của tôi dầy tới gần 2 inches với sự theo dõi kiểu quy chụp như “người này đã thức dậy từ bốn giờ sáng để đọc email và hắn đã coi như thức suốt ngày không chợp mắt”. Bây giờ, có lẽ dễ thở hơn, nhưng mọi người ở trong nước đều phải chịu sự lãnh đạo và kiểm soát của một chế độ chuyên chế.

      Tôi có quen biết nhiều trong giới cầm bút và trí thức. Ở trong vòng cá nhân, họ nói đủ thứ chuyện không tránh né. Nhưng thường thường họ không bao giờ phát biểu công khai hoặc xuất hiện trước ống kính truyền hình về những vấn đề mà họ gọi là “nhạy cảm”. Họ sợ họ sẽ bị cấm không cho đăng bài trên các báo hoặc bị ngăn cấm không cho phép xuất ngoại hay có khi bị mất cả chức tước, công việc mà họ đang có.

      Tôi có một ông cậu là em họ của mẹ tôi và là một người lãnh đạo tuyên huấn Ðảng. Nhưng tôi không thể nào phỏng vấn ông bởi vì những câu hỏi ấy sẽ tạo ra những hậu quả không tốt cho ông từ cái nhìn không thiện cảm của những ký giả ngoại quốc, nhất là những nhà văn nhà báo Mỹ gốc Việt. Có thể, ở Việt Nam bạn có thể nói rất nhiều điều nhưng bạn không thể nào trực tiếp đối đầu với quyền lực của Ðảng. Sẽ được khen thưởng hoặc bù đắp nếu phát biểu quan điểm phù hợp với đường lối chỉ đạo. Nhưng sẽ bị trừng phạt nếu phát biểu ngược lại…”


    Trả lời câu hỏi rằng anh đã nhận thấy sự thay đổi về văn hóa ở trong nước nguyên do vì sự đầu tư của người ngoại quốc cũng như khách du lịch mang tới một nền văn hóa ảnh hưởng phương tây thì Nguyễn Quí Ðức trả lời:
    • “Thật là khó khăn đối với những người ở ngoài nhìn vào Việt Nam khi họ biết rằng đây là một quốc gia Cộng Sản nhưng trên thực tế thì lại là một đất nước có hình thức tư bản chủ nghĩa nhất. Trong một cuộc du hành, tôi vào một quán cà phê với một phụ nữ ở tuổi 30 tôi đã hỏi cô có biết ngày lễ kỷ niệm của người sáng lập ra đảng Cộng Sản Việt Nam không. Thì cô trố mắt nhìn tôi, ngạc nhiên và trả lời là không có ý kiến. Mặc dù, chúng tôi đang ngồi ở dưới biểu ngữ lớn nói về ngày sinh nhật của lãnh tụ ấy. Cô thực tình không muốn bị quấy rầy vì những hàng chữ của biểu ngữ căng trên đầu.

      Ở Việt Nam, ở đâu và bất cứ nơi nào cũng tràn đầy những người ngoại quốc đi du lịch nhất là sau ngày 9 tháng 11 và sau vụ nổ bom ở Bali. Những người cầm quyền ở Việt Nam đã bắt đầu quảng cáo về sự an toàn cho khách du lịch, nhất là khách du lịch từ Hoa Kỳ. Không quân Hoa Kỳ trước đây 30 năm đã từng thả bom xuống nơi này thì bây giờ người Mỹ lại học về văn hóa Việt Nam tại nơi đây. Hà Nội với những nhà cửa có lối kiến trúc cổ gợi lại không gian lãng mạn của một thời Ðông Dương nên được dành sẵn một vị trí giới thiệu ưu tiên. Nhưng khi bạn bước vào một khiêu vũ trường ở Sài Gòn thì ngay lập tức có cảm giác là đang trong một night club nào đó của tiểu bang California bên Hoa Kỳ. Ở những vùng thôn quê, dĩ nhiên, dân chúng vẫn còn nghèo đói khủng khiếp. Nhưng ở những vùng thành thị vẫn có những thanh niên thuộc gia đình giàu có lái xe hơi đời mới, xài thuốc lắc và những tiệm cà phê internet thì mở ra tràn lan. Hầu như không có ai mặc những bộ áo dài cổ truyền tha thướt nữa, ngoại trừ những cô gái làm việc tại những khách sạn sang trọng. Những chiếc áo dài đẹp sang ấy có lẽ chỉ hiện diện trong những tiệm quần áo thời trang dành cho khách du lịch…”


    Trả lời câu hỏi những công cuộc đổi mới có ảnh hưởng gì với những người sáng tác như thi văn sĩ ở trong nước thì Nguyễn Quí Ðức đã khẳng định.
    • Dĩ nhiên và có những thay đổi khá bất ngờ, đến cả khoa học về nghệ thuật cũng bị thay đổi.
      Năm 1986, với phong trào đổi mới người cầm bút đã như tỉnh dậy sau khi sật sừ vì ma túy của cái gọi là hiện thực xã hội chủ nghĩa và cũng lìa xa những hình tượng nhân vật anh hùng của Ðảng tạo ra để có một khuôn cửa sổ mở rộng tầm nhìn. Người cầm bút bắt đầu xé toang bóng tối của cuộc đời từ khi cách mạng tháng tám bắt đầu, nhìn vào sự thực với những nhà thương phá thai, tuổi trẻ bị nhiễm độc, và những giá trị văn hóa cổ truyền bị tiêu hủy.
      Từ đó, vào giữa thập niên 1990, đã có thật nhiều vấn nạn về căn cước của một con người Việt Nam. Là ai? Là khuôn mặt nào trong cuộc chạy đua hối hả để có lợi nhuận của xã hội tư bản?
      Bây giờ tôi đã chứng kiến nhiều kinh nghiệm viết văn, nhiều đời tư khốc liệt và nhiều dục tính, thật nhiều cuồng nhiệt đến hoang dại.Tôi nghĩ rằng thế hệ trẻ đã nhìn về phía Trung Hoa và nghĩ “Hey, đó là những gì mà những nhà văn trẻ có thể thưc hiện”. Ngôn ngữ của họ sẽ đầy những tiếng lóng, sặc mùi đường xá. Và, dĩ nhiên, phong cách ấy bị ảnh hưởng của nền văn hóa nhạc pop đang hoành hành trên thế giới…


    Chủ nghĩa tư bản sẽ dẫn đưa Việt Nam về đâu? Nguyễn Quí Ðức cho rằng là một cuộc băng hoại.
    • Không phải chỉ là một thị trường để trao đổi ma túy mà còn có hậu quả to lớn hơn nhiều. Và những công việc buôn bán hợp pháp cũng bị băng hoại theo. Bạn hãy nhìn vào những tòa nhà cao, những buildings chọc trời mọc lên như nấm ở mọi nơi một cách vô trật tự? Và hãy nghĩ về số tiền mà các hãng thầu xây dựng phải đút lót để có thể xây dựng như vậy, tiền cho công an, cho các cơ sở địa phương, cho các chức quyền từ quân đội đến hành chánh và thậm chí cho cả các tổ chức Mafia xã hội đen nữa. Và như vậy ngân quỹ không tên ấy chiếm tỉ lệ bao nhiêu phần trăm để có được giấy phép và hoàn tất nó. Người đầu tư ngoại quốc thường chỉ dự trù những khoản tiền cố định và hoa hồng cho người trung gian. Họ muốn kinh doanh trong hợp pháp theo luật lệ. Và theo lệ luật, ít khi phải đối phó với chính quyền. Ðúng vậy, các người có trách nhiệm trong chế độ để hoàn tất giấy tờ thủ tục phải thi hành đúng trách nhiệm của họ

      Nhưng, nhiều khi phép vua thua lệ làng, cửa làng đóng lại mặc dù có lệnh vua. Nếu muốn xong việc, phải đi tìm những người “hiểu biết”, có thể dẫn dắt đến để thương thảo với người có chức có quyền. Sự liên hệ ấy có thể là quen biết, có thể là thân hữu, có thể là họ hàng. Và, nhờ cái liên hệ như vậy, công việc làm ăn mới trôi chảy được. Liên hệ ấy tạo thành hệ thống, thành một tổ chức chi phối mọi công việc mà người ta gọi là hệ thống tham nhũng…”


    Ở Việt Nam Nguyễn Quí Ðức có quen với nhiều người trong giới làm văn học nghệ thuật. Anh kể có quen với một cô gái là bạn học thời xưa ở trung học. Cô đang theo học một chương trình học tiến sĩ và rất muốn qua Pháp để trình luận án bởi vì rất khó khăn cho cô khi học và trình luận án về truyền thông ở trong nước. Cô đã nài nỉ Ðức để làm sponsor cho cô xuất ngoại. Và Ðức đã tránh gặp cô vì sợ phải nghe lời đề nghị kết hôn để được xuất ngoại của cô…

    Ðức cũng quen biết với một họa sĩ và ông này đã nhờ Ðức viết bài giùm để giới thiệu tranh của ông bằng 2 ngôn ngữ và 2 cách nhận định khác nhau. Lúc đó ông còn là một họa sĩ nghèo và vô danh. Nhưng sau này, ông trở thành một đại gia trong ngành địa ốc và đã là chủ nhân của cả một bãi biển đẹp và có giá trị. Ông này đã nhớ quan hệ cũ và đề nghị bán rẻ cho Ðức một miếng đất bất cứ ở nơi nào mà ông làm chủ.
    • “Thành phố đã phát triển mạnh.Tôi muốn tặng anh một miếng đất ở bất cứ chỗ nào ở đây vì những ơn nghĩa xưa kia.”


    Nguyễn Quí Ðức nói về Việt nam anh sợ sẽ không thể nào viết văn hay làm truyền thông được. Anh cũng sẽ bị băng hoại theo trong một đời sống mà căn bản của sự giao tiếp là sự làm vừa lòng nhau bằng tiền bạc bằng quyền lợi. Anh nghĩ đó chính là thể hiện của một chủ nghĩa thực dân kiểu mới.
    • “Việt nam bây giờ đang trong cơn vật vã để tồn tại. Khổng Giáo, Phật Giáo, Công Giáo, Cao Ðài Giáo, Trung Quốc, Pháp, Hoa Kỳ, chiến tranh, chết chóc, cách mạng, Cộng sản, tư bản chủ nghĩa, hệ thống tội ác, tất cả đều trở thành những vấn nạn phức tạp. Ðó là con đường mà dân tộc Việt Nam phải đi qua. Tất cả trộn lẫn lộn xà ngầu nhưng rồi sẽ trôi đi như trên dòng nước. Nhưng rồi ở chung cuộc, giá trị của gia đình và cộng đồng sẽ cùng hòa nhập với nhau…”


    Nguyễn Quí Ðức là tác giả viết bằng cả Việt ngữ lẫn Anh ngữ. Ông làm thơ, viết văn, soạn kịch và cả dịch giả nữa. Ông hành nghề truyền thông, có thời làm xướng ngôn viên cho đài BBC và đài KALW ở San Francisco và làm host cho chương trình Pacific Times của KQED. Tác phẩm của ông là
    • Where the Ashes Are: The Odyssey of a Vietnamese Family.
      Và đồng chủ biên với John Balaban “Viet Nam: A Traveler's Literary Companion”
      “Once upon a Dream...: The Vietnamese-American Experience”…



              
Trả lời

Quay về “Nguyễn mạnh Trinh”