Út Trà Ôn - hơn nửa thế kỷ nổi danh với “Một bản nhạc ma quái”!

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Út Trà Ôn - hơn nửa thế kỷ nổi danh với “Một bản nhạc ma quái”!

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           



    Út Trà Ôn -

              
    hơn nửa thế kỷ nổi danh với
    “Một bản nhạc ma quái”!

    _________________________________

              




              

    Út Trà Ôn và Tuồng Dã Sử Thanh Minh

              


    Nghệ sĩ và khán giả ái mộ cải lương đều gọi bản Vọng cổ là bản nhạc vua của sân khấu cải lương,
    nhưng soạn giả Viễn Châu, được nghệ sĩ tặng danh hiệu là Vua viết lời ca Vọng cổ lại nói với soạn giả Kiên Giang và Nguyễn Phương trong một buổi nhậu tại nhà anh rằng
    • bản Vọng cổ là một bản nhạc ma quái!
    Tôi nói:
    • “Phải nói là một bản nhạc thần tiên, có phép thiên biến vạn hóa chớ?”
    Viễn Châu cười hề hề:
    • “Nói như anh thì người ta cho là mèo khen mèo dài đuôi…”
    Kiên Giang:
    • “Viễn Châu nói Vọng cổ là một bản nhạc ma quái, giải thích cho rõ ràng đi!”

    • “Đây nhé! Cùng thời là một trong những bài bản cổ nhạc, nhưng bản Vọng cổ được người trong giới lẫn ngoài giới ưa thích, say mê hơn những bài bản khác.

      Tại sao? Vì đơn giản là chỉ có bài Vọng cổ
      • mới hội đủ các làn điệu: Xuân, Ai, Bắc, Oán,
      • rồi nào giọng Huế, giọng Thơ, giọng thơ Vân Tiên, giọng hò Đồng Tháp, giọng thơ Tao đàn.
      • Cho đến lời ca viết theo điệu hài hước, hoặc ghép hai dòng Tân, Cổ nhạc để tạo thành một loại tân cổ giao duyên, cũng được mọi người ưa thích”.
      Giả thử nó cứ là Dạ Cổ Hoài Lang “Từ phu tướng” thì anh ca cũng thế, tôi ca cũng thế. Anh đờn là Hò là xang xê cống, tôi cũng… Hò là xang xê cống! Không ai thêm thắt gì được… Không ai trổ ngón nghề, hoa lá gì được cả.

      Nhưng thực tế thì bản Vọng cổ đã biến hóa…Thời gian qua, một con sâu đã hóa bướm. Từ nhịp 2, kéo dài thành nhịp 4, rồi 8, rồi 16 đến bây giờ là 32.

      Còn nhạc thì sao?
      Nào là hò nhứt, hò nhì, hò ba, hò tư, hò năm, dây Bắc Oán, dây Tố Lan, dây Nhị Ngũ, dây Cò Oán, dây Nguyệt Điều, dây Saigon, dây Rạch Gía, dây Ngân Giang, dây bán Ngân Giang…

      Rồi từ bài Vọng cổ 20 câu, rút ngắn còn 16 câu, rút còn 6, rút còn 4…

      Còn lời ca?
      Biết bao nhiêu bài Vọng cổ như muôn ngàn cánh hoa rực rỡ muôn màu: xã hội, hương xa, tình sử, quê hương… những bài ca với lời văn chải chuốt, mượt mà, theo gió bay khắp muôn phương, từ ba miền đất nước thân yêu đến tận đồng bào ruột thịt nơi hải ngoại.

      Đố ai có thể ghép một câu Hò Đồng Tháp vào bản Văn Thiên Tường, một câu lục bát vào bản Trường Tương Tư hoặc một làn hơi Huế vào bài Tứ Đại Oán? Bản Vọng cổ làm được tất cả những việc đó. Vậy nó không phải là một bản nhạc thuộc loại liêu trai, ma quái hay sao?”


    Tôi thêm:
    • “Còn nữa…Vọng cổ có khả năng biến người nông dân ít học thành Vua, như Vua Vọng cổ Út Trà Ôn hay Hoàng đế dĩa nhựa Tấn Tài…,"





    Chuyện này liên quan tới Viễn Châu nên để cho tôi kể về

    Vua Vọng cổ Út Trà Ôn!


              

    Nghệ sĩ Út Trà Ôn & Soạn giả Nguyễn Phương

              

    Nghệ sĩ Út Trà Ôn
    • tên là Nguyễn Thành Út,
      sanh năm 1919 tại làng Đông Hậu, quận Trà Ôn tỉnh Cần Thơ.
    Gia đình anh mấy đời làm ruộng. Năm anh 13 tuổi, nhờ có giọng tốt nên khi trong làng có Cúng Kỳ Yên, Ban nhạc lễ nhờ anh xướng danh cho các ông hương chức Hội tề cúng lễ. Ban nhạc lễ dạy cho anh Út ca các bài cổ nhạc nhỏ để sau lễ cúng, anh ca giúp vui. Nhạc sĩ Năm Tồn đàn tranh và nhạc sĩ Tư Hiệu đờn cò dạy anh ca hai mươi bài bản nhạc tổ của cổ nhạc và Vọng cổ. Năm 15 tuổi, anh Út đã nổi danh trong các cuộc đờn ca tài tử ở Trà Ôn.

    Năm 18 tuổi (1937), anh Út lên Saigòn, ca tài tử trong Quán rượu Đức Thành Hưng và gặp dịp hãng rượu Bình Tây ở Chợ Lớn tổ chức thi ca thưởng rượu, anh Út dự thi ca Vọng cổ, được giải nhất. Trong cuộc thi này, anh Út ca hai bài Vọng cổ:
    • Tôn Tẩn giả điên, trong tuồng Bàng Quyên Tôn Tẩn của đoàn hát Tân Thinh
      và bài Vọng cổ Sầu Vương Biên Ải của soạn giả Thái Thụy Phong.




    Sầu Vương Biên Ải
    là bài Vọng cổ 20 câu nhịp 8, xin giới thiệu 6 câu đầu ghi lại từ dĩa hát Asia của thầy Năm Mạnh, (Asia Chợ lớn)

    Nói lối:
    • Ôi, nhìn trời hiu quạnh rừng đêm sương gió lạnh
      Hướng quê nhà lòng thêm chạnh tủi niềm riêng
      Em ơi, muôn dặm xa xôi xin em giữ vẹn hương nguyền
      Để cho người cô lữ khỏi mang nặng điều tủi hận.

    Vọng cổ:
    • 1/ Thâu canh hồn ngơ ngẩn, nhìn bóng trăng khuya soi lặng lẽ giữa đêm trường….Cảnh vật mơ màng giấc điệp dưới trời sương. Thêm chạnh tủi lòng người viễn xứ cô đơn ngoài biên ải lạnh lùng sầu vương theo ngọn gió.

      2/ Tấm thân tuy dầu dãi phong trần nơi lữ thứ mà hồn quê còn theo dõi mộng gia đình. Nhớ buổi biệt ly lệ thảm tuôn dòng. Khúc hận chia lìa không tả đặng thành câu. Niềm riêng mang nặng canh cánh bên lòng, nhớ bạn khuê phòng vàng võ nét xuân phai.

      3/ Giọt sương rưới ngàn cây đẫm lệ, ngọn gió lay cành lá tả tơi, hướng quê nhà miền giá lạnh xa khơi, xót thay đời cô lữ ven trời hiu quạnh. Còn vọng tưởng người thiếu phụ chong ngọn đèn khuya mơ hình bóng chinh lang ngoài muôn dặm núi mây ngàn.

      4/ Đêm vơi khắc lụn canh tàn, gió lướt nhẹ nhàng rừng đêm xào xạc, mấy đoạn tơ lòng rung động nhịp hoài mong. Ngẩn ngơ nhìn cỏ cây vắng vẻ lạnh lùng, tâm hồn như phủ che một màu đen u ám. Tủi bấy lửa hương duyên chưa bén đượm mà chia phôi khiến phượng xa hoàng.

      5/ Thơ xưa ôn lại đã bao lần. Lời âu yếm chưa lạt nét mờ văn. Câu ái ân vẫn đượm nồng mùi chung thủy. Ôi lòng anh…càng thương nhớ bạn xa xăm, mỏi mòn chiếc bóng thâu đêm khoắc khoải đợi tin chồng.

      6/ Vì nước non mịt mờ cơn khói lửa khiến cho đôi ta kẻ Tần người Sở, sâm thương ngăn trở như nhạn lạc giữa rừng khuya. Anh thì dặm trường sương gió chốn xa xăm còn em chịu cảnh chăn đơn gối lẻ chốn loan phòng….Thâu canh đổ lệ tình dầm chan khăn áo, nét liễu phai tàn môi thắm lạt màu son.






    Các hãng dĩa Asia, Béka thu giọng ca của anh Út vô dĩa:
    • Tôn Tẩn Giả Điên,
      Thái Sư Văn Trọng giáng thập điều,
      Mổ Tim Tỷ Can,
      Hỏa Thiêu Bá Lạc Đài…
    Đài phát Thanh Pháp Á khi phát thanh các dĩa Vọng cổ của anh Út đã đặt nghệ danh cho anh là Út Trà Ôn
    giống như các danh ca Vọng cổ khác đã lấy tên tỉnh thành nơi sinh trưởng để đặt nghệ danh như cô Ba Bến Tre, cô Năm Cần Thơ, cô Ba Trà Vinh….

    Năm 1954, hãng dĩa Asia phát hành dĩa Vọng cổ Tình Anh Bán Chiếu, tác giả Viễn Châu, ca sĩ Út Trà Ôn.
    Danh tiếng của Út Trà Ôn càng thêm vang dội nhờ Nhật báo Tiếng Dội của ký giả Trần Tấn Quốc mở một cuộc trưng cầu ý kiến của độc giả và khán thính giả ái mộ nghệ sĩ cải lương.
    • – Nghệ sĩ Út Trà Ôn được bầu là đệ nhứt nam danh ca.
      – Nữ nghệ sĩ Thanh Hương (con của cô Tư Sạng và nghệ sĩ Năm Châu) là đệ nhứt nữ danh ca.
      – Nữ nghệ sĩ Như Ngọc là Đệ nhứt đào lẳng độc.
      – Nghệ sĩ Hoàng Giang là Đệ nhứt kép lẳng độc.
    Ký giả Nguyễn Ang Ca viết trên báo Tin Sáng:
    • “Ngành thể thao xe đạp có Vua Leo Núi Lê Thành Các,
      bóng đá có Vua Pélé,
      ca Vọng cổ, mình cũng có Vua Vọng cổ Út Trà Ôn”.
    Từ đó nghệ sĩ và khán giả gọi NS Út Trà Ôn là Vua Vọng cổ.
    Từ năm 1954 cho đến ngày 13 tháng 8 năm 2001, ngày mất của NS Út Trà Ôn, ngôi vị đó vẫn chưa có người kế vị.


    Giọng ca của Vua Vọng cổ Út Trà Ôn khởi đầu được nhiều người biết đến qua các bài Vọng cổ
    • Tôn Tẩn giả điên,
      Thái Sư Văn Trọng giáng thập điều,

      đến bản Sầu Vương Biên Ải
    nhưng ngày nay nhắc đến Vua Vọng cổ, người ta thường nhắc đến
    • “Tình Anh Bán Chiếu”
      “Ông lái đò” của tác giả Viễn Châu.




    Bài Vọng cổ Tình Anh Bán Chiếu:
    • Hò…hò…hơ… chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm
      Công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu
      Chiếu nầy tôi chẳng bán đâu
      Tìm cô không gặp…ờ…hò… hơ…
      Tìm cô không gặp tôi gối đầu mỗi đêm…

      Câu 1 /
      Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh ngả bảy, sao cô gái năm xưa chẳng thấy… ra… chào… Cổng vườn cô khóa kín tự hôm nào… Tôi vác đôi chiếu bông từ dưới ghe lên xóm rẩy, chiếc áo nhuộm bùn lấm tấm giọt mồ hôi ( – ) Vườn nhà cô sau trước vắng tanh, gió lạnh chiều đông bổng có ai dạo lên tiếng nguyệt cầm. Như gieo vào lòng tôi một nỗi buồn thê thảm…

      Câu 2 /
      Cô đã đặt đôi chiếu bông bề dài hai thước, có lẽ để điểm tô ở chốn loan phòng… Hôm nay, cô đã quên tôi để cất bước theo chồng…Cô ơi, đôi chiếu nầy tự tay tôi dệt lấy, tôi đã lựa từng cọng lác, sợi đay ( – ) Hôm nay, tôi đến nơi đây thì cô đã rời bỏ quê nhà sang qua xứ khác. Tôi đứng trước cổng vườn xưa với nỗi buồn man mác, còn đôi chiếu nầy tôi biết tặng cho ai?

      Câu 3 /
      Nhớ năm ngoái, khi ghe vừa tới vàm sông ngả bảy cô đã tươi cười dẫn tôi đến tận nhà cô, Cô đưa tôi vào tận chốn phòng riêng để đo ni chiếc giường gõ đỏ và cô đặt làm đôi chiếu ( – ) Cô hỏi qua giá cả, tôi trả lời lấy rẻ làm quen! Năm hôm sau tôi sắp sửa lui ghe, cô còn đứng trên bến dặn dò kỹ lưỡng. Sau khi cô đà quay gót, chiếc áo bông hường khuất dạng sau mấy lùm tre. Cô có biết đâu, tôi đã đưa nón lá che nghiêng để giấu đôi dòng nước mắt. Vì tôi không muốn bàng quan thiên hạ họ cười tôi là một gã si tình.

      Nói lối:
      Khi hỏi lại xóm giềng tôi mới biết
      Cô theo chồng đã được bốn trăng qua.
      Mình dám đâu sai hẹn với người ta
      Mà họ đành đoạn bỏ nhà đi xứ khác…!

      Câu 4 /
      Tôi vác đôi chiếu bông mà cõi lòng tan nát. Bước chân đi như thể xác…không hồn…
      Nước mắt tuôn rơi theo lá rụng bên đường… Gió đông vụt vù thổi mạnh, lạnh đất trời đến cả tâm can
      ( – ) Người ta đã có đôi rồi. Chiếu chăn đâu ấm bằng người tình chung. Để mình vác cặp chiếu bông. Chờ đợi chi nữa, uổng công đợi chờ.

      Câu 5 /
      Khuya đêm nay ngồi chờ nước lớn, nỗi niềm riêng cứ canh cánh bên lòng…Tôi thấy đời của tôi sao lạnh lẽo khôn cùng… Còn chi buồn hơn đời bán chiếu, để tô điểm loan phòng cho những gái còn xuân ( – ) Đến khi họ cất bước quay lưng lại không một lời hỏi han từ giã! Đến đôi chiếu bông tôi đã bỏ công ngồi dệt mấy ngày đêm ròng rã, mà nay vẫn còn nằm trơ ở dưới khoang thuyền.

      Câu 6 /
      Ngọn gió đêm đông đừng thổi nữa, lòng tôi lạnh lắm gió đông ôi! Tôi nhổ sào cho ghe chiếu trôi xuôi mà lòng trĩu một nỗi sầu tê tái. ( – ) Tôi ngồi yên sau lái, đôi mắt vẫn hướng về nơi nẽo cũ, vườn xưa. Hỡi ơi! Con sông Phụng Hiệp nó chảy ra bảy ngả. Mà lệ của tôi sao nó cứ lai láng tuôn dòng.

      Có ai biết được nỗi lòng của tôi với cô gái mỹ miều trên kinh ngả bảy. Sông sâu bên lở, bên bồi, Tình anh bán chiếu trọn đời không phai…





    Người ta vẫn thường nhắc tới hai bài Vọng cổ: Ông lái đòTình Anh Bán Chiếu của soạn giả Viễn Châu. Vua Vọng cổ Út Trà Ôn làm cho hai bài Vọng cổ nầy được nhiều người ưa thích và cũng từ hai bài Vọng cổ nầy mà danh hiệu Vua Vọng cổ Út Trà Ôn được nhiều người biết đến.

    Viễn Châu cho biết anh viết hai bài Vọng cổ nầy để giới thiệu giọng ca của Út Trà Ôn cho hãng dĩa Asia. Anh Viễn Châu nói:
    • “Út Trà Ôn có hơi đồng trầm ấm, cách ca ngâm khoan thai, chững chạc, thích hợp với tâm sự một ông lão chèo đò, sống ung dung tự tại cùng sông nước, không màng chuyện thế thái nhân tình.

      Út Trà Ôn là bậc thầy của lối hành văn, sắp chữ, nhịp nhàng chắc chắn, cung bổng cung trầm minh bạch. Giọng ca diễn tả được tình cảm trong câu ca, tạo cho người nghe một cảm xúc khó tả. Như trong vở Tuyệt Tình Ca, khi gặp vợ, ông tâm tình qua câu ca:
      • “Tôi đứng đây như đứng trên bờ sông Mỹ Thuận,
        khi mình quay xuồng tách bến trở lại với hai con.
        Bờ cây xa mờ nhuộm khói hoàng hôn,
        con nước lớn lục bình trôi rời rã….”
      người nghe cũng tưởng như mình đang đứng trên bờ sông ấy, cũng tâm tình như nhân vật trong tuồng.





    Nhắc lại giọng ca và tài năng thiên phú của Vua Vọng cổ Út Trà Ôn, tôi nhớ lại trong thập niên 50, 60 của thế kỷ trước, tôi cùng anh ở chung đoàn Thanh Minh Thanh Nga, anh phủ cho sức sống mới, một dung mạo mới cho nhân vật trong tuồng tôi, đem đến cho tôi một sự thành công vượt bực mà nếu không có anh Mười Út, tôi không thể nào đạt được.

    Thương nhớ anh Mười Út, Vua Vọng cổ và là người anh nghệ sĩ kính yêu nhất của


    Soạn giả Nguyễn Phương
    Montréal, đầu thu 2018





    Nguồn:http://vietluan.com.au

              
Trả lời

Quay về “Soạn giả Nguyễn Phương và Hồi ký Cổ nhạc”