Kể chuyện 70 năm trước: Năm Châu dựng tuồng Tây Thi Gái Nước Việt

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Kể chuyện 70 năm trước: Năm Châu dựng tuồng Tây Thi Gái Nước Việt

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Kể chuyện 70 năm trước: Năm Châu dựng tuồng
    Tây Thi Gái Nước Việt






    Năm 1948, nghệ sĩ Năm Châu thành lập đoàn hát Việt Kịch Năm Châu. Diễn viên có vợ chồng: nghệ sĩ Năm Châu – Kim Cúc, Bảy Nhiêu – Ba Thanh Loan, Hoàng Kinh – Ngọc Đán, Ba Thừa Vĩnh – Tố Nữ, Ba Thâu – Sáu Huề, Năm Thiên – Hai Nữ, Ba Sanh – Chị Ba Sanh, Bảy Vân – Sáu Đặng, Các nam diễn viên Ba Vân, Tám Lắm (Hề), Văn Lâu, Jean Thuận, Thanh Nam,… Nữ diễn viên có Phùng Há, Kim Lan, Tương Lai, Hồng Hoa (em họa sĩ Hoàng Lang), Huỳnh Hoa, Lệ Thắm, Tám Nhỏ, Tư Đạm. Cô Kim Lan, Kim Cúc (con của nghệ sĩ Bảy Nhiêu) là hai cô đào chánh.

    Tuồng hát của đoàn Việt kịch Năm Châu có các vở Túy Hoa Vương Nữ, Miếng Thịt Người, Dân Chúng Trước Pháp Trường, Khi Người Điên Biết Yêu, Gió Ngược Chiều,…

    Năm 1952, nghệ sĩ Năm Châu mua trại cưa của ông Trần Pháp dưới dốc cầu Bông phía bên hướng đi về Dinh Tỉnh Trưởng Gia Định. Anh sửa lại thành trụ sở đoàn Việt kịch Năm Châu, chia từng lô làm chỗ ở cho các gia đình và nghệ sĩ độc thân của đoàn hát. Gia đình anh Năm Châu ở cái nhà sàn de ra sông phía tay mặt của trại. Gia đình anh Tư Trang cũng ở trong một cái nhà sàn cất de ra sông phía trái của trại cưa. Khoảng giữa dành làm sân khấu giả để tập tuồng, tập vũ. Bếp là bếp chung, mỗi ngày nghệ sĩ ăn “cơm hội” như học sinh trường nội trú.

    Các vở tuồng của đoàn đã hát tái diễn quá nhiều lần, không còn thu hút khán giả nữa, soạn giả Năm Châu lo sáng tác tuồng mới. Dịp may, soạn giả Tư Trang đi xa một chuyến, khi về đem cho anh Năm Châu một vở kịch thơ Tây Thi gái nước Việt của tác giả Huỳnh Mai Lưu, anh yêu cầu anh Năm Châu chuyển thể thành tuồng cải lương, tên tác giả ghi là soạn giả Nguyễn Thành Châu và không nhắc đến tên Huỳnh Mai Lưu.

    Nội bộ đoàn hát xì xầm to nhỏ với nhau, có người biết chuyện kể là soạn giả Tư Trang cùng với anh Hai Màn (xếp đề co) và anh Tám Xức (cha của em Nam Hùng) đi vô Chiến khu 8, đem một tấm màn nhung đỏ mới may tặng cho Ban Tuyên Truyền Khu 8, đang đóng quân ở Kinh Năm Ngàn trong Đồng Tháp Mười. Anh Tư Trang tiếp xúc với các nghệ sĩ cải lương đi kháng chiến, đang công tác trong Tổ Văn Nghệ Ban Tuyên Truyền Khu 8 là các nghệ sĩ Tám Danh, Ba Du, Tám Củi và Hề Tư Xe. Trong lúc tâm sự, ông Tám Danh biết đoàn Việt kịch Năm Châu đang cần tuồng hát mới, ông bèn nói cho thi sĩ Bảo Định Giang- Trưởng Ban Tuyên Truyền khu 8 biết. Ông Bảo Định Giang giới thiệu soạn giả Tư Trang với ông Mai Văn Bộ, cán bộ trong Ủy Ban Hành Chánh Nam Bộ đóng ở kinh Bùi – Đồng Tháp Mười. Ông Mai văn Bộ trao cho anh Tư Trang vở kịch thơ Tây Thi Gái nước Việt của Huỳnh văn Tiểng, Mai Văn Bộ và Lưu Hữu Phước, ký tên chung là Huỳnh Mai Lưu. Ông Mai Văn Bộ yêu cầu không nêu tên thật của ba tác giả vì các ông ấy là cán bộ kháng chiến, đối nghịch với nhà cầm quyền Pháp đang chiếm đóng Saigon và các thành thị của nước Việt Nam.

    Nội dung tuồng kể chuyện thời chiến quốc: Vua Ngô Phù Sai đánh chiếm nước Việt và bắt Việt Vương Câu Tiễn đày đọa. Câu Tiễn chịu nhục, nằm gai nếm mật, mưu đồ phục quốc. Nhờ có Phạm Lãi bày mưu, dùng mỹ nhân kế, dâng Tây Thi và Trịnh Đán cho Ngô Phù Sai, Tây Thi mê hoặc Ngô Phù Sai, mê mãi truy hoan, giết tướng trung Ngũ Tử Tư nên Việt Vương Câu Tiễn đánh chiếm được Cô Tô Đài và giết Ngô Phù Sai.

    Soạn giả Năm Châu tóm tắt kịch thơ Tây Thi Gái Nước Việt cho các chuyên viên kỹ thuật trong đoàn biết và đưa ra những yêu cầu kỹ thuật anh muốn thực hiện trong khi đạo diễn vở tuồng này.

    Họa sĩ Nguyễn Quyền chịu trách niệm vẻ tranh cảnh và vẻ mẫu y trang. Nguyễn Phương chịu trách nhiệm về các lớp ca vũ của đoàn vũ nữ và các lớp vũ mê hoặc Phù Sai của Tây Thi và Trịnh Đán. Nữ nghệ sĩ Hai Nữ và Tương Lai chịu trách niệm hướng dẫn các cô vũ nữ sau giờ tập múa, tập hát trong tuồng, các cô giúp thêu mắt gà trên các bộ áo giáp và y trang của Tây Thi và Trịnh Đán theo mẫu vẻ trên áo của họa sĩ Nguyễn Quyền.

    Ý của đạo diễn Năm Châu là ngay từ màn đầu phải thể hiện cảnh vĩ đại của Cô Tô Đài, sự xa hoa lộng lẫy và trác táng của Ngô Phù Sai bên cạnh Tây Thi. Đồng thời diễn tả được khí khái của Ngũ Tử Tư trước khi tự cắt đầu tự tử để cho Ngô Phù Sai bêu đầu Ngũ Tử Tư trên cửa thành và sau đó là sự tấn công dũng mảnh của quân Việt Câu Tiễn, chiếm Cô Tô Đài.

    Màn một phải thực hiện như một hoạt cảnh tổng kết toàn bộ chuyện tuồng, về dàn cảnh, y trang và vũ đạo phải vĩ đại và lộng lẫy, xa hoa. Hành động tự tử của Ngũ Tử Tư phải kiêu hùng, bi thảm kết liền với trận tấn công Cô Tô Đài của Việt Vương Câu Tiễn phải long trời lở đất, máu lửa ngập tràn…

    Qua hướng dẫn của đạo diễn Năm Châu, họa sĩ Nguyễn Quyền dùng một bức màn bằng vải trắng, phủ toàn bộ mặt tiền sân khấu, căng thẳng sát dàn đèn ngoài và trùm luôn tấm frise phía trước. Màn trắng căng che nguyên mặt tiền sân khấu, thực hiện cảnh hát hình con rối bằng giấy cắt, rọi hình lên tường trước khi có kỹ thuật hát bóng (ombres chinoises). Cô Kim Cúc hay Kim Lan đứng trên bàn, mặt y phục Tây Thi, múa chậm theo nhạc và lời ca. Một ngọn đèn rọi một ngàn Watts rọi qua bản giấy kính sáu màu, quay chậm, ánh sáng rọi lên hình Tây Thi đang múa in bóng trên màn trắng. Ngoài bóng của Tây Thi đang múa, đèn rọi rọi qua khung cảnh Cô Tô Đài cao ngút trên nền trời, có bóng mây bay lượn qua chậm chậm. Trong khán phòng, khán giả sẽ thấy bóng Tây Thi đang múa trên Cô Tô Đài, cao ngút tầng mây. Để đạt được hình ảnh bóng của Tây Thi múa trên Cô Tô Đài, hoạ sĩ và thợ đèn phải rọi thử, đèn đặt ở sát tấm phông trong, rọi ra, diễn viên đứng trên bàn cách tấm phông trắng mấy thước để có được cái bóng của Tây Thi trên màn trắng phía sát mặt tiền sân khấu. Vì các rạp hát lớn nhỏ khác nhau nên khi đoàn Việt kịch Năm Châu dọn đến rạp nào, trước khi hát tuồng Tây Thi Gái Nước Việt người dàn cảnh và người chịu trách nhiệm ánh sáng đều phải căng tấm phông trắng lên, đặt đèn và người đứng trên bàn cách nhau bao nhiêu thước để có được cái bóng rõ nét trên phông trắng.

    Phần ca vũ, đạo diễn nói: “Tây Thi giặt lụa ở Trữ La, vậy có thể thực hiện một điệu múa lụa không?” Sau khi xem cách rọi bóng Tây Thi lên phông trắng, tôi cho là diễn viên không thể múa lụa được vì khi đèn rọi chiếu vào hình diễn viên múa lụa thì tấm lụa múa sẽ không in được hình rõ nét trên phông trắng, trái lại nó sẽ làm cho diễn viên mệt vì đứng trên bàn, ở một chỗ, muốn tung tấm lụa bay lên cao, lượn khúc thì phải sử dụng sức mạnh của đôi tay tung lụa. Nếu tung lên không đủ sức mạnh, lụa không bay thẳng lên được. Người múa lụa cần phải chạy cho có trớn, nhảy lên cao và hai tay vung dải lụa thì lụa mới tung lên cao được, hoặc phải chạy cho có trớn, hai tay quay vòng tròn thì dải lụa mới xoay được nhiều vòng. Nếu như đứng một chỗ trên bàn thì múa lụa là một việc khó thực hiện cho nó đẹp. Vì vậy tôi đề nghị vai Tây Thi phải múa song kiếm khi đứng trên bàn để được rọi bóng lên phông trắng. Múa kiếm chậm, chọn thế đứng đẹp, hai tay song kiếm tạo hình đẹp theo tiếng ca nhạc phát ra từ trong dĩa hát (thu thanh trước làm thành dĩa hát, phát tiếng ca thay cho nghệ sĩ vừa múa vừa ca). Đạo diễn chấp thuận đề nghị về vũ đạo của Tây Thi thay vì múa lụa, sẽ múa song kiếm nên hai cô Kim Cúc và Kim Lan, người thủ vai Tây Thi phải học múa song kiếm. Ông Năm Châu mướn một võ sĩ người Tàu ở Chợ lớn, mỗi sáng đến trại Năm Châu dạy cho hai cô Kim Cúc Kim Lan múa song kiếm. Phải hơn một tháng học liên tục, Kim Cúc, Kim Lan mới múa song kiếm đẹp để thực hiện màn mở đầu cho tuồng Tây Thi Gái Nước Việt.

    Về điệu múa của 12 cô vũ nữ thể hiện cảnh xa hoa phung phí của vua Ngô Phù Sai, tôi đề nghị làm hai cái thang sắt, chiều cao cao hơn tấm cánh gà (mỗi cánh gà che bên sân khấu cao ba thước tư) thang sắt cao hơn bốn thước rưỡi, có những nấc mặt bằng để cho nữ vũ sinh bước lên bước xuống được an toàn. Thang phía trong cho vũ nữ leo lên và phía ngoài ló ra sân khấu cho vũ nữ từ trên cao từng bước bước xuống sân khấu. Khi màn múa kiếm rọi trên phông trắng theo kiểu ombres chinoises cho khán giả chú ý cảnh múa kiếm trên Cô Tô Đài cao lưng trời, đèn tắt, màn phông trắng kéo qua, hiện cảnh vua Phù Sai ngồi uống rượu bên cung nữ, ca nhạc vẫn vang lên tiếp tục thì khán giả sẽ thấy từ trên cao hai bên cột rồng, hiện ra những đôi xảo hài đỏ, từng bước, từng bước cô vũ nữ từ trên chót cột rồng, bước theo nấc thang xuống dần, từng vũ nữ… từng vũ nữ, tay cầm đèn lồng bước nối nhau từ trên cao xuống mặt bằng sân khấu rồi múa quanh chỗ Ngô Phù Sai ngồi uống rượu. Đây là cách mở thêm chiều cao sân khấu bằng cách tạo ảo giác cho khán giả. Đoàn Việt kịch Năm Châu hát ở bất cứ rạp nào, màn mở đầu múa kiếm bằng hình rọi bóng trên màn trắng và khi màn trắng kéo qua, vũ nữ như trên trời từng bước… từng bước vừa ca vừa múa bước dần xuống sân khấu, khán giả luôn luôn vỗ tay khen cảnh đẹp và lạ này.

    Để thực hiện ý của đạo diễn Năm Châu, màn quân Việt Vương Câu Tiễn đánh chiếm và phóng hỏa đốt Cô Tô Đài, họa sĩ Nguyễn Quyền cho cột sau các cột đền rồng nhiều quạt máy nhỏ, có dán sẵn những tua giấy kính đỏ cắt dài độ hơn ba bốn tấc. Kế mỗi cái quạt máy nhỏ có một bóng đèn điện đỏ. Hai anh dàn cảnh cầm sẵn mỗi anh một bó nhang và một quạt máy. Khi quân Việt hô xung phong, đánh chiếm Cô Tô Đài, một số quân cầm đuốc đốt cháy chạy ngang qua sân khấu, đèn đỏ chớp chớp hai bên cánh gà thì các đèn đỏ và quạt máy để sau cột rồng bật cháy, giấy kính đỏ bay bay theo cột rồng, khán giả sẽ thấy lửa cháy cột rồng và nhiều chỗ trên Cô Tô Đài. Hai anh dàn cảnh cầm hai bó nhang, đốt lên cho nhang cháy lớn, hai anh kê nhang vô sát quạt máy, làm cho tàn nhang bay lên, tạo ảo giác cho khán giả, tưởng như Cô Tô Đài cháy lớn, tàn lửa bay lên cao, phụ họa với những tia lửa cháy quanh các cột rồng.. cộng tới những toán quân đánh kiếm, chém giết nhau và hò hét vang rền làm cho khán giả cảm giác thấy một cuộc công thành tràn đầy máu lửa.

    Họa sĩ, anh em dàn cảnh, các chuyên viên ánh sáng, các em vệ sĩ, vũ nữ, dàn tân nhạc minh họa và cô Kim Lan vai Tây Thi múa kiếm phải nhiều lần thực tập cảnh mở màn này để cho cảnh trí, ánh sáng, nhạc đệm và diễn viên, vũ nữ hát ăn khớp nhau, thực hiện được ý của đạo diễn dành cho cảnh mở màn đặc biệt này.
    Tuy là tập tuồng nhưng tất cả các diễn viên đều ca ngâm, diễn xuất như hát thật trước khán giả, dùng hình thể đẹp và thật xúc cảm để diễn ra nội tâm của nhân vật theo đúng lớp tuồng đó.

    Cô Kim Cúc thể hiện một cách tài tình cái tâm lý phức tạp của nhân vật Tây Thi, vừa hào hùng vừa thương cảm lẳng lơ trong nhiều lớp diễn khác nhau. Khi chuốc rượu cho Ngô Phù Sai trên Cô Tô Đài thì lả lơi uyển chuyển, nũng nịu, liếc mắt đưa tình; cũng ở trong lớp ở Cô Tô Đài, gặp Phạm Lãi, Tây Thi hờn dỗi, trách sao bắt nàng chờ đợi mãi, cũng là nũng nịu tâm tình mà sao có vẻ dịu dàng khả ái:

    • Tây Thi : Ôi chờ đợi!… Biết đợi chờ đến bao giờ?
      Chờ thời cơ! Chờ cuộc thế thịnh suy!
      Chờ lương thực dồi dào! Chờ mưu kế!
      Em đợi mãi…Phút chờ mongchẳng đến.
      Phạm Lãi (Phùng Há đóng):
      Không! Ba ngày nữa quân ta sẽ đồng tiến,
      Sẽ đap bằng thành quách của Phù Sai…
      Em phải hứa, suốt ba ngày mê loạn
      Đắm Phù Sai trong những cuộc truy hoan…
      Em hứa đi cho non nước reo mừng.
      Tây Thi nhìn sững Phạm Lãi, nói rất rõ, lời hứa chắc nịch:
      Em xin hứa!
      Phạm Lãi quỳ sụp xuống dưới chân Tây Thi:
      Tây Thi hỡi! Này lời cảm tạ!
      Lòng yêu nước muôn đời ghi mặt đá.
      Đức hy sinh truyền tụng mãi ngàn thu!
      Tây Thi! Nàng sẽ trả được quốc thù,
      Và… vạn kỷ còn nêu danh gái Việt!

    Các nghệ sĩ đoàn Việt kịch Năm Châu đều tôn trọng nghề nghiệp nên khi nhận diễn vai tuồng nào thì họ đều nghiên cứu kỹ tính cách nhân vật, về cách nói năng, đi đứng, hành động của nhân vật, diễn tả nhân vật sống động trên sân khấu. Về ca bài bản trong tuồng, các nghệ sĩ cũng bỏ công tập ca nhiều lần với nhạc sĩ, ca đúng hơi Nam hay Bắc, Oán chớ không phải chuyên luyện hơi ca vọng cổ.
    Đoàn Việt kịch Năm Châu khai trương tuồng Tây Thi Gái Nước Việt tại rạp Nguyễn Văn Hảo, hát liên tục một tuồng trong ba tuần lễ tại rạp Nguyễn Văn Hảo, một kỷ lục trong những năm đầu thập niên năm mươi thế kỷ trước.

    Hình chụp đăng theo bài này đều được chụp tại rạp Nguyễn Văn Hảo ngày khai trương tuồng Tây Thi Gái Nước Việt, Phùng Há vai Phạm Lãi, Kim Cúc vai Tây Thi, Năm Châu vai Ngô Phù Sai, Ba Vân vai Ngũ Tử Tư, Kim Lan vai Trịnh Đán, Ba Thừa Vĩnh vai Bá Hỉ…

    Nhớ một thời hoàng kim của Nghệ Thuật Sân Khấu Cải Lương.


    Soạn giả Nguyễn Phương


    Nguồn:http://vietluan.com.au


              
Trả lời

Quay về “Soạn giả Nguyễn Phương và Hồi ký Cổ nhạc”