HCV giải Thanh Tâm: Những ngôi sao cải lương ngày ấy giờ ra sao?

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

HCV giải Thanh Tâm: Những ngôi sao cải lương ngày ấy giờ ra sao?

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    HCV giải Thanh Tâm: Những ngôi sao cải lương ngày ấy giờ ra sao?





    Xem trên internet, một ông bạn nào đó khi viết về cuộc đời của một nữ nghệ sĩ cải lương ngày xưa đã có nói tới giải thưởng Thanh Tâm và ông bạn đó kể là ông cựu Bộ trưởng Thông Tin Trần Chánh Thành đã đứng ra phát huy chương vàng cho cô Thanh Nga, nữ nghệ sĩ đầu tiên đoạt được giải Thanh Tâm. Ông bạn đó còn mô tả là Đài truyền thanh, Đài truyền hình Saigon loan tin, chiếu hình ảnh và phát sóng trực tiếp buổi lễ phát giải thưởng đó.

    Ông bạn thật là giàu trí tưởng tượng. Giải Thanh Tâm đầu tiên được phát là vào năm 1958, khi đó thì Sàigòn chưa có đài truyền hình, làm sao mà phát hình phát sóng? Vả lại giải thưởng Thanh Tâm là một giải Văn nghệ do tư nhân tổ chức nên không có việc một ông bộ trưởng Thông Tin đứng ra trao giải thưởng.

    Nhắc đến giải thưởng Thanh Tâm, huy chương vàng cho diễn viên triển vọng cải lương là nhắc đến một thời vàng son của ngành nghệ thuật sân khấu cải lương. Đó là nhắc lại cái thời mà người dân miền Nam được hưởng nhiều quyền tự do sinh sống, trong đó có quyền tự do báo chí, tự do hoạt động văn nghệ, tự do hội hè đình đám…

    Còn nhớ, ngày 20 tháng 7 năm 1954, sau khi Hiệp định đình chiến Pháp – Việt được công bố, chánh quyền miền Nam bãi bỏ lịnh giới nghiêm từ mười hai giờ đêm tới sáng, ở Saigon, dân chúng được yên ổn làm ăn, dư ăn dư để nên có thừa tiền để thưởng thức văn nghệ, mua sách báo, phim ảnh. Nhiều gánh hát cải lương mới được thành lập, nhiều soạn giả và nghệ sĩ cải lương tài năng mới xuất hiện. Ơng Trần Tấn Quốc, chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ nhật báo Tiếng Dội, một tờ báo hàng ngày có trang kịch trường đăng vào mỗi ngày thứ tư và thứ bảy, ông lại là bạn thân của hai nghệ sĩ Năm Châu và Phùng Há nên muốn góp sức xây dựng một thế hệ nghệ sĩ mới bằng cách tổ chức một giải thưởng Văn Nghệ, Giải Thanh Tâm để khuyến khích các nghệ sĩ trẻ trao dồi nghệ thuật ca và diễn.

    Thanh Tâm là bút hiệu của ông Trần Tấn Quốc mà đó cũng là tên của người vợ sau của ông. Cô Thanh Tâm yểm trợ tài chánh cho giải thưởng văn nghệ nên dù cái tên Thanh Tâm không liên quan gì tới sân khấu và nghệ sĩ cải lương, danh xưng Giải Thanh Tâm vẫn được giới báo chí kịch trường và nghệ sĩ cùng đồng bào ái mộ cải lương công nhận.

    Tưởng cũng nên nhắc qua tình hình báo chí Saigon trước năm 1954. lúc đó trên những tờ báo hàng ngày, ngoài những tin tức chiến sự, tin tức về cuộc đàm phán ở Hội Nghị Genèvre, phần lớn các báo đăng thông cáo của Toà Đô Chánh, đăng các tin liên quan tới giờ giới nghiêm và trật tự an ninh của Saigon và các quận. Về tiểu thuyết, các báo đăng tiểu thuyết tình cảm của bà Tùng Long, chuyện kinh dị: Con ma vú dài trong khám lớn Saigon, chuyện Cậu Tư Cẩu của Lê Xuyên, chuyện Bách Xi Ma Hoàng Ngọc Ẩn của nhà tiều thuyết trinh thám Phú Đức. Tin tức của các đoàn hát cải lương, hát bội hay phim ảnh thì chỉ đăng một vài cột báo ở trương sau. Bài phê bình của báo chí dành cho sân khấu và nghệ sĩ cải lương cũng rất hiếm có.

    Như đã kể trên, những năm cuối thập niên 1950 đến những năm đầu thập niên 1960, cuộc sống được ổn định, dân chúng làm ăn phát đạt nên tiêu xài rộng rãi. Ban đêm đường phố Saigon, Chợ Lớn và Gia Định đông nghẹt xe cộ và người đi lại. Các hàng quán bán thức ăn, đồ dùng đều rất đông khách hàng. Các gánh hát bội, hát cải lương, các rạp chiếu bóng cũng nghẹt khán giả. Báo chí hàng ngày đăng tải nhiều tin tức hơn và bắt đầu có nhiều bài viết giới thiệu cuộc đời của các nghệ sĩ và phê bình tuồng tích. Khi chủ trương Giải Thanh Tâm được loan ra, các nghệ sĩ trẻ rất hoan nghinh và khán giả ái mộ cải lương cũng rất ủng hộ. Có khán giả viết thơ gởi cho các trang báo kịch trường để giới thiệu các nghệ sĩ tham dự giải Thanh Tâm.

    Ban tuyển chọn và chấm giải Thanh Tâm năm đầu tiên (1958) gồm 5 người: các ông Trần Tấn Quốc, Nguyễn Thành Châu (nghệ sĩ Năm Châu), Huỳnh Năng Nhiêu (nghệ sĩ Bảy Nhiêu), cô Phùng Há và một vị khán giả ái mộ cải lương Nguyễn Hoàng Minh.

    Điều kiện quy định cho nghệ sĩ cải lương tham dự Giải Thanh Tâm được công bố như sau:

    • – nữ nghệ sĩ tuổi từ 16 đến 21; nam nghệ sĩ tuổi từ 16 đến 24.
      – là nghệ sĩ đang hành nghề trong một đoàn hát, Ban chấm điểm sẽ căn cứ vào một tuồng hát cụ thể mà diễn viên đó có thủ diễn.
      – Điểm về khả năng ca và diễn là 20.
      – Điểm về sắc vóc là 20.
      – Điểm về đạo đức tư cách nghệ sĩ và tư cách công dân là 10.


    Riêng điểm đạo đức nghệ sĩ và tư cách công dân đã gây ra một cuộc tranh cãi sôi nổi trong các ký giả và nghệ sĩ. Nhiều người nói là tuyển chọn Nghệ Sĩ Triển Vọng là tuyển chọn về Thinh và Sắc, về nghệ thuật ca, diễn. Còn đạo đức nghệ sĩ và tư cách công dân thì đó là thuộc về đời tư của các nghệ sĩ. Nhưng ông Trần Tấn Quốc, chủ giải và các nghệ sĩ tiền phong Năm Châu, Phùng Há đều muốn nhân dịp có Giải Thanh Tâm, một giải văn nghệ dành cho nghệ sĩ cải lương để mà đào tạo một thế hệ nghệ sĩ mới, chẳng những ca hay hát giỏi mà còn phải có tư cách đạo đức để xóa đi cái thành kiến “xướng ca vô loại” mà từ lâu người ta gán cho giới nghệ sĩ. Còn về tư cách công dân thì có nghĩa là không sa vào tứ đổ tường (hút sách, cờ bạc, đàng điếm, trộm cắp) không phạm tội đối với luật pháp hiện hành thì mới xứng đáng được nhận giải thưởng Thanh Tâm

    Nữ nghệ sĩ Thanh Nga, 16 tuổi (sinh năm 1942) hội đủ các tiêu chuẩn về ca hay hát giỏi qua vai Sơn nữ Phà Ca trong tuồng Người vợ không bao giờ cưới của soạn giả Kiên Giang, cộng với các điểm tuyệt đối cao về sắc vóc và tư cách đạo dức, Thanh Nga được chọn là Nghệ sĩ triển vọng Huy Chương vàng Giải Thanh Tâm, năm đầu tiên của giải thưởng nầy (1958).

    Giải thưởng chẳng những đem danh dự về cho Thanh Nga và gia đình mà còn làm cho giới nghệ sĩ cải lương vui mừng phấn khích. Nên nhớ là từ trước tới nay, nghệ sĩ hát bội và cải lương bị miệt khinh là thằng kép với con đào, là xướng ca vô loại, lần đầu tiên được báo chí đem ra bình phẩm, tuyển chọn và trao cho huy chương vàng giải thưởng văn nghệ. Nghệ sĩ được huy chương vàng cũng được công chúng khán giả công nhận tài năng, nhan sắc và tư cách. Đây là vinh dự chung cho cả giới nghệ sĩ cải lương.

    Tôi còn nhớ ngày 04 tháng 4 năm 1959, lễ trao huy chương vàng và văn bằng Giải thưởng Thanh Tâm cho nữ nghệ sĩ Thanh Nga được tổ chức tại nhà hàng khách sạn Bồng Lai, gần nhà hàng Thanh Thế, đối diện với khu thương xá Tam Đa sau nầy. Ông Trần Tấn Quốc và Ban chấm giải thưởng Thanh Tâm đúng 6 giờ chiều đã có mặt tại nơi tổ chức lễ phát giải để đón tiếp các quan khách. Các ký giả kịch trường, các soạn giả của đoàn Thanh Minh, Hữu Phước, anh chị Hoàng Giang, Ngọc Chúng, Việt Hùng – Ngọc Nuôi, bé Hoàng Vân, Thu Ba, Minh Tấn, Văn Ngà cũng đã tới sớm tiếp chuyện với anh Út Trà Ôn chủ đoàn hát Kim Thanh, chị Bảy Kim Chưởng, Út Bạch Lan. Quan khách được mời tham dự tôi thấy có nhà học giả Vương Hồng Sển, ông trưởng tòa Phan Văn Thiết, ông trạng sư Dương Tấn Trương tức ký giả Tiểu Nguyên Tử, ông Bùi Văn Lượng (một công chức cao cấp, chồng của bà Phùng Há lúc đó) và một số sĩ quan cao cấp của quân đội mà tôi chỉ nhớ tên của ông đại tá Lam Sơn thôi.





    Sáu giờ rưỡi, cô Thanh Nga, ông bầu Nghĩa, bà bầu Thơ, ký giả Kiên Giang và Ngọc Linh đến. Buổi lễ rất long trọng, ông Trần Tấn Quốc thay mặt Ban chấm giải, đọc quyết định thưởng huy chương vàng cho nghệ sĩ Thanh Nga, trao bằng khen và một huy hiệu biểu tượng của giải thưởng. Ông Dương Tấn Trương và ông Vương Hồng Sển phát biểu cảm tưởng, khen những người chủ trương giải thưởng Thanh Tâm, khen Thanh Nga và hy vọng sân khấu cải lương nhân cơ hội nầy mà phát triển mạnh. Thanh Nga lên ngỏ lời cám ơn Ban tổ chức giải thưởng và quan khách. Bài phát biểu của Thanh Nga là do Kiên Giang viết, Thanh Nga xúc động thật sự khi đọc lời phát biểu nên đã chinh phục được cảm tình của mọi quan khách trong cuộc lễ đó. Hơn 8 giờ chấm dứt cuộc lễ, chúng tôi trở về rạp hát Nguyễn Văn Hảo thì cũng đúng giờ trình diễn. Đêm hát đó, Thanh Nga thủ vai Châu Long trong tuồng Lưu Bình Dương Lễ của soạn giả Kiên Giang.

    Sau khi vãn hát, nghệ sĩ của đoàn Thanh Minh và một số khán giả Mạnh Thường Quân ở lại rạp Nguyễn Văn Hảo, dự lễ cúng tạ ơn Tổ nghiệp của Thanh Nga. Đêm đó chúng tôi ăn nhậu say sưa, ca hát mừng vui cho Thanh Nga và đoàn hát.

    Tới gần sáng, tôi chạy xe vespa về nhà, vừa quẹo qua ngõ đường Nguyễn Cư Trinh thì bị cảnh sát công lộ thổi còi phạt. Cảnh sát nói tôi say rượu, chạy đảo lượn qua lượn lại. Tôi thấy anh hề Kim Quang cũng dựng xe vespa đứng gần đó. Anh ta bị phạt trước tôi. Khi cảnh sát hỏi giấy tờ xe và bằng lái, tôi đang loay hoay móc bóp thì anh hai Ngọc, chồng của cô đào Hoàng Vân chạy tới. Anh biết là tụi tui bị phạt nên ghé lại nói với anh cảnh sát công lộ: “Thôi, anh cho mấy chả đi đi. Mấy cha nghệ sĩ khi cúng Tổ mà không nhậu cho say là ông Tổ phạt đó. Anh cũng có vợ đào hát cải lương, anh biết chuyện đó quá mà sao lại phạt mấy cha đồng nghiệp của vợ anh vậy?” Tới chừng đó tôi mới biết anh Hai Ngọc là sếp ở bót Võ Tánh và anh cảnh sát công lộ là anh Son, chồng của cô đào Thu Cúc, ngày xưa cùng đi chung với tôi trong gánh hát Tiếng Chuông của bầu Cang. Tụi tui say quá, lại bị thổi phạt nên không nhận ra anh Son. Anh ta trả giấy tờ của hề Kim Quang lại, nói là để tụi tôi sợ cho tỉnh rượu, nếu không thổi phạt, bắt dừng xe lại thì không chừng tụi tôi đã đụng xe khác rồi.

    Được tha, khỏi phải ngủ bót vì say rượu nên lần nầy tôi đẩy xe đi một khoảng khá xa cho thật tỉnh rượu rồi tôi mới tà tà đạp máy xe cho nổ lên, chạy chầm chậm về nhà.
    Trưa hôm đó, tôi đang còn ngái ngủ và cảm thấy nhức đầu vì cuộc tiệc rượu quá trớn hôm qua, thì anh tài xế của bà bầu Thơ vô nhà tôi, nói là bà bầu biểu tôi kêu anh hề Châu Hí lo dò tuồng để tối nay hát thế cho hề Kim Quang. Đêm rồi, Kim Quang được anh Son cảnh sát công lộ tha cho không phạt vì tội say rượu, anh ta lớn tiếng hét cho mọi người biết là anh không có say, rồi để chứng minh là anh ta rất tỉnh nên anh đã phóng xe vespa, chạy thật nhanh. Tới góc đường Bùi Viện, hề Kim Quang phóng luôn vô lề đường, ủi vô vách tường, té bể đầu, ngã ra bất tỉnh. Cảnh sát chở anh vô nhà thương Bình Dân. Hai ngày sau anh mới ra khỏi nhà thương, cái đầu còn mang băng trắng. Hề Kim Quang cằn nhằn: Anh Hai Ngọc hại tui mà! Phải chi bữa đó ảnh để cho cảnh sát công lộ bắt giữ cái xe của tui lại thì tui đâu có chạy đụng xe cho bể đầu.

    Anh Hai Ngọc giận vì câu nói vô ơn của hề Kim Quang, thề không vô chơi trong gánh hát Thanh Minh nữa. Báo hại anh Hoàng Giang, Việt Hùng phải dẫn Kim Quang tới xin lỗi anh Hai Ngọc. Có một ông xếp công an thân thiện giúp đở thì nghệ sĩ trong gánh hát cũng đỡ phải bị phạt vạ lôi thôi, nhứt là bị phạt về cái khoản đậu xe ẩu, lái xe ẩu…

    Kỷ niệm nhân ngày cô Thanh Nga lãnh huy chương vàng giải Thanh Tâm mà tôi nhớ hoài là cái kỷ niệm say rượu của hề Kim Quang, tôi tự hứa là mai sau dầu có cuộc tiệc vui cỡ nào đi nữa thì tôi nhứt định cũng sẽ không uống rượu say.

    Các năm sau Huy chương vàng giải Thanh Tâm vẫn được tổ chức cho đến năm 1968 thì giải Thanh Tâm mới chấm dứt.

    Năm 1959 trở về sau, thành phần Ban Tuyển chọn và Chấm giải có tăng cường thêm các ông Bạch Tùng Hương, Kiên Giang, Phong Vân, Hà Triều. Ban thơ ký đoàn có Thu An, Nguyễn Phương, Mộc Linh, Lê Khanh và Hoàng Khâm. Số diễn viên được chọn cũng tùy theo sự giới thiệu và bình chọn trong năm nên có năm chọn một nghệ sĩ huy chương vàng, có năm chọn được nhiều nghệ sĩ hơn. Các lần phát giải thưởng Thanh Tâm sau được tổ chức ngay tại rạp hát lớn như rạp hát Nguyễn Văn Hảo, rạp hát Hào Huê, rạp hát Thủ Đô Chợ Lớn và khi rạp hát Hưng Đạo khánh thành thì thường thường lễ phát giải Thanh Tâm được tổ chức trong rạp Hưng Đạo vì rạp đó ở trung tâm thành phố.

    Tôi còn nhớ:

    • Năm 1958, huy chương vàng của giải Thanh Tâm phát cho nữ nghệ sĩ Thanh Nga.

      Năm 1959, huy chương vàng cho Lan Chi và Hùng Minh.

      Năm 1960, huy chương vàng cho Bích Sơn và Ngọc Giàu.

      Năm 1961: Thanh Thanh Hoa.

      Năm 1962: Ánh Hồng và Ngọc Hương.

      Năm 1963: Tấn Tài, N.S Diệp Lang, Thanh Tú, Bạch Tuyết, Kim Loan và Trương Ánh Loan.

      Năm 1964: Thanh Sang và Lệ Thủy.

      Năm 1965: Bo Bo Hoàng và Thanh Nguyệt

      Năm 1966: Phương Quang và Phượng Liên.

      Năm 1967: Bảo Quốc, Mỹ Châu, Phương Bình và Ngọc Bích.


    Sau cái tết Mậu Thân 1968, mọi hoạt động của các đoàn hát cải lương đều bị ảnh hưởng vì chiến sự nên có nhiếu gánh hát rã, hoạt động không đều nên giải Thanh Tâm cũng ngưng việc tuyển chọn và phát thưởng cho nghệ sĩ.

    Nghệ sĩ được huy chương vàng giải Thanh Tâm mang cái tâm trạng của một sĩ tử thi đậu trạng nguyên và tổ chức ăn khao như quan trạng về làng trong tuồng hát.

    Người được huy chương vàng đầu tiên là nữ nghệ sĩ Thanh Nga thì cha mẹ của Thanh Nga tổ chức lễ cúng tạ ơn Tổ nghiệp thật long trọng tại rạp hát Nguyễn Văn Hảo, sau đó có tiệc rượu khoản đãi toàn thể nghệ sĩ và công nhân sân khấu của đoàn hát và các khán giả thân hữu.

    Nghệ sĩ Ngọc Giàu khi được huy chương, nhận được tiền contrat gấp đôi nên về Thủ Thiêm cất nhà mới cho cha mẹ ở và tổ chức ăn tân gia, mời cả xóm tới chung vui ăn nhậu.

    Nghệ sĩ Tấn Tài thì xin Bầu Long nghỉ hát đoàn Kim Chung một tuần lễ, về quê ở xã Vĩnh Trạch, huyện Núi Sập, làm một con bò và bốn con heo quay để cúng ông bà và mời cả làng tới ăn nhậu. Tiệc rượu có đàn ca tài tử ba ngày ba đêm mới xong. Theo anh Tấn Tài về quê ăn khao có ký giả kịch trường Hoài Ngọc và Huỳnh Công Minh nên khi Tấn Tài trở về Saigon hát cho đoàn Kim Chung thì báo Tiếng Dội kịch trường có viết bài và đăng ảnh các cuộc tiệc của Tấn Tài khoản đãi cả làng để mừng huy chương vàng giải Thanh Tâm.

    Giải thưởng Thanh Tâm từ năm 1958 đến năm 1967 (mười năm) tuyển chọn được 24 nghệ sĩ huy chương vàng. Các nghệ sĩ đó xứng đáng được trao cho giải thưởng cao qúy của ngành sân khấu cải lương vì trải dài hơn bốn chục năm liên tục hành nghề, các nghệ sĩ huy chương vàng đó vẫn giữ được phong độ, tài năng ca diễn và tư cách đứng đắn của một nghệ sĩ được cả giới ái mộ.

    Ngoại trừ Thanh Nga, Phương Bình, Trương Ánh Loan đã mất, Kim Loan (đổi tên là Mộng Tuyền) đi định cư bên Pháp. Mỹ Châu, Phượng Liên, Bích Sơn đi định cư bên Mỹ. Còn lại 17 nghệ sĩ huy chương vàng ở lại trong nước, tiếp tục góp phần xây dựng một thế hệ nghệ sĩ trẻ mới: các huy chương vàng triển vọng của giải Trần Hữu Trang sau nầy.

    Trong trang sử kịch nghệ của sân khấu Việt Nam, ngoài sự truyền nghề trong gia đình của các dòng dõi nghệ sĩ Bầu Thắng, Minh Tơ, Thành Tôn, Năm Nghĩa… còn phải kể công lao không nhỏ của ông Trần Tấn Quốc và tất cả những thành viên trong Ban Tuyển chọn nghệ sĩ giải thưởng Thanh Tâm, các ký giả kịch trường đã góp công giúp cho việc đào tạo một thế hệ nghệ sĩ cải lương đầu đủ tài năng và phẩm cách như dã kể trên.

    Soạn giả Nguyễn Phương


    Nguồn:http://vietluan.com.au


              
Trả lời

Quay về “Soạn giả Nguyễn Phương và Hồi ký Cổ nhạc”