Hoàng Việt, nghệ sĩ tài ba ít được nhắc đến

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Hoàng Việt, nghệ sĩ tài ba ít được nhắc đến

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Hoàng Việt, nghệ sĩ tài ba ít được nhắc đến






    Nữ nghệ sĩ Lý Mỹ Hạnh ở Toulouse- Pháp gởi email cho tôi biết: bạn TG viết tiểu sử soạn giả Hoàng Việt như sau: “Hoàng Việt tên Phan Văn Việt, sanh ngày 3 tháng 11 năm 1928, đài trưởng đoàn Dạ Lý Hương từ năm 1963” và hỏi tôi đúng không?

    Vợ chồng anh Hoàng Việt là bạn thân với vợ chồng tôi (Nguyễn Phương)từ năm 1952 cho đến ngày anh Hoàng Việt mất năm 1983. Anh Hoàng Việt và Nguyễn Phương từng giúp việc cho các gánh hát Thanh Minh (Bầu Nghĩa) Kim Thoa bầu Ngô Thiên Khai, đoàn Thanh Minh Thanh Nga, đoàn Dạ Lý Hương…vì vậy tôi xin góp ý về tiểu sử của Hoàng Việt để cho bạn nào viết về lịch sử cải lương trước năm 1975 sử dụng.
    Anh Hoàng Việt tên thật là Trần Đức Hảo, sanh năm 1924, quê Mỹ tho, học trường Collège de Mytho, khóa 1939 – 1943 hiệu trưởng trường Collège de Mytho là ông Jalat. (Năm 1942, ông Jalat nghỉ hưu, ông Nguyễn Thành Giung thay làm Hiệu Trưởng)

    Anh Trần Đức Hảo đậu bằng Thành Chung. Năm 1944 anh Hảo học trường Normal, cơ sở Trường ở gần Thảo Cầm Viên Saigon. (Sau năm 1954, trường Normal nhường cơ sở cho trường Võ Trường Toản từ Bắc di cư vào Nam sau hiệp định đình chiến Genèvre).
    Năm 1945, anh Hảo theo Đội Du Kích Mỹtho do thầy giáo Bùi Văn Long thành lập, đi kháng chiến chống Pháp. Năm 1948 trở về Sàigòn dạy nhạc trường Huỳnh Khương Ninh Dakao, cùng với giáo sư nhạc sĩ Lai Minh Lương. Thời gian này anh Trần Đức Hảo lấy tên là nhạc sĩ Hoàng Việt, ban ngày dạy nhạc, ban đêm đờn contre basse trong Ban nhạc Đức Quỳnh, ở dancing Le Baccara số 165 đường Testard. Nhạc trưởng Đức Quỳnhthổi Saxophone, nữ nhạc sĩ Ngọc Thanh: Piano, Huỳnh Háo: Trống, Trần Tỉ: Clarinette, Hoàng Việt: Contre basse.Đường Testard sau 1954 đổi thành tên đường Trần Quý Cáp, sau năm 1975 đổi thành tên đường Võ Văn Tần.

    Năm 1952 tôi là soạn giả đoàn hát Việt Kịch Năm Châu, thời gian này có phong trào Truyền Bá Quốc Ngữ do các giáo sư Huỳnh Khương Ninh tổ chức dạy cho những người lớn dốt chữ ở vùng Dakao, Tân Định, khu quanh chợ Bà Chiểu. Giáo sư Việt văn Bùi Đức Tịnh viết các kịch ngắn có nội dung Khuyến học, tập cho các học sinh Huỳnh Thúc Kháng diễn nhân dịp tổ chức bế mạc mỗi khóa học “Truyền Bá Quốc Ngữ”. Giáo sư Bùi Đức Tịnh và giáo sư Thường đến trại Năm Châu, xin nhờ hai nghệ sĩ đến dạy các học sinh diễn kịch. Nghệ sĩ Văn Lâu và Nguyễn Phương được anh Năm Châu phái đến trường Huỳnh Khương Ninh để tập cho học sinh diễn kịch. Nguyễn Phương và Trần Đức Hảo (tức nhạc sĩ Hoàng Việt) gặp lại nhau. Hai chúng tôi cùng quê ở tỉnh Mỹ tho, học cùng trường, kẻ trước cách người sau vài năm nên gặp nhau là thân nhau ngay.
    Năm 1954, Pháp ra lịnh đóng cửa trường Huỳnh Khương Ninh, nhân dịp này tôi rủ nhạc sĩ Hoàng Việt gia nhập đoàn cải lương Việt Kịch Năm Châu. Lúc ấy đoàn Việt Kịch Năm Châu hát rất đông khách nhờ tuồng Thi ca vũ nhạc Tây Thi, Gái nước Việt. Dàn tân nhạc của đoàn đang thiếu một nhạc sĩ đờn guitare điện và contre basse. Nhạc sĩ Hoàng Việt được thu nhận vào Ban tân nhạc của đoàn Việt Kịch Năm Châu. Á Tường đờn Piano, Thầy Tư: Violon, Tám Lang: trồng, Hai Kèn: Saxo, Hoàng Việt: Guitare điện và contre basse.
    Năm 1955, Đoàn Việt Kịch Năm Châu rã, Quản lý Tám Kiết lấy xác gánh đoàn VKNC dựng thành Đoàn Phước Chung, Hoàng Việt rời đoàn, gia nhập gánh hát Kim Thoa Bầu Khai. Nhạc Sĩ Piano Ngọc Bê, Trống Sáu Đen, Trompette Má Xã, Saxo Hai Kèn, Guitare điện và contre Basse Hoàng Việt. Đoàn hát Kim Thoa bị liệng lựu đạn trên sân khấu, nghệ sĩ Duy Lân bị cụt chân, kép phụ tên Phiên, ký giả Ba Cương chết, đoàn hát rã ở tỉnh Gò Công. Nhạc sĩ Hoàng Việt về Sàigòn, gia nhập đoàn Thanh Minh Bầu Nghĩa. Hoàng Việt tiếp tục làm nhạc sĩ, nhạc trưởng các đoàn hát sau đây: Đoàn Thanh Minh Thanh Nga, đoàn Thống Nhứt – Út Trà Ôn. Năm 1965, Hoàng Việt là nhạc trưởng Đoàn Dạ Lý Hương bầu Xuân; năm 1972, anh gia nhập đoàn hát Thái Dương của bà bầu Tiêu Thị Mai…

    Nghệ sĩ Hoàng Việt từ năm 1954 đến năm 1968, chỉ hành nghề nhạc sĩ (Dạy nhạc, nhạc sĩ phòng trà và sau là nhạc sĩ, nhạc trưởng các đoàn hát cải lương.) Vì anh là nhạc trưởng ban Tân nhạc, anh soạn nhạc để ban nhạc minh họa cho các lớp diễn trên sân khấu theo ý của soạn giả, anh đã góp nhiều ý kiến bổ ích cho soạn giả để dàn dựng tuồng.

    Tôi thường đến nhà anh Hoàng Việt chơi. Nhà anh ở số 188/10 hẻm Cao Đạt(còn được gọi là cư xá Cao Đạt) ở gần cầu chữ Y. Cư xá mới cất xong có 30 căn, anh chị Hoàng Việt ở căn số 10 nên người trong xóm đó gọi anh chị Mười Việt. Vợ chồng Ngọc Nuôi, Việt Hùng, vợ chồng anh Chiêu Anh & Kim Nên và ca sĩ Thái Châu, vợ chồng quản lý đoàn Thanh Minh Thanh Nga Bảy Liêm cũng mua nhà trong cư xá Cao Đạt đó. Chị Mười Việt là nữ giáo sư trường Nữ Trung Học Đức Trí đường Nguyễn Trãi, gần cổng chính của Tổng Nha Cảnh Sát Sàigòn. Sau khi sanh con gái đầu lòng (tên Trần thị Bích Đào) chị Mười Việt nghỉ dạy học, lo việc nội trợ, anh Hoàng Việt vẫn là nhạc trưởng Ban nhạc đoàn Thanh Minh Thanh Nga.(Trần thị Bích Đào cóchồng và có một con trai trên 10 tuổi, hiện định cư ở Adelaidetiểu bang Nam Úc – Úc Châu)
    Hai năm 1963 – 1964, vì có nhiều cuộc biểu tình của sinh viên, học sinh, Phật tử, có đảo chính mấy lần, có chỉnh lý và có việc xé hiến chương Vũng Tàu của Đại tướng Nguyễn Khánh, Sàigòn Chợ Lớn và Gia Định thường bị giới nghiêm, các đoàn hát không hát được, nhiều đoàn hát rã gánh. Nhạc sĩ Hoàng Việt rời đoàn Thanh Minh Thanh Nga, anh hợp tác với soạn giả Loan Thảo trong việc sáng tác và thu thanh tuồng hát cho hãng dĩa Việt Nam. Trên bao dĩa hát và trên băng cassette tuồng cải lương của hãng Việt Nam Lê văn Tài, các tuồng Sở Vân cứu giá, Bông Hồng Sa mạc, Tiêu Anh Phụng có để tên soạn giả Loan Thảo và soạn giả Hoàng Việt. Tuồng Hoa Mộc Lan là tuồng của soạn giả Viễn Châu và Nguyễn Ang Ca, tuồng Lan và Điệp là của soạn giả Viễn Châu. Tôi nhớ Cải Lương trước 1975, không có tuồng Đường nào lên Thiên Thai và tuồng Con gái vua Trần Nhân Tông.

    Năm 1965 khi Bầu Xuân lập gánh hát Hoa Mùa Xuân ở hãng giấy Kiss Me, anh Hoàng Việt được mời làm nhạc trưởng tân nhạc của đoàn Hoa Mùa Xuân, sau đổi lại là đoàn Dạ Lý Hương.(Trước năm 1975, các đoàn hát cải lương không có chức vụ đài trưởng, đạo diễn. Soạn giả đứng ra tập tuồng, làm công tác đạo diễn nhưng không mang danh là đạo diễn. Nghệ sĩ gọi soạn giả là ông thấy tuồng.)
    Sau năm 1975, nhạc sĩ Hoàng Việt lên tỉnh Sông Bé(tức tỉnh Bình Dương – Thủ Dầu Một) giúp Bầu Xuân lập đoàn hát Sông Bé – Mộng Tuyền. Hoàng Việt sửa một số tuồng cũ của đoàn Dạ Lý Hương, đổi tên tuồng cho hợp với ý của Sở VHTT tỉnh Sông Bé để đoàn hát Sông Bé – Mộng Tuyền diễn nhưng không để tên soạn giả Hoàng Việt.

    Năm 1978, sau khi nữ nghệ sĩ Thanh Nga bị giết, các đoàn hát rộ lên hát tuồng Thái Hậu Dương Vân Nga, biểu dương tinh thần một Dương Vân Nga ngã xuống, hàng loạt Dương Vân Nga khác nối chí chống xăm lăng đứng lên. Sau 12 ngày tạm nghỉ làm tang lễ cho vợ chồng Thanh Nga, đoàn Thanh Minh Thanh Nga dựng lại vở Thái Hậu Dương Vân Nga với nữ nghệ sĩ Kim Hương thủ vai Dương Vân Nga. Các đoàn hát khác ở thành phố cũng dựng vở Thái Hậu Dương Vân Nga với các nữ nghệ sĩ sau đây thủ vai Dương Vân Nga: Thanh Vy, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Phượng Liên, Thanh Thanh Hoa, Mộng Tuyền, Phượng Mai, Ngân Hà. Tuồng Thái Hậu Dương Vân Nga này là của soạn giả miền Bắc Trúc Đường, soạn giả Huy Trường chuyển thể.Đoàn Văn Công do Chi Lăng làm trưởng đoàn tổ chức một nhóm soạn giả gồm có Hoa Phượng và Hoàng Việt dưới sự góp ý của soạn giả kiêm đạo diễn Chi Lăng sáng tác một tuồng Thái Hậu Dương Vân Nga khác, khác về bố cục câu chuyện, văn chương, ca khúc, diễn xuất, y trang. Vở tuồng Thái Hậu Dương Vân Nga mới đó do nữ nghệ sĩ Bạch Tuyết và Ngọc Giàu thay phiên diễn vai chánh. Vở Thái Hậu Dương Vân Nga của đoàn Văn Công do Chi Lăng đạo diễn được khán giả thích hơn vở tuồng của Trúc Đường và Huy Trường chuyển thể vì tuồng của Hoàng Việt và Hoa Phượng văn chương hay hơn, nội tâm của nhân vật sâu sắc hơn.

    Vài đoạn văn tuồng Thái Hậu Dương Vân Nga của hai soạn giả Hoa Phượng và Hoàng Việt:

    Bà cố mẫu (Hồng Nga)nghe lời xúc xiểm của Đinh Điền, Nguyễn Bặc, sợ Dương Vân Nga trao quyền cho Lê Hoàn, đưa giang sơn cho giòng họ khác. Bà tức giận. Tì nữ dâng trà thì Dương Vân Nga tới. Bà cố mẫu từ từ quay lại, bưng tách trà đổ nước xuống nền đá. Dương Vân Nga sửng sốt:

    Bà cố mẫu nhìn theo những giọt nước vừa đổ xuống, cất giọng lạnh như băng:
    – Nước đã đổ rồi, có hốt lại được đâu. Hẳn là con dâu của mẹ cũng nghe qua lời xưa tích cũ. Kìa…nước thấm thềm hoa, nước đi vào lòng đất để tìm lại gốc cũ người xưa. Con ôi, nguồn cội họ Đinh, xuất phát từ nơi mẹ vừa đổ nước. Trên mảnh đất ướt mà mẹ con ta đang đối mặt nhìn nhau. Nơi đây bây giờ cửa cuốn rèm che, chớ trước kia là hang sâu động thẳm, nơi mà người mẹ góa đầu đội mưa nguồn, chân leo dốc vắng,tháng ngày lặng lẽ, thắt lưng buộc bụng lầm lũi nuôi con cho đến khi con khôn lớn nên…
    (vọng cổ)… Người…Chung quanh ta xưa kia hoa lao san sát non ngàn…Nhớ thuở thằng bé bẻ lau làm cờ tập trận. Trâu thả lưng đèo, vắt vẻo tiếng sáo khuya, chỗ nầy xưa kia chỉ là mái tranh nghèo, gió lùa vách núi từng cơn, mẹ góa con côi, sống kiếp mục đồng, học điều nhân nghĩa.

    Và đây một đoạn văn khác:

    Hay tin vua Đinh băng hà, giặc Tống kéo quân dòm ngó cõi bờ Đại Việt. Sợ sự nghiệp nhà Đinh sẽ rơi vào tay họ khác, các cựu thần triều Đinh dùng mọi âm mưu để lung lạc Thái Hậu mong tước quyền bính trong tay Lê Hoàn. Trong tình cảnh dầu sôi lửa bỏng, một mình bà phải lựa chọn giữa nợ nước tình nhà:

    -Ta đứng đây đã thấy ngã ba sông. Chảy trong óc trong tim trong trang sử Tiên Rồng, thuyền xã tắc phân vân bề tiến thoái. Đất nước hỏi ai xứng là gạch nối để gắn liền hãnh diện giữa xưa sau? Để cho ta trang trọng khoát long bào, ngôi cửu ngũ từ nay đà có chủ…(Trăn trở, toan tính, bà biết dẫu rằng bà…)Sau rèm rũ đã tinh tài má phấn, lái thuyền thay văn, võ vửng tay chèo, một lệnh truyền trăm họ phải tuân theo, nhưng ta không thể đem tài má phấn mà sánh với đức cao cả của Lê Hoàn.(và bà quyết định)Giang san nầy là của chung trăm họ, nào phải đâu riêng của nhà Đinh.

    Dương Vân Nga không phải là một bà mệnh phụ già nua chỉ biết buông rèm chấp chánh mà là cô gái thanh xuân đang gánh trên vai trọng trách nước non, nếu biết cầm thương lên ngựa, hẳn bà cũng thân chinh ra chốn chiến trường mà trúc mọi căm hờn lên đầu quân xâm lược, để cho triều thần biết rằng:

    – Nếu hôm xưa yếu hèn nhu nhược, thì ngày nay sông núi đã không còn. Lấy gì để mến nước thương non, cần chi hỏi nhau hòa hay chiến. Ta sẽ chiêu hùng quyết tâm vượt biển, với niềm tin sẽ thắng được ba đào. Hởi ba quân tướng sĩ! Các ngươi hãy cùng ta dàn hàng, hãy cùng ta xông tới. Nói với bọn giặc Tống biết rằng: Kẻ vay máu xương thì phải trả bằng máu xương, ai thích hỏi giáo gươm sẽ được trả lời bằng gươm giáo….

    Qua vở tuồng Thái Hậu Dương Vân Nga của hai soạn giả Hoa Phượng và Hoàng Việt, các nghệ sĩ cải lương trong thập niên 70, 80 đều công nhận Hoàng Việt có khả năng sáng tác và đạo diễn tuồng như phần đông các soạn giả tên tuổi của miền Nam trong thời buổi đó, nhưng Hoàng Việt không thích bị ràng buộc, không phải sống tùy thuộc về đồng lương của gánh hát. Anh chị Hoàng Việt là con của hai nhà địa chủ, có nhiều ruộng đất ở Gò Công, Mỹtho. Anh như kẻ nhàn rỗi mượn phương tiện của đoàn hát để đi du ngoạn, đến được nhiều tỉnh, nhiều làng xã, vui vẻ với bè bạn, vui câu ca điệu nhạc, không bị câu thúc theo nếp sống mô phạm của nhà giáo mặc dù anh chị đều từng là giáo sư dạy ở các trường Trung Học.
    Hỏi quan niệm Sống của anh, anh cười, nói:

    • – Trời cho sống ở trần gian
      Thì nên vui hưởng, bình an trong lòng
      Ban ngày nhìn áng mây hồng,
      Nghe con chim hát, nhìn bông hoa cười,
      Ban đêm nhìn ánh sao trời,
      Nhìn trăng tình tứ, nhìn đời mê ly,
      Vậy thì quẳng gánh lo đi,
      Sống vui, sống khoẻ, tội chi sống buồn?
      Nhớ ông bạn Lão Ngoan Đồng Hoàng Việt.


    Soạn giả Nguyễn Phương
    Cuối tháng 5 / 2018



    Nguồn:http://vietluan.com.au




              
Trả lời

Quay về “Soạn giả Nguyễn Phương và Hồi ký Cổ nhạc”