Nữ Nghệ Sĩ Phượng Liên

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Nữ Nghệ Sĩ Phượng Liên

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    Nữ Nghệ Sĩ
    Phượng Liên

    ____________________
    Soạn giả Nguyễn Phương - 4/2018




              

              


    Giáo sư Lê Hà Quảng Lan bạn đồng môn trường Collège de Mytho VN hỏi tại sao tôi không viết giới thiệu nữ nghệ sĩ Phượng Liên hay những nam nữ nghệ sĩ hiện đang định cư ở Hoa Kỳ?

    Tôi nhiều lần đi Westminter và San José, gặp các nghệ sĩ Thành Được, Phượng Liên, Bình Trang, Ngọc Đan Thanh, Chí Tâm, Hương Huyền, Phương Hồng Chi, Hương Sắc, Tuấn Châu, Linh Tuấn, Thanh Huyền, Linh Tâm, Tài Linh, Kim Tuyến, Bích Sơn, Huyền Trân, (Việt Hùng, Ngọc Nuôi, Văn Chung đã mất), nhạc sĩ Kim Nguyên, nhạc sĩ đàn tranh Bích Thuận, nhạc sĩ Nguyễn Hoàng, nhạc sĩ Ngọc Dung – Minh Quang, các ca sĩ tài tử Giang Thanh, Hoàng Kim Vân, Văn Khôi, Hoàng Diễm, Kim Anh, Đông Thành, Thanh Thanh, Hoàng Kim, Bùi Thị Yến, Mỹ Trinh, Thiên Hương…

    Sau mỗi chuyến du lịch, tôi đều có viết về các nghệ sĩ cải lương định cư nơi đó. Bây giờ tôi không nhớ đã giới thiệu nghệ sĩ nào và chưa giới thiệu nghệ sĩ nào. Hôm nay, tôi xin đáp ứng yêu cầu của giáo sư Lê Hà Quảng Lan, viết về nữ nghệ sĩ Phương Liên ở Westminster Hoa Kỳ.





    Tuổi Trẻ Phượng Liên:
    Tiếng hát nữ sinh trên bến Ninh Kiều


    Theo lời kể của Phượng Liên, cha cô tên Nguyễn Tùng Sơn, sĩ quan Tiểu đoàn kỵ binh Pháp trú đóng tại Phụng Hiệp tỉnh Cần Thơ (1945). Ông lấy vợ tỉnh Cần Thơ, hai vợ chồng sống trong trại trú quân của Tiểu đoàn ở Phụng Hiệp. Hai tháng sau khi vợ ông sanh ra đứa con gái đầu lòng, ông bị tử trận, an táng tại đất thánh Tây tỉnh Cần Thơ. Vợ con ông về thành phố Cần Thơ sinh sống. Một người bạn thân của ông Nguyễn Tùng Sơn giúp làm khai sanh cho con gái của ông Tùng Sơn, đặt tên là Lữ Phụng Liên, sanh ngày 14 tháng 7 năm 1947, tại Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ.

    Phụng Liên học trường Tiểu Học Đạt Đức ở tỉnh Cần Thơ. Trong những năm 1956, 57, 58, trường học có phong trào văn nghệ học đường, hát gây quỹ giúp đồng bào miền Bắc di cư được định cư ở Cái Sắn, Phụng Liên năm 11 tuổi, tham gia Ban văn nghệ Tây Đô, cô là một giọng ca xuất sắc trong những buổi diễn văn nghệ của nhà trường. Trong một buổi ca nhạc do Ban Thông Tin tỉnh Cần Thơ tổ chức (thời đệ nhất Cộng Hòa) tại bến Ninh Kiều, có nhiều Ban ca nhạc các trường học trong tỉnh Cần Thơ tham dự, Ban ca nhạc Tây Đô giựt giải nhất và Phụng Liên được tặng giải thưởng ca sĩ hay nhất, được cảm tình nhiều nhất trong chương trình ca nhạc đó.

    Phụng Liên được ông Trưởng Ban ca nhạc Tây Đô là Giám Học Trường Tiểu Học Đạt Đức đặt cho nghệ danh là Phượng Liên. Mùa hè năm đó, Ban ca nhạc Tây Đô tổ chức hát trong tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bạc Liêu và Cà Mau để gây quỹ học đường, giúp học bổng cho các học sinh nghèo của xã để các bạn trẻ này được tiếp tục học các lớp trung học tỉnh Cần Thơ. Phượng Liên là một ca sĩ không thể thiếu trong các buổi biểu diễn đó. Cô tham gia đóng kịch, tài năng sân khấu phát lộ ra qua thời gian hoạt động văn nghệ học đường.

    Đoàn cải lương Kiên Giang diễn ở rạp Minh Châu, Châu Thành Cần Thơ. Ban ca nhạc Tây Đô với ban ca nhạc các trường tổ chức đại nhạc hội, diễn trên sân khấu rạp Minh Châu, nên mượn dàn âm thanh, ánh sáng và trang trí của đoàn cải lương Kiên Giang. Diễn viên chánh của đoàn Kiên Giang là danh ca vọng cổ Phước Hậu, Giám Đốc Kỹ Thuật của đoàn hát nhìn ra giọng ca lạ và quý của Phượng Liên. Anh nói với Phượng Liên:
    • Giọng của em hay lắm, nếu em ca vọng cổ thì tuyệt, để anh hỏi má em coi bà có bằng lòng cho em học cổ nhạc không.

    Phước Hậu hỏi ý kiến thân mẫu của Phượng Liên. Bà bằng lòng. Soạn giả Điêu Huyền đã nghe qua giọng ca ngọt ngào của Phượng Liên nên thuyết phục ông bầu Kiên Giang thu nhận Phượng Liên là diễn viên trong đoàn. Phượng Liên được theo gánh hát, học hát có lương.

    Phượng Liên được Phước Hậu dạy cho ca vọng cổ, ca các bài bản nhỏ và cách nói lối, cách ngâm thơ trong các tuồng của đoàn. Soạn giả Điêu Huyền yêu cầu ông trưởng ban cổ nhạc dạy Phượng Liên ca để Phượng Liên ca 6 câu vọng cổ trước khi mở màn hát tuồng chánh thức. Về sau, khi cần thế vai nào vì nghệ sĩ bị bịnh bất ngờ thì Phượng Liên đều tình nguyện ra hát thế. Cô rất sáng dạ, đêm đêm ngồi bên cánh gà coi hát, học theo cách ca, cách diễn của các nghệ sĩ đàn anh, đàn chị, Phượng Liên thuộc nhiều vai tuồng nên thế vai trong những trường hợp bất ngờ, cấp bách đó đều thành công.

    Phượng Liên ca chắc nhịp, làn hơi phong phú, giọng ca và phong cách ca khó lẫn lộn với những giọng ca khác. Lúc đó Phượng Liên được 15 tuổi, cùng với mẹ theo đoàn hát lưu diễn miền Trung ròng rã 6 tháng, tiền lương được tăng cao nhưng khi về Sài gòn thì Phượng Liên xin rời đoàn vì không thể theo đoàn hát lưu diễn xa nữa. Trong đoàn có Diệp Lang và Phước Hậu là hai người dìu dắt, dạy hát và nâng đỡ tinh thần cho Phượng Liên, nay Phước Hậu và Diệp Lang đều rời đoàn Kiên Giang, Phượng Liên cũng bỏ đoàn để tìm đường khác tiến thân.





    Năm 1963, Phượng Liên chánh thức khởi nghiệp trên sân khấu đoàn cải lương Tuấn Kiệt, Phượng Liên đóng đào nhì trong tuồng Lặng Sóng Trùng Dương, tại rạp Nguyễn Văn Hảo, báo chí không ngớt lời khen ngợi Phượng Liên. Ký giả kịch trường Phong Vân tặng cho Phượng Liên danh hiệu “Viên Ngọc Quí miền Tây”.

    Vai thứ hai của Phượng Liên trên sân khấu Tuấn Kiệt là vai đào chánh trong tuồng Quán Trọ Hoàng Hôn của tác giả Tuấn Khanh.

    Trong những năm thập niên 60, có giọng ca vàng vọng cổ, bước vào sân khấu là nắm được vai đào chánh, kép chánh. Đây là thời điểm huy hoàng của những giọng ca vàng như Hữu Phước, Minh Vương, Minh Cảnh, Hùng Cường, Mỹ Châu, Lệ Thủy… Phượng Liên khởi nghiệp trong một thời điểm thuận lợi như vậy, nên sau khi thành công bước đầu trên sân khấu Tuấn Kiệt, được báo chí nhiều lần khen ngợi, các ông chủ hãng dĩa đổ xô tới mời Phượng Liên ca dĩa, ký contrat độc quyền của hãng họ.

              

    Thành Được và Phượng Liên

              
    Các đoàn hát chuyên nghiệp cũng không thể bỏ qua “viên ngọc quí miền Tây” nên bà bầu Kim Chưởng lập tức ký hợp đồng với Phượng Liên, một giao kèo bạc triệu trong năm 1964.

    Phượng Liên có giọng ca hay, trong suốt và ngân dài, một làn hơi lạ trong thời điểm mà các giọng ca vàng chiếm ngự sân khấu, đẩy lùi những tài năng diễn xuất vào dĩ vãng. Giọng ca của cô đã đặt cô vào vị trí đào chánh dù cô chưa đủ tài năng diễn xuất đáp ứng nhu cầu của các loại kịch chủng khác nhau. Cô may mắn gặp được danh sư nghệ sĩ kiêm bầu gánh Kim Chưởng rèn luyện nghệ thuật ca, diễn cho cô trong nhiều năm trời.

    Bà Bảy Chưởng nổi danh trong giới nghệ sĩ là một người giỏi tay nghề, nghiêm khắc chỉ dạy các nghệ sĩ trong đoàn. Chỉ riêng đoàn Kim Chưởng, dưới sự trực tiếp rèn luyện của cô Kim Chưởng, trong nhiều năm liên tiếp, đoàn Kim Chưởng đã đào tạo được 6 diễn viên đoạt huy chương vàng Giải Thanh Tâm. Đó là Ngọc Giàu, Diệp Lang, Trương Ánh Loan, Ánh Hồng, Phượng Liên và Thanh Nguyệt.

    Trên sân khấu Kim Chưởng, Phượng Liên đã thành công rực rỡ trong vai Túy Nữ Lam Kiều, một vai lẳng, mùi và độc trong tuồng Mùa Trăng Nhiều Nước Mắt của soạn giả Mộc Linh.

    Qua vở Quỷ Bảo cũng của soạn giả Mộc Linh, Phượng Liên đóng cặp với kép đẹp Dũng Thanh Lâm, cô đã nổi bật lên như một hiện tượng mới của sân khấu cải lương.

    19 tuổi Phượng Liên đoạt huy chương vàng giải Thanh Tâm khi thủ diễn một vai đào lẳng, mùi, độc trong tuồng Mặt Trời Đêm của soạn giả Tuấn Khanh.

    Phượng Liên cao ráo, dáng điệu khoan thai, sang trọng, da trắng như tuyết, mịn như nhung, miệng cười tươi như hoa nở, đôi mắt tình tứ, liếc bén như dao, một cô đào hội đủ các ưu điểm về thinh và sắc, lại được danh sư rèn luyện tay nghề, nên đoạt huy chương vàng giải Thanh Tâm là một điều có thể thấy trước được.

    Trên sân khấu Kim Chưởng, Phượng Liên đã thủ diễn nhiều vai xuất sắc trong các tuồng:
    • Mặt Trời Đêm, Quỷ Bảo, Thuyền ra cửa biển, Theo chân đao phủ thủ, Ảo ảnh Châu Bích Lệ, Nhà sư và tướng cướp, Sóng gió biệt vương cung, Huyết phiến lôi phong, Mây giăng đầu núi…
      của các soạn giả Mộc Linh, Tuấn Khanh, Thanh Cao, Quy Sắc, Thu An.

    Năm 20 tuổi, Phượng Liên kết hôn với nghệ sĩ Diệp Lang. Sau 4 năm chung sống, Phượng Liên có một đứa con trai với Diệp Lang. Sau đó hai người ly thân rồi ly dị luôn. Không nghe nói lỗi phải về ai.




    Rời Diệp Lang, Phượng Liên gia nhập đoàn cải lương Dạ Lý Hương, đóng tuồng với các nghệ sĩ Hùng Cường, Bạch Tuyết, Dũng Thanh Lâm, Văn Chung, Mai Lan…

    Cô thành công không khó qua các vai đào lẳng, mùi trong các tuồng
    • Lấy chồng xứ lạ, Kẻ Sợ Tình, Đời cô lẻ, Quân Vương và Thiếp, Chuyện ba trái tim, Người dừng chân đêm mưa, Lệnh của Bà…
      của các soạn giả Viễn Châu, Thiếu Linh, Nguyễn Phương, Dạ Quang, Hoàng Khâm…

    Khi Hùng Cường Bạch Tuyết lập gánh hát, Phượng Liên được mời về, đóng vai đào nhì sau Bạch Tuyết và cô cũng có những vai thành công lớn, được báo chí kịch trường khen tặng, qua các tuồng
    • Trăng Thề Vườn Thúy, Cho Trọn Cuộc Tình, Cánh Hoa Chùm Gởi, Tuổi Hồng Cho Em…

    Giọng ca ngọt ngào của Phượng Liên đã thêm sâu lắng, ngậm ngùi và đã lấy được nước mắt khán giả qua các cảnh bi thương của nhân vật mà Phượng Liên thủ diễn.





    Những năm đầu thập niên 70, một sĩ quan cao cấp trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa đeo đuổi theo Phượng Liên. Trước tấm chân tình đó, cô đáp lại bằng một tình yêu chân thật. Hai người chung sống vợ chồng với nhau. Sau 1975, vị sĩ quan đó bị bắt đi tù cải tạo miền Bắc.

    Đến năm 1977, cô gia nhập đoàn cải lương Sàigòn 1 và xuất sắc trong vai Thị Hến, tuồng Ngao, Sò, Ốc, Hến của soạn giả Nguyễn Thành Châu. Khi có được một vị trí vững vàng trên sân khấu đoàn cải lương Sàigòn 1, Phượng Liên liền xin giấy phép đi thăm nuôi chồng của cô ở trại cải tạo Hoàng Liên Sơn, miền Bắc. Phải ngợi khen sự gan dạ và mối tình chung thủy của Phượng Liên. Sau 1975, người nghệ sĩ sân khấu dám xin phép thăm nuôi chồng là sĩ quan cải tạo có thể nói là đếm được trên đầu ngón tay. Phượng Liên là một người đàn bà chung tình, quý hiếm như vậy đó. Sau khi ông đại tá được thả ra khỏi tù cải tạo, ông bèn làm lễ cưới chánh thức với Phượng Liên. Vài năm sau, Phượng Liên theo chồng sang dịnh cư tại Mỹ theo diện HO.





    Phượng Liên và chồng cô có cuộc sống sung túc, tự do thoải mái, nhưng Phượng Liên không có môi trường để đeo duổi theo nghề sân khấu mà cô ưa thích. Nhớ sân khấu, cô cùng với các bạn nghệ sĩ định cư ở Mỹ như Thành Được, Linh Tuấn, Thanh Huyền, Chí Tâm, Hương Huyền, Phước Hậu, Văn Chung… hát những trích đoạn cải lương trong các buổi sinh hoạt của cộng đồng, hát giúp các chương trình gây quỹ của quận Cam, hoặc hát trong các restaurant có chương trình ca nhạc.

    Phượng Liên và Thành Được thu một trích đoạn cải lương Ông Cò Quận 9 cho Thúy Nga Paris By Night, giọng ca vẫn ngọt ngào, truyền cảm, diễn xuất tinh tế, sâu lắng nên được khán giả nhiệt liệt ngợi khen.

    Phượng Liên hiện nay 71 tuổi, sắc đẹp vẫn còn tươi mát. Phải chăng ở hải ngoại, được tự do thật sự, tình cảm giữa con người với con người đối xử với nhau có nhân tính nên Phượng Liên hồn nhiên, tươi trẻ hơn số tuổi của cô. Phải mến thương, thông cảm một nữ nghệ sĩ đã dám bỏ những vinh quang nghề nghiệp của mình để thăm nuôi khi chồng bị tù cải tạo và sau đó cùng chồng định cư ở hải ngoại dù biết rằng đến nước người thì nghệ sĩ giống như con cá bị vớt ra khỏi nước, không còn vẫy vùng gì được nữa, chỉ còn cho mình cuộc sống tự do, không bị chế độ CS áp chế tinh thần là điều đáng quý rồi.

    Phượng Liên là viên ngọc quí của cải lương vùng Bắc Mỹ, quí vì tài năng, giọng ca điêu luyện, nhan sắc quyến rũ mà còn đáng cho khách mộ điệu trân quí Phượng Liên thêm vì tư cách đạo đức, vì tình yêu chung thủy của cô đã dành chồng cô.




    Soạn giả Nguyễn Phương
              
Trả lời

Quay về “Soạn giả Nguyễn Phương và Hồi ký Cổ nhạc”