Trang 1/1

Đệ nhất lão mùi: nghệ sĩ Minh Điển

Đã gửi: Thứ hai 28/05/18 13:32
bởi Hoàng Vân
  •           





    Đệ nhất lão mùi:
    nghệ sĩ Minh Điển
    ____________________
    Soạn giả Nguyễn Phương - 05/2018




              

    Nghệ sĩ Minh Diễn (áo đen)

              




    • “Cũng tại vì mình có Quê Hương
      Cũng tại vì mình có rất nhiều người thương ở đó”
    Hai câu thơ của nữ sĩ Huệ Thu trong bài “Hôm nay tôi làm bài thơ này tự do” gợi nhớ trong tôi hình ảnh thân thương của các bạn nghệ, những người đã từng chung sống với tôi hàng vài chục năm dưới bảng hiệu Đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga, những người tôi thương vẫn còn kẹt lại ở quê hương sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.

    Tính đến năm 2018 này, đã qua hơn bốn mươi năm, các bạn thân thương của tôi một số lớn đã ra người thiên cổ nhưng tôi lúc nào cũng nhớ đến các bạn đó vì nhớ đến họ là nhớ đến thời kỳ vàng son của sân khấu, nhớ đến cuộc sống được tự do sáng tác và biểu diễn, nhớ đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc và không bị áp bức, bị cướp bóc vì chế độ toàn trị của CS.



    Khán giả ái mộ cải lương trong hai thập niên 60, 70, nhất là những khán giả thích đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga đều có dịp thưởng thức tài nghệ của đệ nhất lão mùi Minh Ðiển.

    Nghệ sĩ Minh Điển tên thật Nguyễn Minh Ðiển, sanh năm 1924, tại xã An Trường, huyện Càn Long, tỉnh Trà Vinh. Cha mẹ làm nghề nông. Anh học hết lớp ba tiểu học, thích theo nhóm đờn ca tài tử trong thôn xóm. Năm 1934, Minh Ðiển được 10 tuổi, nhân dịp gánh hát Văn Hí Ban về hát ở quận Càn Long, anh bỏ nhà trốn theo để học hát.

    Theo lời Minh Ðiển thuật lại, anh vô gánh hát làm đệ tử của nghệ sĩ Hai Tiền, một nghệ sĩ tài danh trong hàng nghệ sĩ tiền phong. Anh giúp việc cho ông Hai Tiền như một người ở đợ, dọn dẹp tủ làm tuồng, giặt quần áo và đấm bóp cho ông Hai Tiền để đổi lại, ông dạy cho Minh Điển ca các bài bản cải lương. Thỉnh thoảng Minh Điển được cho ra sân khấu làm quân báo, bẩm báo vài câu trong tuồng hát.

    Minh Điển tỏ ra có năng khiếu, học ca biết bài bản mau lẹ, ca đúng nhịp nhàng, đúng điệu thức nhưng gánh hát Văn Hí Ban đều là những nghệ sĩ tài danh, Minh Điển không thể có một vai hát vì không có vai tuồng cho kép con. Nhạc sư Năm Hưng thấy anh siêng năng dễ dạy nên ông đờn kìm dạy cho Minh Điển ca các bài bản lớn và vọng cổ, đồng thời ông khuyên Minh Điển hằng đêm ngồi bên cánh gà coi hát, học hỏi các nghệ sĩ đàn anh đang diễn trên sân khấu. Một năm học nghệ chuyên cần, Minh Điển tiến bộ rất nhiều nhưng anh vẫn không có vai tuồng để hát, Minh Điển bèn gia nhập gánh hát Tỷ Phượng.

    Tính ra từ ngày trốn nhà theo đoàn hát, Minh Điển đã hát qua 5 đoàn hát trong vòng 24 năm, anh thủ diễn được các loại vai tuồng, được khán giả Hậu Giang và miền Trung tán thưởng. Tuy nhiên vì đi hát ở một đoàn trung ban, lại thường đi lưu diễn xa thành phố nên tên tuổi của nghệ sĩ Minh Điển ít được báo chí kịch trường nhắc nhở đến.

              

              
    Năm 1956, nghệ sĩ Minh Ðiển theo sư phụ nhạc sĩ Năm Hưng về đầu quân gánh hát Tân Hương Hoa của Bầu Vân Sinh. Năm 1958, Ðoàn Tân Hương Hoa hát tại rạp Nguyễn Văn Hảo, đoàn Thanh Minh hát tại rạp Thành Xương. Nhạc sĩ Năm Hưng bất đồng ý kiến với Bầu Sinh vì ông Bầu hay phát lương ngắt véo, chỉ phát từ lương đờ mi tới tiền cà phê thay vì phát lương đủ cho nghệ sĩ theo như giao kèo đã ký kết nên sau bến Nguyễn Văn Hảo, nhạc sĩ Năm Hưng nghỉ không cộng tác với Tân Hương Hoa của Bầu Sinh nữa.

    Ông về nhà ở Bến Vân Ðồn, mở lò cổ nhạc. Nghệ sĩ Minh Ðiển cũng theo thầy, nghỉ hát đoàn Tân Hương Hoa. Nhạc sĩ Năm Hưng giới thiệu nghệ sĩ Minh Ðiển với ông bầu Năm Nghĩa đoàn Thanh Minh. Minh Ðiển được thu nhận ngay và được cho thủ
    • vai Sử Gia Lê Văn Hưu trong tuồng Hồi Trống Vân Lâu của Thiếu Linh.

    Lúc đó Minh Điển mới có 34 tuổi, tuy còn trẻ nhưng giọng ca thật mùi, thật truyền cảm, Minh Điển hóa trang rất cẩn thận, diễn xuất tinh tế nên anh thành công xuất sắc trong vở tuồng của anh hát đầu tiên trên sân khấu Thanh Minh. Tôi còn nhớ khi sử gia Lê Văn Hưu bị Phan Quí Hữu, bộ tướng của Trương Phụ đâm một giáo và cướp đi pho sử, trước khi chết, Minh Điển trong vai sử gia và Thanh Nga lúc đó 16 tuổi trong vai Phương Hà con nuôi của sử gia, cùng ca chung bài Xàng Xê lớp xề khiến cho nhiều khán giả phải rơi lệ vì xúc động.

    Vai lão mùi đầu tiên thành công trở thành loại vai hát sở trường của nghệ sĩ Minh Điển trên sân khấu Thanh Minh và Thanh Minh Thanh Nga.
    • Với vai Bảy Dom trong tuồng Ngã Rẽ Tâm Tình,
      vai lão gác dan trong Đôi Mắt Người xưa,
      vai ông Phán trong tuồng Tình Xuân muôn Tuổi, và tuồng Bọt Biển Một,
      vai ông Tư Khoan trong Bọt Biển 2, vai ông Sáu Cá trong Bóng Chim Tăm Cá,
    những vở tuồng đó của Nguyễn Phương đã đưa cao tên tuổi nghệ sĩ lão mùi Minh Điển mà sau này khó có nghệ sĩ nào thế được các vai hát đó của Minh Điển. Anh lại thành công trong
    • vai ông Sáu, tuồng Nửa Đời Hương Phấn,
      ông Ba trong tuồng Đời Hai Mặt.


    Nhân dịp đoàn Thanh Minh Thanh Nga kỷ niệm 17 năm thành lập từ 1950 đến 1967, nghệ sĩ Minh Điển lúc đó đã hát 9 năm liên tục trên sân khấu Thanh Minh Thanh Nga, trả lời sự phỏng vấn của các ký giả kịch trường, nghệ sĩ Minh Điển nói:
    • “Sân khấu Thanh Minh Thanh Nga với người lèo lái đầy kinh nghiệm, với những soạn giả tài danh với nhiều tác phẩm có giá trị, với những diễn viên xuất sắc hiện nay, chính là nơi tôi có điều kiện phát huy khả năng ca diễn của mình, nương theo đà tiến chung của đoàn mà phát triển nghệ thuật và tên tuổi của tôi. Người làm ruộng tha thiết với mảnh ruộng của mình bao nhiêu thì tôi gắn bó với sân khấu Thanh Minh Thanh Nga bấy nhiêu vậy.”

    Nghệ sĩ Minh Điển cộng tác nhiều đoàn hát, lâu nhất là đoàn Thanh Minh Thanh Nga. Sau năm 1975, khi đoàn Thanh Nga thành lập lại, Minh Điển được mời hát lại cho đoàn hát của bà Bầu Thơ.




    Đến khi Thanh Nga mất, đoàn hát của Bà Bầu Thơ bị tập thể hóa, nghệ sĩ Minh Điển giải nghệ. Tôi đến nhà anh mướn ở ngỏ hẻm đường Phan Đình Phùng, gần Toà Đại Sứ Miên, hai đứa tôi ra đầu hẻm, uống vài chung rượu Ông Già Chống Gậy, ăn hột vịt lộn, bánh xèo, coi như một đại tiệc chia tay giữa hai bạn già. Tôi hỏi vì sao anh không theo đoàn hát nữa? Minh Điển buồn rầu nói:
    • “Má tôi mất. Sau khi an táng được ba tháng, Chi Ủy Xã An Trường vô chiếm căn nhà nền đúc, ba căn hai chái của gia đình tôi để làm văn phòng của Chi Ủy Xã. Lúc đó ở nhà chỉ có anh ruột tôi, thương binh VNCH (cụt một chân), vợ và ba đứa con. Chi Ủy Xã nói gia đình anh tôi không đủ tiêu chuẩn ở một cái nhà lớn như vậy. Họ hăm nếu chống lại thì anh tôi phải đi học tập cải tạo dù anh đã giải ngũ từ năm 1968. Gia đình giấu tin đó, cho tới khi Thanh Nga mất, đoàn tạm ngưng hát, tôi về xã An Trường quận Càng Long mới biết là đã mất nhà. Tôi đành về quê, hớt tóc sống qua ngày hơn là phải làm việc cho họ.”




    Năm 1980, Minh Điển trở về quê Trà Vinh, xã An Trường, anh che một mái chòi lá đơn sơ bên vệ đường, hành nghề hớt tóc, vợ anh mở một quán cóc bán rượu đế với các món nhậu là mận, ổi, khô cá sặc. Đôi khi chị Minh Điển nấu bánh tét, bánh ú bán kèm thêm để có thu nhập giúp chồng.

    Nhiều đoàn hát như đoàn Sàigòn 1, đoàn Saigon 3, đoàn Huỳnh Long mời anh cộng tác nhưng sau cái chết của Thanh Nga, sau khi bị mất nhà, anh không muốn làm việc dưới quyền của những người mới chiếm miền Nam nên lui về vườn ở ẩn. Anh không tham gia các chương trình văn nghệ của phường xã. Khi nào nhớ các bạn sân khấu, anh lấy cây đờn kìm treo trong chòi hớt tóc của anh để tự đờn tự ca cho một mình mình nghe.




    Năm 1984, tôi là phó đoàn Huỳnh Long, phụ trách nghệ thuật, khi đoàn Huỳnh Long về hát ở xã An Trường, Tôi rủ các nghệ sĩ Bửu Truyện, Châu Thanh Hoàng, Điền Phong, Tào Thành, Hoàng Nở và Bạch Tùng Hương kéo tới chòi hớt tóc của Minh Điển. Chúng tôi hỏi Minh Điển bảy người hớt tóc thì tốn bao nhiêu thời gian? Anh thợ hớt tóc Minh Điển cho biết hớt mỗi cái đầu 15 phút.

    Bạch Tùng Hương trưởng đoàn Huỳnh Long, từng làm thợ nhiếp ảnh của đoàn Thanh Minh Thanh Nga và cũng là bạn của Minh Điển, nói
    • cần một tiếng rưỡi đồng hồ để hớt tóc cho 7 người, vậy thì xin mời anh Minh Điển cùng nhậu với chúng tôi trong một tiếng rưỡi đồng hồ, coi như anh đã hớt tóc cho 7 người chúng tôi. Như vậy thì tiệm hớt tóc cũng có hoạt động, có thu nhập mà chúng tôi được tiếp đãi một người bạn nghệ sĩ đã từ lâu quy ẩn giang hồ.
    Minh Điển cười hề hà:
    • Mấy cha tới cái xứ của tôi. Tôi là thổ địa, tôi đãi, khỏi trả tiền hớt tóc. Mấy ông không nghe lời tôi thì tôi giận đó.
    Nói xong ông ra lịnh cho bà xã đem đến hai lít đế, chẻ ổi, lột bưởi, nướng khô. Anh dẹp cái chòi hớt tóc của anh bằng cách kéo sụp cái bửng dùng làm cửa mà ban sáng anh đã chống lên.

    Chúng tôi ngồi quây quần trên cái bàn thấp nơi quán cóc của vợ anh. Châu Thanh Hoàng lấy cây đờn kìm rao một câu, Bửu Truyện cao hứng ca hai câu vọng cổ, rồi Điền Phong, Tào Thành cũng hát Hồ Quảng. Rượu vô, lời ca ra. Minh Điển nổi hứng, ca bài Văn Thiên Tường trong tuồng Đôi mắt Người xưa, anh ca thêm mấy câu vọng cổ của vai ông Bảy Dom, Minh Điển vừa ca vừa khóc. Chúng tôi cũng khóc theo, rồi lại cười rộ lên vì bạn hiền gặp nhau phải vui, chớ sao khóc?

    Tiệc rượu có nụ cười, có nước mắt, có hò hét hô dô dô, có tiếng ca tiếng đờn loạn xạ. Chị Minh Điển cũng khi khóc khi cười, cười cái miệng méo xệch mà nước mắt còn ràn rụa trên má. Bữa đó chúng tôi té mương, lủi vô lùm vô bụi, Minh Điển say cứ nắm giữ chúng tôi lại, không cho đi. Lối xóm kéo ra nhìn chúng tôi, họ cũng tham gia cuộc vui bằng cách reo hò hoan hô khi nghe ca, cười khi thấy chúng tôi té bò càng… Vậy đó cuộc tiệc rượu thân mật của những tay “lương sơn bạc” ngày nay, nhậu rượu đế với ổi chấm muối ớt để gợi nhớ lại một thời vàng son của sân khấu cải lương.




    Nghệ sĩ Minh Điển mất vào trưa ngày 27 tháng 12 năm 1996, nhằm ngày 18 tháng 11 âm lịch năm Bính Tý, thọ 72 tuổi, an táng vào sáng 30 tháng 12 năm 1996 tức ngày 21 tháng 11 âm lịch tại quê nhà của anh, ở ấp 3, xã An Trường, Huyện Càn Long, tỉnh Trà Vinh. Không biết có bạn nghệ sĩ cũ nào đến viếng phúng điếu anh không?

    Khi nghệ sĩ Minh Điển mất thì
    • Nguyễn Phương đã định cư ở Canada được 7 năm.
      Các bạn nhậu buổi đó:
      • Bạch Tùng Hương, Hoàng Nở, Bửu Truyện thì đã mất trước nghệ sĩ Minh Điển,
      • các bạn Châu Thanh Hoàng và Điền Phong thì bị tai biến mạch máo não, tê liệt bán thân, giờ cũng về nơi vĩnh hằng!
      • Còn Tào Thành không biết lưu lạc ở phương nào.
    Nhớ lại những bạn cũ, các nghệ sĩ tài danh giờ đã khuất bóng, Nguyễn Phương chỉ còn biết tâm tâm niệm niệm nhớ nhớ thương thương các bạn hiền xưa thôi.


              
    Nhớ các bạn nghệ sĩ xưa, thời còn tự do hạnh phúc.

    Soạn giả Nguyễn Phương