Nghề chơi cũng lắm công phu: Claude Monet, Họa sĩ Của Ánh Sáng

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Nghề chơi cũng lắm công phu: Claude Monet, Họa sĩ Của Ánh Sáng

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Nghề chơi cũng lắm công phu:
    Claude Monet, Họa sĩ Của Ánh Sáng




    “…. Nghề chơi cũng lắm công phu,

    Làng chơi ta phải biết cho đủ điều…”
    Nguyễn Du. Kim Vân Kiều (câu 1202- 1203)

    – “Với Claude Monet, nước cũng cả là một sự sống động, có chiều sâu và là sự thật! Nước, rung chuyển, xoáy thành giòng, rung động, nhịp nhàng quanh những chiếc thuyền con, bập bềnh cùng với những bụi lục bình xanh đầy hoa trắng. Nước chuyển mình, trãi dài thành những ao con gợn sóng dưới ngọn gió chiều. Nước kéo dài, bẻ gảy những cột bườm đang soi bóng, hòa trộn vào ánh sáng tò mò, len lỏi, soi rực những giọt nước đục ngầu – Chez Claude Monet, l’eau est vivante, profonde, vraie surtout. Elle clapote autour des barques avec des petits îlots verdâtres coupés de lueurs blanches. Elle s’étend en mares glauques qu’un souffle fait subitement frissonner, elle allonge les mâts qu’elle reflète en brisant leur image, elle a des teintes blafardes et ternes qui s’illuminent de clartés aigües”.

    Émile Zola 1868. PVS dịch thoát

    Thằng con Cả của gia đình tôi, Cyril “Kongo” Phan, họa sĩ Đường Phố – Graffiti, được giới nghệ sĩ quốc tế gọi là Mister Colorful, Ông Mầu Sắc, vì hắn “chơi” mầu sắc rất độc đáo và đặc biệt, thường, thỉnh thoảng khi cha con gặp nhau, để gạt bỏ ngoài tai, những chuyện làm ăn hay thị phi ồn ào, để cần cha con thoải mái nói chuyện gia đình, riêng tư, tình tự, thường rủ tôi đi thăm Vườn Giverny, nơi có Museum Claude Monet.

    Giverny, xa Paris khoảng 75 cây số, trên một giờ lái xe, nơi xưa kia là tư thất của họa sĩ Claude Monet, nhưng nay là nhà triễn lãm thường trực của tất cả công trình nghệ thuật của danh họa Claude Monet, người cha đẻ của trường phái hội họa Ấn Tượng – Impressionnisme! Con tôi rất mê Monet, vì ông là họa sĩ của Ánh Sáng! Ông là ông thầy của cách chơi Ánh Sáng!

    Ông có thể vẽ, chỉ một cảnh, chỉ một chủ đề, chỉ một góc độ nhìn, nhiều tranh khác nhau, với nhiều thời khắc khác nhau, với nhiều ánh sánh khác nhau, sáng trưa chiều, rạng đông, chạng vạng, hoàng hôn… Chỉ một cảnh vật, nhưng họa thành nhiều tranh với nhiều ánh sáng khác nhau… Thật đúng là triết lý của cuộc đời, cũng một con người… thời gian khác nhau, cái nhìn khác nhau, những con người khác nhau! Bài học nghệ sĩ, bài học đời!

    Đến Giverny, viếng mãnh vườn thật của ngày nay, xong, nhìn cũng mãnh vườn ấy qua những tranh đã được vẽ cách đây, trăm năm có lẽ,… cảnh tranh, cảnh thật… Hai cha con tôi, tuổi đời, cách nhau một phần tư thế kỷ! Con tôi ngày nay, thằng tôi ngày xưa! Tình tự về hội họa, tình tự chuyện đời như hai người bạn, hắn là tôi, tuổi trẻ, tôi là hắn tuổi già? Một ngày thoải mái, một thoáng vô tư, thằng Cả tôi rửa cái đầu, quên công việc, hưởng cái đẹp, và tôi, tôi tìm lại thằng con thân yêu, không còn thằng nghệ sĩ bận bịu với nghề, với khách hàng, với cái hằng ngày… Một khoản khắc gia đình quý giá!

    Quý bà con thân, quý thân hữu quý,

    Nếu có dịp, quý vị qua Pháp du lịch! Nếu có dịp, quý vị lên Paris du lịch! Hãy bỏ tý thời gian đi thăm Giverny! Nếu quý vị không thích hội họa, quý vị sẽ thưởng thức mãnh vườn (rất Á Đông), vì mãnh vườn cũng được Monet, tạo để giúp công trình hội họa của Claude Monet. Claude Monet đã vẽ, chỉ riêng, cho giàn bông súng trên chiếc ao nhà, không biết bao nhiêu tranh, chỉ khác giờ, khác ánh sáng thôi! (Bộ tranh Nymphéas – Bông súng). Đáng để, quý bạn bỏ một ngày viếng thăm!





    Mầu Đen không phải là một mầu sắc:

    Claude Monet, sanh ngày 14 tháng 11 năm 1840, tại số nhà 45, đường Lafitte, Paris, Pháp. Cha là Adophe Monet, mẹ là Louise-Justine Aubrée. Năm 1845, gia đình rời thủ đô Paris để dọn về Le Havre, thành phố cảng phía Bắc nước Pháp. Tuổi thơ, chàng học rất tầm thường, chỉ thích vẽ. Năm 1851, mới 11 tuổi, mà chàng đã bắt đầu vẽ những chân dung các thầy giáo, cô giáo của chàng và các nhơn vật chánh trị. Năm 1857, mất mẹ, chàng đành bỏ học, và về ở với bà dì Jeanne Lecadre. Bà Jeanne Lecadre lại là một họa sĩ tài tử, sống sung túc ở một biệt thự với một mãnh vườn khang trang, đẹp đẽ. Năm 1859, chàng gặp Eugène Boudin, một nhà báo chuyên nghiệp ngành hội họa. Và nhờ Eugène Boudin dẫn dắt, giới thiệu, chàng được đi vào, làm quen với giới tài tử hội họa, nhứt là với nhóm nghệ sĩ chuyên vẽ cảnh ngoài trời (Lúc bấy giờ, hội họa thường sáng tác trong xưởng, với người mẫu). Được bà dì giúp đỡ, chàng “lên” Paris, tập tửng vào nghề, bán vài bức hình vẽ – dessins – của chàng, la cà làm quen với các galeries – các phòng triễn lãm, lang thang nhập cuộc vào các buổi nhậu ở các quán bia – brasseries – bắt tay vào họa tranh – toiles, và bắt đầu triễn lãm – expositions.

    Tháng 4, năm 1861, 21 tuổi, chàng nhập ngũ, đi quân dịch, bị phái đi Algérie, phục vụ tại Trung đoàn 1, khinh binh Phi Châu – 1er régiment de chasseurs d’Afrique. Vì mắc bệnh thương hàn, nên chàng bị gởi trả về Pháp. Chàng về đến cảng Havre năm 1852. Nhờ bà dì ứng tiền bồi hoàn chánh phủ, nên chàng được giải ngũ sớm.

    Và ghi tên nhập trường Mỹ Thuật Hoàng gia Paris – École impériale des beaux-arts de Paris. Ở đấy, chàng học cùng với Sisley, Renoir (những tài danh về họa sau nầy) và đặc biệt chàng được hoạ sĩ Bazille rủ chia xưởng vẽ và sáng tác chung cho đến lúc Bazille mất.

    Năm chàng 26 tuổi, tiếng sét ái tình. Nàng, Camille Doncieux, nguyên là người mẫu của Manet và Renoir. Nàng nhận làm người mẫu cho chàng và chẳng chốc cùng nhau xây tổ uyên ương, năm 1870. Từ nay có gia đình, hai vợ chồng cần một cuộc sống ổn định! Paris quá đắt đỏ, đời sống khó khăn, tranh chàng không bán chạy, bèn dọn nhà ra ở Argenteuil, ngoại ô Paris. Và cũng để dễ bán, từ nay, chàng không vẽ tranh khổ lớn nữa. Tình trạng gia đình càng khó khăn với những cơn bệnh của Camille. Năm 1879, sau khi đã đẻ cho chàng hai đứa con, nàng mất vì bệnh lao phổi.

    Claude Monet, được một gia đình một mạnh thường quân, ông bà Hoschedé, một kỹ nghệ gia ngành vải, một người mê và sưu tập tranh của Claude Monet giúp đỡ. Và mời Claude và hai đứa con mồ côi mẹ về sống với gia đình họ gồm hai vợ chồng và 6 đứa con, ở Véneuil, gần Pontoise… (tất cả những địa danh nầy đều nằm ở ngoại ô của Paris).

    Năm 1881, ông chồng mất, bà vợ Alice và Claude bèn sống chung với nhau và dọn ra ở riêng ở Poissy. Cuộc tình hai người tạo một xì-căng-đan lớn ở Paris lúc bấy giờ! Thế nhưng, tranh của Claude Monet lại gặp thời, bắt đầu có giá. Và tình hình kinh tế gia đình cũng theo đó mà khá hơn! Các galeries – phòng triễn lãm, cạnh tranh trưng bày Claude Monet. Khách Pháp thích đã đành mà cả khách ngoại quốc nữa, đặc biệt khách bên kia bờ Đại Tây Dương.




    Năm 1883, hai vợ chồng cùng tám người con, tậu một căn nhà to rộng ở làng Giverny, một trang trại với một mãnh vườn rộng cả một hecta với cây ăn trái, và vườn hoa, cách Paris khoảng 70 cây số. Từ đây, Claude Monet có hẳn một mạng lưới người mê và chơi, sưu tầm – collectionneurs – tranh ấn tượng – impressionnistes – đặc biệt với khách hàng Huê Kỳ.

    Từ nay, Claude Monet đã thành danh, là một nghệ sĩ thành công với một cuộc sống ổn định! Alice và Claude có dịp chu du khắp thế giới.

    Dù thương vụ nghề bán tranh có khi trồi có khi sụt, nhưng cuộc đời của Alice và Claude từ nay, sung túc hẳn ra. Cho đến năm 1909, Alice đau nặng và mất vào tháng Năm, 1911. Năm sau, Claude Monet bị bệnh đục tinh thể mắt – cataracte – lòa dần. Phẩm chất tranh bị ảnh hưởng. Năm 1914, Claude mất người con trưởng, và năm 1919 Auguste Renoir người bạn thân. Từ nay, bước vào giá vẽ là một khó khăn, chàng quyết định xin mổ mắt, năm 1923, nhưng, sau đó, thị giác cũng không khá hơn. Ngày 5 tháng 12 năm 1926, Claude Monet mất, sau một cơn sốt sưng phổi do căn bệnh ung thư phổi hoành hành.

    Ngày đám táng, Georges Clémenceau, Chủ tịch Quốc Hội (Chế độ nước Pháp dưới thời Đệ Tam Cộng Hòa là Đại nghị Chế – parlementaire. Chủ tịch Quốc Hội – Président du Conseil cũng là Chủ tịch Chánh phủ – không có chức Thủ tướng). Georges Clémenceau, Chủ tịch Quốc Hội, thay tấm vải đen phủ linh cửu Claude Monet bằng một tấm vải nhung mầu xanh nhạt của hoa pervenche, mầu tím của hoa myosotis và mầu đỏ của hoa hortensia – une cretonne ancienne aux couleurs des pervenches, des myosotis et des hortensias”.

    “Không – ngài thốt lên – Với Monet không được dùng mầu Đen – Mầu Đen không phải là một mầu sắc – Non! Pas de noir pour Monet! Le Noir n’est pas une couleur!”.

    Sau thánh lễ ở nhà thờ Sainte Radegonde, Monet được đưa về an nghĩ ở nghĩa trang Giverny.

    Từ căn nhà hạnh phúc đến một bảo tàng viện:

    Trang trại Giverny, cùng toàn bộ những tranh quý, cùng bộ sưu tầm tranh Nhựt Bổn, cả gia tài được giao cho con trai là Michel hưởng và cai quản. Nhưng Michel, năm ấy đã 48 tuổi, quý phái, đẹp trai lại thích đi săn voi bên Phi Châu hơn là quản thủ gia tài của cha mình để lại. May thay, toàn thể Giverny, trang trại, vườn tược được anh làm vườn Lebret chăm sóc, cho đến ngày mất của Lebret – tháng 12 năm 1947. Cũng từ đó mãnh vườn bị bỏ hoang, thiên nhiên trở lại làm chủ. Và càng ngày càng bị hoang phế cho đến khi Michel mất vì một tai nạn xe.

    Không người thừa tự, nên Michel, đã viết di chúc tặng toàn bộ cơ sở và gia tài mỹ thuật cho Viện Mỹ Thuật – Académie des Beaux-Arts. Viện Mỹ Thuật, gởi toàn bộ sưu tập tranh Nhựt Bổn và tranh của Claude Monet cho Viện Bảo Tàng Marmottan trong lúc chờ đợi, sửa sang. Nhưng làm lại từ cái mái căn nhà, đến sửa sang, sơn phết, trang điểm toàn bộ mãnh vườn, là cả một tốn kém. Như muối bỏ biển, làm bao nhiêu cũng không xuể.

    Năm 1977, Viện Mỹ Thuật giao cho Gérald Van der Kamp. Van der Kamp, với một ít phụ cấp chánh phủ, mở một chiến dịch bảo trợ. Tiền đến từ mọi nơi, nhiều nhứt ở Mỹ. Và trong nhiều năm, tổ chức một cuộc tân trang, tái phục hồi trang trại Monet. Mãnh vườn được thiết kế lại hoàn toàn, chiếu theo những hình ảnh của những bức tranh của Claude Monet. Bộ sưu tập Nhựt Bổn từ nay, được treo, sang trọng, trang hoàng những bức tường của phòng khách, phòng ăn, phòng hút thuốc, y như thời sanh tiền của Claude Monet. Toàn thể trang trại Giverny, sở hữu của Claude Monet, nay đã hoàn toàn tân trang lại, là một Viện Bảo Tàng mở cửa rước du khách dưới sự quản trị của Fondation Monet-Viện Monet ra đời năm 1980.

    Từ nay, cho đến đầu mùa Đông, mãnh vườn trăm hoa đua nở, với những loài hoa, loài thảo mộc, được đã được trình bày trên những tranh của Claude Monet. Và Monet cũng tâm sự rằng nhờ những loại hoa nầy mà Monet đã trở thành họa sĩ. Mãnh vườn với 25 ngàn gốc thảo mộc khác nhau, cùng căn nhà xinh xắn, cũng như xưa, với những mầu trắng xanh vàng, với những bức tường gắn carô sứ – carreaux de faïence – hay dán giấy mầu – papiers peints – từ nay hấp dẫn, sống động! Mỗi Mùa Xuân đến, mang đến nửa triệu du khách, sắp hàng, chen lấn nhau hằng năm đến chiêm ngưỡng cái căn nhà đầy hạnh phúc nầy đã bao nhiêu năm ru hồn chàng họa sĩ của những khoảng khắc – le peintre de l’éphémère – ông Thầy của Phái Ấn tượng – Le maître de l’Impressionnisme nầy!

    Ấn Tượng: Ngàn Thu trong Tạm Bợ:

    L’Impressionnisme: Saisir l’Éternel dans le Transitoire:


    Cái tên “Impressionniste” do một anh bình luận hội họa của tờ nhựt trình “Charivari”, năm 1874, dùng để chế ngạo bức tranh “Impression Soleil Levant – Cảm Xúc buổi Bình Minh” do chính Claude Monet vẽ hải cảng Le Havre nhìn qua cửa sổ phòng mình năm 1872. Nhà phê bình dùng từ “sự chế nhạo của trường phái ấn tượng – la dérision d’école impressionniste” để định nghĩa bức tranh nầy!

    – Vào tên ấy chết luôn, biến thành tên chung của nhóm các nghệ sĩ trẻ cùng thời với Claude Monet, đang tìm cách cởi trói, phá luật, phá lệ, phá mọi ràng buộc của 4 thế kỷ luật lệ Hội họa. Và tất cả, đều từ nay biến thành những họa sĩ phái ấn tượng – les impressionnistes! Dĩ nhiên là Monet, nhưng cũng là Manet, rồi Renoir, hay Berthe Morisot, hay Caillebotte hay Degas… Tất cả một lòng, xa lánh, vứt bỏ, phá lệ… Tất cả xa lánh, vứt bỏ cái hội họa cổ điển của các bực thầy, dùng… mầu đen, dùng mầu xám, để tạo bóng, để tạo cái tranh tối tranh sáng, để tạo chiều sâu, để tạo bóng tối, để tạo cái ẩn hiện… Tất cả xa lánh, vứt bỏ những luật lệ trộn mầu để vẽ những nhơn vật, để vẽ những hình ảnh, với nhiều chi tiết, như một bức hình chụp… Đối với họ, tranh là một cái gì, táo bạo, màu sử dụng nguyên chất, dầy cộm,… Bỏ đi những nét vẽ sắc sảo, sao đúng sự thật,… Cái quan trọng là mầu và ánh sáng.

    Chẳng chốc các phòng triễn lãm, thời ấy, tẩy chay,… cấm cửa, không nhận những anh chàng “tô mầu dốt đặc ngành hội họa nầy – ces barbouilleurs qui ne maîtrisent pas la peinture”. Thật vậy, với đám nghệ sĩ mới nầy, hội họa là một quan niệm trừu tượng, gồm ánh sáng và mầu sắc.

    Kỹ nghệ làm sơn trình sơn dưới dạng những ống sơn mầu đã mở cửa người nghệ sĩ. Từ nay, có thể vác gía vẽ ra đồng, ra ruộng để vẽ tranh bán, không cần phải ở trong xưởng vẽ nữa! Giá vẽ lưu động, con người lưu động, cây cọ nhẹ nhàng nhảy múa, với những nét chấm phá, nhịp nhàng, người nghệ sĩ không cần đi tìm một cái đúng, một cái thực, mà chỉ đi tìm cái động cái dáng, cái ảnh… Những hình, những dáng, những ảnh nhòe đi, nhảy múa… trong các khung đầy ánh sáng… Những nhơn vật, lẫn lộn, hòa trộn trong một không gian đầy ánh sáng, đầy mầu sắc… giòng nước, ánh sáng, mầu sắc không hòa trộn nhau mà đặt cạnh nhau để chính đôi mắt của người ngắm tranh hòa lẫn, trộn lẫn nhau…

    Các nghệ sĩ ấn tượng chơi mầu, chơi ánh sáng, táo bạo, ngoại lệ, lợi dụng khói, sương, nước và ánh sánh phản chiếu trong những vật ấy… Họ có thể ngồi hàng giờ, để rình bắt cho được một giọt nắng, một ánh mặt trời, thấp thoáng, le lói, phản chiếu… trong một khung cảnh rất bình thường, rất hằng ngày… Claude Monet, chẳng hạng, mê mẫn, có thể suốt một ngày, chỉ đi tìm một ánh nắng, một giọt sáng “có ý nghĩa – để đối thoại với tâm hồn chàng”… Nếu không tìm ra, chàng không ngần ngại, xóa bỏ, rửa sạch bức tranh bằng xà bông và vẽ lại … Chàng không muốn sao chép, hay chụp hình thiên nhiên, chàng muốn tả thiên nhiên qua cái nhìn, các xúc động của mình… chàng muốn thiên nhiên đối thoại với mình….

    Để kết luận:

    Ngày nay, thị trường tranh của phái ấn tượng đang phá tất cả những giá cả trên thị trường. Vừa qua một bức “Bông súng – Nymphéas” được bán với giá 30 triệu euros.

    Mong sao các bảo tàng Viện Pháp đừng vì ham tiền, đem bán các tranh Ấn tượng…

    Hồi Nhơn Sơn, một Tháng Tám đầy nắng

    Phan Văn Song


    Nguồn:http://vietluan.com.au


              
Trả lời

Quay về “Phan văn Song”